Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
598
116.537.523
 
Công Tằng Tôn Nữ Ngọc Trân
Kinh Dương Vương

Một truyện tình cảm động và có phần “cổ điển”, nhưng chính vì thế mà nó trở nên hiếm hoi. Đây cũng là một truyện tình kép, bên cạnh một tình yêu “loạn luân trong sáng” là một tình yêu đôi lứa đầy chất thơ. Dường như kinhdươngvương muốn bày tỏ với người đọc rằng, một tình yêu đích thực thì bao giờ cũng tuyệt đối và cao cả, nó vượt qua các khái niệm đạo đức thông thường. Và cho dù cuộc đời này có như thế nào, tình yêu vẫn tồn tại và cần được tuyên xưng như chính nó. Thuần khiết và vĩnh hằng.

VCV

 

 

Lâu lắm mới được ngắm thiên nhiên sau cơn mưa đêm giữa hạ.

Khu vườn nhỏ cây cối ướt đẫm sạch mát như da thịt thiếu nữ  vừa tắm xong một trận đã đời, ướt rượt từ đầu đến chân khoe tấm thân vệ nữ trong nắng mới bình minh. Cây đào, cây cam, cây táo, từng chiếc lá được rửa sạch bong, mướt óng ánh. Những chiếc lá vàng rơi vương vãi trên cỏ, trên mặt xi măng nằm phơi thân còn đọng vẻ thỏa thuê sau cơn mưa hoan lạc. Có một chút xác xơ, nhưng lại biểu lộ vẻ no tràn. Toàn thể quang cảnh gợi hình ảnh chiếc giường gối chăn xô lệch, trên đó thiếu nữ thân thể căng tràn phơi mở đang thiêm thiếp giấc nồng sau một đêm chăn gối mê tơi.

 

Tôi quay vào nhà định pha bình trà đem ra vườn uống thì nghe chuông điện thoại  reo.

Tiếng anh TK :

“Đêm qua trời mưa to quá, đáng lẽ được ngủ ngon mà hóa mất ngủ... Thằng điên của tôi đánh người bị cảnh sát còng, bố mẹ nó cầu cứu phải đi hầu, gần sáng mới về đến nhà”. “Thằng điên” đây là khách hàng của anh, anh làm công việc chở những người bệnh tâm thần đi chơi.

 

Do mất ngủ anh đọc tập truyện tôi mới tặng. Anh nói :

“Cái truyện ông viết về “Người đàn bà điên...” gì đó, tôi thích đoạn nhân vật nữ chở thằng nhỏ về nhà nhốt cả tuần, suốt thời gian đó cả hai không mặc áo quần vì sợ mất thì giờ mặc vào cởi ra. Hay!”  Anh phán. Anh nói chi tiết đó khiến anh nhớ lại một chuyện tình trong thời trai trẻ của anh”.

“Trời đất đẹp quá ở nhà phí mất, tôi lên bạn đi uống cà phê nhé”.

Tôi vốn thất nghiệp quanh năm, còn anh TK có việc làm, nhưng cái jóp của anh, anh có thể nghỉ lúc nào cũng được. Thường thường những hôm trời đẹp anh tự cho phép mình nghỉ, ghé nhà rủ tôi đi dông dài.

 

Hôm đó chúng tôi ra bờ biển Redondo, gần nhà. Cà phê xong chúng tôi thả bộ trên bờ cát ướt. Những con chim nhỏ tìm mồi, khi chúng tôi đi tới chúng bay lên một quãng rồi đậu lại. Trên mặt cát phẳng mịn, những cọng rong dài, hình dáng cấu tạo rất lạ, sóng đánh dạt vào nằm rải rác như những hình vẽ trang trí màu nâu sẫm, nổi trên màu vàng cát trông rất đẹp. Anh TK cầm lên một nhánh ngắm nghía vẻ mặt trầm ngâm.

 

Chúng tôi đứng dưới bóng râm cầu câu cá bắt xa ra ngoài biển. Gió lật rối tóc hoa râm của chúng tôi. Anh nhìn ra biển, ánh mắt như muốn vươn ra quá chân trời.

“Những cọng rong này phát xuất từ đâu. Có khi là từ bên kia biển”. Anh nói như nói với chính mình. “Bên kia biển là quê hương chúng ta. Bây giờ nếu chúng ta có thể bay, tôi muốn bay về bên kia bờ Thái Bình Dương. Bên đó có nước Việt Nam. Việt Nam có Sài Gòn còn ghi dấu biết bao kỷ niệm”. Anh nhìn tôi như muốn chia xẻ, rồi lại nhìn xa xôi ra biển. Tôi biết khi nói như thế anh thấy Sài Gòn trong trí tưởng tượng với bao niềm luyến tiếc. Chúng tôi đi thong thả trên  bờ biển và anh TK đã kể cho tôi nghe câu chuyện tình  của anh.

 

Trước 1975, anh TK là lính không quân, nhưng thuộc loại lính cậu ở hậu cứ. Mang tiếng là lính, nhưng anh chưa hề cầm cây súng. Chỉ thỉnh thoảng mặc bộ áo liền quần bằng tơ xám của binh chủng, quàng chiếc phu la màu tím cho có vẻ lãng mạng để giựt le với gái mà thôi.

 

Năm 1968 Tết Mậu Thân. Vài tháng sau đó anh theo một chuyến bay quân sự ra Huế định để đón gia đình một người bạn, nhưng bạn anh đã đi từ trước. Tình cờ anh gặp một người con gái, nàng tên là Ngọc Trân.

 

Anh TK là “trai chơi”, gặp gái thì sáng mắt. Con nhà giàu, đẹp trai, ở ngay trung tâm Sài gòn, con gái gặp anh khó có thể từ chối khi anh thả lời ong bướm.Và số gái qua tay anh, theo lời anh kể “tôi không nhớ nổi”. “Nhưng ở đời có vay có trả”, anh triết lý vụn. “Từ lần gặp Ngọc Trân, trời đã phạt tôi. Ông chơi tôi một vố đau cho đến trọn đời”.

 

Đó là một buổi chiều cuối Xuân, trời mưa nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, khi bọn anh trong phi hành đoàn dạo phố, bất ngờ anh thấy nàng hiện ra từ một con hẻm, dáng cô đơn, lạc lõng. Nàng mặc áo len màu rượu chát,  mái tóc dài ướt lõa xõa quanh vai. Chiếc đầu nhỏ nghiêng nghiêng, mắt hơi nhìn xuống. Nàng không để ý đến cơn mưa, vừa đi vừa đong đưa chiếc xắc tay nhỏ. Ngọc Trân đi ngược về phía họ. Lúc đến gần nàng ngước nhìn lên và ánh mắt nàng thật nhanh đậu lại trên anh. Nét nhìn lạnh và buồn như thầm gởi gấm một điều gì khiến anh không thể làm ngơ. Cái vẻ bất cần ở nàng có  một sức quyến rũ mạnh. Hơn nữa anh cũng sửng sờ vì nhan sắc của nàng. Đối với anh, tất cả những cô gái đi lang thang đều là “bò lạc”, nhưng với Ngọc Trân, đầu óc anh không gợn ý tưởng ấy. “ Đúng hơn là ở nàng có cái gì khiến tôi phải e dè”, anh  thú nhận. Về sau anh biết Ngọc Trân chỉ mới hai mươi tuổi, nhưng ngay lúc ấy với gương mặt buồn, nghiêm nghị khiến anh thấy Ngọc Trân trưởng thành hơn tuổi nàng.

 

Anh bỏ đám bạn quay lại theo nàng... Hai người đã có một buổi chiều đáng nhớ bên bờ sông Hương êm đềm thơ mộng, mặc dù cuộc chiến còn để lại những đổ vỡ ngổn ngang.

 

Chuyến bay trở về Sài Gòn hôm sau có Ngọc Trân. Theo lời yêu cầu của nàng muốn vào Sài Gòn để tìm một vận hội mới.

