Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
443
116.380.552
 
Người mặc áo số không
Hoàng Xuân Hoạ

Từ ngày Gã bị thải hồi khỏi cơ quan vì sử dụng bằng học giả để thăng tiến trên đường quan lộc, quanh năm tứ thời ra đường cũng như ở nhà trên người Gã lúc nào cũng độc bộ kẻ sọc đen nền trắng đã ngả màu cháo lòng in con số không ( 0 ) tròn vo trên lưng áo. Con số không ấy mang ý nghĩa gì không ai hiểu cả. Có hỏi, Gã chỉ ỡm ờ: “Trả là gì sất, đã là số không thì còn ý nghĩa gì nữa mà hỏi”! Cái đầu của Gã nữa, mùa hạ chí kỳ mùa đông lúc nào nó cũng được gọt nhẫn thín phơi ra cho nắng dãi mưa dầu không hề mũ che khăn quấn. Hai con mắt thì: bên phải to, bên trái bé. Bên to thì cố tình to thao láo, bên bé lại bé tí hỉn tí hin. Bên to hễ nhìn vào ai là nhìn soi nhìn mói làm cho người “bị” nhìn có cảm giác mình bị thiếu vải chỗ nào đó, hoặc sứt chỉ “đường tà” đâu đó. Ngược lại với bên mắt to, con mắt bé luôn hấp ha hấp háy lộn lên đảo xuống như đang tìm kiếm vật gì ở người “bị” nhìn muốn giấu giếm. Ai vô tình “chớp” thấy ánh nhìn của nó đều khó chịu, thậm chí bực mình; người yếu bóng vía đâm ra hãi đôi mắt ấy. Cái miệng nữa, môi trên môi dưới doang doãng hình loa khi rót chén rượu, và bát cơm; nó cay độc khi nói kháy nói bẩy, châm chọc, mỉa mai người Gã ghét. Tóm lại, từ đầu đến chân con người Gã hội tụ đủ một “cơ chế” vô chính phủ. Luôn mồm Gã bóng gió vu vơ một câu cửa miệng: “coi chừng đấy”. Người nhát gan nghe câu ấy lần đầu cũng thấy chờn chờn, nghe vài lần quen, thấy nhàm tai cũng hết chờn, chẳng sợ gì nữa. Mà việc gì phải chờn, phải sợ kẻ anh gần chẳng thiết lui tới, chị xa không muốn nhìn mặt như Gã. Lý do để Gã không muốn gần anh gần chị rất chi đơn giản: Gần anh sợ anh nhờ vả việc này việc nọ, gần chị sợ chị hỏi vay tiền! Với chú, bác, cô, dì trong họ nội, ngoại nói tới ai Gã cũng bảo ông này không tốt, bà kia không hay, ấy là chưa viết ra giấy trắng mực đen những điều Gã “phát ngôn” về họ, chứ Gã nói họ còn tồi tệ hơn thế; tồi tệ theo ý nghĩ của Gã. Chả là ngày xưa, thuở Gã còn hàn vi họ hàng không ai đi theo giúp đỡ, chỉ dè bỉu coi thường Gã. Từ ngày Gã tự vượt lên chính mình, có chức sắc, khá giả, giàu có Gã thâm thù tất cả, tránh xa tất cả. Duy chỉ còn người mẹ đẻ là Gã có một chút thể tình, vì dù sao thì bà cũng từng mang nặng đẻ đau ra Gã. Thỉnh thoảng đến thăm bà, Gã “làm phúc” biếu bà vài chục nghìn cho bà ăn quà sáng, mua hương hoa khi đi lễ chùa cho bà vui tuổi già. Có người thấy Gã giầu có, nhà cao cửa rộng, ngứa mồm bảo: “Sao chú không đón cụ về nuôi để cụ trông nom nhà cửa cho, ở nhà anh cả đông con cụ vất vả lắm”? Gã trả lời ráo hoảnh: - “Bà khốt không phải nhiệm vụ của con thứ chăm nuôi”(!?). Chuyện đến tai, mẹ Gã tủi thân, từ đấy cho tiền là bà vứt trả, ngày ngày bà ra ngồi ở cổng trường học gần nhà bán mẹt quà cho trẻ để lấy tiền tiêu vặt, có tiền mua yến gạo góp với anh con trai cả nghèo. Có về ở nhà Gã, suốt ngày nhà Gã cửa đóng then cài từ cửa nhà ra đến hai cánh cổng, chẳng được giao lưu chuyện trò với hàng xóm nửa câu cũng buồn nhũn tuổi già. Người già hay thích giao lưu đây đó: Trẻ vui nhà già vui chùa là thế.

