Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
681
116.518.276
 
Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 2
Đỗ Ngọc Thạch

Một số điểm “đặc sáng” ở GS Từ Chi.

 

GS Từ Chi nổi tiếng trước hết là vì giỏi tiếng Pháp, mặc dù cho tới cuối năm 1989, đã ở tuổi 64 ông mới có cơ hội sang Pháp, nơi có những nhà nhân học lớn ảnh hưởng sâu đậm đến ông và ông cũng hấp dẫn mạnh mẽ các đồng nghiệp; nơi GS. George Condominas, người bạn 20 năm của ông, đánh giá cao về sự uyên bác, tính phong phú, coi ông là một bác học lớn của Việt Nam. Theo GS Phan Ngọc, từ thuở nhỏ, khi còn theo học trường trung học Pellerin ở Huế, "Từ giỏi nhất trường về tiếng lóng Pháp (...), cho nên phải nói các học giả Pháp rất mê Từ, một con người uyên bác nhưng nói năng có một cá tính gây gổ"...

Lần sang Pa-ri này là theo lời mời của Trường Cao học về khoa học xã hội Pháp và Nhà Việt Nam. Những buổi thuyết trình của GS Từ Chi về váy Mường, thày mo Mường, nông thôn Việt Nam, phong tục thờ mặt trời, làm cho nhiều người trong giới nghiên cứu ở Pháp nể phục. Người ta "mê" cả cái duyên kể chuyện cùng khả năng diễn giải một vấn đề nghiêm túc bằng lối dí dỏm của ông. Nhiều thính giả, nhất là những trí thức người Việt Nam ở Pa-ri, ngưỡng mộ ông đặc biệt. Nếu chỉ đọc mấy chữ  “Cạp váy Mường”, sẽ không mấy ai người chú ý. Nhưng khi nghe GS Từ Chi thuyết trình thì người ta như bước sang một “thế giới khác”. Sau đây là một đoạn văn của GS Từ Chi về Cạp váy Mường:

“Cạp váy là bộ phận khăng khít của nữ phục Mường. Người Mường gọi nó là “Klốôc wặt” (trốc váy, đầu váy)… Cạp váy không chỉ là một bộ phận trang phục. Nó còn chiếm một vị trí quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật trang trí cổ truyền của dân tộc Mường.


Cũng có thể nói là vị trí “duy nhất”. Quả vậy trên toàn bộ địa bàn Mường không tìm đâu ra những điêu khắc phẩm trên mặt phẳng như ở châu Ðại Dương, hay những tượng tròn như ở châu Ðại Dương và ở Tây Nguyên. Khác với ngôi nhà cổ truyền của người Kinh, ngôi nhà Mường - kể cả nhà ở của Lang (quý tộc trong xã hội cũ) - hoàn toàn không có những công trình chạm khắc trên kèo, trên xà, trên đấu... cũng như trên mặt ván. Nhà ở của người Mường gần với nhà ở của người Thái hơn, cùng một kết cấu với nhà ở của người Thái. Nhưng ngôi nhà Mường không có trang trí ở hai đầu nóc, không có cái “khau cút” (...) xiết bao ngoạn mục của ngôi nhà Thái. Người Mường không có cột lễ, không có tượng mồ, không có tranh thờ (...) Ðồ đan lát của họ nói chung, không những thô hơn nhiều so với đồ đan lát của người Thượng ở Tây Nguyên hay người Xá ở Tây Bắc, mà còn rất hiếm hoa văn trang trí. Nếu có - trong vài trường hợp lẻ tẻ - thì đấy chỉ là những hình trám hay ô vuông xếp chéo khá là sơ sài. Trang phục của nam giới hoàn toàn thiếu hoa văn thêu hay hoa văn dệt. Kể ra, nếu rà thực kỹ, cũng có thể tính thêm những nét khắc (vụng và rối rắm) trên vỏ dao của người phụ nữ, những đồ án hình học (đơn điệu và không phải là của riêng dân tộc Mường) ở hai đầu chiếc gối, và thảng hoặc vài chiếc khăn thêu (thường chỉ thấy trên tay con gái nhà quý tộc (...) Như vậy, có thể xem cạp váy là bằng chứng phổ biến, độc đáo và hùng hồn nhất còn sót lại cho đến ngày nay về nghệ thuật tạo hình cổ truyền của dân tộc Mường, một nền nghệ thuật có lẽ vốn phong phú hơn thế nhiều. (Nguyễn Từ Chi: Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người: Liên kết xuất bản của NXB Văn Hóa Dân Tộc và Tạp chí Văn Hóa - Nghệ Thuật, Hà Nội, 2003, tr. 109-110).

