Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
744
116.542.887
 
Phan Văn Hùm & Nguyễn Trung Nguyệt” và “ Ngục Trung Ký Sự của Bảo Lương”
Thế Phong

Lời dẫn:

 

….đây là 2 bài: “(trong” Tản mạn văn chương / Thế Phong( bản thảo) , mà ” tác gia Nguyễn Q. Thắng” đã sử dụng  2 phần:” Bảo Lương Nữ sĩ..” và “ Nguyễn Đức Quỳnh”- đưa vào”Văn học miền Nam” ( tập II -Nxb VHTT, Hà Nội 2003).

 

 

Bài 1:” Xướng họa Phan văn Hùm & Nguyễn Trung Nguyệt.(*)

 

1.- Tiểu sử:

 

Phan Văn Hùm sinh 1902 ở Búng ( Lái Thiêu,  con trưởng trong một gia đình trung lưu ở Thủ Dầu Một ( tỉnh Bình Dương bây giờ). Gia đình có 3 anh  chị em: bà Phan Thị Năm, ông Phan văn Hóa, riêng  Phan Văn Hùm bị phe đối lập thủ tiêu vào năm 1948.

 

Phan Văn Hùm còn có  họ gần xa với Đồ Chiểu, nhà ái quốc, nhà thơ tiến bộ miền Nam, tác giả” Lục vân tiên “ – đã chống đối  Pháp ngay từ khi  thực dân mới đặt chân lên đất nước ta .

 

Phan văn Hùm đậu bằng Thành chung xong, ra Hà Nội theo học ngành Công chính. Tốt nghiệp, ông trở về Nam Bộ làm vườn, không ra làm việc với  chính phủ Pháp.  Năm 1929, lấy cớ là bạn Nguyễn An Ninh, thực dân bắt , giam tù ông  tại Khám lớn Saigon.  Năm 1933, ông  qua Pháp du học, theo ban triết tại đại học đường Sorbonne(Paris), v ề nước, đứng trong hàng ngũ những nhà ái quốc tranh đấu: Nguyển An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch..  đồng thời xin xuất bản báo pháp ngữ ” La lutte” và” Đồng Nai”( việt ngữ).

 

Năm 1937, ra ứng cử Hội đồng Quản hạt. ( Conseiller Colonial) .

Năm 1939 Phan Văn Hùm lại  bi vào tù, vì cho đăng một bài báo trên tờ” La lutte”.

Năm 1942 ra tù lại bị bắt giam, bị  đưa đi quản thúc tại Tân Uyên ( Biên Hòa).

 

2.- Tác phẩm:

 

Tác phẩm chính đã xuất bản: “ Biện chứng pháp”, “ Phật giáo triết học”, “ ( Nxb Tân Việt, 1940) ,” Vương dương Minh” ( Tân Việt 1944), “Ngư tiều vấn đáp” …. Và nhiều bài khảo cứu viết bằng pháp ngữ, việt ngữ giá trị đăng trên tạp chí” Tri tân”, “Thanh nghị”… ( Hà Nội ).

 

Trong tác phẩm” Ngồi tù Khám lớn” ( Nxb Bảo Tồn, Saigon 1929), lên án bọn thực dân, qua thiên hồi ký tự sự về ngày tháng bị giam cầm.  Tác giả quan niệm “vào tù” – tinh thần sẽ nát hay cứng rắn như đồng”- mượn lời Nguyễn An Ninh :” “En prison, le coeur se brise ou se bronze”.

 

Phan Văn Hùm với đường lối chính trị” tả đối lập” ở bước đầu, về sau ,tư tưởng tác giả lại  hướng về cội nguồn dựa trên lập trường dân tộc.  Ông là nhà cách mệnh, tư tưởng gia tiến bộ, giàu lòng yêu nước tìm cách  giải phóng  tố quốc thoát ách nô lệ thực dân Pháp. Tác phầm Phan Văn Hùm đều là sách giá trị, giúp ích cho chúng ta đi sâu vào các vấn đề quốc tế, quốc gia.  Ban đầu, ông tin rắng, qua đường lối” tả đối lập”  sẽ đem lại ước vọng giải phóng quốc gia. ( Biện chứng pháp ) sau lại quay về triết học Đông phương, tìm cội nguồn dân tộc để  giài thoát đất nước .( Phật giáo triết học, Vương dương Minh).  Ông là một tư tưởng gia uyên thâm, nhà cách mệnh sáng chói,  nhà văn biên khảo uyên thâm với tinh thần bác học, sát cánh TạThu Thâu, Nguyễn An Ninh .