“Lúc ấy tôi có một căn gác nhỏ tiện nghi ở đường Tự Do, gần khách sạn Caravelle.Tôi đưa nàng về đó và chúng tôi đã sống với nhau một thời gian ngắn khoảng hai tuần. Sau đó nàng ra đi. Hai tuần thì thật ngắn trên tờ lịch, nhưng với tôi là cả một đời người”.

 

“Nàng chỉ có hai nhu cầu quan trọng, hơn cả ăn uống  - nàng ăn rất ít – thuốc lá Craven A đầu lọc và rượu Jonny Walker. Nàng hút thuốc và uống rượu nhiều hơn ăn, sống buông thả – hay ít ra nàng cố gắng tỏ ra như vậy. Hôm mới về, tắm xong nàng khỏa thân ngay trước mặt tôi rất tự nhiên. Thọat nhìn tôi choáng váng. Tôi lấy khăn đưa cho nàng. Ngọc Trân nói giọng trêu chọc:

“Anh ột dột hả ?”. Rồi nàng cười. “Trời Sài gòn nóng quá, em để rứa cho mát một chút. Nếu anh chịu không nổi thì đừng có nhìn em”. Nàng lườm tôi chế diễu”.

 

“Thực ra tôi choáng váng không phải vì thái độ quá tự nhiên của nàng hay vì tôi mắc cỡ. Tôi choáng váng vì vẻ đẹp lộng lẫy của thân thể nàng. Đời tôi trải qua nhiều mối tình, thấy thân thể phụ nữ càng nhiều hơn, nhưng tôi chưa bao giờ thấy thân thể một người nữ nào đẹp như Ngọc Trân. Dáng nàng dong dỏng cao, màu da bánh mật, ngực vun tròn đầy đặn. Các bắp thịt tay, chân, bụng thon thả nằm đúng vị trí của nhân hình học. Với một vầng trán rộng, mũi cao thẳng vừa phải, môi màu hồng nhạt, khóe sâu quyến rũ, Ngọc Trân có vẻ đẹp thân thể hoàn hảo của tượng thần Vệ Nữ. “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”.  Tôi vốn hư hỏng từ hồi trung học như anh biết rồi, nhất là về cái mục gái gỏng. Trong những trường hợp đó tôi có hành động ngay. Vậy mà vẻ đẹp nghệ thuật của thân thể nàng đã khiến tôi chỉ đứng yên chiêm ngưỡng. Tôi nói ý tưởng đó với Ngọc Trân, nàng có vẻ hơi ngượng. Nàng nói: “Em muốn anh cũng rứa”. Cho nên trong suốt thời gian sống với nhau, chúng tôi không bao giờ để lên người một mảnh vải. Chúng tôi luôn luôn trần truồng. Lúc đầu tôi ngượng, nhưng về sau tôi  thoải mái và khi mặc lại áo quần thấy vướng víu khó chịu”.

 

“Tắm xong, tôi bước ra với khăn quấn nửa người dưới, nàng dịu dàng quì xuống mở khăn ra. Nàng bảo tôi: “Đừng mắc cỡ với em nữa”. Một lúc sau nàng nói:  “Bây giờ thì anh mặc quần áo vào ra phố mua thức ăn về dự trữ. Chất đầy tủ lạnh rồi đóng cửa phòng lại. Chúng ta sẽ không ra khỏi phòng trong thời gian em ở lại đây. Vì khi em đã đi ra có thể là sẽ đi mãi mãi, không bao giờ trở lại nữa”.

 

“Tôi làm theo lời nàng và chúng tôi ở luôn trong phòng cho đến hôm nàng đi. “Chúng tôi sống không có thời gian. Nàng cất hết đồng hồ, che các cửa sổ chỉ dùng ánh sáng đèn, không còn biết ngày đêm”.

 

“Chúng tôi làm tình bất cứ lúc nào ham muốn. Nghỉ ngơi. Ăn uống. Rồi lại làm tình. Nàng hút thuốc liên miên và uống rượu, nhưng không bao giờ say. Khói thuốc đọng lại trong phòng như sương mù”.

 

“Sức lực tuổi trẻ đã cho chúng tôi đạt đến khoái cảm tuyệt đỉnh. Ngọc Trân không tỏ ra có nhiều đam mê nhục dục, nhưng luôn luôn cuồng nhiệt trong động tác và sự dẻo dai. Nàng đáp ứng đầy đủ và hỗ trợ bạn tình đến nơi đến chốn, tôi không bao giờ cảm thấy mình bị bỏ rơi hay phải lèo lái một mình. Tuy nhiên cũng có những lúc nàng muốn tỏ ra sành sõi nên để lộ những động tác vụng về thiếu kinh nghiệm rất đáng yêu”.

 

“Chúng tôi sống đắm chìm trong lạc thú nhục thể, quên hết thời gian, không gian. Thời gian ngưng đọng. Không gian lờ lững. Cả ý thức về xác thân cũng trôi nổi bềnh bồng”.

 

“Cho đến một lần, sau khi lao vào nhau  quấn lấy nhau không biết bao lâu, lúc buông nhau ra thân thể rã rời, mồ hôi xuất dầm dề như tắm và chúng tôi mê thiếp đi lúc nào không biết”.

 

“Khi tỉnh dậy, tôi thấy Ngọc Trân đã mặc lại áo quần, trang điểm cẩn thận. Nàng cúi xuống hôn tôi nhỏ nhẹ nói:  “Bây chừ cưng cũng dậy và đi tắm”. Nàng đỡ tôi lên dìu vào phòng tắm”.

 

“Tắm và thay áo quần xong tôi ra ngồi đối diện với nàng trên tấm ra còn dính quằn quện tinh khí cũ và mới. Linh cảm cho tôi biết việc không lành sắp xảy ra khiến tôi ngồi như tượng, nhìn nàng trân trối. Nàng nói, giọng bình thản:  “Bây chừ anh hãy nhìn kỹ em đi! Em đã tiều tụy đến đâu rồi ? Và anh cũng vậy”. Nàng mở ví lấy kính cho tôi soi.

 

“Đã đủ rồi thời gian chúng ta sống và cho nhau. Em không muốn sau này anh nghĩ về em không hay. Anh và em cần phải giữ gìn sức khỏe. Anh còn cả một cuộc đời trước mặt. Riêng em, em càng cần có sức khỏe và nghị lực để vượt qua một việc khó khăn em phải tự làm lấy, không ai có thể giúp em được mà nếu yếu đuối em không thể làm nổi”.

 

“Trong khi nghe Ngọc Trân nói tôi cảm thấy toàn thân tôi là một khoảng trống, người tôi nhẹ tênh tưởng có thể bay lên được. Tôi có thể sắp tan ra. Nhưng tôi không sợ bằng nỗi sợ sắp mất nàng. Với cử chỉ cực kỳ âu yếm, nàng áp hai bàn tay những ngón thon mềm mại vào má, nhẹ nâng mặt tôi lên và hỏi:  “Anh có yêu em không ?”. Tôi bàng hoàng không trả lời. “Đừng yêu em!”. Im lặng một lúc  nàng tiếp. Nàng cúi mặt như nói với chính mình, tóc nàng rũ xuống, tiếng nói từ trong tóc bay ra:“Đừng yêu em”, nàng lập lại,  “vì yêu em anh sẽ khổ”.  “Anh đừng lầm tưởng việc sống với anh trong thời gian qua là do tình yêu, là em yêu anh. Không. Em không yêu anh. Và cũng không yêu ai nữa... Em đã yêu một người đàn ông bằng mối tình đầu của em từ tuổi thơ dại. Người đó đã chết rồi và mang theo tình yêu đầu đời của em. Em sống đây chỉ là cái xác, tinh thần em đã đi theo người”.

 

“Nàng ngừng nói, nhẹ buông mặt tôi ra, mắt đăm chiêu. “Bây giờ em chưa thể nói gì với anh thêm nữa. Em từ biệt anh. Đừng đi theo em. Đừng tìm kiếm em. Em sẽ viết thư rồi anh hiểu tất cả”.  Nàng quì lên hôn tôi, lùa những ngón tay vào tóc vuốt ngược lên như mẹ âu yếm con. Nàng cầm chiếc túi nhỏ trong chỉ có vài bộ áo quần đứng lên. Nàng đứng yên nhìn tôi một lúc lâu rồi quả quyết bước về phía cửa phòng. Tôi nhớm dậy định bước theo. Nàng quay lại nhìn tôi ánh mắt van lơn: “Đừng tiễn em. Anh ở lại trong phòng, em sẽ đi một mình”. Giọng nàng yếu ớt, nhưng như một mệnh lệnh. Tôi đứng cứng người, tim đập rộn ràng. Nàng bước ra,  khép hờ cửa phòng”.