 

Nghiên cứu hoa văn trên cạp váy người Mường là  một trong những đóng góp khoa học quan trọng của Từ Chi. Từ việc phân tích, so sánh những mô-típ hoa văn và đặc điểm bố cục các đồ án trang trí, ông khám phá ra mối liên hệ đáng tin cậy giữa hoa văn Mường ngày nay với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn hàng ngàn năm trước. Đồng thời, ông cũng thấy mạch nghệ thuật Đông Sơn vẫn chảy trong nghệ thuật trang trí của cả người Thái và cư dân bản địa Tây Nguyên. Đó là một minh chứng sinh động về tính bản địa của nền văn hóa Đông Sơn, và là cứ liệu củng cố quan điểm khoa học cho rằng tổ tiên cư dân Việt - Mường là một chủ nhân quan trọng của nền văn hóa này. Khi nghiên cứu hoa văn, Từ Chi cũng đồng thời muốn tìm hiểu vũ trụ luận của người Mường. Bằng tri thức uyên thâm và sự nghiên cứu điền dã công phu, công trình Hoa văn Mường tuy không đồ sộ, nhưng có giá trị lớn. Dù ông rất khiêm tốn và dù sự nhận chân về nó lúc đầu có trắc trở, nhưng cuốn sách này của ông đã gây tiếng vang rộng, ở cả nước ngoài.

 

Điểm “đặc sáng” có lẽ sáng nhất, thiết thực nhất của GS Từ Chi là ở chỗ ông được giới “viết lách” coi là “Người biên tập mẫu mực”.

 Dù biên tập bài cho ai, "ông Từ" cũng đọc kỹ để hiểu tư liệu và ý tứ của tác giả một cách thấu đáo. Ông thường trực tiếp gặp gỡ trao đổi với người viết về bản thảo của họ và về sự biên tập của mình. Ông Lưu Hùng (11) ở Bảo tàng Dân tộc học VN nhớ lại: Một lần, đầu năm 1992, khoảng 9 giờ sáng chủ nhật, thấy "ông Từ" đạp xe đến nhà. Té ra ông đang biên tập bài viết của ông Hùng để in vào tạp chí Nghiên cứu Đông Nam á. Theo từng trang bản thảo đã sửa chữa chằng chịt nhưng dễ theo dõi, "ông Từ" hỏi lại những chỗ còn chưa rõ, lý giải về từng câu từng chữ đã sửa, kiểm tra từng ý diễn đạt lại... Lần ấy, hơn 4 giờ liền mới rà soát xong bài viết (26 trang), chỉ thỉnh thoảng ông dừng lại hút điếu thuốc lào.

 

Qua tay ông, bản thảo khi được in trở nên mạch lạc hơn, chặt chẽ hơn, hay hẳn lên. Tác giả thì thấy may mắn được làm việc cùng ông trên bài viết và trưởng thành lên về cách viết. Còn ông, với cái đức khiêm nhường dường như bẩm sinh, ông thường cười vui và nhận rằng mình cũng học được những điều bổ ích mỗi khi biên tập một bản thảo cho người khác. (Về cung cách biên tập độc đáo của GS Nguyễn Từ Chi, xin xem Truyện ngắn Ký ức làm báo - Đỗ Ngọc Thạch).

 

*

Tôi muốn kết thúc bài viết có tính chất tưởng niệm này về GS Từ Chi nhân 85 năm ngày sinh và 15 năm ngày mất của ông bằng chính Quan niệm, tuyên ngôn của ông:

 

"Người trí thức không dừng lại ở vô thức của mình, mà còn  nhìn  vào cuộc sống bao quanh mình, để tự vấn và tìm cách tự đáp"...

 

... "từ những sự kiện nằm ngay trong dòng cuộc sống đang trôi qua, cố ngược nguồn về quá khứ với hy vọng góp phần soi sáng thêm một tình hình hiện đại"...

 

 Khi đọc lại những dòng này, tôi thấy hình ảnh quen thuộc của ông hiện ra: một ông già râu tóc lòa xòa, khuôn mặt lúc đăm chiêu, lúc như cười một mình, đang lệt xệt bước đi trên con đường lầm bụi từ Đê La Thành đổ dốc xuống khuôn viên của viện Văn hóa nghệ thuật…Tại sao ông lại đi lệt xệt? Vì đôi dép của ông đã hỏng và ông đang phải đeo mộc cái “túi càn khôn” khổng lồ và xách một bộ cạp lồng đồ ăn cũng nặng chịch!...