 

Gã nuôi con chó Nhật Đô Li lông trắng tuyền để khi Gã đi vắng nó chơi với cô vợ trẻ làm vui. Nghe đâu Gã mua con Đô Li giá những năm triệu đồng; thời kỳ giống chó này thịnh hành bởi người ta nuôi để... chó nuôi lại mình. Đi đâu Gã cũng nắm dây xích dắt đi theo. Lúc ăn quán Gã cho con chó ngồi trên lòng dùng ngay đôi đũa vừa và phở cho mình, vừa gắp đũa bánh phở kẹp miếng thịt bò bón tận miệng con chó làm những người cùng ăn qùa sáng bất bình, vài người bực mình bỏ dở bát phở đứng dậy, trả tiền mà không ăn. Ấy là người mát tính thì thế, người bốc trực mắng vỗ vào mặt chủ quán việc “coi thường khười khác” mấy câu rồi sang quán bên gọi bát phở khác, ăn.

                                                      

*

Một bà lão trên tám mươi tuổi bán quà vặt trước cổng ngôi trường tiểu học, mấy đứa trẻ tíu tít mua kẹo bánh, trả cho bà đồng tiền kim loại mệnh giá 5 nghìn bà đang nắm trong tay lúng túng thế nào đồng xu rơi xuống đất. Giá chỗ đồng xu kia rơi vào nền đất thì đâu nên nỗi. Ông nhà nước lát gạch xi măng cho sạch hè, đẹp phố nên đồng xu rới xuống nó cứ nẩy câng câng. Nếu đồng xú rơi nằm thì đã không xảy chuyện; thổ tả nhà nó, nó đi rới nghiêng! Chính vì sự rơi nghiêng của nó làm bà lão vội vàng đứng dậy đuổi theo để nhặt. Nó lăn: bà đuổi. Nó lăn: bà đuổi... Lăn hết vỉa hè nó lăn xuống đường nhựa. Đường nhựa chỗ nó lăn hơi dốc thành thử nó lăn nhanh. Đồng xu lăn nhanh nên bà phải đuổi nhanh không sợ nó lăn mất. Năm nghìn đồng mới tinh vàng chóe của bà chứ đâu chỉ là đồng một trăm, hai trăm trắng bạc nhỏ như cái vẩy hến mua chỉ được mấy cái dây nịt đeo cổ tay trẻ con. Tiếc của nên bà cố đuổi... và bà chạy ra giữa lòng đường lúc nào không hay. Một cái ôtô vừa vượt đèn đỏ ở đầu ngã tư, người lái sợ công an đuổi, nhấn ga lao xe vun vút đúng lúc bà cụ trên hè lao ra đường. Đánh sầm một cái nó chẹt qua người bà và nó tăng tốc lượn lách bỏ nạn nhân lại chạy mất biến. Mấy anh xe ôm đợi khách gần đấy thấy vậy chạy đến đỡ bà cụ dậy đưa đi cấp cứu nhưng bà chỉ còn là mớ giẻ nát không động đậy. Nhà chức trách đến lập biên bản rồi tìm thân nhân bà cụ đến đem về nhà để làm đám ma. Trong số năm người con của bà cụ thì người con út chính là Gã chuyên mặc áo kẻ sọc mang con số không. Ba người con gái thấy người anh cả đông con, nhà lại nghèo, khi bàn việc đóng góp tiền lo liệu cho mẹ, mấy người con gái bàn: anh cả không phải góp, chỉ bốn chị em cúng mình lo. Nghe vậy, Gã bảo:

