Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
686
115.982.542
 
Lục Bát Pha Lẫn Mỹ Cảm Và Phàm Tục Trong Thơ Nguyên Sa
Trần Văn Nam

Thơ Nguyên Sa đã được phổ nhạc thành những bài hát thật hay, nên ta thường nhớ những tình ca đẹp của ông như: Paris Có Gì Lạ Không Em?- Tuổi Mười Ba – Tháng Sáu Trời Mưa – Ao Lụa Hà Đông – Tháng Giêng Và Anh… Có lẽ những tình ca đẹp ấy làm ta không lưu ý những bài thơ mỹ-cảm pha trộn phàm-tục rất gợi hình của ông, những bài thơ rất ấn tượng như những bức tranh mang màu sắc vừa hiện-sinh vừa lãng mạn. Chẳng hạn như bài thơ “Bờ Cỏ” nói về một người trong cơn say vì uống đến ba phần chai rượu, người say như con trăng nửa khuya xuống lầu rồi nằm ngủ gác đầu trên thân thể một người nữ. Những bài thơ khác cũng mang màu sắc hiện sinh lãng mạn như vậy, xin lần lượt trình bày dưới đây. Bài này nói về điều ấy, với nhan đề “Lục Bát Bí Ẩn Trong Nguyên Sa”, sau khi đăng lên báo, đã được thi sĩ Nguyên Sa sưu tầm cho in lại trong cuốn sách “Nguyên Sa, Tác Giả và Tác Phẩm”, xuất bản năm 1991.

 

I. THƠ TÌNH MÃI MÃI HÓA THÂN VÀ THÍCH NGHI VỚI KHUNG CẢNH

 

Nguyên Sa là nhà thơ nổi tiếng về thơ tình, điều đó ai cũng rõ.  Nguyễn Bính cũng là một thi sĩ về thơ tình nổi tiếng, nhưng thơ tình Nguyễn Bính đã lui về dĩ vãng trong khung cảnh quê hương thảo dã Việt Nam. Xuân Diệu cũng là một thi nhân về tình yêu lưu danh, nhưng thơ tình Xuân Diệu cũng lui về quá khứ của giai đoạn lãng mạn thời Pháp thuộc.  Đinh Hùng, một nhà thơ tình lưu danh nữa, nhưng thơ Đinh Hùng đầy tính siêu thực dường như đã thuộc về thế giới tình sử.

Trong văn học, thơ tình của Nguyên Sa mãi mãi còn trẻ trung và gần gũi chúng ta. Điều đó chắc không phải vì thi sĩ Nguyên Sa sống cùng thời đại ở hải ngoại sau năm 1975 như chúng ta, mà vì thơ tình Nguyên Sa như mãi hóa thân và thích nghi vào khung cảnh. Có lẽ Nguyên Sa không hoàn toàn làm thơ tình riêng tâm sự của mình, mà luôn luôn hóa thân vào cương vị những người tuổi trẻ khi yêu nhau, khi thì ở cương vị một học sinh thi rớt đã lớn tiếng chê trách thói lề xã hội quy định "muốn làm người yêu phải đỗ tú tài", khi thì hóa thân vào cái nhìn chiêm ngưỡng trẻ trung hướng về những người con gái đỏm dáng của "Tám phố Sài Gòn". Đến khi ra hải ngoại sau năm 1975, tác giả làm thơ tình vẫn tươi mát, hóa thân vào cương vị một người thanh niên yêu đời, ngồi quán trên đường phố Bolsa:

 

Chào tháng chạp, khi nào thì đến Tết?

Em mặc áo xanh hay áo thêu hồng

Bầu trời mây ở dưới áng mi cong

Em có muốn anh giữ giùm phân nửa?

… Bài hát đó mang cho anh hò hẹn

Em nhớ mang vàng cho cúc, ngọc cho lan

Mang cầu vồng cho khoảnh khắc mưa tan

Và một chút vai em cho huệ trắng.

… Tháng Giêng và Anh rủ nhau châm điếu thuốc

Điếu thuốc đầu năm và điếu thuốc đầu ngày

Vòng khói tròn khuyên phía trái, bên tai

Tà áo em có nhánh cười trong vũ điệu

… Tháng Giêng và anh rót đầy trong ly rượu

Một góc trời âu yếm, khúc Bolsa                  

Yêu cuộn tròn trong tám chữ mây qua

Khi em tới lượn vòng trên mái tóc.