 

“Bỗng nàng lại hiện ra chạy xô tới như một làn gió ôm tôi thật chặt gục vào vai tôi khóc nức nở tôi  ôm ghì nàng hôn giông bão lên mặt lên cổ lên ngực nước mắt nàng tuôn ràn rụa bao nhiêu tôi uống cạn nàng ôm mặt tôi hôn tới tấp lên trán lên mắt lên môi nheo mắt lại  thu hết nét mặt tôi vào tâm trí nàng xô tôi lại vào phòng đóng ập cửa lao xuống thang lầu”.

 

“Một cảm giác tuyệt vọng dâng lên làm tôi nghẹn thở. Tôi ôn lại kỷ niệm.  Từ lúc gặp nàng đến lúc nàng ra đi, tất cả xảy ra như trong giấc mơ”.

 

Tôi nằm vật xuống, tê điếng. Tôi tưởng sẽ khóc vật vã, nhưng không một giọt nước mắt nào chảy ra cả. Họng đắng. Tôi nhìn quanh phòng mà không trông thấy gì. Tất cả chỉ là một màu trắng đục, mờ ảo như không gian trong cõi sương mù”.

 

“Tôi lịm đi không biết bao lâu, khi tỉnh lại thấy trời đã tối – Ngọc Trân đã mở hết cửa sổ ra lại – tôi nghe tiếng thành phố vọng lên. Một cảm giác không trọng lực bao trùm. Người tôi nhẹ hẫng, hoàn toàn mất định hướng. Nhưng tôi còn ý thức được rằng tôi phải cố hết sức lấy lại cảm giác bình thường nếu tôi không muốn rơi vào cơn hôn mê một lần nữa. Tôi gượng dậy uống một chút gì đó và dần dần sức khoẻ hồi phục”.

 

“Vừa hoàn hồn tôi liền nhớ đến nàng. Tôi chạy ra cầu thang như thể nàng còn đang đứng đó. Tôi thấy nàng khỏa thân đang đi xuống. “Ngọc Trân! Ngọc Trân!”.  Tôi gọi nàng khàn giọng. Tôi nhìn theo bờ vai và tấm lưng trần đã bao lần tôi ghì ôm đặt lên đó những chiếc hôn nóng, những vết cắn đậm. Tôi muốn lao xuống theo nàng, nhưng đồng thời cũng kịp biết đó chỉ là ảo giác. Tôi trở về phòng hít thở hơi hướm của nàng, tìm kiếm dấu vết nàng để lại, không một chút gì. Tôi lấy những chiếc khăn khô cứng tinh khí ấp lên mặt, nằm vật xuống,  khóc rống lên: “Ngọc Trân ơi! Ngọc Trân ơi!”.

 

“Sau mấy ngày nằm mẹp tôi đi xuống phố. Nhưng thành phố quen thuộc thân thương nay trở nên xa lạ. Như tôi đã bỏ đi một thời gian lâu, thành phố  có nhiều biến đổi. Tôi đi lang thang qua các con đường, mắt dáo dác nhìn đám đông mong tìm gặp lại Ngọc Trân. Thật vô vọng. Trong một thành phố rộng lớn với bao đường đi, ngõ ngách, còn biết tìm nàng ở đâu !”

 

Anh TK vòng tay ôm ngực, nhìn xuống, di di chân giày trên cát. Anh quay lại nhìn tôi nhưng trong ánh mắt anh, tôi thấy không có hình bóng tôi. Ánh mắt anh đang chìm trong quá khứ.

 

“Chắc anh cũng phải ngạc nhiên, anh tiếp lời. Nàng không đi đâu xa cả. Nàng ở ngay trong khách sạn tôi đang ở, tầng trên. Sau này tôi mới nghĩ ra, nàng còn có thể đi đâu nữa, nàng không có bà con, bạn bè nào ở thành phố Sài gòn”.

 

“Tôi nhận được thư tuyệt mệnh của Ngọc Trân chiều ngày thứ tư từ ngày nàng đi. Nàng căn dặn quản lý khách sạn đưa thư cho tôi buổi trưa, nhưng ông ta quên. Tôi chạy lên phòng nàng khóa chặt. Người quản lý run tay mở một hồi lâu. Khi cửa phòng vừa mở một làn hương thơm ngào ngạt chận chúng tôi lại và vẻ đẹp rực rỡ của cách trang trí căn phòng khiến chúng tôi choáng ngợp. Ngọc Trân đã chuẩn bị cho cái chết của mình đẹp thơ mộng trong khung cảnh căn phòng của giờ hợp cẩn đồng thời cũng là nơi vĩnh biệt”.

 

“Trong ánh sáng hồng nhạt, trong hương thơm ngào ngạt của ngàn đóa hồng nhung trên những vòng hoa tang nàng chất chung quanh phòng, trên nệm trắng tinh cũng rắc đầy hoa, Ngọc Trân trong trang phục trắng cô dâu ngày cưới, đẹp lộng lẫy, nét mặt ngây thơ, trông như nàng đang ngủ. Nàng đã thở hương hoa để ru mình vào giấc ngủ miên viễn. Có một sức mạnh kéo tôi quì xuống, ông quản lý cũng quì theo. Chúng tôi cùng chấp tay lên ngực cúi đầu tưởng niệm nàng. Cái chết của một người con gái đẹp trong khung cảnh vừa thơ mộng vừa trang nghiêm đã tạo ra một không khí linh thiêng khiến chúng tôi phải tỏ lòng sùng kính”.

 

“Đám tang nàng tổ chức lặng lẽ. Nàng được chôn trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Mẹ nàng từ Huế vào, mở cửa mả xong thì bà ra. Suốt thời gian từ lúc bà vào, khi tẩn liệm và chôn cất Ngọc Trân xong bà không hề khóc hay tỏ lộ một xúc động nào. Nét mặt với vẻ đẹp quí phái luôn luôn chìm đắm trong một thế giới tâm cảm sâu  thẳm. Chỉ có một lần bà làm một cử chỉ mà về sau này đọc thư tuyệt mệnh của nàng tôi mới hiểu ra”.

 

“Ngọc Trân nằm chết hai tay đeo găng úp lên nhau để trên ngực, bên dưới là tấm hình một người đàn ông. Lúc trước khi tẩm liệm nàng bà đã lấy tấm hình ra. Cầm một lúc bà lại để vào chỗ cũ và cúi xuống hôn lên trán nàng”.

 

Thư tuyệt mệnh của Ngọc Trân.

 

Anh thương,

Em rất muốn dùng chữ “yêu” thay vì “thương”, nhưng như em đã nói với anh rồi, em không còn yêu ai được nữa – kể cả anh mà em rất nặng lòng – nên em dùng chữ thương.

Vì thương thì em có thương anh, như vậy em không phải ân hận vì đã dối mình, dối anh.

Nhưng giờ đây dù thương hay yêu cũng không còn ý nghĩa gì vì em đã không còn có mặt trên thế gian này nữa. Khi anh nhận được thư và đang đọc đây thì em đã chết rồi.

 

Em đã suy nghĩ nhiều trước khi quyết định vắng mặt ở cõi thế. Hẳn là nhiều người cho rằng em thiếu nghị lực và đưa ra đủ mọi lý lẽ để chê trách em. Nhưng em cũng có những lý lẽ riêng của mình không cần phải viện dẫn ra đây. Một nhà thơ đã viết “Tình yêu là cõi nhân gian không thể hiểu”. Bây giờ dù cho cả nhân loại trút lên em tất cả lời trách móc em cũng xem nhẹ vì cả nhân loại không thể hiểu nổi tình yêu của em đối với người em yêu sâu nặng đến thế nào. Đó là sự kết hợp sự sống và sự chết của hai con người, hai sinh mệnh. Sự kết hợp không thể chia lìa. Cùng sống và cùng chết. Nay người em yêu đã chết rồi, em thấy đời em không còn ý nghĩa nữa, nên em chấm dứt nó. Việc tìm đến cái chết của em thật tự nhiên, như cây thiếu nước thì không thể sống được, và nó chết. Vậy thôi.

