Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
888
116.513.253
 
Tìm về
Phạm Văn Nhàn

Thạch dừng xe lại cách cây cầu đúc đã bạc màu nước sơn khoảng độ vài mươi thước. Anh chỉ hắn ngôi quán bên kia đường. Và rồi anh bắt đầu cất tiếng hát nho nhỏ đủ cho hắn nghe: đêm thơm như một giòng sữa, lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà...Câu hát nghe rất quen và rất dễ thương trong bài Dạ Lan Hương. Hình như anh hát với một dụng ý là để cho hắn nhớ lại một cái gì đó, mà lâu lắm có thể hắn quên. Có thể trong cuộc sống có những cái ta không thể nào nhớ hết, thì bỗng dưng một câu hát ai đó hát lên, gợi lại cho ta nhớ một khoảng thời gian, không gian nào đó. Như hôm nay, Thạch hát lại bài Dạ Lan Hương. Tiếng hát của anh loãng trong gió trưa. Buổi trưa đứng bóng trên quốc lộ 1, và trên mặt đường nhựa như  thoáng có hơi nước bốc lên phía đằng xa. Vừa dứt tiếng hát: Thạch hỏi:

- Cậu nhớ ai thường hát bài này không?

- Không.

- Lâu quá. Cậu quên cũng phải.  Qua bên kia cầu cậu sẽ nhớ ngay.

- Ai vậy? Hắn hỏi.

- Thì qua bên kia cầu cậu sẽ rõ.

 

Buổi trưa. Trời nắng như đổ lửa. Hắn đưa mắt nhìn về hướng cầu. Những vết sơn trắng trên thành cầu loang lỗ bên cạnh chiếc lô cốt xây bằng đá chẻ bị những đám cỏ dại phủ kín cùng với đất đá và thời gian. Dấu vết của một thời chiến tranh đã qua. Những chiếc cầu trên quốc lộ. Những lô cốt bên móng cầu, cạnh bờ sông gợi lại cho hắn những kỷ niệm mà những năm tháng dài trong đời lính hắn đã gìn giữ , an toàn cho những chuyến xe đi qua. Buổi sáng im ắng nào đó ngồi trên nóc lô cốt nhìn dòng sông sau những đêm thức trắng canh giữ chân cầu. Nhìn dòng nước chảy đục ngầu dưới cầu, hắn và những người lính của hắn biết là đêm qua trên thượng nguồn đã có cơn mưa núi. Những lúc giòng sông im ắng lững lờ trôi, rồi nhìn những mảng lục bình trôi trên giòng nước, hắn lại liên tưởng đến một trái phá sắp nổ dưới chân cầu. Sáng nào, thấy đồng bọn bình yên trong lô cốt hay cây cầu cũng bình yên như mạng sống con người để hắn phóng tầm mắt nhìn dọc hai bờ sông như hai thung lũng rậm rạp cây rừng với tiếng chim rộn ràng cất tiếng hót. Hay như có một tiếng súng nào đó của người lính buồn, bắn vu vơ làm cho lũ chim rừng giật mình sợ hãi, cất cánh bay. Hắn chỉ nhìn thấy như thế hằng ngày, hằng ngày với vài chuyến xe đò chạy ngang qua, và tiếng la quen thuộc của tên lơ xe khi sắp sửa qua cầu: đừng bỏ giấy bỏ rác xuống cầu nghe bà con. Chỉ có những chuyến xe qua cầu là hắn thấy còn có sinh khí để sống trên những chiếc cầu đìu hiu này. Ngoài ra có chăng là tiếng chim rừng và tiếng nước chảy róc rách dưới cầu để cho hắn nhớ đến bài hát: Bên Cầu Biên giới mà có lần, hắn về phố thị, người bạn hắn ôm đàn hát cho hắn nghe....

 

Ngôi quán mà Thạch đưa hắn đến thật im ắng khác với bên kia cầu cũng vẫn có chiếc lô cốt cũng xây bằng loại đá chẻ đó, nhưng không có những loài cỏ dại mọc. Có lẽ lũ trẻ hay chơi đùa nơi đây dưới bóng mát một cây sung. Và phía dưới dốc cầu là cảnh sinh hoạt bát nháo. Những ngôi quán bán cơm cho những chuyến xe khách đường dài qua lại. Những ngôi quán mà lúc nào cũng ồn ào tiếng người và tiếng nhạc. Nhạc đủ loại. Nhạc vàng. Loại nhạc ca ngợi người lính cũ miền nam như hắn. Thỉnh thoảng cũng có nhạc sau năm 75. Nhạc mở thoải mái, ồn ào. Quán cơm này tranh với quán cơm kia, cùng với tiếng rao hàng mời gọi của những trẻ nhỏ dưới cơn nắng của một thị trấn nhỏ. Một cảnh bát nháo , mời mọc, giành giựt.

