Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
691
116.543.994
 
Nghiệp văn
Kim Quyên

“ Không kềm giữ được lòng mình, Thu ngã vào đôi tay ấm áp mạnh mẽ của người yêu, những giọt nước mắt hạnh phúc chảy dầm trên khuôn ngực rộng, cô lịm đi trong nổi đắng cay ngọt ngào…”

Nước mắt tôi ứa ra, hồi tưởng lại mối tình năm cũ đầy trắc ẩn với Nam. Mối tình đầu thơ dại nhiều mộng mơ của tôi, những chiếc hôn nồng cháy, những lời tình tự dịu dàng, suốt đời làm sao tôi quên được.

 

…Cộc…Cộc…

 

-    Ai đó?

 

- Cô tổ trưởng ơi! Cô tổ trưởng !

 

- Vào đi !

 

Người phụ nữ mình dẹp như con khô cá khoai bước vào. Gương mặt dèn dẹt,        xanh xao vừa nhìn thấy tôi bỗng òa khóc.

 

- Ngồi đó đi Huệ ! Khuya khoắc rồi mà còn chuyện gì vậy ?

 

- Chị ơi ! Thằng chồng em nghe lời bạn bè hút lại rồi. Đòi tiền không có, nóđánh em bầm mặt bầm mày đây, chị coi.

 

- Nó đâu rồi ?

 

- Nó lấy được gói tiền em dấu trong gối đi rồi.

 

- Viết bảng tường trình ngày mai tôi đưa Công an khu vực. Nhưng cô có chắc nó nghiện lại không?

 

- Dạ chắc. Em thấy nó chích với đám kia rõ ràng.

 

- Hồ sơ ra trại lần trước còn không?

 

- Em giữ đầy đủ hết. Nó hứa không nghiện lại mà ở vòng vòng thành phố nầy như bắt cóc bỏ dĩa chị ơi !

 

- Sáng mai lấy tất cả hồ sơ tôi đưa cho Công an khu vực giải quyết. Cô phải giữ trật tự ở đó, ngày nào cũng làm náo loạn khu chung cư ai chịu cho nổi.

Huệ thút thít khóc, giọng khàn khàn:

 

- Hoàn  cảnh em khổ quá! Chị cứu dùm mẹ con em, cho nó đi cải tạo ở trại nào càng xa càng tốt chớ ở gần đây nó trốn trại cũng như không.

 

- Cô phải một mình nuôi con, coi như chồng chết rồi đó. Nó đi rồi, tôi đề nghị đưa cô vào diện xóa đói giảm nghèo, đứa con gái xin miễn học phí cho nó tiếp tục học. Bán nước sâm lúc nầy khá không?

 

- Nếu không có thằng chồng em, mẹ con em sống được.

 

- Cậu ấy có về cô động viên cho cậu đi cai dài hạn đi, nếu không thì chịu chết.

 

- Nói thiệt, nó  chết em cúng con vịt ăn mừng, chồng con như nó thà không có còn hơn .

 

- Thôi khuya rồi về đi. Tôi còn làm việc nữa.

 

- Dạ cám ơn chị. Sáng mai em đưa hồ sơ cho chị sớm.

 

Người  phụ nữ đứng lên đi ra cửa, cái bóng liêu xiêu như muốn ngã. Bước chân nặng nề dội lên từng bậc cầu thang như những nhát búa đập vào tai tôi.

 

Bần thần hồi lâu, quay lại trang bản thảo, đọc đi đọc lại từ đầu, cố nhớ  những lời dịu dàng của Nam, tôi đặt bút:

 

“ Ngày mai anh đi rồi Thu à! Bom đạn không vị nể một ai. Chuyện anh không về là lẽ thường của chiến tranh nhưng anh mong em phải xứng đáng là người yêu của anh, khóc lóc bi lụy chỉ làm khổ tâm thêm, phải biết lấy lòng dũng cảm đối đầu với nghịch cảnh em à!

 

Thu bỗng thấy lòng mình can đảm lên đôi chút, cô vội chùi nước mắt và đứng lên…”

 

- Mẹ ơi! Ngày mai là hạn chót  đóng học phí cho nhà trường, không đóng họ không cho thi học kỳ.

Con sắp ra trường, bị kỷ luật khó khăn lắm mẹ à!

 

Tôi bỏ viết xuống, lo lắng hỏi:

 

- Tất cả bao nhiêu?

