Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
872
116.514.125
 
Một số tài liệu báo chí Việt Nam viết về L. Tolstoi, những năm 1920-30
Lại Nguyên Ân

Nhân kỷ niệm 100 năm mất Liev Tolstoy, công bố tài liệu về Tolstoy trước 1945.

 

 

A. Có một sự thật mà giới học thuật nên biết là cho đến hiện nay, tức là cuối năm 2010, vẫn chưa có những kiểm định rốt ráo, đáng tin cậy về mảng xuất bản phẩm, chủ yếu là báo và sách, bằng tiếng Việt, thường được gọi chung là sách báo Quốc ngữ, từ 1865 (được coi là từ nguồn gốc) đến tháng 8/1945. Điều này khiến cho hầu hết những nhận định về bất cứ vấn đề, đề tài, tình tiết, nhân vật, tác gia nào gắn với mảng sách báo nói trên, hiện đều chịu sự hạn chế về cơ sở tư liệu.

Trong tình hình ấy, trên một đề tài cụ thể, nếu bạn nghe một vị học giả nào đó khăng khăng bảo rằng “trên đề tài này chỉ có ngần ấy ngần ấy tài liệu không hơn không kém”, thì bạn nên nghĩ rằng bạn đang gặp một tay ba hoa thuần túy.

 

Điều vừa nói trên là cần thiết khi đề cập một việc rất cụ thể là tìm ra trên mảng sách báo quốc ngữ trước 1945 tất cả những bài báo cuốn sách nói đến văn hào Nga L. N. Tolstoi. Quả thật, làm rõ toàn bộ nội dung vừa nêu là việc hầu như bất khả, trong tình hình nghiên cứu các khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Một người nghiên cứu thận trọng chỉ có thể kể đến những tài liệu chính mình tìm thấy khi tiếp xúc với một vài trong số hàng ngàn tên sách tên báo tên tạp chí đã được xuất bản ra ở thời gian nói trên.

 

 

 B. Tôi xin kê ra sau đây những tài liệu sách báo trước 1945 mà tôi biết, có đề cập đến văn hào L.N. Tolstoi.

 

1/ Năm 1928, trên nhật báo Đông Pháp Thời Báo (s. 727, ra ngày 5/6/1928) có bài Cái thế lực của nhà văn hào, ký tên C. D., đây là bút danh của Phan Khôi khi ông viết cho tờ báo này. Bài báo này được viết và đăng đúng vào thời điểm người ta nhớ tới 100 năm sinh văn hào Nga, tuy Đông Pháp Thời Báo chỉ đăng bài ở trang nhất chứ không nói gì thêm về mốc thời gian kể trên. Bài báo cho độc giả biết vắn tắt tiểu sử và sự nghiệp của L. N. Tolstoi, “một nhà văn học có tiếng nhứt ở nước Nga”, nhưng chủ đề bài báo, như chính nhan đề cho thấy rõ, là nói đến Cái thế lực của nhà văn hào, đến uy tín và ảnh hưởng của L. N. Tolstoi đối với tiến trình lịch sử cận đại Nga, nêu ra một số sự việc và kết thúc bằng một nhận định mang tính tồn nghi trong sự đánh giá:  “… ngôi vua nước Nga đổ, vua Ni-cô-la bị giết, nước Nga trở nên nước dân chủ, rồi lại trở nên nước cộng sản, người ta cho rằng ấy là nhờ thế lực của quân cách mạng bấy giờ và thế lực của bọn Lý-Ninh; nhưng lại có người nói rằng ấy là nhờ thế lực của ông Tolstoy, nhờ ngòi bút của ông Tolstoy vậy”.[1]

 

 

2/ Năm 1932, có thể là nhân nhớ về 20 năm mất L. N. Tolsoi, trên các báo ở Việt Nam có một số bài về văn hào Nga.

