Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
709
116.547.628
 
Không Gian Tôn Giáo Và Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên
Đinh Văn Hạnh

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những nguy cơ đã và sẽ làm mai một Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nguy cơ đó bắt nguồn từ sự thay đổi nhanh chóng về mọi mặt kinh tế, xã hội, lối sống, văn hóa, mối quan hệ giữa các cộng đồng, sự thay đổi về trình độ học vấn, khoa học kỹ thuật; sự gián đoạn của việc truyền dạy giá trị cổ truyền của các dân tộc do những biến động xã hội, do chiến tranh, nhiều bài bản nhạc chiêng bị lãng quên; sự tác động của các hình thức văn hóa và âm nhạc bên ngoài; sự suy giảm nhanh chóng của các dàn chiêng vì nhiều lý do khác nhau; sự cải tiến mang tính phong trào khiến cho âm thanh cồng chiêng bị méo mó, biến dạng dẫn tới nguy cơ thất truyền và bao trùm lên là sự thay đổi của phương thức sản xuất, sự dịch chuyển của cơ cấu kinh tế và xu hướng đô thị hóa… đã làm cho Không gian văn hóa cồng chiêng truyền thống thay đổi và mai một (Theo Viện Văn hóa-Thông tin, Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, NXB Thế Giới, H., 2006, tr 51-54).

 

Một cách cụ thể hơn, bài viết này đề cập đến mối quan hệ giữa tôn giáo với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… hầu mong có được sự quan tâm thỏa đáng, tránh sự nhìn nhận cực đoan ảnh hưởng đến việc phát huy di sản văn hóa và nhu cầu tôn giáo, tinh thần của người dân. Bài viết này không dựa trên kết quả điều tra xã hội học mà chủ yếu phân tích tình hình và đặc điểm tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc ít người ở Tây Nguyên trong những năm gần đây mà chính sự chuyển biến đó đã tác động ít nhiều đến Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

 

1. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại) là địa bàn hành chính của các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Đây là vùng cao nguyên có diện tích hơn 53 nghìn km2, dân số tính đến tháng 6 năm 2009 là 5.019.439 người, tăng gần 24% so với 10 năm trước đó. Nếu so sánh tỷ lệ dân số của 11 dân tộc thiểu số vốn là chủ thể sáng tạo Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thì số dân của các dân tộc này chỉ chiếm khoảng 30% (tỷ lệ này 10 năm trước là trên 31%). 

 

Trước đây, khi các dân tộc thiểu số Tây Nguyên sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài họ đều thờ đa thần với vô số nghi lễ cúng thần. Mọi sự vật, hiện tượng tự nhiên đều gắn liền với thần linh. Cồng chiêng cũng là vật thiêng mà trong chúng đều có thần linh trú ngụ. Tiếng chiêng là thanh âm kết nối cuộc sống thực tại của con người với thế giới thiêng của thần linh. Bởi vậy, lễ nghi, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chính là linh hồn cho sự tồn tại sống động của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nhưng tình hình đó đã có nhiều thay đổi. Sự du nhập của các tôn giáo thế giới vào cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã đưa đến cho họ những quan niệm mới, thay đổi so với quan niệm truyền thống. Mỗi khi quan niệm “nhất thần” đã thay cho lễ nghi đa thần thì tiếng cồng tiếng chiêng cũng thưa dần. Tất nhiên, tùy theo quan niệm, đức tin, đặc điểm cách thức hành đạo của mỗi loại tôn giáo thế giới mà mức độ tác động của nó đối với hệ thống tín ngưỡng, lễ tục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cũng khác nhau…

 

*

Trước hết, chúng ta có thể quan sát sự phân bố tôn giáo theo tỷ lệ dân cư trên địa bàn Tây Nguyên với sự hiện hữu chủ yếu của Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Phật giáo, Cao Đài và một số rất ít tôn giáo khác. Đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên chỉ theo Thiên Chúa giáo, Tin Lành hoặc Phật giáo. Họ không theo đạo Cao Đài hay Hòa Hảo. Riêng Đắk Nông cũng không có đồng bào dân tộc thiểu số nào theo Phật giáo.

