Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
800
116.613.308
 
Kẻ Lạ Mặt
Nguyên Minh

Tôi vừa nằm mơ thấy hắn. Không phải đây lần đầu, nhiều lần như thế. Hắn là người bạn thân thiết nhất của tôi, từ thời thanh xuân. Khi ấy chúng tôi sống trong  một thị trấn nhỏ rất bình yên và ấm cúng tình người. Tuy những giấc mơ có khác nhau, nhưng chung qui hắn đều đóng vai của một kẻ lạ mặt.

 

Tình cờ có người cho tôi hay đã gặp mặt hắn. Họ cho tôi địa chỉ để đi tìm. Tôi như lạc vào một nơi xa lạ, hẻm hóc quanh co, nhà cửa xiêu vẹo. Người tôi gặp đầu tiên,  một thiếu phụ có khuôn mặt trái xoan, chiếc mũi dọc dừa, và đặc biệt là nước da nàng trắng buốt. Nàng mang vẻ đẹp liêu trai. Tôi hỏi nàng là ai? Người đàn bà nói nhỏ nhẹ: “Em là vợ của anh ấy”. Tôi cho nàng biết tên tôi và nói tôi là người bạn thân nhất của chồng bà, suốt từ năm mươi năm qua. Bọn tôi, vắng mặt nhau đã bốn mươi năm rồi, tôi muốn gặp lại anh ấy. Nàng nói chưa bao giờ nghe anh ấy nhắc đến tên tôi. Nàng cho biết anh ấy không muốn gặp ai cả kể những người thân đã qua trong đời chàng. Nhưng nàng vẫn bước vào phòng gọi hắn.

 

Hắn bước ra. Trước mặt tôi, người đàn ông tóc đã bạc. Tuy nhiên tôi vẫn nhận ra hắn. Chiếc cầm nhọn. Đôi mắt xếch. Một nốt ruồi son nơi mép má, ngày xưa tôi nghĩ nhờ nó nên hắn có số đào hoa. Tôi mừng rỡ, định bước tới ôm choàng lấy hắn. Như biết định ý định đó, hắn thụt lui, nép người vào chân tường, lạnh lùng hỏi: “Ông là ai? Tôi không quen biết.” Tôi nhắc tên tôi vài ba lần liên tiếp: “Mân đây. Mân đây mày không nhận ra sao?” Hắn lắc đầu. Đôi mắt hắn nhìn sững vào tôi, từ đó toát ra một luồng khí lạnh làm buốt người tôi. Tôi còn nhắc đến tên người con gái này hy vọng hắn sẽ nhớ, vì đó là người hắn yêu vô cùng, mối tình học trò đầu tiên của hắn. “Mày nhớ đến Khánh không?” – “Khánh nào? Ai mà lạ thế?” Tôi nhắc lại vài kỷ niệm giữa tôi, Khánh và hắn. Hắn lắc đầu. Cuối cùng hắn nói: “Tôi không phải là người mà  anh muốn tìm.” Nói xong, hắn tan biến mất. Vợ hắn cũng thế. Ngôi nhà, con hẽm cũng bị cuốn theo cơn bão cát từ bãi tha ma trên xóm động thổi vào. Bỏ lại tôi đứng một mình trơ vơ giữa trời mây với cơn mưa xối xả, tầm tả. Tôi ướt cả thân hình, và run lên cầm cập. Nỗi đau nào bỗng ngập vào hồn làm tôi phải hét lên như để trào ra ngoài, loảng vào không khí, chạy đuổi rượt theo hình bóng của hắn: “Tân ơi! Sao mày làm kẻ lạ mặt với tao thế!” Rồi tôi tự trấn tĩnh lại bằng cách tự hỏi: “Ủa mà sao mày còn sống. Tao nhớ là mày đã chết từ lâu?”. Một tiếng súng nổ rất mơ hồ từ một vùng hoang vu nào đó vang lên như nhắc tôi về tiếng súng của 40 năm về trước hắn đã tự bắn vào đầu mình, kết liễu đời một chàng thanh niên tràn đầy sức sống.

 

Tôi giật mình thức dậy sau một tiếng nổ lớn của cơn giông đang bắt đầu cơn mưa vào buổi sáng tinh sương. Hình ảnh của Tân trong giấc mơ vẫn còn ám ảnh tôi. Dù đã bao nhiêu năm tháng trôi qua, nhưng  khi chợt nghĩ về hắn, tôi thấy mình như đã nợ hắn rất nhiều. Món nợ mà tôi không thể hình dung ra  nỗi. Nhưng tôi thề, phải trả, dù có muộng màn, tôi phải tìm cho ra một câu trả lời chính đáng về điều bí ẩn vì sao hắn chết?

*

 

Vào năm 1954, sau Hiệp định Genève, đất nước Việt Nam bị chia đôi thành hai miền. Làn sóng người từ miền Bắc di cư vào Nam, tập trung nhất ở Thủ đô Sài Gòn, rồi rải rác về các tỉnh thành khác. Trong thời điểm ấy tôi mới có những người bạn, mang giọng nói lạ tai đầy âm điệu trầm bổng đó, như Khánh, như Hoàng. Những cô bạn láng giềng đó, ở sát nhà tôi, cùng một con đường nhỏ, hai bên lề sừng sững những cây me tây cổ thụ, toả đầy bóng mát, và những chiếc lá vàng nhỏ li ti, chỉ một cơn gió thoáng mùa thu, rơi lả tả, uốn lượn trên không như đàn bướm, trước khi rơi xuống nằm im lìm trên mặt đường nhựa xám bóng.

 

Chúng tôi dễ làm quen và dễ thân nhau vì cùng chung một sở thích. Chúng tôi cùng ca múa, cùng dựng một đoàn kịch trẻ con, diễn những tuồng tích mà chúng tôi tự nghĩ ra. Tiếng cười và cũng có khi nước mắt chảy dài của những diễn viên trẻ con ấy. Chúng tôi đã nhập vai vào nhân vật hồi nào không hay. Tôi diễn những vai hề, chọc cười khán giả, cũng lũ trẻ con như tôi, đang ngồi chồm hổm trên thềm xi măng, ôm bụng cười nắt nẻ. Còn Khánh đóng vai cô bé, lang thang, thất thểu, vừa đi vừa khóc, kêu Mẹ ơi trong cảnh loạn lạc của đoàn người di cư vào Nam. Tiếng khóc sùt sùi từ hàng khán giả thút thít vọng lên làm Khánh tưởng mình đang tìm mẹ thật, nên càng tủi thân, nước mắt cô bé càng chảy đầm đìa.

