Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
867
116.626.004
 
Vỡ Tổ
Đặng Kim Côn

Bà Kim buông cái điện thoại xuống bàn ăn, thờ thẫn, ông Kim cũng ngừng đũa hỏi :

- Gì vậy em?

Ngập ngừng một chút, không phải vì muốn dấu chồng, nhưng cơn choáng váng vẫn còn quay bà cơ hồ ngồi còn không muốn vững, bà lắc lắc cái đầu, như là để khai thông cho mấy mạch máu chạy đều lên não, rồi trả lời ông :

- Thằng Ca nó nói thằng Tí đi với nó, đằng nào nếu Hoài dọn về thì Hoài cũng đã có đủ nệm giường cho bố mẹ vợ nó rồi, nên Ca muốn xin bộ nệm trong phòng mình cho Tí nằm. Em hỏi, vậy mai mốt bố mẹ về lấy gì ngủ.

 

Hai vợ chồng thở dài nhìn nhau, giữa cái không khí u uất nặng nề bao quanh bữa ăn. Họ đang đứng trước bờ vực của phá sản, mà cái tài sản lớn nhất của họ là sự đùm bọc nhau suốt gần ba mươi năm qua mà bà đã cố chiu chắt từ Việt Nam sang Mỹ cho bầy chim con vẫn còn được chen chúc nhau trong cùng một cái tổ, mặc dù bà biết, mỗi ngày cái tổ một thêm chật hẹp mà lại bớt đi ấm áp .

 

Ca là đứa con trai lớn sau một người chị cả trong số sáu người con của bà mười bốn năm trước đã cùng sang Mỹ theo chương trình HO của bố dượng, trong đó, chỉ có Út Thục là con chung của ông bà Kim. Vợ chồng Ca cũng đã hơn năm năm co cụm ở một trong bốn phòng nhỏ của căn nhà đó, kể cả sau đó ba đứa con lần lượt ra khỏi. Vợ Ca là Út cưng xinh xắn của một đại gia ít con cùng quê, bạn thân của ông Kim, mà hôn sự được tác hợp bởi hai anh sui cùng sự háo hức nhau của hai trẻ. Chả là khi xưa ta bé ấy, khi còn ở Việt Nam, nàng rất khâm phục một anh Ca tài hoa, học giỏi, hai anh em Ca, Hoài có huy chương quốc gia về bộ môn võ thuật, đứng đắn đàng hoàng, không ăn chơi, không rượu chè, café thuốc lá, là mẫu mực để nhiều phụ huynh nêu ra mà hướng dẫn con mình. Thì cũng là khen, nhưng có người nói nhờ bố khéo dạy, có người lại không thích đề cao ông bố dượng võ sư kia, nói là phúc nhà, gặp con cái nó ngoan. Còn Ca thì từ khi nàng mới lúp búp hơn mười tuổi, đã nhìn nàng như một thiên thần mà Ca nghĩ chung quanh nàng có một lớp hào quang sang cả, ngăn từ bước chân đến ánh mắt trần tục của chàng. Mà thật, dù là hai ông bố có thân nhau đấy nhưng cái khoảng cách giàu nghèo vẫn là một bức tường cao đến nỗi chàng có phi thân giỏi như Thần Điêu Đại Hiệp thì cũng chỉ phi đến chân tường là hết trớn. Và nếu gia đình chàng không đi Mỹ, thì e bức tường kia cũng không có lý do gì phải thấp xuống cho cái cơ hội gõ cửa của chàng.

 

