Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
728
115.983.307
 
Tai ngược
Phạm Lưu Vũ

Cái tin ông Tiện vừa thoát khỏi cảnh sống cứ phải đeo trên cổ mình một kẻ khác ấy làm cho cả làng Chét vừa lạ, lại vừa mừng. Lạ là vì hàng mấy chục năm nay, người ta đã tìm đủ mọi cách, vẫn không sao gỡ được kẻ kia ra khỏi cổ ông, cứ tưởng nó dính liền da, liền thịt nên mới phải bó tay. Ai dè tới lúc rời hẳn nhau ra rồi, mới thấy chẳng có chỗ nào dính nhau hết. Mừng thì một là mừng cho ông được nhẹ gánh, trở lại bình thường như bao người khác. Hai là mừng cho cả làng Chét từ nay tiệt nọc cái sự quái đản kia, để những kẻ độc mồm độc miệng trong thiên hạ không còn cớ mà thêu dệt hết chuyện này đến chuyện khác, mà coi dân làng Chét như một thứ dị chủng trên đời.

 

Kẻ cưỡi lên cổ ông Tiện kia cũng có tên, có tuổi hẳn hoi. Tên gã là Kiền. Cách đây dễ đến bốn năm mươi năm gì đó, lúc ấy cả Tiện lẫn Kiền mới chỉ là những chú bé lên ba. Hai nhà bố mẹ vốn là hàng xóm của nhau, cách nhau vừa đúng cái ao bèo. Mấy đứa anh, đứa chị được giao bồng bế, trông nom vẫn để chúng lê la bên cạnh nhau, lắm khi còn bôi ngoe ngoét lên mặt đủ thứ bùn đất lẫn nước đái do chúng tự đái ra. Một hôm mấy đứa lớn kia mải chơi, khi quay lại bỗng thấy cái thằng bé Kiền ấy đang vắt vẻo trên cổ thằng Tiện, hai chân nó quặp chặt xuống ngực thằng kia, gỡ thế nào cũng không nhả ra. Lạ nhất là thằng bé Kiền tỏ ra thích thú đã đành, ngay cả cu Tiện cũng chẳng có phản ứng gì, cứ nhơn nhơn như việc đến lúc phải  xảy ra như thế. Đám trẻ hoảng hốt kêu ầm cả xóm. Người lớn xúm lại tìm đủ cách, hết dỗ dành lại bạo lực, kể cả cù vào nách cho thằng Kiền cười ré lên. Mặc!. Hai chân nó càng quặp chặt lấy nhau, kiên quyết không rời. Chẳng lẽ lại bẻ gãy cẳng thằng bé họa may gỡ ra được chăng? Sợ để lâu nó thành tật thì nguy. Bố mẹ chúng bàn nhau phải đưa đi bệnh viện, nhờ y học can thiệp giải quyết cái "sự cố" có một không hai này.

 

Các bệnh viện tuyến dưới (huyện, tỉnh...) không xem xét kỹ, vừa thoạt nhìn thấy hai thằng bé đeo vào nhau như thế, đã tưởng chúng thuộc trường hợp song sinh dính liền, bệnh viện mình không đủ khả năng mổ tách, cứ nhất tề giới thiệu ngay lên bệnh viện tuyến trên. Rốt cuộc phải đưa chúng lên tận bệnh viện trung ương. Bệnh viện trung ương thì rõ là vừa chu đáo, lại vừa có kinh nghiệm rồi. Xưa nay khối trường hợp dính nhau sẵn từ trong bào thai, người ta còn tách ra làm hai được. Huống hồ hai thằng bé này, không những khác cha khác mẹ, lại là đẻ ra ngoài rồi mới dính. Lúc đầu người ta cũng dùng các phương pháp vật lý cổ truyền, ấy là xoa nắn, co kéo... rồi đến tiêm cả thuốc mê nữa. Tất cả đều vô hiệu. Các giáo sư, bác sĩ  bấy giờ mới thấy nghiêm trọng, bèn cho tiến hành chụp X quang.

