Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
491
116.585.283
 
Chí Phèo đi dự Pestival
Hoàng Xuân Hoạ

Ông Ma đơ Len (tức Giăng Van Giăng), thị trưởng đảo hoang, hòn đảo xưa kia Rô bin xơn Cruxô vượt biển đi thám hiểm Đại dương bị bão đánh đắm thuyền dạt vào trú ngụ.

 

Từ ngày tới đây làm thị trưởng, ông mở tung cửa biển cho dân tự do buốn bán, làm ăn, không cấm chợ ngăn sông làm cho hòn đảo trở nên giáu có, phát triển thành hòn đảo du lịch có tiếng, sau đó ông đặt tên là đảo Hòa Bình. Đảo Hòa Bình có những khách sạn 5 sao, sân golf, sân tennis, sân đá bóng đủ tiêu chuẩn quốc tế. Bãi biển nước trong vắt nhìn thấy từng đàn cá bơi tung tăng dưới đáy cát. Độ mặn của nước biển, nước mặn vừa phải vì trên đảo có suối nước khoáng (ngọt) đùn từ lòng đất lên chảy ra hòa vào biển làm cho nước ở đây luôn ấm, không mặn chát như những bãi biền nơi khác, du khách tắm biển không bị hại da, sém nắng. Sơn hào hải vị ở đây lại rất chi là nhiều và rẻ. “Thiên thời địa lợi” trên đảo thích hợp với đủ loại cây quả. Bất cứ trên thế giới có thứ cây quả gì đem đến đây trồng đều lớn nhanh, xanh tốt, ra qủa ngon hơn, thơm hơn, ngọt hơn, chất lượng hơn ở nơi đất tổ thứ hoa quả ấy nhiều lần.

 

Đảo Hòa Bình luôn được các tổ chúc phi chính phủ thuê làm nơi họp hội nghị tổng kết các phong trào... tỉ như các cuộc vận động quyên góp quân áo cũ, bán đấu giá sim điện thoại có số đẹp, tranh, ảnh hay báu vật của mấy vị quan chức muốn nổi tiếng... một đêm để lấy tiền giúp mấy anh nhà nghèo vùng sâu, vùng... xa xa... khỏi đói nghèo một vài tháng.

 

Ma Đơ Len bỗng nảy ra sáng kiến, tổ chức một cuộc pét ti van (festival) những nhân vật tiểu thuyết nổi tiếng của các nước về đây để gặp gỡ nhau. Ý tưởng của ông thị trưởng là thành lập một Hội “Những nhân vật nổi tiếng” do Rô Bin Xơn làm chủ tịch lâm thời, ông làm chân phó Hội, sau đó đại hội bầu ai vào ban chấp hành thì tùy ý. Mỗi nước ông chỉ mời một người. Người thứ nhất là Đông Ki Sốt của Tây Ban Nha, người thứ hai Đông Gioăng của Pháp, người thứ ba là ChichiKov của Nga, người thứ tư là AQ của Trung Quốc, người thứ năm là Chí Phèo của Việt Nam... vân và vân... Ông cho tùy tùng đem máy bay riêng của mình đến tận nước đón từng người tới dự. Các đại biểu do ông lên danh sách tự chọn, được Rô bin xơn tham khảo, thêm bớt.

Nghe tin Chí Phèo được mời đi dự pet ti van. Tức thì, Tám Bính, chị Dậu, Trạch Văn Đoành, Xuân Tóc Đỏ, Lão Khổ và cả Chu Văn Quềnh... rủ nhau đến tận văn phòng phòng ngoại vụ Bộ Ngoại giao để khiếu nại. Khi nghe Bộ Ngoại giao giải thích, việc này không phải do nhà nước cử mà do ông Ma đơ len thích ai thì mời người ấy, lúc đó họ mới chịu ra về trong ấm ức, rủa thầm thằng cha Ma đơ len không hiểu gì về tình hình cái nền văn chương Việt Nam, mời không đúng người đủ tư cách! Chí Phèo là cái thá gì mà hắn được mời còn mình lại không? Họ tụm năm, túm ba cùng nhau bĩu môi dè bỉu chê lây sang cả ban chấm giải Nobel. Họ cho rằng ban chấm giải này là ban chấm... dốt, mù mờ, đếch biết thưởng thức văn chương Việt Nam. Năm nào cũng trao giải, toàn đi trao giải lung tung cho ba anh, chị mũi lõ đầu to, chưa đến tuổi năm mươi tóc đã bạc trắng mà không chịu bỏ tiền ra nhuộm cho tóc đen nhánh như tóc thanh niên trông cho tráng kiện, trẻ mãi không già như các nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Đúng là dân ki bo! Thơ văn, tiểu thuyết thì viết toàn bằng thứ tiếng Anh lai căng; tiếng Pháp, tiếng Đức, Tây Ban Nha, tiếng Bồ, tiếng Thổ... còn bắt phải dịch ra tiếng Anh chuẩn của chính nước ông Anh thì mới xét giải! Cứ như đánh đố người ta mà cũng... nào là có tính dự báo, tính sử thi, tính thời đại cao, tính nhân văn sâu mới chả sắc... sâu sắc cái con mẹ Đôp! Chúng ông, bà đây vãi tè vài bãi vào thứ sâu sắc thực dân đế quốc nhà chúng bay, không thèm nhé!

