Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
820
116.613.830
 
Dẫn nhập – Kho tàng Truyện Dân gian Do Thái
Nguyễn Ước

                                                                                   

Lời nói đúng lúc như quả táo vàng trên dĩa bạc

Cách ngôn 25:11

 

Trong văn học dân gian Do Thái có một kho tàng phong phú các câu truyện kể cho nhau nghe dưới mái ấm gia đình, trong cuộc gặp mặt thân hữu và giữa chốn hội đường. Một số truyện nói lên các vấn đề của cuộc sống. Một số truyện cho thấy cái nhìn thấu suốt vào động thái của con người. Thậm chí có một số truyện mà khi tiếng cười dứt, còn đọng lại trong tâm tư người nghe điều gì đó để trầm ngâm, vương vấn.

Như thế, trước khi đi sâu vào những đặc điểm của truyện dân gian Do Thái, tưởng cũng nên nhắc lại một cách khái quát những đặc điểm có tính phổ quát của truyện dân gian trên thế giới.

 

Các đặc điểm phổ quát

Nói chung, truyện dân gian là để tiêu khiển hoặc lấy tiêu khiển làm mục đích chính, còn việc cổ vũ cho luân lý đạo đức chỉ là phụ. Mỗi truyện có tự tính của nó, không liên quan tới bối cảnh lịch sử, nghi lễ phụng vụ hoặc giải thích thế giới. Nó hư cấu một cách đơn giản, phù hợp thị hiếu của giới bình dân. Nội dung truyện ứng xử với những vấn đề quen thuộc, đang diễn ra chung quanh thính giả, chỉ thỉnh thoảng mới có truyện đặt các sự việc vào bối cảnh quá khứ đã thuộc về cổ tích, như mẫu hệ, phong tục xa xưa hay những di sản thời cổ nay đã biến thái tuy vẫn còn đôi chút dấu vết trong kế thừa.

Dù chọn hình thức ngụ ngôn hay trào phúng, chuyện người hay chuyện loài vật, kết luận có hậu của câu chuyện thường là sự chiến thắng của người nghèo, người bị áp bức, nhờ ngoại lực siêu nhiên của thần tiên phù hộ hoặc sự xoay chuyển phản tự nhiên của dòng chảy các biến cố. Chưa kể tới các truyện đơn thuần là trò lém lỉnh của nhân vật chính, theo kiểu Ba Giai Tú Xuất.

Với cứu cánh và mẫu thức ấy, truyện dân gian thường không xác định không gian và thời gian. Truyện xảy ra ngày xửa ngày xưa, nơi lâu đài nọ giữa rừng sâu kia hay trong túp lều xiêu vẹo đó, v.v. Nhân vật càng đơn giản càng tốt, và được đúc khuôn sẵn, giàu hoặc nghèo, thiện hoặc ác, mạnh hoặc yếu, v.v. Tới cuối truyện, nhân vật không trưởng thành hơn cũng chẳng khôn ngoan hơn. Chỉ chắc chắn một điều là người thiện được ban thưởng và kẻ ác bị trừng trị. Nếu là truyện loài vật, thì chúng cũng biết nói như người, tương tác với loài người và đôi khi có phép thần thông.

Cốt truyện cũng đơn giản, đi theo hướng trông mong của người nghe. Dòng chuyển động của nó từ kẻ yếu thế bất lực tới có sức mạnh hay quyền lực, nghèo tới giàu, thường nhờ phép thuật để có khả năng khống chế kẻ vừa áp bức mình lúc mới vào truyện, chứ không do thành quả lao động hay ý chí nội tại. Chất liệu truyện càng có sẵn và quen thuộc với người nghe càng tốt. Thời gian là ngày xưa mông lung, dì ghẻ con nuôi thì xấu nhiều tốt ít, kẻ ngoại tình thì gớm ghiếc và trọc phú thì keo kiệt, thiếu nữ xinh đẹp thường là con nhà nghèo hiền lành, kẻ học hành siêng năng thì cơ khổ, v.v.

