Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
695
115.998.818
 
Linh hồn ong chúa
Hoa Ngõ Hạnh

Nhập giang tùy khúc

Là bông hoa chìu

(Vè hoa)

 

Lưng Hòn Róng có một trảng chìu thênh thang. Những sợi dây chìu màu đỏ, lá nhám màu xanh ngọc hình răng cưa, gân lá mọc đối xứng vươn lên trời cao. Nửa chừng, thân dây yếu ớt gục ngã xuống từng đụn lớn. Những lùm hoa có đài ngọc lục bảo nhỏ li ti bông trắng muốt chất thành từng đống san sát như mây. Mùa xuân, những con gấu ngựa mắt nằm dọc hình hạt gắm từ Dương Trục đổ về lang thang ngửa mặt lên trời giữa rừng hoa chìu để dõi ong. Những người thợ rừng chuyên ăn mật bắt chước loài gấu ngựa theo ong thường vấp té lộn nhào trong mớ bòng bong ma trận. Buổi sáng, từ trảng chìu ngó xuống đèo Đá Trắng gió thổi hun hút. Những đoàn người lùa trâu lúc thúc leo dốc vào rẫy xa trong núi. Lũ ong bay như mưa khắp chốn.

 

+

 

Năm Vĩ và thằng Tấn nằm ngửa mặt im lìm trên lớp đệm bòng bong dưới đụn hoa chìu. Những con ong bay tới lượn lờ hút mật, nhanh chóng vút thẳng lên trời xanh. Chúng bay theo chiều thẳng đứng. Biến mất như những quả pháo thăng thiên. Hai thầy trò Năm Vĩ không tìm ra thêm được một chặng bay mô nữa. Một con chim bả trầu đi hút mật chúi đầu bay quá trớn đâm sầm xuống ngực. Cả hai giật mình. Mùi thơm hoa chìu có thể làm người ta chóng mặt, ảo giác. Nhưng anh ta đã quen. Mười bốn tuổi Năm Vĩ theo thầy Ong học nghề lấy mật. Mười chín tuổi nó lấy được một tổ ong đầy hai đôi bầu dầu rái. Bây giờ đã qua hai mươi năm nghề. Thầy Ong ra núi ở. Anh ta tự hào trở thành đệ tử chân truyền số một. Bậc thầy trong nghề chắp nối những đường bay.

 

Thầy Ong, một người rành rỏi và thiện xạ. Ngó bề rộng tổ ong, lão bó trái khói vừa đủ. Tỷ lệ vàng của trái khói được đo bằng cảm giác kinh nghiệm. Đúng một phần ba ong thợ bị thiệt mạng vì trái khói đó. Chỉ một phần ba, tối kỵ làm chết ong chúa. Mỗi tổ ong là một xã hội - lão nói - ta không thể xóa bỏ. Xã hội nữ quyền khoảng mười vạn dân dưới ong chúa chia làm hai nhóm ong đực và ong thợ. Guồng máy tổ chức đoàn kết, nhịp nhàng với kỷ luật cao. Ong thợ lo xây tổ, ngăn nhà kho, chăm sóc ong chúa, vận chuyển nước, phấn hoa, giữ độ ẩm khoảng 70 – 80 %, giữ nhiệt độ khoảng 30 - 350C, tiết pheromone để phân biệt đẳng cấp và các loài ong khác… Ong đực nhiệm vụ duy trì nòi giống, canh gác kẻ thù. Mỗi ngày ong chúa sinh hai ngàn ấu trùng. Khi lượng ấu trùng vừa đủ, ấu chúa ra đời. Vương quốc mười vạn dân khác mới thành lập theo ấu chúa ra đi. Thế giới mười vạn dân, dưới mắt thầy Ong quả là một cấu trúc hoàn hảo mà thẳm sâu trong tim lão luôn thán phục.

 

Về già, thầy Ong mắt kém, bị chứng nghiện rượu, nói nhảm cả trong lúc tỉnh. Để trở thành thầy Ong, lão nghĩ cơ duyên tình cờ học được một phần phương thuật lấy mật ong từ loài gấu ngựa. Những con gấu ngựa cặp mắt hình hạt gắm, đứng ở trảng hoa chìu trên hai chân sau nhìn ong. Chúng đi theo cảm giác người say rượu, tìm ra tổ trong nháy mắt. Đôi đồng tử vàng như mật đứng im. Chỉ một khắc sau, tổ ong rùng rùng chuyển động rồi sa đi mất. Bậc thầy gấu ngựa thân thể lặc lè nhanh nhẹn trèo lên lấy tay bẻ từng tầng mật ăn no say. Cuối cùng, nó rơi xuống đất ngủ suốt một ngày. Lão đã từng rình theo một con gấu ngựa. Nó say mật nằm thở li bì dưới tán cây trâm lai dần năm lão ba mươi bảy tuổi. Gấu ngựa mới là thầy ong – trong cơn nói nhảm lão luôn lặp lại điều đó. Căn nhà rách nát cô đơn giữa đồng gió thổi thông thốc. Cuối đời, thầy Ong chỉ lấy mật chừng mực, đủ đưa ra thị trấn bán đổi gạo qua ngày. Mùa đông, lão nằm dài uống rượu và tôn sùng gấu ngựa trong tim.