 Sài Gòn, tháng 12-2010

Chú thích:

(*) George Condominas (1920-?): Là nhà dân tộc học người Pháp, vào các năm 1948, 1949, lúc ấy còn là một thanh niên 28 tuổi, để nghiên cứu về dân tộc M'nông Gar, G.Condominas đã đến làng Sar Luk, nay thuộc xã Krông Nô, huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc, sống chung với đồng bào M'nông Gar 2 năm liền để quan sát, ghi chép, nghiên cứu về cuộc sống của họ. GS George Condominas đã viết  Lời giới thiệu cuốn La cosmologie Muong của GS Từ Chi, Pa-ri, 1997.

(**) Jeanne Cuisinier (1890 - 1964): là một nhà dân tộc học Pháp, chuyên gia về “Mường học”: Les Muong: Géographie humaine et sociologie. (Các Mường: Nhân Địa lý và Xã hội). Paris : d'Ethnologie, 1946 (Travaux et Mémoires de l'Institut d'Ethnologie 45) Dân tộc học, 1946 (tác phẩm và Hồi ức của Viện Dân tộc học 45).

 (***) Lévi-Strauss: Claude Lévi- Strauss (1908-2009) , là một nhà nhân học lớn với sự nghiệp trước tác đồ sộ, người được xem là cha đẻ của cấu trúc luận. Philippe Descola, người kế nhiệm Lévi-Strauss ở cương vị giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhân học xã hội tại Collège de France, cho rằng “Lévi-Strauss là nhà nhân học vĩ đại nhất thế kỷ 20, nhà lý luận xuất sắc nhất trong lĩnh vực xã hội nhân văn.”

Cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, những công trình của Claude Lévi-Strauss đã mở ra trào lưu cấu trúc luận trong học thuật Pháp, rồi phương Tây. Những ý tưởng, tinh thần và một phần phong cách của Lévi-Strauss đã ảnh hưởng đến GS Từ Chi ngay từ khi ông làm việc ở Ghi-nê. Trở về Việt Nam, nhiệt tình chia sẻ tri thức đã thôi thúc ông trình bày về lý thuyết này với đồng nghiệp. Những ý tưởng mới lạ và tài thuyết trình của ông đã hấp dẫn nhiều người, nhưng thời ấy việc truyền đạt ý tưởng học thuật phương Tây không khỏi dẫn đến những hiểu lầm cho ông.

Tuy nhiên, nghiên cứu vũ trụ quan người Mường của ông, thông qua phân tích tìm ra các biểu tượng và "giải mã" ý nghĩa trong nghi lễ tang ma, đã thể hiện rõ dấu ấn tư duy cấu trúc. Phân tích biểu tượng hoa văn cạp váy và phát hiện của ông về mối quan hệ lịch sử giữa văn hóa Mường với văn hóa Đông Sơn cũng vậy. Trong những bài giảng cho học trò, ông tiếp tục theo đuổi lý thuyết dân tộc học phương Tây này.

(1) Nguyễn Từ Chi (1925-1995): (hay “ông Từ”, “cụ Từ”, “bác Từ”, “anh Từ”, như bạn bè và học trò thường gọi) là một nhà dân tộc học, dịch giả, biên tập viên và một người thầy. Tên thường gọi: Từ Chi, bút danh khác: Trần Từ. Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Đức Từ Chi, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1925 tại Đồng Hới, Quảng Bình, thuộc dòng họ Nguyễn Đức ở xã Ích Hậu, huyện Can Lộc nay là huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, là một một dòng họ Nho học nổi tiếng. Ông nội ông là Nguyễn Hiệt Chi, một sĩ phu Duy Tân, đồng sáng lập ra Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Người em ông nội là Nguyễn Hàng Chi, cũng là một chí sĩ Duy Tân, cầm đầu phong trào chống thuế ở Nghệ Tĩnh và bị chính quyền thực dân Pháp xử chém năm 1908. Bố ông là Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế thời kháng chiến chống Pháp và Đại biểu Quốc hội khóa I-IV). Chú ruột là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Giáo sư Nguyễn Đổng Chi.

Thuở nhỏ, ông theo học trường trung học Pellerin ở Huế, đậu Tú tài toàn phần Ban Triết học văn chương năm 1945. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia Việt Minh, làm biên tập viên tờ Tin tức Tuyên truyền Trung Bộ; rồi gia nhập Đoàn quân Nam tiến; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại mặt trận Nam Trung Bộ tháng 10 năm 1946. Năm 1948, ông là Chính trị viên Trung đội Trinh sát E80. Từ năm 1950, ông là Chính trị viên Đại đội Trinh sát mang phiên hiệu nói trên. Năm 1953, sau khi tham gia chiến dịch “Giảm tô” và “Cải cách ruộng đất” ở một vài nơi với nhiệm vụ là “Thư ký đội”, ông được giải ngũ, được điều ra Việt Bắc làm công tác biên tập cho Thông tấn xã VN.

