Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
738
116.008.363
 
Lễ Tục Xứ Đồng Hương
Nguyễn Man Nhiên

●Viết chung với VÕ TRIỀU DƯƠNG

 

Tại các làng quê ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) có một câu hát ru con nổi tiếng được lưu truyền qua nhiều thế hệ:

 

“Muối Hòn Khói, ruộng Đồng Hương

Hòn Hèo mây bạc, suối nguồn Cửa Bô”.

 

Ngày xưa, Hòn Khói và xứ Đồng Hương là những địa danh rất nổi tiếng với đặc sản muối và lúa gạo. Tên nguyên thủy của xứ Đồng Hương là Chiêm Dân Đồng Hương, căn cứ theo những đơn ruộng viết tay vào các triều Lê Cảnh Hưng thứ 11 (1750), Thái Đức thứ 9 (1783)... mà cư dân địa phương còn lưu giữ. Đây là vùng đất ở mặt trên của xã Ninh Thượng (cũ), về hướng tây bắc Ninh Hòa, cách trung tâm thị xã khoảng 20 km.

 

Trước khi cắt bớt một phần đất để lập thêm xã mới Ninh Trung vào năm 1979, xã Ninh Thượng (cũ) là một vùng đất rộng lớn hơn nhiều, đông giáp xã Ninh Đông, tây giáp xã Ninh Sim, nam giáp xã Ninh Thân, bắc giáp dãy núi Tam Phong (có đỉnh Vọng Phu cao trên 2.000 m), tổng diện tích tự nhiên trên 100 km2, dân số gần cả vạn người, phân bố thành hai khu vực dân cư là xứ Đồng Hương (gồm 4 làng Tân Lâm, Đồng Thân, Nghi Xuân, Tân Tứ) và xứ Hộ Quảng Cư (gồm 4 làng Quảng Cư, Vĩnh Thạnh, Mông Phú, Tân Ninh). Thời ấy, người dân của các xã đồng bằng Ninh Hòa thường gọi chung cả vùng này là xứ Đồng Trên, nậu Đồng Trên hay ruộng Đồng Trên.

 

Trước năm 1954, hai khu vực Đồng Hương và Hộ Quảng Cư thuộc hai tổng, huyện khác nhau. Xứ Đồng Hương thuộc tổng Thượng, sau đổi ra Thân Thượng huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa). Xứ Hộ Quảng Cư thuộc tổng Thượng, có lúc thuộc tổng Phước Khiêm rồi Phước Thiện thuộc huyện Quảng Phước (nay là huyện Vạn Ninh). Tuy thuộc hai tổng, huyện khác nhau nhưng thực ra chỉ ngăn cách bằng một dòng sông nhỏ, người dân hai vùng có quan hệ mật thiết với nhau từ bao đời nay. Sau này có ông Ngô Quới (tức Lễ) là một đại địa chủ giàu có, mua được hàm bát phẩm thiên hộ triều Tự Đức, có trách nhiệm thu thuế cả hai xứ Đồng Hương và Hộ rồi giao thẳng về tỉnh chứ không qua hệ thống huyện, thì ranh giới hành chánh giữa hai khu vực càng mờ nhạt trong lòng dân chúng. Sau năm 1954, cả hai khu vực này được sáp nhập thành xã Ninh Thượng (cũ). Đến năm 1979, do có sự thay đổi tách nhập về đơn vị hành chính nên diện tích của xã Ninh Thượng (mới) hiện nay bị thu hẹp.

 

Hàng năm, xứ Đồng Hương có nhiều lễ cúng như cúng đình cầu an (vào tiết xuân), cúng Thanh Minh, cúng bà Hậu Thổ (còn gọi là cúng đất hay cúng lệ vào ngày 18 tháng 3), cúng tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5), cúng thượng điền, cúng ruộng rẫy, đập mương, cúng vào núi tìm trầm kỳ, lễ sai đồng chữa bệnh... Đặc biệt tại làng Nghi Xuân thường lệ ba năm có lễ cúng tống ôn do thầy pháp đứng ra cử hành nghi thức.

 

- LỄ cúng đình:

 

Lễ cúng đình diễn ra từ đầu tháng 2 đến gần cuối tháng 3 âm lịch. Hầu hết các làng ở xứ Đồng Hương đều có nghi lễ giống nhau y theo bài bản từ xưa để lại, ngoại trừ làng Tân Tứ có khác ở chỗ bỏ nghi lễ cúng Xuân thủ và cúng tiền hiền, chỉ giữ lễ cúng cầu an.

Vùng này còn giữ tục lệ là ai được cử đứng chánh tế cầu an hay xuân thu, chiều ngày hôm trước phải tới đình sớm. Bắt đầu từ giờ này, ông chánh tế không được phép về nhà hay vào xóm, vì sợ ông “làm bậy” sẽ mất tinh khiết trước thần linh.

Các nghi lễ diễn ra như sau:

 

1. Lễ tỉnh sanh:

 

Tỉnh sanh là đem con vật toàn sắc giống đực hiện còn sống để trình diện trước thần linh rồi sau đó cắt tiết. Chữ tỉnh ở đây có nghĩa là toàn vẹn theo tiêu chuẩn, chữ sanh nghĩa là con vật đem ra cúng tế hiện còn sống.

 

Vị thần về chứng giám lễ Tỉnh sanh chỉ là hạng thần thừa sai - giống như viên huyện lệ mục của dương gian - chứ chưa phải quan tri huyện. Bàn  thần có đủ hương hoa, đèn quả, chai rượu và vài dĩa bánh ngọt, nghi trượng gồm cờ xí, chiêng trống…

Vị tướng lễ xướng:

- Chấp sự giả các tư kỳ sự (những ai có phận sự phải vào tư thế chuẩn bị)

- Khởi chinh cổ (khởi nhạc; mỗi thứ tiếp nhau đánh 3 hồi 9 tiếng)

- Chánh tế tựu vị (chánh tế đến đứng trước bàn thần)

- Nghệ quán tẩy sở (chuẩn bị rửa tay; vị chánh tế đến đứng bên thau nước có treo sẵn cái khăn)

- Quán tẩy (chánh tế rửa tay, với ý nghĩa phải tinh khiết)

- Thuế cân (chánh tế lấy khăn lau tay)

- Nghê hương án tiền (hãy trở lại trước bàn án)

- Quỳ (chánh tế quỳ gối)

- Phần hương (chánh tế cầm 3 cây hương khuỳnh hai tay đưa lên ngang tráng khấn)

- Thượng hương (cầm 3 cây nhang lên lư hương)

- Phủ phục hương (cúi đầu đứng lên)

- Bình thân (đứng lại cho nghiêm chỉnh)

- Nghênh thần cúc cung bái (đón chào thần kính cẩn lạy; vị tướng lễ xướng hưng bái 4 lần, vị chánh tế quỳ lạy rồi đứng lên 4 lần theo lời xưng tuần tự của vị tướng lễ)

- Hưng bình thân (đứng lên cho nghiêm trang)

- Quỳ (quỳ gối)

- Chước tửu (rót rượu một lần cho đầy)

- Phủ phục hưng (cúi đầu đứng lên)

- Bình thân (đứng cho nghiêm chỉnh)

- Nghệ tỉnh sanh sở (hãy chuẩn bị làm nghi lễ tỉnh sanh; người chấp đao cầm con dao thọc cổ heo đến đứng trước bàn thần bái 3 bái rồi đến bên con heo; chánh tế một tay bưng ly rượu trên bàn thần một tay cầm 3 lá vàng mã đến đứng bên con heo đang bị đè nằm ngửa trên cái tợ, mỏ chúc xuống. Vị chánh tế đốt 3 lá vàng mã trên cổ con heo rồi đổ ly rượu lên. Sau khi vàng mả cháy xong, vị tướng lễ hô:

- Tỉnh sanh (hãy làm nghi tỉnh sanh; tức thì anh chấp đao cầm con dao chọc vào cổ con heo cho ra hết tiết. Người ta tin rằng khi thọc cổ heo máu ra hết con vật chết liền là điềm tốt, còn ngược lại là điềm xấu)

- Phục vị (chánh tế trở lại bàn thần)

- Tạ thần cúc cung bái (tạ thần kính cẩn lạy)

(Vị tướng lễ hô xuống hưng bái 4 lần, chánh tế đứng lên lạy xuống 4 lần)

- Hưng bình thân (đứng lên ngay ngắn)

- Tỉnh sanh tế tất (xong lễ tỉnh sanh)

 

Suốt thời gian nghi lễ tỉnh sanh thì chiêng, trống và ban ngũ âm đánh liên tục. Sau khi đốt vàng mã cháy hết, nghe vị tướng lễ xướng lễ tất lúc này mới chấm dứt.