 

Nếu như năm 1999, trên địa bàn Tây Nguyên số đồng bào theo Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Phật giáo và Cao Đài chiếm 28,4% dân số thì 5 năm sau tỷ lệ đó là 33,9% và cho đến tháng 6 năm 2009 tăng lên 34,9%. Tỷ lệ chung này có tăng nhưng không cao bằng tỷ lệ đó trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Năm 1999, tỷ lệ đồng bào dân tộc ít người có đạo (chủ yếu là Thiên Chúa giáo và Tin Lành) chiếm 27,4% tổng số dân cư có đạo trên địa bàn. Năm năm sau, tỷ lệ đó đã là 34% và chưa đến 5 năm tiếp theo đã chiếm tới 37,9% (trong khi dân số chỉ chiếm 30%).

 

Trong số 5 tỉnh Tây Nguyên 10 năm trở lại đây thì Kon Tum và Lâm Đồng là hai địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số theo Thiên Chúa giáo và Tin Lành tăng cao nhất, đặc biệt trong giai đoạn 1999-2004. Tỷ lệ đó ở Lâm Đồng còn tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn 2004-2009. Điều này dễ dàng lý giải vì đây là hai địa bàn có tỷ lệ đồng bào thiểu số theo Tin Lành thấp nhất so với ba tỉnh còn lại vốn đã có tỷ lệ rất cao và tăng mạnh từ nhiều năm trước đó.

 

Khảo sát sự phân bố của ba loại hình tôn giáo chủ yếu trên địa bàn là Thiên Chúa giáo, Tin Lành và Phật giáo chúng ta còn thấy sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ và mức độ phát triển khác nhau của ba tôn giáo này.

Nếu như trên toàn địa bàn Tây Nguyên năm 2004 có 11,9% dân số theo Phật giáo thì năm 2009 giảm xuống còn 11,4%. Tỷ lệ này của đồng bào các dân tộc thiểu số 0,4% cho năm 2004 và 0,6% tại thời điểm tháng 6 năm 2009. Mặc dù tỷ lệ tín đồ theo đạo Phật có tăng trong đồng bào dân tộc thiểu số nhưng vẫn ở mức rất thấp và chênh lệch rất lớn so với Thiên Chúa giáo và nhất là so với Tin Lành. Những con số sau đây không những cho thấy sự chênh lệch mà còn cho thấy mức độ gia tăng đáng kể lượng tín đồ Tin Lành trong các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trong những năm gần đây. Năm 2004 có 15% dân số trên địa bàn là tín đồ Thiên Chúa giáo, trong đó dân tộc thiếu số chiếm 14,3% trong số ấy. Năm 2009 tỷ lệ tương ứng là 15,9% (số dân trên địa bàn) và 16,2% (đối với các dân tộc thiểu số). Trong khi đó năm 2004 số tín đồ Tin Lành trên địa bàn Tây Nguyên chỉ chiếm 6,5% dân số thì đến năm 2009 tăng lên 7,2% dân số. Điều đáng nói là sự tăng trưởng đó chỉ tập trung trong đồng bào các dân tộc ít người: năm 2004 tín đồ Tin Lành là người dân tộc thiểu số chiếm 19,3% số tín đồ của tôn giáo này, đến năm 2009 tỷ lệ này đã tăng lên 21,1%. Một điểm rất đáng lưu ý nữa là: nếu số tín đồ Thiên Chúa giáo là người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 31% thì tỷ lệ đó của đạo Tin Lành là 89,4%. Nhiều địa phương số tín đồ Tin Lành là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ rất cao: Gia Lai 98,3%; Đắk Lắc 90,5%... Như vậy, năm 2009, với tổng số 362.689 người theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên thì hầu hết trong số họ là người các dân tộc thiểu số, gấp 6,5 lần số tín đồ Tin Lành trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào thời điểm 1954.

 

Hiện nay, gần ¼ số dân của 11 dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo đạo Tin Lành. Nếu cộng cả Thiên Chúa giáo thì tỷ lệ đó là 37,2%.