 

+

 

Đây là một tổ ong kỳ dị nhất trong đời ăn mật của Năm Vĩ. Qua ngày thứ tư, ở trảng hoa chìu ong vẫn bay như mưa. Chúng tới rồi đi, vút lên như quả pháo thăng thiên biến khỏi tầm mắt. Năm Vĩ nhổm dậy, lấy tay đo được mặt trời buổi sáng hai gang, thời điểm tốt nhất trong ngày để theo ong. Rốt cuộc không con mô bay theo đường ngang như quy luật. Từ trảng chìu, ngó xuống đèo Đá Trắng gió thổi hun hút. Những đoàn người lùa trâu lúc thúc leo dốc vào rẫy xa trong núi. Sực nhớ ra, Năm Vĩ hối thằng Tấn cuốn gói ra về. Đứa học trò tập tành hiếu thắng làu bàu.

Anh ta về trại thu dọn đồ đạc, đổ xuống Hố Cưa. Từ Hố Cưa xuôi đèo Đá Trắng. Dọc đường gặp những người đốn củi ngược chiều. Họ vui vẻ chào, luôn miệng hỏi thăm có mật không? Anh ta chỉ cười. Bỏ con đường đá sỏi tụt xuống khe Trảu, trèo lên nỗng tranh Hóc Thượng, men theo triền núi rớt xuống thung lũng Hóc Môn. Buổi chiều tà, những con chèo bẻo đuôi cờ cụp lượn như xiếc. Ngôi nhà tranh vách đất nhỏ xíu nằm trong hàng rào gỗ giáp bìa rừng như chiếc tổ. Một sợi khói mỏng màu xanh len lén lên trời. Men theo chiếc hàng rào gỗ anh ta mở cánh cổng thấp lè tè khép hờ. Cánh cửa duy nhất của căn nhà bằng tranh, được chống xuôi lên bằng cây tre đực một đầu vạt nhọn. Phải khom mình mới chui vào nhà được. Bên trong tối hù. Mùi nhựa củi muồng chún trong bếp chua lòm cay mũi. Một bà già đang ngồi trên chiếc giường tre xé vỏ cây chay xoáy trầu.

-          Cho hỏi có ông Bảy ở nhà không? Năm Vĩ lên tiếng.

-          Không có Bảy, Tám mô ở đây hết! Bà già vẫn nhìn vào chiếc ống xoáy bằng đồng ngoáy cái chìa ba chia hờ hững nói.

-          Tao đây? Ai đó?

Lúc bây giờ Năm Vĩ mới để ý góc nhà một cái giường hẹp thấp lè tè. Một lão già teo tóp kỳ dị đang nằm cạnh ô cửa sổ đất sét. Phía ngoài một con nhện tía đang chăng lưới bắt mồi. Không thể đoán được lão một trăm hay một trăm hai mươi tuổi. Lão cố gượng lên. Nửa nằm nửa ngồi gối trên chiếc gối gỗ nhớp nháp.

-          Mi hỏi về tổ ong lớn a? Giọng lão đặc trưng vùng núi Sơn Phúc hơi cứng.

-          Dạ! Năm Vĩ giật mình. Lão đã biết trước. Tiên tri!

-          Tao không biết đâu! Lão đưa tay ra hiệu cho Năm Vĩ ngồi xuống giường. Mi cũng không biết. Trời cũng không biết. Chỉ có loài gấu ngựa là biết!

Lão nắm lấy mép áo Năm Vĩ.

-          Mi ở đâu tới đây?

-          Dạ cháu là học trò thầy Ong?

-          Lão thầy Ong đâu rồi?

-          Chết rồi!

-          Lão đó cũng đáng kể!

Hết lời, ông ta thở dài. Năm Vĩ kiên nhẫn:

-          Tổ ong đó lạ lắm. Cháu theo bốn ngày ròng. Mỗi ngày hai buổi. Mỗi buổi hai tiếng. Đúng lúc mặt trời vừa hai gang tay. Chúng từ hoa vút thẳng lên không trung biến mất. Nó không theo đường ngang quy luật. Không phá quy luật theo đường vòng. Không tiết pheromone làm dấu. Như rứa thì tổ nó ở đâu? Dưới đất chắc?