 

2. Cúng xuân thủ:

 

Tức là lễ cúng Xuân đầu năm, diễn ra vào lúc 1 giờ khuya. Đây là lễ cúng bà Thiên Y, nhưng cũng có vài làng ở  Ninh Hòa không cúng bà Thiên Y trong lễ này mà lại cúng bà Hậu Thổ. Nghi thức cúng Xuân thủ (trước) và nghi thức cúng thần kỳ an (sau) đều giống nhau, chỉ khác một số điểm trong nội dung tờ sớ được trình bày chi tiết sau đây:

Ban chấp sự trong lễ cúng Xuân thủ và cúng thần Kỳ an gồm: 1 vị chánh tế; 1 vị bồi tế; 1 vị đông hiến (đứng ở bàn thờ hữu ban); 1 vị tây hiến (đứng ở bàn thờ tả ban).

Lễ vật trần thiết như sau:

 

Con heo làm sạch sẽ cho nằm trên cái tợ, banh bốn chân dang rộng ra, mỏ heo ngước nhìn lên bàn thần. Trên lưng con heo để một dĩa thịt luộc chín. Dưới cái tợ đặt con heo có một cái chén đựng ít lông và máu heo. Khi gần hết lễ cúng nghe vị tướng lễ hô: thọ tạ, vị chánh tế ăn ngay dĩa thịt luộc chín trước bàn thần. Đây là thịt của thần linh trả công cho vị chánh tế có công sức quì lạy thần suốt cả giờ đồng hồ.

 

Chén đựng lông và máu trình chứng trước mặt thần rằng đây là lấy từ con heo còn sống chứ không phải heo chết. Khi nghe vị tướng lễ hô: Ế mao huyết, có nghĩa là đem chôn chén lông máu này, tức thì chén máu lông được đưa ra ngoài.

 

Trên chiếc chiếu liệt bên ngoài con heo đặt trong điện thần bày 3 dĩa lòng, 3 dĩa thịt phay, các thứ cháo cơm, xào xáo... để cúng các đẳng cô hồn. Trên bàn thần không cúng vật thực, chỉ có hoa quả và bánh ngọt. Bàn hội đồng chư thần đặt ngoài ngưỡng cửa cái cũng không có vật thực, chỉ chưng hoa quả rượu. Hương án hội đồng đặt ngay ngưỡng cửa cái thì thầy tướng lễ và vị chánh tế cùng ban ngũ âm ở ngoài hiên đình (gọi là cái dang đa). Ban ngũ âm ngồi ở chiếu phía tây, vị chánh tế đứng giữa hương án, vị tướng lễ đứng phía dưới hô xướng, nhưng khi đọc chúc sớ thì phải quì ở phía tây. Việc này có ý nghĩa: phía trái là phía quan trọng hơn bên phải, nên có câu: tả trọng hữu khinh. Khi đọc chúc sớ là thay mặt chánh tế khai báo cầu xin lên chư thần, việc quan trọng nên thầy lễ phải quì bên quan trọng.

 

Bên ngoài thì chiêng đặt ở trên, trống ở dưới, mõ cúng thầy đặt ngoài sân ngang chính điện thần. 4 lá cờ đuôi nheo có 4 người đứng hai bên cầm. Ở 2 miễu mục đồng tượng và Sơn lâm chúa tướng cũng có 2 vị đứng  hầu rượu và lạy bái suốt buổi lễ theo nghi thức của vị chánh tế bên trong. Ngoài sân gần bên chỗ để chiêng trống có để cái chậu đựng nước trên chiếc ghế và một cái khăn.

 

Ngày xưa trước năm 1945 làng nào cũng có người đi lính lệ ở dưới huyện đường, đến gần ngày lễ cúng đình vị lý trưởng phải làm tờ đơn đích thân đem xuống huyện đường, xin phép một người lính dân gốc của làng về trình diện trước mặt thần trong lễ cúng.

Làm chánh tế chọn người nào tuổi từ 50 trở lên, đủ vợ đủ chồng không có chồng chấp vợ nối, có tư cách đạo đức và năm đó không bị tang chế. Ngày xưa các làng ở xứ Đồng Hương ít dân, nếu năm đó chọn không ra người, hoặc là bị bệnh hoặc mắc tang chế, thì căn cứ ở câu “tam thập nhi lập” của đức Khổng Tử mà chọn anh nông dân 30 tuổi cũng có thể đứng làm chánh tế được.

 

Các làng ở xứ Đồng Hương không tế tam tịch mà chỉ tế tam hiến đơn giản (bởi thiếu dân không đủ chấp sự).

Nghi lễ cúng tế xuân thủ như sau:

 

Vị tướng lễ khuỳnh tay ngang trán xuống:

- Củ sát tế vật (hãy kiểm lại lễ vật có đầy đủ hay chưa)

- Ế mao huyết (hãy đem chôn chén lông và máu heo)

- Chấp sự giả các tư kỳ sư (khi nghe hô câu này tất cả các vị chấp sự vào đứng trình diện bái thần rồi lui ra. Ban đầu các vị chánh tế, đông hiến, tây hiến, kế đến ông lo việc hương đăng rót rượu, hai người đánh chiêng và trống mặc áo dài khăn đen hẳn hoi hai tay nâng dùi chiêng mõ lên ngang trán bái ba bái. Cuối cùng anh chấp đao ăn mặc sạch sẽ bình thường, ngang lưng thắc giải vải đèn hay sợi dây chuôi thả lòng thòng bên hông, cầm con dao thọc cổ heo đứng bái ba bái).

- Đông hiến tây hiến các tựu vị (đông hiến và tây hiến đến vị trí của  mình)

- Bồi tế tựu vị (bồi tế đứng vào vị trí phía tây, sau khi chánh tế tựu vị thì lui ra chờ thay thế nếu cần)

- Chánh tế tựu vị (chánh tế vào vị trí)

- Nghệ quán tẩy sở (chuẩn bị rửa tay, vị chánh tế đến đứng bên chậu trước chờ lệnh)

- Quán tẩy (rửa tay)

- Thuế cân (lau tay)

- Nghệ hương án tiền (trở lại đứng trước hương án)

- Quỳ (quì xuống)

- Phần hương (từ bên trong đưa ra ba cây nhang đã đốt cháy, vị chánh tế hai tay đón lấy khuỳnh đưa lên ngang trán khấn vái)

- Thượng hương (người hương đăng đưa hai tay tiếp lấy hương cắm vào độc lư)

- Phủ phục hưng (cúi đầu đứng lên)

- Bình thân (đứng nghiêm chỉnh)

- Nghênh thần cúc cung bái (chào đón thần kính cẩn lạy; vị tướng lễ xướng hô 4 lượt, vị chánh tế đứng lên, quỳ xuống lạy 4 lạy)

- Hưng bình thân (đứng lên nghiêm chỉnh)

- Hành sơ hiến lễ (lễ dâng rượu lần đầu)

- Quỳ (quì xuống)

- Chước tửu (rót rượu)

- Phủ phục hưng (cúi đầu đứng lên)

- Bình thân (đứng nghiêm chỉnh)

- Nghệ chuyển chúc vị (chuẩn bị chuyển tờ chúc)

- Chuyển chúc (đưa tờ chúc ra; người hương đăng hai tay trịnh trọng đưa tờ chúc ra cho vị chánh tế)

- Quỳ (chánh tế quỳ xuống hai tay nâng tờ chúc lên ngang trán)

- Giai quì (thầy lễ tự ra lệnh cho mình quỳ lên phía trên)

- Đọc chúc (vị tướng lễ đọc tờ chúc).

