Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
801
116.526.908
 
Thời cầm súng - cầm bút
Thanh Giang

Hồi ức của THANH GIANG

Quê tôi mọi dòng sông đều chảy… hai chiều. Nước lớn chảy vô, nước ròng chảy ra. Hai chiều sông – biển giao hòa duyên nợ tự bao giờ, sinh thành một quần thể ba cù lao lớn được đặt tên tỉnh là Bến Tre. Ba cù lao nằm dọc làm bờ sông quê hương, giăng ngang làm bờ biển Tổ quốc. Ngày đêm hai lượt, con nước chảy hai chiều, mở ngày càng rộng những cửa sông mênh mông thông ra biển, tạo cho hệ thống dòng sông Mẹ “Chín Rồng” càng thêm hùng vĩ; cho lòng người càng thêm mến yêu sông! Bắt nguồn tình yêu quê hương, bồi bỗ tâm hồn dạt dào cho thêm yêu cha yêu mẹ. Những ngày đi học, thương mẹ góa tảo tần nuôi bè con côi! Mỗi khuya mẹ gánh bún lên chợ bán, có lần té cầu khỉ tưởng chết, gánh cái gánh không lạnh run trở về, ôm con trào nước mắt! Mấy chị lớn lần lượt đi lấy chồng. Chị Hai, chồng làm quân báo, lấy bót, bị địch truy bắt, tra khảo rồi khoét mắt, mổ bụng quăng xác xuống chân cầu. Nước lớn chảy vô, nước ròng chảy ra nhưng linh thiêng gì mà xác anh rể tôi không trôi, vật vờ chờ đêm sau chị tôi bơi xuồng vô vớt đem về chôn bên bờ sông Mỏ Cày. Nước mắt nỗi đau của chị chảy vào trái tim em, coi như hành trang đi kháng chiến, giao mẹ già chị nuôi. Lại nuốt nước mắt chia ly vào lòng mà lòng hâm hở xông pha gian nan nhẹ như không cũng lạ lùng!? Cố nhiên tình mẹ vấn vương trên khắp nẻo chiến trường. Hồn đa mang những hình ảnh mỗi chiều con nước rong, đường đi ngập lội, mỗi chiều mưa gió lạnh, cầu trơn, mẹ già lần dò gậy tre đón con đi học về… Ơi! Tình mẹ chan hòa những dòng sông con nước chảy hai chiều, ngấm vào giọng hò, vào lời ru con, vào hồn thơ cho tôi viết những dòng đầu tiên :

Gạo chợ nước sông từng buổi học

Run run mẹ gánh bóng trời chiều

Rồi những chặng hành quân, những đêm liên hoan văn nghệ, tôi ngâm thơ cho đồng đội nghe, bắt bén hò Bến tre học lóm dân gian. Ngờ đâu cầm súng làm “văn nghệ chân đất”, tôi thành nhu cầu giúp vui cho đơn vị mà khiến xui vướng vô cái nghiệp cầm bút! Tôi mang danh “cây hò Bến Tre” ưu ái của đồng đội, đi từ Nam ra Bắc, sung sướng được làm hương vị địa phương mà đồng đội đem khoe “cây nhà lá vườn” với đơn vị bạn, hoặc những cuộc hội diễn văn nghệ quần chúng. Cứ thế, làm niềm vui đồng đội, tôi trở thành bạn viết của Văn nghệ Quân đội (VNQĐ), mon men bước vào ngưỡng cửa văn chương. Là bạn viết, nhờ viết nhiều mà đăng thì ít. Đến năm 1960 được đăng cái truyện ngắn đầu tay ở báo Văn học. Bất ngờ Tổng cục Chính trị quân đội gọi tôi từ sư đoàn 330 về cho học lớp bổ túc cán bộ tuyên huấn. Từ  chế độ ăn, đến chương trình học, chúng tôi nhận ra lãnh đạo trang bị cho mình khá bài bản để rồi sẽ giao nhiệm vụ đặc biệt gì. Sau khi mãn lớp tuyên huấn, số anh em bạn viết chúng tôi (trong đó có Thu Bồn) được đưa về ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, để “bồi dưỡng” kinh nghiệm viết văn, làm báo với các anh nhà văn quân đội. Xong phần nghiệp vụ, Chủ nhiệm tạp chí VNQĐ Văn Phác “làm công tác tư tưởng” chúng tôi về ý chí và vai trò, trách nhiệm đối với chiến trường miền Nam đang yêu cầu. Đây là một kỉ niệm có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời văn nghiệp của mình.

Khuya ngày 22 tháng 12 năm 1961, đoàn chúng tôi lên xe, phủ vải bạt bịt bùng, rời Thủ đô Hà Nội thân yêu! Thanh Giang được gởi đi ghép với khung một trung đoàn về chiến trường Nam Bộ. Thu Bồn đi sau với đoàn về Khu 5. Đường Trường Sơn mùa đông, chúng tôi đi trong mưa mù dầm dề ẩm ướt. Phải nói, những ngày đầu ấy gian khổ hơn là ác liệt; gian khổ đến mức phải vận dụng ý chí mới vượt nổi Trường Sơn! Trường Sơn chưa có đường mòn!…

 