 

Mục đích của truyện dân gian Do Thái

Lấy những đặc điểm có tính phổ quát đó đối chiếu với truyện dân gian Do Thái ta thấy có một số dị biệt. Dĩ nhiên, nếu không làm bật ra tiếng cưới thì không là truyện dân gian, nhưng với của người Do Thái, khi tiếng cười qua đi, nó để lại đám mây lãng đãng trên tâm hồn người nghe. Vì mục đích chính của tác giả gốc hay người kể lại thường không phải là để tiêu khiển mà chính là để rao giảng, và luôn luôn chú trọng việc rao giảng.

Vì người nghe truyện thuộc một dân tộc lấy hai định chuẩn để tự kiểm và đánh giá người khác, đó là biết kính sợ Thượng đế và có từ tâm. Đối với họ, người tốt lành là người ngoan đạo, biết vâng phục Thượng đế. Và vâng phục Thượng đế tức là giữ đúng lề luật do ngài ban xuống, được ghi lại trong kinh Torah cộng thêm những triển khai trong sách Talmud. Thượng đế, kinh Torah và dân Israel là ba thành tố bất phân ly trong cuộc sống của họ, và người Do Thái tin rằng họ tồn tại là nhờ giữ vững niềm tin vào Thượng đế và vào vận mệnh được Thượng đế dành cho dân tộc mình.

 

Các đặc điểm cá biệt

Học giả và và nhà sưu tập Dov Noy, trong cuốn Folktales of Israel (Truyện dân gian Do Thái, 1963), nêu lên những đặc điểm của truyện dân gian Do Thái như sau:

1. Thời gian. Truyện nối kết với một ngày lễ Do Thái, như ngày Sabbath hàng tuần, ngày Đầu năm, lễ Vượt qua... hoặc một biến cố xảy ra trong đời người Do Thái như lễ cắt bì, lễ thành thân hay điểm đạo (Bar Mitzvah), đám cưới, đám ma...

2. Không gian. Nhiều truyện xảy ra tại một địa điểm nào đó liên quan tới đạo Do Thái, như hội đường hoặc đất Israel.

3. Nhân vật. Nhiều nhân vật lấy từ giới thầy cả (rabbi), hoặc các khuôn mặt trong Kinh thánh hay các thời kỳ lịch sử về sau.

4. Thông điệp. Không giống như nhiều truyện dân gian của các dân tộc khác vốn đơn thuần mục đích cung cấp sự thưởng ngoạn cho người nghe, truyện dân gian Do Thái cố gắng đưa ra bài học về cuộc sống và nghĩa vụ của người nghe đối với Thượng đế, gia đình và cộng đoàn. Việc kể truyện trong học đường hay trong hội đường thường là để hướng dẫn học viên hay tín đồ.

 

Bổ túc và số lượng

Có lẽ Dov Noy chỉ giới hạn nghiên cứu của ông trong những truyện có gốc Do Thái, chưa khai triển tới các truyện tứ xứ hay bản địa mà người Do Thái chế biến lại theo thời điểm và địa điểm cùng tính cách của người kể truyện.

Tại những thành phố lớn có đông người Do Thái sinh sống, đều có có bộ phận sưu tập và tàng trữ truyện dân gian. Riêng trong tàng thư Folktale Archives do Dov Noy sáng lập năm 1955 tại Tel Aviv, sưu tập được hơn 23.000 truyện dân gian từ các cộng đồng sắc tộc khác nhau tại Israel. Chúng được phân loại theo kiểu cách (type) và mẫu thức (motif) với nhiều phiên bản khác nhau.  Thí dụ truyện 47: Mùi tiền được kể theo nhiều cách khác nhau, từ Đông sang Tây có tới 20 dị bản, do di dân từ những miền đất khác nhau mang về.

 

Tải đạo và thức ngộ

Nếu chủ trương "Văn dĩ tải đạo" của nho gia Việt Nam đặt trọng tâm vào văn chương bác học thì người Do Thái mở rộng đối tượng của nó lên cả văn chương bình dân và đưa chúng vào qui điển như sách Talmud, và có một thể loại riêng dành cho chúng gọi là midrash. Khi luân lạc, người Do Thái mang theo truyện dân gian, vừa trân trọng bảo tồn vừa phát triển thêm, để giữ vững bản sắc của dân tộc. Và tùy theo loại truyện mà ẩn chứa các vấn đề mang tính thông điệp khác nhau.