 

Vừa bước xuống xe, Thạch đã đứng đợi hắn dưới hiên một  quán cơm . Hai thằng rảo bước lên dốc cầu. Vài ba đứa bé chạy theo níu kéo, mời mọc. Hình như lâu lắm, hắn không về thăm thị trấn nhỏ bé này, từ lúc Thử đi lấy chồng. Gần 30 năm hơn hắn mới trở lại đây. Hắn dừng lại trên cầu, nói với Thạch: cuộc sống có nhiều thay đổi lắm phải không? Thạch nhìn xuống dòng sông, cười như muốn khóc: nhìn tôi là cậu biết rồi. Nhưng thôi, cứ xem như nước chảy qua cầu là được . Bọn mình còn sống gặp nhau là may. Hắn đưa tay lên vuốt lại mái tóc : còn Thử thì sao? Thạch cúi người xuống nhặt cái lon coca trên cầu rồi nói bâng quơ: cái này cũng có tiền lắm đây. Tích tiểu thành đại. À! Cậu hỏi Thử? Thử đã theo chồng con qua định cư bên Mỹ rồi. Chồng Thử ở tù bảy, tám năm chi đó. Đi định cư theo diện tù. Thế là thoát, hắn nói với Thạch khi hai đứa xuống dốc cầu. Rồi Thạch nhìn hắn hỏi, giọng bùi ngùi: còn cậu, khi nào thì đi? Chẳng biết nữa. Giọng Thạch xa vắng: bạn bè lần lượt xa nhau hết. Hắn vừa đi vừa nhìn lại thành cầu loang lỗ những vết sơn, hắn thấy buồn buồn. Còn đâu những sáng tinh mơ, những chiều sẫm tối, hắn ngồi trên thành cầu  nhìn về hướng rừng và hai bên bờ sông thật buồn. Tưởng tượng ngày nào hắn còn trong quân ngũ.

 

Đứng trước quán, Thạch gọi:

- Chủ quán, ra đón khách phương xa về.

Một người đàn ông trông lụ khụ bước ra, nheo mắt nhìn. Hắn cũng chẳng nhìn ra ai. Hắn đưa tay bắt. Thạch nói:

- Hai ông nhận ra không?

- Trí óc mù mờ quá. Tôi chịu đấy. Hắn nói.

- Vào đây. Vào đây. Tôi nhớ rồi. Người chủ quán vồn vã. Dám hơn 30 năm rồi phải không. Từ lúc cô Thử đi lấy chồng. Ông bỏ đi mất.

Hắn lại nheo mắt nhìn người chủ quán. Gió từ dưới sông thổi lên làm tung bay những tờ lịch treo trên vách lá. Một thoáng nhớ trong óc hắn rất nhanh. Ai nhỉ? Có phải là Khảng không. Hắn hỏi.

Người chủ quán cười:

- Còn ai vào đây nữa. Tôi ngỡ cậu quên rồi. Ba mươi năm hơn chứ phải ít đâu.

Hắn đưa tay lên gãi gãi đầu. Mái đầu có những sợi tóc trắng chiếm gần hết.

- Vâng, ba mươi năm hơn có lẽ...

 

2.

Hắn nhớ. Vào lúc đó, thị trấn chẳng có gì gọi là yên ổn. Ngay như dãy phố duy nhất gần khu chợ, bịnh xá cũng chẳng được yên gì. Chỉ có gần quận. Con phố ngắn, cụt ngủn là còn có chút an ninh. Nhà Thạch ở trên con phố ngắn ngủn này cho nên có sự an ninh tương đối cho những bạn bè của Thạch về tá túc, ngủ qua đêm.  Mỗi lần về thăm Thử ban ngày, đêm hắn cũng phải về nhà Thạch ngủ lại trên căn gác xếp. Căn gác trống trải, tha hồ cho bạn bè ngủ lại. Đêm đó, hắn nghe có tiếng đàn guita đệm nhè nhẹ ngoài hàng hiên, và giọng hát khe khẽ cất lên : đêm thơm như một giòng sữa, lũ chúng em êm đềm rũ nhau ra trước nhà...Tiếng hát, tiếng đàn như quyện chặt vào trong đêm thanh vắng, một nỗi bình yên thật lạ lùng, mà đáng lẽ ra phải có cái gì đó đang chực chờ trong nỗi lo sợ của những con người đi tìm giấc ngủ qua đêm  trên căn gác nhà Thạch. Đêm thơm như một giòng sữa...Bài hát đã quyến rũ hắn, làm hắn trằn trọc không sao  ngủ được. Cũng như  một hôm hắn về thành phố trọ lại trong căn nhà cũ kỹ người bạn ngồi hát cho hắn nghe bài hát Bên Cầu Biên giới. “ em đến bên tôi một chiều khi nắng phai  rồi. Nắng như ngừng bên chiếc cầu biên giới...”. Vâng. Những chiếc cầu mà hắn gìn giữ đìu hiu như trên biên giới xa, chỉ có tiếng nước róc rách dười chân cầu , và tiếng chim rừng. Con người như  bị chùng xuống trên một không gian im ắng, dễ sợ, ngày cũng như đêm.