Năm 1957 ông vào học Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 2, chuyên ngành Dân tộc học. Sự lựa chọn này của ông, như ông thường nói với bạn bè lúc sinh thời là một kiếm tìm thích hợp nhất với lứa tuổi, cá tính và hoàn cảnh của ông lúc bấy giờ. Mà cũng từ đấy, ông đã dành hầu như tất cả tâm lực còn lại cho cuộc hành trình có định hướng trong dân tộc học. Sau khi tốt nghiệp năm 1960, ông về làm nghiên cứu ở Viện Sử học, tổ Dân tộc học. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, ông được cử sang Guinée làm chuyên gia về giáo dục. Tại đây ngoài thời gian giảng dạy, ông còn nghiên cứu nhiều đến tư liệu dân tộc học châu Phi và liên tục đi điền dã để xây dựng luận án Phó tiến sĩ dân tộc học châu Phi với đề tài về Đế quốc Gao, tức Đế quốc Song hai Tây Phi. Nhưng khi về nước, đề tài này đã không được chấp thuận. Tuy nhiên, ông đã làm được việc khác, rất trọng đại: Khi làm việc tại Ghi-nê, Từ Chi gặp bà Nguyễn Thị Tuất (1934 - 2002), một phụ nữ Việt Nam lưu lạc nơi đất khách quê người. Đem lòng cảm thương, ông đã tìm mọi cách vượt qua nhiều khó khăn thử thách không dễ vượt nổi thời đó để đưa được bà Tuất hồi hương về với gia đình, và kết nghĩa tào khang. Hai ông bà vui sống trong thanh đạm cho tới cuối đời. Họ không có con.

 

Nói về mối tình của Từ Chi với bà Tuất, Họa sĩ Trần Duy nói: “Anh Từ Chi thường ví những gì anh phải vượt qua để đưa chị Tuất về nước như qua "3 biển 4 núi" của nhà Phật. Trong cuộc hôn nhân này, anh thật là một người cao thượng và hy sinh” . Còn GS-TS. Phạm Đức Dương thì kể lại: “Có lần tôi đi công tác nước ngoài về, đem biếu anh Từ một bao thuốc lá Mallboro. Mở ra, anh ngập ngừng không hút. Cất vào túi, anh cười: "Cái này phải đem về cho bà Tuất, chắc là bà ấy sẽ vui lắm" (...). Trước khi nhắm mắt, anh Từ chỉ có một điều băn khoăn là lo cho chị Tuất".