(Tháng Giêng và Anh)

 

Tác giả mãi mãi hóa thân vào tuổi trẻ, nên ngôn ngữ trong thơ tình của ông rất gần gũi, tình tứ, duyên dáng (Sài Gòn gọi nhau bằng cưng - Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm - Thứ Bảy Sài Gòn, đi Bonard) và nét đẹp phụ nữ được mô tả rất gợi cảm, rất yêu kiều (Đôi môi đỏ nét thu cong - cánh tay tà áo sát vòng eo - vai em huệ trắng - tà áo cười trong vũ điệu...). Tác giả hóa thân vào tuổi trẻ khi yêu nhau, nên các danh xưng Anh và Em thích hợp nhất cho các bài thơ tình. Có lẽ danh xưng Tôi và Em mới có nhiều bóng dáng của chính người làm thơ. Đôi khi Em và Anh là những kẻ khác ngoài tác giả.

II. LỤC BÁT NHƯ MỘT THỂ THƠ TÁC GIẢ ƯA CHUỘNG NHẤT Ở HẢI NGOẠI

 

Nguyên Sa là một thi sĩ về thơ tình. Bản chất thơ tình  thì muôn thuở và ở muôn nơi. Phản ánh thời thế trong giai đoạn qua Pháp rồi sang Mỹ sau năm 1975… chỉ có vài lưu dấu trong thơ ông. Nói như thế, nhưng ý hướng lựa chọn thể thơ lục bát chiếm phần lớn trong các bài sáng tác từ năm 1982 đến 1988 trong "Thơ Nguyên Sa, Tập II" đã biểu hiện một phần nào chủ tâm sáng tác văn thơ trong khuôn khổ hạn hẹp của một nền văn chương Việt Nam hải ngoại. Văn chương truyền miệng là một thực tế giữ gìn cho tiếng Việt tồn tại nơi xa biệt quê hương. Thể thơ gần với ca dao, là thể thơ lục bát ngắn gọn và dễ nhớ, có lẽ là hình thức đáng được trọng vọng nhất:

 

Em đi qua đó, gần đường

Sao không ghé lại nói còn hay không

Nhớ ngày cây bưởi đâm bông

Mùi thơm hoa bưởi ngàn năm vẫn còn.

(Hoa Bưởi)

 

Hoặc nói về những sự việc bình thường trong đời sống hàng ngày như xem bộ phim Tàu, nghe hát cải lương, đọc thơ Tú Xương, nói về các thế võ một cách triết lý như trong truyện võ hiệp Kim Dung, đó có lẽ là những điều gần gũi nhất nên có ở trong văn thơ:

 

Nãy giờ tìm được tuyệt chiêu

Trên đường vô núi, buổi chiều pha sương

Trông lên tượng Phật sơn son

Ngó qua tục lụy vẫn còn ngẩn ngơ

Trở ra chặt mấy cây già

Hai tay chai cứng nào ngờ vẫn đau.

(Tuyệt Chiêu)

 

Nhưng lục bát là một thể thơ rất dễ làm mà rất khó đạt tới chất thơ, như những đường gươm giản dị mà cần phải tinh vi tuyệt kỹ. Tinh vi đặc biệt của thơ lục bát Nguyên Sa là ở chỗ mờ ảo bí ẩn. Bí ẩn của nội dung gắn liền với ngôn ngữ diễn tả hư thực. Tác giả dụng công đạt tới sự bí ẩn đó, nên khi bàn về các bài thơ lục bát ấy ta không nên gán ghép chủ quan của mình, không nên võ đoán một ý nghĩa. Thơ lục bát Nguyên Sa tự mỗi người khám phá ý nghĩa nội dung, nhưng cũng không thể truyền đạt chính xác cho người khác. Chỉ nên thưởng ngoạn những mờ ảo qua các hình tượng và nhạc tính của lục bát Nguyên Sa:

 

Em vào tắm dưới hoa sen

Những khe nước chảy, những miền hải lưu

Những thuyền lạc dưới trời sao

Hỏi em hay hỏi hoa đào của anh

Chỗ đào có lá sen xanh

Bờ xa cỏ thấp nghiêng mình dáng sông

Tuyệt vời giữa một dòng trong

Đầu sông tóc ướt, lưng vòng biển khơi.

