Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
403
115.864.341
 
Khi Thơ Ca Cất Tiếng Chào Đời
Chân Phương

Vừa rồi vào ngày 30 tháng 11 năm 2010, vị Giáo sư Thi ca thứ 44 của Oxford là Geoffrey Hill đã đọc bài thuyết trình khai giảng ”How ill white hairs become a fool and jester” . Phải chờ đến cuối tháng 6 năm nay, nhà thơ lão thành 78 tuổi này  mới  chính thức được bầu  sau khi đã thắng phiếu trong cuộc tranh đua với mười nhà thơ và học giả khác. Đây là kết quả muộn của cuộc tuyển chọn rắc rối nhất trong lịch sử bầu chọn tại đại học Oxford cổ kính của nước Anh .

 

Năm năm một lần Đại học Oxford lại bầu người mới cho cái ghế Giáo sư Thi ca, một chức vụ danh dự hàng đầu trong các thiết chế văn học Âu-Mỹ. (Oxford Professor of Poetry được sáng lập từ 300 năm trước). Trong tháng 5-2009 một sự cố media lôi thôi đã diễn ra quanh vụ tuyển chọn này. Trước ngày bầu 5-16-09 ai đó đã gửi email nặc danh cho 200 vị giáo chức hàn lâm của đại học Oxford vu khống nhà thơ ứng cử viên Derek Walcott, buộc ông cái tội ve vãn một nữ sinh viên lúc giảng dạy ở Harvard năm 1982.

 

Không cần bận tâm thanh minh, nhà thơ gốc Caribê đã từng đoạt Nobel văn chương này đã tự ý rút lui khỏi cuộc thi đua; và nữ thi sĩ ứng cử viên Ruth Padel (cháu ruột ba đời của Charles Darwin) được trúng tuyển. Chín ngày sau vị tân giáo sư này từ nhiệm và công khai lên tiếng xin lỗi nhà thơ Walcott  khi giới báo chí đặt nghi vấn về mức độ liên can của bà trong chiến dịch bôi nhọ uy tín vừa kể. ( Báo The Guardian có công bố vài email cá nhân không được minh bạch lắm của Ruth Padel có dính dấp đến sự cố trên).

 

Có lẽ đây là lần đầu Oxford bị lấn cấn không biết chọn ai cho kịp khi giáo sư học giả kiêm nhà phê bình Christopher Ricks sẽ rời khỏi chức vụ này tháng 10 -2009! (Trong khi đó Derek Walcott đã nhận lời mời của đại học Alberta (Canada) và sẽ giảng dạy về thi ca vào niên học tới ở đây.)  Như thế là cái ghế Giáo sư Thi Ca Oxford trống chỗ cả năm cho đến cuối tháng 6 vừa qua khi viện đại học lừng danh này lại phải tổ chức rồi công bố kết quả sau cuộc tuyển chọn mới.

 

Gạt qua một bên vụ án bầu bán trên đây (đối với những kẻ am tường, tháp ngà Academia cũng là nơi gió tanh mưa máu không thua gì các chốn chợ búa hoặc giang hồ  khác), mời các bạn yêu thơ văn đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về Derek Walcott, một nhà thơ và ngòi bút hàng đầu trong các dòng văn học tiếng Anh hôm nay.  CP

 

 

Ngoài tài năng và cống hiến lớn cho văn hóa, có thể còn những lý do khác giúp cho nhà cầm bút nào đó đoạt được Nobel văn chương. Năm 1992, chắc chắn các vị hàn lâm Thụy Điển đã tuyển chọn Derek Walcott vì cái lý do lịch sử trọng đại: sự giao lưu giữa hai thế giới diễn ra năm trăm năm trước khi Columbus cặp bến Mỹ châu. Thật là nhất cử lưỡng tiện, các ngài viện sĩ vừa chào mừng sự kiện lịch sử một cách rất là văn hóa vừa công nhận đồng thời tầm quốc tế của một dòng văn học chưa được quan tâm đúng mức – dòng văn học Caribbean, đặc biệt thơ ca mà đại diện xuất sắc nhất là Derek Walcott.