 

Đoàn kịch trẻ con ấy cũng rã đám khi chúng tôi bước chân vào trường trung học. Ngôi trường vừa mới xây dựng xong, trên khuôn viên rộng có hàng cây phượng đỏ. Ông hiệu trưởng là người Bắc di cư, lại sính văn nghệ, cùng các thầy cô cũng cùng một hoàn cảnh như ông, đã thổi vào tâm hồn chúng tôi một luồng không khí mới mẻ. Chúng tôi đều có mặt trong ban văn nghệ nhà trường, tập họp nhau vào giờ hiệu đoàn ở một góc phòng dành riêng cho gia đình ông hiệu trưởng, cùng tập dợt theo sự hướng dẫn của thầy phụ trách. Lúc nầy, chúng tôi có thêm người bạn mới. Như Tân. Tưởng chỉ là bạn trong thuở thiếu thời. Ai ngờ suốt đời tôi những người bạn ấy gắn chặt, dính liền, quyện vào tâm hồn tôi, tạo thành những nỗi đau ê chề, những nỗi ray rức khôn nguôi.

 

Tân là con trai thứ của một gia đình từ ngoài Trung, dẫn dắt nhau tìm đường sống, trong những năm đầu loạn lạc, thời chiến tranh chống Pháp. Thuở ấy thị trấn này dân cư thưa thớt. Phố xá lưa thưa vài ba quán ăn, tiệm chạp phô, tiệm hình… Nhà anh ở ngay con phố chính và cũng là nhà may đầu tiên của thị trấn này, hai bên vách chưng bày những mặt hàng vải tây sang trọng trong mấy cái tủ kính to lớn, bề thế. Cùng những chiếc máy may với mấy chàng thanh niên quần áo bảnh bao, chỉnh tề. Gia đình anh khá giả, các anh chị Tân đều được đi học ở các trường nội trú Đà Lạt hoặc Sài Gòn. Nếu thị xã này chưa mở trường trung học có lẽ anh cũng được cha mẹ cho đi học xa. Thuở ấy, chúng tôi đến trường phải mặc đồng phục quần tây màu xanh, áo sơ mi trắng và mang xăng-đan. Rất ít học sinh con nhà giàu, quần áo bảnh banh, toàn vải ngoại, giày da bóng láng, Tân nằm trong số đó. Ngày đầu gặp nhau tôi không ưa chàng thanh niên mới lớn đó, tóc chải vuốt ra sau gọn gàng và bóng lưởng. Nhìn hắn không ra một chàng học sinh tỉnh lẽ, hắn mang dáng dấp của một chàng công tử Bạc Liêu, dù lúc đó tôi chưa hiểu gì về miền lục tỉnh xa xôi đó. Hắn làm quen với tôi trước, lúc ban văn nghệ nhà trường nghỉ giải lao. Hắn hỏi nhà tôi ở đâu với giọng nói nhỏ nhẹ, lơ lớ giọng Quảng. Tôi chỉ trả lời qua loa. Hắn ngạc nhiên nói như để tự trả lời với chính mình: “Lạ nhỉ, té ra tôi với ông cùng ở một xóm mà bấy lâu tụi mình không biết.” Tôi khó chịu khi nghĩ rằng tôi với hắn làm sao có thể làm bạn với nhau được. Nhưng khi thầy hướng dẫn giới thiệu với chúng tôi hắn là cây ghi-tar tuyệt vời, chuyên chơi nhạc cổ điển Tây phương, tôi vẫn tỏ ý nghi ngờ.  Hắn cầm cây ghi ta vào lòng, ngồi trên ghế, những ngón tay hắn cử động như cua bò trên từng giây đàn. Đôi mắt hắn nhìn ra ngoài trời, như về một cõi xa xăm nào đó. Tiếng đàn thánh thót trong bản Roman làm chúng tôi xúc động. Bao nhiêu thành kiến về hắn trong tôi đều tan đi. Từ đó hắn là bạn của tôi, tên bạn thân suốt cả cuộc đời tôi. Tôi dẫn hắn đến làm quen với Khánh. Hắn tỏ vẽ luống cuống trước mặt cô bé Bắc kỳ nho nhỏ xinh xinh, có giọng hát cao vút và truyền cảm như chim sơn ca. Nhưng sau đó, hắn cũng thốt lên được lời hứa,  sẽ đệm đàn cho Khánh hát. Ai ngờ giây phút đó bắt đầu một định mệnh cay nghiệt cho một mối tình. Sau khi hắn biết Khánh thích con trai có mái tóc bồng bềnh, ra vẽ nghệ sĩ hơn, hắn để tóc dài và không còn chải tém và thoa dầu bri-dang-tin nữa. Còn Khánh, giọng hát của Khánh sẽ lạc điệu ngay nếu không có tiếng đàn đệm của Tân. Chỉ khi có Tân đứng bên cạnh, tiếng đàn ghi tar cất lên mới dìu tiếng hát của Khánh bay xa, và nàng rất tự tin, thả hồn mình theo lời ca. Khuôn mặt nàng bấy giờ thay đổi từng lúc, từ đôi mắt, từ nụ cười, từ giọt lệ sắp rơi, làm người nghe bị cuốn hút theo vào một cõi hư vô nào đó. Tôi là người khán giả đầu tiên trong những lần Khánh hát một cách xuất thần như thế. Tiếng đàn ghi tar của Tân đệm rất êm đềm, hòa theo tiếng hát của Khánh. Ngôi nhà của tôi bấy giờ là nơi để Tân và Khánh gặp nhau. Những bản nhạc tình ca lảng mạn của thời tiền chiến, trước năm 1945 được bày bán trên đường Lê Lợi ở Sài Gòn mà Tân nhờ người quen mua hộ gởi về, Tân đóng thành tập. Tân chép lại những bản họp với giọng ca truyền cảm của Khánh, như Giọt mưa thu, Em đến thăm anh một chiều mưa, Lá đổ muôn chiều v.v… lên sau tấm hình cảnh Đàlạt sương mù, đưa cho Khánh để nàng thuộc lòng về lời ca. Sau đó, Tân khẩy từng tiếng đàn chậm chạp và lập đi lập lại cho Khánh nghe đến thuộc lời. Những lúc ấy tôi thường bỏ lên gác ngồi hút thuốc. Tôi chỉ đắm mình lắng nghe khi họ đã luyện tập nhuần nhuyển. Thuở đó, chúng tôi xem cặp song ca Nguyễn Hữu Thiết và Ngọc Cẩm như một thần tượng. Không chỉ họ hát hay mà là một cặp vợ chồng chung thủy, trai tài gái sắt. Chồng đàn guitar và hát bè cho vợ cất tiếng hát, mang âm hưởng dân ca. Cả hai quyến luyến bên nhau, cùng đi lưu diễn khắp miền đất nước. Tôi cũng ước mong sau này Tân và Khánh cũng như thế. Họ yêu nhau bằng tấm lòng trong sáng và tiếng hát của họ hòa lẫn vào tiếng đàn guitar truyền hơi ấm cho những mối tình còn thơ.