 

*

Thấy người tình được đi xuất ngoại, Thị Nở hớn hở tức tốc thuê ngay taxi đưa Chí Phèo tới một cửa hàng thời trang mua cho chàng một bộ com lê gồm đủ giầy tây, mũ phớt . Anh Chí diện bộ về làng Vũ Đại. Thấy Chí Phèo có bộ quần áo mới, cả làng Vũ Đại kéo nhau đi xem xúm xít, trầm trồ khen anh Chí đẹp trai. Chuyện loang ra, đến tai chính quyền xã. Mấy ông cán bộ xã hay tin anh Chí được đi dự pét ti van, họ cử người về làng Vũ Đại tra vấn thực, hư. Anh Chí bèn giơ ra tờ giấy mời tiếng Anh chen tiếng Việt nói rõ họ bao toàn bộ nơi ăn chốn ở, nghỉ ngơi, tham quan du lịch, có tàu bay riêng đến đón tận nhà. Giấy mời người ta cho cán bộ sứ quán đi ô tô đem đến đưa tận tay anh Chí, thành thử chính quyền địa phương không hề biết trước việc này. Nếu giấy mới ấy mà đưa về xã thì đã có người khác đi thay chứ đâu đến lượt anh Chí. Trong họ ngoài làng thiều gì con cháu họ hàng các ông cán bộ xã đi thay.

 

Biết đích xác chuyện ấy là có thật, họ mới tẻ ngửa người ra vì không thể ngờ... nhưng mấy ông chính quyền xã liền đổi tức làm vui. Họ nhận ngay ra giá trị của anh Chí làm vinh dự cho làng, cho xã họ. Họ khẩn cấp triệu tập cuộc họp đầy đủ thành phần từ chủ tịch UB hành chính xã, Hội đồng nhân dân xã, trưởng ban mặt trận, hội cựu chiến binh, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, hội người cao tuổi bàn việc anh Chí đi dự Pét ti van tận bên Tây. Cái chính là việc anh Chí ăn mặc ra sao khi xuất ngoại. Mình là người Việt Nam phải mặc đồ dân tộc mình, ai đi mặc toàn đồ Tây như con mẹ Thị Nở vừa mua, nhỡ thế giới người ta tưởng nhầm anh Chí xã mình là người Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Thái Lan thì cứ là thiệt thòi to!

Cuộc họp liên tịch của mấy ông cán bộ xã bàn đi tính lại đi đến một quyết định thống nhất rằng: Cái quần Tây và đôi giầy da do Thị Nở đã trót mua rồi thì cứ để anh Chí mặc quân và đi giầy Tây, ấy là phần dưới. Còn phần từ cạp quần lên đầu, UB xã sẽ trích quỹ văn hóa ra sắm để tặng anh. Gồm cái áo the thâm mặc bên trong, chiếc áo trấn thủ khoác ngoài, và chiếc mũ tai bèo đội trên đầu cho đúng với ba phong trào cách mạng, cho đủ phong cách dân tộc bên trên, hiện đại phía dưới để hội nhập vào thế giới cho ra dáng người Việt Nam mình thông minh, nhạy bén, thiên hạ có thứ gì độc đáo thì nước Nam làm ra của ấy riêng kiểu, riếng mốt như cái mũ phớt được hiện đại hóa thành cái mũ tai bèo hoặc cưa đi hai càng chiếc xe kéo tay, thêm cái bánh đằng sau thành cái xích lô cho anh phu xe ngồi lên đạp, không còn phải kéo khách chạy bộ, sướng đời quá đi, còn gì.

