Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
709
115.983.651
 
Ingrid Bergman: cơn bão trong vinh quang
Sâm Thương

Mùa hè 1934, đạo diễn người Thụy Điển Gustaf Melander theo lời khẩn cầu của một người thân đã cho quay thử một nữ học viên của trường sân khấu. Chính cô gái này đã rất lo lắng khi ngày hôm sau cô thấy gương mặt của mình trên màn ảnh. Ban đầu, Melander cũng không quan tâm gì lắm, nhưng sau đó từ căn phòng chiếu phim nhỏ bé đã xảy ra cái giây phút mà kinh nghiệm đã cho G.Melander biết rằng ông vừa phát hiện một tài năng không tên tuổi, đầy đủ mọi phẩm chất cần thiết để dấn thân vào sự nghiệp điện ảnh. Cô gái đó chính là Ingrid Bergman.

 

 

Ingrid Bergman sinh ngày 29.8.1915 tại Stockholm, Thụy Điển. Ingrid đã trải qua quãng đời thơ ấu êm đềm nhưng ngắn ngủi. Sớm chịu cảnh đời côi cút, Ingrid được một người chú nuôi dưỡng. Có lẽ, do hoàn cảnh đặc biệt của mình, Ingrid có khát vọng thể hiện mình bằng nghệ thuật biểu diễn, nên năm 1934 sau khi học hết chương trình trung học, Ingrid thi vào Nhà hát Kịch Hoàng gia. Và cuộc phiêu lưu đầu tiên của Ingrid đến với nghệ thuật, một năm sau khi theo học ở đây với đoạn diễn thử do đạo diễn G.Melander hướng dẫn.

 

Không lâu sau buổi diễn thử Ingrid Bergman bắt đầu quay phim thực sự đầu tiên. Dù đó là một vai rất nhỏ trong một phim của Edvin Adolphson và Sigurd Walle. Ở trường quay, Ingrid Bergman nhận được một bó hoa của Melander gửi tới với lời đề tặng: “Em bước đến đâu, đất nở hoa đến đó”. Một năm sau, Melander giao cho Bergman vai nữ chính trong phim Gia Đình Thụy Điển (Weden Hielms, 1934) của ông.

 

Rồi Ingrid liên tiếp tham gia trong Từ Phía Mặt Trời (1936), Dollar (1937)... Đồng thời, Ingrid cũng xuất hiện trên sân khấu ở Stokholm. Và mối tình đầu đã đến với cô giữa những thành công đó, chàng trai đó là Petter Lindstrom. Petter không chê vào đâu được, anh theo đuổi cô. Cô không cầm lòng được và họ cưới nhau vào năm 1937. Anh sắp xếp mọi công việc và cô thì nghe theo tất cả những gì anh nói. “Petter quyết định tất cả. Trong cuộc sống biết bao nhiêu là việc mà tôi không biết. Chính nó làm cho tôi sợ hãi và tôi ngại phải biết những điều đó”, chính Petter đã tán đồng khi Hollywood mời Ingrid đến Mỹ để quay lại phim Intermezzo (VA, 1939). Trong khi Petter thảo luận còn cô thì vừa ngồi nghe vừa đan áo. Và chính Petter đã trả lời chấp thuận khi David O.Selznick quyết định nhận Ingrid vào hàng ngũ diễn viên của MGM. Và cũng chính anh đã uốn nắn cô để cho cô được hoàn hảo trong cuộc sống cũng như trên màn ảnh.

 

Petter Lindstrom là một người chồng thật tự tin, một người không biết nghi ngờ. Họ có với nhau một đứa con gái là Pia, và trong suốt thời gian họ sống với nhau, mười lăm năm, Petter đã xây chung quanh một bức tường thành để cho cô không đủ can đảm rút ra khỏi mình.