*

Tình hình miền Nam cuối năm 1961 đầu 1962, các lực lượng võ trang đã hình thành ba thứ quân, cụ thể ở Miền đã có 2 trung đoàn chủ lực (Q.761 và Q.762). Tháng 3/1962, Thanh Giang về nhận nhiệm vụ Trợ lý Văn nghệ Cục Chính trị, thuộc Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (B2) (1); yêu cầu trước mắt là ra tờ tạp chí Văn nghệ; kế tục vai trò VNQĐ, phục vụ bộ đội chiến trường. Bấy giờ chỉ có hai bàn tay trơn!? Nhưng phát huy truyền thống quân đội: khắc phục khó khăn mà hoàn thành nhiệm vụ. Để tạo nguồn từ phong trào, đề án: Công tác văn nghệ trong các lực lượng võ trang, được thảo và triển khai tại Hội nghị Chính trị toàn miền. Sau khi đi thực tế Trung đoàn 1 trở về, Thanh Giang vừa viết, vừa “đặt hàng” các anh trong cơ quan. Ít lâu, lên trang với những bài: Lớn lên theo Cách mạng Tháng Tám của Nam Phòng, (tức Nguyễn Văn Quảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động và thương binh Xã hội); Những bức thư chưa kịp gửi về bên kia Thái Bình Dương của Minh Khoa; truyện ngắn Trong lửa đỏ của Võ Trần Nhã, truyện ngắn Bên vườn đào và bút ký Một tên sen đầm Hoa Kỳ của Thanh Giang và vài bài thơ…Vẽ bìa, tranh đả kích do “họa sĩ vườn” Lê Thế Thưởng (cố Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin - TPHCM). Trần Dũng “họa sĩ lính” minh họa. Ma-két đánh máy giấy sáp xong, được biết Tỉnh ủy Tây Ninh có nhà in “lăn tay”, Thanh Giang được lịnh đi in nhờ và dẫn theo bốn tân binh, để vừa làm cho mình, vừa “ăn cắp” nghề…

 

Tháng 8 -1962, tại khu rừng Bời Lời, tạp chí Văn nghệ Giải phóng quân số đầu tiên chào đời, rập khuôn gần y chang tạp chí VNQĐ. (Hồi nầy còn theo cách gọi của Trung Quốc, đặt chữ “quân” đằng sau; mãi đến số 18 mới đổi là Văn nghệ Quân giải phóng  (VNQGP). Với số lượng 2.000 cuốn, phát hành đến bộ đội Miền, các Quân khu bộ, các cơ quan quanh Bộ tư lệnh và gửi tặng Hà Nội. Đáp ứng món ăn tinh thần, bộ đội gửi thư hoan hô rồi lai rai có bài gởi về, đó là phần thưởng lớn lao và niềm sướng vui nữa là được nghe đài Hà Nội phát những bài kể trên; được biết đã dịch Anh văn và Spéranto do NXB Ngoại văn in sách cùng với truyện ngắn Đứa con của Anh Đức; Chế Lan Viên đề tựa.

Đang chuẩn bị ra số 2, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn từ VNQĐ về tới! Trên cơ sở viên gạch đầu tiên, Tấn như “cây cột cái”, gom “bộ tam” cùng Võ Trần Nhã và Thanh Giang, hình thành “tòa soạn” tạp chí Văn nghệ, mang phiên hiệu A.6, cất mái nhà ra riêng. Vừa lúc, Nguyễn Công Lập - nhà in, gom “bộ tứ” (từng đi in nhờ), cùng với số tân binh nữ từ đồng bằng lên, thành lập nhà in Quân giải phóng. Ấn phẩm đầu tiên của nhà in là tạp chí VNQGP số 2. Có nhà in, Bộ tư lệnh Miền quyết định ra tờ báo Quân Giải Phóng…

 

Bài viết trong VNQGP số 2, Nguyễn Ngọc Tấn lần đầu ký bút danh Nguyễn Thi, tức tên con trai của anh. Tạp chí số 2 lên trang vừa xong, chiến thắng Ấp Bắc nổ ra, Tấn cho bổ sung nội dung, bảo: làm báo là phải nhảy cao, đá lẹ. Nghe tin giao ban, Nhã viết ký: Lá thư Ấp Bắc, Thanh Giang làm thơ, Tấn vẽ bìa, viết tùy bút…Tạp chí số 2 in xong, Tấn và Nhã lập tức đi chiến trường Ấp Bắc, rồi vượt  lộ 4, thâm nhập vùng Long Trung, Ba Dừa. Thanh Giang “thủ trại”: lo bài cho số tới, lo chống càn, xây cứ, tải gạo, sản xuất…Cho nên tâm trạng anh nào cũng muốn đi chiến trường để có vốn sống mà viết. Biết rằng đi chiến trường là chuyện sinh tử. Nhưng đi chiến trường về, cũng đâu được ngồi viết thoải mái; phải hầm bà lằng sự vụ thay cho người khác đi. Bởi vậy lắm khi viết tại trận, dù còn “sống sít” cũng phục vụ được kịp thời. Còn đầu tư cho tác phẩm chiều sâu thì tranh thủ viết thâu đêm; che mắt máy bay, viết dưới ánh đèn ống tre khoét lỗ lọt sáng ra vừa trang giấy… 

 

Về cùng với Tấn có họa sĩ Huỳnh Công Thu - Đại học mỹ thuật Hà Nội; dọc đường bị sốt rét, nên cuối 1963 anh mới về tới A.6. Có Thu về, Tấn mừng lắm, bởi từ số 2 đến số 6, anh phải phụ với Trần Dũng vẽ bìa, minh họa…Vừa về, Thu vẽ ngay tranh truyện cho số 6, vẽ bìa cho số 7. Tranh bìa nầy Thu nhờ cô y tá Đào làm mẫu, ghi dấu ấn tài hoa hình tượng người mẹ trẻ ôm chông đi gài dưới trăng treo ngọn dừa, thằng cu con chưa mặc quần chạy theo…