 

- Một triệu  tám trăm  ngàn,  hai trăm ngàn tiền thi lại một môn, cộng chung…

 

Tôi giương mắt nhìn nó:

 

- Sao không nói  cho mẹ liệu trước?

 

- Hôm trước con có nói…Tưởng mẹ nhớ. Nay ngày chót con mới… Giọng thằng con ngập ngừng rồi im bặt.

 

- Con thiệt tệ. Chuyện gì cũng để nước tới trôn mới nhắc. Chỉ có nhiệm vụ nhắc nhở thôi mà cũng không kịp thời, kịp lúc. Đến việc lớn thì làm sao?

 

- Vậy là… không có tiền phải không mẹ? Câu hỏi của nó như gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi. Nhưng tôi phải nói cứng:

 

- Không có cũng phải chạy. Chuyện học hành là chuyện lớn lao, chuyện tương lai đất nước. Học không tới nơi tới chốn thì làm được việc gì. Sáng mai mẹ đi vay, chừng nào lãnh lương trả lại cho người ta.

 

Thằng con thở hắt ra, lặng lẽ leo lên gác, bước chân của nó khiến chiếc cầu thang kêu răng rắc nghe nhói óc.

 

Tôi uể oải dở trang  bản thảo. Đến đoạn đôi nam nữ sắp chia tay để chàng ra chiến trường, đoạn nầy phải tả như thế nào cho thật xúc động. Tôi nhớ lại lúc chia tay với Nam bên bờ kinh 28. Lúc đó buổi chiều, rán chiều đỏ rựng phía xa xa, những cánh chim vội vã bay về tổ, trên con đê nhỏ giữa đồng lúa bạt ngàn, Nam mặc bộ quần áo màu lá,cổ qu ấn chiếc khăn dù, nón  tai  bèo, ba lô và cây súng sau lưng. Để nhớ lại coi lúc đó Nam nói với tôi câu gì…”Cô bé ơi! Đừng buồn, chiến tranh là phải vậy thôi! Anh đi rồi anh sẽ về, cô bé nhớ đợi chờ anh…” Và anh cười, nụ cười rất buồn.

 

Tôi đặt bút tiếp tục những dòng dang dở.

 

Ngoài đường, xe cộ đã ngớt, tiếng gỏ lốc cốc của thằng bé bán hủ tiếu gõ dội vào khiến tôi sực nhớ từ chiều chưa ăn hột cơm nào vào bụng. Chạy vội ra lan can, tôi gọi với xuống :

 

- Nhỏ! Nhỏ! Cho cô một tô.

 

- Dạ. Nó dạ rõ to rồi mất dạng trong con hẻm nhỏ. Một lát sau, nó khệ nệ bưng lên tô hủ tíu  hai ngàn đồng nghi ngút khói, lễ phép hỏi:

 

- Cô dạy xong rồi hả cô ?

 

- Xong rồi. Tiền  đây! Cho thêm con hai ngàn nữa đó.

 

Nó cầm tiền, hớn hở nói:

 

- Cám ơn cô. Mai con lên lấy tô, giờ phải về để mẹ trông.

 

- Mẹ con ở đâu?

 

- Tuốt bên Gò Vấp lận. Con phải đi trả xe cho chủ mới về được.

 

- Bán mướn à?

 

- Dạ.

 

Thằng bé chạy biến đi trong đêm, cái dáng nho nhỏ loắt choắt của nó trông thật tội nghiệp.Tôi nhìn tô hủ tíu có một miếng thịt mỏng lét như lưỡi dao cạo mà ngán  ngẫm, nhưng nhờ mùi thơm của hành phi bốc lên khiến tôi cũng nuốt được hết tô. Ăn xong, rót một ly trà còn nóng hôi hổi nhâm nhi. Giờ nầy mà uống trà chắc phải thức trắng đêm nay.Trắng đêm để sống với nhân vật của mình cũng là một niềm vui.

 

Rồi ngày kia, câu chuyện tình đầy bi hùng thời son trẻ của tôi sẽ làm xúc động bao nhiêu con tim khối óc,  rồi những đôi lứa yêu nhau đời nầy sẽ nhờ đó mà sống đẹp với nhau hơn. Câu chuyện của tôi lớn lao quá, việc làm của tôi có ích biết dường nào. Nghĩ  đến đó, nỗi lo đời thường như nhẹ hẳn đi.