 

2. Một câu hỏi rất được quan tâm đó là vì sao đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo đạo Tin Lành nhiều và với tốc độ nhanh như vậy? Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời trong các tài liệu về mục đích lợi dụng của các thế lực chính trị trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh. Nhưng sự lý giải này liệu có còn phù hợp khi Tin Lành ở Tây Nguyên phát triển nhanh hơn trong thời kỳ đất nước đã hòa bình và ngay trong thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện tượng xã hội bao giờ cũng bắt rễ từ chính cơ sở xã hội. Dù ở góc độ tôn giáo học hay văn hóa học, khách quan mà nói, đều không thể phủ nhận sự đáp ứng của tôn giáo này trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hay nói chính xác hơn, Tin Lành chỉ có thể xâm nhập và phát triển trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên khi họ tìm thấy ở tôn giáo này sự phù hợp với quan niệm truyền thống vốn đã ăn sâu ngàn đời trong họ. Không như thế khó có một loại quan niệm hay tư tưởng nào có thể thay thế (hay cảm nhận ban đầu có thể làm phai mờ) được “tâm thức cố hữu” của những con người Tây Nguyên bản địa vốn trung thực, chất chân, hiền lành...

 

Có lẽ cũng cần nói thêm là hãy khoan tìm nguyên nhân trình độ học vấn để trả lời cho lý do vì sao nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số theo Tin Lành. Vì một điều tưởng như nghịch lý nhưng lại rất thuận là trình độ học vấn càng thấp con người ta càng bảo thủ, càng nhiều sức ì níu giữ quan niệm, lễ tục quá khứ đã ăn sâu trong máu. Đó là chưa nói hiện nay tỷ lệ người có học, được học ở các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cao hơn rất nhiều so với mấy chục năm trước. Một điểm cũng cần lưu ý nữa là những người theo Tin Lành ở Tây Nguyên chủ yếu là lớp trẻ và trung niên (thế hệ cận kề và tiếp nối bảo tồn và phát huy di sản văn hóa).

*

Để có cái nhìn khách quan và đầy đủ, hầu mong giải thích thuyết phục hơn về tốc độ phát triển của Tin Lành ở Tây Nguyên cũng như để thấy được sự tác động của tôn giáo này đối với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chúng tôi cho rằng không thể không tìm hiểu thêm về Tin Lành từ góc độ nhân học...

 

 

Đạo Tin Lành (Phúc Âm/ Tin Mừng/ Tin Tức Tốt Lành) ra đời ở Tây Âu từ thế kỷ XVI. Nó là kết quả của sự vận động xã hội mà trong đó chủ nghĩa nhân văn đang bùng phát mạnh mẽ (sau đêm trường trung cổ) giữ vai trò chủ đạo với những báo hiệu thay thế của phương thức sản xuất mới, tiên tiến là chủ nghĩa tư bản đang đến với mọi nẻo đường Tây Âu. Đạo Tin Lành du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nhưng mãi đến năm 1911 Hội Thánh Tin Lành đầu tiên của Việt Nam mới được xây dựng ở Đà Nẵng.  

 

Do quan niệm Tin Lành là kết quả của phong trào cải cách tôn giáo mà cụ thể là cải cách Kitô giáo nên suốt một thời gian dài người ta cho rằng Tin Lành như là một sự phát triển hay một sự “tách ra” của/từ Thiên Chúa giáo. Trong các tài liệu nghiên cứu cũng như ngay trong giáo trình ở bậc đại học người ta nhấn mạnh Tin Lành và Thiên Chúa giáo gần như giống nhau hoàn toàn và chỉ khác nhau ở một số điểm, như quy mô và cấu trúc nhà thờ; quan niệm về thờ tượng, ảnh; quan niệm khác nhau về Đức Mẹ Đồng Trinh; cách thức thành lập và vị trí của giáo hội cũng như sự khác nhau giữa linh mục và mục sư... (cũng xin nói ngay là những điểm không giống nhau này không đưa lại sự khác biệt của hai tôn giáo này khi đặt nó trước sự tác động đối với lễ tục truyền thống của một cộng đồng mà nó xâm nhập). 

