Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
731
115.995.937
 
Trăng vỡ
Phạm Thanh Phúc

Ngọc đứng dậy với tay đóng cánh cửa sổ phòng xử án. Bên ngoài trời đang mưa. Những cơn mưa cuối mùa thỉnh thoảng lại đến vào các buổi chiều chạng vạng như thế này làm Ngọc chợt thấy lạnh- một cái lạnh mơ hồ phảng phất nỗi cô đơn của người phụ nữ ngoài ba mươi mà vẫn chưa lập gia đình. Có hôm, mấy chị cùng cơ quan chọc: “Ê, con Ngọc chắc đang chờ đợi một thẩm phán trẻ trung, đẹp trai, tài giỏi  nào đó tình cờ về công tác ở tòa huyện mình. Í ẹ, lâu đó em ạ. Tài giỏi thì ai người ta về chốn khỉ ho, cò gáy này. Còn người bằng hoặc hơn tuổi em thì đều đã có vợ. Thôi, coi có ai được được thì lấy đại đi kẻo ế…”. Ngọc không nói gì, chỉ cười cười.

 

Lấy ai? Anh Hoảnh- thẩm phán Hoảnh-  con bà Bảy Muội bán vải ngoài đầu chợ chắc? Anh Hoảnh có khuôn mặt dễ coi, nhưng …hơi bị lùn. Mỗi lần ảnh qua phòng thư ký đưa tài liệu đánh máy là mấy chị cùng phòng lại xì xào “ A, thằng cha đầu đít một tấc đang cua con Ngọc kìa tụi bây!”. Trời, ảnh thấp hơn Ngọc cả một cái đầu, đi đâu cũng lôi theo đôi giày đế cao ( chắc kêu thợ đóng thêm?) cả tấc, lấy ảnh chắc mỗi lần đi chơi với nhau, cả huyện bụm miệng cười bể bụng quá. Mà đâu đã hết. Ngọc còn không ưng chuyện anh Hoảnh làm thẩm phán rồi mới đi học Đại học tại chức Luật. Ba nói, đó là quy trình ngược, thuở đời nay người ta có bằng đại học rồi mới được bổ nhiệm làm thẩm phán chớ ai lại ngược ngạo vậy, nên đâu có rành luật. Bởi hổng rành luật nên xử trật, bị bà con thưa lên toà tỉnh hoài, nhờ con ông cháu cha mới qua truông chớ gặp người khác là tiêu đời rồi, người ngợm kiểu đó không đáng gởi thân gởi phận. Ba nói vậy, Ngọc càng tin, vì dẫu sao Ngọc cũng tốt nghiệp Đại học Luật thành phố, năm bảy năm công tác, nhưng ngồi làm thư ký toà mòn đít ghế, có lên được cái gì đâu. Hay Ngọc lấy anh Sáu Bự bên văn phòng uỷ ban? Ảnh tên Hên, nhưng do bụng bự nên mọi người kêu Sáu Bự riết chết danh, người ta quên mất luôn cái tên Hên. Anh Sáu Bự đối xử với Ngọc rất tốt, tốt đến mức như ngầm bảo cho đám đàn ông trong huyện rằng, cô ta là của tao, hoa có chủ rồi đó, đứa nào xớ rớ là chết với tao. Mà chết thật. Cách nay 2 năm, Ba Thượng làm bên Sở Giáo dục, có nhà ở huyện này, nhân một chuyến về thăm quê, thấy Ngọc đã kết ngay, mon men làm quen, tặng quà tết cho ba má Ngọc…Sáu Bự biết chuyện, nhưng điều nghiên biết người ta ở trên Sở, lại làm chức lớn hơn mình, nên lẳng lặng ra đòn ngầm. Thật đơn giản: ngày nọ, có một giáo viên ở vùng xa của huyện Duyên Hải muốn xin chuyển công tác về thị xã, qua mối mang dẫn dắt, tìm đến Ba Thượng nhờ giúp đỡ, xong, có gởi một phong bì nho nhỏ, gọi là cám ơn. Chuyện đó không hiểu sao có người biết chuyện làm đơn nặc danh tố cáo với cấp ủy và lãnh đạo Sở, Ba Thượng bị kỷ luật, báo đăng ầm ầm…thế là quê quá, lủi mất không dám về gặp Ngọc nữa. Mãi vài tháng sau, mọi người trong huyện mới biết đó là tác phẩm của Sáu Bự khi anh ta bô bô miệng kể về chiến công của mình. Từ đó, không ai bảo ai, dè chừng Sáu Bự ra, ai cũng muốn kết thân và không muốn làm mất lòng anh ta. Sáu Bự chỉ làm cái chức nho nhỏ, phó văn phòng ủy ban, nhưng ở cái huyện miền cao hẻo lánh này, anh ta dễ làm ông trời con với các trò tung hứng của mình nên ai cũng sợ. Tất nhiên, đó là với mọi người, riêng Ngọc thì chỉ thấy ghét chứ không sợ chút nào. Sáu Bự cũng biết thừa điều đó, nhưng thói quen chinh phục đã khiến anh ta cứ phăm phăm đeo đuổi dai dẳng, mà Ngọc chỉ né tránh thôi chứ không có cách nào khác chấm dứt điều đó được. Đấy là hai người sáng giá nhất huyện. Còn lại, bọn đàn ông con trai ở đây, có vẻ như không còn ai đáng cho Ngọc phải để ý. Họ, người thì không đủ trình độ, cũng như không có sự tỏa sáng nào về công việc, cuộc sống, sinh hoạt…khiến Ngọc chú ý; người thì buôn bán giỏi giang, có của chìm của nổi, nhưng cũng chỉ là những trọc phú vùng nông thôn, khoe giàu, ăn chơi gái gú, rượu chè be bét…nên chẳng thể lọt nổi vào mắt xanh của Ngọc được.

