Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
832
116.617.336
 
Trăng muộn
Thanh Giang

 

Tiễn Ngọc về thành phố dự  Hội nghị mừng công, Tâm ưu ái nhắc đi nhắc lại:

– Tiện dịp, Ngọc nên nghỉ phép. Mấy năm trường để mẹ già mong nhớ!

– Vơ-ơng!…- Cảm kích thân tình, Ngọc hồn nhiên đùa cợt - Cám ơn thủ chư-ưởng!

– Tôi nhắc lời thủ trưởng; cùng cấp Phó, tôi thủ trưởng gì đồng chí?

Đương nhiên lời nhắc bồi của Tâm gieo lòng Ngọc mối cảm hoài. Một con người  mặt Phật. Đôi mắt dài trầm lặng, lắm lúc khép bớt như nhìn ngược vào tâm hồn, ẩn giấu, dồn nén tâm tư, giải tỏa muộn phiền…Tâm là một trong số cán bộ có mặt từ những ngày đầu khai sơn phá thạch. Một vùng hoang dã, ở nhà tranh vách nứa, rắn độc, muổi độc, đỉa vắt lềnh khênh!…Đêm xuống, núi rừng âm u! Vượn hú! Cọp gầm!…Nào lo quản giáo hằng trăm sĩ quan chế độ cũ, rồi luân chuyển phạm nhân hình sự tăng lên ngày càng đông; nào lo cải tạo vùng hoang mạc thành cơ ngơi trù phú, mỹ quan; đảm bảo nuôi sống hằng ngàn con người. Khi được trả quyền công dân, người về quê làm ăn lương thiện, người xuất biên theo diện H.O, tung bay như chim trời. Còn anh cùng đồng sự  bám trụ lâu dài với vùng đất chó ăn đá, gà ăn sỏi. Đa đoan trách nhiệm quên tuổi xanh, cải biên thành ngữ: người ăn cơm, đời ăn quả

Sau hội nghị, Ngọc về nhà nghỉ phép. Người mẹ mừng rỡ, lo làm miếng ngon bồi dưỡng con gái cưng, rồi than phiền:

- Phải hồi đó biết cái ngành của con có ngày dời tuốt lên cái miệt “khỉ ho cò gáy”, không đời nào ba má cho con đi Công an đâu!                            

Nhớ hồi mấy chú Công an vào tiếp quản, đến nhà thăm má là cơ sở, Ngọc sợ lắm! Dù biết là Công an mình, Ngọc cũng khó cảm tình, nếu không nói là… ghét! Chắc vậy nên trời phạt, khiến Ngọc nghe lời má khi mấy chú “xin”, dám từ bỏ mơ ước áo trắng Bác sĩ,  mặc áo vàng Công an.

– Người ta bảo: “Ghét của nào, trời trao của nấy” cho đáng kiếp! - Ngọc tự giễu mình rồi cười ngất. Gương mặt thanh tú rạng rỡ với làn môi đầy đặn, ánh mắt dịu hiền, làn da trắng mịn. Một vẻ đẹp thầm kín trong tư chất đôn hậu, hài hòa với thể hình thon thả, trông Ngọc phong độ như một nữ bác sĩ .

– Ghét mà ở biệt trên đó! - Người mẹ xuýt xoa.

- Hồi mới lên nghe người ta hát đồng dao mà mình cũng rủn chí! Hát rằng: “Lấy chồng về miệt núi rừng/ Rừng vây núi bủa, mây vần đêm đen. Thương anh nhưng cũng thương đèn/ Tình yêu tối quá, để riêng em khóc thầm! Đêm quờ trúng khối đá lạnh căm căm/ Ối anh ơi là anh ới! Anh nằm nơi mô?!…”

Ngọc lại cười rũ rượi. Mẹ hiền cười theo rồi thở dài than vắn:

– Tuổi gần bốn chục, lỡ thời rồi đó con gái ơi! Ở rừng riết rồi ở giá suốt đời!

Ngọc chép miệng:    

- Muốn về lắm mà không đành, má ơi! Bao năm trường đổ mồ hôi sôi nước mắt và cả máu. Con người được cải tạo, hoang mạc thành làng mới. Ngoài nhà cửa khang trang, công trình mỹ thuật văn hóa tinh thần tài hoa; đặc biệt còn xây dựng hệ thống đập thủy điện thắp sáng cho cả vùng đất từ ngàn đời tinh yêu tối quá! Nên tình đất ngày càng sâu nặng. Tình người chan hòa mật thiết gắn bó như  là duyên nợ!

- Rồi con gái má như câu hát: “… lo bảy,lo ba/ … lo già hết duyên ”?

