Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
779
116.612.265
 
Rong bút
Trần Hoài Thư

● Văn chương miền Nam không thể là bãi nghĩa trang

● Khi ni sinh "chôm" bài của thượng tọa.

● Niềm vui còn lại

● "Vắt" là gì ?

 

1.

 

Tôi không thể nào quên được tấm lòng của một thân hữu ở Los Angeles. Hai tháng trước, tôi qua Cali. Anh đến thăm tôi tại khách sạn. Mang làm quà ba cuốn sách hiếm, và một bình rượu thuốc. Anh nói: Với những cuốn sách này anh có tài liệu sưu tập, và với chai rượu thuốc này, để anh có sức mà  mà làm việc "văn chương chữ nghĩa".

 

Trong ba cuốn sách mà anh tặng, có cuốn tạp chí Văn Hóa Nguyệt San số tháng 10&11 năm 1965 kỷ niệm 200 năm thi hào Nguyễn Du, do Nha Văn Hóa VNCH xuất bản trong đó có bài viết của Thượng tọa Thích Thiên Ân nhan đề " Giá trị triết học tôn giáo trong Truyện Kiều". Không thể ngờ nó đẩy đưa đến một chuyện khó tin nhưng có thật như thế này.

 

 

2.

Chuyện rằng, có một luận án tốt nghiệp Cử Nhân Phật học của một ni sinh được post trên Net sao lại giống chi mà giống lạ giống lùng bài viết của Thượng tọa Thích Thiên Ân vào năm 1965 từ nhan đề đến nội dung  !

 

Tưởng chuyện chôm chỉa chỉ dành cho cuộc đời ô trọc, không ngờ nó lại xảy ra trong chốn đạo học tu hành. Vậy mới là chuyện khó tin nhưng có thật.

Rất may các trang nhà như Tu Viện Quảng Đức hay thư viện Hoa Sen đã mau mắn tháo gỡ (1)

 

Xin đơn cữ mấy dòng đầu của phần dẫn nhập mà chúng tôi lấy từ một trang nhà Phật giáo trên 

NET để thấy cái mức độ giống nhau như thế nào:

 

 

 

 

Chỉ buồn một cái là bài đã được post từ lâu. Có thể cả chục năm nay trước khi bị phác giác.

Tuy nhiên, có còn hơn không.

 

 

3.

Vào những năm gọi là về chiều, khi lấp ló ánh nắng tàn tạ đã thoi thóp ngủ trên bãi cỏ ngoài sân, và sau đó, bóng tối đã tràn ngập lúc nào không hay,  lòng người xa nhà bỗng nhiên chạnh lại. Tôi đã thật sự bước vào cái tuổi mà xã hội mới này bắt phải đào thải để trở thành kẻ bên lề. Có nghĩa là tuổi senior, có nghĩa là số tiền bị trừ ra trong mấy mươi năm làm việc, nay được chánh phủ trả lại, để mà "vui thú điền viên".

 

Vui thú điền viên. Chẳng lẽ cứ còm lưng cuốc cỏ, bắt sâu. Chẳng lẽ cứ ra vườn nhìn những khóm hoa mới nở, trái bầu trái bí đã no tròn trên giàn, hay lái xe ra biển, hứng gió, cuốc bộ, hít thở không khí trong lành trong một thành phố ô nhiễm nặng ?

 

Tôi đã thử. Nhưng trí óc tôi không cho phép. Cứ nhớ. Nhớ hôm qua. Loài gỗ mục thì phải nhớ đến cái nhựa thanh xuân. Tóc bạc thì phải nhớ đến tóc xanh. Nhớ, bởi vì đối với tuổi già, con đường trước mặt đã thấy bị chặn rồi. Cái vực cuối cùng đã thấy rồi. Dù là thiên đàng hay địa ngục  thì nó vẫn gần rồi.

