Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
504
115.989.410
 
Chuyện Của Người Già
Trần Minh Nguyệt

Hôm nay đã 27 âm lịch rồi, chỉ còn hơn ba ngày nữa thôi là tôi lại nhận thêm một tuổi mới - thời gian đúng là vó ngựa vô hình, âm thầm, lặng lẽ vậy mà trôi qua nhanh thật. Năm nay trời lạnh nhiều, kéo dài - khí hậu bất thường, hoa Mai ở mọi nhà trong làng hầu hết không nở kịp tết, chỉ có Mai nhà tôi là khoe sắc rực rỡ làm cho mọi người qua ngõ ai cũng dừng lại ngắm nhìn…

                   

Nhà tôi có một vườn Mai nên mẹ tôi luôn chăm chút lặt lá từng ngày tùy theo thời tiết nên có hoa chơi trước tết, đúng tết và sau tết. Mai đang độ nở hoa, tỏa hương dìu dịu lẩn khuất khắp khu vườn. Màu vàng phớt nhẹ mong manh mà tinh khiết của Mai khiến cho người ngắm nhìn nghĩ đến sự thanh cao, vinh hiển và sang quý. Có lẽ vì thế mà Mai được người xưa coi như “ Nữ hoàng của các loài hoa” chăng?. Mọi nhà trồng Mai thường chỉ chọn để chưng những cây mai ( lão Mai hay liễu Mai không quan trọng) chỉ cần những chậu mai có nhụy âm – dương, cành tứ quý mà thôi. Nhụy âm – dương chỉ cho sự hòa hợp giữa vợ chồng; còn cành tứ quý là tượng trưng cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.  

                 

Tôi đang phụ cùng ba sửa sang cây Mai cành tứ quý để chưng trước hè, thì mẹ tôi từ ngõ bước vào – nét mặt dàu dàu không vui. Ba tôi nguớc lên - hỏi : “ Bà thấy cây Mai này thế nào? Có đẹp và quý phái không? ”. Mẹ tôi không trả lời câu hỏi của ba mà giọng buồn buồn :“ Tuổi già khổ thật đó, con người rồi ai cũng phải chết, tôi chỉ cầu mong sao cái chết đến khi tôi còn minh mẫn, còn tìm thấy niềm vui bên con, bên cháu …”. Ba tôi đang cắt tỉa vài nhánh lá thừa ở cành Mai bên trái -  ngạc nhiên, dừng tay - nhìn sững lên mặt mẹ một lúc – rồi cười : “ Bà sao vậy?  Bà nãy giờ đi chơi ở đâu mà về nói những chuyện không đâu vậy? ”. Im lặng một lát ba tôi nói tiếp: “ Bà nghĩ xa quá vậy để làm gì? Tôi nghĩ rồi tuổi già của chúng ta cũng như bao người khác thôi, không có gì khác biệt đâu ? Cũng vui vẻ, cũng hạnh phúc như lâu nay chúng ta sống.  Có điều là chúng ta không còn làm việc được nhiều nữa, mà chỉ sống an hưởng tuổi già, sống như vậy thì còn gì bằng nữa hả bà? ”. Ông chợt cười thành tiếng : “ Bà chưa già thì làm sao biết người già nghĩ gì ? Họ vui hay buồn, sướng hay khổ? ”. Bị ba tôi hỏi liền một lúc mấy câu hỏi, mẹ  im lặng nhìn sang tôi như tìm người chia sẻ, nhưng tôi biết theo ai bây giờ?. Ở  vào cái tuổi “ tri thiên mệnh” của ba, mẹ mà còn chưa biết được thấu đáo, thì tôi làm sao nghĩ ra được?. Tôi chỉ  mơ hồ thầm nghĩ mẹ tôi nói cũng có lí, mà ba bày tỏ cũng không sai - tôi thoáng nhìn vào hai gương mặt đăm chiêu của ba mẹ mà mỉm cười vì sự ba phải của mình. Tôi xin được  kể ra đây những mẫu chuyện về những người già – là bà con trong họ nhà tôi, là những người đáng kính trong làng - với hi vọng  sẽ giúp có được  một câu trả lời chính xác về tuổi già … 

                    