 

Kết quả X quang làm kinh ngạc hết thảy mọi người. Chẳng phải chúng đùa bỡn gì mà cưỡi cổ nhau (cũng chẳng ai cho rằng chúng đùa bởi mới lên ba, biết gì mà đùa với bỡn). Sự thực là chúng đã dính chặt với nhau thật rồi. Muốn tách ra, chỉ còn cách phải can thiệp bằng phẫu thuật. Bấy giờ mới lại gay go. Những trường hợp dính nhau chỗ khác như chân tay, lưng bụng... thậm chí dính cả đầu vẫn có thể mổ tách được. Đằng này chúng lại dính nhau ở cổ theo cái kiểu đứa nọ cưỡi đứa kia ấy mới thực là nan giải. Y văn thế giới cổ kim không hiểu sao chưa hề chép một vụ nào tương tự. Các giáo sư, bác sĩ đau đầu suy đi, tính lại. Bao nhiêu phương án được đưa ra. Không phương án nào đảm bảo trọn vẹn. Chung quy cứu thằng Kiền thì hỏng thằng Tiện, cứu thằng Tiện lại hỏng mất thằng Kiền. Giá như chúng cùng một mẹ, may ra có thể cân nhắc, lựa chọn phương án tối ưu... Đằng này đứa nào cũng có riêng bố mẹ đàng hoàng. Chẳng bên nào lại nhẫn tâm hy sinh con mình cho bên kia cả. Rốt cuộc đành bó tay, đợi chúng lớn lên, thành người hiểu rõ lý lẽ đã rồi tính. Được cái hai đứa vẫn vui vẻ khoẻ mạnh, vẫn phát triển bình thường. Chỉ có thằng Tiện thì trông có hơi tội nghiệp một tý. Bố mẹ nó mỗi khi nhìn con mình phải chịu cảnh bị đứa khác cưỡi lên cổ ấy, cũng không khỏi cảm thấy xót xa...

 

Làng Chét xưa nay vốn có truyền thống mê tín dị đoan. Ngay khi việc ấy xảy ra, có nhiều kẻ đã cho rằng trong "vụ" này có bàn tay của ma, quỷ gì đây. Thế là sau khi đưa chúng từ bệnh viện trung ương về, hai gia đình bèn đánh tiếng mời thầy cúng về làm lễ giải hạn, trừ tà. Gặp đúng lúc nghề thầy cúng khắp nơi đương đói việc. Các thầy lập tức lũ lượt kéo đến, thầy nào cũng tự vỗ ngực rằng mình cao tay ấn, cũng viện hết sách này sách nọ, lôi hết đấng nọ đấng kia ra để chứng tỏ cái sự thông thái của mình.

 

Bấy giờ giữa các thầy cúng diễn ra một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi, huyên náo. Tất nhiên không ai nhường ai. Nhưng đại khái chia ra hai phe. Một phe cho rằng tại kiếp trước, thằng Tiện mắc nợ thằng Kiền nhiều lắm, kiếp này phải trả nợ(!). Nhưng là nợ cái gì, mà bắt trả bằng cái kiểu cưỡi cổ thế kia thì các thầy chịu. Có thầy nói trắng hếu ra rằng biết đâu ở kiếp trước, chính thằng Tiện kia cũng đã từng cưỡi lên cổ thằng Kiền như thế này(?). Một phe thì cho rằng chẳng có "nợ nần" gì ở đây hết. Chẳng qua đó là ma quỷ đang... "chơi nhau" mà thôi. Đại khái vì "ma" này muốn cưỡi cổ "ma" kia nên làm ra như thế. Rốt cuộc cả thằng Tiện lẫn thằng Kiền đều là "nạn nhân " của cái cuộc "chơi nhau" ấy(?).

 

Tóm lại, nguyên nhân dù là nợ nần từ kiếp trước hay do ma làm thì phương pháp duy nhất để giải vẫn chỉ là... cúng mà thôi. Nợ nần thì cúng để trang trải, ma ám thì cúng để trừ ma. Thế là lập đàn khấn vái, sì sụp hương khói hết ngày này sang ngày khác. Thần thánh tứ phương được các thầy "triệu" đến khi bằng hò hét ra oai, khi bằng đốt sớ thả cửa như đốt... giấy lộn. Kết quả, hai thằng bé cứ nhơn nhơn, chỉ thỉnh thoảng ho sặc sụa vì khói hương, khói giấy... Thế mới biết rằng xưa nay, nợ nần hay ma ám gì gì đó mà cứ trừ được bằng cách "cúng cáp" cải lương như thế này thì cuộc đời hẳn đã đơn giản đi bao nhiêu lần. 