 

Ba Khánh là một công chức có quyền lực trong thị xã. Ông không muốn con gái cưng của ông phải lòng yêu thương một cậu học trò cùng trường, nhất là chàng thanh niên đã gây cho ông ấn tượng ban đầu không tốt đẹp. Khánh tâm sự với tôi, nửa cười, nửa muốn khóc: “Biết ông già mình thường về nhà phải ngang qua con đường có hàng me tây đó, có hàng trụ điện thắp sáng lờ mờ nhưng cũng thấy rõ từng ổ gà, huống chi là mấy ông tụ tập ngồi dước gốc trụ điện mà gảy đàn, trông thảm thương như một cảnh ăn xin.” Tôi nói cho Khánh biết trời nóng nực, đêm vắng người bọn chúng tôi gồm Tân, Vô Thường và tôi rủ nhau ra đó. Tân ôm đàn, ngồi dựa lưng vào cột điện, bên kia Bảy Rìu cũng ôm đàn ngồi đâu lưng với Tân. Dưới ánh sáng lờ mờ, vàng chệt của chiếc bóng đèn đường yếu ớt tỏa xuống. Tôi có cảm giác như chúng tôi đang ở trên sân khấu. Tiếng đàn của Tân và Vô Thường hòa lẫn vào nhau, rộn ràng, nhập vào thành một bản hòa âm tuyệt vời. Tôi ngồi ở bên kia đường như một khán giả. Cả hai người là anh em bạn dì, cùng say mê chơi đàn ghi ta. Họ đều không qua trường lớp âm nhạc nào. Họ tự học và hơn nữa họ có năng khiếu từ nhỏ. Nhà Tân có sắm một máy bỏ đĩa, Tân và Vô Thương thường để những đĩa nhạc về độc tấu tây ban cầm của những tay chơi tây ban cầm nổi danh thế giới và họ tập đàn theo. Khi cầm đàn trên tay, và những ngón tay điêu luyện bắt đầu búng lên giây đàn, âm thanh vút lên, họ quên hết mọi chuyện, họ không còn thấy trước mặt họ là ai. Thật vậy, kể cả tôi, cũng không nhận ra ba Khánh đã từng đi ngang qua.

 

Từ đó, chúng tôi thường kéo nhau lên bờ đê, leo lên trần của một cái lô cốt đã bị bỏ hoang sau khi hòa bình lập lại. Tân và Vô Thường cùng đàn. Còn tôi ngồi hóng mát, nhìn con sông Dinh hiền hòa chảy, nhìn ánh trăng hạ tuần chiếu xuống. Tôi thả hồn theo mây gió cùng tiếng đàn thắm thiết. Đêm khuya sương xuống, rơi ướt bờ vai. Gió lạnh từ con sông thổi vào. Tiếng đàn loảng vào không gian. Chúng tôi vội bước xuống đất, chui qua từ một lỗ hỏng, như cửa hang, vào bên trong lô cốt. Nền lô cốt tráng xi măng láng trơn. Trần lô cốt được đúc bằng bê tôn. Chỉ cần đứng thẳng người giơ tay lên là đụng trần. Bốn bề kín bưng, chỉ chừa vài lổ châu mai nhìn thấy cảnh bên kia sông là xóm làng quạnh hiu. Bấy giờ tiếng đàn của Tân và Vô Thường vang dội, hòa lẫn với nhau, tạo thành những âm thanh rộn ràng. Tôi cứ tưởng bọn tôi ở trong một căn phòng kín và đang thu âm để phát thanh một chương trình văn nghệ của thị xã mà hằng đêm thứ bảy nào cũng được phát ra từ những chiếc loa gắn trên trụ đèn ở công viên nho nhỏ trung tâm thị xã. Trong lô cốt này, trên con đê này, dưới kia là con sông Dinh, cách phố xá không bao nhiêu, tiếng đàn của họ được khuếch đại bay ra từ những lỗ châu mai, theo gió mang vào, chập chờn trong giấc ngủ từng giọt âm thanh cho những ai chợt thức giấc giữa đêm khuya vắng lặng. Nhà Khánh lại ở dưới chân đê, nhưng cách cái lô cốt cũng hơi xa. Khánh chợt nghe và nhận ra ngay tiếng đàn của Tân, nhưng không biết phát xuất từ đâu, cho đến khi tôi gặp nàng. Qua tôi, Tân cũng biết từ đó Khánh thường thức khuya, ngồi dưới ánh đèn vàng vọt, trước trang vở đầy chữ nghĩa, miệng lẩm bẩm cố nuốt vào trí óc những bài học khô khan về vạn vật, vật lý, nhưng thực chất là để lắng nghe tiếng đàn của Tân. Những lúc họ giận hờn nhau, chỉ vì những chuyện không đâu, Tân đi một mình giữa đêm khuya, mang theo cây đàn ghi tar, vào trong lô cốt, dựa vào tường loang lổ rêu phong, Tân bắt đầu đàn. Anh trút vào âm thanh ấy làm Khánh nghe như những lời nói nhỏ của anh bên tai nàng, thì thầm một lời xin lỗi, hoặc gay gắt, ăn năng về chuyện đã làm phật lòng người mình yêu. Khánh tìm tôi, nàng mỉm cười, nói nhỏ: “Khánh hiểu rồi. Khánh hết giận rồi.” Tôi nói đùa: “Nói với tôi làm chi. Sao Khánh không gặp hắn.” Khánh giẩy nẩy: “Gặp làm gì cái mặt hầm hầm trông bắt ghét.”

 