Bà Hai – Bà mợ trong họ bên ngoại của mẹ tôi năm nay đã 93 tuổi.  Da bà nhăn nheo, mắt đã lờ đờ nhưng trông dáng bà, tôi nghĩ chắc vào thời con gái bà đẹp lắm.Trên khuôn mặt trái xoan vẫn còn phảng phất những nét duyên dáng của thời con gái xưa, với sống mũi thẳng, vầng trán cao. Khi tôi còn là một cậu bé, tôi rất gần gũi và hết lòng thương yêu bà. Bà buôn hàng chuyến từ Pleiku về Bình Định nên thường ghé nhà tôi để gửi hàng hóa và ngủ lại. Chuyến đi nào cũng vậy, bà thường mua cho tôi và em gái tôi rất nhiều đồ chơi - khi thì xâu chuỗi hạt cườm, lúc là cái vòng giả ngà voi hay các đồ trang trí mỹ thuật bằng gỗ của người miền Tây Nguyên. Rồi tôi lớn lên theo những chuyến đi của bà, đến khi bà không còn đi buôn hàng chuyến nữa thì lúc đó tôi cũng hơn 18 tuổi rồi. Tôi vào đại học và ra trường, thỉnh thoảng cũng có nghe mẹ và ba tôi nhắc đến bà, nhưng vì còn ham chơi, và vì công việc quá nhiều, phải lo cho các kì thi, lo cho việc ăn học nên đã lãng quên mất bà.

                

Tuần vừa rồi, mẹ tôi có dịp lên Gia Lai ăn đám cưới của Minh – là anh em cô cậu ruột với tôi. Mẹ có ghé thăm bà và về kể lại cho tôi nghe những chuyện về bà mà nghe xong tôi không biết nên cười hay nên khóc nữa? Khi mẹ tôi đến thăm, bà không còn nhận ra mẹ tôi là ai, mặc cho mẹ tôi có giải thích như thế nào đi nữa. Cô Hồng, con dâu của bà nói: “ Bà không nhận ra ai nữa, ngay cả con, cháu bà cũng không còn nhớ mặt. Bà chỉ còn nhớ duy nhất là tên của mấy đứa con trai - con của bà thôi, mà chỉ là cái tên còn người đứng trước mặt thì bà không nhận ra !”. Mẹ tôi lại ngồi bên cạnh bà, cầm tay bà lên và mân mê, bà dằng tay ra lấy hai tay che mặt, bẽn lẽn nói:  “ Anh đừng làm như vậy? Mọi người thấy sẽ cười chúng ta. Em là con nhà gia giáo, chúng ta chưa cưới hỏi gì mà anh đã nắm tay em rồi, làm như thế này anh sẽ phá hỏng trinh tiết của em. Nếu anh có thật sự thương em thì anh về thưa với thầy, mẹ lên thưa cưới em về làm vợ đi !”. Nói xong bà bước xuống tấm phản và đi vội vào buồng dáng vẻ ngượng ngùng như thiếu nữ thuở mười tám, đôi mươi vậy. Cô Hồng còn cho biết thêm bà bị bệnh quên mất quá khứ đã hơn ba năm rồi, bà nghĩ bà đang ở thời con gái, đang sống cùng cha, mẹ. Bà cứ suốt ngày trang điểm, mặc hết quần này đến áo kia, rồi soi mình trong gương mà cười một mình. Tuổi già như vậy đó, bây giờ bà Hai ngày nào đã trở thành một con người trong một thế giới khác- thế giới không có quá khứ, không có tương lai. Bà vui hay buồn có ai hiểu được đâu? Chết hay sống với bà còn có ý nghĩa nữa không?

                  

Bà Tám Quanh ở gần nhà tôi, người mà luôn làm cho mẹ tôi nghĩ rằng “ Tuổi già là khổ, là bất hạnh, là buồn đau !”.

                   