 

Hắn ngồi dậy, mồi  điếu thuốc hút, ra ngồi bên cạnh khung cửa lớn, im lặng  nghe người đàn ông mảnh khảnh, gầy gò đang ôm đàn ngồi hát khe khẻ. Anh vẫn miên man  ngồi hát không hay biết. Đêm thơm như một giòng sữa dưới vườn nhà Thạch, thoang thoảng hương lài, hương nhãn tỏa trong đêm. Trăng thượng tuần trải dài trong ngôi vườn thanh vắng như một giòng sữa mát. Hay quá, hắn mê giọng hát và tiêng đàn trong đêm ngủ nhờ lại nhà Thạch mất rồi. Đêm, thơm như một giòng sữa. Sao nghe yên bình quá vậy. Chiến tranh như bị hương thơm của những loài hoa trong vườn nhà Thạch xua đi, chỉ còn lại nỗi thanh bình trong những lối đi mòn qua những câu hát của người cùng đi trốn ngủ. Một nỗi bình yên đang nhè nhẹ tới với hắn. Bình yên. Hắn nhắm mắt để hưởng hết cái dịu ngọt của đêm trăng thượng tuần dưới khu vườn nhà Thạch. Không còn phải nhìn thấy những ông xã, những nhân viên hành chánh ở những nơi mất an ninh đạp xe đi tìm chỗ ngủ. Yên bình quá, bạn ơi, hát nữa đi. Và, hắn nhắm mắt...

 

Dòng sông bên kia khu vườn nhà Thạch vẫn sáng lấp lánh dưới trăng. Tiếng hát của người bạn Thạch trong đêm như còn vươn xa hơn qua bên kia dòng sông, chạy dài trên những động cát đỏ au. Mà nơi bờ sông này thuở hắn vào khoảng 8 hay 9 tuổi đã theo mẹ đến đây để thăm bố hắn. Khi đó bố hắn đang phục vụ trong quân đội Việt Pháp. Hình như tiểu đoàn 81 GI thì phải. Hắn nhớ  đã đi lại nhiều lần trên bờ sông này trong những ngày nghỉ học được mẹ cho đi thăm bố. Những dãy nhà lính cất lên bên bờ sông, và mỗi đêm hắn đã nghe những đồng đội của bố hắn  nói chuyện ở phía bên kia sông. Bên đó là những động cát chạy dài ra tới biển. Bên đó là những vườn nhãn hoang trùng trùng điệp điệp. Bên đó lại còn có dấu chân cọp để lại trên những đồi cát hoang vu, và những đứa bé không được qua bên kia sông vào buổi chiều chạng vạng. Để rồi hắn nhớ mãi cái tên gọi của đồi cát hoang vu đó: Động  Thái An. Con người ta cũng khéo đặt cho những tên làng, tên xã, tên đất đai một cái tên thật an bình, mà ngẫm nghĩ lại chẳng chút an bình sau này. Cuộc đời binh nghiệp của bố hắn chấm dứt, tới hắn, thì động Thái An bên kia sông chắc không còn có những dấu chân cọp, mà như người bạn hắn hành quân qua bên kia những ngọn đồi cát trùng điệp đó, đã viết: Đêm nằm bắt võng trên đồi cát. Nghe súng đằng xa nổ cát cù.... Mật khu Lê Hồng Phong hôm nay.

 

Súng đạn ngày hôm nay không chừa chỗ nào. Cho nên đêm phải có người đi tìm chỗ ngủ. Cũng như hắn, về thị trấn nhỏ này thăm Thử thì đêm cũng phải tìm một chỗ ngủ tạm  qua đêm, không dám ngủ lại bịnh xá.