Lúc chưa về nhà này, ông bà Kim và năm đứa con sống ở một căn chung cư thuê hai phòng, ba đứa con trai Ca 23 tuổi, Hoài 21 tuổi và Phương anh 16 tuổi ở chung một phòng và vợ chồng ông bà với hai gái út, Phương em 15 tuổi và Út Thục 7 tuổi ở một phòng. Họ nêm nhau mà sống suốt năm năm trời. Năm năm, cũng không ít những lúc đồng tiền đã làm chén bát trong sóng phải khua, nhất là ông thấy mình là người thiệt thòi nhất, mà đáng ra mọi người phải thấy “cái công” dưỡng dục, cưu mang của ông phải xứng đáng hơn, phải được bù đắp nhiều hơn cho những nhu cầu của thân nhân, bạn bè quê nhà. Ông không hề biết gì đến tiền bạc, lương nhiều ít gì ông đưa hết cho bà và không để ý gì đến chuyện thiếu đủ, miễn là khi cần bà và mấy đứa con phải có, nhưng mà ông muốn họ phải có bằng tấm lòng, bằng sự quan tâm hỏi han, tự nguyện lo hộ ông những chuyện ơn nghĩa chứ không phải đợi ông hỏi tới. Mà ông càng không hỏi thì càng nghi kỵ tiền bạc đi đâu, tại sao ông đưa mọi người qua đây để rồi ai cũng có những nhu cầu riêng tư mà không lý gì tới ông, ông đâm ra lùng bùng, lúng búng, gắt gỏng mà không thốt nên lời, và bầy con riêng của vợ như mỗi lúc một giãn lần cái gắn bó tình thân vừa cha con vừa thầy trò, vừa sùng kính vừa thương yêu như ngày nào. Chúng trở nên Mỹ hơn, ông muốn há miệng nói điều gì, chúng quay phắt vào phòng dập cửa lại là xong. Có lần ông lén vợ ghi mấy câu nơi hộc bàn chỗ làm chung của ông bà “đánh sầm cửa lại là xong, là hai thế giới một trong một ngoài”. Dù vậy, ngoài mặt mọi người vẫn thấy ông bà vui vẻ như bao giờ. Tình trạng bằng mặt không bằng lòng ấy dịu đi khi mọi ơn nghĩa có phần lắng xuống, Ca và Hoài lấy vợ, và họ quyết định thắt lưng buộc bụng hùn nhau mua trả góp một căn nhà bốn phòng, sau sửa thêm cái garage làm phòng ở nữa là năm.

Năm 2000 giá nhà đã khá cao, nên tiền trả hàng tháng gấp ba lần tiền thuê chung cư, là một con số quá nặng so với đồng lương công nhân thắc thỏm của họ. Lúc đó, thay vì nghỉ làm để đi học, Ca phải bớt giờ học, khuya khuya dậy đi bỏ báo cùng với hai đứa em để phụ tiền nhà. Ca cũng đã từng vùng vẫy tìm một con đường ngắn, đã bỏ nhà theo bạn bè đi Misouri làm ở một hãng thịt, hy vọng đồng lương cao hơn giúp nó yên tâm học hành hơn, nhưng kết quả không như ý lại quay về Cali, nên việc đi bỏ báo đã làm Ca bực bội không ít, “Mẹ làm con vỡ kế hoạch” dù là thực tế, việc kiếm tiền của Ca không hoàn toàn đóng góp đầy đủ, mà Hoài, em kề Ca đã rất nhiều tháng phải trả thay. Nhưng cái vẻ mặt đại ca khó chịu của ông anh, và sự cam chịu cố hữu của Hoài rồi mọi việc cũng qua đi, Hoài không thắc mắc và mọi người cũng không dám ý kiến. Rồi thì Ca cũng lấy được tấm bằng kỹ sư điện, bảo lãnh vợ qua, có thêm con cái, có việc làm ổn định, lương hơn 80 ngàn một năm và hình như cái khoảng cách tình cảm với gia đình bắt đầu nới rộng ra, Ca có vẻ kiêu kỳ, tự đắc, nhiều lúc ông bố dượng nhắc khéo “may mà nhà mình đi Mỹ con cái mới có cơ hội phát triển...”, Ca cao giọng, mà ông có cảm giác nó trách ông tại sao đem nó qua Mỹ “cậu nói vậy chứ bạn bè con ở Việt Nam toàn tỷ phú, có đứa tháng kiếm hơn ba ngàn đô”. Ông ngán ngẩm nghĩ thầm, mấy đứa đó là ai và có bao nhiêu đứa được như vậy? Có phải nó tỷ phú thì con cũng tỷ phú không? Có biết bao nhiêu bác sĩ kỹ sư đã có cơ sở vững vàng ở Việt Nam vẫn bỏ hết để qua Mỹ, có biết bao nhiêu du sinh tốt nghiệp rồi đã chấp nhận chịu mất tiền thế chân, chịu cho chính quyền họ phạt gia đình, tìm mọi cách ở lại, chúng nó còn nói, nếu phải mất tiền tỷ để ở lại chúng cũng chịu.