 

Khỏi phải nói hai nhà ấy "thi hành" cái phương pháp mê tín dị đoan kia kiên trì đến mức độ nào. Hết thầy này thất bại lại đến thầy khác. Thầy nào cũng khẳng định mình cao tay hơn người tiền nhiệm. Chung quy cũng chỉ là lập đàn, đốt sớ... Thế rồi nào lợn, nào gà, thậm chí cả dê, chó nữa cứ liên tiếp "hy sinh" cho các thầy hò hét, các cô đồng múa may. Rốt cuộc tốn tiền vô ích. Khi ấy có một người chỉ chắp tay sau đít mà tủm tỉm, mà nói toạc ra giữa làng rằng các thầy cúng chẳng làm gì được đâu. Người ấy cam đoan có cách gỡ cái thằng Kiền kia ra khỏi cổ thằng Tiện. Nhưng bây giờ thì chưa phải lúc.

 

Kẻ tuyên bố như thế là một người đứng tuổi không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà. Tóm lại đó là một người ái nam ái nữ bẩm sinh. Song điều đó không quan trọng. Chỉ biết rằng đó là một bậc đức độ trong làng. Dân làng Chét có thời hoang mang không biết gọi ngài là ông hay là bà, nhân lấy đức mà xưng hô, bèn gọi là ngài "Đực giả" (đúng ra là "Đức giả", nghĩa là nhà đạo đức, giống như học giả, trí giả..., nhưng do cách phát âm địa phương ở đây nên phiên âm thành như thế). Nhận định của ngài "Đực giả" ấy quả nhiên chí lí. Ròng rã hàng năm trời cúng bái, các thầy cúng lần lượt thất bại, không làm suy suyển tý nào chứ đừng nói gỡ được thằng Kiền ra khỏi cổ thằng Tiện. Đã thế càng lớn, chúng càng tỏ ra dính chặt hơn. Giờ thì chúng đã liền thành một khối, thậm chí còn thông nhau cả đường ăn ỉa, nói cười... Cha mẹ thằng Tiện đã nghĩ đến chuyện con mình phải mang trên cổ thằng Kiền suốt đời. May mà hai đứa vẫn phát triển bình thường, thậm chí còn khỏe mạnh, khôi ngô. Dần dần mọi người rồi cũng quen đi, không ai để ý nhiều đến chúng nữa...

 

Ngài "Đực giả" giữ đúng cam kết. Chờ lúc cả hai đã đến tuổi thành niên, ngài mới ra tay. Phương pháp té ra đơn giản. Theo ngài thì cái gì cũng do ý chí của con người quyết định. Nhà đạo đức dĩ nhiên dùng đạo đức để cảm hoá tất cả, từ tính cách đến số phận con người. Nhận thấy hai thằng đã có khả năng hiểu biết hẳn hoi, ngài "Đực giả" bèn dùng những bài giảng của mình, giảng cho mỗi thằng nghe một nội dung khác nhau. Với Kiền, ngài giảng đại khái rằng thật không may khi trót trèo lên cổ người ta rồi không xuống được nữa. Không ai chê trách điều đó song cũng không hay ho gì cái việc cưỡi cổ, vì con người cần phải bình đẳng, để phúc đức lại cho con cháu... Tóm lại ngài khuyên thằng Kiền nên nghĩ tới việc nới dần ra, tập trung ý chí cao, phấn đấu rời khỏi cổ thằng Tiện càng sớm càng tốt, làm một người bình thường, tự đi lại bằng đôi chân của mình.

 

Với Tiện, những bài giảng của ngài "Đực giả" có khác đi một chút. ấy là thôi thì số phận đôi khi tuy có hơi tai ngược, song ngẫm kỹ lại, chẳng qua cũng bình thường thôi. Trót để cho người ta trèo lên cổ mình từ thuở lên ba thì cũng coi như một tai họa bẩm sinh(!). Thế nhưng ai mà chẳng muốn tự do tự tại, đi đâu, làm gì tuỳ thích, lại cứ suốt ngày phải ngồi trên cổ người khác làm gì. Vậy thằng Tiện kia cũng phải có ý chí, vừa chịu đựng, vừa giúp cho thằng Kiền dần dần có lối mà thoát ra khỏi cổ mình...