-          Trên trời! Lão nói thều thào. Mà tao cũng không biết đâu. Nó như tàn lửa bay thẳng lên không trung. Nó như tàn tro vô hình rơi xuống chính ngay chỗ nó xuất phát. Nó thuộc về loài gấu ngựa. Linh hồn ong chúa không thuộc về con người. Mi đã thấy lũ ong khóc chưa? Năm xưa, tao đốt một tổ ong lớn ở đầm lầy Tân Định. Không ngờ ong chúa chết. Lũ ong túa lại khóc như ri. Nước mắt rơi lã chã làm tắt ngúm cả trái khói. Tao thất kinh, lo lắng cả năm trời.

Giọng lão nghe thật lẩm cẩm. Lại nghe như mật hiệu kỳ bí chi đó. Như sực nhớ ra, lão chợt hỏi:

-     Mi thấy tụi chuyển vận có đi bắt nước không?

-     Lạ lùng là không!

Những người lấy mật mà tiếng địa phương gọi là những người ăn ong. Thợ ăn ong ở vùng này luôn có vài bí quyết nhỏ. Từ những chùm hoa, thợ ăn ong dõi theo một con cho tới ngút tầm mắt. Ở chót cuối chặng, ngồi chờ con khác bay qua. Cả đàn đi theo một tuyến cố định. Đường bay chắp nối có thể mất một ngày hai ngày. Ở chặng gần tổ, con ong đang ngậm mật bay ngang vội chúi xuống. Có một bí quyết nhanh hơn, người ăn ong rành nghề không theo tụi ong thợ chuyển vận mật mà đón đầu tụi chuyển vận nước. Lũ ong lúc mô cũng bắt nước sát tổ. Nó thụp xuống, trồi lên nhanh như tia chớp.

Năm Vĩ thất vọng đứng lên chào lão ra về. Lão nói với theo:

-          Nó như tàn tro vô hình rơi xuống. Mi không biết đâu. Nó thuộc về loài gấu ngựa. Đừng có xâm phạm linh hồn ong chúa. Mi có tin ong chúa có linh hồn không?

Năm Vĩ nói có, đó là nguyên tắc, là đạo của nghề ăn ong. Không được giết ong chúa. Giết cả ấu chúa lại là một trọng tội khác!

 

+

 

Hai ngày sau Năm Vĩ cùng thằng Tấn trở lại trảng chìu. Buổi sáng mát và thơm lừng như một giấc mơ đẹp. Lũ ong bay như mưa khắp chốn. Tụi chuyển vận say sưa hút mật hoa. Những cái chân đầy lông dày cộp phấn. Từ đó, ngó xuống đèo Đá Trắng gió thổi hun hút. Nửa khuya, Năm Vĩ thức dậy trong lều. Người ăn ong rành nghề nhất, đệ tử xuất sắc nhất của lão thầy Ong lại thua keo ni. Anh ta lấy một cái đầu đày nhỏ khều cho lửa bén lên ngồi đốt thuốc. Những tàn lửa đỏ chói nổ lép bép vút nhanh rồi biến mất trong bóng tối. Ngay lúc đó anh ta chợt hiểu ra!

-          Những tàn lửa bay lên. Những tàn tro vô hình rơi xuống ngay chỗ nó xuất phát!

Buổi sáng, mặt trời lên cỡ hai gang tay, Năm Vĩ ra đứng ở trảng hoa chìu. Hoa trắng và thơm. Bồng bềnh như những đám mây mùa hạ. Ở rìa phía Tây trảng chìu có một vách đá cao. Những bụi trúc dây từ trên nóc phủ xuống thành một bức rèm đẹp lạ lùng. Chỗ đó có cây sơn đào to nép mình sát bờ đá. Anh ta tự tin đi thẳng tới cây sơn đào. Trong đời ăn ong hai mươi năm chưa hồi mô anh ta thấy một tổ ong to như rứa. Nó nằm vắt trên một nhánh ngang ôm cong theo gờ gốc chính thõng xuống chừng sáu thước. Tụi chuyển vận mật ở trảng chìu vút lên ngút tầm mắt, bất ngờ chúi xuống ngay gốc sơn đào. Những tàn lửa bay lên. Tàn tro vô hình rơi xuống. Những tàn tro bây giờ đối với anh ta không còn vô hình nữa. Nó ở ngay trên đầu, trong tầm mắt… Cơn xúc động trôi qua, người ăn ong rành nghề bắt đầu ngó kỹ. Con đường duy nhất ăn được tổ ong này là bắt thang dùng trái khói hun trực diện mặt trước tổ. Đó là điều những người thợ ăn ong vô cùng cấm kỵ. Thứ nhất, tụi ong thợ, ong đực trong cái xã hội mười vạn dân quyết tử với kẻ thù trước mặt. Thứ hai, tấn công trực diện có thể làm ong chúa thiệt mạng. Linh hồn ong chúa sẽ đeo đuổi những người thợ ăn ong hành hạ suốt đời. Mặt lưng tổ ong bám vào gốc cây, tựa vào vách đá. Một thế trận hóc búa. Nghe hơi người, bọn ong chuyển minh dợn sóng. Những cánh sáng lấp lóa cuồn cuộn từng đợt trên nền đen kịt khổng lồ ghê rợn… Gió rừng trưa chợt lạnh, buồn thê thảm.