 

Saint Lucia hay Sainte Lucie – chính Columbus đã mượn tên vị thánh nữ mù để đặt tên cho hòn đảo nhỏ phía nam các quần đảo Trung Mỹ nơi thi sĩ kiêm nhà viết kịch Walcott đã chào đời và sống thời niên thiếu đầy ắp kỷ niệm với biển trời nhiệt đới nhiều nắng hạn mưa dầm. Đây đó trong thơ ông, bóng hình khối đảo ngoi lên giữa trời nước bao la vẫn thường xuất hiện, biểu tượng cho niềm hoan lạc của giống người nguyên thủy hồn nhiên:

 

Đảo ấy là thiên đường – xa phố phường, bụi bặm máu me

Ngắm nhìn xem, đường vịnh cong cong, đóa hoa bung cánh nở

Rào rạt tiếng cây rừng như chim vỗ cánh,

Khi đêm xuống bầu trời lấm tấm sao…

As John to Patmos (1)

 

Tả cảnh quê hương miền biển, ông không thiếu những câu thơ đẹp chẳng kém các bức họa tài tình:

 

Cơn mưa trắng trời kéo chiếc lưới nước dọc dài bờ biển

Return to d’Ennery

hoặc:

 

…trắng hếu các nghĩa trang sò ốc

Bên cạnh biển đầy những nức rạn sắc cobalt…

Origins

 

Các nhà thơ lớn thường ấp ủ trong tâm tưởng một mảnh đất thiêng nơi hàm dưỡng hồn thơ ẩn mật. Nếu René Char có miền Midi nước Pháp và Neruda có núi đảo ở Chilê thì Walcott có biển với mặt trời vùng Caribê. Thiên nhiên ảnh hưởng sâu đậm lên tính khí nhà thơ. Walcott có lúc tâm sự: Tôi yêu biển như yêu bản thân mình, hoặc có lúc ông ao ước:

 

Tôi muốn viết câu thơ sạch khô như cát

Trong lành như nắng, mát lạnh tựa làn gió cuộn…

Islands

 

Mối tình với thiên nhiên đất nước sau này kết tinh thành hình tượng Địa Đàng trong thơ ông, với cư dân đầu tiên như Adam hoặc Crusoe, kẻ đắm tàu văn minh để khai phá những phương trời mới. Trả lời phỏng vấn tờ Paris Review, ông nói khá rõ về đoạn đời niên thiếu ấy:

 

Từ lúc còn trẻ tôi đã cảm thấy rằng tôi mang một chức năng, chức năng  nói lên cho được, không phải kinh nghiệm cá nhân mà là những gì tôi  thấy chung quanh mình. Kể từ khi còn bé, tôi đã biết là quanh tôi đầy tràn cái đẹp. Cứ leo lên bất cứ chóp đỉnh nào ở St. Lucia cũng cảm nhận được đồng thời sự tinh khôi cùng với cái cảm xúc phi thời gian của khoảnh khắc hiện tiền. Điều này có tính nguyên sơ và xưa nay vẫn cứ như thế. Nhưng cùng lúc ấy tôi cũng biết những người nghèo khổ quanh mình không đẹp đẽ gì hiểu theo cái nghĩa lãng mạn như thứ đề tài sặc sỡ mà văn chương, hội họa hay ưa chuộng. Tôi đã sống, đã nhìn thấy họ cùng những điều chẳng phải tìm kiếm ở đâu xa… (2)

 

Lời tâm sự này soi tỏ ý thức một ngòi bút từng thấm thía khá sớm thân phận lớp người nghèo khó mà chính mẹ ông, người vợ góa tần tảo nuôi ba đứa con mồ côi cha rất sớm là một hình ảnh gần gũi nhất. Trong một chương hồi ký đầu đời thuật lại thời tập tành viết vẽ của mình, Walcott kể một kỷ niệm đầy xúc động:

 

Khi cảm thấy sẵn sàng để “xuất bản tác phẩm”, tôi hỏi xin mẹ hai trăm đô la để in một tập thơ mỏng. Lúc ấy tôi ngồi bệt ở đầu cầu thang còn mẹ tôi đang may vá bên cửa sổ. Mẹ tôi làm gì có nổi món tiền ấy cho nên bà khóc. Nhưng rồi bà cũng xoay được đủ số, tập thơ được in ra và chính tay tôi đã mang đi rao bán đầu đường xó chợ một quyển một đồng, và đã thu lại vốn. Tập thơ lại được “tái bản”. (3)

 