 

Ngài "Đực giả" kia cứ giảng, hai chàng trai cứ nghe, và mặc dù trí thông minh cũng  không đến nỗi nào, nhưng hai chàng có vẻ cứ như... vịt nghe sấm. Không thế thì cũng là tai nọ chui ra tai kia. Bằng chứng là hai chàng cứ trơ ra, không hề nhúc nhích hay cảm động mảy may trước những bài giảng khôn ngoan tuyệt hảo ấy. Lại ròng rã mấy năm trời như thế. Có lẽ đã hết kiên nhẫn với những kẻ ngoan cố, ngài "Đực giả" quyết định phải dùng đến phương pháp khác, ấy là nói nhẹ không nghe thì nói... nặng. Ngài bắt đầu mắng nhiếc, ban đầu còn sơ sơ, sau dần dần đến mức thậm tệ. Nào là con người cần có lòng tự trọng, cần phải biết xấu hổ. Một thằng thì sướng gì mà cứ ngồi trên cổ người ta thế kia, làm cho thân thể tuy béo tốt phương phi, nhưng cái mặt phèn phẹt cứ ngày càng bệu ra, trông như mặt cô hồn. Dẫu có cái thú bắt thiên hạ phải ngước mắt lên mới nhìn được, nhưng chính mình có khi tuyệt cả đường con cháu thì sao... Một thằng thì để cho người ta cưỡi cổ mãi mà không thấy buồn, thấy vướng. Cái thân thể ăn no vác nặng tuy có vạm vỡ lực điền, nhưng mà ngu si đần độn, dở điên dở khùng, biết bao giờ mới sáng mắt ra...

 

Cứ như thế ngài tăng dần "liều lượng" những câu mắng, sau thành ra chửi bới thẳng thừng. Đến mức ngài bố trí dân làng, toàn người to mồm đứng dọc hai bên đường, những nơi mà hai chàng ngất nghểu đi qua, cứ vài chục bước chân lại có một người chờ sẵn. Tất cả cứ chõ vào hai chàng mà nguyền rủa, mà chửi có bài bản, lớp lang, có văn chương, vần điệu hẳn hoi... Những bài chửi ngài soạn ra hay đến nỗi làng nước thuộc lòng, gặp đúng lúc mồm miệng ai ai cũng hình như đang... ngứa ngáy. Thế là dân làng tranh nhau, người ta phải xếp hàng chờ đến phiên mình được phân công ra... chửi. Luôn hàng tháng trời như thế, làng Chét thành ra ầm ĩ toàn những chửi là chửi. Người thiên hạ có việc vào làng không hiểu ra làm sao, có người mới đầu cứ tưởng chửi mình, đâm ra gây gổ nhau, suýt xảy ra án mạng...

 

Thế mà cũng đến lúc tự dưng im bặt, không ai dám ho he gì nữa. Số là cái "dàn đồng ca" kia bị sự cố. Một hôm ai cũng thấy đau mồm, nhẹ thì hơi ê ê, nặng thì sưng vếu hết cả mồm mũi. Người càng có giọng to, càng chửi nhiều càng bị nặng. Ban đầu cứ tưởng đó chẳng qua chỉ là một sự cố cơ học thông thường, nghĩa là cái cơ quan phát âm ấy do hoạt động hăng mà quá tải hoặc bị sây xước nhiễm trùng chăng. Về sau cả những người vốn dĩ chỉ lẩm bẩm hay thậm chí chửi thầm, chửi vụng... cũng bị sưng mồm lên hết lượt thì mọi người mới phát hoảng. Làng xưa nay tưởng ghê gớm chứ thực ra toàn người yếu bóng vía. Từ đó đâm ra im thin thít, người nọ lấm lét nhìn người kia. May mà dần dần rồi cũng khỏi cả, chỉ mấy người nặng nhất bị di chứng hoặc méo mồm hoặc vẹo mũi mà thôi.