Đầu năm 1964, Tấn dẫn đầu đoàn gồm: Huỳnh Công Thu, Thanh Giang và Trần Nam Hương về chiến trường Bến Tre. Họa sĩ Thu vừa dứt sốt rét Trường Sơn, người ốm nhom, mang cái ba lô “xưởng họa” nặng chịch, còn vác thêm cuộn giấy to. Đêm đi, ngày ém; vượt “Đồng chó ngáp” chân sưng vù trong dép râu. Đến Kiến Tường - Đồng Tháp, đụng địch càn, Thanh Giang bị thương nằm lại. Đoàn đi đến kinh Nguyễn Văn Tiếp, bị trực thăng Mỹ bắn, họa sĩ  Huỳnh Công Thu hy sinh! Mang “xưởng họa” nặng nề trên lưng, Thu hăm hở về Bến Tre quê hương đồng khởi quê anh, hầu thỏa sức “đại bàng tung cánh” (ngôn từ của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu tặng Thu ngày lên đường về Nam). Đau đớn thay giữa đường Thu nằm lại! Tấn khóc ròng trong đêm mưa cùng trạm giao liên đi mai táng Thu ở nghĩa trang Láng Biển - Cai Lậy. Thương tiếc một tài năng còn rất trẻ! Tiếc nữa là bút tích của Thu ở VNQGP số 6 và 7, nằm trong loạt tạp chí lưu từ số 1 đến số 13, cùng những bản thảo khác chôn ở cứ, bị bom B.52 bừa tan vào cát bụi! Một tháng sau, Thanh Giang chỏi gậy về Bến Tre, gặp lại Tấn đang bám khu trù mật Thành Thới - Mỏ Cày. Đây là một điển hình có tầm khái quát cho khi trở về, Tấn kết hợp với tư liệu chuyến đi Mỹ Tho, viết ba chương đầu tiểu thuyết Ở xã Trung nghĩa... Thanh Giang thâm nhập các xã điểm của phong trào đồng khởi Bến Tre, tích lũy viết tiểu thuyết: Dòng sông nước mắt…Đang viết dở dang xếp lại, viết truyện Anh hùng ở Đại hội toàn miền lần thứ nhất. Tấn viết về chị Út Tịch: Người mẹ cầm súng. Minh Khoa viết về Huỳnh Đảnh: Mỗi viên đạn một quân thù. Võ Trần Nhã viết về Nguyễn Minh Tua: Lá cờ Hê-rôn. Thanh Giang viết về Hồ Văn Bé: Đánh trong lòng địch.…Các nhà văn Tiểu ban Văn nghệ - Ban Tuyên huấn T.Ư.C (C.51): Anh Đức viết về Pi-năng-tắc: Con chim đầu đàn; Lê Anh Xuân (cùng quê Tân Thành Bình) viết về Nguyễn Văn Tư: Giữ đất; Như Băng viết về Tạ Thị Kiều: Người con gái Bến Tre; Đinh Phong viết về anh hùng Hồ Vai: Rừng núi diệt thù…

 

 Sau đó A.6 từ bộ tam đông dần lên: Minh Khoa, Phòng Cán bộ đưa qua, vừa viết, vừa phụ trách A.6, để Tấn rảnh rang sáng tác; Trúc Chi, tức đại úy Huỳnh Đoan Hùng, Chính trị viên Đoàn văn công Quân giải phóng, đòi về A.6 viết văn. Lại có thêm Hóa khắc gỗ, thay Bé Nghiệp hy sinh. Rồi họa sĩ Huỳnh Phương Đông bên C.51 biệt phái. Sau có nữ họa sĩ  Hồng Xuân, đại học mỹ thuật Hà Nội về.

 

Khoảng năm 1966 đồng chí Văn Phác (nguyên Chủ nhiệm tạp chí VNQĐ) về phụ trách Cục phó Cục Chính trị Miền, đã chỉ đạo A.6 phát động cuộc thi viết lấy tên: “Viết về cuộc sống và chiến đấu của chúng ta”. Sau Mậu Thân đổi đề tài là: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Tham gia viết cho tạp chí ngoài thủ trưởng Văn Phác với bút danh Trần Hương Nam, còn có Chính ủy Trần Độ với bút danh Cửu Long. Cuộc thi viết thành phong trào, bài vở gởi về ngày càng nhiều.

Hiệu quả hoạt động, xuất hiện dần một “đội ngũ” cầm bút trẻ từ các đơn vị cầm súng. Ngoài ra còn liên hệ các quân khu và trung đoàn ra tập san Văn nghệ phục vụ đơn vị như tờ Chiến Thắng của T1 (Khu 7), với những cây bút bạn viết của VNQGP như Trường Thắng, ỳnh Anh Tuyên…; tờ Truyền Thống của trung đoàn Q.762 có Sơn Thu, Hữu Hiệp…

Tạp chí VNQGP dù ít người, vẫn thay nhau đi chiến trường, coi là nghĩa cử quan tâm lẫn nhau. Qua những chuyến đi, Tấn viết ký sự: Những sự tích ở đất thép. Thanh Giang theo các chiến dịch: Bình Giã, Bàu Bàng… làm thơ và viết bút ký phục vụ kịp thời. Kế tiếp, A.6 tập trung dự Đại Hội Anh hùng toàn miền lần thứ hai. Tấn viết về Nguyễn Thị Hạnh: Ước mơ của đất. Trúc Chi viết về Phạm Văn Hai: Anh hùng đánh kho bom Phú Thọ Hoà. Thanh Giang viết về Tạ Quang Tỷ: Tuổi xanh và lửa đỏ…Các nhà văn C.51: Anh Đức viết về Nguyễn Văn Quang: Con của đất; Viễn Phương viết về Tô Văn Đực: Anh hùng mìm gạt; Đinh Phong viết về Nguyễn Đức Nghĩa: Anh hùng “Ba sẵn sàng”…       