 

Thuở đó, con phố này vui lắm. Khu chợ ồn ào, Buổi sáng, đứng trước khu nhà dành cho binh sĩ, hắn đã thấy những người Chàm đội hàng trên đầu ra chợ. Những con dê nhởn nhơ ăn lá keo dọc theo bờ sông. Bây giờ trại gia binh đó đã tháo gỡ, con đường  cũng đã đổi thây, mất hút những hình ảnh rất  quen thuộc trong ký ức của hắn. Con đường đã được mở rộng. Chỉ còn lại chăng là hàng me bên đường vẫn được giữ nguyên. Những động cát bên kia sông vẫn mờ mờ trong đêm trăng vắng. Và rồi ai cũng mơ: đêm thơm như một giòng sữa...như tiếng hát của người ngủ nhờ qua đêm.

 

Chiến tranh đang về trong phố thị nhỏ bé. Nơi đây có Thử đang làm việc. Nơi đây có những bạn hắn đang làm việc ban ngày, còn ban đêm phải đạp xe đi tìm chỗ nào  hơi an toàn để ngủ . Có lần Thử đã nói với hắn mấy người bên kia những ngọn đồi cát đêm lẻn về bịnh xá lấy thuốc men. Thử sợ quá, phải giả làm bịnh nhân trong số vài ba bịnh nhân nằm lại  điều trị. Vì sợ, nên mặt mũi tái xanh, nằm trùm chăng rên ư hử. Những tia sáng của ngọn đèn pin quét ngược, quét xuôi tìm kiếm cô y tá của bịnh xá. Tiếng đập tủ thuốc. Tiếng la hét: nó ở đâu. Bắt nó. Nằm trong chăn mà muốn vãi nước đái ra quần, trông cho trời mau sáng để mấy người  bên kia những ngọn đồi cát rút đi. Trước khi rút trời còn sẫm tối, họ đã đốt  chiếc xe hơi của bịnh xá duy nhất. Những lần sau, hắn về thăm Thử, ngồi trước bịnh xá điều hiu này, Thử chỉ cho hắn cái xóm bên cạnh bịnh xá: mấy ổng về từ xóm này đó. Xóm Mận. Hắn nói. Mùa hoa mận trổ bông trăng xóa cả khu xóm mà năm nào Thử cũng gọi hắn về để nhìn hoa mận nở. Thị trấn nhỏ này  còn có  chỗ nào khác để ngắm hoa, dù là hoa mận. Hoa nở trắng cả khu xóm, vì nhà nào cũng trồng toàn mận. Mỗi lần hoa mận nở, Thử đưa hắn qua bên đó chơi. Cái xóm yên ắng, dễ thương chạy dài ra tới bờ biển cũng vắng bóng người qua lại. Những gương mặt hiền hòa trong những ngôi nhà lá lụp xụp nằm khuất dưới những cành mận trổ hoa trắng, trông thật dễ thương. Nhưng nào ngờ nơi đó lại là nơi xuất phát đoàn người về từ phía bên kia những đồi cát trong đêm. Từ ngày đó, Thử không đưa hắn qua bên kia xóm mận  nữa.

 

Thị trấn nhỏ như gắn chặt tình bạn bè. Mỗi lần về thăm Thử là tối phải đến nhà Thạch, và người đàn ông mà hắn quen cũng phải ôm đàn bỏ lại ngôi nhà  dưới chân những đồi cát, để đi tìm một chỗ ngủ.

 

3.