 

Thực ra, Tin Lành không phải là “một nhánh”, “một nhóm” hay đơn thuần chỉ là sự “cải cách” của Thiên Chúa giáo. Cần phải nhìn nhận đúng Tin Lành là sự trở lại Hội Thánh ban đầu thời Chúa Giêsu. Tin Lành là sự hành động của những người tin Chúa theo đúng tinh thần trong thời kỳ Giêsu xuất hiện (tức thế kỷ đầu công nguyên). Sở dĩ có sự trở lại đó vì vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI người ta đã phát hiện Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã đã làm nhiều điều sai lạc so với Kinh Thánh, không theo đúng đường lối Chúa, thực hiện không đúng nghi thức thờ phượng và cách thức truyền giảng mà Giêsu đã phán trong Kinh Thánh (nhất là từ sau thế kỷ thứ IV).

 

Đạo Tin Lành tôn trọng tư hữu, đề cao tự do cá nhân (tự do trong đức tin, tâm linh và tự do trong cuộc sống). Điều này đã tạo ra thích ứng và phù hợp với các cộng đồng trong thời kỳ công xã tan rã, là hiệu ứng dễ tiếp nhận trước sự chuyển biến của xã hội Tây Nguyên khi mà kinh tế thị trường đang thay thế dần kinh tế tự cung tự cấp, khép kín của công xã.

 

Đạo Tin Lành là tôn giáo của tình thương và lòng bác ái (Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết về lòng bác ái đáng trân trọng của Chúa Giêsu). Tín đồ Tin Lành sẵn sàng chia xẻ, tương trợ với những bạn hữu khốn khó và xem đây là một tiêu chí của đời sống đạo. Sự giúp sức, nâng đỡ bằng tinh thần và của cải vật chất đã giúp không ít người vốn còn nhiều khó khăn như đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên cải thiện cuộc sống là điều đã làm cho họ rất quan tâm. Sự giúp đỡ đôi khi dồi dào làm cho người ngoài dễ nghi ngờ thiện chí của hành động đó nên nói khác đi và điều này vô tình tạo ra sự ngăn cách ngày càng lớn vì khác nhau về quan niệm.

 

Nếu Thiên Chúa giáo bắt buộc phải xưng tội với linh mục, thiên huệ mà Chúa ban cho được thông qua giáo hội, thông qua linh mục… thì người theo Tin Lành chỉ ăn năn với Chúa và tin tưởng chắc chắn rằng thiên huệ mà Chúa ban cho họ là trực tiếp bởi lòng thành và đức tin của họ chứ không phải xin ai và thông qua ai cả. Mọi việc con người/cá nhân Tin Lành tự tương giao với Chúa và ơn phước mà họ được Chúa ban là trọn vẹn. Với quan niệm sự cứu tinh chỉ đạt được nhờ lòng tin cá nhân và dựa vào ý muốn của Chúa, Tin Lành đã giải phóng nhận thức khỏi những ràng buộc của thế giới đa thần, phân tán quyền năng, thức tỉnh trong họ những tình cảm và tự do cá nhân-cái mà vốn trước đây bị ràng buộc chặt chẽ bởi công xã.

 

Đạo Tin Lành là một tôn giáo đặc biệt đề cao lý trí trong đức tin (quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin). Sự cứu rỗi hay nhu cầu giải quyết các nan đề trong cuộc sống chỉ đến bởi đức tin và sự cầu nguyện chứ không phải vì những luật lệ lễ nghi. Vì vậy cách thức hành đạo Tin Lành đơn giản, không cầu kỳ, rườm rà như các tôn giáo khác. Đây cũng là một điều thuận lợi nữa để Tin Lành dễ dàng phát triển ở Tây Nguyên.

 