Cuối 1967, VNQĐ tăng cường nhà văn Nguyễn Trọng Oánh vào. Tấn mừng lắm, mua trà thuốc ra binh trạm đón về. Sau cuộc học tập tình hình nhiệm vụ, nhận thức lịch sử sắp diễn ra sự kiện trọng đại, A.6 náo nức “xuống đường”. Minh Khoa về sở chỉ huy tiền phương. Trọng Oánh và Thanh Giang theo trung đoàn 16. Trúc Chi đi với trung đoàn 2 chủ lực Miền. Võ Trần Nhã thường trú dài hạn ở Khu 8. Trận Mậu Thân nổ ra, Thanh Giang chuyển qua trung đoàn Quyết Thắng, cùng với nhà báo Phú Bằng theo tiểu đoàn 2 Gò Môn, biệt danh “Rái nước”. Sau khi đơn vị phối hợp với trung đoàn 16 tấn công cổng số 4 Bộ tổng tham mưu địch và diệt căn cứ Cổ Loa (pháo binh), đánh thiệt hại nặng căn cứ Phù Đổng (thiết giáp), lùi ra bám trụ vùng Xóm Mới, Voi Lớn, Voi Nhỏ - Gò Vấp, chống phản kích. Bộ đội nổ súng ngoài tiền tiêu, hai nhà báo vào xóm dân “thăm hỏi”. Phần đông là dân di cư, có người phản ứng hằn học:… chúng ông đã chạy cộng sản ngoài Bắc vô đây rồi mà còn theo…Phú Bằng bèn bắc cái bàn ra sân lên đứng “diễn thuyết” với lời lẽ thấu tình đạt lý. Nhà báo cũng làm một mũi chính trị giáp công cùng quân sự khá hiệu quả. Dân nghe ra, bớt căng thẳng, giúp đỡ bộ đội. Sau đó đơn vị lùi ra trụ ở Thạnh Lộc - An Phú Đông: giải phóng đồn bót, giữ địa bàn, chịu đựng bom đạn ác liệt dài ngày. Tại đây, tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 1, tập trung tay súng được 2 đại đội thiếu, phục kích tại Cầu Đụng, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn Mỹ - sư  25 - Tia chớp nhiệt đới về cứu nguy cho Sài Gòn… Bị thua đau, quân Mỹ phản ứng nhanh lẹ, bom đạn chi tối đa, liên tục suốt ngày đêm. Cái chết diễn ra nháy mắt! Phú Bằng nói: “Chiến sĩ hy sinh là hoàn thành nhiệm vụ; mình chết, nhiệm vụ không hoàn thành!” Nóng nướng vậy nên chúng tôi thắp đèn cầy trong căn hầm nổi, ngồi khòm lưng viết bài; gần như bất chấp đạn pháo nổ ầm dùng bên ngoài, hầm chao như đưa võng. Phú Bằng viết tiếp: “Tiếng gọi ngày N”. Thanh Giang viết về một chiến sĩ mới trận đầu đánh Mỹ. Một trái đạn pháo rơi trúng nóc hầm. Trong hầm ba người chết. Phú Bằng bị thương gục lên đùi Thanh Giang. Cả hai cùng bị thương. Vết thương đổ máu lên trang viết giữa chừng. Tiếng gọi ngày N. của Phú Bằng và Người chiến sĩ mới Sài Gòn của Thanh Giang sau gởi về được báo, đài cả hai miền xử dụng. Phú Bằng bị thương lần thứ hai, gãy xương đùi mới chịu lùi ra rồi được chuyển ra Bắc điều dưỡng…

Riêng Nguyễn Ngọc Tấn viết dở dang: Ước mơ của đất, thủ trưởng không cho đi. Nhưng viết xong phần một, anh xếp lại, đi đợt hai, theo Đoàn 10, chiến đấu trên đường Minh Phụng suốt 5 ngày đêm. Khi lùi ra đến ngã ba Tham Lương, chống địch truy kích, Nguyễn Ngọc Tấn hy sinh! Tháng 4/1968, Nguyễn Trọng Oánh và Thanh Giang về tới cơ quan bấy giờ mới được tin dữ từ phân khu 2 điện về: Nguyễn Ngọc Tấn  hy sinh! Thế là sau Mậu Thân 1968, A.6 hy sinh bốn người: Họa sĩ Thu, Bé Nghiệp, Trúc Chi và Nguyễn Ngọc Tấn! Còn Thanh Giang và Võ Trần Nhã bị thương. Biết đạn bom sẽ hủy diệt, Oánh và Giang soạn trong hai thùng thiếc tư liệu của Tấn, chọn hằng chục tập ghi chép chữ lít nhít, trong đó có bản thảo 3 chương tiểu thuyết Ở xã Trung Nghĩa, truyện anh hùng Ước mơ của đất (phần một), 2 truyện ký: Cô gái đất Ba Dừa Sen trong đồng… đóng thành hai gói to, chuyển ra Hà Nội cho VNQĐ. Đó là phần lớn nội dung sau làm Tuyển tập Nguyễn Ngọc Tấn: in thành 4 cuốn, tổng cộng hơn 2.600 trang, nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1996. Nguyễn Ngọc Tấn còn gắn bó kỉ niệm với A.6 từ những ngày đầu làm tạp chí vừa góp phần xây dựng nhà in, rồi những tháng ngày đi chiến trường cùng sống chết; đậm đà tình nghĩa hơn như chuyến về Bến Tre, anh tác thành hạnh phúc cho Thanh Giang; chuyến về Mỹ Tho, lo cưới vợ cho Võ Trần Nhã. Cuộc đời anh tình duyên éo le, nên hết lòng chăm lo tình duyên đồng đội. Anh lưu lại trong lòng người một nhân cách cao quí, cùng những tác phẩm văn học sắc sảo; lưu lại tên đường Nguyễn Thi - ở quận 5 - TP.Hồ Chí Minh.