 

Khi cùng đi với Ingrid dự tiệc, anh khuyên cô không nên mở miệng, cô cố gắng hết sức rồi lại quên. Trên đường về, Petter trách mắng cô: “Em không nên nói nhiều như vậy. Em có một gương mặt thông minh thì cứ để cho người ta tưởng như vậy, khi nói, em chỉ nói toàn những chuyện nhảm nhỉ”. Cô nín thinh - chắc anh có lý. Hoặc, như Ingrid đã thú nhận: “Anh ấy thật tuyệt vời, tôi còn có khi nghĩ rằng nếu như tôi không còn yêu anh ấy nữa, tôi cũng không thể sống thiếu anh”. Nhưng Petter đã làm cho cô đau khổ: “Em kéo lê chân quá, vết nhăn của em sâu giữa mắt”. Nhưng cũng chính nhờ Petter mà sự nghiệp của Ingrid nổi nhanh như vậy.

 

Năm 1938, Ingrid Bergman ký hợp đồng và đóng bộ phim đầu tiên cho UFABerlin mang tên Bốn Chị Em Họ do đạo diễn Carl Freelich thực hiện, câu chuyện xoay quanh bốn cô gái trẻ trong một xưởng dệt. Chân dung của Ingrid đã được in lên lịch UFA với lời quảng cáo: “Sau thành công của “Bốn Chị Em Họ”, Ingrid Bergman sẽ tiếp tục đóng nhiều vai chính tiếp theo của UFA-FILM”. Nhưng điều này đã không xảy đến trong thực tế. Ingrid Bergman đã hồi ức về chuyện này như sau: “Rất sớm, ngay từ khi tôi hoàn thành một phim ở Đức, 1938, tôi đã nhận thấy rất rõ những gì sắp xảy ra ở đó. Người ta có thể nhận thấy ngay lập tức cái không khí phim trường chuyên nghiệp, nhưng mà len lỏi vào đó là cái không khí của Berlin, một cái gì đó không yên lành. Người ta cảm thấy không thoải mái, lo sợ và bị theo dõi. Khi phim vừa quay xong thì tôi rời khỏi nước Đức ngay”.

Hồn nhiên tươi trẻ, bình dị qua các nhân vật mà Ingrid Bergman thể hiện, đó làhình ảnh độc đáo của Ingrdi mang tới và chinh phục Hollywood.

 

 

Do vậy, mà khi vừa quay trở lại Stockholm, David O.Selznick, nhà sản xuất tên tuổi nhất thời đó của Mỹ đã ký ngay hợp đồng với Ingrid để thực hiện một phim phóng tác theo phim Intermezzo.

 

Từ 1940 và 1941 làkhoảng thời gian mà tài năng diễn xuất của Ingrid phát triển ở đỉnh cao. Cô đã đóng trong Adam Had Four Sons (COL, 1941), Rage in Heaven (MGM, 1941), Dr.Jekyll and Mr.Hyde (MGM, 1941). Song song với thời gian đó, Ingrid đã gặt hái thắng lợi trên sân khấu Broadway, New York với vở Liliom của Franz Molnar. Trên sân khấu Selznick Lebero ở Santa Barbara, Ingrid cũng thành công trong vở Anna Christie của Eugène O’Neil. Sau đó lại liên tục thành công với những phim như Casablance (WB, 1942), For Whom The Bell Tolls (PAR, 1943), Galisht (MGM, 1944), Spellbound (VA, 1955), Saratoga Trunk (WB, 1945), The Bells of St.Mary’s (RKO, 1946), Notorious (RKO, 1946).

 

Bộ phim Casablanca của Michael Curuz đoạt giải Oscar 1944 dành cho phim xuất sắc nhất, nhưng Ingrid thì lại được đề cử với nhân vật trong For Whom The Bell Tolls và đã không được giải mà phải đợi đến vai diễn Galisht, mới thật sự đưa Ingrid lên đài danh vọng, đoạt giải Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc năm 1946. Và với nhân vật trong The Bells of St.Mary’s, một lần nữa, Ingrid lại được đề cử giải Oscar 1945, nhưng vinh dự lại thuộc về Joan Crawford. Theo các nhà phê bình điện ảnh, thì vai diễn của Ingrid Bergman trong Notorious mới thực sự là vai diễn xuất sắc nhất của Ingrid, nhưng tiếc thay lần đó Ingrid lại không được đề cử.