           

 

Rõ ràng là hai chàng kia không những không hề có cái gọi là lòng tự trọng, mà còn không biết xấu hổ là gì. Hai chàng vẫn kiên trì giữ nguyên hiện trạng, nghĩa là người nọ vẫn vắt vẻo trên cổ người kia mặc cho cả làng tốn công vô ích. Tuy nhiên ngài "Đực giả" dù cũng không dám ho he gì nữa, song vẫn tin rằng đến một lúc nào đó, cả hai nhất định sẽ phải rời nhau. Mà quả thực về sau hai người rời nhau ra thật. Nhưng phải đợi mãi tới khi cả hai đã vượt quá cái tuổi trung niên, nghĩa là khi ấy làng đã phải gọi họ là "ông" rồi. Xảy ra cái sự kiện động trời ấy, ngài "Đực giả" ngay lập tức nhận công về mình, ngài quả quyết rằng những bài giảng (hay chửi) ngày trước của ngài bấy giờ mới thấm(?). Song có một người khác trong làng thì lại cho rằng đó là kết quả của một vụ động đất vừa xảy ra.

 

Người có cách giải thích khác ấy là một ông già ngoài bẩy mươi tên Tuất, Làng vẫn gọi là lão Tuất hâm. Sở dĩ gọi như thế vì suốt đời, lúc nào lão cũng rỉ tai với dân làng Chét rằng đất làng "động" đấy chứ không "yên" đâu. Nào có ai cảm thấy đất làng nó "động đậy" gì, song lão cứ khăng khăng chứng minh cho bằng được. Mà cái "căn cứ" làm cho lão khẳng định điều đó xem ra chẳng có chút cơ sở khoa học nào. ấy là từ cái hồi lâu lắm, không hiểu sao người ta bỗng lên cơn giận dữ gì đó mà phá sạch cả đình lẫn chùa làng. Lắm kẻ hung hăng mặt đỏ như gà chọi còn khuân hết cả tượng, đem quẳng ráo xuống sông. Các pho tượng hiền lành vô hại, dễ đến mấy trăm năm yên vị trong chùa, tưởng mãi mãi làm bạn với bụi bặm thời gian, với ánh sáng nhờ nhờ và dọc ngang tơ nhện... Vậy mà đến lúc cũng phải ra sông tắm mát theo cái kiểu bị tống khứ đi cho rảnh. Anh cu Tuất lúc bấy giờ xót lắm, song không dám ra mặt bao che. Buổi chiều người ta quẳng tượng xuống sông, đến đêm anh cu Tuất mới dám lần ra khúc sông ấy hì hụp lặn mò. Rất lạ là nước sông không chảy mà các "vị" trôi đâu hết cả. Lặn ngụp mãi, anh cu Tuất chỉ vớ được mỗi cái đầu tượng tròn lông lốc với vết gãy lởm chởm ngay giữa cổ. Anh bèn mang về, lau sạch sẽ rồi để vào cái đĩa sứ, đặt lên bàn thờ. Vì cái vết gãy nó khấp khiểng quá, không dựng đứng cái đầu trong đĩa được, anh cu Tuất đành phải để phần gáy xuống dưới, cho cái đầu ngửa mặt lên trời. Một điều lạ là bàn thờ nhà anh không hề có gió máy, cũng không có chuột bọ hay chó mèo gì quấy quả, nghĩa là đảm bảo yên tĩnh tuyệt đối. Vậy mà cái đầu lâu giả ấy có vẻ cứ như là băn khoăn trằn trọc, không chịu nằm yên. Mỗi bận thắp hương, anh cu Tuất lại thấy nó quay về một hướng. Thôi thì hết ngửa mặt nhìn trời lại úp đầu xuống đất, đủ bốn phương tám hướng trên đời. Lại còn những đêm trăng sáng, ánh trăng xiên từ kẽ ngói trên nóc nhà chiếu thẳng xuống cái đầu tượng. Làn bụi bặm nhẹ tênh nhảy múa trong ánh trăng cứ như thể cái đầu đang bốc hơi ngùn ngụt. Luôn mấy chục năm trời như thế, cái đầu cứ quay tròn mà vẫn không ra khỏi chiếc đĩa sứ tròn xoe. Anh cu Tuất chỉ còn cách rút ra kết luận rằng nguyên nhân là do đất làng này "động"...