Sau đợt hai Mậu Thân, còn tiếp tục tiến công vào Sài Gòn gọi là “đợt đệm”. Thanh Giang theo các đơn vị biệt động mà chỉ lẩn quẩn ở vùng Sông Quẹo, Bò Húc, Bố Bà Tây…bám với anh hùng Nguyễn Văn Tăng, Tư lịnh phó Tư Chu và một vài nhân vật từ nội thành đột ra. Tuy nhiên, càng có điều kiện ghi nhận khá chi tiết chiến công của các đơn vị biệt động. Mở màn cho trận tập kích chiến lược lịch sử, lực lượng biệt động Sài Gòn hầu như “dốc sạch túi” và đã trả giá cực kỳ đắt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vượt thời gian qui định với các mục tiêu quan trọng như: Toà đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài phát thanh Sài Gòn… ; cùng những chiến công trước đó nữa. Nguồn xúc cảm vài chuyến đi nầy, cộng sau hiệp định Paris gặp lại những chiến sĩ biệt động được trao trả, Thanh Giang đã viết một số bút ký, truyện ngắn: Giữa lòng thành phố, Trận tấn công Toà đại sứ Mỹ, Vị tướng tiền phương, Cô Biệt động, Tiếng hát trong nhà giam, Biệt động Sài Gòn trong Mậu Thân, Một thời xuân Nguyễn Thi  nhà văn - chiến sĩ…   

*

Khi Võ Trần Nhã từ Mỹ Tho trở về, sức khỏe kém, cùng họa sĩ  Trần Dũng ra Bắc điều dưỡng. Nhìn lại tạp chí chỉ còn Trọng Oánh và Thanh Giang. Từ chiến cuộc lịch sử cực kỳ ác liệt mà rất đỗi hào hùng, Nguyễn Trọng Oánh khởi thảo tiểu thuyết Đất Trắng và cùng Thanh Giang viết một loạt bút ký và thơ, được báo chí Hà Nội xử dụng với cái mũ:“Bài từ Văn nghệ Quân giải phóng gửi ra”. Quan tâm tác giả chiến trường, Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng tập hợp in cho Thanh Giang tập truyện và ký: Giữa lòng thành phố. Trước tình trạng đã ít người lại bị thương vong, Trọng Oánh viết thư xin VNQĐ chi viện.

Nhưng A.6 cũng đã lo xa, tạo ảnh hưởng của tạp chí từ phong trào và qua các cuộc thi viết, hiệu quả hơn là lần lượt đi mở trại viết ở các cơ quan Cục Tham mưu, Cục Hậu cần và các sư đoàn; rồi mở trại viết tại A.6 hầu như liên tục. Nguồn “nhân tài” hình thành đội ngũ cầm bút từ các đơn vị cầm súng; rồi đổ đường xa đến đơn vị “xin” về. Dần dần hội tụ về mái nhà A.6 những gương mặt mới như: Trọng Ân, Doản Sáu, Văn Lê, Chí Thiện, Trần Ninh Hồ, Trần Mạnh Hảo (trường hợp Hảo ở chầu chực nài xin, rồi phải đổi người tỉnh Bình Phước mới cho). Tiếp theo, Triệu Bôn từ chiến trường đường 9 đi thẳng vào, Nam Hà từ chiến trường khu 6 về dự Đại hội Anh hùng rồi bị “bắt cóc” ở lại luôn; sau đó thâm nhập chiến trường tích lũy cho tiểu thuyết Trong vùng tam giác sắt… Họa sĩ  lần lược có: Trần Thành Công, nhà điêu khắc Đinh Rú từ đại học Mỹ thuật Hà Nội vào và Võ Xưởng, từ sư đoàn 7 về. Các họa sĩ vẽ cho báo và tạp chí, nhưng chủ yếu là đi sáng tác.

 Mái nhà A.6 ngày một thêm đông bạn viết từ các đơn vị về, “nở nồi” thành hai cụm nhà, chia hai bộ phận. Bộ phận “vòng trong” là khung tạp chí, bộ phận “vòng ngoài” là trại viết. Khá nhiều trại viên triển vọng như: Phùng Khắc Bắc, Thái Vượng, Lê Văn Vọng, Xuân An, Trùng Khánh (hy sinh), Hào Vũ, Nguyên Nam, Nguyễn Ngọc Mộc, Hoàng Đình Quang, Vũ Hòa… Thời gian nầy ở Miền còn diễn ra Đại hội Anh hùng lần nữa. Ngoài những người viết của quân đội quen biết như: Cửu Long với tùy bút dài: Anh hùng và chân lý; Xuân Huy viết về Võ Thị Huynh: Trỗi dậy; Thanh Giang viết về Nguyễn Thị Phúc: Ước mơ tuổi trẻ…, đặc biệt điều rất vui mừng là Đại hội Anh hùng lần nầy có thêm các bạn viết trẻ VNQGP như  Phùng Khắc Bắc: Một ngày giữ chốt, viết về đại đội 11 - đơn vị Anh hùng QGP (Sau khi qua đời, Phùng Khắc Bắc được giải thưởng hạng A của Hội Nhà văn Việt Nam: với tập thơ Một chấm xanh). Rồi Vũ Hoà: Một đêm trên bãi nhận hàng viết về tiểu đoàn vận tải 49 - đơn vị Anh hùng; Nguyễn Vân Anh: Người chỉ huy trẻ, viết về chiến sĩ thi đua Phan Trung Thứ; Đức Hậu: Lửa trên vai, viết về Anh hùng Phan Công Nam…và hai trường ca: Những người ở Rừng Sát của Văn Lê, viết về Đội Năm đơn vị Anh hùng và: Đôi mắt trận đánh của Trần Mạnh Hảo, viết về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn O…