-Còn duyên kẻ đón người đưa / hết duyên đi sớm về trưa một mình!” - Ngọc  hát tiếp rồi nũng nịu - Cũng tại câu hát : “ Chồng gần không lậy để lấy chồng xa / mai khi cha yếu mẹ già / bát cơm ai đỡ, bộ kỷ trà ai dâng.” Mà quanh con toàn người xứ xa! Hiểu tâm lý mình kén chồng khác xứ, mấy ảnh né, trở lại làm mai làm mối. Người ngoài ngành, ai cũng ngại Công an. Cái ngành làm người ta sợ! Con nít khóc, người ta dọa: “ Công an bắt “ là nó nín khe!

Ngọc lại cười ngặt nghẽo. Bà mẹ dầm trán con, mắng yêu:

- Mồ tổ mầy! Ai biểu hồi đó chịu đi chớ ai ép! “Già kén, kẹn hom”. Giờ ở giá! Thôi! Cống hiến đời con gái vậy đủ rồi, xin chuyển về thành phố để còn có cơ hội…

Ngọc nghe có lý, cười mủm mỉm. Đêm ấy hai mẹ con đấp chung chăn, thì thầm chuyện tình duyên con gái...

2

Ô! Chị Ngọc về! Chị Ngọc về! Cô Ngọc về! Ngọc về!…

Tiếng reo mừng ngọt ngào dậy lên dài theo những khu nhà xây bề thế như một nông trường. Ngọc nghe bồi hồi rung cảm giữa ngời ngời ánh mắt nhìn nồng ấm trìu mến… Khỏi khu nhà Hạnh phúc tới nhà Mẫu giáo, đàn trẻ nít lẫm đẫm chạy ra đả đớt reo mừng “Má-Nhọc-dề! Má-Nhọc-dề!” Ngọc hạ túi xách, phân phát quà cho các con. Cô phụ trách điều khiển các em hát bài hát mới, mừng má Ngọc. Nghe bầy trẻ líu lo, lòng Ngọc vui tràn trề. Giai điệu mới thay câu hát hoang mạc xưa: mây vần đêm đen!…Rừng ánh mắt thắp lửa tình yêu, qua thời: tình yêu tối quá!

Mừng rỡ, hàn huyên nồng nhiệt mấy rồi cũng tàn. Ngọc về phòng riêng. Một căn phòng ở lầu ba trong cao ốc năm tầng, ba bề bốn bên cửa kính trong suốt nhìn ra một vùng rừng núi mênh mông, hiu quạnh, lan tỏa khí lạnh buổi chiều sương thâm u. Tâm trạng gái lỡ thời bấy lâu ngủ quên, mẹ hiền đánh thức cho nôn nao: “già hết duyên”! Ngủ bên má mà chiêm về miền đất mới. Nhớ những khu vườn xanh mùa thu hoa trái; những đêm liên hoan ca hát cùng những thân phận lầm lỡ vui chan hòa. Tình đời như “phao cứu sinh”, bềnh bồng giữa dòng những thân phận lỡ lầm, bất hạnh, oan khiêng, khiến cho lòng nhân hậu khẳm đầy tình thương yêu. Nhớ Trâm, cô gái con nhà danh giá, đẹp mĩ miều! Khổ thay cho nhan sắc chim sa cá lụy! Ong bướm rù quến. Không đủ bản lĩnh tự vệ, Trâm sa vào đường dây làm mối dẫn gái, nhưng thực sự là bình phong cho một tổ chức buôn lậu ma-túy cỡ bự!... Khi đổ bể, kẻ có thần thế luồn lọt vòng pháp luật trơn như lươn. Trâm hai mươi tuổi lãnh đủ hai mươi năm trọng án! Uất ức, tổn thương nhân cách, xấu hỗ, hối hận, toan tự sát! Từng gần gũi cảm thông, Ngọc kịp thời ngăn chặn… Mối đồng cảm tâm hồn, bao dung, vị tha cứu rỗi, Trâm vươn lên hướng thiện và cảnh tỉnh đường đời hiểm hóc. Riêng phận mình muộn màng tình duyên, Ngọc càng quan tâm tác thành duyên tình hạnh phúc cho nhiều lứa đôi mà giờ đây trong cộng đồng có khu gia đình, có nhà trẻ và lớp mẫu giáo…

Ngọc bước ra ban công nơi đặt bộ bàn cẩm thạch, ngồi ngắm nhìn khói lam chiều vương mái ấm... Ven lòng hồ hệ thống đập thủy điện, chợt xuất hiện đàn thiên nga  nhởn nhơ bơi lượn quanh những hoa súng, đài sen cho cảm xúc thêm phần thơ mộng. Giờ nầy trong từng căn hộ, vợ chồng con cái đang bên mâm cơm đoàn tụ ấm cúng. Một liên tưởng làm Ngọc vui lây cho lòng chạnh bâng khuâng!…