Tôi thành nhịp cầu, bắt ngang hai bờ, thông thương. Tôi thành người giải hòa và bồi đắp cho mối tình trong sáng, tuổi học trò, của Khánh và Tân. Từ lúc chúng tôi còn ở chung một thị trấn bé nho, đến khi tôi chia tay họ để về lại quê cha, xứ Huế mưa dầm lạnh buốt, tiếp tục học những năm cuối cùng bậc trung học đệ nhị cấp, tôi vẫn thường xuyên viết thư về cho từng người, động viên họ giữ gìn, nâng niu mối tình ấy, đừng vì một trở ngại gì, tìm cách vượt qua. Tôi biết ba Khánh vẫn mang thành kiến về gia đình Tân. Cả tôi và Tân đều coi thường đến khinh bạc những người anh của Tân, nhất là cách sống bê tha, ăn chơi trụy lạc của họ. Những người con gái, tuổi thơ ngây, đến với họ như một trò chơi. Ruồng rẩy. Phụ bạc. Tất cả những lời đồn đại xấu xa nhất trong một thị xã nhỏ bé này đều dồn về gia đình Tân khiến Tân chán nãn và buồn phiền. Có lúc Tân tỏ vẽ nỗi bực tức, mặt đỏ tía lên, khi ai nhắc đến chị Chi – một thiếu nữ hiền thục mà từ nho chúng tôi đã thương mến – đã bỏ nhà ra đi với cái bào thai trong bụng, xác chị trôi bềnh bồng, tấp vào kè đá của bờ đê sông Dinh, cùng lá thư chị gởi cho anh Nhu – người anh cả của Tân từ Sài gòn trở về – với lời oán trách căm hận về sự phụ bạc của anh Nhu. Tân run rẩy thốt lên: “Nếu có cây súng ở đây tao cũng bắn vào đầu kẻ phụ tình ấy.” Còn tôi, tôi ngẩn ngơ và tiếc thương cho chị. Ba Khánh đi đến quyết định là ngăn cản cuộc tình của Khánh với Tân vì ông đánh giá rất thấp về Tân, xem Tân cũng giống như anh của chàng. Vả lại, ba Khánh nghĩ rằng, ông mang gia đình di cư vào Nam chỉ là tạm thời, chỉ vài ba năm như hiệp định Geneve qui định, ông sẽ trở về Hà Nội, và đứa con gái rượu phải lấy chồng là người Hà Nội. Ông vẫn hy vọng ngày ấy sẽ đến mặc dù thời thế đã thay đổi. Miền Nam không còn Quốc trưởng Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn -  thay thế vào Tổng thống Ngô Đình Diệm, trong cuộc trưng cầu dân ý. Từ đó, cái lô cốt trên con đê sông Dinh không còn bỏ hoang nữa. Những người lính, trong bộ độ trận màu cứt ngựa, thay phiên nhau, chỉa súng vào lỗ châu mai, giữa đêm thanh vắng, bắn vài phát cắc cù qua bên kia sông. Tiếng súng đã bắt đầu thay tiếng đàn của Tân từ lỗ châu mai. Thời thanh bình, để chúng tôi sống lãng mạn, chỉ độ 6 năm, từ 1954-1960. Khuôn mặt chiến tranh trở lại, rập rình đó đây, khởi đầu ở những xóm làng hẻo lánh.

 

Bấy giờ, chúng tôi vừa tròn tuổi đôi mươi. Tôi cũng từ giã xứ Huế vào học sư phạm Qui Nhơn. Tân và Khánh thi hỏng tú tài. Khánh ở nhà chờ thi lại năm sau. Tân bỏ thị xã đó ra Qui Nhơn sống với tôi, cùng ở trọ với các bạn tôi, Tân ôn bài vở và chúng tôi động viên Tân học hành. Chỉ riêng những đêm có trăng, các bạn tôi đều ngồi xung quanh Tân, để nghe anh đàn. Tiếng đàn của Tân bây giờ da diết hơn, u sầu hơn. Khi tôi ra trường, được bổ nhiệm về cái thị xã, xưa kia mình đã sống,  Tân cũng lấy xong bằng Tú Tài. Tân đi vào con đường binh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp ở trường bộ binh Thủ Đức, Tân mang lon chuẩn úy và cũng trở về phục vụ ở tiểu khu tỉnh nhà. Hai đứa tôi vẫn thường xuyên gặp nhau. Còn Khánh, tôi vẫn đến nhà thăm, mang theo những lá thư tình của Tân gởi. Tôi còn thu xếp cho những lần hẹn hò gặp gỡ của họ. Lúc này tình yêu của họ thắm thiết, đã thề non hẹn biển. Chỉ còn một trở ngại lớn là ba của Khánh vẫn mang ý tưởng sẽ trở về Hà Nội trong một ngày gần đây và chú rễ tương lai phải là người miền Bắc. Hình như ba Khánh nhận ra rằng ước mơ ngày thống nhất đất nước xa vời quá, và thị xã nhỏ bé này không phải là nơi ông thăng quan tiến chức. Ông quyết định sẽ mang theo vợ con vào Sài Gòn.

 

Những ngày cuối cùng của họ còn ở lại thị trấn nhỏ này tôi đã dàn xếp cho Tân và Khánh một cuộc gặp nhau trước khi họ chia tay. Tôi chở Khánh, bằng chiếc xe đạp cộc cạch cũ mèm của tôi, trên một con đường trải đá gồ ghề, suốt hai bên đường, những cánh đồng nức nẻ khô cằn và những động cát trải dài hoang dã, đầy cây xương rồng. Nơi hẹn hò của cặp tình nhân yêu dấu của tôi: một bãi biển hoang vắng. Tân mặc bộ đồ lính màu xanh đã đứng đợi chúng tôi trên sân một nhà nghỉ mát của những quan lại thời Pháp thuộc đã tróc nóc, các cánh cửa đã bị ai gở mất, tường gạch đã loang lổ đóng rêu phong.

 

Hai người rủ nhau ra ngồi trên bải cát vàng mịn màng, cận kề những con sóng vỗ vào bờ, tung tóe nước bọt trắng xóa, cùng tiếng vỗ ầm ầm. Bãi biển vắng hoe,, không một ai, không một quán xá. Tôi bỏ đi, lang thang đến một nơi có nhiều ghềnh đá. Nhìn ra biển cả bao la, tôi khấn thầm tình yêu của hai người bạn thân đó được trọn vẹn. Buổi chiều đang xuống dần. Chúng tôi phải trở về trước khi mặt trời lặn. Tôi trở lại để nhắc họ. Từ xa tôi đã nhận ra cặp tình nhân đó đang ôm nhau khắn khít. Khi thấy tôi Khánh vội hất Tân ra. Tôi chỉ cười như thông cảm. Gió biển thổi vào lồng lộng. Mái tóc thề của Khánh bay vướng vào khuôn mặt rạng rở của Tân. Tôi biết họ đang hạnh phúc. Giữa trời đất và biển cả trước mặt bao la, chắc là họ đã thề non hẹn biển. Tôi cũng mong một ngày gần đây tôi được dự đám cưới của cặp tình nhân này.

 

Trước khi trở về thị xã nhỏ bé này, tôi đã nói với Tân là tôi sẽ không nhìn mặt hắn nếu hắn đánh tan mối tình này. Tôi sẽ hận hắn suốt đời nếu hắn phụ tình Khánh. Tân nắm chặt tay tôi và bảo: “Mày là bạn thân của Tao cũng như của cô láng giềng này, mày cũng biết tính tao là tao căm thù những kẻ phụ tình. Tao sẽ tự xử lấy. Mày yên tâm. Tao đã thề với Khánh rồi.” Tôi vui quá nên không hỏi hắn đã thề những gì?