 

Anh tin có linh hồn không ? Em không tin. Em không tin rằng con người có một linh hồn để sau khi chết còn tiếp nối đời sống. Điều đó cải chính hoàn toàn điều có người nghi ngờ về hành động của em là cách thế tìm đến với người em yêu trong thế giới linh hồn. Không ! Em nghĩ và tin tưởng con người chỉ có một đời sống thể xác thôi. Có thể xác là có tinh thần.Thể xác sinh ra tinh thần. Khi thể xác chết thì tinh thần cũng tan biến. Nay thể xác và tinh thần của người em yêu cả hai đã tan vỡ, em không thể tìm ra ở bất cứ thế giới nào. Mà còn thế giới nào ngoài mặt đất với con người này nữa? Em chết đi nghĩa là em tan biến, ít ra như vậy cái chêt của em có một ý nghĩa nào đó đối với tình yêu của em, đối với người em yêu. Em nhiệt tình, em không gian lận.

Hay chính anh cũng là người kết tội em ? Vậy em nói với anh ý tưởng cuối cùng này.

 

Có lúc em đã muốn chạy trốn cái chết. Và anh chính là cái phao cho em bám víu những ngày mới đây. Em chạy trốn vào thể xác anh. Em nghĩ rằng nhờ cái phao thể xác anh em có thể ngoi lên và thoát khỏi nỗi ám ảnh tuyệt vọng của mối tình. Nhưng sau những phút giây buông thả tột cùng, sau những đỉnh cao tê điếng của lạc thú thể xác lập đi lập lại đến bải hoải, rời rã, tinh thần em càng trở nên sáng suốt và đòi hỏi giá trị của nó. Nó cười nhạo em, sự hèn nhát trốn chạy của em, em đành phải đầu hàng. Em nhận ra điều đó khi lần yêu đương cuối cùng, tinh thần và thân xác chúng ta gần như tan hòa vào nhau. Mồ hôi chúng ta tuôn ra nhễ nhại và cùng mê thiếp đi trong cơn mất sức cao độ. Trong giây phút của đỉnh cao khoái cảm ấy tử cung em đã ôm ấp dương vật của anh trọn vẹn nhất. Khoái cảm tột độ đẩy em đến cơn mê thiếp xuất thần, tưởng chừng như em đã bắt gặp thượng đế - thượng đế đây là một ý niệm về một vũ trụ nhất nguyên, không phải là một ông Thượng Đế có mắt mũi chân tay con người vẫn thờ lạy và em quan niệm rằng ý niệm đó chỉ được tìm thấy lúc cơn khoái cảm thân xác – không riêng gì trong sự giao hợp trai gái – đạt đến chót vót đỉnh cao. Đó cũng là trạng thái niết bàn, trạng thái thoát tục. Lần đó nếu đỉnh cao khoái cảm đưa em đến trạng thái niết bàn để em bắt gặp ý niệm thượng đế thì có lẽ em đã hoàn tất con đường xóa bỏ nghiệp chướng, em xóa bỏ được phần tinh thần mối tình của em. Em tưởng là nhờ con thuyền lạc cảm em sẽ vượt qua được bến mê nhưng không, tinh thần của mối tình vẫn mạnh hơn – hay là khoái cảm chưa đạt đến đỉnh cao và ý niệm thượng dế chưa phát sinh – nên khi tỉnh lại, em vẫn là em, là Ngọc Trân với trái tim tình yêu trong sáng đã một lần dâng hiến đầu đời và nó đã tan vỡ, không thể nào hàn gắn lại nữa. Chỉ còn cách duy nhất là hủy hoại thể xác em đi, hủy hoại nguyên ủy sinh ra tinh thần em thì mối tình của em mới có thể viên thành được, nghĩa là nó tan ra, biến mất trong cõi vô cùng.

Em đã chọn lựa từ bỏ anh. Chọn lựa cái chết.

 

Em cũng muốn  được xin lỗi anh và cầu mong anh tha thứ. Em đã ích kỷ tựa vào anh mong giải quyết chuyện riêng tư của mình, nhưng đã không thành, còn để lại cho anh nỗi lưu luyến, em nghĩ rằng anh khó có thể nguôi quên ngay được. Em muốn giải nghiệp mình vô tình đã tạo quả cho người. Vì vậy em xin được nói lời cảm ơn anh. Hãy vì tình yêu em mà nhận lời cảm ơn chuộc lỗi của em anh nhé. Anh đã đem lại cho em những giây phút hạnh phúc hoan lạc. Những nụ hôn đắm đuối mê cuồng của anh để lại trên da thịt em những vết sẹo hồng êm ái vĩnh viễn, chỉ tan đi cùng với hơi thở lìa bỏ thể xác em.

Thư tuyệt mệnh sau đây vẫn còn thiếu sót một sự thực em không đủ can đảm nói ra. Chính em cũng không hiểu điều này, khi những điều em mô tả đã hầu như sáng tỏ và em còn gìn giữ nhân cách làm gì nữa khi sự sống của em giờ chỉ còn tính bằng giây phút ?

 

Em mong anh với tình yêu và lòng bao dung hãy lượng thứ cho em. Và với trí thông minh của anh, anh sẽ hiểu ra sự thật qua những lời em bày tỏ chưa trọn vẹn.

 

Anh hãy giữ gìn sức khỏe. Mong anh sớm tìm lại đuợc sự yên tĩnh trong tâm hồn.

 

Thương anh,

Công Tằng Tôn Nữ Ngọc Trân

 

“Tôi là con một của bố mẹ. Đứa con gái được bố mẹ yêu thương quí báu. Suốt tuổi thơ và khi đã lớn khôn đời tôi là những chuỗi ngày sung sướng hạnh phúc. Cả bố mẹ đều yêu thương tôi, nhưng hình như tôi cảm thấy bố yêu thương tôi hơn mẹ. Tôi thương yêu bố mẹ, nhưng giữa mẹ và bố, tôi thương bố hơn mẹ.

 

Bố thuộc dòng Nguyễn Phước tộc, mẹ là gái Thăng Long. Từ nhỏ bố đã được gia đình cho du học ở Pháp, có bằng cử nhân văn chương trường Sorbonne. Trở về nước bố vào dạy trường đại học văn khoa Huế và gặp mẹ lúc ấy là sinh viên đang theo học. Do thứ bậc hoàng phái của bố là Bửu nên tên đầy đủ của tôi là Công Tằng Tôn Nữ Ngọc Trân.

 

Mẹ tôi có nét đẹp của gái Hà Nội, da trắng, mặt trái soan, răng trắng óng ánh. Đặc biệt là mẹ có mái tóc mượt dài chấm gót, mỗi lần chải tóc mẹ hay nhờ bố nâng phần ngọn lên, hoặc mẹ phải đứng trên bục cao. Tôi hay nâng niu mái tóc của mẹ, tôi hôn nó hít mùi hương tóc. Có khi tôi tung tóc mẹ lên rồi để rơi trên mặt mình. Mẹ bới tóc cao để lộ chiếc gáy trắng muốt với những sợi tóc con mềm mại tôi ngắm mê mẫn. Có lần tôi đòi hôn gáy mẹ nhưng mẹ cười bảo chỗ đó chỉ để dành cho bố, tôi không hiểu tại sao. Tôi hỏi bố có hôn gáy mẹ không, bố không trả lời. Sau này lớn lên, cái gáy trắng của mẹ có lúc là nỗi ám ảnh của tôi và rồi trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên.