 

Câu chuyện đã đến đoạn kết. Tôi rưng rưng nước mắt, khi tưởng tượng lúc chàng trai kia ngã xuống một cánh rừng nào đó của miền Đông, máu anh nhuộm đỏ cả chiếc khăn và tấm ảnh của cô gái, giống Nam của tôi, lúc anh hi sinh ở mặt trận phía Tây Nam khi đánh nhau với tàn binh Pôn Pốt.

 

Đầu nhức như búa bổ, tôi dẹp chồng bản thảo, tắt đèn lên giường nằm, ngoài đường đã thật vắng lặng . Lăn qua trở lại mãi vẫn không ngủ được, tôi bổng giật thót người nhớ tới hai triệu bạc cho thằng con trai ngày mai. Chết sống gì cũng phải có cho nó vượt qua cái ải cuối cùng nầy.

 

Điểm những gương mặt có thể nhờ cậy được. Con Hồng, chồng bị tràn dịch màn phổi đi viện mấy hôm nay. Con Cúc mới sinh con hai tuần, con nó thiếu sữa phải chạy từng hộp sữa ngoại dậm thêm. Con Hoa đang dành dụm tiền, sửa soạn lấy chồng. Có thể mượn tiền cưới của con Hoa, còn cả tháng nữa mới cưới. Từ đây tới đó lãnh lương, chắt mót cũng đủ sức trả.Đối cùng, không được thì vay bà Năm bán cơm ở đầu dãy phố bên kia. Nhưng nhớ tới gương mặt quàu quạu, khó ưa của bà ta mà đâm ngại. Đàn bà con gái gì cái mặt nhìn không có một chút duyên dùng. Vậy mà sao Trời lại cho bà ta có tiền, có của mới tức chớ.

 

Nghĩ đi nghĩ lại, mượn tiền con Hoa coi không được. Nó còn phải sắm soạn vật dụng cần thiết cho ngày cưới, rủi lãnh lương trễ trả không kịp, lỡ việc của nó rồi sao? Bạn bè mà để cho tiền bạc chi phối, làm mất tình mất nghĩa tiếc lắm.

 

Thà vay tiền con mẹ Năm dù chịu lời cao, dù phải đối đầu với giọng điệu chua như dấm và gương mặt phệ mỡ của bà ta, cũng vẫn thấy yên tâm hơn mượn tiền con Hoa. Nếu có trễ thì đóng thêm tiền lời, chịu đựng bả cằn nhằn chút đỉnh, chớ con Hoa mà lỡ việc là lỡ cả đời nó luôn.

 

Tôi yên tâm với phương án vay tiền rồi chập chờn đi vào giấc ngủ.                                                                    

              

                                                         ***

 

Nhìn gương mặt nhầy nhụa mồ hôi, tôi cố nở nụ cười cầu tài:

 

- Chị Năm ơi! Em nhờ chị giúp dùm một việc..iệc…

 

Tay thoăn thoắt nhồi mớ cá thác lác, không buồn nhìn lên, giọng chua loét phát ra:

 

- Việc gì cứ nói.

- Thằng con em tới ngày đóng tiền trường mà chưa tới kỳ lãnh lương nên qua mượn chị hai triệu. Lãnh lương xong em trả chị liền. Chị làm ơn….

 

- Nhà ở đâu?

 

- Hẻm 35 kế bên nè chị.

 

- Chỗ quán cà phê của bà Sáu phải không?

 

- Dạ phải.

 

- Làm nghề gì?

 

- Dạ cô giáo…

 

- Kêu bà Sáu qua đây bảo lãnh chớ cô lạ hoắc làm sao tôi tin. Nếu không thì đưa món đồ nào đó thế chưn cũng được.

 

Tôi ngập ngừng :

 

- Đồ gì chị? 

 

- T.V, Honda hay đồ đạc gì tương đương với món tiền thì đưa.

 

Tôi điểm lại trong nhà, không có vật gì đáng giá hai triệu. Có chiếc T.V cũ chưa chắc được một triệu, nhưng đánh liều :

 

-  Nhà có cái Goldstar được không chị?

 

-  Hiệu gì lạ hoắc, lạ huơ, không có Sony hay Toshiba sao?

 

-  Dạ không.

 

-  Vậy là không được. Kêu bà Sáu qua đây bảo lãnh đi.