Trên đường chở Khánh về, qua một khúc quành, giữa những ngọn đá nằm chơ vơ trên đồi, tôi chỉ hai tảng đá dựa kề nhau đã bao nhiêu ngàn năm trôi qua mặc thời gian cùng bao nhiêu biến đổi của lịch sư, nó vẫn còn đó. Tôi ví mối tình của Tân và Khánh như vậy. Khánh nói rất nhỏ và gió từ xóm động, đầy cát trắng thổi đến, làm tiếng nói của Khánh bay vào không gian, nhưng tôi cũng nghe thoang thoáng. “Khánh cũng đã thề trước trời đất rồi.” Tôi bỗng dưng cảm thấy yêu đời. Tôi hút gió một đoạn bản tình ca. Và Khánh hát rất khẻ, đoạn tiếp. Nếu ai đó nhìn thấy chắc nghĩ rằng chúng tôi là một cặp tình nhân.

 

Những ngày sau đó. Một cơn gió lốc của lịch sử đã đến. Chế độ độc tài gia đình trị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm sụp đổ. Cái chết đầy bí ẩn của anh em họ Ngô làm chúng tôi bàng hoàng. Cơ cấu chính quyền và quân đội tại địa phương hoàn toàn thay đổi. Tân bị thuyên chuyển về một đồn bót xa xôi hẻo lánh. Ba của Khánh lại được thăng chức và đổi vào Sài Gòn. Còn tôi cũng bị thuyên chuyển về một ngôi trường ở một vùng mất an ninh. Khánh và các em cùng bà mẹ ở chỗ cũ, chờ bán được nhà mới vào Sài gòn sau.

 

Trong thời gian này, Khánh lại mắc phải một cơn bệnh kỳ lạ, sáng nóng chiều lạnh cùng những cơn mê sảng về khuya. Khi tôi biết thì mẹ của Khánh đã đem nàng dấu một nơi kín đáo, và bà chửa bệnh cho Khánh theo cách của bà, mà những ngày còn trẻ ở một vùng quê ngoài Bắc bà đã từng chứng kiến. Đó là lên đồng. Còn chúng tôi, những người trẻ tuổi lúc bấy giờ, chỉ xem đó như một mê tín, hủ bại. Tôi cũng lần mò được nơi ấy. Một cái am nhỏ bên cạnh một cây đa cổ thụ, chung quanh bao bọc bởi những hàng xương rồng dầy đặc. Tôi cho Tân hay. Tân vỗ vai tôi nói rất cương quyết: “Bằng mọi cách tao phải đem nàng thoát ra cơn mê đồng bóng đó.”

 

Tân nói và Tân làm thật. Mọi người, nhất là những bà già tuổi đã xế chiều, đã ngồi xoay quanh một người đàn ông đeo kính đen, mặc bộ đồ đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng, đầu chít khăn trắng, cầm cây đàn bầu. Bên cạnh ông ta là bà cốt đồng, đi chân đất, áo quần xốc xếch màu đỏ thắm như máu, sau lưng mang những que cờ tam giác bằng giấy màu. Tôi và Tân lẻn vào phía sau cái am, thấy Khanh đang ngồi ủ rủ, tóc tai rối bù, và da nàng trắng trệch, xác xơ. Không cầm lòng được, Tân đến bên nàng,, đưa tay vỗ nhẹ lên vai Khánh. Khánh ngồi bất động, đôi mắt lờ đờ, bất thần nhìn Tân như một người lạ không quen biết. Tân xót xa và ra dấu cho tôi cùng rút lui.

 

Chúng tôi trở về nơi đã định, chỉ cách cái am đó chừng 100 mét, gần bờ sông, dưới những lũy tre già. Không riêng gì tôi và Tân còn có những bạn bè cùng lớp ngày trước tham dự như một cuộc lửa trại. Chúng tôi nối vòng tay nhau dưới ánh lửa bập bùng. Còn Tân cầm đàn ghi tar, khác với những lần trước, anh đánh đàn với những bản kích động, và Tân nhảy múa điên loạn, tóc tai rối tung lên, cả thân hình Tân uốn éo, chân tay cử động rất nhanh nhẹn, lung tung. Tôi không hiểu Tân đang làm gì. Nhưng tôi nhìn cảnh đó, trong âm thanh rộn ràng, dưới làn khói của đám củi còn tươi cháy lùng bùng bốc lên làm tôi cay mắt, cả thân thể tôi cũng muốn cử động theo tiếng đàn. Tôi hình dung cảnh lên đồng Khánh đang tham dự cũng kích động như thế. Tôi lẳng lặng bỏ đi. Chân tôi bước về phía Khánh. Người đàn bà cốt đồng nhảy nhót lung tung, bà ta cầm bó nhang nghi ngút cháy, tỏa mùi hương thơm ngào ngạt đến ngộp thở, tiến tới chỗ Khánh đang ngồi ủ rủ. Bà ta nhảy quanh người Khánh và bi bô những tràng tiếng Miên. Tiếng đàn bầu của người đàn ông trong bài chầu văn buồn thảm. Khánh đưa đôi mắt vô thần nhìn vào khoảng không gian mờ mịt bóng đêm rồi Khánh bắt đầu lắc lư cái đầu, đôi vai bé nhỏ cũng rung chuyển theo. Rồi nhanh dần như chóng chóng quay. Mái tóc thề, đen mượt buông xỏa xuống lưng ngày nào, giờ dựng ngược và quay theo. Người đàn bà cốt đồng cất tiếng nói khàn đục bảo rằng. Khánh đã làm mê lòng thái tử vương cung, lời thề của nàng qua giọng nói dịu dàng êm ái đã thái tử tương tư, và muốn đưa nàng thoát khỏi trần gian. Bà ta bảo muốn cứu nàng thoát khỏi cái chết thì Khánh phải nói ra lời thề đó để bà còn nhờ đến Quan Thế Am giải cứu. Kỳ lạ thay tôi thấy Khánh ngừng cử động và nàng lắc đầu, tỏ ý không bằng lòng nói ra. Chính tôi cũng không hỏi Khánh đã thề những gì ở ngoài bãi biển. Lời thề của những kẻ yêu nhau. Cử chỉ của Khánh như một người đang tỉnh mộng, đã làm cặp vợ chồng người cốt đồng luống cuống chưa kịp phản ứng ra sao thì tôi đã nghe tiếng đàn của Tân, tỉ tê như một lời vang xin, từ xa vọng lại. Khánh đứng dậy, ngơ ngác. Tôi biết nàng đang tự hỏi Tân đang ở đâu? Và tiếng đàn quen thuộc như những lời tỏ tình cũng như thủ thỉ an ủi của Tân đối với Khánh. Lần theo tiếng đàn, Khánh bước đi. Từng bước. Từng bước, ngập ngừng. Tân bỏ đàn xuống, và cũng tiến về phía Khánh. Khánh ngã vào vòng tay Tân. Ánh lửa cháy bùng lên dọi vào đôi tình nhân. Hai khuôn mặt rạng rỡ niềm hạnh phúc. Chúng tôi, những người bạn cùng học chung một trường ngày xưa với đôi bạn này, cùng cất lên một bản tình ca như chúc mừng họ. Tiếng hát vang lên làm Khánh như tỉnh lại hẳn. Tân chải lại mái tóc cho Khánh. Tân lấy chiếc khăn tay nhúng nước lau mặt cho Khánh. Bấy giờ Khánh mới trở lại vẽ bình thường của một cô gái. Nét duyên dáng, tươi tỉnh, Khánh nở nụ cười như cám ơn bạn bè. Khánh ngước mắt nhìn Tân tha thiết. Để dành cho phút hạnh phúc này chúng tôi khuyên họ dìu nhau ra bờ sông. Tôi nhắc nhỏ, vừa thật vừa đùa với Tân và Khánh: “Nhớ là đừng có thề thốt gì nữa nhé, kẻo làm phiền lòng công chúa hoặc thái tử ở long cung đó.” Cả hai đều cười và lắc đầu. Tân quay đầu trả lời: “Tụi này đã thề rồi và cố thực hiện lời thề đó.”