 

Đất làng Chét "động". Không những thế, mức độ mạnh yếu thỉnh thoảng có khác nhau. Như cái lần vừa xảy ra đây thì là mạnh nhất. Đêm ấy nghe động biết là có chuyện, lão Tuất hâm chạy tới bàn thờ, thấy cái đầu tượng kia không những quay đảo ầm ầm trên đĩa, mà còn văng hẳn ra ngoài. Lão vội vàng lao tới nhưng không kịp. Cái đầu tượng lăn lông lốc mấy vòng trên mặt bàn thờ rồi... rơi oạch xuống nền nhà, vỡ vụn ra thành một đống đất sét khô. Lão Tuất hâm rợn người nghĩ thế này thì là động đất hẳn hoi rồi, thể nào cũng có chuyện phi thường. Đến sáng hôm sau quả nhiên cái ông Kiền kia vừa mới rời khỏi cổ ông Tiện.

 

Hai ông đã rời nhau ra, cả hai nhà đều mừng rỡ. Mừng nhất là nhà ông Tiện, người đã tưởng phải đeo gánh nặng trên cổ suốt đời. Riêng ông Kiền do ngồi quá lâu trên cổ người ta, nên chỉ có từ cái mặt cô hồn xuống đến bụng là phát triển, còn chân tay teo tóp đi hết cả. Ông trở thành người vô dụng, chỉ nằm một chỗ, xem ra cũng khó có thể sống lâu. Con cháu nhà ông Tiện mở hội ăn mừng, mời linh đình khắp làng trên xóm dưới. Hội mừng kéo đến mấy hôm, sự sung sướng tưởng không bao giờ chấm dứt...

 

Thế mà có ai học được chữ ngờ. Cứ tưởng hai ông rời nhau là hết chuyện. Ai dè sự sung sướng ấy duy trì chẳng được bao lâu. Chuyện sinh ra lại chính từ phía ông Tiện. Số là một thời gian sau, ông cứ ngơ ngẩn như người mất hồn. Nghiêm trọng hơn, chân tay ông lúc nào cũng rung bần bật không sao mà hãm lại được, người ngợm không ngớt quay cuồng như lên cơn động kinh. Đang khoẻ khoắn đi đứng, làm lụng quần quật như vâm, tự nhiên thành yếu ớt, lẩy bẩy như đứa trẻ lên ba. Cũng phải thôi, già nửa đời cõng một trọng lượng tương đương mình trên cổ, nay bỗng dưng cất đi thì hụt hẫng, thì mất thăng bằng chứ sao. Lúc đầu ai cũng nghĩ như thế, cũng tin rằng rồi đến lúc ông sẽ quen dần đi thôi. Song càng ngày sự hụt hẫng, ngơ ngẩn của ông càng có chiều hướng gia tăng. Đến nỗi ông chỉ còn thở hồng hộc, bọt mép sùi ra, mắt trợn ngược, không ăn uống gì được, sút cân đi nhanh chóng. Bấy giờ con cháu mới phát hoảng. Hay là ông nhớ nhung gì cái ông Kiền kia? Không phải. Có vẻ như ông chỉ nhớ cái cảm giác được đeo nặng trên cổ mà thôi. Thế là có kẻ không biết nghĩ sao bèn thử trèo lên cổ ông, ngồi vắt vẻo theo kiểu của ông Kiền trước kia xem sao. Quả nhiên ông lập tức lại trở lại bình thường, mặt mũi thoắt cái trở nên thư thái, hơi thở điều hòa, chân tay linh hoạt...

 

