Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
475
116.587.329
 
Báo cáo đặc biệt: Sau Trung Đông, Nga và Trung Quốc có lo lắng hay không?
Phạm Nguyên Trường

Guy Faulconbridge, Chris Buckley, Ben Blanchard (Reuters, Anh, 11/02/2011), Phạm Nguyên Trường dịch

Moskva/Bắc Kinh – trong những ngày cuối tháng 1, mặc dù giá rét, vẫn có một đám đông chừng 600 người tụ tập trên quảng trường Triumph ở Moskva, họ liên tục gào lên: “Tự do! Tự do!” và đòi nhà lãnh đạo Putin phải từ chức thủ tướng.

“Ông ta khác có gì Mubarak? Không khác gì. Hoàn toàn không khác gì hết. Từ chức. Tất cả đều phải từ chức. Các người đã làm chúng tôi chán ngấy rồi”. Ông Nemtsov, một người lãnh đạo phe đối lập nói với đám đông như thế, và những người tụ tập ở đấy cùng hô lớn: “Putin từ chức đi”, “Nước Nga không có Putin!”.

Làn sóng cách mạng đang sôi sục trong thế giới Arab đã tràn đến nước Nga rồi sao? Liệu đây có phải là sự khởi đầu của  cuộc cách mạng nhân dân tương tự như cuộc cách mạng đã lật đổ tổng thống Tunisia và đang đe dọa nhà lãnh đạo Ai Cập hay không?

Không hoàn toàn như thế. Chính quyền Nga cho phép các nhà hoạt động chính trị và những người chống đối Điện Cẩm Kinh tổ chức mít tinh tại quảng trường này trong ngày 31 cuối tháng, coi như một sự nhắc nhở về quyền tự do hội họp được qui định trong điều 31 của Hiến pháp.

Nhưng những buổi tụ họp như thế khó có thể làm cho Điện Cẩm Linh lo lắng. Những người muốn tham gia vào cuộc mít tinh phản đối đều phải có đủ dũng khí thì mới dám đi ngang qua hàng rào cảnh sát chống bạo động đội mũ sắt và máy dò kim loại thì mới đến được một khu vực nhỏ bé, xung quanh có hàng rào, bên chân tượng nhà thơ cách mạng Vladimir Mayakovsky, xung quanh bức tượng là dãy hàng rào bằng kim loại dán đầy các tờ rơi kêu gọi cha mẹ phải quan tâm tới con cái.

Cảnh sát quay phim từ trên những chiếc xe tải đứng xung quanh quảng trường, còn sĩ quan an ninh thì đi lẫn với người bộ hành và các nhà báo để xác định những kẻ khả nghi, những người này sẽ bị cảnh sát chống bạo động đội mũ sắt đen - một số còn có mặt nạ – bắt. Lần gần đây nhất, hơn một chục người đã không đến được vì bị cảnh sát chống bạo động bắt ngay ở ga tàu điện ngầm và tống lên xe bus.

“Đấy là nền dân chủ của chúng ta. Ở Nga đang xảy ra chuyện gì thế này!”, một thanh niên gào lên khi anh ta bị cảnh sát đội mũ sắt màu đen bắt.

Trong khi, trong suốt mấy tuần qua người dân từ Tunis tới Sana đứng lên chống lại những kẻ độc tài thì đã đến lúc cần phải hỏi: các nơi khác trên thế giới đã sẵn sàng làm cách mạng hay chưa? Như các vụ phản đối ở Moskva cho thấy câu trả lời của Nga có thể là chưa – ít nhất là trong khi giá dầu còn cao. Ở một nước độc tài lớn khác là Trung Quốc, tình hình cũng tương tự như thế. Dĩ nhiên là ở cả hai nước người ta đều biết cách mạng là gì. Nhưng trong năm 2011 đa số dân chúng Trung Quốc và Nga đều không cảm thấy thất vọng và giẫn dữ tương tự như những tình cảm đã nổ tung trên đường phố và quảng trường trong thế giới Arab trong mấy tháng gần đây.  Nhiều phần là do sự phát triển kinh tế ở cả hai nước trong những thập kỉ gần qua. Công dân Trung Quốc và Nga có thể không có những quyền tự do căn bản như quyền thay đổi các nhà lãnh đạo của mình, nhưng khác với người dân trung bình ở Ai Cập hay Tunisia, đa số cảm thấy rằng cuộc sống của họ đã được cải thiện so với 10 năm trước đây.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh và Moskva không cần theo dõi một cách sát sao những sự kiện đang diễn ra ở Trung Đông. Dân chúng ở cả hai nước đều có lí do để bất bình. Internet có mặt trên khắp nước Nga, nhưng vấn đề là nó có được sử dụng nhằm lột trần khoảng cách khủng khiếp giữa người giàu và người nghèo hay không? Ở Trung Quốc giai cấp trung lưu đang gia tăng, nhưng liệu dân chúng có bắt đầu đòi hỏi nhiều quyền hơn hay không?