 

Khi đọc tờ chúc đến phần xướng danh hiệu chư thần thì chiêng trống đờn kèn ngưng ngang, chỉ còn tiếng trống cơm của ban ngũ âm điểm cho vị tướng lễ xướng đọc xong danh hiệu các vị thần thì trống chiêng đánh tiếp. Đọc chúc xong, vị tướng lễ trao tờ chúc cho vị hương đăng chuyển đặt lên bàn thờ hội đồng chư thần, rồi đứng lên trở về vị trí cũ và xướng:

- Phủ phục hưng (chánh tế cúi đầu đứng lên; hai lần hương bái)

- Hưng bình thân (đứng lên ngay ngắn)

- Hành á sơ hiến lễ (chuẩn bị dâng rượu lần hai)

- Quỳ (chánh tế quì)

- Chước tửu (rót rượu)

- Phủ phục hưng (cúi đầu đứng lên)

- Bình thân (đứng lại nghiêm chỉnh)

- Hành chung hiến lễ (chuẩn bị rót rượu lần cuối)

- Quỳ (chánh tế quì)

- Chước tửu (rót rượu)

- Phủ phục hưng (cúi đầu đứng lên)

- Bình thân (đứng lại nghiêm chỉnh)

 

Vị tướng lễ đi vô trong điện thần đứng cạnh con heo hướng lên bàn thần hô to: Từ phước tộ, nghĩa là: lộc của thần ban ra cho vị chánh tế đây. Đoạn ra đứng lại chỗ cũ xướng:

- Nghệ ẩm phước vị (chuẩn bị uống rượu do thần ban cho vị chánh tế)

- Quỳ (chánh tế quỳ xuống)

- Ẩm phước (hãy uống đi. Vị tướng lễ hai tay bưng ly rượu ngay trên bàn hội đồng chư thần đưa cho chánh tế, chánh tế đón nhận bái một cái và uống cạn)

- Thọ tộ (ăn tô thịt. Vị hương đăng đưa tô thịt có kèm theo một đôi đũa, vị chánh tế hai tay đón lấy bái một cái rồi gắp ăn tượng trưng vài ba miếng. Thịt kho tộ phải là miếng thịt cắt ở vai trái con heo luộc chín, chứ không phải thịt nào cũng được)

- Phủ phục hưng (cúi đầu đứng lên)

- Bình thân (đứng lại nghiêm chỉnh. Vị tướng lễ xướng hưng bái hai lần)

- Hưng bình thân (đứng lên)

- Thối cước (hay thối chủng) (vị chánh tế lui bước đứng qua một bên)

- Phần hiến (đến lượt làng xã lạy thần)

 

Sau khi dân làng tiếp nối nhau lạy thần xong, vị tướng lễ xướng:

- Phục vị (vị chánh tế trở lại vị trí cũ)

- Tạ thần cúc cung bái (kính cẩn lạy tạ ơn thần; vị tướng lễ xướng hưng bái bốn lần cho chánh tế lạy)

- Hưng bình thân (đứng lên nghiêm chỉnh)

- Phần chúc (đốt sớ và vàng mã, chờ cháy hết thì xuống)

- Lễ tất (xong buổi lễ, chiêng trống và ban ngũ âm xổ dùi)

 

Viết một tờ chúc sớ phải tuân thủ theo một nguyên tắc nhất định do cổ nhân đặt ra với mấy điểm chính sau đây:

- Duy bất ly niên: Chữ đầu tiên của tờ chúc sớ là chữ Duy (kính nay) đứng riêng một hàng.

 

Chữ duy luôn luôn phải đứng kề một bên với chữ niên (năm). Bởi vậy chữ duy đọc trước nhưng phải viết sau, để coi chữ niên đứng ở đâu thì chữ duy đứng kề ở đó.

- Phần đầu của tờ sớ cúng bà Thiên Y (tức lễ Xuân thủ) và tờ sớ cúng Kỳ an đều giống nhau, chỉ khác một điểm là ở mục liệt kê danh vị chư thần, tờ sớ cúng Kỳ an có hai vị: Thượng cổ Thần Nông Viêm Đế và Trung cổ Hậu Tắc Tôn Thần, còn sớ cúng Xuân Thủ thì không. Hai danh vị này được viết thành hai hàng rộng (hàng viết xuống), thế nhưng phải viết trồi lên cao hơn tất cả các hàng sau, có ý là vị cao nhất được kính cẩn, giống như tờ sớ tâu lên vua gặp các từ: Hoàng Thượng, Thiên Tử, Long ân, Thánh dụ v.v... thì phải viết sang hàng khác và cao hơn những hàng trước và sau đó.

- Sóc và việt: Chữ sóc nghĩa là ngày đầy tháng (tức mùng một), chữ việt nghĩa là vượt qua những ngày trong thượng tuần (tức từ mùng 1 đến mùng 10). Trong sách lễ xưa, các cụ luôn luôn dặn dò ở phần đầu: Hữu sơ vô sóc Việt, vô sơ hữu sóc Việt, nghĩa là: Lễ cúng tế có từ ngày sơ nhất (1) đến sơ thập (10) thì không dùng sóc Việt. Lễ cúng tế có từ ngày 11 đến ngày 30 thì dùng Sóc Việt.

 

Ví dụ làng Tân Lâm có lễ cúng đình ngày mùng 10 tháng 3 tức là trong khoảng thời gian thượng tuần từ sơ nhất cho đến sơ thập, mà mùng 10 là ngày sơ thập thì không dùng chữ sóc và việt. Ngày mùng 10, ví dụ nhằm ngày canh thân, tháng ba là tháng bính thìn thì trong phần đầu tờ sớ viết là:

Việt Nam quốc, tuế thứ mậu tý niên tam nguyệt kiến bình thìn, sơ thập nhật canh thân lương thần.

Nghĩa là:

Nước Việt Nam, năm Mậu Tý gặp tháng Bính Thìn (tháng 3), ngày Canh Thân mùng 10, giờ tốt.

 

Lễ cúng đình ở làng Đồng Thân diễn ra vào ngày 19 tháng 3 lúc nửa đêm giờ tý thì tờ sớ phải dùng hai chữ sóc và việt. Mà ngày đầu tháng ba tức ngày sóc (ngày mùng một) là quí dậu, còn ngày 18 thuộc canh dần (mỗi tháng có ngày sóc khác nhau, nếu tháng 3 ngày sóc (mùng 1) là Quí Dậu, nhưng tháng 5 ngày sóc (mùng 1) là Ất Hợi v.v...) thì phần đầu tờ sớ viết:

 

Việt Nam quốc, tuế thứ Mậu Tý niên tam nguyệt kiến Bính Thìn, Quí Dậu sóc, việt thập bát nhật Canh Dần lương thần.

 

Nghĩa là:

Nước Việt Nam, năm Mậu Tý, tháng 3 gặp can chi Bính Thìn ngày sóc (mùng 1) là Quí Dậu, vượt (việt) đến ngày 18 là Canh Dần gặp giờ tốt.

- Đài thần: Danh hiệu các vị thần sau được viết cùng một hàng dọc chạy dài xuống, thế nhưng khoảng cách giữa hai vị thần phải viết cách ra, khoảng từ 6 đến 8 phân, tức là đài thần (tỏ lòng kính trọng thần).

 

Dưới đây là nội dung tờ chúc sớ trong lễ cúng Xuân thủ làng Đồng Thân thuộc xứ Đồng Hương:

Việt Nam quốc, tuế thứ Mậu Tý niên tam nguyệt kiến bính thìn, Quí Dậu sóc, việt thập bác nhật Canh Dần lương thần.

Khánh hòa tỉnh, Ninh Hòa huyện, Ninh Thượng xã, Đồng Thân thôn chánh tế lão nhiêu Nguyễn Văn A, bồi tế lão nhiêu Nguyễn Văn B, Đông hiến lão hạng Lê Văn C, tây hiến lão hạng Trần X... Tịnh bản thôn viên chức lão hào lý dịch, binh dân gia cư ký ngụ, nam phụ lão ấu đại tiểu đẳng.

 

Cẩn dĩ Khất Sanh (hoặc thủ sanh, hoặc hàm hâm...) tự thạnh Kim ngân thanh chước thứ phẩm chi nghi.

Cảm chiêu cáo vu:

- Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi hồng nhân phổ tế linh cảm ứng thượng đẳng thần.

- Hoàng thiên hậu thổ Vạn Phước phu nhân tôn thần.

- Châu Báu nhị vị thái tử chi thần.

- Cô Hồng cô Trân công chúa nương nương

- Thái giám bạch mã lợi vương chi thần.

- Bản cảnh thành hoàng xã lệnh quảng hậu lợi vật chi thần.

- Kim tinh Mộc tinh Thủy tinh Hỏa tinh Thổ tinh chư thần.

- Kim niên hành khiển hành ôn chi thần.

- Hà bá thủy quan thần nữ nương nương.

- Sơn lâm chúa tướng lý nhĩ chi thần.

- Thổ địa phước đức chánh thần.

- Tư hỏa táo quân chi thần.

- Tiền hiền khai khẩn hậu hiền khai khẩn chi thần.

- Tả ban liệt vị chi thần.