 

Với tất cả khát vọng sáng tạo vô biên của mình, những hình tượng nghệ thuật, những mẫu phụ nữ mà Ingrid biểu hiện đã thuyết phục nhờ sự chân thực tuyệt đối và những bộc lộ đầy rung cảm. Bên cạnh Humphrey Bogart, Cary Grant, Gary Cooper và Charles Boyer... thực sự Ingrid đã có những bạn diễn quý báu trong hàng ngũ những diễn viên phái cổ điển đã đi vào truyền thuyết. Ingrid nhớ lại: “Với phim Casablanca tôi đã đạt được vị trí cần thiết để tôi có thể từ đó bắt đầu sự nghiệp. Selznick đã muốn tôi phải đẹp tuyệt trần trong câu chuyện, phải ăn mặc thật điệu đàng sang trọng. Ông ta đòi hỏi tôi phải xuất hiện trước khán giả như họ mong đợi thấy tôi như vậy. Nhưng mà tôi đã luôn muốn hoàn toàn khác. Và Michael Curtiz cũng đã nghĩ rằng từ giờ tôi có thể làm một Ingrid Bergman của khán giả, để cho họ ngưỡng mộ hình ảnh tôi đến muôn đời. Tôi đã lắc đầu giải thích rằng tối ẽ không làm như vậy. Tôi sẽ tìm cách luôn luôn lột xác, biến Ingrid Bergman thành những con người hoàn toàn khác nhau trong mỗi phim”.

       

Nói chung, ở giai đoạn này, đối với Ingrid là một giai đoạn thành công vượt bực trên sự nghiệp điện ảnh, và một cuộc sống gia đình ổn định khó thể mơ ước nổi.

 

Nhưng tất cả đều đã bị đảo lộn bởi cuộc gặp gỡ tại nhà hàng George V ở Paris. Năm đó, Ingrid đã 32 tuổi, cùng đi với Petter Lindstrom, chồng cô. “Người ta giới thiệu chúng tôi với nhau và Petter nói những gì mà anh nói, những từ, những hình ảnh mà anh sử dụng không giống những người khác”. Ingrid Bergman đã mô tả cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa cô với Roberto Rossellini như vậy đó. Có lẽ Roberto là mẫu người đàn ông mà từ trước đến giây phút đó cô chờ đợi và muốn hiến dâng trọn vẹn tình yêu mà cô chưa hề gặp. Vì Roberto mà cô chấp nhận đối đầu với tất cả những gì mà cô vẫn né tránh bao nhiêu năm qua: sự rung cảm và hạnh phúc của chính mình. Thật vậy, câu chuyện tình của Ingrid Bergman và Roberto Rossellini mà cả thế giới đều theo dõi là mối tình được bắt đầu từ cuộc gặp gỡ lịch sử đó. Trong mắt của Ingrid và Roberto không có gì có thể so sánh được với sự bùng nổ của hỏa diệm sơn. Nếu như mối tình ấy gây nên bao nhiêu sự say mê, thì chính Ingrid đã làm vì tình yêu, những gì mà người khác không dám làm, gạt bỏ những gì giả dối và chọn lựa sự thật.

 

Bởi trong cuộc sống của cô với một Petter quá sáng suốt, nghiêm khắc và có phần khuôn sáo, đã gây cho cô cái ý thức muốn phá vỡ, nhưng cô vẫn chưa dám. Cô đau khổ âm thầm và tìm thấy nguồn vui trong nghề nghiệp. “Vào buổi sáng tôi nhảy ra khỏi giường rất vui sướng khi đến phim trường. Vào buổi chiều, tôi rất buồn khi phải rời khỏi nơi đó. Tôi có cảm giác như tôi đã để lại một cái gì của tôi ở đó”. Thật vậy, cô đã để lại một cái gì của cô ở đó. Niềm say mê mà cô đã không thấy trong gia đình mình.

