Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
824
116.628.641
 
Như Là Tình Yêu
Nguyễn Thị Phụng

(Đọc SOI MÌNH VÀO DÁNG QUÊ của Ngô Văn Cư - NXB Văn Nghệ, 2009 )

 

Giai điệu ca từ mượt mà hay chính lời thơ ấm áp làm nên vẻ đẹp cốt cách tâm hồn người Việt Nam: "Quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nỗi thành người…” Mạch cảm xúc quê hương yêu dấu ngọt ngào nhắc nhở của Đỗ Trung Quân cũng chính là đề tài của những nhà thơ viết về nơi "chôn rau cắt rốn” của mình. Biết vịn vào Mẹ làm điểm tựa, biết tự " Soi Mình Vào Dáng Quê”, và đó cũng chính là tên tập thơ thứ ba của Ngô Văn Cư sau hai tập: Điều Bây Giờ Mới Nói (NXB Đà Nẵng,2003), Đợi Ngày Xưa (NXB Văn Nghệ, 2007).

 

Xuất phát từ tình yêu người bao nhiêu, anh càng yêu nghề bấy nhiêu. Bởi anh là một nhà giáo vừa dạy học, vừa làm thơ viết văn. Anh yêu quý thơ văn như là yêu cuộc sống không thể thiếu sau những giờ lên lớp. Anh gởi vào 62 bài thơ trong tập bằng cả trái tim yêu thương hết thảy những gì lượm lặt thường ngày trong cuộc sống, và thêm nữa là Tổ Quốc ngàn đời vững vàng cầm súng, cầm cày, cầm bút,… tung xới điểm tô cho độ màu mỡ đất đai kết tụ hương thơm quả ngọt trĩu cành có đủ sắc màu lung linh như cung đàn: lúc trầm bổng du dương, lúc réo rắc rộn ràng, lúc thánh thót ngân nga,… vang vọng trong trái tim giàu cung bậc của anh. Có lẽ tôi hơi sa đà, hơi tản mạn bởi bầu trời mùa thu trong xanh kia có mây trôi bàng bạc, cứ bềnh bồng bềnh bồng nhịp thở bất tận thời gian. Còn anh giữa trời đất bao la ấy, có bao giờ chông chênh bởi anh chiêm nghiệm rằng Biết Soi mình Vào Dáng Quê thì ở mọi tư thế nào cũng vững vàng chân bước. Ta hãy lắng nghe lời gởi gắm chân tình tin yêu :

 

…Rất khó quên là bài học vỡ lòng

Trang sử đầu đã biết đất Thăng Long

Sóng Bạch Đằng theo dấu chân Phù Đổng

Hịch Cần Vương còn vang vọng non sông…

( Những bài học khó quên/ Tr.76 )

 

Giữ được cho mình cốt cách hồn quê đã khó, cuộc sống giữa đời thường lại càng khó hơn, dù tất bật vội vàng bởi sợ trễ giờ lên lớp, còn tâm hồn nhà thơ không chùng bước phảng phất hương bay:

 

Vội vàng sợ trễ giờ lên lớp

Bỗng gặp nhành hoa nở cạnh đường

Nhẹ ngắt một hoa cho vào cặp

Bất ngờ lớp học ngát mùi hương

(Bất ngờ ngát hương,tr.43)

 

Chút lãng đãng nên thơ mơ mộng của chàng thi sĩ giáo viên trong bài tứ tuyệt gói ghém cái tình với đàn em thơ ngây, bài học không chỉ dừng lại những kiến thức trong sách vở, thầy giáo còn định hướng cho các em thưởng thức vẻ đẹp tinh hoa văn hóa của dân tộc, biết lôi cuốn học sinh trong từng tiết dạy của mình. Phải chăng đây là nét riêng của Ngô Văn Cư! Làm thầy nhưng anh mãi là học trò của người đi trước:

 

Ta sinh ra sau bảy trăm năm

Nhớ người thầy một thời tiết tháo

Hôm nay, ngày Nhà giáo

Xin làm người trò nhỏ của người xưa…

(Ngày Nhà giáo nhớ Chu Văn An, tr.27)