 

− Tại Hà Nội, tạp chí Nam Phong số 172 (tháng 5/1932) có bài của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch một cuốn khảo luận nhỏ của một tác gia Trung Hoa là Hồ Hoài Thâm, cũng gọi là Hồ Ký Trần, nhan đề Tolstoi với Phật kinh; đầu sách có bài tựa của pháp sư Hiển Ấm. Tác giả sách này đã đọc một số truyện ngụ ngôn viết cho trẻ em của L.N. Tolstoi qua bản dịch từ chữ Nhật sang chữ Hán, nhân đó nêu một số nhận định về yếu tố tư tưởng Phật giáo, dấu ấn của kinh Phật trong các sáng tác ấy.[2] 

 

 

− Tại Sài Gòn, nhật báo Trung Lập, ở “Phụ trương văn chương” s. 61 (thứ bảy 02/7/1932) trong mục thường kỳ “Giấy thừa mực cặn” do một người ký bút danh Như Tâm Mão Lang đảm nhiệm, có bài ngắn“Một người gặp Thác-nhĩ ty-thái và Lê-ninh dưới địa ngục”  (Thác-nhĩ-ty-thái hay Thác-nhĩ-tư-thái là cách đọc Hán-Việt tên riêng Tolstoi viết bằng chữ Hán), thuật lại mấy chi tiết trong cuốn Chín Ngày Ở Trong Thế Giới Khác (chữ Pháp: Neuf jours dans l’ autre monde) của một bà xơ (soeur, tức nữ tu sĩ Thiên Chúa giáo) người Đức ở Berlin là Faina. Trong lời kể, người nữ tu trong giấc ngủ “hôn thúy” (sommeil léthargique) của mình (tương tự việc “đánh đồng thiếp” theo cách nói của người Việt) thấy 3 người Nga nổi tiếng được đối xử khác nhau nơi thế giới bên kia: trong khi vua Nicolas đệ Nhị được lên thiên đàng gần chúa Trời, thì ở địa ngục 2 người còn lại bị hành phạt: “văn hào Thác-nhĩ-ty-thái (Tolstoi) với nguyên lãnh tụ bọn Búa Liềm là Lê-Ninh (Lénine) bị đày ở dưới”. Theo lời kể thì trong 2 người này, Thác-nhĩ-ty-thái bị hành phạt nhẹ hơn.

 

“Một ông già khòm lưng, râu dài, lông mày rậm và bạc trắng cả, ở sau một cục đá ló ra. Ông đã biết hối hận những lỗi của ông đã dùng tư tưởng cách mạng mà ác hóa bọn thanh niên Nga lúc bấy giờ đến nỗi chúng đánh đổ được nền quân chủ chuyên chế. Ấy là một cái tội lớn đối với ông thần lương tâm và luân lý. Quỷ Satan đã hành phạt ông.”

 

Nhưng, ở lời kết bài tiểu phẩm, Như Tâm Mão Lang chỉ cười gằn rằng bà nữ tu Faina đã “nói dóc” đến nỗi “thằng cầm viết chép chuyện mua cười ở Việt Nam này” cũng không tin nổi! [3]       

 

 

3/ Năm 1933, trên “Phụ trương văn chương” của nhật báo Trung Lập, L. N. Tolstoi được đề cập nhiều hơn hẳn trước: có tới 4 bài trong 2 tháng April và Mai, trước khi tờ báo bị đóng cửa vĩnh viễn. Có thể việc đề cập đến Tolstoi cũng ít nhiều liên quan đến xu hướng ngả sang tả của tờ báo này, khi những người làm báo có quan điểm chính trị khuynh tả là Nguyễn Văn Tạo, rồi Nguyễn Anh Ninh lần lượt nắm tòa soạn nhật báo Trung Lập (Nguyễn Văn Tạo từ 18/6/1932; thêm Nguyễn An Ninh từ 2/3/1933) để vận động tranh cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn cho liên danh của một số nhà chính trị phải tả như Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Thạch và những ứng viên lao động, thường gọi là “sổ lao động” hay “số Tạo – Nở”.