Ingrid bắt đầu nhận thức được rằng có một sự cách biệt giữa con người mà cô hóa thân và con người thật của cô, giữa những bộ phim của Hollywood và thực tế, giữa Ingrid thật và bà Lindstrom giả. Cuộc đời đã đặt trên bước đường của cô một người đàn ông, báo hiệu cho sự rắc rối sau này, và một cách nào đó, chuẩn bị cho đường đi của Roberto Rossellini. Người đàn ông mà cô yêu trước đó là Robert Capa, một nhiếp ảnh gia quân sự người Hungarie sống ở Pháp. Cô bám víu vào Capa, và muốn giải thoát mình bởi Capa. Nhưng con người đó đã coi trọng nghề nghiệp nguy hiểm của mình hơn. Anh cũng yêu thương cô rất đỗi mặn nồng, nhưng anh hiểu vị trí của anh không phải để làm chồng, và lại là chồng của một ngôi sao như ingrid. Anh đã lay thức và trả lại Ingrid về chỗ của cô: “Em đã trở thành một thứ công nghiệp. Em phải trở lại con người của em. Em làm những gì chồng em và những nhà sản xuất bảo em làm”. Cô bào chữa lấy lệ. Có lẽ, Capa đến với cô hơi sớm. Cô chưa có khả năng tự thoát khỏi vòng kềm tỏa của Petter. Cô trở về Hollywood, đóng hai phim với Alferd Hitchcok: Căn Nhà Của Bác Sĩ Edwards Notorious (RKO, 1946). Một vài lần cô gặp lại Capa, sau đó họ không còn gặp lại nhau nữa. Capa đạp phải mìn khi làm phóng sự ở Đông Dương. Ảnh hưởng của Capa được thấy rõ trong những quyết định nghề nghiệp của Ingrid: Cô thôi hợp tác với nhà sản xuất của cô từ trước tới giờ, David O.Selznick, và trở thành nhà sản xuất của chính mình. Cô tự mình ký hợp đồng không cần có Petter để đóng vai Jeanne D’Arc trong Joan of Arc (RKO, 1948) do Victor Fleming đạo diễn dựa theo Jeanne D’arc của nhà biên kịch Mỹ Mexwell Anderron, nhân vật mà cô mơ ước trên sân khấu Broadway.

 

Một hôm, tình cờ cô xem bộ phim Rome Thành Phố Bỏ Ngỏ (Roma, Citta Aperta, Ital, 1945) của Roberto Rossellini. Cô ngạc nhiên thích thú và rơi nước mắt. Sau đó, trong nỗi xúc động do bộ phim của Roberto mang lại, cô đã viết thư cho ông: “Thưa ông, tôi đã xem các phim của ông và tôi rất thích. Nếu như ông cần một diễn viên Thụy Điển, nói thạo tiếng Anh, vẫn không quên tiếng Đức, không hiểu tiếng Pháp rõ lắm. Và tiếng Ý chỉ nói “ti amo”, thì tôi sẵn sàng đóng phim với ông”, Roberto suýt chút nữa không nhận được lá thư của Ingrid. Vì lá thư tới xưởng phim Minerva ở Rome, thì xưởng bị cháy. Khi xới đống tro, người ta tìm thấy lá thư. Và rồi cuộc gặp gỡ ở nhà hàng George V ở Paris.

 