 

Bố không đẹp bằng mẹ theo như nhận xét của tôi hồi còn tuổi ngây thơ. Nhưng khi lớn lên tôi mới thưởng thức hết vẻ đẹp đàn ông nơi người. Nước da bánh mật – mà tôi thụ hưởng – khiến cho gương mặt xương xương của bố với lưỡng quyền hơi cao và mái tóc xoăn bồng bềnh có một vẻ quyến rũ đặc biệt, không người đàn ông nào có được. Chưa bao giờ tôi thấy bố chải đầu bằng lược. Hình như tóc bố được một cái khuôn đúc ra, nên dù cho có rối đến đâu bố chỉ dùng những ngón tay vuốt là đâu lại vào đấy. Tôi mê nhất là những lúc bố đứng giữa gió, ngẩng mặt và vuốt tóc ngược lên. Tóc bố gió thổi bay bay. Tôi chạy đến ôm bố khen: “Tóc bố đẹp quá”. Bố ngồi xuống ngang tôi hôn lên trán, lên mắt.  “Tóc bố không đẹp bằng tóc mẹ và con”.  “Tóc mẹ đẹp, tóc con ngắn xấu lắm”. “Lớn lên con sẽ để tóc thề”. “Thề gì bố?”. “Thề yêu một người con trai nào đó suốt đời”. “Không. Con không yêu ai cả. Con chỉ yêu bố mẹ thôi”. “Còn sớm lắm để con hiểu được”. Tôi lùa những ngón tay nhỏ vào tóc bố “Con nói thiệt đó”. “Ừ thôi cũng được, thương yêu bố mẹ như vậy là tốt. Sau này con biết cũng không muộn”.

 

Chúng tôi sống trong một căn biệt thự do ông nội để lại bên bờ sông Hương, gần Bến Ngự. Bố mẹ đi dạy học, tôi học trường tiểu học gần nhà sau lên trường Nữ Đồng Khánh. Đời sống gia đình êm đềm và hạnh phúc tưởng chừng bất tuyệt nếu định mệnh không trớ trêu gieo vào trái tim tôi một nỗi oan khiên.

 

Thể chất tôi trưởng thành khá nhanh so với những trẻ cùng lứa tuổi. Tôi có kinh năm tám tuổi, vú bắt đầu nẩy nở, mông căng tròn. Tôi cảm thấy trong từng giây phút máu huyết và các tế bào sinh sôi. Thân thể tôi như được bơm vào một nguồn sinh lực kỳ bí. Lúc nào cơ thể tôi cũng xôn xao rạo rực một sức sống tuôn trào. Năm mười lăm tuổi  tôi đã là một thiếu nữ với trọn vẹn từ ấy. Tôi đứng cao hơn mẹ và chỉ thua bố vài phân. Tôi có một vẻ đẹp phơi phới hấp dẫn. Điều này chẳng những tôi biết được bởi chính mình khi ngắm nhìn thân thể nẩy nở mơn mỡn mà còn do bao nhiêu ánh mắt say mê lẫn ham muốn của những chàng trai trường Quốc học và của những người đàn ông khác.

 

Về mặt nhan sắc cũng như thân xác tôi thừa hưởng vẻ đẹp quí phái dịu dàng của gien gái Thăng Long của mẹ và màu da bánh mật, nét rắn rỏi quyến rũ của bố. Vóc người thon cao. Ngực nở nang căng phồng, eo thon, mông tròn trịa. Những lúc vuốt ve làn da đẫm nước trong phòng tắm tôi không ngăn nỗi tình cảm thỏa mãn về vẻ đẹp gợi cảm của thân xác mình. Tôi hay thè  lưỡi liếm đôi môi son và mân mê đôi núm vú hồng, những sợi lông đen muợt, thả trí tưởng tượng mông lung. Thật là hạnh phúc cho chàng trai nào được tôi yêu và dâng trọn kho báu thân xác.

 

Nhưng tôi còn yêu ai được nữa ? Tôi không còn có thể yêu ai khác hơn người đàn ông đã sinh ra tôi. Đó là bố tôi.

 

Phải, tôi đã yêu bố tôi, bắt đầu bằng tình cảm bố con, lòng kính trọng từ lúc tôi còn rất nhỏ. Bố tôi là một thần tượng mà không người đàn ông nào có thể so sánh được. Sau này nhớ lại, tất cả những tình cảm đó dần dần lớn lên và đến năm mười sáu tuổi thì biến thành tình yêu thực sự. Điều đó được mở ra soi sáng cho tôi không nghi ngờ khi một hôm tôi bắt gặp cảnh bố mẹ tôi âu yếm nhau.

 

Hôm ấy tôi học khuya. Bố tôi cũng đang còn làm việc trong phòng văn – bố làm thơ và viết văn bằng tiếng Pháp không đăng ở báo nào cả, cất trong một tủ riêng, giữ chìa khóa không để ai đọc, kể cả mẹ. Tôi thấy mẹ mặc áo ngủ bước vào phòng bố, mùi nước hoa tỏa thơm. Như có một sức mạnh dựng tôi dậy. Tôi đứng bật lên và nhẹ nhàng đi qua cửa phòng văn còn mở. Tôi thấy bố đang ôm ghì hông mẹ hôn môi, ngực mẹ say đắm. Tôi đi thẳng ra phòng khách tối om. Đèn phòng văn tắt. Một lúc tôi nghe tiếng thở dồn dập của bố và tiếng rên của mẹ. Tôi ôm cứng lấy chiếc ghế và cắn răng thật chặt để khỏi kêu thét lên. Người tôi nóng ran như bốc lửa. Gai ốc nổi khắp người rần rần đến các chân tóc. Tôi run lên lập cập chạy vào buồng nằm vật xuống khóc tức tưởi.

 

Sáng hôm sau và những ngày kế tiếp tôi tránh mặt mẹ. Tôi lấy cớ đau đầu để không ăn cơm chung với bố mẹ. Một tình cảm ghen tuông xâm chiếm tôi làm thân thể tôi rũ liệt. Tôi cảm thấy mình không còn yêu mẹ nữa và tức bố vô lối. Tôi đau một trận rụng thưa tóc, phải nghỉ học trọn năm đệ nhị. Người rạc hẳn đi. Bố mẹ tôi rất lo lắng, hết sức chăm sóc, nhưng tôi như người mất hồn, không còn vui tính hồn nhiên nữa.

 

Từ đó gia đình tôi mất một thói quen thú vị. Đó là những buổi hòa nhạc giữa bố mẹ và tôi.  Bố đàn vĩ cầm, mẹ chơi đàn tranh và tôi đàn dương cầm. Từ năm lên năm bố mẹ đã cho tôi học đàn dương cầm. Đến năm mười ba tuổi tôi đã có thể cùng hòa tấu với bố mẹ. Chừng vài tuần gia đình lại có một buổi hòa tấu. Những bản cổ điển Tây phương và nhạc tiền chiến hay được chúng tôi chơi. Đúng ra thì sau đó vẫn còn vài lần hòa nhạc nữa, nhưng ngón đàn của tôi sa sút hẳn và hay lỗi nhịp vì tâm trí không tập trung. Tôi không còn hứng thú nữa, lấy cớ này cớ nọ thoái thác. Bố mẹ tôi không ép, cùng chơi với nhau, điều đó càng làm tôi khổ tâm. Tôi thấy tình cảm của tôi đối với mẹ càng nhạt dần.

 

Mặc dù tôi cố gắng hết sức lấy lại sự quân bình tình cảm và lý trí, nhưng không có kết quả. Tôi biết rằng tôi có lỗi và bất công đối với mẹ. Mẹ tôi đâu có tội lỗi gì. Lỗi là hoàn toàn ở tôi, nhưng tôi không vượt qua nổi tình cảm ghen tức đối với mẹ. Tôi cố đưa ra những cấm kỵ luân lý, đạo đức để răn mình nhưng vô vọng. Hình như tất cả những nỗ lực ngăn cản tình cảm của tôi càng như đổ dầu vào lửa, tình yêu tôi mỗi ngày đối  với bố càng tăng thêm.