 

Anh khát khao “Xin làm người trò nhỏ của người xưa…” Chính thái độ khiêm tốn nâng anh lên thành nhà giáo mẫu mực, lao động giỏi luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Dù khó khăn gian khổ anh không rời bục giảng, rời xa mái trường. Trường học còn là mái nhà thân thiện tình thầy trò gắn bó, tình đồng nghiệp học hỏi sẻ chia, và với cả nhân dân quan tâm hòa đồng cởi mở…Đó là sắc màu yêu thương khi anh biết “Áp tai xuống đất” nghe được hơi thở nồng nàn của đất trời hòa quyện vào nhau, từ trong tiếng ầu ơ sâu lắng của mẹ trên chiếc võng kẽo cà kẽo kẹt, từ tiếng gió thổi miên man vọng về của miền xưa nhung nhớ một thời về lớp người trai trẻ ra đi, dấu chân in hằn trên đất Mẹ còn đó, chỉ có máu thấm đượm chảy vào mạch ngầm lưu giữ mãi về sau. Tất cả vọng lại trong chiều đau đáu xót xa khi lá cỏ cựa mình, rồi hạt mưa trời rơi mau cho dế giun quên đời ngái ngủ…Anh thiết tha thật hồn nhiên:

 

Chợt ta về với tuổi thơ ta

Hồn nhiên

Áp tai xuống đất

Nghe

Gió thổi về miền kí ức…

Nơi những người con trai con gái ra đi

Bậu cửa kẽo cà kẽo kẹt

Bóng mẹ mờ cùng bóng chiều hôm

Nhè nhẹ trong mạch ngầm của nước

Có giọt máu hồng lứa tuổi thanh niên…

(Áp tai xuống đất,tr.50)

 

Áp tai xuống đất lắng nghe hơi thở của Mẹ trong dáng chiều quê mình gần gũi rạ rơm, chân lấm tay bùn phèn chua nứt nẻ nơi đồng áng giờ tất bật khẩn trương hơn:

 

Trời vừa chuyển cơn dông

Mẹ tải rơm đốt đồng

Khói um chiều tĩnh lặng

Ruộng trổ rực lửa hồng

(Chiều của mẹ,tr.55)

 

Anh đọc được trong lời của bà kể chuyện về một đời cha tôi lầm lũi nắng mưa cuốc cày chân chất vẫn giữ được nét đẹp cần cù của người nông dân từ xưa đến nay: yêu nước, hi sinh cả đời chỉ vì lo nghĩ đến tương lai con em mình. Lời thơ lục bát thủ thỉ tâm tình dặn dò:

 

…Một đời, cầm súng hai lần

Một đời, sự nghiệp lỡ làng mấy phen

Không hề là thú điền viên

Cha tôi quần quật cả đêm lẫn ngày…

(Cha tôi,tr.48).

 

Yêu cha, kính mẹ nên hạnh phúc được làm con, làm người, làm thầy dạy học.Anh ngỡ mình đã trưởng thành vững tin trước cuộc sống, trước tình đời. Nhưng không, nhà thơ tự bạch:

 

Cũng bởi ta vụng dại ngu ngơ

Thả lời yêu vào em

Ngực em vồng lên như ngọn đồi trước gió

Khiến ta lạc lối

Lời yêu không tìm được đường ra…

…Cũng bởi ta vụng dại vô tình

Thả câu thơ không đúng chỗ

Câu thơ lăn lông lốc trên đường

Vật vã…

(Bao giờ ta mới khôn ra, tr.68)

 

Ở nhà thơ người thầy, cái chất thi sĩ trong anh vấn vương nhè nhẹ:

 

…Sông sâu đò nhỏ tròng trành

Mái chèo còn vướng sông trăng dùng dằng

Lặn trong nỗi nhớ tần ngần

Gặp em đôi mắt lá răm cứa lòng…

(Lãng đãng tình xưa,tr.58)

 