Ngày 20.3.1949, sáu tháng sau khi họ gặp nhau ở Paris, Ingrid đặt chân đến đất Ý giữa rừng người tiếp đón. Và cô tự nhủ: “Tôi hiểu rằng tôi yêu Roberto ngay từ lúc xem “Rome Thành Phố Bỏ Ngỏ” từ lúc đó anh không bao giờ rời khỏi ý nghĩ của tôi (...) Đã bao năm nay tôi chờ đợi một người để tôi quyết định ra đi - Và Roberto đã làm điều đó”. Còn với Roberto, anh yêu cô say đắm, và không muốn cô vuột khỏi tay anh. Báo chí thế giới rình mò từng cử chỉ âu yếm của họ. Không cần đến mọi người, họ yêu nhau say đắm và bắt tay vào quay Stromboli (ITAL, 1949). Ở Amalfi, Ingrid nghĩ ra là đã đến lúc phải thẳng thắn với Petter. Cô viết cho anh: “Em không có ý định yêu và đi Italia mãi mãi. Nhưng em không có cách nào khác? Ở Hollywood anh đã thấy sự hâm mộ của khán giả đối với Roberto ngày càng tăng, anh đã thấy chúng tôi giống nhau như thế nào, với lòng ham muốn cùng làm một công việc, một ý thức về cuộc sống. Tôi nghĩ rằng tôi có thể chiến thắng được tình cảm mà tôi có đối với anh ấy khi tôi thấy anh ấy trong phạm vi hoạt động của anh khác hẳn của tôi, nhưng ngược lại... tôi đã thấy nơi mà tôi muốn sống. Ở đó, tôi cảm thấy như là nhà tôi, tôi muốn ở lại. Tôi rất tiếc...”.

 

Khi nhận được bức thư, Petter hoàn toàn ngạc nhiên và không hiểu nổi. “Tôi không thể tin một người đàn bà không muốn sống với tôi. Cuộc dan díu đó không phải để dành cho một người đàn bà bản chất tốt và ngay thẳng! Nếu như Ingrid đã làm như vậy chắc có lẽ cô bị đầu độc!” Petter muốn giải thích với cô. Giữa cái duy lý lạnh lùng của chồng cô và sự nồng cháy yêu đương của Roberto, Ingrid bị rơi vào trạng thái chao đảo, đớn đau.

 

Việc Ingrid chọn Roberto đã làm nổ tung dư luận Mỹ. Một thượng nghị sĩ Mỹ đã lên diễn đàn kết án cô là một người đàn bà tội lỗi. Và cũng tại diễn đàn này, vị thượng nghị sĩ còn đe dọa nếu cô không quay trở về với Petter, không quay về nước Mỹ thì cô là kẻ phản bội, Hollywood sẽ không bao giờ nhìn nhận cô trong hàng ngũ diễn viên, nghĩa là cô không được đóng phim nữa. Bì giày vò, Ingrid khóc suốt ngày. Khóc và cười khi Roberto ôm cô trong vòng tay. Một cô bạn gái người Mỹ đã lên tiếng khuyên Ingrid: “Ingrid, cô có thể mất chồng, mất con gái và mất tài sản” - “Tôi biết”, Ingrid trả lời, rất đau khổ nhưng cương quyết. Cô sẵn sàng đánh mất tất cả: nhà cửa, của cải mà cô đã làm ra, mà Petter đã dành dụm, vị trí ngôi sao điện ảnh hàng đầu và con gái Pia. Cô chỉ xin phép được thăm con.

 

Petter đã đến Messine để giải thích, để mong muốn Ingrid thức tỉnh quay trở về. Trong khi Roberto quay vòng như một tên điên trên chiếc xe Ferrari nổ máy ồn ào và đe dọa sẽ đâm đầu vào gốc cây, nếu Ingrid bỏ anh quay về với Petter. Petter và Roberto không thể có sự hòa hợp được, giữa Hollywood và Italia, Ingrid đã chọn lựa.

 

Và khi bộ phim Stromboli vừa quay xong thì Ingrid biết rằng mình đã có thai. Chỉ cần bốn tháng để cuộc đời nàng thay đổi hẳn. Ingrid đã 34 tuổi và ước muốn có một cuộc sống bình thường, không còn là một món đồ của scandale. Cô họp báo và thông báo từ bỏ điện ảnh và có thai. Cả nước Mỹ rất bất bình. Nhưng scandale cũng chưa chịu tắt. Người ta tiếp tục tấn công cô, và nạn nhân mới nữa chính là Pia, con gái của cô và Petter. Phải chờ sáu năm sau, cô mới gặp được con: “Đây là đứa con mà tôi vừa mới sinh ra. Từ khắp nơi, đặc biệt là ở Mỹ làn sóng hận thù đã đến với chúng tôi. Tôi chỉ là một người đàn bà nhỏ bé. Nhưng tôi có một cuộc sống mới, một gia đình mới. Tôi quyết định làm một người đàn bà bình thường, chăm sóc nhà cửa và con cái”. Nhưng trong cơn bão tố đó, Ingrid đã chiến thắng, đã có can đảm là chính mình không giả dối.