 

Có lẽ tôi phải kể cách đối xử của bố đối với tôi từ lúc tôi còn tấm bé đến lúc tôi ý thức rõ tình cảm của mình. Bố là một người du học Pháp từ nhỏ. Tất cả cử chỉ, ngôn ngữ phong cách sống đều theo Tây phương. Bố đã dạy cho tôi biết hôn bố mẹ trước khi đi ngủ với lời “chúc  ngủ ngon”. Chúng tôi hôn nhau lúc từ giã, găp gỡ. Đối với người Tây phương việc cha và con gái hay mẹ và con trai hôn nhau là một phong tục tự nhiên, nhưng hình như đối với tôi thì khác. Lúc còn nhỏ, tôi nhớ những lần bố quên cạo râu, khi hôn tôi râu bố cọ vào má làm tôi nhột, hoăc tôi hôn bố, râu bố đụng vào môi tôi, tạo ra nơi tôi một cảm giác là lạ, thích thú. Tôi vuốt má bố nói “Bố hư quá à, bố không cạo râu hôn làm đau má con nè”. Bố cười hôn tôi thêm lần nữa và cố ý cạ râu lên môi tôi mạnh hơn. Cảm giác thích thú của tôi tăng thêm.

 

Vào khoảng năm mười tuổi ngực tôi khá nẩy nở. Có lần đang trên đường đi học về bị mưa, tôi không đem theo áo tơi nên ướt đầm và cứ để vậy về nhà. Bố nhìn, tôi cảm thấy xấu hổ đi thẳng vào nhà trong. Lúc thay đồ tôi vẫn có cảm giác toàn thân tôi còn dính cái nhìn của bố. Da thịt tôi run lên từng mảng. Có lẽ bố nói gì với mẹ, hôm sau mẹ mua cho tôi quần lót và nịt ngực.

 

Bố có hai thú vui là hút thuốc Craven A đầu lọc con mèo đen và uống rượu Jonny Walker. Bố hút thuốc hơi nhiều nhưng uống rượu chừng mực, tôi chưa bao giờ thấy bố say. Tôi đòi hút thuốc, nhỏ bố cấm, nhưng khi tôi khoảng mười bốn tuổi bố cho phép. Rượu cũng vậy. Tôi bắt đầu uống rượu với bố năm mười lăm tuổi. Mẹ phản đối nhưng bố nói: “Cứ chừng mực là vô hại, điếu thuốc đem lại cảm hứng tinh thần. Rượu là gạch nối giữa thế giới phàm tục và thần thánh, đừng để bước sang thế giới ngạ quỉ”. Được bố chấp thuận, tôi đã hút và nghiện thuốc Craven A đầu lọc cũng như ruợu Jonny Walker lúc nào không biết.

 

Hai bố con chiều nào cũng uống rượu hút thuốc ở chiếc bàn mây trắng kê ở góc vườn  có hòn non bộ nuôi cá, suối chảy róc rách. Có hôm tôi giả say, bố dìu tôi vào phòng. Tôi tựa hẳn vào người bố và khi bố hôn từ biệt, tôi ghì đầu bố xuống hôn lại thật kêu. Tôi biết bố hôn tôi là cái hôn của người bố cho con gái, bố đâu biết rằng cái hôn của tôi là của một người tình dành cho người tình! Những lúc như thế tôi rất hạnh phúc và tôi hơi ân hận về tình cảm lạnh nhạt đối với mẹ.

 

Bố con tôi thường có những lần đi chơi ngoài trời, lên  dòng Thiên An, chùa Từ Hiếu, Thiên Mụ hay biển Thuận An. Mẹ không đi vì hay bị mệt. Tôi cũng không thích có mẹ đi theo.

 

Thiên An là một dòng tu kín nằm trên một đồi thông ngút ngàn. Nơi đây là chỗ hẹn hò của những mối tình học trò, cách thành phố Huế khoảng mươi lăm cây số. Bố con tôi đi xe đạp thong thả, mất chừng một tiếng rưỡi. Có vài lần tôi rủ bố đua. Bố chạy rất nhanh, tôi chạy không lại, bố đứng chờ. Khi tôi đến bố lấy khăn tay của mình lau mồ hôi cho tôi. Khăn tay bố có một mùi hương đặc biệt, mùi nước hoa Chanel và mùi mồ hôi đàn ông của bố lẫn mùi thuốc lá Craven A. Tôi thích ngửi mùi hương đặc biệt đó của bố.

 

Dưới những cây thông cao vút, gió thổi vi vu, chúng tôi tay trong tay đi chầm chậm, vừa đi vừa hút thuốc. Tôi hát nho nhỏ cho bố nghe những bài tình ca của nhạc sĩ TCS. Bố nghe xong ghé hôn tóc tôi và siết vai tôi nhè nhẹ. “Con gái bố hát hay quá”. Tôi nũng nịu vòng tay qua hông bố, ngã đầu cạ tóc lên vai người. Buổi trưa chúng tôi trải khăn dưới gốc thông, bày thức ăn và rượu. Ăn xong chúng tôi nằm bên nhau nhìn lên trời. Những cụm mây trắng bay trên trời xanh, thỉnh thoảng bị cành thông che khuất. Lá thông rơi trên thân thể chúng tôi. Bố nằm thiu thiu ngủ. Tôi nhìn bố... Bị rượu kích thích hay do sự thôi thúc của tình yêu bị ức chế, tôi bỗng xoay người choàng tay ôm bố. Tôi hôn nhẹ lên trán bố. Bố không hay biết. Mùi đàn ông trộn lẫn với mùi rượu và thuốc lá làm tôi ngây ngất.

 

Chúng tôi cũng thỉnh thoảng lên Đà Lạt vào dịp Giáng sinh, quàng vai nhau đi quanh bờ Hồ Xuân Hương. Trời lành lạnh, sương mù phủ mờ mặt nước hồ. Một vài chiếc thuyền câu mờ ảo. Chúng tôi ăn bắp nướng mỡ hành, bánh nướng nóng hổi. Những cặp trai gái đi song đôi hay ngược chiều đều quay nhìn chúng tôi. Bố ngoài  bốn mươi tuổi nhưng trông bố rất trẻ. Tôi mười tám nhưng đã cao ngang bố. Nhìn chúng tôi ánh mắt họ như nói “rất đẹp đôi”. Bố tôi hoàn toàn không để ý. Riêng tôi sung sướng về sự hiểu lầm của họ.

 

Thích nhất là những buổi sáng sớm ra đường khi Đà Lạt đang còn ngủ – dân Đà Lạt ngủ muộn – thành phố vắng, chìm trong sương mù. Bố mặc áo khoác màu xám đậm kiểu Paris từ hồi bố du học, đội mũ phớt đen. Tôi mặc áo khoác màu da bò, đội mũ chóp len xanh đậm. Chúng tôi ra uống cà phê Thủy tạ. Sương đọng trên lông mi mắt trắng như bị bạc, chớp mắt nghe ươn ướt như khóc. Tôi nhìn ngắm bố, còn bố nhìn mơ màng lên đồi Cù hay những đám hơi nước bốc lên từ mặt hồ. Tôi buột miệng hỏi bố: “Bố thấy con có đẹp không”. Bố quay lại nhìn tôi hơi mỉm cười: “Sao con lại hỏi bố một câu hỏi thừa như vậy. Phải nói con gái bố chẳng những rất đẹp mà còn rất quyến rũ nữa”. Tôi sung sướng hỏi tiếp: “ Sao bố không làm thơ về con”. “Việc đó thì khác, phải có một xúc động cao độ và đặc biệt”. Tôi hơi buồn, như vậy là trước sắc đẹp và sự quyến rũ của tôi bố không xúc động gì cả.

 

Chúng tôi cũng đến thăm hồ Tuyền Lâm, thác Prène, hồ Than Thở. Ở Đồi Thông Hai Mộ bố kể cho tôi nghe câu chuyện tình buồn của một đôi trai gái. Tôi thầm nghĩ có lẽ đó cũng là chuyện của tôi nhưng chỉ một phía. Người con trai không hay biết mối tình và người con gái chết một mình.