Ta thường gặp trong truyện dân gian Do Thái những vấn nạn như: – làm thế nào tới gần Thượng đế hơn; – con người ta nên đưa mắt hướng thượng nhìn lên trời hay thực tiễn ngó xuống đất; – làm thế nào bày tỏ lòng biết ơn Thượng đế và người khác; – ai là kẻ thực sự thông thái hay khôn ngoan; – làm thế nào xử lý kẻ nghịch với mình; – người bạn và tình bạn chân chính là gì; – làm thế nào gặp được và chọn được người bạn đời, v.v.

Tóm lại, làm thế nào sống đúng với Mười giới răn đã được Thượng đế trực tiếp ban cho dân tộc mình. Cá nhân cùng với cộng đoàn hỗ tương cần cù thực hiện nghĩa vụ đời và cũng là nghĩa vụ đạo. Nếu trong cộng đoàn, có người báng bổ Thượng đế, có người phạm tội độc dữ hoặc thậm chí có người nghèo không được chăm sóc tử tế, thì có khả năng toàn thể cộng đoàn phải chịu sự trừng phạt tập thể của Thượng đế. Quan niệm này tương tự với phát biểu về tư nghiệp và cộng nghiệp của Phật giáo, nhưng với người Do Thái, hậu quả là sự trừng phạt diễn ra ngay trước mắt bằng thiên tai, hay nhân tai như bị sách nhiễu, tàn sát, xua đuổi... Và mỗi khi có triệu chứng bị trừng phạt, cộng đoàn cấp tốc phát động một chiến dịch ăn chay sám hối.

Quá trình thẩm thấu thông điệp của một số truyện dân gian Do Thái, đặc biệt loại truyện có tính tâm linh, theo Peninnah Shram trong Lời dẫn nhập của cuốn Stories within Stories from the Jewish Oral Tradition (Truyện trong truyện, lấy từ truyền thống khẩu truyền Do Thái, 2000), thì đi theo bốn cấp độ. (1) Hiểu theo nghĩa đen; (2) Hiểu ngụ ý; (3) Thông giải; rồi sau cùng (4) Thẩm thấu bí nhiệm của nó. Ba cấp độ đầu là nỗ lực của người nghe, còn cấp độ thứ tư là hậu quả của những nỗ lực đó; vì sự thấu hiểu bí nhiệm không tùy thuộc thời gian lâu hay mau, nhanh hay chậm; ta không thể nào tìm thấy nó mà tới một lúc nào đó, tự nó tìm tới ta và tự nó tỏa sáng lung linh trong tâm trí ta. (Truyện 239: Mái tranh nhỏ). Nếu P, Shram đúng, thì phải chăng có những truyện dân gian Do Thái như một loại Thiền thoại, chỉ có thể lĩnh hội bằng thức ngộ?

 

Bổ khuyết về nhân vật

Các nhân vật trong truyện dân gian Do Thái đủ loại người, không chỉ giới hạn trong hai tuyến một bên yếu thế và một bên đang chiếm thượng phong. Trước hết, hai nhân vật thường được mượn để gắn vào đó các tình tiết hư cấu: Solomon và Elijah.

Solomon là vị vua thứ ba cũng là vị vua hùng mạnh sau cùng trong lịch sử Do Thái. Theo truyền thuyết Do Thái, ông được Thượng đế ban cho làm người khôn ngoan nhất thế gian. Thế nên ông là nhân vật chính của các truyện liên quan tới trí tuệ, minh triết.

Elijah là đại ngôn sứ sống vào thời chia cắt: nam Judah bắc Israel. Hình ảnh tiêu biểu cho ông là lửa và lưu huỳnh, vì nhiệt tình đả phá các thần linh ngoại đạo và khả năng cứu chữa người bị tai ách, kể cả làm cho kẻ chết sống lại. Trong Kinh thánh, ông không bao giờ chết, mà lên trời với chiếc xe vũ trụ bằng lửa. Trong truyện dân gian, ông thường xuống thế, cải trang trong nhiều lốt khác nhau để chữa bệnh, giúp kẻ ngặt nghèo.