 

May mà còn những điều yêu thích. Đóng xong cuốn sách,  trình bày cái bìa mát mắt. Nghe một bản nhạc ấm lòng. Nửa đêm không ngủ, trổi dậy, ngồi trước máy, làm một bài thơ, viết một đoạn văn. Đó là những niềm vui nho nhỏ, trước hết cho ta, để rồi từ đó, ta dâng tặng cùng đời… Đó là những việc làm mà ta chẳng bao giờ than phiền, giúp ta bận rộn, làm đầu óc ta khỏi nghĩ vẩn vơ về những chuyện xa gần, không đâu làm xám thêm màu mây của mùa thu tàn tạ…

 

Các bạn ở quê nhà thỉnh thoảng hỏi thăm. Lại còn gởi hình gửi ảnh. Nhìn ảnh bạn, thấy những ông bạn trẻ ngày nào trở thành những ông già đăm chiêu, trầm ngâm nhìn vào ống kính. Cái bàn hình như không còn thấy những lon bia, những gạt tàn thuốc, những cốc rượu. Mà là một bãi chiều, dù ngòai kia, ngày đã lên. Tôi thương chúng tôi quá. Cám ơn đất trời, sau cuộc chiến tàn khốc, anh em vẫn có mặt. Sau những tháng năm nghiệt ngã, anh em vẫn ngồi lại bên nhau. Cám ơn đất trời, bạn bè ta vẫn mạnh, dù mới hôm nào, có kẻ đã được chở vào bệnh viện cứu cấp.

 

Có điều, không biết có còn như ngày xưa, hay như câu nói của Trung trong kịch Kẻ Phá Cầu của Lữ Kiều (2):

 

Chúng ta đều còn sống. Nhưng không thể còn như xưa

 

Năm  viết vở kịch này là năm 1969. Lúc tác giả mới 26 tuổi. Vậy mà đến năm 2009, 40 năm sau, câu nói ấy hình như vẫn còn giá trị.Vậy mà tác phẩm vẫn bị cấm, sân khấu vẫn lặng câm tức tưởi bởi một màu đen, trước cũng như sau 1975.

 

 

 

Ký họa của Thân Trọng Minh (Lữ Kiều) trong Kẻ Phá Cầu (Ý thức xuất bản dưới dạng bản thảo)

 

4.

Văn  chương còn một chút này làm tin. Bài thơ của bạn vẫn còn đó, tâm hồn của bạn vẫn còn đó. Ít ra, chúng ta có cùng một mẫu số chung của một thời nào đó. Cái thời chúng ta chưa bao giờ đặt một câu hỏi cho nhau. Cái thời  là màu mắt xanh của người con gái, là những cơn mưa bụi mờ nhạt cổ thành, là đường người qua, phượng hồng tháng hạ.  Cái thời mà gặp nhau chẳng cần biết bạn là ai, hữu khuynh, tả khuynh, nằm vùng, hay đào ngũ, trốn lính. Chỉ mới thấy bạn là kéo vào quán bên đường:

 

Quán sớm. Cô hàng nhăn nếp lụa        

Tóc còn vương vít lòng chiếu chăn         

Nước sôi reo ấm gian nhà chật        

Bếp lửa hồng gió tạt. Mùa đông 

     

Gọi cốc cà phê un khói gió        

Mấy thằng râu tóc chụm thanh xuân         

Vách trống, sát vào nhau đỡ lạnh

Trời ngoài kia, sương phủ mênh mông

(Quán Sớm, THT)

 

Tôi muốn trả lời LK:

Chúng ta đều còn sống. Nhưng không thể còn như xưa. Nhưng chúng ta còn lại ngày xưa, để mà biết mình vẫn còn sống, có phải không ông bạn Lữ Kiều của tôi ?

 

5.

Vắt là gì. Là dùng bàn tay nặn/bóp/ mạnh để cho ra hết nước. Đại để là như vậy. Vắt chanh. Vắt cam. Vắt áo. Nhưng cách đây 82 năm - năm 1927 - cụ Phan Khôi đã lấy eo đất để vắt rừng già thành ra dòng sông xanh biếc. Một ví von tuyệt diệu. Nhất là cái ý này mọc lên từ cổ thành song thất lục bát.  Xin mời bạn đọc hai câu đầu của bài trường thi "Chơi thuyền trên sông Tân Bình" do chúng tôi dày công sưu tập cho chủ đề Hơi Thở Đồng Bằng này:

 

Eo đất vắt rừng già ra nước

Thành con sông xanh biếc dài ghê!