Trái tim chàng lãng tử say trăng thơ cũng chính là say tình người khác phái. Cái tình ấy dạt dào ngan ngát, xao xuyến nhớ nhung. Khi mỗi ngày về trời mãi miết trong xanh, mà lòng anh trăn trở, phảng phất đâu đây ngỡ hương thơm, ngỡ cỏ lạ, sắc trắng cánh cò trầm tư, còn tiếng ve phá vỡ không gian im ắng đường làng, lại ngỡ rộn ràng đến thế! Sao chơi vơi muôn nẽo. Thì ra, trong anh đang đón nhận thực tại đầy bức xúc:

 

Một chiều lòng ngỡ chiêm bao

Ta nghe nước mắt chảy vào trong tim

(Lục bát nhặt trong chiều, tr.66)

 

Nghẹn ngào đắng cay, muốn trút bỏ buồn đau lầm lỡ, anh đâu giữ lại làm gì:

 

Lời yêu sao nỡ đùa nhau

Để riêng anh thấm nỗi đau nhân tình

Đành tìm giữa cõi ba sinh

Nhặt từng lời hứa chưng tình trả em

(Trả em, tr.36)

 

Dù không phải nhà tiên tri, anh nhận ra bóng hoàng hôn tím ngắt lặng dần, đêm uống sương lã chã, để rồi bình minh ửng hồng ấm áp trở lại. Không cần một lập luận nào, ví dầu thu buồn rớt lại giữa mênh mông bão cuốn mưa dầm đổ vào lòng đất. Đất rạo rực miền xanh trong mùa đông hối hả ngóng trông:

 

Đâu chỉ là những giọt sương rơi

Lũ chuyển phù sa vun mùa trái chín

Cuốn trôi chuyện ngày xưa vào kỉ niệm

Thao thiết chờ ngày trời đất lập xuân

(Chờ ngày trời đất lập xuân,tr.21)

 

Có bao nhiêu bài thơ có bấy lần cảm xúc, những cảm xúc nhè nhẹ luyến lưu muốn níu lại đôi mắt dù vài lần đọc qua. Soi Mình Vào Dáng Quê chính là cái tình người thầy, thi sĩ đã trang trải hết nỗi lòng trong nhiều thể thơ khác nhau. Cái tình đó đâu thể mua được, muốn có cũng không ai bán. Tự chính trái tim nở hoa kết trái. Cuộc đời đáng yêu biết bao nhiêu, anh nào dám dành hết về mình, bởi anh biết san sẻ gởi gắm chút hương thơm phảng phất theo làn gió nhẹ, chút ấm áp ngọt ngào đêm đông giá rét.Vì thế thơ anh chứa chan đằm thắm từng câu, từng bài không hề có sự trùng lặp. Nhà giáo trong nhà thơ, hay nói đúng hơn nhà thơ trong nhà giáo. Bởi thơ vốn có từ khi anh được sinh ra, được hít thở khí trời làngThanh Lương, được uống nước dừa xanh Ân Tín, được đứng dưới bóng mát cả rừng dừa Hoài Ân, Bình Định  nghe tiếng quê hương bốn mùa gởi vào chiếc lá , và từ đó anh đã Soi Mình Vào Dáng Quê…/.

 

02.09.2010

Nguyễn Thị Phụng
Số lần đọc: 1564
Ngày đăng: 22.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một vụ việc cố tình và mấy lời trần tình* - Nguyễn Chính
Địa hạt thơ ca xưa nay luôn sôi động. - Hồ Thế Hà
Lý Luận Tiểu Thuyết Trong Cái Nhìn Của Một Nhà Văn - Nguyễn Văn Tùng
Chút Tình Còn Lại - Nguyễn Liên Châu
"Như Long Lanh Sương Sớm" - Hoàng Thụy Anh
Đọc “Nhìn Phẳng” Của Thái Nam Anh - Nguyễn Bình Phương
Đọc Chân Phương Chiều Chạng Vạng… - Nguyễn Hồng Nhung
Nguyễn Nguyên Bảy, một “Núi thơ” - Hoàng Xuân Hoạ
Quán cũ, Vân Long - Vân Đình Hùng
Đọc Thơ Bùi Kim Anh - Chân Phương
Cùng một tác giả