Địa Đàng như vậy bị phủ định bởi con người xuất hiện mang theo các phân biệt giàu nghèo, màu da hay tín ngưỡng. Mang trong mình hai dòng máu đen trắng, nhà thơ đau khổ vì xung đột khó hàn gắn năm trăm năm lịch sử đã gây ra giữa châu Phi và châu Mỹ. Ông thường nghĩ ngợi về hai người ông của mình, một đại biểu cho văn minh và quyền lực da trắng, một tượng trưng cho những giống người bị áp bức đọa đày:

 

Con vượn rừng vật lộn với kẻ siêu nhân

Mang trong người độc tố từ cả hai dòng máu

Tôi biết chọn phía nào, khi chính kinh mạch mình bị xé đôi…

A Far Cry from Africa

 

Tân Thế Giới chỉ đẹp trong huyền thoại, thực tế đó là sân khấu nơi đã diễn ra chính sách nô lệ, thống trị thuộc địa và tội diệt chủng. Rừng xanh nhiệt đới mát mắt kia đã từng chứng kiến sự tàn sát các thổ dân, rừng xanh chính là cặp xương hàm tạp ăn lặng lẽ há to nhai nuốt hai giống người Arawak và Carib, thổ dân da vàng nguyên thủy vùng biển Trung Mỹ, sau đó tiếp tục ăn sống các chủng da đen bị bắt từ Phi châu sang. Bọn sống sót thì bị chế độ thuộc địa tàn phá nhân tính, vất vưởng lê kiếp sống nghèo túng, trây lười bất cần đời. Trong vở kịch thành công nhất, Giấc Mơ trên Núi Khỉ (Dream on Monkey Mountain, 1969) với nhân vật chính Makak, lão già nấu than mỗi bận gánh than xuống núi bán xong là mua rượu uống say mèm để rồi nằm mơ thấy mình trở thành ông vua của cả châu Phi khi bị bắt nhốt vào bót, Walcott có dụng ý tố cáo tội ác của thực dân. Ông nói rõ: Makak là biểu tượng cực độ của tác hại do chính sách thuộc địa gây ra cho những con người bị biến chất, sa đọa đến mức gần thành thú vật.(4)

 

Về thân phận da đen nô lệ, Walcott không dừng lại với địa phương Trung Mỹ. Về sau có dịp sinh sống, thăm viếng nhiều nơi ở Hoa Kỳ, ông tiếp tục quan sát cái hố ngăn cách mà tệ phân biệt chủng tộc đã đào sâu giữa hai giống người khác màu da. Trên chuyến bay từ Mỹ trở về quê nhà, từ không trung miền Nam Hoa Kỳ nhìn xuống ông hình dung: khói bốc lên từ các ghetto chật muốn nổ tung, cảm thấy khoảng cách thù hận càng ngày càng lan rộng, nỗi sợ khiến tiếng nói tôi đặc lại, mảnh đất vừa lạ vừa quen kia khiến tóc tai tôi dựng đứng, tôi -- kẻ mang qui chế của thứ linh hồn hạng hai. (5)

 

Đó là một kinh nghiệm phức tạp vì Walcott từng có nhiều kỷ niệm tốt đẹp với người da trắng trong những năm tháng cư ngụ trên nước Mỹ trong đó ông quen không ít bạn bè thật thà tốt bụng. Và làm sao ông có thể quên hình ảnh gần như thiêng liêng của Lincoln, vị tổng thống nhân hậu thuở nào khi suy nghĩ về vấn nạn da màu trong suốt dòng lịch sử Hoa Kỳ. Trầm tư về tương quan thế giới trong giai đoạn hậu bán thế kỷ, một bên là phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ trong thế tranh chấp tư bản-cộng sản khốc liệt kèm theo ngày tàn của thực dân da trắng, một đằng là những dân tộc nghèo hèn, nạn nhân của sự tranh chấp quyền lực giữa các giống dân da trắng, Walcott đã cô đọng tâm sự vào bài thơ quan trọng Bắc Nam (North South), với một ý thức lịch sử vẫn chưa mất tính thời sự khi thế kỷ 20 đã sang trang. (6)

 

Sự xung đột trong tình cảm ấy còn nguyên nhân sâu xa hơn. Dù sao Walcott vẫn hàm ơn văn hóa da trắng, đặc biệt là ngôn ngữ văn chương Anh, lợi khí ông đã thủ đắc sau nhiều năm tôi luyện. Nếu không có nền thơ Phục Hưng với Chaucer, hoặc các thi hào từ thời Elizabeth về sau như Shakespeare, Milton, Wordsworth, Shelley, Keats; chưa nói đến các tên tuổi hiện đại như Eliot, Spender, Auden, Dylan Thomas…,làm sao Walcott có thể tìm được tiếng thơ độc đáo của mình. Ấy là không kể những năm tháng học hỏi với các nhà thơ Mỹ, đặc biệt là Robert Lowell.