- Hữu ban liệt vị chi thần.

Kỵ:

Tiên sư thổ công thổ trạch thần kỳ cập bộ hạ chư thần, chúa ngung Man Nương Nguyễn Lương, cập chư chiến sĩ trận vong, mục đồng mục tượng chúa lồi chúa lạc, âm hồn cô hồn hữu danh vô vị, hữu vị vô danh đồng tư phối hưởng.

Viết cung duy:

 

Tôn thần: Sơn hoàn thủy nhiễu dục tú chung linh. Thượng cung chi liệt thánh giám lâm bất thiên bất ỷ, trụng giới chi chư thần bảo hộ vô xú vô thanh. Trường hải hinh Kim lực sĩ chi hoàn hoàn, oai dũng mi tàm hạ phụng thánh quân chi lẫm lẫm. Trung trinh nhất đái lãng thượng, vạn lý giang hà qui đại hải. Thiên chi vịnh mậu, bá bàn hoa thảo hướng tiền trình. Nguyệt hạ vãng lại cẩm tú y thường sở sở. Hoa tiền diễn thúy, kỳ nam khí vị hinh hình. Cổ thụ thâm nghiêm hạt lệ triều ca thiên cổ sự. Trường qua miên điệt lóng ngâm ngâm hổ hống nhất bàn thanh.

 

Hựu toàn thôn địa thế khang minh, tự động tự tây tự nam tự bắc. Bảo lịch thế nhân dân an lạc, đắc lộc đắc vị đắc thọ đắc danh. Tự nhân khai sơn lệ tế, giám cách tâm thành gia huệ chi kỳ, dân giai ngưỡng tư Đồng Thân chi trúc. Vũ sai phu vinh, ngưỡng lại thánh thần chi gia huệ giả.

Phục duy cẩn cáo.

 

Dịch nghĩa:

Kính nay

(Phần đầu giới thiệu địa phương làng xã, ngày tháng, kê tiếp liệt kê ban dự tế... và toàn dân làng...).

Kính cẩn dâng lên:

(nếu cúng heo thì nói là khiết sanh, cúng đầu heo thì đọc là thủ sanh, một khổ thịt gọi là phiến sanh, vịt gà thì đọc là hàm hâm giả sử, cúng chay gọi là trai băn) cùng chè xôi vàng bạc rượu trúc.

Thành tâm xin kính cáo lên:

(Danh sách chư thần... cuối cùng là hai mẹ con bà Man Nương Nguyễn Lương và liệt đẳng cô hồn...).

 

Vậy kính cẩn ca tụng rằng:

Tôn thần: Núi bao quanh nước uốn lượn, cảnh tiên bồng tú khí, anh linh. Trên cung cao các thánh đến ngưỡng soi, cảnh trung giới có chư thần bảo vệ. Hùng dũng như một vị đại lực sĩ, đẹp xinh rạng rỡ như một vị thánh quân. Trung bình như một giải sóng xanh, vạn dặm sông to cũng qui về biển lớn. Ngàn cành xanh mướt, quanh cô tất cả cũng chầu về. Dưới trăng qua lại gấm thêu rực rỡ xiêm y, trước hoa đẹp đẽ kỳ nam ngất ngát mùi thơm. Chốn cũ trang nghiêm hạc gáy tiều ca về chuyện cổ, ruộng vườn dưa đùa giỡn, rồng gầm cọp rống vẳng đâu đây.

 

Vậy kính xin đức Bà phò trợ cho dân làng được khang ninh, khắp cả bốn mặt đông tây nam bắc. Bảo hộ từ đời này sang đời khác dân làng mãi an lạc, được phước lộc, địa vị, vinh hoa. Hôm nay giữ y theo lệ cúng tế cũ, sự cúng tế thành tâm này xin đức bà chứng giám, nhận cho, hộ trì cho dân làng Đồng Thân được may mắn, rưới nhuận mưa móc đầy đủ, đó là ân huệ ban cho của thánh thần.

Rập đầu kính cáo.

 

3. Cúng kỳ an:

 

Đây là lễ chính, nghi thức hô xướng của vị tướng lễ cũng giống như nghi thức cúng Xuân thủ, chỉ thêm động tác khởi mộc đạt tức đánh mõ trước khi xướng khởi chinh cổ. Vị đánh mõ phải là lý trưởng, nếu lý trưởng vắng mặt thì ban lý hương cử vị cửu lý trưởng đại hào mục thay thế.

 

Phần đầu tờ chúc sớ kê khai danh hiệu chư thần:

- Thượng cổ Thần Nông Viêm đế và Trung cổ Hậu tắc tôn thần

- Bà Thiên Y A Na

- Tiền Trấn biên dinh, phó đốc tướng phò quận công Lương quí phủ bảo quốc hộ dân thượng đẳng thần (Nghĩa là: Trấn thủ dinh Trấn Biên (Phú Yên) chức phó đốc tướng tước phò quận công, phủ thự của ông họ Lương (tức Lương Văn Chánh) là vị thần thượng đẳng bảo quốc hộ dân).

 

Các vị thần kế tiếp cũng kê khai giống y theo tờ chúc sớ cúng Xuân thủ. Khi khởi đọc danh hiệu chư thần thì chiêng trống và đờn kèn im tiếng, chỉ có trống cơm điểm cầm nhịp. Sau khi đọc dứt danh hiệu thần, chiêng trống khởi đánh lại và bài chúc văn cúng tế kỳ an như sau:

Viết cung duy:

 

Tôn thần: diệu giả thần đại giả hóa, hữu cảm tư thông, thị phất kiến thính phất vặn duy thành sở ngụ. Tự nhân tiết chi (mạnh hoặc trọng hoặc quí xuân). Kim nhật cung trần lễ số, giám thử dương tại thương mạc trắc cơ quan. Nguyễn Kỳ trục trạc khuyết linh, đồng tư bảo hộ tỷ quốc lộ diên trường, sơn hà cũng cố thế trang nam thiên, khí thanh bắc lỗ hy hy, vũ thuận phong điều thế thế dân khang vật phụ.

 

Tước giả long trì tảo bộ, quang lội vị vi tham thai, sĩ giả nhạn đáp tiên đăng, lưu phương danh vu vạn cổ. Nông giả phong đăng hòa cốc, tuyệt vô trùng thử chi ưa. Công gia chi nghệ tinh thông, xảo đoạt điêu hoa chi thú. Thương giả tài lợi hóa nguyện, kim ngân chung niên phát thịnh. Hộ thôn trung lão ấu an cư, bảo thôn nội dung đẵng lạc độ. Bát nguyên diễn khánh vạn sự tăng long, ngưỡng lại tôn thần chi gia huệ giả.

Phục duy cẩn cáo.

 

Tạm dịch:

Tôn thần là đáng diệu màu biến hóa, thấu suốt hết mọi việc. Thị hiện đó mà mặt phàm không thấy, tai lắng tưởng mà kẻ tục không nghe, chủ dụng cái thành tâm mà gởi tới. Nhân nay gặp tiết trọng xuân (tháng giêng là mạnh xuân, tháng 2 là trọng xuân, tháng 3 là quí xuân). Ngày này kính trình lễ vật, cầu xin thần linh hiển hách hiện tiền chứng giám nhận cho. Nguyện xin oai linh cao cả phò hộ đất nước được trường tồn, núi sông vững chắc, xán lạn trời nam. Khí lành trong suốt ngời ngời, mưa thuận gió hòa, dân vật đời đời thanh mậu.

Quan tước bề rộng mau đến, lộc vị được ngôi cao; Kẻ sĩ đậu được khia thi để danh thơm nơi hậu thế; Thủ công nghề nghiệp tinh thông, đạt được hoa tay tinh xảo; Nghề  buôn tài lợi phát nhiều, quanh năm tiền tài dư giả. Hộ cả làng già trẻ an cư, giữ thôn xóm vui vầy nhàn lạch. Tám tiết ấm áp, vạn sự càng may, cầu chư thần ban cho ơn phước.

Rập đầu kính cáo.

Nghi thức phần sau cũng y như tế lễ Xuân thủ.

 

4. Cúng tiền hiền:

 

Các làng xứ Đồng Hương đều có lễ cúng tiền hiền, chỉ riêng làng Tân Tứ bỏ lệ cúng này.

Lễ vật sắp lên y đám giỗ, có cơm cá, 3 dĩa thịt phay, 3 dĩa lòng heo gà vịt, đồ xào, xôi, 3 cái bánh tráng, nếu làng giàu thì cúng đầu heo. Nghi trượng có cờ xí, chiêng trống, ban ngũ âm. Nghi thức hô xướng cũng y theo tế tam hiến cúng lễ kỳ an.

