Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
494
115.989.382
 
Quà sinh nhật cho người cha đi xa
Lâm Bích Thủy

Yến Lan, Sinh ngày 2 tháng 3 năm 1916 tại quê: thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Dưới là bài viết của con gái ông viết mừng sinh nhật Ba. VCV

 

   

Ngày 2.3 năm nay (Tân Mão) thi sĩ của một bến sông tròn 95 năm, ngày ông được sinh ra. Cái bến sông do thi sĩ lấy tựa cho bài thơ của mình đã ngấm vào tâm trí ngươi hâm mộ, rồi hiển nhiên trở thành cảnh đẹp trong tâm tưởng của người yêu thơ đối với một thị trấn nhỏ đìu hiu An Nhơn - quê hương thi sĩ nói riêng, Bình Định nói chung; để rồi từ khi cái tên ấy có một chỗ đứng trên Thi đàn thì người người mơ được đến tận nơi để chiêm ngưỡng nó – bến sông ấy gọi là “Bến My Lăng” và người thi sĩ ấy là nhà thơ Yến Lan .   

 

Vâng! Yến Lan là cha tôi đó! Mặc dù Người đã đi xa cũng gần ¼ thế kỷ nhưng chúng tôi, con ông vẫn cảm nhận sự có mặt của người cha bên cạnh mình. Tên của cha tôi đã đi liền với quê hương, bản quán đến nỗi chỉ mới nghe nhắc đến hai từ Yến Lan là người dân Bình Định, hay khách thơ thốt ra ngay “Nhà thơ của Bến My Lăng”. Trong chúng tôi mãi có cha, bởi tình yêu, sự kính trọng, quí mến đối với một nhà thơ của người đời!

 

Năm nay, kỷ niệm ngày sinh, chúng tôi sẽ kể với ông về những điều khi còn sống ông từng khát thèm:  

 

Ba biết không? Đã gần 13 năm ba đi khỏi thế giới của chúng con. Trong thời gian đó có nhiều đổi thay lắm; thay đổi đến chóng mặt. Cuộc sống của người dân thị trấn mà ba tâm huyết đang từng ngày được cải thiện; đường, phố khang trang hơn. Thế hệ trẻ bây giờ có nhiều tiện nghi hiện đại để học và làm; ngay con bé Nhàn Vân cũng có chiếc máy tính do vợ chồng em Đạo mang Từ Hà Nội vào cho. Muốn thư trao đổi cho nhau chỉ ngồi một chỗ, cần gì là thư điện tử, trong tít tắc sẽ chuyển tận nơi nhận và trả lời ngay, thảm cảnh cuả anh chàng

 

Áo vải tây vàng hai vai đã vá

Đi giữa đường mấp mô

Không có kẻ đợi người chờ

 

Đã vĩnh viễn thành hoài niệm nằm lại trong “Tỉnh nhỏ đìu hiu” của ba rồi!

 

Song le, sự thay thế của thư diện tử làm con tiếc vô cùng! sự mất đi của thư tay, sẽ làm mất đi những cái cần lưu giữ cho con cháu đời sau nếu đó là thư của các danh nhân. Sở dĩ nhà ta còn lưu được những lá thư của các chú gửi cho ba, mà giờ chúng con rất trân trọng là do má biết giá trị của nó. Mai đây, thời gian này sẽ lùi vào quá khứ, thời của thế hệ ba trở thành những nhân vật lịch sử, thư tay sẽ trở thành bảo bối của các thế hệ tiếp theo.

 

Một thứ mà ngày xưa, ba ao ước có một chiếc cho gia đình dùng, giờ đây đã thành đại trà ba ạ, nhiều đến nỗi những người đi mua ve chai, vệ sinh đường phố đều có để cầm tay thông tin cho nhau mọi lúc mọi nơi – giới trẻ gọi là điện thoại di động đấy nghen ba.  