 

Dù kỹ năng Anh ngữ của ông thuộc hàng bậc thầy trong văn học hiện đại, dù từng được các nhà thơ Anh hoặc Ái nhĩ lan như Robert Graves, Seamus Heaney ca tụng tài năng, trong nhận thức và tình tự Walcott không bao giờ tự đặt mình vào dòng văn học chủ lưu của phương Tây da trắng. Chính điểm này phân biệt ông với nhà văn Nobel Naipaul, người gốc Ấn Độ sinh trưởng ở Trinidad ( cũng vùng Caribê), càng về sau càng từ bỏ cội nguồn để hội nhập với văn chương Anh và các độc giả phương Tây, đa số là dân Anh quốc. Kèm với tài năng, sự trưởng thành về ý thức lịch sử đã tạo cho Derek Walcott một thế đứng độc đáo. Đối với dòng văn học vùng Caribê đang độ thành hình, ông là một nhà khai sáng có công tạo thiên lập địa. Cùng với những bạn thơ như Edward Brathwaite, Dennis Scott, Ian McDonald, nhà thơ kiêm nhà viết kịch của đảo nhỏ St. Lucia đã xây nền đặt móng cho cả một toà văn chương bừng bừng sức sống. Tựa như Aimé Césaire, Léon Damas, René Depestre đối với thơ văn da đen Négritude một thời được Sartre và Paris tán dương, các ngòi bút tiếng Anh vùng Caribê đã có công lớn trong việc tạo lập diện mạo cho nền văn hóa của địa phương mình. Ở đây có thể nhắc tới khái niệm liminality của nhà nhân chủng Mỹ Victor Turner để ứng dụng vào lĩnh vực văn học. Khi một vùng đất mới hình thành (ở đây là toàn bộ châu Mỹ chia làm ba khu vực Bắc, Trung, Nam), khoảng trống văn hóa sẽ cất tiếng gào đòi tên tuổi, khao khát ngóng đợi các tài năng có sức sáng tạo lớn để khai sinh danh tính và bản sắc cho nó. (7)

 

Phải chăng Nobel văn chương trao tặng Walcott là tờ chứng nhận khai sinh mà Thụy Điển đại diện cho cả loài người đã trao cho một địa phương văn hóa mới?  Để cho năm thế kỷ chết chóc oan khiên có được cái hậu tốt lành, để hóa giải nạn xung đột chủng tộc? Và có gì bằng thơ văn nghệ thuật để đảm nhận trọng trách cao quí ấy. Nhưng các viện sĩ  hàn lâm còn chờ cơ hội thuận tiện để công bố cái điều mà giữa các nhà thơ tâm đắc với nhau đã sáng tỏ từ lâu. Bởi Joseph Brodsky, một nhà thơ Nobel khác, từ nhiều năm trước đó từng phát biểu rằng: Vùng đất do Columbus khám phá, sau này bị biến thành thuộc địa của nước Anh, đã được Derek Walcott biến thành bất tử. (8)

 

CHÚ  THÍCH

 

1.Derek Walcott, Collected Poems,1948-1984 (New York,1986). Các đoạn thơ do người viết bài này trích dịch đều được mượn từ thi tập này.

2.Writers at Work, 8th series (Paris Review Inc.,1988), 278.

3.“The Autobiographical Eye”, Antaeus Review, Xuân-Hè 1982, 248.

4.Current Biography Book 1984, 429.

5.trích từ “The Gulf”, Collected Poems, 104.

6.đọc toàn bài trường thi này qua bản dịch tiếng Việt của Chân Phương trên website ăn mày văn chương.free.fr .

7.Kathleen M. Ahsley ed..Victor Turner and the Construction of Cultural Criticism (Indiana,1990); tham khảo bài của Stephen W. Foster, 117-137.

8.New York Review of Books, 11-10-1983.