- Công nhân có tiêu chuẩn, lính tráng có xuất! Mẹ là mẹ chung, ăn cho đều chia cho sòng; anh cả được ở nhà của bố mẹ đáng ra anh ấy phải lo liệu toàn bộ mới hợp lệ, bốn chị em mình chỉ hỗ trợ phần nào thôi chứ! Biết đâu mẹ có sổ tiết kiệm, vàng, đô (đô la) nữa thì sao? Kiểm kê nơi ở của mẹ xem thử cái đã!

Mồm nói, chân bước, Gã sấn tới nơi giường nằm của mẹ lật gối, giũ tung chăn màn, lục cái hộp giấy đựng một mớ rối những quần áo bà già cũ kĩ nhàu nát, sau đó Gã lật chiếu, trông thấy gói giấy báo nhỏ, mở ra và Gã reo to:

- Sổ tiết kiệm! Sổ tiết kiệm! Đấy, em nói có sai đâu.

 Gã đọc:

- Ba mươi lăm triệu đồng..., bà già chu toàn, cẩn thận thật, biết lo trước cho mình khi chết. Hoan hô mẹ! 

 

Đám tang bà cụ chẳng người con nào phải đóng góp một xu, còn dôi ra tiền phúng viếng. Sau đó các nhà chức trách tìm ra chiếc xe ô tô gây tai nạn. Chủ xe là con một nhà giàu. Con nhà giàu nên gia đình họ tìm cách giải quyết hậu quả nhanh chóng: Lo toàn bộ chi phí đám tang bà cụ và đền cho gia đình người bị nạn một món tiền gấp mấy lần quy định của pháp luật để họ khỏi kiện cáo lôi thôi con mình; để lấy xe về cho con còn đi nhẩy đầm, đi lắc nơi quan ba nhà hàng! Cộng cả ba món: Tiền trong sổ tiết kiệm , tiền phúng viếng và tiền chủ xe gây tai nạn bồi thường thành một món cũng khá to to. Người con gái thứ hai đề nghị: 

- Số tiền này đưa anh cả gửi tiết kiệm để lấy lời cúng giỗ Tết, hương khói dần cho ông bà và bố mẹ.

Bị gã phản ứng tức thì:

- Phải chia đều, chia đều là công bằng nhất. Khi nào giỗ chạp đóng góp sau!

Nghe vậy ba người con gái và ba người con rể của cụ đề nghị không nhận phần chia bôi này. Số tiền ấy chia làm năm phần, Gã con út lấy một, còn bốn phần tập trung nơi người anh cả. Gã sống sượng, đề nghị:

- Các bà chị được mẹ thúi cho nhiều, giàu có nên giờ nhường cho cánh con trai chúng tôi chứ gì? Vậy thì chia đôi là công bằng nhất!

 

Nghe Gã nói vậy người con gái thứ hai lăn ra đất khóc rống lên, hờ mẹ:

- Ới mẹ ơi là mẹ ơi! Mẹ sống khôn chết thiêng về ngay đây chứng giám cho con, hai dì nó có được mẹ bù trì không chứ riêng con thì mẹ biết đấy, hiểu cho con đấy, từ ngày con đi lấy chồng đến giờ mỗi lần về thăm mẹ con chỉ biếu mẹ chứ chưa hề được mẹ cho đồng xu mẻ nào... Này này... chúng tôi nói cho nhà cậu biết, số tiền trong số tiết kiệm của mẹ là do ba chị em chúng tôi giấu chồng giấu con góp gửi tiết kiệm để mẹ lấy lãi hàng tháng ăn quá sáng đó, đừng có mà tưởng bở! Giờ chúng tôi thu lại. Còn số tiền phúng viếng thì gửi vào tiết kiệm để anh cả đi “trả nợ” dần người ta. Nếu chú muốn chia? Được thôi! Đang để trên ban thờ, thờ mẹ đấy vào mà cầm về cả rồi sau này đi mà đối nhân sử thế cho tử tế, đừng quên ơn những người viếng mẹ mình hôm đưa ma!  