 

Trời hôm đó, ánh sáng lờ mờ dưới con trăng lưỡi liềm đủ cho tôi thấy hai bóng người đi bên nhau trên bãi cát mịn màng cận kề dòng sông nước cạn lấp lánh những ánh sao đêm. Tân và Khánh ngồi trên bãi cát. Và tôi nghe tiếng hát của Khánh nhỏ nhẹ, mơn man, như những lời thủ thỉ êm đềm. Tự nhiên, tôi nguyện cầu cho họ suốt đời được ở bên nhau.

 

Những ngày sau đó tôi đến nhà thăm Khánh, mẹ nàng cho biết Khánh đã hết bệnh và bà cám ơn bạn bè của Khánh. Tôi cười và nói người đã cứu Khánh chính là Tân. Tôi kể chuyện tình của họ cho bà nghe. Bà gật đầu như chấp nhận và hứa sẽ thuyết phục ba Khánh. Vài ngày sau, ba Khánh trở về, dẫn dắt cả gia đình Khánh vào Sài Gòn.

 

Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh, tôi động viên Tân vào thăm gia đình Khánh, hy vọng ba Khánh đổi ý, chấp nhận mối tình của họ. Không riêng gì tôi mà Hoàng cũng khuyên Tân nên làm như vậy. Những ngày ở Sài Gòn Tân cứ ở lại nhà Hoàng.

 

Hoàng là người bạn gái học cùng lớp với Khánh, cũng là đồng hương với Khánh, từ Bắc di cư vào Nam. Cả hai thân thiết với nhau dù họ khác nhau về mọi phương diện. Khánh mảnh khảnh, ốm yếu. Đôi vai gày. Đôi ngực lép xẹp. Hoàng là một cô gái đầy sức sống, khỏe mạnh. Đôi ngực căng đầy. Hoàng không dịu dàng như Khánh. Khánh trân trọng tình cảm bạn bè, Hoàng lại xem thường và hay riểu cợt họ. Khánh chung tình, Hoàng bạt tình. Hoàng cho rằng trên đời này chẳng có ai là chung tình, cho nên Hoàn nghi ngờ chuyện tình của Khánh và Tân. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi và Tân lại thân thích với Hoàng, có phải vì nàng là bạn thân của Khánh. Hết bậc trung học Hoàng vào Sài Gòn tiếp tục lên đại học. Ba mẹ Hoàng giàu có, nên mua một ngôi nhà cho con gái. Mẹ Hoàng vào lo cho con việc ăn uống. Mỗi lần có dịp vào Sài Gòn tôi đều tá túc nơi ấy.

 

Tân ra đi hồ hởi bao nhiêu, trở về buồn bã, rã rời bấy nhiêu. Tôi nhìn vẽ đau khổ hiện rõ trên khuôn mắt Tân, làm tôi im lặng, không dám hỏi sự thể. Nhưng tôi đoán được sự việc. Ba Khánh vẫn giữ lập trường và sỉ nhục Tân. Thời gian sau, Tân mới trở lại bình thường. Tân  đàn cho tôi nghe những bản tình ca cũ tôi đã từng nghe, nhưng sao bây giờ có một cái gì bí ẩn và ray rức khó tả làm tôi tê tái cả lòng. Có một vật gì nặng nề đang đè nặng tâm hồn Tân. Hình như Tân vùng vẫy,  cố thoát ra nhưng không được. Và Tân bị nghiền nát, tan tành thành trăm mảnh. Đó là linh cảm cuối cùng của tôi trước cái chết của Tân.

 

*

Buổi chiều hôm ấy, tôi đi làm về, lên gác đã thấy Tân ngồi ủ rủ ở chiếc ghế dựa, bóng tối từ từ tràn vào, phủ lên mọi thứ trong căn phòng một màn màu xám. Tôi bật đèn lên. Anh sáng làm Tân choáng mắt. Hắn ra dấu cho tôi tắt đèn. Tôi làm theo ý Tân. Tôi châm một điếu thuốc, đến ngồi bên cạnh hắn. Tôi biết hắn đang suy nghĩ một điều gì đó. Tân nhìn tôi như muốn nói, như muốn thổ lộ một nổi niềm, nhưng tôi quay mặt ra nhìn ngoài khung cửa sổ như tránh né, như tỏ hẳn một  thái độ từ chối. Thật ra, tôi sợ Tân tâm sự về Khánh, về sự bẻ bàng mà ba Khánh đã làm tổn thương hắn. Tôi mong thời gian qua và tôi có dịp vào thăm Khánh để hỏi sự tình và tìm cách thuyết phục ba Khánh. Tiếng chị Hồng từ nhà dưới vọng lên, báo cho tôi giờ này một người bạn từ Huế vào, đang chờ tôi đến thăm. Tôi nói nhỏ với Tân: “Mày chờ tao về. Một  lát thôi.”

 

Người bạn tôi đang kể về những kỷ niệm thời chúng tôi học ở Quốc học, hắn cho tôi biết những cô gái một thời đã làm chúng tôi xao xuyến giờ đã yên bề gia thất. Bỗng có tiếng người lao xao về một cái tin làm thất đảo cả thị xã nhỏ này. Một thiếu úy đã tự cầm khẩu súng lục bắn vào đầu mình. Ông ta đang giẩy giụa. Ghê quá. Tôi giật mình như bị kim châm. Tôi la lên: “Thôi rồi!”. Tôi bỏ chạy đến nhà Tân.