 

 

DEREK  WALCOTT

 

Tân Thế Giới

 

Sau câu chuyện về vườn Địa Đàng

còn điều gì bất ngờ chăng?

 

Có chứ, sự hoảng kinh của Adam

khi bắt gặp lần đầu hạt mồ hôi tươm rịn.

 

Từ đó thịt da phải được tẩm ướp muối

để cảm nhận lưỡi dao thời tiết,

nỗi sợ hãi và mùa màng,

niềm vui gian nan nhưng ít ra

cũng thuộc về chàng.

 

Con rắn thì sao? Nó đâu chịu nằm

trên chạc cây chờ ngày rã mục.

Vốn mến chuộng tính cần lao,

không khi nào con rắn rời bỏ Adam.

 

Cả hai sẽ cùng ngắm lá bạc óng ánh

khoác áo cho thân cây tống quán

rồi tháng mười vàng úa rừng sồi,

tất cả hóa thành của tiền, tài sản.

 

Khi Adam bị đày sang Tân Địa Đàng,

trong lòng chiếc bè hồng thủy

rắn cũng cuộn tròn đi theo cho có bạn,

số mệnh đã sắp đặt như thế.

 

Adam nảy ra sáng kiến: đánh đổi Địa Đàng

lấy phần lời chia đôi với rắn.

Như thế cả hai làm ra Tân Thế Giới.

Và hoàn tất công trình tốt, amen.

 

 

Quần  Đảo

(đoạn mở đầu bài thơ  Bản Đồ Tân Thế Giới)

 

Cuối câu này mưa bắt đầu rơi.

Ngoài rìa mưa, một mảnh buồm xuất hiện.

 

Cánh buồm chậm chạp rời xa,

đảo, hòn  dần dần mất dạng;

niềm tin của cả một giống dân

vào bến cảng sẽ biến thành sương khói.

 

Cuộc chiến mười năm kết thúc.

Mái tóc Helen, mây xám giạt trôi.

Nằm bên biển dầm mưa

thành Troa, trắng tro miệng hố.

 

Mưa lâm râm dày hạt như những sợi tơ đàn.

Một người cặp mắt kéo mây nhặt tiếng mưa lên

Và gảy dòng chữ đầu cho thiên hùng ca Ulysses.

 

Walcott mượn hình tượng Homer để nói về bản thân mình. Bài thơ gợi sự liên tưởng giữa hai nền văn minh Trung Mỹ vùng Caribê. Cuộc chiến ngày xưa là sự tranh chấp thuộc địa giữa các thế lực thực dân trước đây. Người đẹp Helen là ẩn dụ cho hòn đảo Saint Lucia, quê hương của nhà thơ, mười ba lần thay đổi chủ nhân sau cùng Anh chiếm nhưng vẫn nặng tình với Pháp. Cái tứ bài thơ này về sau được triển khai thành trường ca Omeros (1990), có lẽ là thi phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của Walcott./.

 

(Tiểu luận KHI THƠ CA CẤT TIẾNG CHÀO ĐỜI  kèm với hai bài thơ trên đã đăng trên báo Văn Học,(số 79, th. 11 -1992, California). Toàn bộ các nhuận sắc, trích dịch, chú thích là của người viết bài này.). Bản gửi từ tác giả.

Chân Phương
Số lần đọc: 1915
Ngày đăng: 06.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Việt Nam Đang Chờ Phiên Đổi Gác - Hoàng Hưng
Liên hệ giữa phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ trong trường hợp Việt Nam - Trương Vũ
Robbe-Grillet hay sự khủng bố văn chương - Trần Vũ
Thơ Mới Và Thơ Hôm Nay - Hoàng Hưng
Lời Của Thi Sĩ Tiết Lộ Điều Bí Ẩn - Trần Văn Nam
Vấn đề linh cảm hay cảm hứng trong sáng tác … - Khổng Ðức
Đổi Mới Quyết Liệt Nguyễn Minh Châu - Đỗ Ngọc Thạch
Cần tự do thanh nghị - Ngô Nhân Dụng
Một Công Trình Nghiên Cứu Mới Về Tiểu Thuyết Việt Nam 1945 - 1975 - Bùi Việt Thắng
Vũ Hoàng Chương Và Những Ẩn Số Vũ Trụ - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Erotica (thơ)
Bờ Nước Đục (truyện ngắn)