 

Niềm vui của chúng tôi là sưu tập được một bài thơ của người tiền phong về Thơ Mới, mà nội dung là nói về một vùng đất đồng bằng mới khai phá.  Tuy vậy, chẳng có bài nào trọn vẹn 100 % . Trên Net, tất cả đều thiếu cả một đọan 9 câu gần phần cuối. Chẳng những thế, lại còn sai chữ, sai vần ! Ngay cả cuốn nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan hay Hương Vườn Cũ của Quách Tấn khi đề cập đến bài thơ  này cũng chỉ trích khoảng 12 câu cuối. Từ sự thiếu sót này dẫn đến hậu quả, là bài bị bóp méo, sửa đổi hay thay bằng một nhan đề khác. Ví dụ tờ tạp chí liên mạng Góc Nhìn khi muốn giới thiệu về Phan Khôi đã trích ra đăng lại  12 câu từ cuốn Nhà văn Hiện đại rồi tự đặt cho cái đề tạm là Tầm U (3) vì thú nhận không biết đề !.

 

Vì vậy, không thể khẳng định các bài của thiên hạ trên Net là đúng nguyên tác.

Ngay cả một bài của thượng tọa Thích Thiên Ân, viết vào năm 1965 còn bị một ni sinh “chôm” để làm một luận án tốt nghiệp cử nhân Phật học,  qua mặt luôn cả các giáo sư, các vị biên tập tại các website Phật giáo trên Mạng thì một kẻ bần dân như chúng tôi làm sao mà biết được đâu là nguồn thật, đâu là nguồn giả !!!.

 

Cám ơn Email. Để một câu hỏi là có sự đáp ứng của bạn bè thân hữu khắp bốn bể năm châu. Để trên tờ báo này, ít ra cũng có một bài thơ trọn vẹn của cụ Phan Khôi mà không bị thiếu hay tự cho cái tên tạm lạ lùng: Tầm U !!!  (4)

 

 

 (1) Trang Tu viện Quảng Đức http://www.Quangduc.com đã rút bài luận án tốt nghiệp này khỏi trang nhà sau khi nhận lá thư của chúng tôi cho biết về sự việc này.

Riêng trang thư viện Hoa Sen (thuvienhoasen.org) cũng cho biết: "BBT TVHS đã lấy bài tiểu luận đó ra khỏi data base của TVHS.  Chúng tôi rất tiếc không có nguyên bản của TT. Thích Thiên Ân.  Khi nào có chúng tôi sẽ đưa trở lại để trả lại sự trong sáng của vấn đề. "

 

(2) Tên một vở kịch của Lữ Kiều được viết vào năm 1968. Trong tương lai, TQBT sẽ đăng lại toàn bộ vở kịch này.

 

(3) Nguyệt san liên mạng Góc Nhìn: http://www.gocnhin.net trong phần giới thiệu tác giả Phan Khôi.

 

(4) Bài thơ đầy đủ  được tìm tìm thấy trong tác phẩm của VU GIA:

 Phan Khôi, tiếng Việt, báo chí và thơ mới Nhà Xuất Bản Đại Học Quốc Gia TP. HCM, 2003.

 

Chơi thuyền trên sông Tân Bình

PHAN KHÔI

             

Eo đất vắt rừng già ra nước

Thành con sông xanh biếc dài ghê!

Khỉ ho cò gáy tứ bề

Ta đem thân đến chốn này làm chi!

Nhớ từ trẻ gian nguy từng trải

Bước giang hồ bước mãi chưa thôi

Mảnh thân còn chọi với đời

Hiểm nghèo là bạn, chơi vơi là nhà

Cảnh hiu quạnh, có ta có chủ

Bằng không ta chẳng phụ Hoá công

Vẻ ra cái cảnh lạ lùng

Làm cho cọp biển, cá đồng hay sao ?

Xuồng ba lá đâu nào chàng Thổ

Rượu đế mang theo mỗ lưng bầu.