Điêm danh đội ngũ cầm súng - cầm bút như trên hẳn còn thiếu sót nhiều, nếu không kể đến các tác giả của các tập sách, ngoài tập Anh hùng và chân lý, còn tạp Phá rào (truyện dự thi được giải), hai tập thơ Thơ Chiến Sĩ và tập thơ Ngày toàn thắng, ngoài ra còn rất đông cộng tác viên chí cốt của VNQGP từ số đầu tiên đến số 35 cáo chung. Vậy xin kể thêm những tên tuổi hằn trong hồi ức nhiều người, tiêu biểu như: Viễn Phương, Phùng Đình Cung, Mai Bá Thiện, Đặng Văn Nhưng, Y Phương, Mai Quỳnh Nam, Lam Giang, Thái Thăng Long, Dương Huy, Dương Trọng Chữ, Sơn Thu, Thạch Cương, Thái Dương (Khổng Minh Dụ - Bộ CA)… Phần nhiều những tên tuổi trên đây hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Làm sao có thể kể hết một đội ngũ nhà văn  một thời cầm súng - cầm bút sinh thành từ mái nhà A.6cây cột cái là Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi! Kế tục Nguyễn Thi hy sinh là Nguyễn Trọng Oánh - bút danh chiến trường: Nguyễn Thành Vân, cũng là cây cột trụ đến mút mùa thắng lợi! Anh hầu như không bận tâm: một cấp quân hàm đại úy, “ăn chịu” 9 năm chiến trường gian khổ ác liệt! Nếu Nguyễn Ngọc Tấn tài hoa nổi tiếng với tác phẩm Giải thưởng Hồ Chí Minh, thì Nguyễn Trọng Oánh ngoài tác phẩm khiêm nhường Giải thưởng Nhà nước, đặc biệt còn góp công phát hiện và đào tạo một đội ngũ nhà văn trẻ Quân giải phóng từ những đơn vị cầm súng trưởng thành.

Chiến sĩ mà phóng viên - phóng viên mà chiến sĩ, chúng tôi xông pha các chiến trường bằng đôi chân cuốc bộ sưng vù trong dép râu; từng đẫm mồ hôi, máu và cả sinh mạng trên những nẻo đường lừng danh hoang dã lạnh lùng như: Bà Rá, Bù Đốp, Mã Đà, Bà Rịa, Suối Đá, Đất Cuốc, Sình, Bà Đả, Bến Súc, Bến Cát, Củ Chi, đồng “chó ngáp”, lộ Bạc đầu, sông Giảm kỉ…; từng dự những chiến dịch Bình Giã, Đồng Xòai, Phước Long, Cần Đâm, Bàu Bàng…; 

 

từng cảm nhận tiếng hú rùng rợn của đạn pháo 203 ly làm giật thót và căng muốn đứt thần kinh trong tọa độ B.52 rải thảm mỗi phi vụ 27 chiếc theo đội hình nanh sấu! Ác liệt nhất là trận Mậu Thân, chúng tôi tung hết theo các đơn vị mũi nhọn tấn công vào Sài Gòn. Trúc Chi – theo sư đoàn 9, hy sinh sớm quá ở Củ Chi; khi đơn vị chận đánh sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới” Mỹ về cứu nguy cho Sài Gòn. Tiếc thay Trúc Chi chỉ để lại vài truyện ngắn: Má Sáu Bến Tre, Săn Mỹ…tâm huyết còn dở dang truyện anh hùng Phạm Văn Hai! Nguyễn Trọng Oánh bám trung đoàn 16 dài ngày ở vùng ven để sau có tiểu thuyết Đất Trắng dài 2 tập. Thanh Giang và nhà báo Phú Bằng theo trung đoàn Quyết Thắng, cả hai đều bị thương, sổ tay còn hoen máu đỏ…

 

Nguyễn Ngọc Tấn, cần hơi thở chiến trường, theo sát chiến sĩ, vào tận Sài Gòn, chiến đấu dài ngày trên đường Minh Phụng…Trong đội hình chiến đấu, trong tiếng đạn bom rền cả Sài Gòn, cháy bỏng lên khát vọng của người cha! Cơn hạnh ngộ cùng con gái Trang Thu của anh đã gần kề. Cái khoảng cách hằng ngàn dặm, anh đã trả giá bao nhiêu tâm lực, bao nhiêu đằng đẵng nhớ nhung, cả mồ hôi và máu để rút ngắn dần, ngắn dần và giờ đây chỉ còn vài dặm cuối. Ôi! Gần sao giữa Minh Phụng và Lê Văn  Duyệt (tức đường CMTT bây giờ), nơi cháu Trang Thu đang sống với ông bà ngoại. Thế mà…mãi mãi ngàn thu!… Anh để lại tên đường Nguyễn Thi ở quận 5 - Thành phố Hồ Chí Minh, còn hài cốt toạ lạc nơi nào!? Mẹ Thành Thị Du hồi sinh tiền từ Nam Định vượt hai ngàn cây số vào Tp. Hồ Chí Minh viếng mồ con, chỉ biết ôm bó hoa huệ đỏ đi bộ dài theo đường Minh Phụng!…

*

Trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, cả lực lượng tạp chí và trại viết, chia nhau lao theo các cánh quân…tiến vào Sài Gòn. Trưa ngày 30 tháng 4, Thanh Giang được bố trí đi cùng đội hình Cục Chính Trị Miền; hai hôm sau: 1 tháng 5 tiếp quản Tổng cục chiến tranh Chính trị ở số 2 ter Thống Nhất, qua lực lượng của Quân đoàn 2 bàn giao. Thủ trưởng Lê Thế Thưởng bận rộn bên ngoài, giao Thanh Giang canh giữ phòng làm việc của trung tướng Tổng cục trưởng Trần Văn Trung. Trong phòng nổi bật quá nhiều tặng vật của quốc tế: huân chương, huy hiệu, cờ, biểu tượng, gươm, kiếm…Nhiều nhứt là hình ảnh và sách; trong số nầy có cuốn Xương trắng Trường Sơn của Xuân Vũ (nhà văn đầu hàng giặc), với lời đề tặng trung tướng rất cung kính, sủng ái. Nhờ canh giữ  mà ngăn chặn “lính hôi của” ăn quen vô khiêng ra cái tủ sắt. Sau đó toàn thể A.6 gom về Phòng Tuyên huấn,  tiếp quản Nha tâm lý chiến ở số 2 bis Hồng Thập Tự…