 

 Xin kể tên những bài viết về L. N. Tolstoi trên Trung Lập thời gian này:

– “Phụ trương văn chương” [PTVC] s. 96 (Trung Lập [TL], s. 6971, chủ nhật & thứ hai, 26 & 27/3/1933): có bài Giới thiệu với bạn đọc: Léon Tolstoi và những tiểu thuyết của ông ta (ký bút danh N., của Nguyễn An Ninh);

– PTVC s. 97 (TL, s. 6977, chủ nhật & thứ hai, 2 & 3/4/1933): có bài Cái đời của Tolstoi hay chẳng thua những tiểu thuyết của ông (ký bút danh N.);

– PTVC s. 98 (TL, s. 6983, chủ nhật & thứ hai, 9 & 10/4/1933): có bài Ít lời cùng ông N. về câu chuyện Léon Tolstoi của Nguyễn Hoanh, với lời giới thiệu của chính Nguyễn An Ninh;

– PTVC s. 100 (TL, s. 6994, chủ nhật & thứ hai, 23 & 24/4/1933): có bài Phê bình Tolstoi (ký bút danh Ng. An Ninh);

 

Tiếp theo, xin dừng lại đôi chút ở nội dung từng bài.

 

– Trong bài Câu chuyện với bạn đọc: Léon Tolstoi và những tiểu thuyết của ông ta, Nguyễn An Ninh ghi nhận điều mà chính ông chứng kiến khi du học ở châu Âu: L.N. Tolstoi được “toàn cả thế giới”, nhất là thanh niên, yêu mến; “người nhà quê ở Pháp mua tiểu thuyết đọc giải trí cũng biết L.Tolstoi,… còn những thanh niên có học thì ca tụng L. Tolstoi như thánh”. Theo Nguyễn An Ninh, người ta quý trọng L.Tolstoi là vì “lòng nhơn” [= nhân] của ông; Nguyễn An Ninh cho rằng ở ngay thế kỷ XX này, Gandhi là người chịu ảnh hưởng “lòng nhơn” kiểu Tolstoi rõ nhất. Phần chính bài của Nguyễn An Ninh dành để giới thiệu các tác phẩm văn học của Tolstoi như hai bộ “Guerre et Paix” (= Chiến tranh và hoàn bình), “Anna Karénine” (= Anna Karenina), và một số tiểu thuyết nhỏ hơn như “La mort d’ Ivan Ilich” (= Cái chết của Ivan Ilich) , “La Sonate à Kreutzer” (= Bản sonate Kreutzer), “La Résurrection” (= Phục sinh). Bài viết kết thúc trong một ý tiếc rẻ: “Tiểu thuyết của L. Tolstoi dạy đời hay biết bao nhiêu. Song tiếc vì dân ta không mấy ai quen biết với một bực văn tài như thế ấy”. [4]

 

– Trong bài Cái đời của Tolstoi hay chẳng thua những tiểu thuyết của ông, Nguyễn An Ninh dựa vào các tác phẩm tự thuật và nhật ký của L. Tolstoi để thuật lại cuộc đời và tư tưởng của văn hào Nga; tác giả nói về những hoạt động xã hội của Tolstoi, sự thất bại với trường “Jasnaya Polyana”, việc tự thực hành lối sống khắc kỷ, ý định từ bỏ tài sản vấp phải sự phản đối của hầu hết các thành viên trong gia đình…, cuối cùng là cuộc “đào tẩu” khỏi Jasnaya Polyana đến một nơi vô định, rồi nhuốm bệnh dọc đường, ghé xuống ga Astapovo và mất tại đấy. [5]

 