 

Mọi người đổ xô, chen lấn trước cửa nhà Tân để nhìn tận mắt cảnh tượng này. Tôi vạt họ ra và chạy vào. Trước mặt tôi, trên chiếc phản gỗ, một xác người nằm ngay đơ, một tấm khăn trắng phủ lên mặt. Tôi giở ra. Vết máu còn rịn ra từ một lỗ hổng sâu quáy ở màng tan. Mẹ Tân khóc lóc kể lể. Bà ôm lấy tôi mà hỏi: “Tại sao vậy Mân?” Tôi cũng tự hỏi như vậy: “Sao Tân có thể tự kết liễu đời mình bi thảm như thế?”. Tôi búc xúc quá độ, đến nỗi tôi đưa bàn tay đánh vào mặt hắn. Tôi thốt lên: Tại sao? Tại sao? Rồi tôi bước lên phản, thả người xuống, nằm bên cạnh xác chết. Tôi cũng nằm thẳng đơ người, bàn tay tôi nắm chặt lấy bàn tay lạnh ngắt của Tân. Bổng, tôi giật nảy mình như bị kim châm. Và, tôi vùng ngồi dậy, đúng lúc người anh kế của Tân đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ, anh ta nói tìm thấy trong túi áo của Tân. Đó là di chúc Tân để lại cho tôi, ngoài ra không ai có. Tôi đọc thầm trong cơn xúc động cực kỳ, nước mắt chảy dài và nhỏ xuống, rơi lên khuôn mặt trắng trệt của Tân. Vài giòng chữ nhắn nhủ tôi an ủi hộ Khánh cùng mẹ hắn. Và nhất là mong tôi tha thứ cho hắn. Tôi không hiểu gì cả. Hắn làm nên tội lỗi gì mà tôi phải tha thứ. Bấy giờ, tôi giận hắn thật sự. Tôi đưa bàn tay xòe ra năm ngón, tát vào mặt hắn, mà cứ ngở hắn đang nằm ngủ mê. Tôi run run, giọng lạc hẳn đi: “Không cần mày nhắn nhủ tao cũng không thể để Khánh phải đau khổ trước cái chết quái đản của mày.” Rồi, tôi xé nát tờ di chúc ấy hồi nào không hay.

 

Tôi phải khó khăn để trả lời những câu hỏi thắc mắc của những người quân cảnh điều tra về cái chết của một sĩ quan quân đội là vì sao tôi xé đi, nội dung bức thư ấy viết gì? Họ còn đưa cho tôi xem cuốn sổ tay của Tân mà gia đình anh đã trao cho họ. Trong đó Tân viết chữ rất nhỏ và chi chít về những dự tính để thực hiện cái chết của mình. Nào là sẽ bơi ra biển, thả mình chìm xuống nước. Nào là trên đường về trên chiếc xe vespa, tung vào cột điện. Hay với một tuýt thuốc ngủ, nằm sải dài trên giường nệm… Tuyệt nhiên, không tìm thấy nơi cuốn sổ tay này, tên một người con gái nào đã làm Tân đau khổ, để dẫn đến cái chết. Tân có nhắc đến chữ “Hắn”. “Tao căm ghét mày đến cực độ, tao phải giết mày: Thằng phụ tình”. Những người hỏi cung tôi có biết “Hắn” là ai không? Tôi lắc đầu. Tôi xác nhận là Tân căm thù những kẻ phụ tình kể cả người thân trong gia đình như anh cả của Tân. Người quân cảnh bắt tay tôi: “Tôi biết anh Tân là một người nghệ sĩ, tôi cũng mê tiếng đàn ghi ta của anh ấy. Người ta chỉ tự tử vì bị người khác phụ tình mình chứ ai lại tự tử vì mình phụ tình người khác đâu. Phải không anh bạn? Không tìm ra nguyên nhân cái chết này thì chúng tôi gắn cho anh ấy chết vì công vụ vậy…”

 

Những ngày sau đó, Hoàng trở về nhờ tôi dẫn nàng ra thăm mộ. Hoàng mặc chiếc áo dài màu đen. Nàng đánh diêm đốt nhang, nhưng tay nàng run rẩy lập cập làm chệch ánh lửa. Tôi đốt hộ, lấy một ít cấm lên những mộ chung quanh. Nhưng thật sự là tôi tránh mặt, không muốn nhìn cảnh người con gái khấn trước mộ Tân mà người ấy không phải là Khánh. Hoàng nói với tôi trên đường về là nàng ân hận vì nàng mà Tân chết. Tôi không hỏi sự tình, nhưng tôi biết chuyện gì đã xảy ra giữa Tân và Hoàng trong dịp Tân vào Sài gòn thăm Khánh. Bao nhiêu lần Tân úp mở muốn tâm sự với tôi về chuyện ấy nhưng tôi làm ngơ không muốn nghe. Tôi nghĩ đó chỉ là chuyện qua đường, rồi cũng qua đi.

 

Khi vào Sài gòn tôi định báo tin cho Khánh, không biết bằng cách nào, thì Khánh đã nói: “Nhìn vẽ mặt thểu nảo của Mân, Khánh biết là Tân đã…” Tôi gật đầu. Khánh nói rất nhỏ nhưng tôi cũng nghe được: “Cách đây tuần lễ, Khánh nằm mơ thấy Tân đứng ở đầu giường, đầu quấn băng trăng và máu rỉ ra từ hai cái màng tan rồi xối xả chảy xuống thềm nhà. Khánh vội chạy đến nâng nở Tân, Tân nhìn Khánh, chỉ phều phào thốt lên: Cho anh xin lỗi. Rồi tắt thở.” Tôi lặng người, tê tái cả lòng. Tôi lấy lại bình tỉnh để kể cho Khánh nghe đầu đuôi sự tình. Cả hai chúng tôi đều thắc mắc là tại sao Tân phải xin lỗi tôi cùng với Khánh. Để tìm hiểu ngạch nguồn, tôi hỏi Khánh là Tân đã thề thốt gì ở ngoài bãi biển dạo nào. Khánh lắc đầu cho biết nàng có hỏi Tân nhưng Tân chỉ cười trả lời sau này Khánh sẽ biết. Chẳng lẽ đây là kết quả của lời thề ấy? Đêm đó tôi ở lại nhà Khánh. Ngồi trước hiên nhà, dưới trời đầy sao Khánh tâm sự với tôi. Khánh bảo Tân tự ái quá lớn khi ba Khánh từ chối thẳng thừng lời cầu hôn của Tân đối với Khánh và ông dựng lên Khánh sắp làm vợ, lấy con của một người bạn thân từ ngoài Bắc vào. Ba Khánh xin nghỉ phép ở nhà, canh chừng không cho Khánh đi gặp Tân. Những ngày này Tân ở nhà Hoàng. Tôi mập mờ nhận ra nỗi ám ảnh đến cái chết của Tân bắt đầu ở đó. Tôi nhớ lại buổi chiều trước khi chết Tân muốn thổ lộ với tôi điều gì nhưng trước thái độ thờ ơ của tôi làm Tân im lặng.