 Sau khi về nước cuối năm 1963, ông được phân công làm việc ở Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ. Năm 1966, ông được điều trở lại công tác tại Tổ Dân tộc học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam  được thành lập từ Tổ Dân tộc học của Viện Sử học. Đến năm 1972, ông chuyển công tác làm biên tập viên cho Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật, với mong muốn có thể tự túc làm nghiên cứu dân tộc học. Giáo sư Pháp George Condominas đã viết về ông: “Quả thật trong nhiều thập kỷ anh không có vị trí chính thức trong việc nghiên cứu, tự coi mình như nhà dân tộc học nghiệp dư”. Điều mà trong thời gian làm công tác chính thức không làm được, thì với tư cách nhà nghiên cứu nghiệp dư, ông đã thực hiện được. Năm 1979-1980, ông được mời sang Pháp trình bày tại Đại học Sorbonne Paris về những kết quả nghiên cứu của mình về người Mường. Ghi nhận những kết quả đó, năm 1984, ông được Nhà nước Việt Nam phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 1987, ông được nghỉ hưu ở tuổi 62. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục là cộng tác viên thân tín của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Tạp chí Đông Nam Á, Viện Dân tộc học, Tạp chí Dân tộc học, Trường Viết văn Nguyễn Du, NXB Ngoại văn, Bảo tàng Con người (Musée de I’ Homme) của Pháp ở Paris... Ông cũng tham gia làm ủy viên của nhiều Hội đồng chấm luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) và Hội đồng xét giải thưởng hàng năm cho các tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm của Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Sau nhiều năm nghiên cứu không nghỉ, ông qua đời lúc 17 giờ 30 ngày 15 tháng 10 năm 1995, tại bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, để lại nhiều dự án dân tộc học đang còn dang dở. Công trình nghiên cứu của GS Từ Chi để lại, tuy không nhiều và không đồ sộ, nhưng những nghiên cứu của ông có giá trị khoa học cao, nhất là cụm bốn công trình đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh: Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Hoa văn Mường, Hoa văn các dân tộc Giarai - Bana, Người Mường ở Hòa Bình. Ngoài 4 tập trên, có thể kể thêm một số sách đã xuất bản như: Nguyễn Từ Chi: Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, NXB. Văn Hóa Dân Tộc và tạp chí Văn Hóa - Nghệ Thuật, Hà Nội, 2003; Truyện Cổ Năm Châu, tập 3: Châu Phi;  NXB Văn hóa Thông tin , 10-2001 ; Tác giả: Nguyễn Từ Chi-Ngô Văn Doanh;
 (2) Trần Quốc Vượng (1934-2005) là một giáo sư, nhà sử học Việt Nam. Ông sinh tại Hải Dương, nhưng quê quán ở Lê Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa cùng với Phan Huy Lê (2*), Đinh Xuân Lâm (2**) năm 1956 ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). 1956-1980 ông là Cán bộ giảng dạy Cổ sử Việt Nam, Khoa Sử, Đại học Tổng hợp; 1959 ông là Trưởng nhóm/ Trưởng môn Khảo cổ học, Khoa Sử, Đại học Tổng hợp; 1980-1993 ông là Giáo sư, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Sử, Đại học Tổng hợp; 1989-2005 ông trở thành Nhà giáo ưu tú, Giám đốc Trung tâm Liên Văn hóa - Lịch sử Khoa Sử, Đại học Tổng hợp; Ông được xem là một trong Tứ trụ của sử học Việt Nam đương đại (Lâm, Lê, Tấn, Vượng), tức gồm các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn (2***) và Trần Quốc Vượng. Theo lời giải thích của chính ông, đó là chuyện huyền thoại có lẽ hình thành vào cuối thập kỷ 1960, khi cả bốn ông đều nổi tiếng học giỏi. Ra trường vào giữa thập kỷ 1950, ba ông “Lâm, Lê, Vượng” học cùng khóa, còn ông "Tấn" học sau (thủ khoa năm 1957). Sau đó, theo lệnh của khoa, ông và giáo sư Hà Văn Tấn góp sức xây dựng ngành Khảo cổ học của khoa Sử, vì sau năm 1954, khi Pháp rút khỏi Việt Nam thì ngành Khảo cổ Việt Nam hầu như chỉ còn là con số 0, không có một nhà khảo cổ học nào. Ông đã lên lớp đầu tiên về Khảo cổ học Việt Nam niên khóa 1959 - 1960, cùng với sự giúp đỡ tư liệu của giáo sư Hà Văn Tấn.

(2*) Phan Huy Lê (sinh năm 1934) là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Khóa II (1990–1995), khóa III (1995-2000), khóa IV (2000-2005) và khóa V (2005-2010). Quê xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Ông là hậu duệ của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. Thân sinh Phan Huy Tùng (1878- ?) (đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu - năm 1913), Lang trung Bộ Hình triều Nguyễn. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân: Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy. Ông được Nhà nước phong hàm giáo sư đợt đầu tiên (năm 1980); danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1994); giải thưởng nhà nước (năm 2000). Ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996). Năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm.

(2**) Đinh Xuân Lâm (sinh năm 1925- ) là một trong những người góp công đầu xây dựng Bộ môn Lịch sử cận - hiện đại VN, phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN khóa IV, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt. Ông sinh tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình quan nhà Nguyễn. Từ nhỏ ông theo song thân ra sinh sống và trưởng thành ở Thanh Hóa (Cha ông là Tri huyện Yên Định), gắn bó với mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Sau khi đỗ thành chung, ông học Trường Quốc học Huế và tốt nghiệp tú tài toàn phần ban Triết học văn chương. Sau Cách mạng tháng Tám, 1945, ông là một trong những thầy giáo trung học đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Năm 1954, ông được chuyển thẳng lên năm thứ 2 Đại học Sư phạm Văn khoa, đồng môn với Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng. Tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giáo sư Lâm là tác giả của hơn 200 công trình nghiên cứu khoa học. Ông được phong học hàm Phó giáo sư năm 1980 và Giáo sư năm 1984, ngành Sử học. Cùng với Giáo sư Nguyễn Lân, ông là một trong hai người ngành Sử đầu tiên được Nhà nước Việt Nam tôn vinh phong tặng Nhà giáo Nhân dân và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

(2***) Hà Văn Tấn (sinh năm 1937) là một nhà sử học, khảo cổ học VN. Ông sinh tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Sử-Địa trường Đại học Văn khoa Hà Nội và được giữ làm cán bộ giảng dạy. Gắn bó với nghề dạy học suốt nửa thế kỷ tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông cũng là người sáng lập bộ môn Phương pháp luận sử học ở khoa Sử trường ĐHTH Hà Nội. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Khảo cổ học. Giáo sư Hà Văn Tấn đã công bố 250 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, đồng thời hướng dẫn 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học, khảo cổ học. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 về khoa học.