Bà tám Quanh là con của một gia đình giàu có trong làng, nên lúc nhỏ đã được học để trở thành một cô tiểu thư đài các. Bà rất khéo tay, từ việc may, vá, thêu thùa đến việc làm bánh trái - việc nào bà cũng  thông thạo nổi tiếng. Bà đọc sách nhiều, được dạy dỗ kỹ - nên biết nhiều chuyện về đời về người và rất có khiếu kể chuyện. Thời tôi còn học phổ thông, tôi rất mê những câu chuyện của bà. Những câu chuyện bà kể chúng đi vào tâm khảm của tôi lúc nào không biết nữa. Có lần bà đã kể: “ Thời xưa việc dạy học không như bây giờ, không có giáo trình hay giáo án nào cả. Những ông thầy dạy thời đó cứ thuận theo lẽ trời đất mà thôi. Khổng Tử là một người thầy lớn của nhân loại chúng ta. Môn sinh theo ông ta rất nhiều. Một hôm trời mưa to xói lở đất cát, đất từ trên núi, gò cao đổ xuống những vùng trũng. Khổng Tử mới nói với học trò rằng “ Ông trời có Đức hiếu sinh”, học trò nghe xong ngạc nhiên. Khổng tử mới giải thích – “ Ông trời đem đất chỗ cao xuống chỗ sâu, làm cho đất bằng phẵng, trù phú ”. Khổng Tử giải thích xong quay lại hỏi học trò - “ Con người như thế nào gọi là có Đức?”.  Học trò ông sau một lúc suy nghĩ, người nói này, người nói kia. Những câu trả lời văn hoa, triết lý, câu trả lời nào Khổng Tử nghe xong cũng lắc đầu. Cuối cùng Khổng Tử nói –“ Đức của con người là người giàu có phải san sẻ cho người nghèo khó. Người có trí tuệ thông đạt phải chỉ dạy cho người kém cỏi si muội… ”. Những câu chuyện như thế được bà kể hàng ngày, người trong làng chúng tôi ai cũng công nhận bà  là người thông minh, có trí. Một người lịch lãm như thế mà giờ đây - tuổi già ập đến, lại nói lảm nhảm những lời ngẩn ngơ, những lời khiến không một ai có thể hiểu được là bà đang nói gì? Một hôm, bà bỗng dưng nói với dì Thanh – con dâu của bà : “ Con đi chợ mua gì ngon về nấu cho bà ngoại thằng Thanh ăn con nhé? Bà thấy má đau nên về thăm. Thịt bà ngoại con mua về má để ở dưới chạn, con lấy ra nấu cho má chén cháo !”. Mợ Thanh nghe xong cảm thấy ớn lạnh, nổi da gà vì bà ngoại chồng – người mà bà nhắc đến đã chết hơn 30 năm rồi…

                

Bà Tám Quanh rất hay nắm mơ, bà mơ thấy điều gì không nói với ai cả nhưng cứ mỗi sáng tỉnh giấc là bà bảo mợ Thanh làm một mâm cơm đặt lên bàn thờ tổ tiên cho bà cúng, lúc thì bà bảo làm mâm cơm mặn, lúc lại làm mâm cơm chay. Cậu mợ Thanh và con cháu ai cũng yêu kính bà nên làm mọi thứ mà bà yêu cầu. Cậu Thanh là một doanh nghiệp trẻ rất thành đạt vậy mà tuần nào bà cũng bắt cậu vẻ mặt hát bội cho bà xem. – Khi thì cậu đóng vai Tiết Cương, Quan Công lúc đóng vai Hàn Phụng, Đổng Trác.Nhìn vẻ mặt được tô trét  lấm lem lọ nghẹ và son phấn, cách cầm cây nhảy múa và giọng hát như tra tấn lỗ tai khán giả của cậu không ai có thể nhịn  cười. Vậy mà bà Quanh chăm chú lắng nghe, đôi khi còn vỗ tay tán thưởng nữa…

 

Anh chị Hai tôi đang sống ở thị trấn, kế nhà anh chị là căn nhà cấp bốn đã xưa cũ của vợ chồng ông Tư đều trên bảy chục tuổi. Vợ chồng ông có với nhau đến năm mặt con và đều là con trai. Thuở trước, bà Tư có sạp hàng buôn bán tạp hóa ở chợ, ông Tư đạp xích lô - vợ chồng hòa thuận , con cái đuề huề, gia đình đầm ấm. Rồi những đứa con ông lớn lên dần dần có đôi, có cặp. Mảnh vườn rộng của vợ chồng được đem chia đều cho bốn đứa con nhỏ, ông bà ở với cậu con cả trong ngôi nhà chính. Vợ chồng cậu cả trúng 10 vé số độc đắc nên bàn với ông phá bỏ ngôi nhà cũ xây cất lại ngôi nhà ba tầng khang trang. Tin lời con, ông bà chấp thuận . Nhà cất xong, vợ chồng cậu cả bảo ngôi nhà do vợ chồng cậu bỏ công bỏ của xây dựng nên chỉ để cho ông bà ở một phòng bên cạnh khu nhà bếp. Thời gian sau, họ nói bóng gió xa xôi, trách cứ, nặng nhẹ đủ chuyện với ông bà- rồi buộc vợ chồng ông phải sang ở với những đứa con khác vì họ cần có chố để kinh doanh làm ăn. Nhưng bốn đứa còn lại, cậu nào cũng đùn đẩy việc phải nuôi cha, mẹ già  nên chúng đều cấm cửa không cho vợ chồng ông bước vào nhà . Ông Tư đành che tạm một túp lều nhỏ ở góc sau vườn - rộng chỉ độ sáu mét vuông, vừa đủ để kê một cái giường nhỏ và chiếc rương gỗ để quần áo – là tài sản duy nhất còn lại của ông bà. Bà Tư buồn khổ, dần dần trở nên ngớ ngẩn, quên hết mọi thứ. Thậm chí quên cả tên những đứa con do mình mang nặng đẻ đau, quên luôn cả người chồng luôn kề cận đầu ấp, tay gối. Bà Tư đã trở thành một đứa trẻ hoàn toàn. Sáng - chiều, ông Tư phải còng lưng đạp xích lô để nuôi bà. Lúc đẩy chiếc xe ra ngõ, ông đã cẩn thận khóa cửa nhốt bà trong nhà. Khi trở về,  ông Tư mới mở cửa - nấu cơm, giặt đồ và làm  công việc của một “ bảo mẫu” nữa : Ông phải bón từng thìa cơm cho vợ, rồi tắm rửa, chải tóc cho bà và sau cùng là dỗ cho bà đi ngủ. Hằng ngày - bà Tư chỉ làm mỗi một việc là ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn người và xe cộ qua lại trên đường và thỉnh thoảng chợt cười một mình. Có lần, ông Tư đã tâm sự với anh Hai tôi : “ Tôi mong bà ấy đi trước tôi, để tôi có thể lo cho bà ấy đến  nơi đến chốn. Nếu tôi có mệnh hệ nào, thì ai lo cho bà ấy đây? ”.