Thứ ba là các thầy cả; họ xuất hiện trong vố số truyện. Sinh hoạt Do Thái giáo làm nổi bật vai trò của thầy cả như một người uyên bác, khôn ngoan, đạo hạnh và nhà lãnh đạo chân chính của cộng đoàn trong cuộc sống tản mác khắp thế giới. Từ sau khi Đền thờ Jerusalem bị san bằng, kéo theo với nó là sự tàn lụi của giới tư tế, thì thầy cả và hội đường là tâm điểm tinh thần của Do Thái giáo.

Các nhân vật trong kinh thánh như Dov Noy nói, vua David, Solomon, Abraham, ngôn sứ Elijah, Jonah, v.v. hay các nhân vật lịch sử như Alexander Đại đế, Haman, vua Hồi, vua Ba Tư, v.v.

Giới dân thường cả giàu lẫn nghèo như thương gia, thợ lao động chật vật kiếm sống, học giả, sinh viên, người hành khất, bà nội trợ, v.v. Bên cạnh đó, còn có giới vua quan, công chúa, hoàng tử, quí tộc, v.v. nhưng được khai thác về măt phẩm cách chứ không về cuộc sống giàu sang phú quí.

Thêm một loại nhân vật đặc biệt nữa là quỉ sứ, mà theo truyền thống Do Thái, chúng vẫn kính sợ Thượng đế và có phần tuân giữ lề luật trong kinh Torah cũng như ham học sách Talmud. Trong các bộ mặt quỉ sứ đó có cả vua quỉ Satan (Ashmodai hay Samael), các tiểu quỉ, và nhiều nữ quỉ mà quyến rủ nhất là Lilith, người đàn bà đầu tiên được Thượng đế tạo ra cho Adam, trước Eva, v.v.

Nhân đây, tưởng cũng nói thêm là tuy trong truyện dân gian Do Thái có các thiên thần, nhưng không có thần tiên, vì cơ bản Do Thái giáo độc thần, và nội dung truyện không đi ngược lại các niềm tin tôn giáo của họ. Họ cũng có các truyện loài vật tuy ngắn nhưng mang tính luân lý rõ rệt.

 

Nguồn gốc của truyện dân gian Do Thái

Cũng như các dân tộc khác, và có lẽ còn hơn họ nữa, người Do Thái yêu thích truyện dân gian. Ta có thể tìm được các nguồn gốc của chúng như sau:

1. Kinh thánh. Trong Kinh thánh không có truyện dân gian, nhưng nó chứa đựng mẫu thức, nhiều khi rất tinh quái, và gợi cảm hứng cho truyện dân gian minh triết, quyền biến và lém lỉnh.

Lối kể chuyện của Kinh thánh thường đưa ra nhiều hình ảnh và có lẽ với cách phô diễn sao cho thích hợp với trí óc chất phác của dân chúng mấy nghìn năm trước, nên ta thấy trong đó có rất nhiều vẻ dân gian. Satan cải trang làm con rắn để cám dỗ Eva ăn trái cấm. Abraham thuyết phuc Thượng đế đừng trừng phạt hai thành SodomGomorrah nếu ông tìm được mỗi nơi có mười hiền giả.  Haggar không chịu nổi sự hà khắc của Sarah mà phải bồng Ishmael ra sa mạc rồi đứa con trai ấy thành thủy tổ của dân A Rập. Isaac lém lỉnh xin thiên sứ chúc phúc sau khi cả hai đã vật nhau suốt đêm.  Jacob mặc quần áo của Esau để đánh lừa cha già mù lòa Isaac nhằm cướp quyền trưởng nam. Cây gậy thần của Moses biến thành con rắn và giữa hoang mạc, nó gõ vào tảng đá thì có nước. Ngôn sứ Johah bị cá lớn nuốt mà còn sống. Con lừa của Balaam biết nói. Và còn vô số chuyện khác. Các ngôn sứ Kinh thánh cũng thường sử dụng dụ ngôn, và điều đó ảnh hưởng lên các truyện ngụ ngôn.