(3) TS Chu Thái Sơn, nhà dân tộc học, ủy viên BCH trung ương Hội Dân tộc học VN. Chủ biên bộ sách Việt Nam - các dân tộc anh em (NXB Trẻ), là bộ sách đầu tiên về tất cả các dân tộc VN có tính hệ thống kiểu mỗi cuốn sách một dân tộc. Đã xuất bản: Người HMÔNG,  NXB Trẻ, 2005. Tác giả: Chu Thái Sơn; Người Si La , NXB Trẻ, 2005. Tác giả: Chu Thái Sơn; Người Khơ Mú, NXB Trẻ, 2006. Tác giả: Chu Thái Sơn. Vi Văn An; Người Nùng, NXB Trẻ, 2006. Tác giả: Chu Thái Sơn. Hoàng Hoa Toàn.

 (4) Phạm Đức Dương (sinh năm 1930, tại làng Đông Thái, Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh): là một chuyên gia về Ngôn ngữ dân tộc và Đông Nam Á học ở Việt Nam. Sau hơn 10 năm chiến đấu ở chiến trường Lào, năm 1959 ông nhập học tại khoa Văn trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và tốt nghiệp khóa 4 vào năm 1963. Do thành tích học tập xuất sắc, ông được cử sang Liên Xô học và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ năm 1970. Ông được phong chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học năm 1991. Từ 1970 - 1973, Trưởng phòng Ngữ âm - Ngôn ngữ dân tộc, Viện Ngôn ngữ học. Từ 1975-1995: Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Ủy ban Khoa học xã hội VN. Ông là một trong những thành viên sáng lập và xây dựng viện từ những ngày đầu tiên. Từ 1990 - 1995, Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á; thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Sciences Socienles. Từ 1995 - 2000, Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam - Đông Nam Á ngày nay. Từ 1980 - 2005, Giáo sư kiêm nhiệm Khoa Ngữ văn - trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Ngôn ngữ học - trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội. Từ 1980 - 2000: là ủy viên Hội đồng học hàm Nhà nước, chuyên ngành Ngôn ngữ học.

 Theo Giáo sư Phạm Đức Dương, trong một chuyến thám sát khá lâu ở mấy tỉnh cao nguyên miền Trung vào cuối những năm 1980, ông và nhiều nhà khoa học đã được Nguyễn Từ Chi nêu ba điều dự báo nghiêm chỉnh: 1. Rừng Tây Nguyên sẽ sớm bị phá trụi theo cách làm ăn của người Việt vốn là cư dân đồng bằng châu thổ, dựa trên phương thức canh tác cổ truyền là khai thác gỗ quý và các loại lâm thổ sản mà không mấy quan tâm đến bảo vệ rừng; 2. Người Việt lên Tây Nguyên ngày càng đông (78-80%) đã và sẽ chiếm hết những vùng đất thuận lợi của người Thượng, đẩy bà con dân tộc vào những lũng sâu tận đáy rừng. Đấy là nguy cơ tiềm tàng của những xung đột Kinh-Thượng thường trực nén sâu trong tâm tư người dân tộc, hễ có điều kiện là thế nào cũng bùng nổ; 3. Việc phát động “phong trào chống mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống mới” vô tình đẩy đức tin “Thần-Giàng” và đời sống tâm linh ra khỏi cuộc sống người Thượng, trong khi cán bộ miền xuôi “nói nhiều mà làm được quá ít”, khiến “nghe theo Đảng cái tai nó no nhưng cái bụng nó đói”, cộng thêm với cách ứng xử áp đặt làm đồng bào cảm thấy bị coi khinh, thế tất mảnh đất tâm linh bị hụt hẫng, trống chỗ, trước sau cũng bị đạo Tin Lành thế chân. “Ba cảnh báo quan trọng đó đều không được các cơ quan Đảng, Nhà nước có trách nhiệm từ trung ương đến địa phương quan tâm xử lý, hoặc xử lý vụng về, non nớt, thiếu cơ sở khoa học. Đến nay những cảnh báo trên đã thành hiện thực, gây nên sự xáo động bất lợi về mọi mặt làm chúng ta đau đầu, bối rối và đang tìm mọi cách để “ngăn chặn”! Thật đáng tiếc cho những đề xuất khoa học từ rất sớm của Giáo sư Từ Chi!” (Xem Phạm Đức Dương. Nguyễn Đức Từ Chi (1925-1995)- một nhà nhân học xuất sắc. Bài viết năm 2003, in trong cuốn Những cuộc đời những trang thơ nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia; NXB. Khoa học xã hội, 2003).