 

Ông Thân – ông Bác của ba tôi, năm nay đã ngoài tám mươi. Bà Thân mất khi anh Đức con út của ông mới năm tuổi. Một mình ông tần tảo nuôi các con trưởng thành - ông vừa làm cha, vừa làm nhiệm vụ như một người mẹ. Niềm an vui, niềm hi vọng của ông là được sống bên cạnh có các con : Anh Lộc,  và anh Đức. Không phụ lòng kì vọng của cha, anh Lộc đã là Giám đốc của một công ty cổ phần đang làm ăn phát đạt; còn anh Đức đã là một thạc sĩ bác sĩ nội khoa giỏi - có phòng mạch riêng ở thành phố. Nhưng  Đức là một bác sĩ tài năng đã giành lại được biết bao mạng sống cho người từ tay tử thần vậy mà chính cuộc sống của anh, anh không tự cứu mình được. Anh phát hiện ra mình bị ung thư gan, rồi nhận lãnh cái chết đành bỏ lại cha già, người vợ trẻ và đứa con gái mới lên năm tuổi. Ông Thân như bị ngây dại khi được tin anh Đức mất đi. Ông  được đưa về ở với anh Lộc, mà hồn đã ra đi cùng anh Đức rồi. Suốt ngày ông câm lặng, không nói với ai một câu. Ông tự giam mình trong phòng không bước chân ra khỏi cửa - ngay cả đến giờ những bữa ăn. Ông chỉ sử dụng chiếc chuông nhỏ mà anh Lộc đã mua cho , rồi rung lên mỗi khi cần việc gì. Khi có ai vào phòng săn sóc, ông lấy tay chỉ hoặc ra dấu việc mình cần chứ không mở miệng nói lời nào cả. Anh chị Lộc nhiều lần khuyên ông “ Ba cần gì thì nói lên, đừng rung chuông và ra dấu, nếu cứ làm vậy lâu dần ba sẽ bị câm luôn đó !”. Nhưng ông vẫn câm lặng như một cái bóng. Vậy mà có khi đang đêm ông thức dậy ngồi nói một mình, nói suốt đêm. Ông Thân thường kể nhũng chuyện về thời xưa cũ, những chuyện của quá khứ khi vợ ông và anh Đức còn sống. Và thường là sau những lần như vậy ông gào lên thảm thiết trong đêm : “ Tôi không muốn sống thêm một ngày nào nữa cả. tôi xin bà và con mang tôi đi theo!”. Nói xong - ông khóc rấm rứt, tiếng khóc như uất nghẹn dần trong lồng ngực.

 

Còn biết bao chuyện của những người già mà chính mắt tôi đã trông thấy, gần gũi - đã để lại trong tôi rất nhiều ưu tư, khắc khoải. Có thể chia sẻ sơ luợc  thêm về vài trường hợp quanh tôi:    

                

Bà Lê - ở đầu xóm, trước khi chết hàng ngày đi nhặt bì nhựa mà người ta sử dụng xong vứt bỏ ngoài đường đem về luộc ăn thay rau. Con cháu bà ngăn cản thế nào cũng không được.