Điều quan trọng hơn hết là trong những tường thuật của Kinh thánh để lại nhiều lỗ trống hoặc nói không hết, vì thế, tạo cảm hứng và kích thích trí tưởng tượng của dân gian, để cao hứng sản sinh một câu truyện rồi được kẻ khác gật gù bù đắp thêm tình tiết. Thí dụ câu nói của Adam khi tiếp nhận Eva, "Phen này nàng là xương tự xương tôi, thịt tự thịt tôi", hé cho thấy trước đó đã có một nàng khác. Quan hệ về sau giữa cha con Abraham và Ishmael. Thế giới bên kia của linh hồn sau khi chết. Thiên đường hỏa ngục như thế nào, v.v. Không những chỉ có dân giả, giới học giả cũng phải tìm cách lấp đầy các lỗ trống và các lời lơ lửng đó bằng cách sáng tác ra các thí dụ minh họa. Dần dà, chúng phát tán rồi bị thêm bớt, vẽ vời thành truyện dân gian.

2. Talmud và Lề luật. Khi Kinh thánh trở thành qui điển, thì các thầy cả và các học giả Do Thái đành phải thêm vào bộ phận thứ hai của Lề luật được gọi là Mishnah của Talmud. Kể từ đó, giới có học thao tác trên sách Talmud, và họ cần các sưu tập truyện dân gian để thông giải lề luật. Ai cấm được giới bình dân hằng tuần nghe đọc sách thánh nơi hội đường hoặc sau đó, trong khi lao động, cũng thả óc tưởng tượng của mình dệt nên truyện này truyện nọ. Đặc biệt, khi giới học giả và thầy cả quá cực đoan, cứ khư khư ôm chặt các thành kiến cứng nhắc về Lề luật, thì tạo ra phản ứng ngược trong dân chúng, làm phát sinh truyện này truyện nọ để xả hơi hoặc mỉa mai; cực điểm của quan trọng chủ nghĩa là khôi hài chủ nghĩa.

3. Từ các nền văn hóa khác. Nền văn hoá của dân tộc nào hay miền đất nào cũng có truyện dân gian của nó và các truyện này theo bước chân khách thương buôn, người du lịch, các giáo sĩ và các đạo quân xâm lăng mà đi khắp thế giới. Suốt thời Trung Cổ, người Do Thái vừa sáng tạo những truyện của riêng họ vừa phóng tác truyện của các nền văn hóa bản địa mà họ tạm trú. Hơn nữa đoàn người Do Thái theo bánh xe lăn qua vùng đất lạ nào thì kéo theo sản phẩm văn hóa của vùng đất đó, và họ cũng là công cụ đắc lực để mang một số truyện dân gian từ châu Á sang châu Âu, hoặc ngược lại từ phương Tây về phương Đông.

4. Từ các tôn giáo khác. Thời cổ đại đã có những con đường đi lại của thương buôn và binh lính từ Trung Hoa qua Ấn Độ tới vùng Trung Đông và châu Âu, thí dụ con đường tơ lụa. Trong những đoàn người đó, chắc chắn không thiếu mặt tăng lữ của các tôn giáo và họ là người nhiệt thành nhất với ý chí truyền giáo, dù họ là người Kitô giáo, Phật giáo hay Ấn giáo, v.v.

Là người sống mấy ngàn năm sau, ta khó có thể khẳng định nghi lễ và huyền học của tôn giáo này quả thật hoàn toàn không chịu ảnh hưởng ít nhiều của tín ngưỡng kia. Tuy trong Kinh thánh có nói tới các thần linh khác và đồng bóng, liệt vào loại tà đạo, bị Thượng đế cấm không được bái lạy hay trông cậy, nhưng nó không đề cập gì tới thế giới bên kia, đầu thai, tái sinh... mà ta thấy nhan nhãn trong các truyện dân gian Do Thái. Có lẽ người bình dân Do Thái giáo không đành lòng khi thấy kiếp sống này quá ngắn hay mù mịt về thế giới bên kia, nên chế biến niềm tin của các tôn giáo khác vào truyện dân gian của mình.

