Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
903
116.625.305
 
Trăng muộn
Lá Me

Trăng lên từ lâu lắm. Lũ trẻ trong xóm đã tắt những chiếc đèn lồng về hết rồi, mà Ngự vẫn còn trầm ngâm, tư lự. Vầng trăng nghiêng đầu sau ô cửa, lơ đãng chạm tay vào đám lá cây ngọc lan thẫm đen. Hoa chỉ vài cánh, nhưng đêm đã thơm lừng. Ngự hít một hơi dài. Hương hoa làm cô ngây ngất. Mới đó lại một mùa trăng nữa. Tóc Ngự đã dài hơn, ngỡ có thể chạm vào nỗi nhớ, một nỗi nhớ vắng im, mờ lặng. Mọi chuyện chừng đã xa, nhưng sự ám ảnh vẫn không rời. Nó lẩn khuất đâu đó trong Ngự, với đôi mắt thấp thoáng ánh nhìn của sự trách móc, nỗi hờn giận lẫn niềm tuyệt vọng vô biên.

 

Em có đi cùng anh không? Câu hỏi dội về, âm âm vang vọng. Hai người ngồi dưới ánh trăng bàng bạc. Sương đêm phả lên mái tóc Ngự một chút ẩm lạnh. Để Ngự nghe hơi ấm từ đôi tay Khả truyền sang. Ngự ngả đầu vào vai anh, quen thuộc mùi hương tóc. Ngai ngái mùi cỏ dại dưới chân. Ngự lim dim mắt. Cô không muốn phá vỡ cái cảm giác hạnh phúc này. Khả cúi xuống thật gần, Ngự nghe hơi thở anh ấm áp. Tim Ngự run rẩy, đầu Ngự váng vất như có hơi men. Khả thì thầm: đi với anh nghe em? Ngự im lặng không đáp. Cô vòng tay ngang người Khả siết chặt. Rồi Ngự bỗng nhiên vùng dậy,  cô đang muốn dang tay chạy nhảy dưới trăng. Khả đuổi theo đôi chân trần nhỏ xíu trắng ngần, thấp thoáng dưới ánh trăng huyền hoặc. Cỏ ướt. Đôi chân Ngự cũng ướt. Cho đến khi cô cảm thấy mệt nhoài thì cả hai đã tới bờ một con sông nhỏ. Dòng nước lấp loáng trắng bạc. Tiếng vạc sành gõ vào đêm thong thả, gợn buồn. Ngự ném một viên sỏi nhỏ. Những gợn sóng lan theo vòng tròn, lăn tăn mặt nước. Khả im lặng chờ đợi. Thật thì Ngự không biết phải trả lời Khả thế nào cho đúng lẽ. Yêu anh, rõ ràng Ngự không thể phủ nhận điều đó. Nhưng đi cùng Khả, quả tình Ngự còn đắn đo. Không phải vì những suy tính thiệt hơn, bởi tình yêu chân thành làm gì có sự so đo tính toán. Mà bởi Ngự thương mẹ. Bà đã già lắm rồi. Nghĩ theo kiểu Khả thì "làm người ai không khỏi chết, đó là quy luật". Ngự thấy Khả hơi tàn nhẫn trong cách nghĩ.

 

- Khả à, hay là mình đừng yêu nhau nữa!

 

- Em sao vậy? Đang bị giằng co giữa tình và hiếu à?

 

Ngự nhìn Khả, van nài:

 

- Em không thể xa mẹ được, anh hiểu không?

 

- Cứ kể như em lấy chồng xa xứ đi!

 

- Biệt xứ thì có!

 

Khả làm mặt giận:

 

- Nói như em con gái lấy chồng là biệt xứ hết chắc?

 

- Cũng tùy trường hợp.

 

Ngự nắm tay Khả thì thầm:

 

- Hay là mình cứ bồ với nhau tới già đi, nhưng đừng cưới!

 

- Anh không chịu nổi em rồi đó nghe!

 

Ngự mơ màng:

 

- Gì mà không chịu nổi, kể ra điều đó thật lãng mạn.