(Hoa Sen Và Hoa Đào)

 

Một cảnh thơ mộng nào đây? Hay đây là một hình tượng giống thơ thi hào Nguyễn Du: Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên? Ta không nên quả quyết mà chỉ nên mơ hồ cảm nhận.

 

Có ngày trời đất khách quan

Em xoay mặt lại, anh làm người dưng

Theo em địa ngục mấy tầng

Chỉ cho anh chỗ rất gần nhân gian

Chỗ phi lao đứng vài hàng

Anh ngồi ngó miết nắng vàng nhớ em.

(Khách Quan)

 

Thế nào là khách quan: Ta không rõ. Hay nội dung là một cuộc hoan lạc giữa đôi trai gái; ta cũng không rõ.

 

Khi em cởi áo nhọc nhằn

Cất son phấn chỗ rất gần xót xa

Anh xin ân huệ kiếp xưa

Xếp phong sương cũ với ngờ vực quen

Anh ru em ngủ cách riêng

Trời Tô Châu xuống, giấc hoàng điệp bay

Đắp lên mười ngón hao gầy

Cây trong giấc mộng mang đầy trái thơ

Trái Giang Nam những ngày mưa

Anh ru em ngủ giấc mơ phù kiều

Hải âm trả lại tiếng đều

Tiếng son sắt ở, tiếng vào thiết tha.

(Tháng Tám Riêng)

 

Bài thơ có âm hưởng tiếng dội hải triều trả lại từ vách đá ghềnh núi, dìu dặt khúc nhạc “Đêm Tô Châu”, vằng vặc trăng nước Giang Nam với những phù kiều, những hoàng điệp bay... Dĩ nhiên nội dung là chuyện tình nhưng mơ hồ như cái lưng chừng của tiếng nhạc thiết tha lơ lửng. Có hay không sự huyền ảo và điều phàm tục trộn lẫn ở bên trong?

 

Chỉ một ít nhấn mạnh về hoàn cảnh, nhà thơ Nguyên Sa tiếp tục làm thơ tình, nói cực đoan thì như ngoảnh mặt với thời thế. Do đó thơ của ông không có những dấu vết phản ánh Đất và Người nơi cư trú mới. Nhưng cách lựa chọn thể thơ lục bát rất gần với văn chương truyền miệng, vài bài có nội dung khá rõ và gần gũi thân mật với cuộc sống đời thường ở Little Saigon, nhiều bài tác giả dụng công tạo sự bí ẩn mờ ảo để mãi mãi còn là một phơi mở cho độc giả mơ hồ cảm thấy.. Những điều đó có lẽ phản ánh một phần nào ý hướng sáng tạo thích nghi với sự hạn hẹp của một nền văn chương Việt Nam hải ngoại. Ta có cảm nghĩ như vậy, vì thời điểm này ở đầu thập niên 1990./.

 

(Trích cuốn “Nguyên Sa, Tác Giả và Tác Phẩm ”, tập I, nhà xb. Đời ấn hành năm 1991, Nam California; có vài bổ túc. Bản gửi từ tác giả).

 

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2628
Ngày đăng: 09.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dương Nghiễm Mậu, con người nội soi trong bạo lực chiến tranh và thân phận nhược tiểu ― 1 - Thụy Khuê
Giáo Dục Việt Nam: Những Vấn Đề Căn Bản - Trương Vũ
Dương Nghiễm Mậu, con người nội soi trong bạo lực chiến tranh và thân phận nhược tiểu ― 2 - Thụy Khuê
Đọc “Tiểu Luận” Của Nguyễn Huy Thiệp - Đỗ Ngọc Thạch
Khi Thơ Ca Cất Tiếng Chào Đời - Chân Phương
Thơ Việt Nam Đang Chờ Phiên Đổi Gác - Hoàng Hưng
Liên hệ giữa phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ trong trường hợp Việt Nam - Trương Vũ
Robbe-Grillet hay sự khủng bố văn chương - Trần Vũ
Thơ Mới Và Thơ Hôm Nay - Hoàng Hưng
Lời Của Thi Sĩ Tiết Lộ Điều Bí Ẩn - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)