 

Được cái là vợ Ca, lúc đầu bà Kim ái ngại sẽ mang thói tiểu thư nhà giàu đỏng đảnh, lại rất ngoan hiền, đảm đương quán xuyến nhà cửa cơm nước cả gia đình. Ông Kim gọi phone cho anh sui “cám ơn mày đã cho tao một cô con dâu tuyệt vời. dọn dẹp, cơm nước gì cũng giỏi hết”, anh bạn cười hề hề, “phước nhà mày thôi, cam trồng ở Việt Nam chua, đem hạt qua Mỹ trồng lại cho quả ngọt, thủy thổ đó mà”. Ngược lại thì vợ Hoài, từ một quen biết đơn sơ, lỏng lẻo, thì lại không ngoan như con của những gia đình nhà nghèo khác. Được làm vợ Hoài, qua Mỹ chỉ vì cái lý do duy nhất : nghèo. Ông bà Kim đã từng nghèo mạt rệp nên gặp lúc con nó muốn lấy vợ gấp - để trốn chạy một nỗi tủi buồn nào đó - nghĩ ra được một quen biết thì ông bà khuyến khích ngay, coi như làm một việc thiện, giúp đỡ được cho không phải là một người mà là một gia đình, nhưng cô dâu này thì lại chả tội tình gì phải lo cho ai, tất cả chỉ tìm cách xỏ mũi thằng chồng hiền lành, phải nhặt nhịn, tom góp gánh thêm một cái gánh nâng cấp một gia đình đông con khốn khó thành một gia đình Việt Kiều. Em trong nhà, nhất là mấy mụ o nhọn mồm bất mãn bà chị dâu nhưng Bà Kim thông cảm, ít ra nó cũng là đứa con có hiếu. Có lúc bà thể hiện tình cảm của bà “Mẹ thương con lắm, Bố Mẹ cũng đã từng nghèo nên Mẹ rất hiểu. Nếu Mẹ có ít thương Chị Ba hơn con thì cũng không phải là thiếu công bằng, vì nhà chĩ giàu, chĩ được nuông chiều, muốn gì có nấy, không phải lớn lên trong sự thìếu thốn, thèm khát...” Đó là cái lòng thật của bà, nhưng đã bị hiểu là bà khinh gia đình cô nghèo. Rồi thì cô gọi về quê, gọi về gia đình khóc lóc, nói hành nói tỏi gia đình chồng đến nỗi ở quê, một phần ganh tỵ cái vé số ăn theo đi Mỹ của mẹ con bà, một phần cũng thích thấy gia đình người khác, nhất là những gia đình mà họ nghĩ khá hơn họ, phải sụp đổ, đã một đồn mười, mười đồn trăm, người nói bà đã bỏ ông theo Mỹ đen, người thì chê bai xem ông bà là mất gốc, tiểu nhân đắc chí, mới nghèo đó bây giờ có vài đồng đô la sinh trời đất, là một bà mẹ chồng độc ác, khinh người. Ông nói với bà “em lộn rồi, nhà đông con có lẽ dạy dỗ không chu đáo, với lại nó đâu được học hành gì đâu mà nó hiểu em nói gì, cho ăn gì cũng bất tri kỳ vị thôi”.

 

Kinh tế khủng hoảng, hãng không đủ hàng làm nên chỉ còn duy trì cho công nhân ngồi ngày 8 tiếng, lương hai vợ chồng trừ đi tiền bảo hiểm y tế, tiền để dành 401k, tháng lãnh ra còn không tới hai ngàn, hai ngàn cho đủ thứ trên đời, tiền nhà, tiền xe, xăng nhớt, bảo hiểm xe, bảo hiểm nhân thọ, ăn mặc và đôi khi còn nhân nghĩa, quán xá nữa. Thâm thủng, mỗi ngày một thêm nặng nề, mỗi ngày một thêm cạn kiệt. Như ngồi trên đống lửa đã cháy sém đến đít, bà gọi hỏi thăm Thanh, chị cả của Ca và Hoài mới được bà bảo lãnh qua gần một năm, đang đi làm nails cho tiệm của một chú em họ gần của ông ở Florida, rồi quyết định bỏ việc, và lần đầu tiên trong hơn 20 năm, xa chồng, theo Thanh đi làm nails, một công việc mà bà hoàn toàn không thích, dù là bà đã có bằng hành nghề từ lâu. Buổi tối trước ngày chia tay, vợ chồng nằm ôm nhau khóc, biết là ông không hề để ý gì đến tiền bạc thiếu đủ, bà tính cho ông thấy cái khoảng cách chênh lệch của hai khoản thu chi, ông nhận ra, đó là một quyết định chẳng đặng đừng. Thế là bà lên đường, bỏ lại hắt hiu ngày ngày đi về phòng không chiếc bóng cho tới mấy tháng sau, nhận thấy khoản thu nhập của bà không tệ, có thể đến hơn tiền lương làm hãng của cả hai vợ chồng, bà muốn ông sang ở với bà cho đỡ buồn nhớ và đỡ vất vả, và ông lại bỏ việc đi Florida theo vợ. Thằng Tý con chị Cả tiếp quản căn phòng ông bà ngoại thay vì ở phòng khách như lâu nay. Mấy anh em trong nhà phải gánh thêm khoản tiền nhà mà ông bà cùng góp trả hằng tháng. Ngỡ tốt hơn, hóa ra thấy vậy mà không phải vậy, bớt đi ông bà trong nhà nghĩa là chất lên vai con cái thêm một trọng lượng không nhỏ cái gánh chi phí vốn đã quá sức, chuyển cái phần đóng góp chi phí sang chi trả cho các sinh họạt ở Florida, trong khi  ông thì không thể có việc làm mới cũng như cả ông bà mất hẳn bảo hiểm y tế.