 

Cười cho đường ngắn lại

Cho tới nay, trong bốn ngàn năm lịch sử, Israel chỉ có hai giai đoạn hoàng kim cộng lại được khoảng 160 năm. Một dưới thời David-Solomon (1010-931 tr.CN) với ánh sáng của Ngôi sao David tỏa sáng bên một vùng trời Địa trung hải. Một dưới triều đại Hasmonea (140-63 tr.CN) với "hạt lúa mì lớn tướng như hạt đậu, hạt lúa mạch như trái ô-liu và đậu lăng như những đồng tiền vàng." Còn ngoài ra là lưu lạc, chiến tranh, bị lệ thuộc, và lang thang khắp thế giới kể từ khi Đền thờ Jerusalem bị san bằng vào năm 70 sau Công nguyên.

Suốt ngần ấy ngàn năm, khắp nơi người Do Thái là một thiểu số bị ngược đãi. Làm thế nào một dân tộc chịu đau khổ đến thế lại phát triển được một truyền thống trào phúng? Eva Tal trong cuốn Double Crossing (Gạch chéo, 2009) đã liệt kê những nguyên nhân bà sưu tầm được: 

            1. Kinh thánh chứa đựng những ví dụ về trào phúng và mỉa mai, cách riêng trong các văn bản của các Ngôn sứ;

            2. Hệ thống lập luận mang tính trí tuệ vốn phát triển trong sách Talmud khi nó lên tới cực điểm thì có thể đạt tới mức khôi hài và trở thành đối tượng thích hợp để phúng thích;

            3. Các cộng đồng Do Thái cô lập và bị sỉ nhục ở châu Âu ấp ủ một truyền thống mang tính bình đẳng chủ nghĩa, cho phép chế nhạo người có của cải hay có quyền lực, và sử dụng hài hước như một cách tự phê. Thông thường, trong đám cưới, có một người đóng vai hề theo kiểu cung đình để trêu ghẹo mọi người;

            4. Hết ngày này sang tháng nọ đã phải lam lũ kiếm sống lại còn nghe nhắc đi nhắc lại lời hứa xa xôi về một thế giới lý tưởng sẽ xuát hiện khi có sự giáng lâm của Đấng cứu thế, khiến người bình dân không khỏi có cảm giác mỉa mai.

Thế nhưng, theo Eva Tal, sau khi đọc thêm những giải thích khác còn phức tạp hơn nữa, bà thấy hầu như tất cả đều bỏ qua một câu trả lời rõ rệt nhất, đó là càng chịu đựng gian khổ thì càng dễ tìm thấy có cái gì đó buồn cười. Và người ta khó có thể tin rằng, ngay trong các trại tập trung Holocaust, tù nhân vẫn có những lúc trêu chọc nhau với các truyện cười.

Thật vậy, trên con đường đời mà mọi lứa tuổi cùng đi bên nhau, người nào cũng vẫn có thể cảm thấy quá dài khi lâm cảnh chịu đựng nhưng con đường sẽ ngắn hơn, tâm tư sẽ nhẹ nhàng hơn khi ta đi bên cạnh một bạn đồng hành biết kể chuyện vui. Vì lúc đó ta như được cõng đi qua cuộc đời. (Truyện 203: Thiếu nữ thông thái hơn cha).

 

Nguồn: Kho tàng truyện dân gian Do Thái, Ba tập, vừa xuất bản. Công ty Dịch vụ Văn hóa Gia Vũ, 28 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, Tp. HCM. ĐT: 0903807449. Bản gửi từ tác giả.

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3456
Ngày đăng: 06.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tục Thờ Mẫu Và Nghi Lễ Ngồi Đồng - Múa Bóng Ở Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Thương yêu trong ca dao Việt Nam - Nguyễn Tiến Văn
Chiều 30 Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Bài chòi ngày xuân Xưa và Nay - đi tìm lời giải mã - Phạm Phù sa
Tục Ngữ Khánh Hoà - Lê Khánh Mai
Tìm Hiểu Thang Âm Ngũ Cung Trong Âm Nhạc Huế - Nguyễn Phú Yên
Cây dừa trong văn hóa Tây Nam Bộ - Tiền Văn Triệu
Hệ Thống Phân Loại Nhạc Cụ Trung Quốc - Vương Trung Hiếu
Ma Quỷ Trong Văn Học Việt Nam - Trần Minh Thương
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)