 

Phần xưng danh hiệu thần và bài chúc sơ như sau:

Cảm chiêu cáo vu:

Tiền hiền khai khẩn liệt vị phủ quân

Hậu hiền khai khẩn liệt vị phủ quân

Kim niên hành khiển hành binh chi thần

Thổ địa phước đức chánh thần

Tư hỏa táo quân chi thần

Sơn lâm chúa tướng lý nhĩ chi thần

Tả ban liệt vị chi thần

Hữu ban liệt vị chi thần.

Kỵ:

 

Tiên sư thổ công trụ trạch, chiến sĩ trận vong, mục đồng mục tượng Man nương Nguyễn Lương, âm hồn cô hồn hữu danh vô vị hữu vị vô danh đồng lai phối hưởng.

Viết cung duy:

 

Tiền hiền công cao phúc đảo, đức đại tải trừ. Xử thế dĩ nông vi bản, sử dản, bảo noản tự kỳ. Lập ấp phân thương tùy cao hạ an cư chi thế. Khai điền khẩn thổ định giới cương phò trợ chi nghi. Tư tắc thiết chí trọng xuân lễ kỳ trần nghi. Nguyện kỳ cách hỷ vu dĩ diện chi.

Phục duy cẩn cáo.

 

Tạm dịch phần viết cung duy:

Các bậc tiền hiền đời trước công đức cao dày, để lại đời sau dạy nghề nông làm gốc, khuyên dân biết lo chuyện ấm no. Phân định lập thôn ấp tùy theo chỗ cao chỗ thấp để thôn dân được an cư. Khai khẩn ruộng đất định giới cương giúp đỡ hộ trì mọi người.

Đến nay đang tháng mạnh xuân, làng xóm nhân kính thiết bày cúng tế lễ vật, nguyện xin chứng giám cho lòng thành kính này.

Rập đầu kính cáo.

 

5. Cúng tiễn cô hồn (tống cô hồn khách):

 

Lễ này diễn ra sau nghi lễ cúng tiền hiền. Điều bắt buộc là lễ này phải kết thúc trước khi trời hừng sáng để cô hồn kịp ăn rồi đi.

Nghi lễ diễn ra như sau:

 

Tất cả các vị thần được mời vào bàn hội đồng thuộc hạng hạ đẳng thần. Bất cứ lễ cúng nào cũng có mời hai mẹ con bà Man Nương Nguyễn Thị Thúc và Nguyễn Lương (người Đê), nhưng chỉ được ngồi chung vào đám cô hồn các bác. Bàn hội đồng cúng gà, vịt, xôi, bánh ngọt; chiếu liệt cúng dâng lễ vật thập cẩm có bánh tráng nướng, gạo muối, thuốc hút, trầu cau, một cái thau đựng nước, nhiều cái gáo dừa có cán hay cái ca, vàng mã thật nhiều để bố thí cho cô hồn. Sau khi cúng xong vãi gạo muối.

 

Nghi thức tế lễ và nghi trượng cờ xí chiêng trống cũng y theo các lễ kia, cũng tam hiến tam tước, duy tờ văn sớ có khác. Phần đầu văn sớ đều giống nhau, ở đây chỉ ghi lại phần danh hiệu chư thần trở xuống. Khi đọc đến danh hiệu chư thần thì chiêng trống ngưng ngang, hiệu thần đọc xong chiêng trống tiếp tục đánh.

 

Cảm chiêu cáo vu:

Kim niên hành khiển hành binh hành ôn chi thần

Ngũ phương chúa ôn đại tướng chi thần.

Hòa ôn chúa tướng khương phụ tiên sinh chi thần

Đông phương thanh ôn giáp ất mộc Trương nguyên Bá chi thần.

Tây phương bạch ôn canh tân Kim Triệu công minh chi thần

Bắc phương hắc ôn nhâm quí thủy sử vạn nghiệp chi thần.

Trung ương hoàng ôn mậu kỷ thổ lý sử sĩ chi thần

Ngũ phương đạo lộ thổ ôn thổ phủ thổ chủ thần quan chi thần

Năng ngự hỏa tai năng hản hỏa hoạn chi thần.

Thiên tai địa hoạn thủy âm dương chi thần.

Bát phương suy bại chán họa chúa khí tứ quí thần quang chi thần

Nhập nhị thời thần v.v...

 

Bản sư thiên thiên lực sĩ vạn vạn tinh binh v.v... Man Nương Nguyễn Lương các đẳng nhang dàng đường tư phối hưởng.

Viết cung duy:

 

Thần minh hữu nghinh hữu tống, chí hiển chí vi ngưỡng. Công đức nguy nguy khả hưởng, phủ ân thùy mặc mặc nhi quy. Tức nghi tức hiển, âm phù mặc hựu chi công, năng u năng minh, dương hộ bản hương chi đức. Dân khang vật phụ lão ấu an chi; tư tắc tiết trường lễ tống, cụ biền lễ nghi. Nguyện kỳ cảm cách, kính ngưỡng giám tri, hộ thon trung lão ấu an khang, bảo xã nội tráng dân nhàn lạc.

Phục duy thượng hưởng.

 

Tạm dịch phần viết cung duy:

Thần minh có mời có đưa, hiển hách diệu kỳ. Công đức ấy vút cao vời vợi, ban ân lành không dễ nào lường. Sự vi diệu màu nhiệm ấy thường hộ trì xóm làng dân chúng bình an mọi vật còn đủ, già trẻ khỏe mạnh. Hôm nay xin thiết lễ vật ra để mời ăn uống gọi là lễ tiễn đưa. Nguyện xin các ngài chứng minh lòng thành này mà nhận cho.

Thọ thực xong rồi xin các ngài nhớ phò hộ cho dân làng chúng tôi được an lạc.

Rập đầu kính cáo.

 

Buổi lễ tiễn đưa cô hồn chấm dứt và gạo muối được vãi ra. Theo các cụ nói gạo muối này không phải để bố thí cho ma Việt, mà chỉ để dành riêng cho ma Đê, ma Mọi.

 

- cúng Thanh Minh:

 

Tiết Thanh Minh đến sau khi lập xuân 45 ngày, sau đông chí 105 ngày. Theo âm lịch, ngày này thường rơi vào những ngày đầu tháng 3. Nếu nó rơi vào ngày mồng 3 tháng 3 thì gọi đó là ngày Thanh Minh đích thực. Đây là dịp để người ta thăm nom, sửa sang phần mộ của gia tiên và người thân, sửa lễ tại nghĩa trang, cúng thần linh và mời vong linh về chứng giám cho tấm lòng thành của con cháu. Lễ này do làng tổ chức rất long trọng, có thầy lễ đứng ra điều hành nghi thức, bên phía làng cử vị chánh tế, nghi trượng là trống chiêng cờ xí. Ngày trước, làng nào cũng có phần ruộng tế tự để lấy lợi tức cúng thanh minh.

 

Nghi lễ cúng tế các làng đều giống nhau. Buổi sáng, lớp trai trẻ đi vun đắp các mả vô chủ, buổi chiều diễn ra lễ cúng ngoài sân đình hay tại nhà làng. Việc trần thiết lễ cúng gồm một cái bàn ở giữa, chủ trì là 3 ông Tiêu Diện Đại Sĩ, Diệm Khẩu quỉ Vương và Già Na Đại Vương. Tuy phân thân làm 3 vị nhưng qui hiệp lại cũng chỉ là một.

 

Nhiều người lầm tưởng lễ cúng thanh minh và lễ cúng tiễn cô hồn sau lễ cúng đình kỳ an là một. Thật ra có hai nghi lễ khác nhau, văn sớ cũng khác nhau.

 

Lễ cúng thanh minh có văn sớ do thầy lễ điều hành. Bàn trên thỉnh mời ông Tiêu Diện Đại Sĩ cúng bằng ba con gà cồ, chiếu liệt có đủ đồ xào nấu. Chiếu trong thỉnh mời hai mẹ con bà Man Nương Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Lương, chiếu ngoài mời tất cả các vị cô hồn vô tự không ai cúng quảy mất mồ mất mả.