Mũi chàng trước, lái ta sau

Mái chèo khoan nhặt con trào ngược xuôi

Bóng chiều nhuộm lau mùi vàng úa.

Khói, nước, trăng, mây bủa lưng chừng

Vạch lau rẽ khói tung tăng,

Trên trời, dưới nước bên rừng giữa ta

Lô túp lá xà xà trong ngút,

Chợt thuyền con vùn vụt ngang dòng

Nguồn đào có phải đây không?

Vũng Lương Sơn phảng phất cùng là đây.

Vừng ác lặn chòm cây đen sậm

Vào càng sâu càng lắm vẻ u

Rặng dừa lướt gió vi vu

Chim về ổ thốt, vượn ru con chuyền

Bỗng cái sạt, mái thuyền hùm vọt

Sáng lập loè ngọn đuốc ma trơi

Ó vùng dậy, khỉ reo cười

Trăm yêu ngàn quái nhè người mà trêu,

Sạt đằng mũi, mái chèo toan đánh

Lái phất ngang, dường tránh cơn nàn

Uỷ kìa, rắn hổ phùng mang

Vượt sông, rẽ sóng băng ngàn như tên

Vụt đáy nước trông lên cây trụ

Hẵng đây rồi cá sấu quých đuôi

Trăm cái sợ, cướp cái vui

Tới đành chẳng tiện, muốn lùi chỉn khôn

Sởn tóc gáy, bồn chồn tấc dạ,

Vững tay chèo nấn ná hồi lâu

Vừng trăng như hẹn hò nhau

Trồi lên mặt biển dọi vào gầm hang

Gợn mát bóng cá vàng giỡn nước

Lá lật sương chim bạc đeo cành

Xa trông rừng thật khung xanh

Sông phơi dải lụa trắng tinh một màu

Rỡ muôn tượng như chào lạy khách

Lặng một chiều dường trách lấy nhau

Cảnh sao biến đổi quá mau

Rõ hai thế giới trước sau nửa giờ

Cảnh đối cảnh những ngờ mộng mị

Hoặc là do tâm ý mà ra

Tầm u  bước đã quá xa,
Cảnh khuya sương nặng, liệu mà về đi.    
Xoàng hơi cúc khì khì cười mãi,
Tóc phất phơ đường trải bóng trăng.
Giữa dòng chiếc lá thung thăng,
Lần dò lối cũ, bâng khuâng chạnh niềm
Gẫm thân thế ba chìm bảy nổi,
Lại phen nầy lạc lối tới đây.
Một đêm cảnh vật đổi thay,
Rồi ra sao nữa sau này trăm năm!
Ngâm mấy vận tạm làm du ký,
Chép gởi người tri kỷ đường xa.
Người như rõ biết ý ta,

Thì nâng chén rượu mà ca khúc này. (*)

 

(Phụ nữ thời đàm, tập mới số 3, 1er Octobre, 1933- Dẫn theo Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, Sống Mới xb, 1968 trang 136-138 và Nhà văn Hiện đại Tập I.)

 

(Bài Rong bút này được trích từ  nguồn : Tạp chí Thư Quán Bản Thảo  số 38, tháng 8-2009 chủ đề Hơi thở đồng bằng). Bản gửi từ tác giả.

Trần Hoài Thư
Số lần đọc: 1792
Ngày đăng: 09.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chu Cẩm Phong Có Viết 2 Cuốn Nhật Ký Trong Cùng Một Thời Gian ? - Bùi Minh Quốc
Thư Quán Bản Thảo Số 45 tháng 1-2011 - Nhiều Tác Giả
Không Gian Tôn Giáo Và Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên - Đinh Văn Hạnh
Cảm Nhận Về Cá Tính Nam Bộ - Đinh Văn Hạnh
Nghiên cứu văn học và xã hội diễn giải - Chân Phương
Cái Chết của Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại và Xa Hơn - Chân Phương
Vài gợi ý cho một “ Lễ hội văn hóa Hà Tiên” định kỳ - Đinh Văn Hạnh
Chúng ta làm gì cho con cháu? - Đinh Văn Hạnh