Tóm lại là ông Tiện đã quen được người khác cưỡi trên cổ đến mức chỉ có như thế, ông mới yên ổn. Bằng không ông không những mất thăng bằng, hụt hẫng đến cả lý trí, mà còn sinh bệnh, sinh tật dễ ngoẻo như chơi. Cái kẻ trèo thử kia lạ sao cứ ngồi mãi, cũng... không chịu xuống nữa. Hình như cưỡi trên cổ ông có gì hấp dẫn, có gì mê ly làm cho người "ngự" ở đó sướng lắm hay sao? Dân làng trố mắt lên kinh ngạc. Thế rồi vừa tò mò, vừa háo hức. Người ta tìm cách lôi kẻ kia xuống cho người khác leo lên kiểm nghiệm lại xem sao. Lần này thì chỉ cần dùng biện pháp cơ học (nghĩa là kéo gã xuống) là xong. Người thứ hai trèo lên, quả nhiên mặt tươi hơn hớn, cánh mũi phập phồng, tỏ rõ vẻ mãn nguyện, sung sướng đến rợn cả tim gan. Đến lượt gã này cũng cố gắng dây dưa, không chịu tự giác xuống khỏi cổ ông nữa. Đúng là cổ ông Tiện hấp dẫn lắm, cưỡi trên đó được sướng mê tơi... Lập tức tin đồn lan đi khắp làng. Bấy giờ mới vỡ lẽ, thì ra cái sự đam mê được cưỡi trên cổ người khác ấy có ở tất cả mọi người, chẳng riêng gì cái ông Kiền ngày trước. Có điều làng chỉ có mỗi ông Tiện, trong khi ai cũng tranh nhau đòi cưỡi...

 

Ấy thế mà hoá ra lại may phúc cho đám con cháu trong nhà (ông Tiện vẫn có vợ con bình thường, tất nhiên cái giường của ông phải dài gấp rưỡi. Nhưng việc đó không quan trọng nên không chép ra ở đây). Biết căn bệnh oái oăm của ông  chỉ chữa được bằng cách để cho người ta trèo lên cổ, lúc đầu đám con cháu ấy cứ tưởng sẽ phải bỏ tiền ra thuê mướn nhân công. Về sau thấy dân làng nhiệt tình quá mức, chúng bèn nghĩ tới chuyện phải “kinh doanh” cái chỗ cưỡi ấy cho khỏi phí của trời. Thế là đặt ra giá cả hẳn hoi, lúc đầu còn tính theo tuần, theo tháng. Dần dần, không những giá càng lúc càng leo thang, lại còn tính theo ngày, thậm chí tính theo giờ cưỡi mà vẫn đắt như tôm tươi. Thu nhập từ cái cổ trứ danh ấy dẫu không làm gia đình ông phất lên thành tỷ phú, vì lạy giời số miệng ăn trong nhà ông không phải là ít, lại còn phải cống nạp, đóng góp nọ kia... Song dù sao đó cũng là một kiểu kiếm sống lương thiện trên đời. Đến nỗi mấy đứa con, đứa cháu ông còn lăm le tìm cách để ông truyền nghề lại, phòng sau này thất nghiệp có chỗ mà kiếm miếng cơm.

 

Mà chẳng riêng gì đám con cháu ông Tiện. Ngay trong làng cũng có khối người thấy thế thì tưởng bở, cũng học đòi trưng cổ mình ra kinh doanh, cũng è đầu cho người khác cưỡi... Song, cái công việc ấy vất vả đã đành, lại còn phải chịu đựng lắm kẻ tai ngược, không những vắt vẻo trên cổ người ta, lại nhè ngay nơi đó mà đại tiểu tiện nữa mới thật sướng như tiên. Thành ra có anh không chịu được, đành phải mau chóng bỏ nghề. Tóm lại nghề ấy không những đòi hỏi phải có sức chịu đựng, phải dẻo dai từ bắp cơ cho đến cả lỗ mồm, lỗ mũi, mà nghe đồn còn phải có mồ mả truyền từ đời tổ tiên cụ kị... Rốt cuộc, dù có thêm người này người khác, song cái cổ ông Tiện kia vẫn là chỗ “xịn” nhất, vẫn là nơi diễn ra sự tranh giành quyết liệt nhất trong làng.

     

Nói gì thì nói, thời văn minh nhân bản này mà cứ phải cõng trên cổ một kẻ khác, thì kể ra cũng có phần bất công cho cái nhà ông Tiện ấy. Song cũng bởi tại ông cứ phải như thế mới yên ổn chân tay, mới khoẻ mạnh tinh thần. Chính ông còn không thắc mắc thì ai hơi đâu mà ái ngại thay cho ông nữa. Cái sự tranh nhau kiếm suất cưỡi lên cổ ông của dân làng gây ầm ĩ một thời gian dài, chẳng ai chịu nhường ai, bất kể bố con, hay anh chị em ruột. Trong làng cứ như có loạn. Đã thế kẻ nào trèo lên rồi, cũng không chịu xuống nữa, cứ phải có người túm cẳng lôi. Thế rồi sinh lắm tệ, nào là cá lớn nuốt cá bé, ỷ mạnh hiếp yếu, lấy thịt đè người... đủ các kiểu gian manh được đem ra thi thố, miễn sao dành cho được một suất thì thôi. Có kẻ biết sức mình không giữ nổi còn tìm cách nhường lại cho con cháu trong nhà... Đến nỗi người ta truyền nhau rằng, được cưỡi lên cổ ông Tiện không những sướng mê mẩn cả ba hồn bẩy vía, mà còn làm rạng rỡ, vinh danh từ tổ tông cho đến tận mấy đời con cháu sau này...