Chiều ngày 2 - 5, Thanh Giang đi dự “lễ đầu hàng” của chính quyền Sài Gòn cũ với Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại dinh Độc Lập. Người ta tụ tập trước cổng dinh thiệt đông, hỏi thăm nhau về người thân của mình. Thấy Thanh Giang mặc đồ bộ đội giải phóng, đội mũ cối mới phát, bà con xáp vô hỏi thăm. Nhiều người giọng nhão ra, nghẹn ngào lau nước mắt. (Tôi đâu hay rằng, cũng vào thời điểm nầy vợ tôi cũng chạy đôn chạy đáo hỏi thăm tin tôi!). Với giấy công tác đặc biệt của Ban Quân quản tôi vào cổng dễ dàng, nhưng vào vòng trong sĩ quan gác không cho vào, lý do là các nhà báo đã vào đông quá rồi! Các báo chí ở Hà Nội, Sài Gòn và cả nước ngoài. Tôi phải uốn dẻo hồi lâu xưng danh phóng viên VNQGP (loại hiếm) mới được vào. Là người vào sau, tôi cùng xôm vô chen chúc với các nhà báo, với các ống kính, camera đặc nghẹt để nhìn cho được gian phòng họp đang dồn về một phía, chia thành hai bên đối diện: một bên là Ban Quân quản với Chủ tịch Trung tướng Trần Văn Trà, Chính ủy Võ Văn Kiệt và nhiều vị nữa…;

 

một bên là một số quan chức của Chính quyền Sài Gòn cũ do Dương Văn Minh (vị Tổng thống bảy ngày kế nhiệm Trần Văn Hương) cầm đầu. Hầu hết nhà báo đứng hẳn lên ghế nệm để bấm máy, lấn tôi thành người sau cùng; còn sau tôi bỏ trống những hàng ghế bọc da sang trọng đặt trên thảm nhung đỏ thêu bướm vàng cùng hoa văn cầu kỳ. Để nhìn thấy điều cần thấy, tôi buộc lòng làm theo họ, đứng dép râu lên nệm ghế để nhóng người lên. Bấy giờ Dương Văn Minh đang đứng, hướng mặt về phía đối diện nói những lời trịnh trọng. Ông mặc thường phục đen, sơ mi lụa ngắn tay, gương mặt hơi vuông, hồng hào, có phần tươi nhuận chân thành.

 

 Không thể nào ghi chép được gì, tôi chỉ còn nhớ ông mỗi câu, câu nói giọng tha thiết từ tấm lòng: “Năm nay tôi sáu mươi tuổi, lần đầu tiên được làm người dân tự do của một nước độc lập!”. Còn nhớ trước 30 - 4, vị tân tổng thống bảy ngày nầy từng tuyên bố trên đài: tự cho mình là thủ lĩnh Sài Gòn đầu tiên công nhận Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Viêt Nam, tuyên bố thả những người bị bắt giam vì lý do chính trị; kêu gọi các chiến hữu thực hiện nghiêm chỉnh hiệp định Paris, giữ vững trật tự an ninh…Và cuối cùng chấp nhận đầu hàng. Thành phố Sài Gòn giải phóng còn nguyên vẹn, phải chăng cũng có trọng lượng mà mềm những lời tuyên ấy!…

Tôi cảm thấy đủ vốn cho sự bon chen khiếm nhã, chẳng buồn đi theo tiếp qua các phòng bên để coi còn bàn giao gì gì nữa, tha thẩn bước ra hành lang, ngắm khuôn viên cây cảnh mỹ quan tráng lệ. Bỗng nghe tiếng ai gọi tên mình, tôi chợt ngoảnh lại. Một hạnh ngộ bất ngờ giữa chốn nầy, thời điểm “lịch sử” nầy, chúng tôi ôm nhau nghẹn ngào. Té ra là nhà báo Phú Bằng! Hai chúng tôi bá vai nhau lững thững dọc hành lang dinh Độc lập, sống dậy những kỉ niệm Xuân Mậu Thân, dưới tầm đạn bom ác liệt, chết chóc diễn ra nháy mắt, từng thắp đèn cầy viết trong hầm trú ẩn rồi pháo bắn bị thương…; sống dậy những gương mặt đồng đội nằm lại mãi mãi nơi chiến trường!…

Đột nhiên Phú Bằng dừng lại, hạ ba lô con cóc xuống, lôi ra cái gói giấy tươm tất. Tôi tưởng anh mang quà Hà Nội vào tặng tôi, hoá ra là bộ pijama màu đất đựơc xếp gọn, sạch thơm. Anh kể: “Bị nhiều trận chết hụt nữa mình mới tới trạm phẩu, rồi mổ vết thương không có thuốc tê. Sau được chuyển ra Bắc. Bộ quần áo Giang mặc cho mình sau bị thương, mình vẫn giữ. Cái quần bị rách do bị thương lần thứ hai. Về Hà Nội, vợ mình đã vá. Mình mang theo chiến dịch Hồ Chí Minh, mong gặp bạn để trả về chủ cũ!”Tôi kêu trời: “Người sống hơn đống vàng! Anh quan tâm chuyện nầy làm gì”. Phú Bằng giọng ngậm  ngùi: “Đây là vật kĩ niệm ngày cưới của bạn. Dù sao mình cũng đã về hạu phương, nhớ đến chiến trường, nhớ đến đồng đội sống chết trong nháy mắt! Thầm lo…nếu Giang cũng…thì đây coi như di vật gửi về cho vợ con! ”…Chúng tôi xúc động ôm chầm lấy nhau,  lóng cóng để rơi bộ quần áo trên sàn hành lang dinh Độc Lập.      