 

Sau này, Hoàng mới cho tôi biết chuyện xảy ra giữa hai người. Ban đầu, Hoàng đóng vai người yêu của Tân, mục đích cảnh tỉnh Khánh, tình yêu người ta có thể san xẻ cho người khác dù người đó là bạn thân của người yêu mình. Hoàng nghĩ Khánh sẽ bảo vệ và dành lại tình yêu ấy. Biết có Khánh đang đứng trước cửa sổ nhà Hoàng nhìn vào. Khánh lén trốn nhà đến gặp Tân đang ở trọ nhà Hoàng. Tân ôm lấy Hoàng. Và hai người hôn nhau. Khánh bỏ đi như chạy trốn. Sau đó Tân viết thư thường xuyên cho Hoàng mà Hoàng càng lúc càng nhận ra, nếu không có hai chữ Hoàng ơi! ở đầu thư, Hoàng nghĩ mình đang đọc thư của Tân viết cho Khánh. Vở kịch đã đến hồi kết thúc, vai diễn cũng đã đóng xong, nhưng kết quả ngược lại. Khánh không nhận ra vở tuồng. Nàng buông xuôi và nghĩ rằng tình yêu là một dâng hiến thiêng liêng không thể mua đi bán lại. Tân đã phụ nàng, dù đau khổ, nàng đành cam chịu mà thôi. Hoàng đã nhiều lần, từ khi còn là cô nữ sinh bé bỏng của mái trường trung học tỉnh lẻ, đã thốt lên trước mặt bạn bè: “Trên đời này không có một tình yêu nào thủy chung.” Cả tôi, Tân và Khánh đều nhận ra nỗi đau của Hoàng, cô gái 16 tuổi, phải lòng một chàng thanh niên 20 tuổi. Anh chàng này một lúc viết ba lá thư tỏ tình giống nhau với ba người con gái vốn là bạn thân với nhau. Hoàng là một trong ba người đó. Biết chuyện, Hoàng như bị một cú xốc nặng đầu tiên về tình yêu. Hoàng luôn luôn ám ảnh về hai chữ thủy chung. Có dịp, Hoàng thể hiện làm người thứ ba chen vào cuộc tình của hai người. Hoàng ngưng cuộc chơi khi nhận ra Tân chỉ xem nàng là cái bóng của Khánh mà thôi. Hoàng viết thư đoạn tuyệt với Tân. Còn Tân trong cái bóng đen mờ mịt nhận ra có một kẻ lạ mặt đang chen vào tâm hồn mình. Kẻ mà Tân căm thù đến cực độ. Kẻ phụ tình. Từ đó Tân tìm đủ cách để giết hắn đi. Tự tay mình bắn vào đầu kẻ phụ tình đó.

Cũng có lần tôi nói với Tân. Không bao giờ tôi tha thứ cho Tân nếu Tân phụ tình cô bạn láng giềng thân yêu của tôi, dù Tân có chết đi. Tôi tưởng đó chỉ là lời nói thốt lên cảnh tỉnh Tân mà thôi. Tân trả lời rất dứt khoát: “Lúc ấy tao biết tao sẽ làm gì?”

 

*

Chuyện đã xảy ra bốn mươi năm rồi. Mỗi lần tôi nghĩ về Tân tôi cứ bức rức, trong lòng không yên, mọi thắc mắc về cái chết bi thảm ấy. Những người thân yêu khác của Tân đều yên lòng khi gắn cho cái chết ấy một nguyên nhân. Mẹ Tân và gia đình cho là anh đã phá cuộc lên đồng nên bị thánh thần quở chết. Vài năm sau Hoàng nghĩ Tân chết vì thất vọng gia đình Khánh từ chối và vì tự ái quá lớn. Còn Khánh lên xe hoa sau đó vài năm, sống hạnh phúc với một người đàn ông khác, mà lòng mình thanh thản, quên đi kẻ đã phụ tình mình. Chính tôi đã khuyên Khánh nên quên Tân đi, khi kết luận Tân là kẻ phụ tình. Hình như tôi cố tình tin như thế. Tôi vẫn còn giận hắn cho đến một ngày, dù đã bao nhiêu năm, đến cuối cuộc đời, mới nhận ra nguyên nhân về cái chết đó.

 

Tôi đã trút hết tâm sự mình qua bài cảm bút “Sợi tóc mong manh”. Những tình cảm khác nhau của tôi đối với ba người đàn bà thân yêu của mình. Tình yêu. Tình bạn. Nghĩa vợ chồng. Ranh giới giữa những tình cảm ấy mong manh như sợi tóc. Đôi khi làm chúng ta lầm lẫn. Đúng như vậy, Khánh đã ngộ nhận tình cảm của tôi đối với nàng kể từ khi Tân chết. Thuở ấy tôi thường vào Sài Gòn thăm Khánh, và cùng nhau rong chơi, xem phim, đi nhà hàng… Tôi trang trải tình cảm ấy qua một truyện ngắn “Tiếng hát dưới trăng”. Khánh viết thơ khuyên tôi không nên yêu một người đàn bà đã có chồng như Khánh, còn yêu người yêu của bạn mình thì có thể tha thứ được. Tôi bị tổn thương nặng nề. Tôi ngỡ ngàng vô cùng. Nhưng sau đó tôi nhận ra điều bí ẩn về cái chết của Tân.

 

Đúng rồi. Bây giờ chúng tôi đã thành những ông cụ bà lão mà còn ngộ nhận tình cảm với nhau huống chi thời ấy chúng tôi còn quá trẻ, tuổi đời còn non nớt, làm sao không nhầm lẫn. Tân đã hốt hoảng tưởng mình đã yêu Hoàng người bạn thân của người yêu mình, nghỉ là mình đã phụ tình Khánh, một kẻ lạ mặt đang bước vào đời mình. Và Tân phải giết kẻ lạ mặt đó.

 

Bây giờ tôi mới thong dong, nếu một mai tôi có qua đời, trở về bên kia thế giới. Tôi sẽ gặp lại Tân. Tôi sẽ ôm lấy Tân mà thốt lên:

- Mày là kẻ chung tình nhất thế gian./.

Nguyên Minh
Số lần đọc: 1803
Ngày đăng: 03.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất Lạ - Ngô Thị Ý Nhi
Đò Khuya - Nguyễn Lập Em
Đóng…?...Mở…? - Vũ Lập Nhật
Bút Lạc Dòng - Kha Tiệm Ly
Hoạt Cảnh - Kinh Dương Vương
Thiền Tăng Và Tôi - Đặng Kim Côn
Yellow (*) - Vũ Lập Nhật
Ngày Trọng Đại - Kinh Dương Vương
Giong Quê - Trần Yên Hòa
Hoa Lưng Chừng Núi - Ngô Thị Ý Nhi