 

Nhưng Roberto không thể là một người đàn ông cho cuộc sống lứa đôi. Anh cấm Ingrid đóng với bất cứ đạo diễn nào khác. Khi một người bạn khuyên Ingrid bỏ Roberto, cô nói: “Làm sao tôi có thể làm điều đó được. Không thể được”. Nhưng rồi sự hợp tác giữa họ tiếp tục thất bại. Bao nhiêu người đổ lỗi cho Roberto hủy hoại sự nghiệp của Ingrid. Còn cô thì nghĩ ngược lại. Anh đã đem một cô đào Hollywood vào thể thức làm việc của anh, nhưng đó lại là một sự kết hợp không thành công.

 

Trở lại với sân quay, Ingrid tham gia bộ phim Strangers (Fine Apts, 1955), và năm 1956, Ingrid lại đóng một phim nữa của đạo diễn Anatole Livak: phim Anastasia (20th, 1956). Dù báo chí có hậm hực với Ingrid, Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ cũng đành phải trao giải Oscar về nữ diễn viên chính xuất sắc nhất 1956 cho nghệ thuật diễn xuất tuyệt vời của Ingrid.

Với hai bộ phim không do Roberto thực hiện, Ingrid đã nối lại được sự thành công, mặc dù Roberto có vẻ coi thường sự thành công ấy.

 

Đó là bước khởi đầu của sự đoạn tuyệt giữa hai người.

 

Sau thành công của phim Anastasia, Ingrid tiếp tục với Indiscret (WB, 1958), The Inn of the Sixth Happiness (20th, 1958), Goodbye Again (UA, 1961), The Visit (20th, 1964), The Yellow Rolls-Royce (MGM, 1965), Stimulantia (WB, 1967) và Fugitive in Vienna (WB, 1968) v.v...

 

Giữa Roberto và Ingrid khoảng cách ngày càng lớn. Nhất là sau khi Roberto đi Ấn Độ và yêu cô vợ của một nhà sản xuất Ấn Độ. Lại là một scandale. Khi gặp lại nhau hai người quyết định ly dị, không ồn ào, không gây phiền phức cho nhau, sau hơn 9 năm (1950-1958) gây bao nhiêu sóng gió trong cuộc đấu tranh để tìm tới nhau.

 

Giáng sinh 1958, Ingrid kết hôn với Lars Schimidt, một người không hoạt động trong giới giải trí, và Ingrid đã tìm thấy lại mình, và cái hạnh phúc mà cô đã từng kiếm tìm.

 

Vào buổi tối 29.8.1982, sinh nhật lần thứ 67 Ingrid Bergman đã chết trong vòng tay của Lars sau khi vật lộn một cách can đảm với chứng bệnh ung thư.

 

Sâm Thương
Số lần đọc: 3301
Ngày đăng: 11.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Marilyn Monroe đuổi bắt ảo ảnh - Sâm Thương
Trần Anh Hùng: tính nữ của tôi rất lớn - Nguyễn Thị Dạ Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 1 - Sâm Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 2 - Sâm Thương
Yilmaz Guney , Người tử tù bị săn đuổi. - Sâm Thương
Francois Trufaut- nhà điện ảnh cổ điển của đợt sóng mới - Sâm Thương
Điện Ảnh Việt Nam Thời Khai Sinh-1 - Sâm Thương
MƯỜI BA BẾN NƯỚC : Từ văn chương sang điện ảnh. - Nguyễn Hoàng Đức
Nguồn gốc của tên gọi Nghệ thuật thứ bảy. - Vũ Quang Chính
Cũng một đời nghệ sĩ - Hoàng Nguyên Nhuận
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)