 

Chúng tôi nằm trên cỏ xanh. Thông cao, lá dày. Nắng lọt xuống từng vệt sáng lỗ chỗ trên áo quần chúng tôi. Tôi nằm gối đầu trên tay bố. Bố vuốt tóc tôi nói “Con gái bố lớn rồi, sắp sửa đến lúc xa bố mẹ rồi đây. Gió thổi tóc tôi vướng trên mặt bố. Bố gạt ra. Tôi muốn bố để yên. Bố ngửi mùi hương tóc tôi, mùi hương con gái từ da thịt tôi tỏa ra. Tôi muốn nói: “Không bố ơi! Con không còn yêu  được người đàn ông nào khác  ngoài bố. Bố là người đàn ông đầu tiên và cuối cùng con yêu. Bố là mối tình đầu và duy nhất của con”. Tôi không nói được. Tôi ôm đầu bố, lùa những ngón tay thon thả vào tóc bố và tôi khóc. Bố nói “Con gái lớn thì phải đi lấy chồng chứ, ở già với bố mẹ sao cô ?”. Bố càng nói tôi càng khóc.Tôi gục mặt vào vai bố, nước mắt làm ướt đẫm áo. Bố nghiêng người choàng tay qua eo tôi, lắc nhè nhẹ. “Thôi nín, con gái cưng của bố, cô muốn làm gái già thì cứ việc”. Nói xong bố cười. Tôi nghĩ, ngay lúc đó ước gì tôi và bố cùng nằm chết bên nhau.

 

Buổi tối chúng tôi không ngủ khách sạn. Bố thích ở một biệt thự hơi xa trung tâm thành phố nhưng yên tĩnh, trên một khu đồi thoai thoải, chung quanh trồng hoa Mimosa thành rừng. Buổi sáng đứng ở hành lang lưng chừng đồi, nhìn xuống một thung lũng mờ mịt khói sương. Lúc đầu chủ nhà tưởng chúng tôi là vợ chồng xếp chung một phòng. Bố nói “Đây là con gái tôi”, chủ nhà đưa tôi qua phòng khác.

 

Tắm xong tôi thay đồ ngủ rồi qua phòng hôn từ giã chúc bố ngủ ngon. Bố hôn lại, đùa : “Chúc con mơ nhiều mộng đẹp”. Bất ngờ tôi vòng tay qua cổ bố ôm bố thật chặt, ngực tôi ép sát vào người bố. Bố hơi đẩy tôi ra. Tôi nhìn bố một lúc trong trạng thái say đắm rồi hôn nhẹ lên môi bố, chạy về phòng. Tôi ôm cứng gối ôm và thầm nghĩ: “Bố ơi! Phải chi con với bố chỉ là người dưng”.

Mùa hè năm 1967 bố con tôi đi nghỉ ở Vũng Tàu.

 

Mới vào đầu mùa hè nhưng khí hậu khá nóng. Bãi Trước, Bãi sau đều đông nghẹt người. Biển xanh trong, gió từ ngoài khơi thổi vào lồng lộng đưa những đợt sóng bạc đầu liên tục vỗ vào bờ.

Chúng tôi chọn bãi Thùy Dương, một bãi nhỏ, ở đây nước cạn và sạch. Thay đồ tắm xong chúng tôi ào ngay xuống nước. Bố mặc quần xịp trắng sọc đen, tôi mặc đồ hai mảnh màu vàng cam – mốt mới nhất lúc bấy giờ. Lúc tôi bước ra bãi, tôi biết mắt bao nhiêu chàng trai đỗ lên tôi. Tôi hãnh diện ngước nhìn bố.

 

Bố bơi rất giỏi. Tôi quên chưa kể bố là lực sĩ bơi lội đã từng tham dự nhiều cuộc tranh tài ở Pháp. Thân thể bố rất cân đối, những bắp thịt ngực, bụng, đùi đều định hình, rắn chắc.

 

Bố bơi ra thật xa rồi đưa tay vẫy tôi. Tôi chỉ ra đến chỗ nước ngang bụng vì không biết  bơi. Bố bơi vào. “Lần này về con phải học bơi”. “Bây giờ bố dạy con đi”. Bố nói: “Học bơi trước hết phải bình tĩnh, để thân thể tự nhiên, không gồng người. Càng quẫy đạp người càng nặng sẽ bị chìm”.

Bố bồng tôi lên đặt nằm ngang mặt nước. Hai bàn tay bố đỡ dưới bụng và gần ngực tôi. Sự va chạm tay bố vào làn da trần tạo một cảm giác lâng lâng ngây ngất. Tôi nhắm mắt  quên cả làm các động tác, chân tay tôi tê cứng không thể cử động được. Tôi chìm xuống, bố phải đỡ lên nhiều lần. Có lúc bàn tay bố vô tình đụng lên vú, lên háng, thân thể tôi như bị điện giật. Luồng điện chạy từ đầu đến chân những chu kỳ nhanh làm tôi choáng váng và tôi chìm lỉm. Bố đỡ tôi đứng dậy, vỗ nhẹ vào mông: “Con phải học bơi ở hồ trước”. Tôi thầm nghĩ: “Dù học ở đâu mà bố dạy thì con cũng không thể biết bơi được. Càng học con càng chìm”.

 

Đó là lần đi chơi cuối cùng của tôi và bố. Tết Mậu Thân, Huế; Bố và nhiều công chức bị bắt. Khi họ rút lui người ta tìm thấy những hầm chôn tập thể những người bị bắt. Theo chân những người đi tìm xác thân nhân, tôi và mẹ tìm ra xác bố trong hố chôn cạn ở Bãi Dâu. Bố bị trói thúc ké bằng dây điện thoại, mắt bịt kín vải đen, đầu vỡ. Xác đã gần rữa nhưng nhận diện được nhờ chiếc đồng hồ Omega vẫn còn trong tay bố.

 

Bố được chôn trên núi Ngự Bình, bên cạnh một gốc thông lớn. Gốc thông đó có lần hai bố con đã ngồi tựa lưng nghe thông reo và hút thuốc Craven A đầu lọc. Mơ màng nhìn khói thuốc bay tỏa bố nói sau này bố chết chôn bố cạnh gốc thông. Bố đọc hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ “ Kiếp sau xin chớ làm người-Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Bây giờ bố đã toại nguyện.

 

Tôi nhớ lại, từ lúc tìm thấy xác bố đến lúc chôn bố xong, cả hai mẹ con chưa bao giờ chảy ra một giọt nước mắt. Nước mắt của nỗi đau khổ tận cùng khô cứng lại không chảy ra được nữa, phải vậy không ? Nhưng đêm hôm khi trở về nhà, nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương với di ảnh bố, hai mẹ con ôm nhau gục xuống trước bàn thờ  nước mắt mới tuôn ra ràn rụa. Không một lời kể lể. Chỉ nghe có tiếng nấc và nước mắt chảy. Vai mẹ run lên, vai tôi run lên. Trong vắng lặng.

Mỗi ngày hai mẹ con lên  núi Ngự Bình thăm mộ bố, thắp nhang, đặt hoa, từ sáng đến chiều tối mới về. Nhìn mẹ gầy rộc tôi thương mẹ xót xa. Trước đây bố còn sống tôi nhìn mẹ như một tình địch. Giờ thì tôi và mẹ là hai người đàn bà cùng hoàn cảnh, đau khổ vì cùng yêu một người đàn ông đã chết.

 

Bàn thờ bố khói hương không bao giơ tàn. Mộ bố hoa không bao giờ héo. Tôi trồng mấy khóm hoa violette bông tím bố vẫn yêu lúc sinh thời. Nhưng nhìn mãi di ảnh bố, nấm mồ cô quạnh dưới gốc thông tôi không chịu nổi. Một nỗi ray rứt gần như tuyệt vọng vò xé tâm hồn tôi. Nếu tôi cứ sống ở Huế có lúc tôi sẽ tìm đến cái chết.Chỉ có cái chết mới đưa tôi ra khỏi nỗi đau thương. Nên tôi quyết định bỏ Huế mà đi. Dù biết rằng bỏ Huế là bỏ lại tất cả quảng đời tuổi thơ, bỏ lại tất cả những kỷ niệm của tôi và bố, quên hẳn mối tình đầu từ tuổi thơ dại đến tuổi trưởng thành. Nhưng tôi phải cứu đời mình”.