 

- Mẹ đã không chấp nhận  nên anh muốn sẵn dịp này mình tranh thủ…

 

Ngự cướp lời:

 

- Tiền trảm hậu tấu hả? Đứt đầu chứ không phải chơi. Anh thử đặt mình vào vị trí của mẹ xem?

 

- Em thì lúc nào cũng mẹ…

 

Khả bỏ lửng câu nói. Nước mắt Ngự chỉ chực trào ra, nhưng cô mau chóng giấu nó sau bờ mi. Cô không muốn Khả thấy sự yếu đuối của mình. Con gái mà cứng cỏi quá, coi chừng ế nghe con! Ngự đâu có cứng cỏi. Cô đang mủi lòng quá chừng mỗi khi nhắc tới mẹ. Hai mẹ con hẩm hiu từ nhỏ đã quen rồi. Để có một cuộc sống mới, không lẽ người ta phải đánh mất nhiều thứ như thế chăng? Bởi mẹ không chấp nhận Khả nên Ngự cảm thấy mình chênh vênh trong tình yêu. Nhưng Ngự nghĩ từ từ cô sẽ thuyết phục được mẹ. Còn Khả thì ngược lại. Anh không thể chờ đợi dài hơn. Nghĩ cho cùng thì Ngự cũng đâu sắc nước hương trời gì mà bắt người ta chờ đợi mình mãi như vậy. Giữa Khả và Ngự là một khoảng cách lớn về gia thế lẫn học vị. Mẹ không muốn Ngự tiếp tục với Khả cũng bởi điều đó. "Phải liệu cơm gắp mắm con à! Điều gì cũng có cái giá của nó hết". Ngự biết. Nhưng tình yêu là tình yêu. Ngự yêu Khả chứ đâu yêu tiền bạc, địa vị của anh. "Người đời không nghĩ như vậy đâu!". Mặc kệ họ. Ngự không quan tâm. Điều quan yếu là có hay không sự đồng điệu và thông cảm, thương yêu giữa hai người trong cuộc. Khả là một người đàn ông mẫu mực. Ngự hơi quậy quậy một chút, nhưng cả hai trông cũng được đôi. Bạn bè cứ bàn ra tán vào đòi ăn cưới. Ngự càng im lặng, Khả càng nôn nóng. Anh sắp đi sum họp gia đình và để hợp thúc hóa thủ tục, Khả muốn hai người lấy nhau.

 

Khả đâu hiểu được rằng, Ngự ngàn lần không thể. Điều anh nói, cũng phải thôi. Sự nghiệp và tương lai của mình, mình sống. Ba mẹ đâu thể sống thay mình được. Nhưng quan hệ máu mủ là một thứ tình cảm thiêng liêng. Khả cũng có gia đình, sao anh không chịu hiểu giùm Ngự?

 

- Quan niệm sống của em thật là lạc hậu, chán phèo!

 

Ngự xụ mặt. Khả thuyết phục:

 

- Rồi mình sẽ rước mẹ đi sau!

 

- Mẹ già quá rồi, anh!

 

- Em còn làm tình làm tội anh đến bao giờ nữa?

 

Ngự thở dài. Lần nào bàn tới chuyện hai người cũng cãi nhau. Rồi hờn giận. Rồi làm lành. Như thời tiết những ngày mưa nắng. Như thói thường của những người yêu nhau. Khả không hiểu là Ngự khổ tâm lắm sao? Đàng nào Ngự cũng bị áp lực. Bích, nhỏ bạn thân bảo Ngự: Mày được voi đòi tiên. Đừng đánh đổi một cách ngu xuẩn như vậy. Lẽ ra Bích phải hiểu là Ngự bối rối quá chừng. Ngự không muốn mất cả anh lẫn mẹ, hai người yêu thương nhất. Dù rõ ràng là Ngự phải chọn lựa. Thôi thì mặc cho mọi sự đẩy đưa.

 

Trong bóng chiều sụp xuống, Ngự cúi gằm mặt, không dám nhìn mẹ. Bữa cơm giữa hai mẹ con trôi qua nặng nề, chậm chạp. Bà Tâm lắc đầu, buông đũa, nghẹn ngào:

 

- Xảy ra bao lâu rồi?