 

Hai mẹ con bà Man Nương và Nguyễn Lương chỉ được coi là đầu đàn của đám cô hồn, chứ không phải thần linh ngang hàng với bậc hạ đẳng thần như ông Táo, ông Địa. Do đó trong văn sớ lúc nào hai mẹ con bà này cũng chỉ được mời chung với đám cô hồn vì cả hai mẹ con là người Đê-Mọi. Đám cô hồn có máu mặt coi thường hai mẹ con bà Man Nương nên ăn hiếp đám cô hồn già cả què dẹo. Bởi vậy lễ cúng thanh minh phải thỉnh ông Tiêu Diện Đại Sĩ giám đàn. Lũ cô hồn đầu gấu rất sợ ông Tiêu. Trong khi ăn, đám cô hồn già cả lương thiện nhờ có ông Tiêu che chở răn đe nên không bị cô hồn mặt rằn đầu gấu gạt đũa giựt chén.

 

Sau đây là nghi lễ và văn sớ cúng thanh minh chung cho các làng ở Đồng Hương:

Việt Nam quốc tuế thứ......nguyệt......nhật......thời...... Khánh Hòa tỉnh, Ninh Hòa huyện, Ninh Thượng xã.... …thôn. Chánh lế Nguyễn Văn A, tỉnh bản thôn viên chức lão hào lý dịch, binh dân gia cư ký ngụ nam phụ lão ấu đại tiểu đẳng cẩn dĩ hàm hâm tư thạnh kim ngân thanh chước thứ phẩm chi nghi. Cảm chiêu cáo vu:

Diện Đại Sĩ, Diện Khẩu Qủy Vương, Già ma Đại Vương, cập bản cảnh vô tự thập loại âm hồn cô hồn nam nữ đại tiểu đẳng.

 

Viết cung duy:

Tánh thuộc ngũ âm, các xưng thập loại, vi sĩ nông công thương, ngư tiều canh mục. Tiền kiếp vị tu, tăng du ni y thuật, cửu lưu hậu thân bất giới, dữ phù thọ tử hoa nương, dữ chí hành thương bại mại. Hoặc thiên tác nghiệt tử, vu đạo lộ sơn trung. Hoặc vi thủy hỏa mịch vu giang hà hải ngoại, mang mang hồn, lạc tuyền đài, tịch tịch phách qui âm giới. Hoặc tạm sơn yên cốt thân tao ác thú hổ lang. hoạc thiểm hải tầm châu, mệnh ngộ độc xà phong hệ. Hoặc bị kiên chấp nhuệ chi sĩ, bị quá chiến cung nổ sở thương. Hoặc thôi phong hảm trên chi nhân, vi thỉ thạch đao thương sở hại. Mang mang hồn phách vị tiêu, lẫm lẫm hình dung như tại.

Tư nhân bản thôn thành tâm bố thí, hàn cấp y, cơ cấp thực tích khánh hữi dư. Nịch tư cực, nguy tư phùng thiện hành bất giải cầu chi tác ứng. Kim sóc vọng thanh minh lễ nhật, kinh khải chúc y tín thí. Nguyện cách lai hâm lai hưởng, chí thành chí phước, tự lai bảo thôn ấp nội, vĩnh tràng khang thái. Phục duy cẩn cáo.

 

Tạm dịch phần mời các loại cô hồn:

Tánh vốn năm âm, gọi là mười loại, ấy là sĩ nông công, thương ngư, tiều, canh mục. Kiếp trước chẳng tu như thầy tăng, ni cô, thầy thuốc, thầy bói, đồng cốt... cả chín lối; thân sau không giữ trót làm nghiệp gái buôn hương. Cùng với những kẻ buôn bán sạt nghiệp. Hoặc trời bắt chết oan nghiệt, ở nơi đường mòn, giữa núi. Hoặc gặp nạn nước lửa chết chìm ngoài sông sâu biển cả, bơ vơ hồn lạc suối vàng, mịt mờ hồn về âm cảnh. Hoặc núi sâu hang thẩm, thân gặp ác thú hổ lang. hoặc xuống biển mò châu, thân bị độc xà cắn chết. Hoặc mang gươm dáo nhọn, thân lính ra trận vị cung nõ tử thương. Hoặc lăn sã vào chốn trên tiền, bị tên đá đao thương giết chết. Mơ màng hồn phách chưa tàn, hiển hiện hình dung như thật.

 

Hôm nay làng xã thành tâm bố thí, lạnh cấp áo, đói cho ăn các vật đầy đủ. Mọi sự an nguy thảy đều phò hộ cho, làng xã cầu xin việc gì cũng toại ý. Nay gặp lúc chánh tiết thanh minh, kính mời các cô hồn nhận đủ do quần thức ăn, cầu xin vui lòng nhận lấy, kể từ đây hãy phò trợ cho nhân dân toàn làng được khang thái.

 

Rập đầu kính cáo.

Ngoài bài văn sớ bằng chữ Nho, tại địa phương còn lưu truyền một bài phú độc vận bằng chữ Nôm để cúng tế:

 

TẾ cô hỒn phú:

Hỡi ôi! Kiếp người mười loại khắp mười phương

Hồn phách mơ màng trải gió sương

Binh lửa bao phen xương thịt nát

Những mồ vô chủ mà thấy thương

Nhớ các ân linh xưa:

Vốn trang hào kiệt nhiều kẻ văn chương

Hoặc thuở trước tăng nho lý bốc

Nào người xưa công nghệ nông thương

Hoặc mấy kẻ tài nhân thất vận

Cùng những trang chiến sĩ sa trường

Hoặc người đi biệt xứ vong thân

Mồ mả lạc không ai cúng tưởng

Hoặc kẻ chịu thân cô phận quả

Khói hương tàn không chỗ dựa nương

Nào những kẻ hoang du biệt cảnh

Hoặc là người lữ khách vong hương

Hoặc chốn lao tù hàm oan thọ hại

Hoặc nơi dây quấn gặp nạn tai ương

Hoặc những kẻ cơ hàn khổ sở sống nơi góc chợ

Hoặc tàn tật bơ vơ vùi lấp bên đường

Hoặc là kẻ trung phong trung dược

Cùng những người tự ý treo rường

Hoặc kẻ rủi ro trúng bia đổ ruột

Hoặc người xấu số nát thịt tan xương

Hoặc chết trôi trong dòng nước bạc

Hoặc người cháy thui trong đám lửa hường

Hoặc có kẻ hùm tha mất tích

Cùng những người rắn cắn tử thương

Hoặc mấy kẻ mê chốn lầu xanh

Không thuốc trị phải đành thiệt mạng

Ôi thôi! Kể chẳng hết cùng

Biết bao người hàm oan nơi chín suối

Nhớ sao cho hết!

 

Đã lắm hồn uổng tử khắp mười phương

May gặp lúc thanh minh chánh tiết

Đồng hương thôn tảo mộ lệ thường

Chẳng chi hơn tế dung lòng thành

Xin giám chứng bình hoa nải quả

Nâng lễ mọn kính dâng đạm bạc

Xin chứng tri bát nước cầy hương

Nguyện tâm linh tai thượng hưởng hân

Giúp làng xã thêm nhiều thạnh vượng

Nhờ sảng phách minh trung cảm cách

Hộ toàn kiện nam phụ lão ấu đặng an khương

Phục duy thượng hưởng!

 

Sau khi tế xong là đốt vàng mã, vị chánh tế hô ba tiếng rồi vãi gạo muối bốn phương.

 

- CÚNG BÀ HẬU THỔ (cúng đẤt): Xưa cứ đến ngày 18 tháng 3 âm lịch ở xứ Đồng Hương nhà nhà đều có lễ cúng Bà Hậu Thổ - còn gọi là cúng đất hay cúng lệ (khao thổ lệ tế). Nhà nào giàu có, cúng lớn thì thỉnh pháp sư tới làm lễ, nhà nghèo thì gia chủ tự cúng. Nếu cả làng cúng thì gọi là cầu an tống lệ, cứ 3 năm cúng một lần.

 

Các cụ bô lão ở địa phương nói rằng, đất đai vùng này là của Bà Hoàng Thiên Hậu Thổ Diệu Tú Phu Nhơn người Chiêm Thành. Gia đình nào muốn làm ăn yên ổn thì hàng năm phải cúng Tá Thổ mướn đất của Bà để làm ăn. Theo Hán tự,   có nghĩa là vay mượn. Nội dung đơn tá thổ tức giấy vay mượn đất tùy theo sự cam kết giữa gia chủ với Bà Hậu Thổ và gia đình Chúa Ngung, Man Nương. Thời gian vay lâu thì tiền bạc (vàng mã) trả nhiều, lễ vật heo gà phải cúng lớn. Thời gian vay ngắn thì trả vàng mã lễ vật ít lại. Thường dân làng chỉ làm đơn vay 3 năm đáo lệ, khi đáo hạn phải làm đơn vay cúng lại trong dịp lễ cúng đất.