 

Lại nói ngài “Đực giả” bấy giờ chỉ còn biết nhắm mắt lắc đầu. Trước kia ngài lầm tưởng rằng chỉ có mình cái anh chàng Kiền ấy có cái thú cưỡi lên cổ người ta. Ngài mới nghĩ ra cách từ giảng giải đến chửi mắng để mà cảm hoá vân vân... Nay té ra mọi người đều có cái thú ấy cả, giảng giải đạo đức thì ai nghe, chẳng lẽ lại đi chửi cả làng. Tóm lại từ đó ngài bưng tai bưng mắt, lù lù sống giữa cuộc đời mà vừa như có lại vừa như không. 

 

Tình trạng tranh giành nhau chỗ cưỡi ấy kéo dài thì xấu hổ cả làng, thiên hạ không ai thèm chơi với nữa. Những người có học bèn họp nhau lại bàn tính, định rõ ra tiêu chí đàng hoàng. Lúc đầu kẻ được ưu tiên phải có tướng mạo, cốt cách phương phi, sinh đẻ đúng vào giờ ăn trên ngồi chốc. Rồi đến ưu tiên cho kẻ có mồ mả táng vào nơi hàm rồng hang cọp, đời ông, đời cha đã từng làm ông nọ, ông kia... bất kể kẻ ấy xuất thân tử tế hay thành phần trộm cắp, lưu manh, miễn là sự trâng tráo phải đạt tới mức phi thường... Rồi áp dụng đến cả cách bốc thăm may rủi, đấu trí, đấu lực tay đôi, tay ba... Song cũng chỉ được ít lâu, những cách ấy lại sinh ra tệ ăn gian, ăn bẩn, lại bè cánh, đút lót, mua qua, bán lại nọ kia... không làm sao cho công bằng được. Rốt cuộc làng phải định ra kỳ hạn hẳn hoi, rồi tiến hành bầu bán bằng phiếu kín đàng hoàng. Thế mà vẫn có kẻ tìm cách ăn gian, vẫn nấn ná không chịu tự giác rời khỏi cái cổ quý hoá ấy mặc dù kì hạn đã hết từ lâu. Tóm lại đa phần đều phải lôi cổ xuống mới có chỗ cho người tiếp theo...

 

 

Bây giờ thì việc ấy đã trở thành bình thường ở làng Chét. Ông Tiện rốt cuộc vẫn lúc nào cũng có người cưỡi lên cổ. Không hiểu ông có "di truyền" được cái "nghề" ấy cho con cháu sau này hay không?. Nếu không có sự di truyền thì hết đời ông Tiện, dân làng lấy đâu ra chỗ “xịn” như thế nữa mà cưỡi... Về sau có nhà bình luận bình rằng việc đốc chứng ra cái tật cứ phải để cho người khác cưỡi lên cổ mình mới yên ổn được là một biến thái tệ hại của con người. Song từ đó lại sinh ra cái tật thích cưỡi lên cổ người khác ấy thì xem ra còn tệ hại hơn...

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3957
Ngày đăng: 27.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điểm tựa trắng - Lê Đình Trường
Muỗi đói - Lê Đình Trường
Mũi lấn - Anh Động
Hoa hồng tỉ muội - Trầm Hương
Hoa So Đũa - Trầm Hương
Quỉ khóc - Thanh Giang
Viết từ ấn tượng vỡ vụn - Lê Đình Trường
Ánh lửa Chông Nô - Anh Động
Bóng chiều hôm - Nguyễn Thanh
Bông vông đỏ - Nguyễn Thanh
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)