Ở cả hai thủ đô người ta đều nhận thức được một cách sâu sắc rằng tính chính danh của họ phụ thuộc phần lớn vào khả năng giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển. Hiện nay có thể họ không sợ xảy ra một cuộc bạo loạn ngay lập tức, nhưng các quan chức ở Điện Cẩm Li cũng như những nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc biết rõ rằng muốn tiếp tục nắm quyền thì họ phải thường xuyên kiểm soát được mức độ tự tung tự tác của mình cũng như tìm mọi cách đào tận gốc trốc tận rễ phe đối lập. Các nhà lãnh đạo Arab đã nhận thấy sự mất cân bằng này, nhưng họ chỉ hiểu ra khi đã quá muộn.  

Sức mạnh của dầu hỏa

Trong năm khủng hoảng đầu tiên hoặc sau đó một chút, khi giá dầu tụt dốc và xuất khẩu giảm, Moskva đã phải đối mặt với khả năng xảy ra những cuộc phản đối trên khắp cả nước.

Trong cuộc tuần hành nghiêm trọng nhất vào ngày 30 tháng 1 năm 2010, có gần 10 ngàn người ở thành phố Kalinigrad đã xuống đường. Đấy là vấn đề nghiêm trọng: các đảng đối lập chủ chốt đi bên cạnh những nhóm người phản đối nạn thất nghiệp gia tăng, giá cả leo thang và giảm thiểu các dịch vụ công cộng.

Nhận trách nhiệm thực hiện những biện pháp chống khủng hỏang, thủ tướng (cựu tổng thống) Putin công khai nhiếc móc các quan chức lãnh đạo đầu sỏ và làm dịu bớt sự tức giận của những người công nhân lúc đó đang phong tỏa một con đường quốc lộ ở Pikalyovo, miền Bắc Nga, vì họ không được trả lương.  Cuối cùng, những lời tiên đóan về các cuộc biểu tình mang tính quần chúng đã không trở thành hiện thực.

Bây giờ, khi giá dầu lại tăng – đạt mức 100 dollar một thùng trong tuần đầu tiên khi xảy ra những cuộc phản đối ở Ai Cập – phần lớn các nhà quan sát đều tin rằng nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới này sẽ có đủ tiền do dầu hỏa mang lại để có thể dập tắt mọi căng thẳng xã hội trong giai đọan trước khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2011 và bầu cử tổng thống vào năm 2012. Nước Nga đang nhanh chóng vượt qua khủng hỏang kinh tế và có hi vọng rằng nền kinh tế trị giá 1,5 ngàn tỉ dollar của nó sẽ phát triển hơn 4% trong năm nay sau khi đã phát triển 4% vàonăm 2010.

“Giá 100 dollar một thùng dầu giúp giữ được ổn định vì nó tăng thêm thu nhập cho ngân sách và tạo điều kiện cho chính phủ chi tiền cho những nhóm người có thể thể hiện sự bất bình. Nói cách khác, chế độ của Putin có một vùng đệm an tòan”. Vladimir Ryzhkov, một trong những người lãnh đạo đối lập có uy tín nhất hiện nay nói với phóng viên Reuters như thế.

Ryzhkov tin rằng ngòai tiền ra thì tình hình dân số - dân cư già đi và không tăng thêm – và sự khát khao ổn định sau sự tan rã đầy xáo trộn của Liên Xô làm cho cách mạng khó mà xảy ra được.