 

Vì thế nên ngay từ khi trình giấy giới thiệu về công tác theo dạng biệt phái có thời hạn, Quân đã thu hút sự chú ý của Ngọc. Quân dong dỏng cao, da trắng xanh, ăn nói nhỏ nhẹ, nhất là gương mặt gầy gầy, phảng phất buồn, chứ không no đủ, xôi thịt như mấy gã đàn ông trong huyện. Tức cười nhất là ai trong cơ quan tòa án huyện cũng được Quân kêu bằng “anh, chị” hết, kể cả con Nhiều, văn thư đánh máy mới 20 tuổi được mấy ngày, khiến ai cũng cười Quân, và nói: “Chắc thằng này mát rồi!”. Nhưng không hẳn vậy. Chỉ vài ngày sau, mọi chuyện đã khác khi Tòa phải thụ lý một vụ án khá rắc rối xung quanh chuyện chia tài sản sau ly hôn của một cặp vợ chồng nguyên là quan chức hàng đầu của tỉnh. Khi mọi người, kể cả chú Bảy Huyện, Chánh án Tòa án huyện cũng bó tay bởi những vướng mắc tế nhị trong quan hệ, thì Quân sau mấy đêm nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, đã ra trước hội đồng thẩm phán trình bày đường lối xét xử, mà theo Quân là vẹn cả đôi đường tình lý. Một số người bĩu môi không tin vào cách xử lý của Quân, một số khác tán đồng, trong đó có Ngọc, số khác lại ngần ngừ, trong đó có chú Bảy Huyện…nhưng rồi sau khi xem xét lại thấy không có phương án nào khả dĩ hơn, cách của Quân được đưa ra, vẫn theo một cách thử nghiệm. Không ngờ vụ án được xử êm ru, ông chồng-một quan đầu tỉnh về hưu-đã vào tận phòng bắt tay chú Bảy Huyện, vì cứ ngỡ đường hướng xét xử ấy là do một người đầy kinh nghiệm, hiểu biết chân tơ kẻ tóc người địa phương như chú mới có thể soạn ra. Còn bà vợ-cũng là một quan chức về hưu-cười tươi sau khi nghe tuyên án, thậm chí còn mang hai chục măng-cụt vào đãi cả tập thể tòa án. Xử phân chia tài sản sau ly hôn mà đôi bên đều hài lòng là một tiền lệ chưa bao giờ xảy ra tại địa phương này, nên lãnh đạo tòa huyện được “điểm” rất cao trong mắt cấp ủy. Những lời khen cứ tới tấp bay về tụ vào chú Bảy khiến chú hãnh diện ra mặt, không phản đối chuyện người ta cứ hiểu lầm mình là tác giả vụ xử. Quân, khác với các đồng sự nam khác trong tòa án huyện, là chẳng hề hé răng chút nào về việc mình chính là người đã đưa ra đường lối xét xử, khiến chú Bảy càng mến tài và thầm phục cách xử lý tình huống cũng như thái độ khiêm tốn của người thẩm phán trẻ. Rất nhiều người đã nhìn Quân bằng cặp mắt khác, trong số đó có Ngọc.