 

Bản khế ước Tá Thổ do pháp sư viết sẵn mang theo, khi đến phần làm giấy mượn đất, thì các thần như Bà Hậu Thổ, Hành Khẩn, Thổ Địa, gia đình Chúa Ngung, Man Nương lần lượt nhập vào anh xác đồng xưng danh hiệu, phần Cậu Hai Nguyễn Lương cứ đòi “ca lắc” (tiếng dân tộc tức uống rượu) liên tục. Pháp sư ngồi hoặc đứng đọc tờ khế ước này, sau đó yêu cầu tất cả 6 vị thần, chúa quái ấy ký tên lăn tay vào. Đến lượt ai được thầy pháp mời thì nhập vào xác mà ký nhận.

 

Xong công đoạn này, pháp sư lấy tờ khế đặt lên bàn Chúa Ngung, bàn Hội Đồng rồi dâng lên bàn Bà Hậu Thổ, sau đó giao cho gia chủ đem cất kỹ. Đáo hạn 3 năm làm giấy lại sẽ đem ra lễ đàn đốt bỏ và nhận tiếp tờ khế mới.

 

Ngày trước, lễ cúng đất diễn ra nhộn nhịp lắm. Tùy theo điều kiện kinh tế, nhà nào cũng sắm sửa lễ vật từ hai ba ngày trước để cúng Bà Hậu Thổ và các thần. Chủ yếu phải có gà cồ giò vừa biết gáy, với nhà nghèo ít nhất cũng phải 5 - 6 con, nhà giàu từ 15 đến 20 con. Phải có bộ tam sênh (que, hột, tợ), đồ xào nấu, giấy vàng mã v.v... Trong ngày này không ai mời ai, cúng rồi nhà nào nấy ăn.

 

Khi cúng, người ta lập bàn thờ ngoài sân, không cúng trong nhà. Nhà nào có thủ kỳ thờ Hoàng thiên Hậu thổ thì cúng nơi này. Người nông dân xưa quan niệm, Trời là cha, Đất là mẹ, mà ông cha lại cao xa quá, chỉ có bà mẹ mới gần gũi chúng sanh. Để thờ mẹ, với nhà nghèo thì có cái trang Thổ Công trong nhà. Những nhà giàu còn làm cái thủ kỳ trước sân, bên trong thờ hai chữ “Như Tại”  hay“Thần Tại”, nguyên lấy ở câu trong sách Luận Ngữ: “Tế như tại tế thần như thần tại”, nghĩa là: Thờ thần thì phải tin rằng thần luôn có hiện diện tại đây. Trong thủ kỳ có yểm 4 phiến đá ở 4 góc và 4 thanh kiếm bằng tre. Lễ cúng thời ấy đa số đều do thầy pháp hay thầy cúng đứng chủ trì, bởi người dân quan niệm ông thầy vái kỹ hơn.

 

Những nhà gần sông trong lễ cúng có lễ thả bè thí cô hồn chết nước tức đám ma da. Người ta lấy bẹ chuối hột làm thành chiếc bè (thuyền), lễ vật chất trên đó gồm thịt, chè xôi… Đến lúc tống bè, có người nâng chiếc bè lên vai chạy đến bờ sông, thả chiếc bè trôi theo giòng nước. Chỉ có đám trẻ chăn trâu bò mới dám bơi xuống sông vớt những phẩm vật này lên ăn, vì người ta tin rằng mục đồng có phẩm vị cao hơn cô hồn tà ma, nên chúng phải kiêng nể.

 

- Cúng Đoan NgỌ:

 

Ngày xưa, ngoài các cụ đồ và một số người có học vấn, hầu hết chẳng mấy ai biết ý nghĩa của ngày Tết Đoan Ngọ. Trong ngày mùng 5 tháng 5, người dân có lệ đi biếu tặng cho thầy đồ, cho người đã gia ơn cho mình hay đi tặng lễ biếu sui gia nhà gái sắp cưới. Buổi sáng, đình, miễu mở cửa thắp hương chong đèn. Nhà nào cũng làm lễ cúng, cầu nguyện Trời Phật thánh thần và các đấng khuất mặt phò trì cho gia đình được bình an. Lễ vật thường là gà vịt, cá chình, xào nấu bầu bí mướp y như đám giỗ. Vì quan niệm ngày này như ngày Tết nên có nhà còn gói bánh tét xôi chè và đi lại tặng biếu cho nhau.

 

- cúng tỐng ôn:

 

Trong cả xứ Đồng Hương, chỉ có làng Nghi Xuân là có lễ cúng tống ôn. Lễ diễn ra 3 năm một lần vào tiết xuân hoặc tiết thu, được toàn dân làng hưởng ứng, tổ chức rất trang nghiêm, tốn kém. Phải thỉnh mời một vị đại pháp sư nổi tiếng cao đạo chủ trì buổi lễ.

 

Lễ cúng kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ. Vào lúc rạng sáng, ban hương lý và dân làng tề tựu đủ mặt. Địa điểm cúng tống ôn lập ngay tại Hòn Đá Vàng phía nam làng Nghi Xuân. Người làng Nghi Xuân tin rằng nếu ba năm không cúng lệ thì ma quái sẽ quậy phá xóm làng, phải mời pháp sư đến chủ lễ cúng cho chúng ăn rồi đuổi chúng đi.

 

Đàn tràng và nghi thức được pháp sư đặt định như sau:

Bàn giữa cao nhất là bàn Tứ vị Thánh Nương. Hai bàn trái và phải đặt lấn bên trước là tả Hành Khiển và hữu Cao Các. Bên ngoài bàn tả Hành Khiển có thêm hai bàn Hành Bệnh và Nội vong. Lại có thêm các bàn Bà Chúa Ngọc đặt trước bàn Cao Các.

Phần pháp sư đứng trước bàn tả Hành Khiển.

 

Bên dưới một vai mang cung tên, một vai vắt khăn ấn. Các học trò theo tập sự cầm thiết bảng và thanh long đao đứng phía sau trợ đàn cho thầy. Trong lễ đàn, thầy pháp không đọc tờ chúc số như vị tướng lễ cúng đình mà chỉ đọc thuộc lòng, khi thì hò hét, khi thì như tụng kinh.

 

Lễ vật gồm có heo, gà, vịt và các loại vật phẩm, bánh trái, chè xôi, cơm canh xào nấu, nhiều hơn cả cúng Thanh minh.

 

Đầu tiên pháp sư lấy ống tù và thổi ba hồi dài, rồi gõ mõ khai đàn (chiếc mõ chỉ to bằng ngón chân cái thường được thầy đeo lên vai). Hai bàn chân thầy không đứng thành chữ V mà lại đứng hình chữ đinh (giống như chữ T hoa), tức là gót chân phải chạm vào bàn chân trái thẳng góc 90 độ. Sau ba hồi khai mõ thì thầy đọc:

 

Phục dĩ

Lôi oanh điện xế, chấn khu trừ sát phạt chi oai, trảm yêu bạt qui hiển dũng mãnh cang cường chi tướng. Bàng la nhật nguyệt chiều diện càn khôn thùy địa trục nhi duy…

 

Tạm dịch:

Phục dĩ

Sấm vang sét nổ trừ tà ma chém giết lấy oai, chém yêu giết quỉ mạnh bạo cang cường như tướng. Khắp trong nhật nguyệt soi sáng đất trời...

 

Tiếp theo pháp sư mời thỉnh hằng trăm vị thánh thần. Điều lạ là trong đó có mời 8 vị chúa Nguyễn như:

- Thôi trung dực vận công thần hành hạ Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ, thái úy Đoan quốc công gia dụ vượng thụy cung ý (Chúa Nguyễn Hoàng)

- Đại đô thống trấn nam phương tổng quốc chính dực thuận Hiếu Văn Vương thụy minh …(thiếu mất 1 chữ) (Chúa Nguyễn Phúc Nguyên)

- Đô nguyện súy tổng tể Thuận Hóa, Quảng Nam đẳng xứ, tổng quốc chính chiêu vương thụy hùng địch (Chúa Nguyễn Phúc Lan)

- Đô nguyên súy, tổng quốc chính công cao hậu dũng triết vương thụy trang chính (Chúa Nguyễn Phúc Tần)

- Đô nguyên súy, chưởng quốc bỉnh thiệu hưu khiêm thống lĩnh linh vương thụy khoan hồng (Chúa Nguyễn Phúc Thái)

- Đô nguyên súy bỉnh quốc chính khoan từ nhân hậu y Hinh Vương thụy nghi tuyên đạt (Chúa Nguyễn Phúc Chu)

- Đại đô thống tề quốc chính tuyên quang thiệu chưởng đính Ninh Vương thụy viết tịnh (Chúa Nguyễn Phúc Thụ)

Tiếp theo là một số công thần của Chúa Nguyễn. Cuối cùng là thập loại cô hồn...