“Kết quả của những cuộc thăm dó ý kiến cho thấy Nga không nằm trong tình trạng cách mạng: đa số người dân mong muốn ổn định chính trị, họ nói rằng hiện có thể sống được”, ông nói. “Putin và chế độ của ông ta có đủ nguồn lực để phát lương hưu, tiền lương và giữ được ổn định bằng cách đó”.

Cảm giác ổn định là chìa khóa cho sự thành công của Putin kể từ khi cựu quan chức KGB này bất ngờ được bổ nhiệm làm tổng thống vào năm 1999. Đối với dân Nga, những người đã chán ngấy sự bất ổn về kinh tế và những nỗi đau khổ trong những năm 1990 thì Putin, 58 tuổi, là biểu tượng của quá trình trở về với sự an tòan trong quá khứ: dường như nhiều người cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ từ bỏ một số quyền tự do để đổi lấy công việc ổn định và đồng rub vững chắc.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 8% người Nga cho rằng họ không có đủ tiền mua lương thực thực phẩm, cách đây 10 năm con số này là 25%, mặc dù khỏang cách giàu nghèo vẫn rất lớn. Hàng triệu người lâm vào tình trạng nghèo khổ trong giai đọan hỗn lọan xảy ra cùng với sự sụp đổ của đế quốc Liên Xô, trong khi một nhóm nhỏ doanh nhân lại kiếm được rất nhiều của cải.

Tuy nhiên, theo những cuộc thăm dò dư luận gần đây, đa số dân Nga vẫn còn lo lắng về những vấn đề kinh tế. Giá cả gia tăng, nạn thất nghiệp và khủng hỏang kinh tế là những nỗi lo lớn nhất, tiếp sau đó là tội ác và lạm dụng quyền lực.

Một trong những điểm son đối với Điện Cẩm Linh là dân chúng bao giờ cũng coi ổn định quan trọng hơn dân chủ, mặc dù trong tháng 12 năm ngóai số người sẵn sàng chấp nhận ổn định cho dù có phải vi phạm một số quyền con người đã giảm xuống chỉ còn 56%, con số thấp nhất trong tháng 12 trong suốt mười năm qua, đấy là theo số liệu của cơ quan điều tra dư luận có uy tín là trung tâm Lavada (Levada-Centre).

Alexander Ignatenko, một trong những chuyên gia hàng đầu về thế giới Arab và chủ tịch Viện nghiên cứu tôn giáo và chính trị Moskva gạt bỏ những cuộc bàn thảo về một cuộc bạo lọan rộng khắp: “Đấy đơn giản chỉ là trí tưởng tượng quá mức của phe đối lập mà thôi”, ông nói. “Đấy đơn giản là sản phẩm của những người giàu có và tôi xin nói rằng đấy chính là trí tưởng tượng nhuốm màu bệnh họan của phe đối lập Nga”.

Lo sợ rằng những cuộc phản đối sẽ phát triển và lan rộng, Moskva đã gửi một nhóm quan chức đặc biệt đến các khu vực nhằm lên giây cót tinh thần cho các quan chức địa phương. Không rõ là các đoàn đại biểu đã sử dụng phương pháp thuyết phục nào, nhưng Putin đã phê phán một cách nhẹ nhàng đảng cầm quyền của ông là đã không nắm được nhu cầu của nhân dân. Trong quá khứ, Moskva thường kết hợp quả đấm thô bạo với khoản tiến mặt được rót ra một cách ồ ạt. Trong năm 2009, khi nền kinh tế giảm đến 7,8% - sự suy giảm tồi tệ nhất trong vòng 15 năm – Moskva đã phải rót hàng chục tỉ dollar Mĩ cho các thành phố và nhà máy, nơi công nhân bắt đầu chuẩn bị các cuộc phản đối.  Hơn 2,5 tỉ dollar (£1,55 tỉ) được chi cho nhà máy sản xuất ô tô AvtoVaz – một nhà máy sản xuất ô tô thời Liên Xô và là nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất của Nga – để cứu cho nó khỏi bị phá sản.