 

-  Dạ thôi. Làm phiền người khác kỳ quá. Chuyện của mình sao bắt người khác bảo lãnh?  Thôi! Cám ơn chị em về.

 

Tôi thất thiểu ra về như người lính bại trận. Vậy là hết. Biết chạy đi đâu cho kịp trong ngày nay.Vậy là đành phải để thằng con thi lại đợt hai chớ còn biết tính sao nữa, mà thi lại đợt hai là phiêu lưu , lành ít dữ nhiều, rồi nó thi rớt không ra trường được phải ở lại một năm nữa , tốn biết bao thời gian , công sức và tiền bạc. Lòng tôi rối bời như tơ vò, chân bước loạng choạng như chực ngã qụi.

 

Đến đầu hẻm quẹo vào nhà, bổng có tiếng trẻ con gọi giật phía sau. Quay đầu lại, thấy đứa học trò đang đuổi theo. Đến bên, nó thở hổn hển bảo:

 

-  Cô ơi! Cô trở lại mẹ em cho mượn tiền.

 

Tôi ngại ngùng  nhìn nó:

 

- Nhà em ở đó à ?

 

- Dạ. Mẹ em đó cô. Cô đừng ngại, em bảo lãnh cho cô rồi, cô khỏi phải cầm T.V gì cả.

 

 

Nghe nó nói, tôi như mở cờ trong bụng. Lần đầu tiên trong đời, nghề dạy học đã cứu được tôi. Cám ơn cái nghề gõ đầu trẻ bạc bẽo, cám ơn đứa học trò bé bỏng  của tôi. Nó là thiên thần đã đến cứu rỗi tôi kịp lúc. Thấy tôi còn đứng lừng khừng, nó như hiểu y, nắm lấy tay tôi hớn hở kéo trở lại nhà nó. Nhìn gương mặt xinh xắn, ngây thơ của nó tôi tự hỏi, sao mẹ nó lại sanh ra được đứa con khác xa mình  như vậy.

 

Về đến đầu hẻm, mọi người đứng đông như kiến. Thấy tôi, họ kêu lên: “Tổ trưởng kìa! Mời cô ấy đến đây”.  Tôi bước nhanh đến, len vào bên trong, một cảnh tượng hãi hùng diễn ra. Người phụ nữ đêm qua đến nhờ giải quyết cho chồng đi cai nghiện đã nhảy lầu tự tử. Thân hình ốm khô giờ đây dán sát xuống nền xi măng. Cái đầu ngoẹo sang bên, gương mặt méo xệch, dị dạng, máu cục đỏ bầm hoà với óc trắng toát, đôi bàn chân gầy gò xanh xám trong chiếc quần đen đã sờn cũ.

 

Tôi  thấy choáng váng, vội quay ra, tựa tay vào bờ tường ụa khan, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng . Cậu Công an khu vực đến bên tôi, hỏi:

 

- Đêm qua cô ấy đến nhà có tâm sự gì với chị không?

 

- Không…Không có….Giọng tôi hụt hửi như sắp tắt.

 

- Đêm qua, chồng cô ta về đánh đập dữ lắm mà không có ai can thiệp. Chị là tổ trưởng ở đây, phải chi chị sâu sát với họ hơn thì chắc  không đến nỗi nào.

 

Tôi lặng thinh. Cậu ta nói đúng. Đêm qua, ánh mắt thỉnh cầu của người phụ nữ nhìn tôi chờ đợi và câu nói lạnh lùng của tôi đáp lại: “ Cô phải giữ trật tự ở đó, ngày nào cũng làm náo loạn khu chung cư ai chịu cho được”.

 

Không phải tôi vô tình với cô ta mà vì nóng lòng công việc viết lách bị ngừng trệ nên nói năng không tế nhị, dịu dàng. Thay vì nói như vậy, tôi chịu khó bỏ ra vài phút để tâm sự, tìm hiểu và động viên cô đôi lời,  có lẽ sự việc đã khác. Khi con người ở trạng thái tuyệt vọng, nếu có ai đó nói điều gì kịp thời, đúng chỗ sẽ giúp cho họ vơi cạn nguồn cơn rất nhiều. Ôi! Huệ ơi!  Tôi có lỗi với cô nhiều, chỉ một câu nói vô tình của tôi mà làm mất đi một mạng người. Tôi lảo đảo bước lên cầu thang, đi về  căn hộ của mình, lòng buồn bã, bứt rứt như vừa phạm phải một tội tày trời.

