Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
590
116.481.767
 
Một Buổi Trưa Buồn
Thụy Vi

Tôi đi bộ ra quán cà phê quen. Chổ này chỉ cách nhà tôi khoảng 10 phút. Hôm qua, nước Mỹ đã vặn đồng hồ chạy lên 1 tiếng vì đã vào Xuân, nhưng thành phố tôi còn lạnh lắm, bầu trời hiếm hoi ánh nắng, đôi lúc còn có những lọn tuyết lất phất rơi xuống như bông gòn.

 

Tôi đến quầy gọi mua ít thức ăn, trong khi chờ đợi tôi đảo mắt nhìn quanh kiếm chổ ngồi rồi bưng ly trà cùng hộp hotdog đến một góc khuất ngồi xuống vừa nhâm nhi miếng bánh mì vừa chờ warm-up cái laptop. Tôi mở hộp thư, lòng cảm thấy có chút xao xuyến khi người tình trăm năm của tôi báo tin anh trên đường trở lại VN sau chuyến chu du dài ngày với gia đình. Một email của người bạn văn ở Cali buồn bả cho hay bệnh tình Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang còn hôn mê, càng ngày càng xấu đi không hy vọng gì ông tỉnh lại. Một cái khác báo tin Phạm Công Thiện qua đời tại Texas. Ngoài ra còn một số tin nhắn cùng  bài vở của bạn bè khắp nơi gửi tới.

                     

Thật ra tin buồn về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và ông Phạm Công Thiện tôi biết trên các báo, nhưng mấy hôm nay đầu óc tôi đờ đẩn mất hồn vì trận động đất sóng thần quá kinh khủng xảy ra ở Nhật.

 

Nhắc tới ông Phạm Công Thiện, phải nói như ông Từ Nguyên Thạch trên blog Chúng Ta là ở lứa tuổi chúng tôi ai cũng nghe danh Thiện vì ngày xưa ông ấy viết một số sách về Triết học, và thời đó có một số sinh viên thường làm dáng bằng cách cầm trên tay những cuốn sách của ông như một cách trang điểm, như một cách tự giới thiệu về mình. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng hầu hết chúng tôi thật sự  không hiểu ông ấy viết gì, nói gì với mớ triết học lê thê trừu tượng hầm bà lằng ngôn ngữ.  Bởi vì hình như ông viết theo mạch cảm xúc tuôn trào. Chuyện nọ xọ chuyện kia, đọc rất mệt… Còn có một số ông thì nói đọc Phạm Công Thiện phải đọc trên tinh thần thi sĩ. Có những chỗ chỉ cảm mà không giải thích, lý giải được. Riêng tôi, tôi có khá nhiều bà con bạn bè học ở Nguyễn Đình Chiểu cùng quê ở Mỹ Tho với ông Thiện nên nghe rất nhiều chuyện ngông ngông tự đại của ông. Sau này còn nghe ông khoác áo cà sa ăn mày cửa Phật rồi bỏ chùa hoàn tục lấy vợ, rồi bỏ vợ sống không giống ai, có lần trần truồng cầm chai bia đứng trong lớp học miền Nam nước Pháp… điên điên khùng khùng ăn nói lung tung như người mê sảng.

 

Bây giờ ông đã đi xa. Tôi nghĩ ông thoả nguyện với một cuộc đời ông sống – bày biện nhiều trò, đóng nhiều bộ mặt, khoát nhiều loại áo như ý ông muốn… Phải công nhận là ông Phạm Công Thiện đượcTrời đã ban cho một đầu óc rất siêu việt, nhưng rất tiếc ông không mang cái ân tứ to lớn đó để phục vụ nhân quần xả hội, mà ông chỉ phục vụ cho bản thân để làm nổi mình.

 

Tôi kính trọng ông Nguyễn Đức Quang hơn. Hiện tượng du ca của ông có thời khiến những thanh niên chúng tôi sôi sục lòng yêu nước. Hơn 40 chục năm trôi qua, những ca khúc của ông vang lên khiến những trái tim của các thế hệ sau này lay động một tình cảm khôn cùng trách nhiệm với quê hương. Theo những tin tức trên Internet.  Vào năm 1966, khi chiến tranh ngày càng dữ dội, một phong trào văn nghệ đã ra đời tại miền Nam Việt Nam với mục đích tác động tinh thần dân chúng để cùng ý thức về tình hình đất nước - đó là phong trào Du Ca Việt Nam do Nguyễn Đức Quang và Đinh Gia Lập đề xướng.