 

Còn về thương trường, các chị gánh hàng đi bán rong, giờ có sạp riêng trong chợ. Họ tươi cười, đon đã mời khách chọn hàng, không còn cảnh ế ẩm để

 

Hàng rong gặp hàng rong

Liếc nhìn nhau qua mẹt bánh

 

Con kể cho ba nghe một chút về má: má giờ tuy tuổi rất cao, sức tàn, song cái gì có thể lẫn lộn, quên, nhưng hình ảnh và tư cách của ba chưa một giờ phai mờ trong tâm trí. Không hiểu sao cứ chiều đến, má ra ngồi trước cửa, nơi ngày trước ba hay ngồi để nhìn về phía chợ Gò Chàm nghe âm thanh của cuộc sống đời thường, giờ đây má cũng ngồi vào chỗ ấy và da diết nhớ ba, rồi lầm bầm trong miệng như đang niệm phật hay nghe như không vừa lòng con cái. Con hỏi “má lầm bầm gì thế”, vẻ thẹn nhưng tự hào má bảo: má đọc thơ ba, và đọc lại, rõ to cho con nghe

 

Em có cháu gọi "bà"
Gọi (em) anh vẫn gọi
Năm mươi tuổi, ai già
Chúng mình sao trẻ vậy

Anh đọc truyện em nghe
Em muốn em là "Tấm"
Lòng - hoàng tử anh mê
Từ buổi, đầu em lấm

Em gọi khế cuối mùa
Anh cắn từng lát nhỏ
Ôi, quả thường vị chua

Mà mọng nhìều thương nhớ …

 

Mấy năm nay, má đã xuống ở dưới phòng khách. Trên đầu giường, má luôn treo một cái túi nhựa hoa cũ kỷ, cổ lổ sỉ, quê mùa; nhiều lần con đem giấu, để lúc nào má quên thì vất đi. Bởi chúng con sợ, khách đến thăm sẽ cười con cháu nhà thơ không mua được cho mẹ chiếc túi tử tế. Nhưng ba biết không, em Tú Thủy đã tặng má nhiều túi mới, hiện đại và đắt tiền, nhưng má không dùng; đi đâu, kể cả vào thành phố Sài Gòn hoa lệ má cũng chỉ dùng chiếc túi nhựa cũ kỹ này thôi. Nếu phát hiện mất, má lục tung các xó xỉnh, tìm bằng được, để rồi lại treo về chỗ cũ. Phải là chúng con thì đã vứt nó đi từ đời tám hoánh nào rồi.

 

Quái lạ, chiếc túi đó có gì quí giá mà má giữ gìn nó như báu vật gia truyền vậy?

 

Rồi một hôm con thắc mắc và má đã trải lòng: “ Túi này con đừng vứt đi của má. Tuy xấu và quê mùa vậy nhưng là vật kỷ niệm của ba đó. Để nó ở đây má có cảm giác ấm lòng lạ thường. Hồi đó, nhân dịp gặp lại nhau, kể từ sau năm 1943, nhà ta và nhà chú Chế Lan Viên rủ nhau đi chợ. Ba mua tặng má một chiếc, chú Chế mua tặng cô Giáo (người vợ trước - mẹ của Phan Lai Triều) một chiếc, tại chợ Hàng Da - cách đây đã mấy thập niên rồi. Vất đi không đành”

Nghe má nói, con trố mắt kinh ngạc “À thì ra là vật kỷ niệm của người thân”. Rồi  bỗng dưng con cảm nhận được “Tình thơ” giữa ba và má, giữa hai thú linh của Bàn Thành Tứ hữu - Lân và Phụng sao mà sâu sắc, nặng lòng đến vậy! Con không thể ngờ được rằng - người đàn bà – vợ của ba chỉ là một phụ nữ chuyên nội trợ trong gia đình, ốm đau liên miên, về mất sức chỉ sau khi ra Bắc 4 năm, mà ý thức được những giá trị từ những vật bình thường như vậy.

 

Và chắc ba không thể biết sự ảnh hưởng của ba đến má như thế nào đâu. Con thường nghe má lầm bầm nên cũng thuộc lòng bài thơ ba “Dặn vợ”.

 

Bà bảy mươi rồi, tôi bảy ba

Trời còn tặng thọ để xa hoa

Bấy lâu ky cốp giờ chung giữ

Giữ chút lương tri để dưỡng già

Dặn vợ            

 

Lương tri của một con người không phải ai trên đời cũng tâm niệm để giữ mình cho trong sạch. Với ba, qua hơn 80 năm cuộc đời và 60 năm làm thơ, ba đã rút ra được nhiều kinh nghiệm sống và sáng tác. Tất nhiên có người đã nhận ra  “Những bài thơ cuối đời của Yến Lan là những bài thơ hay, nhiều hình ảnh đẹp, giàu tửng tượng. Chỉ có sự tinh tế của tâm hồn thì nhà thơ mới làm cho hiện thực ngoài đời trở nên sống động, nên thơ mới được như vậy!”