(5) Ngô Văn Doanh  (sinh năm 1949, tại Hà Nội): là một nhà nghệ thuật học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đã có nhiều công trình về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm về văn hóa Chăm Pa, Tây Nguyên.  Từ năm 1974 làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội VN. Năm 1984 làm luận án Tiến sỹ về Lịch sử nghệ thuật tại Liên bang Nga. Từ năm 1994 đến nay ông là Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á. Từ năm 1999 - 2006: ông kiêm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

(6) Phan Ngọc: (sinh năm 1925) quê Yên Thành, Nghệ An. Là một dịch giả, nhà ngôn ngữ học và là nhà nghiên cứu văn hóa VN. Từ 1955-1958 là phụ giảng tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tổ trưởng Tổ Ngôn ngữ học (ông là tổ trưởng đầu tiên), đồng thời kiêm nhiệm giảng viên Văn học Trung Quốc, Lý luận văn học tại khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Do có liên quan tới vụ án Nhân văn - Giai phẩm, ông không được trực tiếp giảng dạy nữa mà chuyển sang làm nhân viên dịch thuật khoa Văn. Từ 1980-1995 ông là chuyên viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện KHXH VN, được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1992. Cụm công trình về văn hóa VN của ông gồm “Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới” (1994) và “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều”(1985) được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000.

(7) TS Bùi Xuân Đính: nhà Dân tộc học. Tác giả một số sách như: Các làng khoa bảng Thăng Long -Hà Nội;  NXB Chính trị quốc gia, 10-2004; Bùi Xuân Đính-Nguyễn Viết Chức. Bùi Xuân Đính: Tiến Sĩ Nho Học Thăng Long Hà Nội : NXB Thanh Niên ; 2005, tái bản 2010.

(8) Họa sĩ Trần Duy: một trong những “tên tuổi” của Nhóm Nhân văn-Giai phẩm, chơi thân với Từ Chi từ ngày còn ở Huế và đã từng cùng Từ Chi vẽ ảnh cụ Hồ làm tài liệu tuyên truyền trong Cách mạng tháng Tám (ông hé lộ cho biết Từ Chi rất có năng khiếu hội họa, nhiều ký họa của anh thật xuất thần), cũng là người lo thu xếp kiếm nhà cho Từ Chi ở phố Nguyễn Thượng Hiền sau khi Từ Chi tìm cách đưa được chị Tuất từ Guinée về Hà Nội…

(9) Nguyễn Huệ Chi, sinh năm 1938, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Việt Nam cổ, trung và cận đại, nguyên trưởng phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại của Viện Văn học, nguyên chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Văn học thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1984. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi còn được biết đến với các bút danh: Phương Tri, Huệ Chi, Cánh Hồng, Hy Tuệ. Năm 2009, cùng với nhà văn Phạm Toàn và Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, ông khởi xướng trang mạng Bô xít Việt Nam.

(9*) Đặng Nghiêm Vạn (sinh năm 1930): Chức danh: Giáo sư; Từ 1963 đến 1967 công tác tại Khoa Sử Trường ĐHTH Hà Nội. GS Đặng Nghiêm Vạn được coi là nhà dân tộc học hàng đầu ở VN, nguyên P. Viện trưởng Viện Dân tộc học và Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo.

 (9**) Gs Cao Huy Đỉnh (1927-1975): là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian VN. Quê làng Thịnh Mỹ, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ông là sinh viên khóa I khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó được cử đi học hai năm ở Ấn Độ. Trong kháng chiến chống Pháp ông là giáo viên văn trường Phổ thông ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Từ 1956 đến 1957 ông là trợ lý giảng dạy Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Từ năm 1959, ông công tác tại Viện Văn học, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ nghiên cứu viên, Trưởng phòng Văn học nước ngoài (1959-1965), Trưởng phòng văn học dân gian (1965-1973). Năm 1973, ông là Trưởng ban Ban nghiên cứu Đông - Nam Á, tiền thân của Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Ủy ban Khoa học xã hội VN ( nay là Viện Khoa học Xã hội VN ). Ông từng tham gia sáng lập Hội Văn nghệ dân gian VN và được bầu làm Phó Tổng thư ký Hội. Năm 1996 ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình có đóng góp xuất sắc. Ngày 3 tháng 4 năm 1975 ông mất do mắc bệnh hiểm nghèo, giữa lúc tài năng đang độ chín.