Gió từ dưới sông thổi lên , hắn nghe mát. Giờ này thủy triều lên lấp liếm sát bờ quán và những cây bần. Hắn vẫn ngồi im vỗ vỗ điếu thuốc xuống mặt bàn. Ngôi quán vắng,  không môt người khách nào tới vào cái giờ này. Hắn nhìn Khảng: lấy gì mà sống, hả ông? Khảng cũng nhìn ra mặt sông, xa vắng: cũng đắp đổi qua ngày. Phải chi có chút vốn như Huỳnh qua mở quán cơm bên kia thì khá hơn. Hắn nhìn trên gương mặt của Khảng, khắc khổ như một người tu hành, khô hóc, rồi nhìn lên vách lá chiếc đàn guita đã tróc nước sơn treo trên vách, có lẽ là người bạn tri âm với Khảng.  Hắn hớp một ngụm nước trà nóng, hỏi: Còn ngôi nhà của cậu dưới chân đồi cát đâu, sao cậu không ở đó. Chẳng còn nữa, bà chị trên rừng về chiếm chỗ, tôi phải ra đi. Hắn hỏi: sao lạ vậy, cậu là trưởng, nhang khói thờ phụng? Thạch nói cay đắng: đổi đời. Ngôi nhà mà hắn đã đến một lần vào mùa hoa bắp trổ, hoa đậu phụng nở vàng ối lấp thấp trên những vồng đất được vun xới, làm cỏ cẩn thận. Ngôi nhà ngói cổ nằm khuất sau một khúc quanh của con sông. Và những đồi cát. Lần đầu tiên hắn thấy cát di chuyển theo hướng gió tạo thành những con sóng cát lăn tăn thật đẹp. Cát cũng đổi màu theo ánh mặt trời sáng trưa chiều. Ngôi nhà có gió lộng bốn hướng, nhưng Khảng vẫn ở không được, mỗi ngày, khi mặt trời lặn bên kia những đồi cát, là anh phải ôm đàn đi tìm chỗ ngủ. Chưa một lần Khảng dám ngủ lại nhà để nhìn thấy ánh trăng chiếu sáng trên rẫy nương. Chưa một lần Khảng dám ôm đàn ngồi hát trước hiên nhà vào những đêm trăng sáng như giòng sữa. Chưa. Chưa bao giờ. Hắn nghe nói như vậy, và hôm nay Khảng sống trong ngôi quán vắng, im ắng này. Đổi đời, như Thạch nói.

 

Hắn về thăm thị trấn nhỏ để tìm lại những bạn bè, có lẽ một lần này thôi. Và thăm lại khu bịnh xá mà ngày nào Thử làm. Một kỷ niệm mà lúc nào hắn cũng trân qúy. Hắn muốn tìm lại và đi lại trên những con  đường mà dấu chân lún sâu dưới cát mỗi lần bước đi. Hắn hỏi Thạch về khu bịnh xá và xóm mận  có gì thay đổi không. Xóm bờ đê cũng như nhà thuốc Tây ở đầu đường vào bịnh xá. Buồi sáng hôm sau, hắn đến và ngồi thật lâu trước hiên bịnh xá mà ngày nào hắn và Thử đã ngồi. Hắn vân vê hòn sỏi trên lối đi. Nhân viên trong bịnh xá qua lại tưởng hắn là thân nhân của một bịnh nhân nào đó, đang chờ. Hắn nhìn qua bên kia, xóm mận cũng đã thay đổi nhiều. Những ngôi nhà lá lụp xụp đã mất dạng, thay vào đó là những ngôi là ngói mới. Nhà của chính sách.

 

Ngồi trên bậc thềm của bịnh xá, hắn muốn nghe lại tiếng guốc quen thuộc ngày nào của Thử qua lại trên hành lang, hay đến từng giường của bịnh nhân. Tiếng guốc, tiếng nói như còn vang lại đâu đây, làm sao mất được. Thì bỗng, có tiếng guốc dừng lại, và tiếng người đàn bà, hỏi:

- Thầy về rồi đó sao?

Hắn nhìn:

- Chị. Chị Tám phải không?

- Dạ. Em đây. Thầy vẫn mạnh?

- Cám ơn chị. Chị vẫn còn làm ở đây sao?

- Dạ. Lao công mà.

Rồi chị nói thêm: gia đình của cô Thử đi hết rồi.

Hắn vờ hỏi:

- Đi đâu?

- Đi Mỹ. Còn thầy thì sao. Có đi không?

Hắn nhìn chị Tám, người lao công của bịnh xá hiền lành chất phác ngày nào khi Thử còn làm ở đây. Hắn lắc đầu đứng dậy, chào người lao công cũ, ra cổng. Hình như chị Tám vẫn còn đứng đó, ngó theo. Con đường cát trước bịnh xá, chỉ có dấu chân hắn lún xuống mỗi bước đi. Cô đơn. Cô đơn vô cùng tận./.

 

Phạm Văn Nhàn
Số lần đọc: 1712
Ngày đăng: 26.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiến tranh - Trần Hoài Thư
Kẻ hát rong không cần quen biết - Trần Hạ Tháp
Âm Thầm - Lê Văn Thiện
Đời đầy chuyện ngạc nhiên - Trần Hoài Thư
Máy In Tiền - Hoàng Xuân Hoạ
Còn cọng rau dền - Nguyễn Lệ Uyên
Những Người Tưởng Thân Nhau - Lữ Quỳnh
Trăng vỡ - Phạm Thanh Phúc
Quá đã - Lê Văn Thiện
Lãnh địa mèo rừng - Hoa Ngõ Hạnh