 

Tuy ba có nhiều thiệt thòi trên văn đàn và trong đời sống, nhưng mười năm trở lại đây, thế giới của văn học đã tìm đến thơ của ba. Một giáo viên chuyên ngành Văn học Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Qui Nhơn đã tâm tình :

 

Em thấy nhà thơ Yến Lan là người suốt cuộc đời, sống vì quê hương và cái chữ, ông yêu ghét rõ ràng. Một nhà thơ có đức có tài, góp nhiều sức lực và tuổi trẻ cho quê hương, nhưng không gặp may mắn trong đời như các nhà thơ cùng thời, em muốn làm một chút gì cho cụ, không biết có được không !!!???..” 

 

Tuy không biết việc làm của người giáo viên ấy có hiệu quả hay không, nhưng chúng con thấy vui vì có người đã hiểu về ba như vậy. Người giáo viên tâm huyết đó đã hướng dẫn cho cô giáo trẻ mới vào đời làm luận văn thạc sĩ với đề tài:

“Cái tôi trữ tình trong thơ Yến Lan”. Còn đây nữa, ba sẽ vui hơn khi biết, trước đó đã có hai đề tài:

- Là “Thế giới nghệ thuật thơ Yến Lan” của trường Đại học Quốc Gia TP/ Hồ Chí Minh

- Và “Đặc điểm thơ Yến Lan” của Trường Đai học Sư Phạm TP/Hồ Chí Minh.

 

Đây Ba xem, qua nhiều năm tháng, nhưng cậu bé bị mẹ đẻ rơi trên chính cái bến mà ba đã cho nó cái tên bất hủ trên thi đàn  vẫn còn vọng lại .  

 

Quê ngọai bên kia bãi cát vàng

Mẹ tôi về, lỡ chuyến đò ngang

Cơn đau trở dạ không giường chiếu

Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng

 

Ngay từ thời xa xưa ba đã nói với cô Châu thị Hạnh, rồi cô nhắc lại cho con : “Cách đây năm sáu chục năm, cái tuổi sắp bước vào đời. Cuộc sống chưa biết gì về đời mà ba cháu đã gửi cho cô 3 tập giấy vỡ học trò với rất nhiều bài thơ với một lời dặn: “Chia nhau cất giữ vì sắp chiến tranh! Con người sẽ mất còn thơ sẽ sống mãi với đời”

 

Bình Định của thế kỷ 21 không như “Bình Định 1935” song  những câu thơ của ba sẽ và mãi vẫn còn:

 

Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc ?

Em nằm thương xanh biết của trời buồn !

Trên đài trán thơ hằng lên vọng nguyệt,

Trăng còn nương thuyền nhạc khuất trong sương.

 

Nhiều lần con ngồi so sánh và tự hỏi “có nhà thơ Bình Định nào thật sự yêu quê và tha thiết với quê như ba không?”. Bình Định là nguồn mạch vô tận của cảm hứng và sáng tạo mà ba dành cho sự sáng tác của mình. Bốn bài thơ dài về quê hương “Bình Định 1935, 1945, 1947, 1975” đã ghi lại những dấu ấn lịch sử và mang tính dự báo cho sự phát triển trong tươi lai của Bình Định ta, nó thể hiện tâm huyết và tình nghĩa của ba đối với quê hương. Nếu giờ nó còn là sự lãng quên, nhưng rồi đây thế hệ trẻ sẽ quay đầu nhìn lại và biết những việc làm của người xưa qua những tầng sâu trong thơ của ba.

 

Con nhớ có lần ba tiên đoán tương lai Thị trấn nhỏ bé của  mình. Sao mà chính xác thế; giờ đây không còn đìu hiu như trước nữa, nó đang từng ngày được thay da đổi thịt ba ạ. Cái bến mà chàng kỵ mã đã đứng gọi đò vào đêm trăng sáng xưa, giờ thay vào chiếc cầu xi măng trang nhã, chắc chắn bắc ngang qua dòng sông Kôn hiền hòa.