Trong quan niệm truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, Giàng (tức là Trời) là vị thần tối thượng. Chính quan niệm này đã đưa đến cho họ sự gặp gỡ trong đức tin khi các nhà truyền giáo Tin Lành nói rõ hơn Trời cũng chính là Đức Chúa Trời. Nhưng Chúa Trời là Chúa của muôn chúa, là Vua của muôn vua, là đấng tể trị. Để nhận được quyền năng và ơn phước của Chúa thì phải có đức tin tuyệt đối và trọn vẹn nơi Chúa. Đã tin nơi Ngài thì việc thờ cúng các thần linh khác không những trở nên thừa mà còn làm mất đi quyền năng và đời sống trong Chúa; không được hưởng ơn phước của Chúa. Vì vậy, mỗi khi đã theo Tin lành thì người ta không còn quan tâm đến lễ nghi, đến việc thờ cúng các thần linh khác. Thậm chí nếu còn làm những việc đó thì sẽ phải chịu nhiều khó khăn, thử thách lớn trong cuộc sống. Ngay cả việc làm hình tượng (như tượng nhà mồ chẳng hạn), thờ hình tượng, các dấu hiệu thần linh trong các nghi lễ... cũng sẽ ảnh hưởng đến đức tin. Theo quan niệm Tin Lành thì hình tượng là các biểu hiện khác nhau của satan, ma quỷ mà thôi... (Kinh Thánh dạy rằng: “Hình tượng là công việc do tay người làm ra, hình tượng có miệng mà không nói, có tai mà không nghe, có lỗ mũi mà không ngửi, có tay nhưng không rờ rẫm, có chân nào biết bước đi... phàm kẻ nào làm hình tượng mà nhờ cậy nơi đó, đều giống nó”, Thi thiên 115:4-8).

 

3. Như vậy chúng ta có thể thấy khi đồng bào các dân tộc ít người Tây Nguyên chưa có một tôn giáo độc tôn thì sự xuất hiện của Tin Lành mà ở đó người ta tìm thấy lòng yêu thương con người, tinh thần bác ái, sự giúp đỡ cộng đồng và những cảm nhận về quyền năng/ phép lạ Chúa giải quyết các nan đề của cuộc sống con người như một nhu cầu chung thì đó là lý do chính và trước hết để họ đến với Tin Lành. Nhưng với những quy định và quan niệm khắt khe để giữ trọn đức tin nơi Chúa đã tác động đến tập tục, lễ nghi và quan niệm truyền thống cộng đồng. Khi mà gần ¼ đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên không còn tin vào các vị thần linh, không thực hiện các lễ nghi truyền thống, không còn thấy trong cồng chiêng có thần linh trú ngụ thì âm thanh cồng chiêng hẳn sẽ “nhỏ hơn” và không gian văn hóa truyền thống của thanh âm ấy khó tránh khỏi bị thu hẹp. Chúng tôi nhấn mạnh chữ “truyền thống” (của không gian văn hóa hóa cồng chiêng) sẽ bị thu hẹp, vì muốn lưu ý rằng văn hóa cồng chiêng sẽ chẳng mất đi. Văn hóa cồng chiêng vẫn tồn tại và phát triển, nhưng vị trí của nó trong đời sống sinh hoạt, đối tượng tín ngưỡng của nó đã được chuyển đổi. Mục đích tâm linh của cồng chiêng cũng không giống truyền thống. Âm thanh cồng chiêng trong cộng đồng Tin Lành là lời nguyện cầu, chứa đựng ý nghĩa tương giao của người dân với Đức Chúa Trời. Như vậy, cấu trúc lễ hội văn hóa truyền thống đã thay đổi. Đó có thể là một không gian văn hóa cồng chiêng mới bên cạnh một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên truyền thống-là di sản văn hóa của nhân loại...

 

Và Tin Lành sẽ còn tiếp tục phát triển ở Tây Nguyên, vì những người Tin Lành tin rằng họ đã trở lại đúng với đường lối Chúa ban đầu. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta thấy các nhà truyền giáo Tin Lành và bản thân mỗi một tín đồ Tin Lành được xem là người gieo hạt, rất tích cực và đặt nặng nhiệm vụ truyền đạo…

 

*

Thực tế khách quan về sức sống của một di sản văn hóa chính là sự thích nghi của di sản đó trong điều kiện tồn tại của nó. Nhưng nói như vậy thường khó được chấp nhận vì ít nhiều thụ động và  bỏ qua nỗ lực của cộng đồng cũng như ý chí của nhà quản lý?./.

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 1855
Ngày đăng: 24.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm Nhận Về Cá Tính Nam Bộ - Đinh Văn Hạnh
Nghiên cứu văn học và xã hội diễn giải - Chân Phương
Cái Chết của Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại và Xa Hơn - Chân Phương
Vài gợi ý cho một “ Lễ hội văn hóa Hà Tiên” định kỳ - Đinh Văn Hạnh
Chúng ta làm gì cho con cháu? - Đinh Văn Hạnh
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)