 

“Ngọc Trân không thoát khỏi bàn tay định  mệnh. Anh TK thẩn thờ nói.  Đọc đến đó ruột gan tôi đau thắt lại. “Nhưng tôi phải cứu đời mình”, mấy chữ đó như một mũi dao nung lửa xuyên qua trái tim tôi vốn trước đó đã bị thương nặng nề. Thà rằng nàng quyết tâm chết, như vậy tôi đỡ xót thương. Nhưng nàng... muốn sống...”. Anh TK im lặng hồi lâu, mặt đanh lại như tượng. Nàng muốn sống, cố chống chỏi lại bàn tay số phận mà không thoát khỏi mới thật thương tâm”.

 

“Suốt bảy năm từ 1968 đến 1975 mỗi tuần tôi mua hoa vào thăm mộ nàng. Tôi đặt hoa lên mộ, thắp nhang và khấn vái tên nàng”. Mắt anh lại nhìn xa xăm qua bên kia biển Thái Bình Dương. Năm 1975, trước khi Sài gòn thất thủ tôi ra Guam rồi qua Mỹ. Tưởng rằng sẽ vĩnh viễn xa lìa quê hương, xa lìa Ngọc Trân, nhưng năm 1980 nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi bị giải tỏa để làm công viên. Được tin tôi xin phép – dạo đó chưa được đi thong thả – về hốt cốt nàng hỏa thiêu gởi vào chùa Vĩnh Nghiêm cùng với di ảnh. Tôi đem về Mỹ một phần tro để thờ. Tôi chỉ thờ bình tro và bát nhang, không thờ ảnh nàng, vì hình ảnh nàng đã khắc sâu vào trái tim tôi”.

 

“Từ khi có bình tro thể xác Ngọc Trân bên cạnh, tôi thấy đời tôi không còn hiu quạnh. Tôi cảm thấy lòng ấm áp mỗi lần cắm lên bàn thờ nàng một nén nhang”.

 

“Cách đây một năm, khi được bác sĩ cho biết ngày cuối bệnh trạng của mình, tôi đã đem bình tro chôn dưới tảng đá đen lớn trên núi gần nhà, nơi tôi kê chiếc bàn  chúng ta vẫn ngồi uống trà tôi chưa nói với anh. Tự tay tôi mài một mặt phẳng trên tảng đá và đục tên nàng “Công Tằng Tôn Nữ Ngọc Trân”. Anh nhìn tôi ho khan mấy tiếng. “Nghĩ cũng tức cười”, anh tiếp lời, “đời người ngắn ngủi, vật đổi sao dời mà lòng người thì cứ luôn ước mong sự vĩnh cửu. Tảng đá kia có trường tồn được với thời gian không, ngọn núi có còn bền vững mãi không ? Thật là mù mờ, không tưởng. Nhưng cứ nghĩ rằng sau khi tôi mất đi rồi, trong một khoảng thời gian dài, chừng nào ngọn núi còn nguyên vẹn, thì tảng đá mang tên nàng vẫn còn đó. Ngày ngày đón nắng bình minh hòang hôn, đêm đêm tắm ánh trăng sao, và dúm tro hài cốt nàng vẫn được lòng đất ôm ấp bình an thì lòng tôi cảm thấy vui và ấm áp”.

Nắng gần đứng bóng. Gió đẩy sóng mạnh vào bờ. Một bầy hải âu  đứng chung quanh chúng tôi tự lúc nào. Một con chim nhỏ lông xám, chân vàng khỏng kheo đứng nhún nhảy. Một vài người Mỹ chạy trên bờ cát, chơi banh chuyền hay nằm phơi nắng. Chúng tôi lửng thửng trở về xe. Bỗng anh dừng lại nhìn tôi như muốn nói một điều gì.

 

“Không biết tôi có nên nói điều cuối cùng này với anh không”. Anh TK hơi lưỡng lự. Tôi nhìn anh khuyến khích và anh nói với một chút cố gắng.

 

“Khi gặp tôi Ngọc Trân đã là gái một con. Nàng có thai năm mười tám tuổi, sinh một đứa con trai. Có lẽ chúng ta không nên tìm hiểu tác giả của đứa bé làm gì nữa. Hãy để nó chìm vào quá khứ... Khi biết chuyện mẹ nàng rất đau khổ. Bà âm thầm đưa nàng lên Đà Lạt sống. Sinh xong, cứng cáp nàng mới trở về Huế ở lại với gia đình. Đứa con được gởi nuôi. Sau khi chôn Ngọc Trân xong, trước khi trở về Huế bà đã cho tôi địa chỉ và tên đứa bé, nhờ tôi trông nom. Hồi trước năm 1975, ở Sài gòn tôi vẫn thỉnh thoảng lên thăm cháu, trả tiền nuôi nấng. Người nuôi không biết tôi là ai, nhưng thấy tôi trả tiền nuôi nấng nên cứ bảo nó gọi tôi bằng bố. Nó có vẻ thương tôi. Mỗi lần tôi lên, lúc ra về nó khóc không cho về, ôm cứng tôi đòi theo. Năm 1975, trước khi bỏ nước ra đi tôi lên Đà Lạt đem cháu về cùng đi”.

 

Chúng tôi còn đứng ở cửa xe uống nước lọc. Ba cô gái Mỹ hai trắng một đen mặc áo tắm khoe thân thể khỏe mạnh, hấp dẫn trượt patin ngang qua chỗ chúng tôi. Họ giơ tay chào, chúng tôi chào lại. Anh TK nhìn theo:

“Tuổi trẻ thật đáng yêu biết bao. Hồi tôi gặp Ngọc Trân nàng cũng ở lứa tuổi đó... Nỗi đau nàng để lại trong lòng tôi sâu đậm quá, tính thời gian đến nay hơn ba mươi năm vẫn chưa nguôi ngoai. Vết thương tuy đã thành sẹo, nhưng những lúc trái gió trở trời nó lại  lên cơn đau nhức nhối, đó là những lúc tôi nhớ đến nàng. Nhưng có lúc nào tâm trí tôi không tưởng nhớ đến nàng đâu, nên nỗi đau trong tôi là một nỗi đau triền miên, chỉ sau khi chết đi mới hết được”.

 

“ Cháu William lâu nay anh tưởng con tôi, thực ra là con của Ngọc Trân đó. Từ ngày mất nàng, lòng tôi trở nên trơ  cứng còn đâu hồn vía nghĩ đến chuyện lấy ai mà có con cái”.

“Tên thật  của cháu là Vĩnh H...”./.

 

California 29.10.2000

Kinh Dương Vương
Số lần đọc: 1966
Ngày đăng: 12.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời từ nơi hư ảo - Vinh Anh
Thị Trấn Êm Đềm - Mang Viên Long
Vua Ngu - Nguyễn Thanh Hiện
Con Dốc - Vũ Lập Nhật
Sợi Tóc Mong Manh - Nguyên Minh
Chết Không Nhắm Mắt - Nguyễn Viện
Chuyện cổ tích ông kể cháu nghe - Huỳnh Văn Úc
Người Thầy muôn đời - Thái Quang Hy
Vỡ Tổ - Đặng Kim Côn
Chuyện Về Một Ngôi Nhà. - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Hoạt Cảnh (truyện ngắn)
Mén Ơi! (truyện ngắn)
Số Phận Lũ Sáo Nhà (truyện ngắn)
Những Giọt Nước (truyện ngắn)
Lão Hạ (truyện ngắn)
Đường Kiến (truyện ngắn)
Thầy Thích (truyện ngắn)
Diệu Kế (truyện ngắn)
Ngày Trọng Đại (truyện ngắn)
Phiên Chợ (truyện ngắn)
Thác Với Tình (truyện ngắn)
Mơ Dòi (truyện ngắn)
Chiên Lạc (truyện ngắn)
Những Mầm Non (tạp văn)
Mộ Ông Ðá (truyện ngắn)
Chuyến Xe (truyện ngắn)
Quà Sinh Nhật (truyện ngắn)
Thằng Điếm (truyện ngắn)
Tượng Than (truyện ngắn)
Phiên Tòa (truyện ngắn)
Sinh Hoạt (truyện ngắn)