 

Cái garage sửa làm cái phòng ngủ của Hoài kia đã trở thành cái lô cốt kiên cố của cô vợ. Đi làm, đi đâu thì thôi, còn về thì chỉ ra ngoài lúc tắm rửa, vệ sinh. Đứa con gái 2,3 tuối của cô cũng bị nhốt cứng trong phòng đến nỗi mỗi lần cần mở cửa là bé tông ra ngoài gào khóc, nhưng chỉ để lãnh một trận đòn kiểu Việt Nam. Có đau, có khóc thì cứ trong phòng ấy mà khóc.

 

Rồi vợ Hoài cũng đậu được vào quốc tịch Mỹ, đã bảo lãnh được cha mẹ cô qua, và Hoài cùng vợ đã dọn ra khỏi cái garage, thuê một căn chung cư hai phòng ở chung với cha mẹ vợ, bỏ lại một khoản không nhỏ phần tiền tháng của ngôi nhà. Phương em lâu nay thuê phòng ở ngoài với bạn nay dọn về garage, cùng với cô em Út, gánh phần tiền nhà của Hoài, nhưng đó là con số không nhỏ đối với hai đứa con gái út chỉ đi làm bán thời gian và vẫn còn đi học. Ca đã nhiều lần ta thán với Mẹ, nhà chật chội con cái không có chỗ chơi, lại phải trả tiền cao, ý Ca là đã muốn dọn đi từ lâu.

 

Giá nhà năm 2000 mua gần 450 ngàn, trả góp 30 năm cả tiền lời là phải trả hơn một triệu, năm 2004, 2005 nhà lên khoảng hơn 600 ngàn, đến 2008 chỉ còn trên dưới 300 ngàn, Ca cho rằng nhiều người nói giá trị căn nhà không đáng để mỗi tháng phải trả 2500 đô trong 22 năm nữa, nghĩa là Ca muốn đề nghị Mẹ bỏ nhà cho ngân hàng nó làm gì làm. Nhưng mẹ Ca nghĩ tới mấy đứa em Ca tan đàn xẻ nghé, vợ chồng có về Cali lại không biết ở đâu, nên năn nỉ con cố gắng bịn tới đâu hay tới đó để phải không ít lần khổ tâm nghe Ca cằn nhằn tới cằn nhằn lui.

 

Rồi chuyện phải đến đã đến, vợ Ca bảo lãnh được cha mẹ và sắp qua, Ca đã kiếm thuê được chỗ mới và đang dọn đi, Ca muốn đem theo Tý để định nhờ chị nó phụ cho nó tháng 500 tiền nhà.

 

Hai ông bà ngồi thừ ra, bao nhiêu điều lo lắng ập tới cùng lúc, giấy tờ, đồ đạc nặng nề trong nhà ra sao, đứa nào lo nếu mỗi đứa đều sẽ kiếm thuê riêng một căn phòng nhỏ nào đó, nhất là mấy cái bàn, ghế, tủ, áo quần, sách  báo giá trị và rất nặng nề, không tính là cả ngàn cây kiểng, bonsai bị quên nước chết đã hơn một nửa.

 

Cái nguy cơ bỏ nhà mà bà Kim và Hoài đứng tên cho nhà bank kéo đã mấp mém bên bờ vực thẳm, khó tránh một cơn gió bất chợt nào đó sẽ xô tới, hoặc tự nó sẽ buông tay thả mình rơi xuống khi mà sự chịu đựng đã quá mỏi mê, rã rời.

- Chắc anh phải về để gom góp giấy tờ và sắp xếp gửi mấy cái đồ đạc.

- Để tự mấy nó lo đi. Gì cũng mất còn sá gì mấy cái lẻ tẻ đó. Em nói con gọi cho Hoài xem nó tính sao, liệu nó có đem gia đình nó về được không, phòng Ca và phòng mình là hai phòng cũng như chỗ nó thuê.