 

Đám ma của Huệ được tổ chức trên vĩa hè, cạnh nhà thờ, đối diện với nhà tôi, vì theo tục lệ, người tự vận chết không được đưa vào nhà.Tiếng khóc than của bà mẹ với đứa cháu ngoại nghe nảo nuột, người chồng ngồi cạnh quan tài, gương mặt xanh mét ũ rũ, tấm ảnh của người phụ nữ đặt ở đầu chiếc hàng trông xinh tươi, khác xa bây giờ.

 

Đôi mắt và nụ cười của cô nhìn thẳng qua nhà tôi, như miã mai, trêu cợt. Tiếng nhạc lễ tang nổi lên từng chập áo não, thê lương. Tôi không dám ra đứng trước hành lang như những buổi chiều sau khi dạy xong theo thường lệ. Hai đêm liền thức trắng, cả ngày thẫn thờ không làm được việc gì cho ra hồn, tôi muốn làm điều gì đó cho lòng vơi nổi ân hận đang dày vò.

 

Tôi lấy bớt một phần tiền vừa vay được, quyên thêm tiền của tổ phụ lo đám tang cho Huệ . Đứa con gái được bên Ngoại lãnh về nuôi, người chồng tự động xin đi cai nghiện ở tận Tây Ninh. Thế là xong một cuộc đời bất hạnh. Mỗi khi nhớ đến người phụ nữ đo, lòng tôi nhói lên nỗi đau kỳ lạ.                                                        

                                                                 

                                                                       œ 

                                                                 

       

Thời gian rồi cũng phôi pha mọi việc, tôi trở lại nhịp  sống cũ. Sau một ngày giải quyết hết việc nhà, việc hàng xóm, đêm đêm dưới ánh đèn,  lại ngồi một mình tư lự với trang văn.

 

Lật chồng bản thảo, tôi tiếp tục đoạn kết. Đoạn kết, tôi viết có hậu hơn thực tế, chàng  trai bị thương mất một chân phải, trở lại quê hương gặp được người yêu cũ và cưới nhau. 

 

Đọc đi đọc lại năm lần bảy lượt tôi mới yên tâm đưa cho người đánh máy vi tính quen thuộc. Mỗi trang ba ngàn đồng, mười  trang mất ba chục ngàn. Gởi Fax cho nhanh.Viết văn cũng như nông dân, phải đúng vụ mùa, mùa nào viết đề tài nấy, phục vụ kịp phong trào thì mới có tác dụng cao.

 

Tôi viết truyện nầy để kỷ niệm ngày hai mươi bảy tháng bảy. Bây giờ tháng năm đưa là vừa, đưa trễ quá biên tập đọc không kịp.Thức trắng đêm, đánh vật với từng câu, từng chữ, bao nhiêu tim óc thổn thức cùng trang giấy, viết xong gởi bài đi lại hồi họp từng ngày. Lòng thắc thỏm lo, lo bài bị thất lạc, lo ngọn gió vô tình nào đó làm bay chồng bản thảo trên bàn người biên tập, không biết người biên tập đã đọc tới bài mình chưa, lại sợ người biên tập đang đọc bài thì nợ đến đòi… Biết bao sự cố xảy đến cho người biên tập mà mình không lường trước được .

       

Bài “ Chuyện tình năm cũ” nầy tôi viết thật kỹ, viết chắc tay, dựa trên câu chuyện thật của đời tôi, chủ đề mang tính tư tưởng cao, lại kịp thời vụ nên tôi hy vọng bài được duyệt.

 

Tôi thấp thỏm chờ tới ngày hai mươi bảy thánh bảy, không phải để được lãnh trợ cấp, lãnh quà mà chờ truyện ngắn tâm đắc của mình chào đời. Nghĩ đến lúc người ta đọc nó rồi khóc cười với nó, nó sẽ in dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc, nó làm cho vẻ đẹp bên trong của con người tươi tắn hơn, tôi thấy lòng  phấn chấn hẳn lên.

 

Không tin vào mắt mình, tôi lật đi lật lại tạp chí  Văn hoá Văn nghệ vẫn không thấy bài  đâu. Vậy là sao?    