Hoàng hôn rề rà vấn vương khoảnh khắc ráng hồng. Vừa lúc hàng đèn kết hình hoa trinh nữ hoàng cung bật sáng, ánh điện trắng ngà. Lòng hồ mênh mông lung linh ánh đèn chen ánh sao cùng những đền đài tráng lệ trông như lãnh địa trù phú của một vương quốc châu lục nào! Bất giác Ngọc nhìn lên tượng đài Bác Hồ màu trắng lồng lộng không gian, tỏa khí thiêng ấm áp cỏ cây hoa lá đẫm sương ngàn. Quanh chân tượng đài xưa là vùng sỏi đá khô cằn, giờ thành lòng hồ, thủy sinh vật phù du lan tràn nuôi sống muôn loài, cả rong rêu và đá! Từ cõi hoang mạc sinh thành làng mới, Phục Sinh hằng vạn con người hướng thiện, hòa nhập vào dòng đời như chim trời tung bay! Thắm đẵm nguồn vui nhân văn, Ngọc cảm nhận hạnh phúc dâng hiến tuổi xuân ngọt ngào; dù mình cùng đồng sự  ăn chịu với đất nầy cho đến bao giờ!…

Thì ra, ngồi một mình, nghiền ngẫm nhân-trí, lợi-danh, đức-hạnh, biết mình, yêu mình, Ngọc nghe hồn thanh cao yêu đời…

Bất chợt, Tâm xuất hiện, vừa chạm mặt đã lên tiếng thay lời chào :

- Sao không ở nhà nghỉ phép mà lên sớm thế?

– Muốn vậy mà không vậy! - Ngọc đáp trỏng, cười hiền, ra hiệu cho Tâm ngồi đối diện, phân trần - Gần gũi má mới mấy hôm, nói cạn chuyện tình duyên rồi “nhàn cư”, tay chân thừa thãy! Dạo phố, người đông đúc nhưng mắt nhìn xa lạ! Môi trường cũ cũng lạ; đủ thứ lạ “quyến rũ” người ta đua nhau hưởng thụ. Còn người quen lâu gặp, cũng lạ!… Mới hay câu: ở đâu quen đó thật chí lí! Nghĩ tội má hết lời cầm giữ. Thôi đành dối mẹ: “Lên sớm, xin chuyển về nhanh”. Chẳng qua…ở đâu quen đó cũng là…nhớ đó!

– Nhớ ai? - Tâm hỏi nột.

– Nhớ đất ! - Bỗng nhớ một thân phận ám ảnh, Ngọc hỏi - Nhỏ Trâm thế nào?

- Bố trí coi thư viện, mặt đỡ u sầu. Nghe chị em nói đêm mơ hay gọi chị Ngọc!

- Tội quá! Lầm lỡ thường ngoài ý muốn! - Ngọc thở dài - Lầm lỡ thành nạn nhân! Ở đời bất công ngó thấy mà pháp luật vẫn bị qua mặt! Còn mình thì mở lòng nhân hậu cưu mang hoài không biết đến bao giờ !?…

Nghe giọng Ngọc buồn buồn, Tâm nói lãng cho khuây:

- Sao bảo…”Ghét của nào trời trao của nấy ” ?

- Thì nói túng vậy cho vui mà! - Ngọc cười hiền rồi trầm giọng ấm áp - Thực ra, không có tình yêu không dấn thân nổi đâu! Càng dầy thử thách tình yêu càng bền!

Câu nói đa nghĩa gợi cảm. Tâm định hưởng ứng, nhưng rồi lặng thinh nghĩ ngợi…Trên gương mặt xương sạm màu nắng gió, đôi mắt dài nhìn ra đêm sương mông lung. Trước Ngọc, cô gái Nam Bộ thành kiến lấy chồng người Bắc, Tâm càng giữ kẽ, chăm sóc như  em gái, còn tích cực làm mai. Hiển nhiên, một vẻ đẹp đôn hậu nết na, giàu nữ tính, duyên thầm ai mà không cảm! Đôi khi nhìn trộm mà thêm xao xuyến lòng! Và hễ bị bắt gặp, đôi mắt đa tình vội ngó lãng ra mênh mông, vẻ mặt sường sượng sa buồn đến tội nghiệp!…

- Anh Tâm không định về phép sao ? - Ngọc phá tan im lặng.