 

Ba hôm sau anh Chí được máy bay đến tận nhà đón, bay vút lên trời đưa đi. Đến Trung Quốc máy bay hạ cánh xuống đón ông anh hàng xóm tốt bụng AQ.

 

AQ hớn hở bước lên máy bay với bím tóc tết đuôi sam thả ngúng nguẩy sau gáy, nửa đầu phía trước cạo nhẵn thín, trắng hêu hếu; phần trên mình mặc cái áo Tôn Trung Sơn cái khuy kín cổ, phần dưới là cái quần bò lavis, chân xỏ đôi giày vải dã chiến cao cổ, xà cạp quấn chẽn hết bắp chân. AQ đang bước lên cầu thang máy bay thì một người đàn bà tong tong chạy đến định lên theo, liền bị những người Trung Quốc ra tiễn AQ giữ lại không cho bà đó lên. Thấy mình bị giữ lại, bà ta chu chéo mắng:

- Đồ khốn! Chúng mày biết tao là ai không?

Mấy người giữ túm bà ta, ngơ ngác, lắc đầu.

- Ta là Lỗ Toàn Nhi, tức Lỗ Thị đây! Không có Lỗ Thị này giống nòi nhà chúng bay hỏi... bao mới có được tỉ rưỡi người như ngày nay? Tránh ra cho ta lên máy bay đi dự Pét ti van!

 

Ba, bốn người giữ Lỗ Thị không chịu buông, vẫn giữ chặt không cho lên. Và họ giải thích rằng ông Ma đơ len không mời Lỗ Thị.

Lỗ Thị giật người khỏi tay những người túm giữ, bức xúc:

- Lão Ma đơ len không mời thì mai Lỗ Thị này vẫn cứ đi. Cháu, chắt của tám đứa con gái, một đứa con trai nhà Lỗ Thị này sẽ tài trợ cho Lỗ Thị đi. Chúng nó, đứa lấy chồng bên nước Anh, đứa làm dâu nước Mỹ, Đức, Nga, Ca na Đa... có cả! Lỗ Thị ta có thể đi du lịch bằng tầu vũ trụ ấy chứ! Đào Hòa Bình của lão Ma Đơ Len, Lỗ Thị này bay cái xoẹt tới nơi ngay, các ngươi đừng khinh thường ta!

 

Ngay ngày Hôm sau người ta thấy Lỗ Toàn Nhi một mình thuê một chuyến báy bay riêng, bay đi dự Pét ti van ở đào Hòa Bình của ông Ma đơ len thật, không nói ngoa.

Cái bét ti van ấy thành công đến đâu thì chúng ta phải chờ anh Chí Phèo đi dự về báo cáo lại.../.

 

14/4/2009

 

Chú thích:

- Ma đơ len (Madeleine) Giăng Van Giăng (Jean Valjran), nhân vất trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ”.

- Đông ky sốt (Đôn ki hô tô), nhân vật tiểu thuyết của Xéc văng téc (Cerantes).

- Đông Gioăng (DonJuan), một nhân vật của Mô ni e (Monière).

- Chichikov, nhân vật chính trong tiểu thuyết “Những linh hồn chết” của Nikolai Gogol.

- AQ, nhân vật trong truyện “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn...

- Lỗ Toàn Nhi, nhân vật chính trong tiểu thuyết “Báu vật của đời” của Mạc Ngôn.

- Tám Bính, chị Dậu, Trạch Văn Đoành, Xuân Tóc Đỏ, Lão Khổ, Chu Văn Quềnh... là người Việt Nam ai chẳng biết, không cần chú thích họ ở đâu.

Hoàng Xuân Hoạ
Số lần đọc: 1946
Ngày đăng: 16.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện Hai Pho Tượng - Thảo Trường
Thần quyền - Dương Đức Khánh
Chàng Ngốc - Lâm Bích Thủy
Mong Manh Cúc Quỳ - Minh Nguyễn
Ngôi Nhà Mùa Hè - Mang Viên Long
“Bộ Tam” - Khuất Đẩu
Bi kịch chưa đặt tên - Huỳnh Văn Úc
Thác Với Tình - Kinh Dương Vương
Nói Trong Đêm - Lê Văn Thiện
người tù - Lữ Quỳnh