 

Chỉ có Quân là phớt tỉnh Ăng-lê. Mỗi ngày, anh đến tòa tỉnh thật sớm, khi mọi người vẫn còn say ngủ hoặc bận đưa con đi học, hay bận một công việc gia đình không tên nào đó. Quân pha trà, tẩn mẩn uống một mình, lặng lẽ ngồi ngắm buổi sáng tĩnh lặng của thị trấn huyện lỵ. Có vẻ như Quân không đủ thời gian cho một ngày. Hết nghiên cứu hồ sơ, tiếp nguyên đơn, bị đơn, tổ chức các buổi hòa giải, tìm hiểu hồ sơ của các vụ án hình sự…Quân lại làm tham mưu đề xuất xử lý án, khiến một ngày của anh luôn tất bật. Kể cũng lạ. Nhịp làm việc ở một huyện lỵ tỉnh lẻ chỉ kéo dài đến hơn 10 giờ rưỡi sáng, sau đó là các cuộc điện thoại hẹn nhau í ới rủ đi nhậu. Cuộc nhậu thường kéo dài đến cuối giờ chiều, hoặc có khi đến tận 8, 9 giờ tối, nên ít ai-nhất là cánh đàn ông-trở lại bàn làm việc vào đầu giờ chiều. Quân thì khác. Anh tách ra khỏi những cuộc nhậu vô bổ ấy, thỉnh thoảng có người điện thoại hoặc vào tận phòng mời, anh cũng nhẹ nhàng bịa ra lý do gì đó để từ chối. Thời gian, như Quân hay nói với các bạn cùng phòng-là không đủ để làm việc, nghiên cứu, lấy đâu thời giờ đi nhậu. Sự khác người ấy, tất nhiên lọt vào sự chú ý của Ngọc, đồng thời nó cũng lọt vào tầm ngắm của mấy tay công chức bợm nhậu, khiến họ đâm ghét, và Quân ngẫu nhiên trở thành đề tài trong một số cuộc nhậu. Nhưng có vẻ như anh mảy may không biết điều ấy.

 

Buổi tổng kết cuối năm ở cơ quan tòa án, sau phần tiệc liên hoan tại khuôn viên cơ quan, mọi người bàn nhau kéo ra nhà hàng gần đó, có chương trình “Hát với nhau” để uống thêm. Lại một bất ngờ nữa khi Quân-người không thường uống hàng ngày-lại có thể “chiến đấu” liên tục với các “đại cao thủ” trong cơ quan khiến ai cũng một phen giật mình. Chưa hết. Giữa buổi tiệc, anh còn giơ tay xin lên hát. Giọng hát trầm ấm, luyến láy rất chuyên nghiệp khiến không chỉ các bà, các cô mà vài ông anh trong cơ quan chuyên đi hát với nhau cũng lắc đầu khen, thằng này hát hay quá trời. Ngọc như bị nuốt mất hồn, cô ngồi im lặng, ăn uống ít hẳn đi, không còn nét tinh nghịch như mọi ngày nữa. Cao điểm của buổi tiệc chính là lúc Quân “Mời chị Ngọc lên hát với Quân một bài song ca nghen!”, cả bàn tiệc vỗ tay rần rần, phấn khích; Ngọc quýnh lên không biết có nên bước lên sân khấu hay không. Nhưng rồi sau khi bị đùn đẩy, Ngọc cũng đành chấp nhận bước lên. Một chút loạc choạc, song sau đó cả hai rất ăn ý khi hát bài “Chim trắng mồ côi”. Mấy bà chị ngồi phía dưới kháo nhau, cái thằng thiệt ác, biết con gái người ta đang sắp ế đến nơi mà rủ hát bài đó, khác nào càng chọc quê người ta hơn nữa. Ngọc thì không thấy vậy.

 