 

- Dạ hơn hai tháng.

 

- Nó quất ngựa chuối rồi phải không?

 

Im lặng.

 

- Mày bôi tro trát trấu vào mặt tao, mày lăng nhục mẹ mày để trả hiếu phải không con?

 

Ngự xót xa:

 

- Mẹ…

 

- Còn gì tốt đẹp hơn nữa. Tao không ngờ mày học hành đàng hoàng tử tế mà ngu dốt như vậy. Phải chi tao để mày thất học thì không nói.

 

Ngự vẫn cúi mặt. Cô nào dám hé răng. Làm sao cô có thể nói với mẹ rằng, đó là điều mình tự nguyện. Như một cách lưu giữ kỷ niệm từ mối tình thiết tha. Ngự không nghĩ là mình có con. Cô chỉ đơn thuần muốn dành hết cuộc đời mình cho người tình đầu tiên và người yêu cuối cùng là Khả. Rồi sau đó ra sao thì ra. Về phía Khả, anh cũng muốn có sự ràng buộc hiển nhiên với Ngự để thuyết phục mẹ cô. Nhưng anh đã không lường được rằng, mình đã bị từ chối thẳng thừng như tát nước vào mặt. Bà Tâm đâu hiểu được cái tình cảnh oái oăm mà Ngự đã bày ra. Chỉ để chuốc lấy thảm họa, như lời Bích. Ngự lặng lẽ, câm nín. Cô không muốn và không thể bày tỏ gì hơn. Ngự yêu mẹ và muốn ở lại cùng bà. Nhưng cô luôn nghĩ về tình yêu bằng cách riêng của mình để tất cả trở thành bi kịch. Giờ thì vỡ lỡ hết. Khả đã đi xa rồi. Lẽ ra cô vẫn có thể thay đổi tình thế bằng cách liên lạc lại với Khả. Nhưng để làm gì? Điều ấy đâu phải lỗi ở anh. Trong thâm tâm, Ngự không hề ân hận vì đã sống hết mình cho tình yêu của mình. Nhưng nỗi ân hận về cái chết của mẹ cô không lâu sau đó mới thật sự làm Ngự đớn đau. Ngự tự mâu thuẫn với chính mình giữa cái được và mất. Cô cảm thấy hân hoan khi chuẩn bị sinh con đầu lòng. Đồng thời cũng thấy tội lỗi chồng chất khi nhớ tới ánh mắt của mẹ cô trước lúc lâm chung. Cái khổ của chúng sinh là không biết quý những gì mình hiện có. Cái khổ của Ngự, chung quy rồi cũng bởi cái tính đa đoan?

 

Ngự trở về với ngày tháng cũ, trong tâm trạng không rõ buồn vui. Được và mất hình như chỉ là khái niệm. Đứa con chẳng bao giờ ra đời. Nó đã chết trước khi cất tiếng khóc đầu tiên chào cuộc sống. Ngự lẩn thẩn vào ra, ngơ ngẩn nhớ về kỷ niệm. Tháng chín bao giờ không như mùa thu. Hàng me ấy lá đã vàng màu nhớ. Ngôi nhà ấy ngói đã vàng màu phố… Ngự da diết nhớ một chỗ ngồi trú mưa nhỏ hẹp, nơi anh đã từng ghé đến trong cuộc đời. Ở đó, Ngự lặng lẽ cất giữ một tên người, qua những tháng năm đổi thay, tròn khuyết.

Lá Me
Số lần đọc: 2463
Ngày đăng: 28.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tai ngược - Phạm Lưu Vũ
Người của mỗi người - Dạ Ngân
Người duy nhất - Dạ Ngân
Điểm tựa trắng - Lê Đình Trường
Muỗi đói - Lê Đình Trường
Mũi lấn - Anh Động
Hoa hồng tỉ muội - Trầm Hương
Hoa So Đũa - Trầm Hương
Quỉ khóc - Thanh Giang
Viết từ ấn tượng vỡ vụn - Lê Đình Trường