– Trong bài Ít lời cùng ông N. về câu chuyện Léon Tolstoi, độc giả Nguyễn Hoanh ở Chợ Cũ Mỹ Tho tỏ ý hài lòng với việc “tờ Trung Lập báo của Hội đồng Ninh” có bài nói đến L. Tolstoi, một tác gia mà chính ông đã đọc khá nhiều tại  thư viện Sainte Geneviève (Paris, Pháp); ông đánh giá cao những tư tưởng mà Tolstoi thể hiện qua các tác phẩm của mình, ông cũng thừa nhận “lòng bác ái” rộng lớn của Tolstoi (cái mà Nguyễn An Ninh gọi là “lòng nhơn”), thấy rõ cái đức “biết hổ thẹn” sâu sắc đã khiến Tolstoi không thể chỉ biết thực trạng khốn cùng của nông dân và các tầng lớp dưới mà tự mình không làm gì, điều này đã dẫn đến việc Tolstoi thực hành lối sống khắc kỷ, dẫn đến cuộc trốn chạy cuối cùng… Tuy nhiên, Nguyễn Hoanh đưa ra một ý tưởng khác với N. (tức Nguyễn Anh Ninh): ông ví việc đưa Tolstoi cho công chúng người Việt như đưa cho họ lá “trước đào” [= trúc đào, Nerium oleander]: xem chơi thì được, dùng vào việc khác thì có hại! Vị độc giả này tin vào cách lý giải của Stephan Zweig, cho rằng Tolsoi có lòng thành thật nhưng ông sinh vào nơi quá cao sang; dù muốn thành mouzhik nhưng trong mình luôn còn dòng máu quý tộc; ông thương đời, muốn cứu đời nhưng chỉ suy tính theo cách của người quý phái rất nhân đức, nên không thể thành công; tư tưởng về xã hội của Tolstoi “phải để về lối mấy chục năm đầu thế kỷ XIX, đứng với Saint Simon, Cabet… mới hợp”. Vị độc giả này thừa nhận rằng văn của Tolstoi đầy sức cảm hóa, vì ông thành thật, nhưng nếu nó cảm hóa người ta thành những Tolstoien (= người theo thuyết Tolstoi) thì có hại, mà “một giống dân bực bội [….] thì còn chi mau thấm” hơn là giọng văn trong những bộ như Phục Sinh…  “Nếu ông là một tay viết sách kiếm xu như Bourget, Benoit thì ta chả đáng sợ. Cái nầy không! Ông thiệt với cái ý ông lắm. Ta để cho Gandhi bắt chước ông là xong, nếu dân ta chưa rộng thấy mà so sánh. Tôi ước ao khỏi bị xô vô tay Tolstoi. Theo tôi nếu ai có buồn thì xem văn của đồng hương ông như Tourguéniew, Dostoiewsky còn hay hơn xem ông mà không có chí dè dặt”. [6]

 

– Bài hồi âm của Nguyễn Hoanh được lục đăng bởi tòa soạn và chính Nguyễn An Ninh (ký N.) có lời dẫn ngắn, tỏ ý vui mừng “vì được một cái chứng rằng ở xứ nầy đã có người có đọc Tolstoi mà lại còn hiểu Tolstoi nữa”; còn về lời Nguyễn Hoanh cảnh báo rằng tư tưởng Tolstoi “có thể hại cho dân tộc ta” thì Nguyễn An Ninh cho là chính ông đã tỏ rõ sự nghi ngờ hiệu quả hành động của Tolstoi. [7]       

 

 