Một người khác có mặt trong buổi liên hoan cũng không thấy vậy. Người đó là anh sáu Bự. Sáu Bự xám cả mặt khi thấy cả hai song ca tình tứ. Lần đầu tiên, anh ta bực tức ra mặt, hậm hực mời hết người này đến người khác uống như hũ chìm. Mà không bực sao được khi nhận ra sự thua kém của mình cả về hình thức, trình độ, lẫn sự lịch lãm, tài hoa của “thằng nhỏ mới lớn”. Trong đầu sáu Bự nhen nhóm ý định làm quê mặt nó cho bỏ ghét. “Ê, nhỏ, làm với anh mày mấy ly coi!”-sáu Bự cầm ly sang bàn của Quân mời theo kiểu xách mé như vậy. Khi Quân còn đang ngần ngừ thì nghe ai đó giục: “Uống đi em, về huyện này mà không chơi với anh Sáu là tiêu đời nghen!”, Quân buộc phải nâng ly uống cạn. Nhưng không ngờ cử chỉ ấy lại bị sáu Bự hiểu lầm là nó muốn kênh mình, nó dám uống một hơi cạn sạch khác nào muốn khiêu chiến đây. Khiêu chiến hả? Vậy thì anh mày chơi luôn cho biết. Sáu Bự mời Quân quất thêm bảy ly nữa, và trong trạng thái mơ màng, anh ta thoáng nghe mọi người lao xao: “Trời! Tụi bây coi đỡ anh Sáu, hông thôi anh té cái đụi kìa, ủa bữa nay ảnh sao kỳ vậy ta?”, rồi chìm vào vô thức. Quân vẫn còn tỉnh rụi để sau tiệc, đưa Ngọc về tận nhà. Thực sự ở cái thị trấn nhỏ bé của một huyện vùng cao này, đường phố chỉ loanh quanh vài ba trục, lóang cái là đã về đến nhà, cần gì phải đưa? Nhưng…tan tiệc, mấy bà mấy chị cứ nhè hai người mà cáp đôi, bắt Quân phải đưa Ngọc về cho bằng được, từ chối hoài sẽ gây thêm sự chú ý nên cả hai đành chấp nhận sự an bài của mọi người. Lần đầu tiên, Ngọc nghe trong lòng mình rạo rực, một cảm giác hình như là tình yêu, một tình yêu đến tuy có hơi muộn, nhưng có vẻ như cô đã tìm được một nửa còn lại của mình. Nụ hôn đầu đời đến quá bất ngờ, khiến Ngọc, trong niềm vui ngây ngất, không nghe được mùi rượu sặc sụa trên môi Quân.

 

Sau cái đợt đánh bại Sáu Bự trên bàn nhậu, Quân thực sự được ngưỡng mộ, kể cả của cánh đàn ông tại thị trấn. Thị trấn nhỏ, nên đi đâu người ta cũng nghe nói về sự kiện hi hữu này. Một dự báo “chiến tranh” được đưa ra: Sáu Bự sẽ nhanh chóng mần thịt thằng nhỏ. Dự báo ấy đã đúng, thậm chí rất đúng, nhưng chưa đầy đủ. Tháng 3 năm mới, Quân xử thắng cho một bên trong một vụ tranh chấp đất đai tại địa phương đã kéo dài nhì nhằng gần 10 năm trời. Sau phiên xử sơ thẩm, người nhà bên thắng kiện đã nhiều lần điện thoại, đến tận cơ quan mời đi nhậu, nhưng Quân viện lý do công việc bận rộn, đã vài ba lần từ chối. Những lần khác, họ cạy cục “điều tra” ra nhà tập thể nơi Quân ở và mang quà đến tận nhà, Quân cũng khéo léo biến mất, hoặc viện lý do có việc gấp rồi lên xe gắn máy phóng đi, chờ họ về mới dám xuất hiện tại nhà. Một hôm, người này mang theo một phong bì dày cộm, trong đó có vài triệu đồng vào tận phòng làm việc của Quân, đặt vấn đề “cảm ơn” phiên xử và “bồi dưỡng”, Quân kiên quyết không nhận thì người này đặt phong bì lên bàn rồi quày quả định ra về. Quân giữ anh ta lại và mời lãnh đạo Tòa án sang chứng kiến, lập biên bản, xử lý hành chính. Vài người biết chuyện, nói Quân khùng, vì ai làm ở Tòa này mà chẳng vài ba lần nhận bồi dưỡng từ những người đi kiện? Nhưng Quân có lý do của mình, bởi sau sự kiện ấy, sáu Bự đã kêu người nhà của bên thắng kiện ra quán cà phê chửi cho một trận rát mặt: “Mày có ngu thì cũng ngu vừa vừa thôi, tao đã dặn chỉ cần nói vài câu cảm ơn, rồi để mẹ cục tiền lên bàn, dọt lẹ là ăn điểm rồi, xớ rớ ở đó làm gì cho nó bắt lập biên bản?”. Trong kế hoạch của sáu Bự, đã có một camera của chín Hồng, phóng viên Đài truyền hình tỉnh cùng hai điều tra viên của Đội cảnh sát điều tra huyện chực sẵn ngoài cửa, chỉ cần nhác thấy bóng mồi nhử vừa bước ra ngoài là ập vào bắt quả tang một vụ nhận hối lộ. Rồi sẽ có cảnh công an còng tay, cảnh Quân gục đầu ký vào biên bản phạm pháp, và tất cả các cận cảnh thú vị, hấp dẫn nọ sẽ được phát rộng rãi trên truyền hình tỉnh. Và đó cũng sẽ là scandal nổi tiếng nhất huyện lỵ, mà gia đình Ngọc hẳn không thể không biết.