 Đổi tự do lấy xúc xích

Nhưng đấy đúng là điều mà giới lãnh đạo Tunisia và Ai Cập có thể đã nói cách đây chỉ có mấy tháng. Khi số người có thể tiếp cận với internet ở Nga gia tăng – hiện có 50 triệu trong số 141 triệu dân có thể tiếp xúc với internet, cách đây 10 năm chỉ có 3 triệu người mà thôi – Moskva sẽ khó mà có thể kiểm soát được tin tức và cách li được các nhóm phản kháng. Một vụ khởi nghĩa ở đại phương có thể lan ra toàn quốc được không?

Rất nhiều thứ phụ thuộc vào giá dầu – nó sẽ quyết định Nga có thể ném bao nhiêu tiền vào những điểm rắc rối. “Nếu giá dầu giảm một cách từ từ thì nó cũng làm cho tình hình trong nước bất ổn một cách từ từ”, Vladimir Ryzhkov nói. “Tôi tin rằng họ theo dõi một cách cẩn thận các sự kiện ở Ai Cập và các nơi khác nữa. Những sự kiện này làm họ rất lo lắng… Putin đã tích cực làm việc nhằm cải thiện hình ảnh của mình”.

Kseniya Sobchak, người có quan hệ rộng rãi ở Moskva và là con gái của ông Anatoly Sobchak, thị trưởng đã quá cố của thành phố  St Petersburg (sếp của của Putin), thậm chí đã dám nói trên đài phát thanh rằng có khả năng xảy ra bạo loạn.

“Mặc dù dân cư trong đất nước chúng tôi không đồng nhất, giống như cái đít con voi, nhưng lúc nào họ cũng có thể liên kết với nhau và lao vào cuộc xung đột, mặc dù chúng ta không bao giờ biết khi nào sẽ diễn ra chuyện đó”, cô Sobchak, một cô gái 29 tuổi nói như thế trong cuộc thảo luận trên đài phát thanh có tên là Mưa Bạc, một trong những đài phát thanh lớn nhất nước Nga. “Chính quyền ở Nga đã kí với nhân dân hợp đồng: đổi tự do lấy xúc xích, cho nên mọi người hiện nay vẫn hài lòng. Nhưng ngay khi hết xúc xích… nghĩa là khi giá dầu giảm thì bạo loạn có thể xảy ra”.

Một quan chức Nga, xin được dấu tên vì tình hình khá nhạy cảm, đã nói: “Dĩ nhiên là nhân dân đang theo dõi những sự kiện ở Ai Cập. Đấy là mối quan tâm của họ và họ theo dõi. Nhưng tôi không nói rằng đấy là mối lo của riêng nước Nga – đấy là mối lo của tất cả các nước trên thế giới”.

(Còn nữa)

Nguồn: Special Report - After Mideast, should Russia and China worry?

 

Phạm Nguyên Trường
Số lần đọc: 1574
Ngày đăng: 16.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự cáo chung của một thời đại: hoàng hôn của chính sách chiến tranh lạnh ở Ai Cập và Cận Đông - Phạm Nguyên Trường
Diễn văn của tổng thống Obama sau thông báo từ chức của ông Mubarak - Phạm Nguyên Trường
Những người biểu tình đánh bại Mubarak - Hiếu Tân
Các nhà báo Ai Cập đang làm cuộc cách mạng của mình - Phạm Nguyên Trường
Cách mạng không có nghĩa là dân chủ - Phạm Nguyên Trường
Câu chuyện một nhà báo bị trục xuất khỏi Nga - Hiếu Tân
Những bãi chiến trường trong tương lai - Phạm Nguyên Trường
WikiLeaks: vai trò của the Guardian trong sự rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử thế giới. Tiếp theo và hết - Hiếu Tân
WikiLeaks: vai trò của the Guardian trong sự rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử thế giới. tiếp - Hiếu Tân
Top 10 nhà độc tài đang gặp rắc rối - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Một vụ ám sát hụt (truyện ngắn)
Thiên tài (truyện ngắn)
Người (truyện ngắn)
Chết treo (truyện ngắn)
Bắc Phi, tiếp sau là gì? (nhìn ra thế giới)
Vì sao Gaddafi phải ra đi? (nhìn ra thế giới)
Bàn về chủ quyền quốc gia (nhìn ra thế giới)
Tầng lớp trí thức là gì? (nhìn ra thế giới)
Giờ hoàng đạo của NATO (nhìn ra thế giới)
Mùa xuân Miến Điện (nhìn ra thế giới)