 

Những đêm trăng sáng ư!, không có chàng trai nào phải đứng gọi đò. Người ta thấy các đôi nam nữ trong ngày tình yêu, tay trong tay, ngồi trên thành cầu ngắm trăng treo đầu ngọn tre để nhớ “chàng kỵ mã” áo xanh khản cổ vì gọi đò:

 

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã

Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly

Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả

Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi…

  

Có thể còn nhiều người chưa biết ba là ai, vì tưởng tên Yến Lan là nữ thi sĩ… Riêng cái tên này, cũng để lại cho người sau một mối tình đẹp của thi sĩ nghèo và hai nữ sinh của ba.

 

Cuộc đời có mất sẽ có bù. Qua các tác phẩm của hơn 60 năm sáng tác cho đời, ai cũng nhận ra một chân dung đẹp về người thi sĩ tài năng và đạo đức, yêu quê hương, đất nước và con  người  ở trong thi sĩ Yến Lan đấy .

 

Giờ, khi tên ba vừa được nhắc tới, thì có một điều lạ lắm, người yêu thơ, già trẻ, trai gái và cả các chú - bạn vong niên, đồng nghiệp nhất là các nhà báo trẻ đều có chung cảm nhận:

 

Đời hiền thơ thảo tiếng vang xa

Để lại trần gian những cánh hoa

Thơm hương tỏa ngát tình nhân thế

Con cháu tự hào bởi ông cha

 

Điều này chẳng phải đã khẳng định trong lòng người hâm mộ có một vị trí dành cho ba đó sao?!

Ba thường day dứt khi tâm sự cùng con

“Ba sợ nhất là mình sẽ chết đi trong lòng mọi người.”

 

Không! Ba sẽ không bị mất đi trong lòng họ đâu! Chúng con còn nhận rõ cái tình mà người đời dành cho ba; vẫn nghe người ta nhắc đến tên Yến Lan bằng tâm trạng kính trọng có âm hưởng của sự tiếc nuối. Họ tiếc nuối vì nhận ra sự thiệt thòi của ba trong cuộc đời khi còn sống và những điều không được tri ân khi đã khuất; họ kính trọng ba vì những tâm huyết ba lặng lẽ hiếng dâng cho đời mà không mảy may có sự đền đáp.

 

Ta viết cho đời thơ tuyệt cú

Bù vào đất chật những trường thiên

Quế hòe phóng ngọn trên đồng cỏ

Đọng sóng tầng cao những nét riêng

Tự bạch”     Tháng 7-1967

 

Anh Cao Kế, giảng viên trừơng đại hoc Qui Nhơn – nay đã cao tuổi - người từng làm công tác tuyên truyền cùng ba, không quên được thời trai trẻ, nghèo khó nhưng oanh liệt.

 

Còn lời tựa của nhạc sĩ Văn Cao, được lớp trẻ nhắc lại với sự ngưỡng mộ: “Người ta không những ngạc nhiên về hình thức mà còn ngạc nhiên về sự thay đổi của Yến Lan trong nội dung. Trong sự chuyển biến chung của thơ ca hiện nay mong nhiều người góp sức vào để đẩy lùi một qúa khứ nhạt nhẽo, trường hợp thơ của Yến Lan cũng làm nhiều người ở vào lứa tuổi của anh phải suy nghĩ.

    

Đọc thơ cuả Yến Lan, tôi có cảm tưởng là lúc nào anh cũng bắt đầu. Một sự bắt đầu vào các luồng thơ khác nhau gần như không do dự. Tôi yêu Yến Lan ở cái chỗ luôn luôn bắt đầu đó.

 

Thời đại mới, có những nhà thơ trẻ rất tâm đắc với lời khuyên của ba cho sáng tác của mình:

Muốn làm thơ, trước tiên hãy làm con người tốt. Và với thơ điều tối kỵ là viết dối, viết cẩu thả

 

Người yêu thơ, ai cũng biết “nhà thơ Yến Lan khi còn trẻ đã được tiếng là một nhà thơ, nhà biên tập kỹ lưỡng về chữ nghĩa. Cấu trúc câu của ông bao giờ cũng chặc chẽ, giàu tính sáng tạo.