Phê bình L. Tolstoi  là bài Nguyễn An Ninh viết do tác động của ý kiến độc giả Nguyễn Hoanh. Nguyễn An Ninh bộc lộ rằng, ông có ý muốn dần dần giới thiệu với công chúng về một loạt nhà văn Nga, từ Pouchkine, Gogol, Tourgueniew đến Dostoiewsky, nhất là Dostoiewsky, người được dư luận châu Âu cho là đánh dấu sự “biến chuyển lạ thường… của lịch sử văn chương”.  Ông đã khởi đầu ý đồ nói trên từ L.Tolstoi. Song, chính ý kiến của độc giả Nguyễn Hoanh, – cho rằng nên lường đến cả cái hay lẫn cái hại của L. Tolstoi vì  “dân mình chưa đủ sức tự mình suy xét lấy một mình” – đã khiến ông bị bất ngờ. “Trước kia tôi tưởng rằng miễn là con người có tánh biết đau thương giùm nhau và hết sức thành thật, rồi sự kinh nghiệm sự thất bại hằng ngày thế nào cũng dắt người thành thật vào con đường đúng. Té ra tư tưởng ấy không đúng với trình độ người mình”. Chính vì thế ông cần viết thêm bài này, nhằm chỉ ra sự mâu thuẫn sâu sắc trong đời L. Tolstoi, cũng là “mâu thuẫn chung trong tâm của bao nhiêu nhà đạo đức từ xưa đến nay”, tức là cần nói thêm với công chúng nước mình về những hạn chế của tư tưởng Tolstoi. Nêu lại một số sự việc xung quanh chuyện giúp đỡ người nghèo, nhất là câu chuyện Tolstoi chứng kiến anh thợ mộc Semène cho tiền người ăn mày”:     

 

“Một buổi chiều thứ bảy, đương cưa cây với anh thợ mộc Semène, ông ta thấy anh thợ này cho tiền ăn mày, biểu người ăn mày thối xu lại cho mình. Người ăn mày chỉ có một xu lẻ. Anh Semène thấy vậy mới cho luôn hết. L. Tolstoi biết chắc anh thợ mộc còn bao nhiêu tiền. Ông ta tính ra thì thành, nếu ông ta là rộng rãi thì sự nghiệp [nên hiểu như sản nghiệp, tài sản? – L.N.Â. chú] của ông ta bây giờ là 600.000 đồng, thì ông ta phải cho 100.000 đồng, cho một cách tự nhiên như anh Semène, ông ta mới rộng bằng anh này. Hay là ông ta phải bỏ cả cái tài sản 600.000 đồng đó mà sống nghèo như anh Semène. Chuyện cho tiền ăn mày đó chọc cho cái tư tưởng ngày nọ hóa ra mạnh mẽ, cái tư tưởng sanh ra trong khi ông ta đi kiểm điểm dân số của thành Moscou. “Tôi đây là một ‘con sống gởi’ và vô lực lượng, một con sâu ăn mòn cái cây mà tôi muốn kêu cả thiên hạ lo cứu sống đó”. Ông ta mới tuyên bố lên sự thật của ông ta mới tìm được kia. Ông ta nói: Muốn lên được thiên đàng thì con người không nên tham muốn tiền của đất cát. Ý nầy là của Christ ngày xưa có nói “Nhà giàu mà lên được thiên đàng thì khó hơn con lạc đà chun qua lỗ kim”. L. Tolstoi cho rằng “cái đầu óc quý trọng quyền tư hữu kia chẳng qua là một cái tập quán, dễ phá tiêu tan đi, như phá một cái lưới nhện vậy”. [8]

 

Nguyễn An Ninh đặt câu hỏi: L. Tolstoi có thực hành được tư tưởng ấy hay không? Những sự việc tiếp theo cho thấy ông không thực hiện được. Ông muốn đem tài sản cho kẻ khác liền bị gia đình phản đối, ông định sang tên của cải cho vợ con, vợ con cũng không chịu… Lại còn xin tòa cho người canh chừng ông như canh chừng một người mất trí, v.v…

 

“Léon Tolstoi hết sức muốn sống theo bọn nghèo, chia khổ với phường cực nhọc, phá tiêu cái tánh chất sống gởi của mình. Léon Tolstoi lấy nơi gốc mà trị, cho nên quyết trừ cái ‘lưới nhện’ là cái đầu óc trọng quyền tư hữu kia. Té ra cái lưới nhện không dễ gì xé. Tolstoi chỉ xé lưới nhện trong tưởng tượng của mình…

Vì vậy mà có kẻ phê bình nói, Léon Tolstoi hết sức muốn sống lộn lạo, chia đau khổ với bình dân, mà cho tới chết, Léon Tolstoi cũng còn là người quý tộc”.