Trong những bài kinh thường nói điển tích xưa, pháp sư hò hét dương oai diễu võ như vỗ khăn ấn, dương cung tên. Mỗi khi bước qua xàng lại thì pháp sư đi bộ đinh, đến lúc đuổi chúng quái thì bước theo bộ ất giống như chữ Z. Khi bắn cung thì pháp sư xuống bộ đinh tấn y như thế võ cổ truyền Bình Định. Mỗi vị pháp sư lại có một nghệ thuật riêng khi múa gươm, dương cung tên...

 

Cuối cùng là lễ thả bè, diễn ra như sau:

Trên những cái bè được làm bằng bẹ chuối, người ta bỏ vào trong đó thịt cá, xôi, chè, bánh trái v.v... Mỗi bè cắm hai ba lá cờ tứ sắc hình tam giác. Ban hương lý cử sáu bảy dân đinh bưng thả xuống suối Bàu Nai ở cuối làng. Trên đường đi, pháp sư sai hai để tử tập sự, mỗi người cầm cây thiết bản và thanh đao, vừa đi vừa múa với ý nghĩa xua đuổi đám cô hồn trên cạn đã ăn ban nãy đừng vào cướp giựt. Vật phẩm trong bè này là để bố thí cho đám ma gia ở dưới nước hay số đám cô hồn già yếu không đến đàn tràng được. Bè thả xuống suối trôi chưa được bao xa, có lẽ đám ma gia chưa kịp ăn thì đám chăn trâu bò liền đón lấy ăn hết.

 

Lễ tạ pháp sư là gà, vịt, bánh, chuối, xôi và một số đồng tiền xu.

Lễ cúng tống ôn ở làng Nghi Xuân duy trì hàng trăm năm, đến năm 1968 chiến tranh diễn ra quá ác liệt, dân chúng bỏ làng chạy tứ tán nên từ đó lễ cúng không còn giữ lệ nữa.

 

- cúng thưỢng điỀn:

 

Vào ngày 20 tháng Chạp âm lịch, sau vụ cày cấy xong. Lễ cúng đơn giản, không có nghi lễ văn sớ, chiêng trống cờ xí. Các hộ nhà nông tự bưng lễ vật lại, có gì cúng nấy. Sau lễ cúng, ông từ đình phân phát xôi bánh cho đám trẻ nhỏ bưng lễ vật; còn gà, vịt, hột vịt... ông để dành cho các người lớn tuổi một chập sau tề tựu lại uống rượu.

 

- cúng ruỘng rẪy:

 

Khi bắp lúa sắp sửa thu hoạch, người dân nấu chè xôi gánh vô tận ruộng rẫy để cúng cô hồn các bác. Ngày xưa, người Đồng Hương quan niệm rằng ma Hời và ma Đê thường quanh quẩn trong bìa núi, đám này khi còn sống cũng như chết khi ăn thì dùng tay để bốc, do đó chè xôi chỉ múc bới ra trên miếng lá rừng hay bẹ chuối. Ngày nay văn minh hơn, các lễ vật này đựng trong tô dĩa chén và có cả đũa muỗng. Lễ cúng này không đốt vàng mả bởi thời nhân nghĩ rằng ma Đê ma Hời không biết dùng tiền Việt.

 

- cúng đẬp mương:

 

Lễ cúng này cũng chỉ đơn giản, tuy nhiên lễ vật thịnh soạn hơn, gồm gà, vịt, có khi cúng đầu heo, “que hột tợ” tức bộ tam sên gồm cua biển hai con, hột vịt ba trứng, một cục thịt ba chỉ. Bộ tam sên cúng cho hai mẹ con Bà Man Nương Nguyễn Thị Thúc và Nguyễn Lương để nhậu rượu và có cả thuốc hút nữa. Một con gà cúng bàn ông Cọp chúa, một con gà hay đầu heo cúng Tiền hiền đập mương. Một con gà hoặc vịt cúng Bà Thủy Quan. Dưới chiếu liệt cúng cô hồn các bác, lễ vật làm y như đám giỗ, có chén đũa đàng hoàng. Lễ này có đốt vàng mã. Sau khi cúng xong mọi người gọi nhau ăn nhậu tại chỗ.

 

- cúng trưỚc khi vào Núi tìm trẦm kỲ:

 

Xứ Đồng Hương quanh năm đều có lễ cúng, bởi vì đây là cửa ngõ chính đi vào núi Vọng Phu. Lễ cúng thường đặt gần bờ suối. Người ta dùng cây rừng làm thành ba cái bàn. Bàn ở giữa cao hơn để cúng Bà Thiên Y A Na, bàn bên trái thấp hơn cúng Cọp chúa, bàn bên phải cúng mẹ con bà Man Nương Nguyễn Thị Thúc và Nguyễn Lương (xem ra hai mẹ con Bà này là được ăn nhậu nhiều nhất), chiếu liệt cúng liệt đẳng cô hồn ma da, ma hú, ma rú, ma đồng, ma Hời, ma chợ, ma mọi, ma rợ v.v...

Các thứ đồ nghề như rựa, rìu, dủm, gùi địu để giữa, mọi người thành tâm lễ bái, cầu xin bà Thiên Y cho trúng của, chư vị thần linh phù hộ độ trì. Trong lời vái thường có câu: “Sơn hoàn thủy nhiễu dục tú chung linh” ca tụng cuộc đất xứ Đồng Hương.

Lễ vật là gà, vịt... giống như lễ cúng đập mương.

 

- LỄ sai đỒng chỮa bỆnh:

 

Ngày xưa mỗi khi người dân bị bệnh, họ được thầy pháp cho uống lá thuốc, nếu không hết mà bệnh nặng thêm thì chỉ còn cách cúng bái cầu thần linh hộ trì. Bệnh càng kéo dài thì người ta tin rằng do bị ma quỉ thần linh quở phạt, chỉ còn cách nhờ các vị pháp sư sai đồng để truy ra căn nguyên mà điều trị.

 

Phàm bệnh nhân đến với thầy pháp, lúc nào thầy cũng nói do quỉ thần quở phạt, như Bà Bảy Bình Vôi, Chúa Lộc, Chúa Mối, Bà Man Nương và đám tay chân bộ hạ quỉ vương v.v... Những vị được cầu lên hỏi thăm căn nguyên là cậu Hai Nguyễn Lương, Phó trấn biên tỉnh Phú Yên (dưới quyền trấn thủ Lương Văn Chánh) là ông Đô Dương và Quan Công.

Nghi lễ cúng tạ (giống như tiền chuộc mạng), tùy theo nhà giàu hay nghèo mà “quỉ thần” đòi. Nếu anh đồng giả quỉ thần đòi lễ nhiều quá thì thầy pháp xin giảm bớt. Hoặc như anh đồng ngồi lắc lư giả đò không chịu thì thầy pháp bắt ấn dọa mời Tề Thiên Đại thánh hay Quan Công về tiêu diệt.

 

Gia chủ đặt lễ cho thầy pháp là gà, vịt, xôi, bánh, chuối, rượu, trà… Nếu nhà giàu thì trả thêm tiền bạc./.

 

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 2860
Ngày đăng: 10.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giải mã bài ca dao Thằng Bờm - Nguyễn Trọng Bình
Dẫn nhập – Kho tàng Truyện Dân gian Do Thái - Nguyễn Ước
Tục Thờ Mẫu Và Nghi Lễ Ngồi Đồng - Múa Bóng Ở Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Thương yêu trong ca dao Việt Nam - Nguyễn Tiến Văn
Chiều 30 Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Bài chòi ngày xuân Xưa và Nay - đi tìm lời giải mã - Phạm Phù sa
Tục Ngữ Khánh Hoà - Lê Khánh Mai
Tìm Hiểu Thang Âm Ngũ Cung Trong Âm Nhạc Huế - Nguyễn Phú Yên
Cây dừa trong văn hóa Tây Nam Bộ - Tiền Văn Triệu
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)