 

Sở dĩ năm nay, nhân kỷ niệm ngày sinh của ba, con kể cho ba những điều trên, vì trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến đậm màu nhân văn về sự thiệt thòi của ba: không xuất bản những tác phẩm cũ và mới, được sửa mộ phần, nặn tượng hay chỉnh trang lại nhà lưu niệm.

 

Còn với ba ư !!! Con chưa thấy có gì để đánh giá sự tri ân của quê hương với những đóng góp của ba - Người đã mất nhiều đứa con tinh thần nhất, người sống vì quê hương và thơ nhưng chẳng được sự quan tâm cho dù chỉ để sửa lại cái phòng lưu niệm mà má đã cố gắng lập nên, Bây giờ chúng con đã dời xuống tầng một vì bị dột, ẩm mốc làm hư các tài liệu ba để lại.

 

Tất cả những gì để làm ấm lòng ba ở thế giới bên kia là do chúng con chung nhau từ đồng lương hưu ít ỏi đấy ba à.

 

Dẫu ba không được như các chú, các bác, song chúng con vẫn luôn có niềm tự hào về ba. Chẳng là vì có sự thông cảm từ các đồng nghiệp, học trò của ba người thi sĩ có tư cách, đạo đức và tài hoa để lại cho đời và dân tộc.

 

Các chú nhà thơ đã so sánh thật chí tình chí lý:

“Cả cuộc đời một thi nhân chỉ cần để lại cho đời một bài thơ hoặc một câu thơ hay là đủ .Nhưng, nhắc đến Yến Lan, giới yêu thơ đều biết; mỗi giai đọan lịch sử ông đều để lại dấu ấn.

Năm 20 tuổi nhà thơ đã có những câu thơ điêu luyện, tài hoa, những câu thơ có thể xếp vào lọai đặc sắc góp phần khẳng định sự thắng lợi của Thơ mới trong buổi đầu (Nguyễn Bao-Từ Bến My Lăng”:                          

 

Trống xa mái ngẫn ngơ thơ đá chạm

Chiều bồ câu cánh ủ khắp viên trang

Sầu tam giác buồm cô về lặng nghỉ

Nhịp hõan hòa đến vỗ đảo xa khơi

 

Riêng con, luôn nhớ về ba trong phong cách ung dung, tự tại, người nghệ sĩ không tham quyền, hóm hĩnh, yêu đời và sự lặng lẽ hiến dâng :

 

Quả đu đủ góc ao

Ứa nhựa hàn vết đau

Tĩnh yên cành gió quệt

Quả đu đủ góc ao

Lặng dân đời quả ngọt.

 

Nhường nhịn 

 

Nhường

Cũng lên tuổi lão, có nhường ai

Nhường chỗ in thơ, ch gửi bài

Nhường bậc gếch chân lưng ghế tựa

Nhường đường quét sẳn khỏi vương gai

 

Ba nghe thấy không, thế hệ trẻ sẽ sớm nhận ra một chân dung đẹp về người nghệ sĩ Việt Nam thông qua đạo đức, tài năng từ nhà thơ  Yến Lan – người cha thi sĩ của chúng con đấy./.

Lâm Bích Thủy
Số lần đọc: 1778
Ngày đăng: 02.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc Tranh Luận Văn Nghệ Giữa Sáu Nhà Văn Pháp Hiện Đại - Trần Thiện Đạo
Mảnh vụn ký ức về Trần Phong Giao - Lữ Quỳnh
Nhớ Mai Thảo - Nguyễn Xuân Hoàng
Kỉ niệm một chuyến đi với Hà Ân - Nguyễn Hiếu
Giữ đất - Huỳnh Kim
Tưởng Nhớ Anh Hoàng Ngọc Hiến - Lại Nguyên Ân
Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường - Ban Mai
Ai Về Quê Cũ Cho Tôi Nhắn - Mây Ngàn Phương
Di Sản Nỗi Buồn - Nguyễn Hàng Tình
Gặp Lại Sài Gòn - Thụy Vi
Cùng một tác giả
Tình lên ngơ ngác (truyện ngắn)
Chàng Ngốc (truyện ngắn)
Thư cảm ơn (sự kiện)