 

Đó là những lời phê bình sau cùng của Nguyễn An Ninh đối với Léon Tolstoi.

Như vậy, hồi tháng Tư 1933 trên báo Trung Lập ở Sài Gòn đã có một thảo luận nhỏ về học thuyết Tolstoi, chính xác là về việc dự tính khả năng lợi hay hại của việc giới thiệu cho công chúng Việt Nam các tác phẩm văn chương và học thuyết đạo đức của L. Tolstoi.

 

Sang đến những năm 1940, các giới văn học và báo chí ở Việt Nam biết đến Léon Tolstoi nhiều hơn. Nhưng việc đó nằm ngoài phạm vi bài điểm tư liệu này.

 

Hà Nội, 11/11/2010 

 

Chú thích

 

[1]  C.D., Cái thế lực của nhà văn hào // Đông Pháp Thời Báo, S.G., s. 727 (5/6/1928), tr. 1, 2; đã in lại trong sách: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng, 2003, tr. 127-131.

 

[2] Nguyễn Hữu Tiến (dịch): Tolstoi với Phật kinh (nguyên văn của Hồ Hoài Thâm, Trung Quốc) // Nam Phong, H.: Q. XXX, s. 172 (tháng 5/1932), tr. 498-508.

 

[3] Như Tâm Mão Lang: Một người gặp Thác-dĩ-ty-thái và Lê-ninh dưới địa ngục // Trung Lập, S.G., s. 6769 (02/7/1932: Phụ trương văn chương số 61)

 

[4] N., Giới thiệu với bạn đọc: Léon Tolstoi và những tiểu thuyết của ông ta // Trung lập, S.G., s. 6971 (26 và 27/3/1933: Phụ trương văn chương số 96)

 

[5] N., Cái đời của Tolstoi hay chẳng thua những tiểu thuyết của ông ta // Trung Lập, S.G., s. 6977 (2 và 3/4/1933: Phụ trương văn chương số 97)

 

[6] Nguyễn Hoanh, Ít lời cùng ông N. về câu chuyện Léon Tolstoi // Trung Lập, S.G., s. 6983 (9 và 10/4/1933: Phụ trương văn chương số 98)

 

[7]  N., “Được bài của ông Nguyễn Hoanh…” // Trung Lập, S.G., s. 6983 (9 và 10/4/1933: Phụ trương văn chương số 98)  

 

[8]  Ng. An Ninh, Phê bình Tolsoi // Trung Lập, S. G., s. 6994 (23 và 24/4/1933: Phụ trương văn chương số 100)  

Lại Nguyên Ân
Số lần đọc: 2050
Ngày đăng: 09.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chúng tôi vừa được tin Tiểu Kiều sinh ngày 15. 8. 1953 tại Thừa Thiên Huế, là hiền thê của Nhà thơ Võ Quê đã từ trần. - Nhiều Tác Giả
Thư mời của Tạp chí Vietnam Heritage - Nhiều Tác Giả
Tin Buồn - Nhiều Tác Giả
Tin buồn - Nhiều Tác Giả
Thông Báo Thực hiện chuyên đề Tạp chí VĂN - Nhiều Tác Giả
Thông Báo Thực hiện chuyên đề Tạp chí VĂN - Nhiều Tác Giả
Vào ngày 13 tháng 10 này, Văn Chương Việt tưởng niệm Nhà thơ Quang Dũng - Nhiều Tác Giả
Tạo ra một cái mẫu khả thi – thân phận của công việc nghiên cứu khoa học - Phạm Toàn
Ngày 01.10.2010, ngày kỷ niệm 40 năm tạp chí Ý Thức. - Nguyễn Hòa vcv
Thử nhận định về Gió Lẻ sau hiện tượng Cánh Đồng Bất Tận trong hành trình văn học Nguyễn Ngọc Tư - Bùi Đức Hào
Cùng một tác giả