- Có điều vợ nó ra khỏi nhà thì đã như chim sổ lồng, phải quay lại để tiếp tục đóng phim ở tù thì khó quá. Lại còn thêm cha mẹ nó nữa, nó đâu muốn va chạm, chung đụng với người lạ. Độc lập tự do hạnh phúc mà.

- Nhưng độc lập thì nó cũng phải có cái giá của độc lập, có rẻ đâu.

- Mắc rẻ gì thì cũng đã có thằng chồng nó lo. Miễn sao nó thoải mái mỗi ngày theo chồng vào hãng kiếm đủ tiền cho cha mẹ nó gọi là trả tiền giữ trẻ thế thôi, tất nhiên nó cũng không muốn chồng nó nhớ tới việc cha mẹ nó phải trả tiền nhà.

- Thế Ca nói với em sao.

- Nó là anh lớn, mà nói một cách vô trách nhiệm, “bảo thằng Hoài về trả thuế má đi, nó đứng tên thì nó lo. Con chỉ biết dọn ra còn ai làm gì thì làm”.

- Sao nó không nói mẹ đứng tên thì mẹ về mẹ lo đi.

- Chắc ý nó cũng muốn nói vậy, đứa nào bây giờ cũng chỉ còn lo cho vợ và nhà vợ thôi. Em nói, vậy mai mốt bố mẹ về ở đâu, có vẻ nó cũng không cần biết .

 

Chạm phải chỗ đau, ông lặng người. Ngày xưa mang chúng theo, ông đã gặp không ít những phản ứng thắc mắc của dư luận, ông nói, chắc như đinh đóng cột, mấy người mở to mắt mà xem, đó chính là những đứa con sẽ lo lắng chăm sóc cho tôi hơn ai hết. Ông nhớ lại hai năm trước về thăm Việt Nam, đám môn sinh cũ đến thăm, đứa nào cũng đã có vợ con đùm đề, nhiều đứa đã trở nên đại gia, vẫn cúi đầu chào thưa cung kính. Nếu đám học trò này cũng ở Mỹ thì sao? Có phải nước Mỹ muốn Mỹ hóa con người hay tự người lai căng muốn hóa cho ra Mỹ? Và có phải người Mỹ là thế không? Ông thường nghe bà kể chuyện khách hàng của Bà, cũng có những người là bác sĩ, kỹ sư người Mỹ, nhà neo đơn phải gửi mẹ trong nhà dưỡng lão, hoặc thuê người chăm sóc, ngoài giờ làm việc hầu như cả 7, 80 phần trăm thời gian rảnh là họ dành để gần gũi cha mẹ già. Không ít những người con đã năm, sáu mươi tuổi chở mẹ mình đến tiệm làm nails hằng tháng, có khi hằng tuần, mà không phải chỉ có con gái mới làm như vậy. Ông nói, giọng vừa bùi ngùi, vừa mỉa mai, trách móc :

- Cuối cùng gần 15 năm ở Mỹ, đến già không có được cái giường để ngủ. May là anh đã làm đủ 40 tam cá nguyệt để mai mốt được lương hưu, hơn nữa Mỹ nó cũng không bỏ người già chết đói, nếu không thật là đau đớn quá. Hay là em gọi thử Hoài và Phương anh xem chúng có ý kiến gì không?./.

 

3/2009

 

Đặng Kim Côn
Số lần đọc: 1920
Ngày đăng: 09.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện Về Một Ngôi Nhà. - Mang Viên Long
Tuần Lễ Một Đời Ngừơi - Trần Minh Nguyệt
Nỗi đau - Minh Hương
Phía Bên Kia Tồn Tại - Nguyễn Thanh Hiện
Lên Non Hái Trái - Nguyễn Lệ Uyên
Đồ quỷ! - Huỳnh Văn Úc
Vượt Ngục - Đặng Kim Côn
Khỏa Thân - Phan Trang Hy
Ngõ Cụt - Lữ Quỳnh
Chạm - Vũ Lập Nhật
Cùng một tác giả
Một Phút (tạp văn)
Sông Núi Trở Màu (truyện ngắn)
Trăng Lý Bạch (truyện ngắn)
Thế Kỷ Nào (truyện ngắn)
Vượt Ngục (truyện ngắn)
Vỡ Tổ (truyện ngắn)
Kinh Kha (truyện ngắn)
Thiền Tăng Và Tôi (truyện ngắn)
Đã Tạnh Mưa Chưa? (truyện ngắn)
Vĩnh Cửu (tạp văn)
Tình Xưa (truyện ngắn)
Mộng Du Chiều (truyện ngắn)
Qua Sông (truyện ngắn)
Chiếc Răng Giả (truyện ngắn)
Quên. (truyện ngắn)