Tác phẩm đã xuất bản: Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ (1964); Người anh hùng làng Gióng (1969).Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam (1974). Thơ R.Tago (cùng dịch với La Côn, 1961). Sơkuntơla (dịch, kịch Ấn Độ, 1961); Mahabharata (sử thi Ấn Độ,): Đồng dịch giả với Phạm Thủy Ba (1979).Văn hóa Ấn Độ (1993); Truyện cổ Ấn Độ (dịch, 1996); Phương pháp sưu tầm văn học dân gian ở nông thôn (Đồng tác giả với Nguyễn Đổng Chi, Đặng Nghiêm Vạn) (1969).Truyện cổ dân gian Ấn Độ: Đồng dịch giả (1996). Tập truyện ngắn hiện đại Ấn Độ của Pơrem Chân đơ (cùng dịch với Bùi Phụng).

 (10) GS. TS. Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) là một nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa VN. nguyên quán tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Thân phụ ông là công chức cho chính quyền thuộc địa Pháp và mất khi ông mới 8 tuổi, mẹ làm nội trợ. Năm 18 tuổi, ông và người em trai là Nguyễn Văn Hưởng được gia đình cho đi Pháp du học. Ông học tú tài rồi Cử nhân Văn khoa năm 1929, Cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne. Trong thời gian nghiên cứu Tiến sĩ ở Pháp, ông dạy học tại Trường Ngôn ngữ Đông phương. Năm 1934 ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris với luận án chính "Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam" và luận án phụ "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á". Hai bản luận án này được xếp loại xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp với sự hoan nghênh của giới chuyên môn Pháp, Đức, Hà Lan.

Năm 1935 ông trở về nước, khước từ làm quan, dạy học tại Trường Bưởi (trường Bảo hộ), Ban Tú tài bản xứ. Năm 1936 ông kết hôn với tiểu thư Vi Kim Ngọc, con gái Tổng đốc Thái bình Vi Văn Định. Năm 1938 ông tham gia Hội truyền bá chữ quốc ngữ và chuyển sang nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác cổ với chức danh Ủy  viên thường trực, năm 1941 ông là Ủy  viên Hội đồng nghiên cứu khoa học Đông dương. Năm 1938, ông giúp thành lập bộ môn Lịch sử văn minh Việt Nam tại trường Đại học Luật Hà Nội. Trong cuộc Cách mạng tháng Tám, ông là một trong những người đại diện trí thức Thủ đô ký bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Sau khi cuộc CM/8 thành công, ông được cử giữ chức Giám đốc Đại học vụ, Bộ Quốc gia giáo dục kiêm Giám đốc Viện Bác cổ. Tháng 11 năm 1946, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục) của Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giữ chức vụ này trong 29 năm cho đến khi mất vào tháng 10 năm 1975 dù không phải là đảng viên Đảng Cộng sản VN. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khóa 2 đến khóa 7, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(11) Lưu Hùng: TS. Lưu Hùng tác giả cuốn sách “Góp phần tìm hiểu Văn hóa Cơ - tu”, NXB KHXH Hà Nội, 2006. Cuốn sách chứa đựng nguồn tư liệu phong phú được tích lũy qua nhiều chuyến nghiên cứu điền dã của tác giả, góp phần làm gia tăng hiểu biết trên nhiều phương diện về dân tộc Cơ - tu ở nước ta, một dân tộc có vốn văn hóa truyền thống lâu đời và đặc sắc, với những khía cạnh khoa học lý thú mà đến nay vẫn chưa khám phá được nhiều…Ngoài Lời nói đầu và Phụ lục, sách gồm các phần sau: Vài nét giới thiệu chung về tộc người Cơ - tu; Đôi nét về lịch sử; Làng và nhà cửa; Họ hàng và hôn nhân; Phương thức kiếm sống; Phong tục trong chu kỳ đời người; Tín ngưỡng - Tôn giáo.

(hết)

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3228
Ngày đăng: 18.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn Cao, Mùa Xuân Cuối Cùng - Phạm Đình Trọng
Cao Xuân Huy, Mùa thu gẫy cánh - 1 - Thụy Khuê
Cao Xuân Huy, Mùa thu gẫy cánh - 2 - Thụy Khuê
Đoàn Chuẩn với giọt thu cuối cùng - Vân Long
Nhớ Anh Khương Minh Ngọc - Hào Vũ
Phạm Đình Chương, Một Nỗi Nhớ Khôn Nguôi - Phạm Văn Kỳ Thanh
Vũ Đình Liên - Ông Đồ Vẫn Ngồi Đấy - Đỗ Ngọc Thạch
Nhà văn Băng Sơn với Hà Nội, một nhà…trong nhiều nhà - Vân Long
Nguyễn Vỹ - Đỗ Ngọc Thạch
Nhân 19-8-1945 – 2010: Chút kỷ niệm về Văn Cao - Vân Long
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)