-          Về thôi! Năm Vĩ nói với thằng Tấn học trò. Mi thấy tổ ong ni dữ kinh không? Mình mới đứng dưới đất nó đã dợn sóng. Hết thế đốt!

Thằng Tấn cãi ngay:

-          Anh sợ thì để tui đốt!

Mới theo nghề một thời gian nó đã tinh ranh. Cái tinh ranh của một đứa học trò vô đạo. Năm Vĩ nghe lạnh ngang sống lưng im khô quay đi. Anh ta nhớ lời sư phụ. Một tổ ong là một xã hội hoàn hảo. Chúng ta không thể xóa bỏ. Linh hồn ong chúa sẽ về đâu?

 

+

 

Một mình thằng Tấn quấn trái khói. Nó kết thang leo lên gốc sơn đào từ mặt trước. Đó là con đường độc đạo. Trèo tới hai phần ba thang, chuẩn bị châm lửa, tổ ong bỗng rùng rùng sóng dữ. Muôn vàn con ong bỏ tổ kết thành bè đổ xuống đầu nó. Muôn ngàn cái kim chích xuyên qua đầu, xuyên qua cổ, qua mặt, qua áo quần. Lũ cảm tử quân chích xong bứt ruột chết rơi lả tả trên những bụi hoa chìu nở trắng bồng bềnh như mây. Ở độ cao tám mét nó rơi bịch xuống đất. Sự kinh hoàng nhất mới diễn ra tại đây. Nó tối mặt tối mũi ngóc đầu dậy. Một bóng đen lù lù như cơn ác mộng hiển hiện. Con gấu ngựa nặng cỡ vài tạ. Nó đứng thẳng lên bằng hai chân sau chằm chằm giận dữ. Nhanh hơn chớp, tay phải nó giáng một cú tát trời đánh.  Nó hộc lên một tiếng kinh người. Thân hình vài tạ đen trũi xoay ngược chồm lên phủ trọn sinh vật mắt nằm ngang hay giành khẩu phần ong của nó. Bấy giờ đã là cuối chiều. Rừng núi quạnh hiu. Sương mù xanh lam bảng lảng và thê thiết.

 

+

 

Những người ăn ong luôn tôn sùng loài gấu ngựa. Nó thường theo ong bằng cảm giác, ăn mật bằng trái tim sau khi dùng phương thuật đuổi ong chúa rời xa ngôi nhà của nó. Ở chỗ trảng chìu lưng chừng Hòn Róng, buổi sáng người ta vẫn thường thấy gấu ngựa từ Dương Trục mò ra theo ong. Nó đứng im bằng hai chân sau, giữa những đụn hoa bồng bềnh. Từ đó, ngó về đèo Đá Trắng gió thổi hun hút. Những người lùa trâu lúc thúc vượt đèo vào rẫy trong núi xa. Mùa xuân, lũ ong thường bay như mưa khắp chốn. Mỗi năm hoa chìu nở một lần. Những chùm hoa trắng li ti trên những chiếc đài ngọc lục bảo. Mùi thơm hoa chìu có thể gây chóng mặt và ảo giác…/.

Hoa Ngõ Hạnh
Số lần đọc: 1363
Ngày đăng: 20.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có Miền Sông Nước - Lê Văn Thiện
Bệnh Xá Cuối năm - Trần Hoài Thư
Chuyện Tình - Lê Văn Thiện
OK - Vũ Thanh Hoa
Dị Hương - Sương Nguyệt Minh
Hương Xưa - Phạm Văn Nhàn
Ánh Sáng Trước Mặt - Lê Văn Thiện
Về Hưu - Nguyễn Đình Phư
Ẩn sĩ thời mạt pháp - Trần Hạ Tháp
Hảo Hán - Quý Thể