Những ngày vui toàn thắng, tạp chí cùng trại viết quy tụ về đóng cơ quan A.6 tại khu nhà150-158 Trần Hưng Đạo, quận nhứt, (sát khách sạn Métropole) được Sư đoàn 7 chia chiến lợi phẩm, cấu trúc hơn 30 phòng lớn nhỏ. Tại khu nhà nầy, tạp chí VNQGP số 35 ra mắt chào mừng Sài Gòn giải phóng. Đây là số Tạp chí từ nội dung phong phú, nóng sốt không khí chiến thắng, đến hình thức bề thế: khổ to, dày 150 trang giấy trắng, in hiện đại; đặc biệt phát hành với số lượng kỷ lục: 50.000 bản. Vào dịp tháng 5, kỉ niệm sinh nhựt Bác Hồ, tạp chí in lại truyện ngắn VI  HÀNH; tiếp theo trích hồi ký của Phó tư lịnh Thiếu tướng Nguyễn Thị Định. Còn hầu hết có thể từ vài tên bài văn xuôi cũng truyền cảm được cho người đọc như: Suốt đường tan hết mây mù của Duy Khán; Vào cửa Tây Thành phố của Lam Giang; Mục tiêu An Lộc của Xuân Huy; Về đến Sài Gòn của Võ Trần Nhã; Bạn chiến đấu của Trần Ninh Hồ; Nguyễn Thi - nhà văn cầm súng của Thanh Giang; hai truyện ngắn: Săp sáng của Thái Vượng và Thiềng của Hoàng Đình Quang…Về thơ nhiều bài của các tác giả quen biết như: Nguyễn Trọng Oánh, Thu Bồn, Văn Thảo Nguyên, Văn Lê, Trần Mạnh Hảo, Thái Thăng Long, Lê Văn Vọng…Và đặc biệt nhạc sĩ Xuân Hồng tặng VNQGP bản nhạc mới sáng tác còn nóng hổi: Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh!… Đây cũng là số “cáo chung”! Bởi tạp chí số 36 maket xong xuôi thì…vai trò VNQGP kế tục VNQĐ vào sâu chiến trường đã hoàn thành sứ mạng lịch sử. Kèm thêm, VNQGP xuất bản tập thơ mang tên: NGÀY TOÀN THẮNG. Đó là tên bài thơ của Minh Diện, không khí được anh mô tả:

Trăm ngả đường chảy về dinh Độc Lập
Dòng thác người cuồn cuộn cứ tràn ra…

Sau chiến dịch, về tới thành phố giải phóng, Nguyễn Trọng Oánh xúc cảm:

Tôi bị vây tròn vòng ngoài vòng trong

Cô bác nhìn tôi từ đầu đến chân

Tôi phải trả lời bằng tay, bằng mắt.

Ôi vinh quang nầy tôi hiểu chẳng riêng tôi!

… Nhà thơ Hưởng Triều với bài Toàn thắng ắt về ta viết ngày 13-4-1975, xúc cảm tiên tri lời Bác thành chiến công ngày 30- 4 -1975, tổng hòa hào khí dân tộc anh hùng:

Sài Gòn, mặt trời và người hừng hực

Nóng không gian và nóng rực trong lòng…

Ơi, Trương Định hãy về mà chứng

Giặc khốn giữa thành lá rung gió lay…

Ơi, anh Cừ, chị Minh Khai, anh Trỗi (chúng tôi tin vẫn thức)

Ơi, anh Kiểu, chị Riêng - đây phút đợi chờ

Sự thật mà- nào phải giấc mơ!…

Bấy giờ các anh VNQĐ gần đông đủ vào Sài Gòn công tác, cùng ở chung với VNQGP làm “trạm” đi về. Nguyễn Trọng Oánh nghiễm nhiên trở thành “gia chủ”. Đến bữa cơm tập trung ở nhà ăn đông vui, càng thú vị tình nghĩa:” Văn nghệ Quân đội - Văn nghệ Quân giải phóng anh em một nhà!”. Tại khu nhà nầy, Nguyễn Trọng Oánh viết xong tập Nhật Ký Chiến dịch, nhà xuất bản Văn nghệ thành phố ấn hành xong, cuối 1975 anh mới trở về VNQĐ - Hà Nội, rồi về phép Nghệ An sum họp gia đình.

*

Thời cầm súng – cầm bút!

Một thời không tiếc tuổi xanh, sống hết mình, viết hết mình vì nghiệp lớn; nghĩ rằng: chết mà chưa viết được là chưa hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên viết bất kể thời gian, bất cần điều kiện; viết dưới ánh đèn hạt đậu, viết dưới tầm bom đạn, viết trong hầm trú ẩn…và bao lần hầm sập, bị thương, máu nhuốm loang trang viết giữa chừng!… Phải chăng là một biểu trưng: trả giá máu cho từng trang viết!

Cho đến nay còn được sống, hạnh phúc biết bao được viết dưới ánh điện hòa bình!

Một thời chưa xa… Hồn văn chưa yên! Còn phưởng phất đâu đây anh linh những chân dung văn học cùng nhân cách đẹp tuyệt vời! Phưởng phất hồn thiêng đồng bào, đồng đội hằng kêu đòi được tái sinh nghệ thuật!…     

Thành phố Hồ Chí Minh mùa Thu 2004

---------------------------------------------------------

(1) - Lúc bấy giờ cấp danh còn gọi: Bộ Tư lệnh QGP Miền là Ban Quân sự R, Cục Chính trị là Phòng, Phòng…là Ban

Thanh Giang
Số lần đọc: 3089
Ngày đăng: 07.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sông Rồng lắng sóng đất Thăng Long - Thanh Giang
Đêm trăng non Gò Tháp - Thanh Giang
Mẹ tôi - Thanh Giang
Bông Huệ đỏ - Thanh Giang
Một thời để nhớ - Ngọc Thủy
Vườn chim Bạc Liêu - Phan Trung Nghĩa
Huế, đi giữa mùa hoa - Võ Quê
Về Đồng ăn tôm sú - Phan Trung Nghĩa
Miền sóng vỗ không nguôi - Hồ Tĩnh Tâm
Khách Thương Hồ - Phan Trung Nghĩa