 

Sáu Bự thất bại, Ngọc vui hơn hết, tất nhiên, mãi sau này cô mới biết về kế hoạch của sáu Bự, còn lúc đó cô vui vì mình đã chọn được người xứng đáng, người tài giỏi, người liêm khiết nhất trong những người đàn ông mà cô từng biết ở huyện lỵ này. Đã có khá nhiều lời bàn ra, tán vào, mà lời nào cũng khiến Ngọc đỏ mặt, hạnh phúc-vì những lời ấy luôn hướng đến tình yêu của cô; đến nỗi, một hôm, ba Ngọc kêu cô ra hỏi, chuyện mày với thằng Quân tới đâu rồi con? Cô e thẹn nói, đã tới đâu đâu ba, quyền của người ta chớ…Nó nói vậy, nhưng nhìn vào mắt con, nghe cái cách nó trả lời, ông biết nó đang yêu thằng nhỏ ở Sài Gòn về. Ngọc vẫn đang chờ Quân nói điều gì đó, khác hơn nụ hôn vội vàng đã trao hôm liên hoan cuối năm.

 

*

Trăng hạ tuần như miếng lưỡi liềm đỏ quạch treo chênh chếch lưng chừng đỉnh núi sau lưng thị trấn. Khu nhà tập thể của cán bộ Tòa án vẫn còn sáng đèn, hình như đã hơn 9 giờ tối, mọi hôm, giờ này, cả thị trấn đã ngủ say. Cô gái vòng xe hai ba lượt, định ghé vào khu nhà tập thể, nhưng rồi lại ngại bị người ta nhìn thấy, đánh giá này nọ, nên thôi. Cô vừa đưa tay mở công tắc xe thì nghe có tiếng nước chảy róc rách trong bụi cây phía trước-âm thanh của một người đàn ông đang đứng đái. Cô đỏ mặt, nín thở vì sợ bị phát hiện mình đang ở gần đó. Người đàn ông nọ vẫn đang sảng khoái vừa trút bầu tâm sự, vừa nói sang sảng trong điện thoại:

-Ê! Tao sắp về lại Sài Gòn rồi, biệt phái-đi đày- một năm thôi chứ bộ. Ủa, sao mày nghe được chuyện đó? Chà, tai vách, mạch rừng dữ ta. Thằng đó muốn chơi tao nên bày ra vụ gài bẫy, hê hê, nó không biết ở Sài Gòn, tụi mình đã rành sáu câu mấy vụ đó, tao không chơi nó thì thôi chớ làm sao nó chơi tao được! Ừ, thì tại nó ghen mà. Nó tưởng tao khoái con nhỏ thư ký Tòa ốm nhách, mặc đồ suông đuộc, chung thủy, trước sau như một, nhìn tới, nhìn lui cũng không thấy mông ngực gì hết đó mà….Bậy mày, tao đàng hoàng lắm, chỉ hun một cái thôi, chứ không làm gì hết, ông già nó bắt cưới thì chết, tao đâu có muốn giam đời mình ở chốn khỉ ho, cò gáy này…

 

Cô không dám nghe tiếp nữa. Cô thấy choáng váng, bởi không cần nhìn cô cũng nhận ra giọng quen thuộc ấy của ai. Cổ họng cô đắng nghét. Trăng trên cao, hình như đang vỡ ra từng mảnh…/.

                                                           

Phạm Thanh Phúc
Số lần đọc: 1505
Ngày đăng: 20.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quá đã - Lê Văn Thiện
Lãnh địa mèo rừng - Hoa Ngõ Hạnh
Vô Danh - Nguyên Minh
Buổi Sáng Trong Làng - Nguyễn Lệ Uyên
Người Đàn Bà Bán Lộc - Phan Trang Hy
Vùng Đồi - Phạm Văn Nhàn
Nhà ếch /Chuyện hết sách - Trần Hạ Tháp
Ai đã bỏ muối vào máu tôi? - Trân Sa
Khỏa thân đêm - Nguyễn Thị Thanh Bình
Khóa xuân - Quý Thể