              

Ông Hai ở xóm trên bị đói mà chết cũng vì sự lẫn lộn quái ác của mình: Lúc nào ông cũng nói là mình ăn rồi. Tới bữa cơm, khi con cháu bưng  mâm cơm vào, ông vừa mếu máo vừa nói : “ Tao mới ăn rồi, ăn no căng bụng, giờ ăn nữa thì chứa vào đâu? Hu hu…”. Có hôm khi con ông năn nỉ quá ông ăn thêm vài muỗng, có hôm ông kiên quyết không ăn gì cả. Sức khỏe ông ngày càng yếu dần và ông ra đi như một ngọn đèn cạn dầu lụi dần, lụi dần vậy.

                 

Bà Trâm - ở đối diện ngõ vào nhà tôi -  tuy tuổi đã gần 70, nhưng vẫn còn khỏe mạnh lanh lợi là vậy mà chỉ một cơn đột quỵ vào buổi sáng mùa đông, bà đã nằm bất động không dậy được nữa. Đầu óc bà vẫn rất tỉnh táo, nhìn và hiểu được mọi việc, nhưng bà không nói được lời nào?. Khi có người thân đến thăm, bà  chỉ đưa mắt nhìn, rồi chảy nước mắt. Bà  cố đập tay xuống giường phình phịch như để trả lời, nhưng vô hiệu. Một tháng sau thì bà chết đi trong im lặng…

 

Mẹ tôi thường nhìn thấy những cảnh tượng như vậy rồi đâm ra lo sợ cho cuộc sống tuổi già của mình. Bà hay nói “ Tiền tài, danh vọng để làm gì khi tuổi già ập đến thì ai ai cũng thế cả! Cũng khổ đau, bệnh tật và cô độc … ”.  Còn ba tôi thì luôn khuyên mẹ rằng : “ Tiền tài, danh vọng có được nhờ vào mồ hôi  và trí lực mà có được là đáng quý biết bao?  Biết giúp ích cho đời, giúp  cho người, cho con cháu thì đó là niềm an ủi lớn lao của đời người rồi!  Bà hãy nên để cho đầu óc thanh thản mà hưởng phước trời chứ sao lại bi quan buồn khổ làm vậy?  Đâu phải  tuổi già chỉ đem lại nỗi khổ cho người ?”. Im lặng - nhìn mẹ tôi một lúc – Ông mỉm cười : “ Về già khổ hay sướng chúng ta làm sao biết trước được, tôi với bà cũng gọi là già mà vẫn sống an vui đó thôi?  Cuộc đời có ai thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử  – Sinh ra, lớn lên, già yếu rồi tan theo cùng cát bụi  là lẽ tự nhiên của trời đất.  Điều quan trọng là con người phải biết sống như thế nào mà thôi bà ạ! Việc gì bà phải ưu phiền như vậy cho mệt ? ”

 

Đầu óc tôi lúc này đang rối tung bởi không nghĩ ra được điều gì để có thể chia sẻ cùng ba mẹ tôi cả. Chuyện tuổi già sẽ được nghỉ ngơi an hưởng phúc như một số người nói hay phải sống trong buồn khổ, cô độc - không có quá khứ, không có tương lai, vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ không có đáp án. Chuyện về người già mà tôi muốn tâm sự cùng các bạn là như vậy đấy - Còn các bạn nghĩ sao?./.

 

Trần Minh Nguyệt
Số lần đọc: 1634
Ngày đăng: 23.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyến Xe - Kinh Dương Vương
Một Chút gì để nhớ - Phạm Văn Nhàn
Linh hồn ong chúa - Hoa Ngõ Hạnh
Xử Nữ - Hà Thúc Sinh
Có Miền Sông Nước - Lê Văn Thiện
Bệnh Xá Cuối năm - Trần Hoài Thư
Chuyện Tình - Lê Văn Thiện
OK - Vũ Thanh Hoa
Dị Hương - Sương Nguyệt Minh
Hương Xưa - Phạm Văn Nhàn
Cùng một tác giả
Chuyện của bà năm (truyện ngắn)
Mùa xuân năm ấy (truyện ngắn)
Một giọt máu rơi (truyện ngắn)
Giọt máu (truyện ngắn)
Một Câu Chuyện Tình (truyện ngắn)
Chuyện Làng Tôi … (truyện ngắn)
Tiếng Gọi ThẦm (truyện ngắn)
Món Ăn Cuối Cùng (truyện ngắn)
Một Lần Li Hôn (truyện ngắn)
Cảm Giác (truyện ngắn)
Bác Sĩ Mụt Ruồi (truyện ngắn)
Bên Dòng Sông Quê (truyện ngắn)