 

Tôi thất vọng não nề. Bài không đạt chất lượng nội dung hay do phương pháp, thủ thuật còn non kém, biên tập chưa đọc kịp hay bị thất lạc địa chỉ? Bài không được đăng thế nầy thì còn đóng góp gì cho ai được nữa, thật là điên đầu, điên óc.     

 

Tôi gọi địên hỏi Tổng biên tập cho ra lẽ. Bên kia đầu dây, một giọng trẻ trung vang lên :

 

- Alô! Xin lỗi ai đầu dây ạ?

 

- Tôi đây!

 

- Xin lỗi! Cho biết quí danh được không?

 

- Tôi là Hồng Phấn, tác giả truyện ngắn “ Chuyện tình năm cũ”.

 

- A! Chị Hồng Phấn! Chị ơi! Chuyện của chị em có đọc. Xin lỗi! Chị cho em nói thật nhé. Chuyện của chị thuộc về chuyện xưa, tích cũ rồi mà lại viết dài dòng quá. Bây giờ người ta viết hiện đại hơn nhiều, càng ngắn gọn càng tốt chị ạ. Đề tài nên xoay quanh thời đương đại thì tốt hơn, chuyện tình thời chiến tranh đọc cảm động thật nhưng  lạc hậu rồi chị à, xin chị thông cảm cho chúng tôi nghe chị.

 

- Chuyện xưa tích cũ không cần nhắc lại nữa à? “ Ôn  cố vi tri tân” mà cô nói lạc hậu là sao?

 

- Đề tài cũ cũng có thể chấp nhận được nhưng  cách viết phải mới ! Chị ở trong nghề là chị hiểu rồi.Thôi thế chị nhé! Lần sau mong chị gởi tiếp bài cho tụi em.

 

Tôi ngao ngán buông điện thoại, ngồi bệt xuống bàn, gục đầu trên chồng bản thảo.

 

Thế là xong!  Đứa con tinh thần của tôi! Tôi phải len lách giữa bao nhiêu vất vả của đời thường, phải đeo mang bao ưu phiền ngoài xã hội để cưu mang nó. Vậy mà bây giờ, tôi đã trở thành nhà văn lạc hậu rồi sao?

 

Mà cũng có lẽ… Biết bao sự kiện sôi động ngày ngày diễn ra chung quanh mà mình vẫn chưa nói  được. Ngòi bút  còn lạnh lùng, chậm chạp quá! Cách viết không hiện đại, chủ đề đã xưa cũ, mình đã đi lầm nghề rồi sao? Hay là… Mình bẻ bút đi, đừng theo đuổi cái nghiệp gieo neo nầy nữa.

 

Đã thành lệ, đêm không ngủ sớm được. Những đêm trăng, trên căn gác nhỏ, cây Ngọc Lan nhà bên cạnh vẫn âm thầm toả hương. Nhìn ra cửa sổ, chị Hằng vẫn một mình toả sáng trên cao. Còn tôi, một mình bần thần ngồi trong đêm tối nghỉ ngợi bao chuyện vui buồn của đời mình, những chuyện tốt xấu ngoài xã hội, tôi vội đứng dậy, ngồi lên chiếc bàn viết quen thuộc,  lòng lại khát khao muốn cầm bút.

Kim Quyên
Số lần đọc: 2428
Ngày đăng: 30.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô gái nhỏ trong cơn bão khô - Lê Đình Trường
Hơ tay trên ngọn khói - Lê Đình Trường
Vẽ lại bức trang xưa - Nguyễn Quang Sáng
Dâm nữ - Trầm Hương
Mùa dưa gang - Kim Quyên
Mưa nửa đêm - Kim Quyên
Trăng muộn - Lá Me
Tai ngược - Phạm Lưu Vũ
Người của mỗi người - Dạ Ngân
Người duy nhất - Dạ Ngân
Cùng một tác giả
Mùa dưa gang (truyện ngắn)
Mưa nửa đêm (truyện ngắn)
Bông (truyện ngắn)
Đám cưới vùng sâu (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Lá rụng (truyện ngắn)
Nắm tro (truyện ngắn)
Nghiệp văn (truyện ngắn)
Người ấy (truyện ngắn)
Người dưng khác xứ (truyện ngắn)
Sóng ngầm (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Sen (thơ)
Cúc (thơ)
Hồng (thơ)
Mai (thơ)
Đi Biển (truyện ngắn)