                          

*

Chuyện có lẽ kết thúc ở đây được rồi. Nhưng chuyện về Gã mặc chiếc áo không số kia nó chưa muốn kết thúc. Bởi Gã còn một sự việc cũng khá vừa bi vừa thêm một khúc hài nữa. Con chó Đô Li của Gã bỗng nhiên lăn đùng ra chết. Xưa nay các cụ thường dạy: Chó chết là hết chuyện! Nhưng con chó của Gã chết lại vẫn còn chuyện. Chuyện thú vị là đằng khác.

Con chó chết cầm vứt ra ven đường, hay ném vào đống rác là xong. Dân bợm nhậu khi thấy nó thoi thóp hè nhau đem cắt tiết, vặt lông thui vàng băm ra bóp riềng mẻ nấu nhựa mận, mua lít rượu “chôn” vào chỗ không trời không đất cho gọn, đỡ bị ô nhiễm môi trường. Gã không làm thế, vì cái bản chất của Gã không thích giống ai ở đời. Cũng như văn chương thơ phú chẳng hạn. Văn ông này viết giống văn bà kia; thơ bà kia viết giống giọng điệu ông nọ thì có ma nó Tây đọc. Dzậy nên Gã không thể xử lí việc con chó chết bình thường được. Phải chôn cất cho tử tế, ma chay đàng hoàng như con người ta chết. Bởi con Đô Li của Gã khôn như rận, đánh hơi biết được người tốt kẻ tâm địa xấu. Một hôm có hai kẻ giả vờ đến tiếp thị hàng “cô ti lưa” để lợi dụng, nếu chủ nhà sơ hở thì chôm của. Chiếc đồng hồ đeo tay Gã vừa tháo ra để trên bờ tường cửa sổ, một thằng thao thao giới thiệu hàng tiếp thị, thằng đi theo vờ ngó xem nhà để thó chiếc đồng hồ. Con chó tinh ý, lăn xả vào cắn gấu quần kẻ đó cho tới khi hắn “tự nguyện” trả lại chiếc đồng hồ lại chỗ cũ, lúc ấy con Đô Li mới buống gấu quần hắn ra, đứng dưới cửa số gầm gừ canh chừng.

         

Muốn chôn cất con Đô Li cho tử tế thì phải có đất. Ở thành phố, tấc đất tác vàng lấy đâu ra chỗ để cho gã chôn, chẳng lẽ đem chôn vào gốc cây hè phố? Gốc cây thì nhà nước xây hè, kè gạch xung quanh để làm đẹp đường sạch phố, đào lỗ sao được mà chôn. Gã bèn tính cách ra ngoại thành mua một xuất đất tại nghĩa trang nào đó. Nghĩ sao Gã làm vậy. Tìm đến nghĩa trang làng nào hỏi mua đất, ban đầu họ cũng hồi hởi định bán cho Gã một xuất lấy tiền để xây dựng nghĩa trang cho thêm to đẹp đàng hoàng. Khi nghe thấy cái ý định của gã mua đất để chôn con chó là họ lắc đầu, không bán.

 

Chẳng lẽ tổ tiên ông bà cả làng người ta phải nằm chung với bộ xương chó?!

 

Hoang đường! 
Hoàng Xuân Hoạ
Số lần đọc: 1734
Ngày đăng: 12.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quán Café Tulip - Mang Viên Long
Những mảnh vỡ (26) - Nguyễn Thị Hậu
Trò chơi của người - Nguyễn Hiếu
Lộng giả thành chân - Vũ Anh Tuấn
Đêm và mặt trời - Phạm Phương
Cái Thẻ Xanh - Đặng Phú Phong
Dốc Đầu Lâu - Vũ Ngọc Tiến
Không Vội Vã - Ngô Văn Cư
Viết Một Chữ Tâm - Ngô Thị Ý Nhi
Hảo Mộng - Vũ Anh Tuấn