 

Hai anh chủ trương là văn nghệ phải làm sao để người nghe hưởng ứng với người hát, để nhập cuộc chứ không phải là chỉ thụ động nghe mà thôi. Người du ca gây tinh thần cộng đồng qua những ý tưởng gởi gấm trong các bài hát, và bằng chính việc làm của mình.

Trưởng phong trào Du Ca do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang điều hành. Đến năm 1972 thì được thay thế bởi Ngô Mạnh Thu, tức nhạc sĩ Trần Tú.

 

Các đoàn, các toán của phong trào đã đi khắp miền Nam khi đó, ca diễn trong những trường học, ngoài sân cỏ, trên sân khấu, hay sinh hoạt cùng với các đoàn thể Hướng Đạo, Thanh Sinh Công, và Gia Đình Phật Tử.

 

 

Các loại nhạc mà du ca viên xử dụng để đến với mọi người là Thanh niên ca, Thiếu nhi ca, Sinh hoạt ca, Nhận thức ca, Sử ca, Dân ca.

 

Nhắc đến những bài hát, chúng ta không ít người không nhớ ca khúc  “ Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ* ” Bài hát này nếu được phổ biến rộng rải trong nước, có lẽ chúng ta không có những nỗi ưu tư như Vũ Đông Hà đã nói: Vấn nạn của đất nước ngày hôm nay là nguy cơ mỗi con người chỉ lo sợ mất miếng ăn, manh áo, công ăn việc làm hơn là âu lo giang sơn tổ quốc mất đi một vùng biên giới mịt mù, một vùng biển xa xăm. Điều bất hạnh cho một dân tộc sẽ xảy đến nếu tầm nhìn của đại khối chỉ là sự hài lòng với những nhỏ nhoi riêng tư có được mà không biết rằng cuộc đời mình đã bị tước đoạt muôn vàn thứ và coi những mất mát chung không phải là mất mát của riêng mình; không nhận thức rằng sự mất mát chung của dân tộc sẽ tiếp tục dẫn đến mất mát cho từng cá nhân, từng gia đình…

 

Một buổi trưa buồn, đi đâu cũng buồn. Vận nước, tình nhà, thiên tai, chết chóc cứ diễn ra mỗi ngày, nhan nhản trước mắt. Nhưng còn biết buồn, biết xúc động,  biết trăn trở là chính ta chưa phải là loại bỏ đi. Thôi cứ an ủi vậy cho đở buồn./.

 

( Hầm Nắng, 14 – 3 – 2011 )

* Ngan Khoi Chorus' Playlist “Viet Nam Que Huong Ngao Nghe_Nguyen Duc Quang”

http://www.youtube.com/watch?v=xj-u7PbIhkg&NR=1

 

Thụy Vi
Số lần đọc: 1753
Ngày đăng: 17.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trở Về Mái Trường Xưa - Mang Viên Long
Môt Đời Để Lại, Hôm Qua Hôm Nay Và Ngày Mai - Võ Công Liêm
Đinh Hùng – Dưới Lá Hoa Tình Sử - Trần Ngọc Tuấn
Tay Mang Khăn Gói Sang Sông - Mang Viên Long
Người Đàn Bà - Nguyễn Hồng Nhung
Bệnh Tình Cụ Rùa Hồ Gươm Và Môi Trường Xã Hội Của Con Người - Phạm Đình Trọng
Mừng đêm khai hạ - Nguyễn Yên Thy
Làng Hoa Tháng Giêng - Nguyễn Thị Hậu
Theo Dòng Thời Gian: chương 1 - Bùi Quang Đạt
Hội vật làng tôi - Hoàng Trọng Muôn
Cùng một tác giả
Tình Rụng (truyện ngắn)
Ghi…vụn! (tạp văn)
Rừng câm (truyện ngắn)
Mê khúc (truyện ngắn)
Chim hót bên trời (truyện ngắn)
Tình Ơi! (truyện ngắn)
Miền Chim Hát (truyện ngắn)
Tình Xanh (tạp văn)
Di Chúc (thơ)
Ô mê ly (âm nhạc)
Trước, Sau (tạp văn)
Phố Nhạc Xanh (tạp văn)
Nói Hay Không Nói? (đối thoại)
Thả Tình (tạp văn)
PHÍA CUỐI CHÂN TRỜI (truyện ngắn)