- Không! Ngọc chẳng vừa nói: Càng dầy thử thách tình yêu càng bền! Giờ chỉ yêu ngành,  yêu con người trách nhiệm cưu mang. Và yêu… đất nầy! Riêng tư kể số gì!

Quả Tâm yêu ĐẤT như người yêu, bẵng vài năm không về phép quê Thanh Hóa. Người yêu hứa hôn đi lấy chồng! Anh âm thầm vùi chôn nỗi đau, cộng hưởng nỗi lo, khuôn mặt sạm đen nắng mưa sớm hằn lên những đường nhăn; bốn mươi mà trông già trước tuổi!…Từ bao lâu xúc cảm Tâm mang tâm trạng buồn tình, hận đời, thí thân…nay được dịp, Ngọc dịu dàng san sẻ:

- Đành rằng yêu công việc và làm tốt việc mình đang làm là trước hết. Nhưng mình phải yêu mình! Sao riêng tư kể số gì? Con người tự biết mình để điều chỉnh riêng tư ? Không nên liều với số phận!

Bị bắt thóp tự dối lòng, Tâm thắm ý ngượng ngùng, tán dương để chống chế:

- Hay! Thảo nào có một nhà thơ đã tặng cho vùng đất nầy bài thơ hay tuyệt! - Không đợi mời Tâm đọc ngay, mắt nhìn mơ màng, giọng ngân nga:

Mồ hôi phá đá thành mầu

Mở lòng hồ, lộng trăng sao sáng đèn

Sáng lòng nhân ái đêm đen

Gió hòa, mưa thuận - xanh lên tình người !…

Dứt câu, Tâm nhìn Ngọc cười cười, hỏi - Đó là thơ của nhà thơ nào nhỉ ?

- Ối! Anh Tâm chế giễu em làm gì ! Hồi đó em viết bích báo, chớ nhà thơ gì em!

Lần đầu Ngọc đổi cách xưng hô hồn nhiên làm Tâm nghe bần thần, nói cà lăm:

- Không-không…dám…giễu đâu! Ngoài ý-ý chính trị…hòa-hòa hợp dân tộc, câu Xanh lên tình người, là tình-tình yêu! - Lấy lại bình tĩnh, giọng Tâm trở nên buồn xa xôi - Tình yêu ngoài đời bây giờ như lá mặt lá trái! Cầu mong: xanh lên tình người ở đây là tình yêu bền chặt!…

Tiếng vạc chợt “oác” lên kêu sương; bay xa rồi, dư âm vẫn còn kéo dài vắt qua lưng trời. Hồi lâu, Ngọc trầm trầm tự sự :

- Cái gốc của tình người, hay tình yêu đều là lý tưởng và tâm hồn. Không hòa hợp lý tưởng, không hòa điệu tâm hồn thì người miền nào cũng vô nghĩa!… Nghĩ cái vùng đất sỏi đá, nắng quái nầy có duyên gì, hay cái điệu tâm hồn gì mà làm mình gắn bó rồi duyên phận lỡ làng?! Phận em có lẽ vô duyên đời mà hữu duyên đất nầy thôi!…

Tâm chộp cơ hội :

- Duyên thắm đất lành !

- Đất lành chim đậu !

Hình như hai tâm hồn hòa điệu tự bao giờ, nên lời đối đáp đã chực sẵn  cửa miệng. Dẫu là những thành ngữ xưa mòn, song làm cả hai đều xúc động!…Ngữ điệu từ trái tim ngân nga ý tứ thâm trầm, xuôi Ngọc ngẩng lên bắt gặp ngay đôi mắt Tâm nhìn mình, nhìn hiền khô, nhìn mê muội. Trên gương mặt sạm màu nắng gió, ánh mắt hằng u trầm nỗi đau, đang ngời ngời ngọn lửa tình yêu!

Nửa vầng trăng muộn hình con thuyền in lòng hồ. Cá đớp trăng lấp lánh. Liên miên sóng xao, lay động ánh đèn dạ quang cả vùng lâu đài không ngừng lung linh…  

 

TP. Hồ Chí Minh, Hè 2004

Thanh Giang
Số lần đọc: 2323
Ngày đăng: 01.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện cổ tích về chiếc áo tơi - Trầm Hương
Dòng nước ngọt cho con - Trầm Hương
Khỏa thân màu xám - Lê Đình Trường
Bâng-briêu mùa xuân - Nguyễn Thanh
Bến sông đời người - Nguyễn Thanh
Nắm tro - Kim Quyên
Nghiệp văn - Kim Quyên
Cô gái nhỏ trong cơn bão khô - Lê Đình Trường
Hơ tay trên ngọn khói - Lê Đình Trường
Vẽ lại bức trang xưa - Nguyễn Quang Sáng