 

3.- Thời đoạn sáng tác bài thơ” Tù Khám lớn”:

 

Năm 1929, Phan Văn Hùm bị bắt tại Bến Lức cùng Nguyễn An Ninh, sau thực dân đưa về giam tại Khám lớn. Cùng lúc ấy, một vụ án mạng xảy ra ở số nhà 7 Barbier Tân Định, ( nay là đường Thạch Thị Thanh, quận 1 – tp. HCM), nạn nhân bị ám sát , rồi bị thiêu đốt rất thảm khốc. Vụ ám sát vì lý do chính trị do chủ mưu  Nguyễn Trung Nguyệt ( trong nhóm Phan Văn Hùm) thanh trừng một đảng viên phản đảng. Trong câu chuyện vào tù Khám lớn, Phan Văn Hùm  sáng tác bài thơ Đường luật,  sau nữ chiến sĩ có phương danh Bảo Lương-Nguyễn Trung Nguyệt  có” bài  họa “ đáp lễ,

 

Bài “  xướng “:

 

“Trăng tròn” đâu sợ đám mây mù

Một bức trinh thơ giả ý ngu

Chịu tiếng lẳng lơ nhiều khuất phục

Biết mình trong sạch chẳng tâm tu

Anh hùng há luận cơn thành bại

Chí sĩ đành cam kiếp tội tù

Chỉ tiếc anh thơ công lỡ dở

Thiếu người ra chấp búa Trình- Chu.

 

PHAN VĂN HÙM.

 

Bài thơ gửi nữ chiến sĩ Nguyễn Trung Nguyệt của Phan Văn Hùm- vừa được nhắc ở trên- ở thời đoạn đó, các báo Saigon đều cho “ vụ án chính trị”, chứ không hẳn là một  “ vụ án tình” mà dư luận xôn xao- và  khởi sự từ nữ chiến sĩ Nguyễn Trung Nguyệt.

 

Phan Văn Hùm cho người đọc thấy chi tiết trong bài họa ( câu 2 + 3)- nữ chiến sĩ có sắc đẹp, dùng mỹ nhân kế hạ sát tên đảngviên phản đảng. Trước tòa án, Nguyễn Trung Nguyệt , ngoài sự  chịu đựng hình phạt án, còn gánh thêm dư luận: một người nữ có sắc đẹp giết người tình phụ bạc. Tiểu kế kia chỉ là màn che đậy đại sự ẩn chìm bên trong:

 

” một nữ chiến sĩ xử tử một đảng viên phản đảng, phản quốc, để làm gương buộc kẻ yếu hèn phải kinh khiếp”.

 

Phan Văn Hùm ca tụng Nguyễn Trung Nguyệt - môt bậc anh thơ, một trang thiếu nữ tuyệt sắc, một  người yêu nước can đảm- đúng là bậc chí sĩ khinh thường tù tội, đứng trên dư luận… tất cả chỉ để chứng minh tấm lòng một người dân yêu tự do, tranh thủ giành độc lập khi đất nước bị  nô lệ.

 

Phan Văn Hùm như còn một niềm ân hận nhỏ.. đó là nhà ái quốc kia đã tiếc thay tuổi thanh xuân một trang anh thơ sắc tài nửa đường  lỡ dở…

 

Bài thơ không chỉ đẹp lời, chau chuốt  tứ, nội dung vững vàng, tư tưởng kiên định, một lòng, một dạ chống đối chính sách thực dân- mà nhà đại ái quốc Phan Văn Hùm cảm phục, sáng tác thơ riêng tặng Bảo Lương.

 

Hiện nay, nữ chiến sĩ yêu nước ấy còn tại thế- chị Nguyễn Trung Nguyệt vào trạc khoảng  60. (năm 1959).

 

Bài” họa “Bảo  Lương đối đáp bài “ xướng”  Phan văn Hùm :

 

“ Lao lung dài chật khói mây mù

Thất bại đành cam lựa trí ngu

Cơm lức sơ sài tâm rán luyện

Áo xanh tơ tải chi công tu

Sông non ngót đã trăm năm tội

Nước lửa đành cam mấy kiếp tù!

Ánh Thái dương còn, còn ước vọng

Tre tàn măng mọc dễ gì tru !”

 

BẢO LƯƠNG- NGUYỄN TRUNG NGUYỆT.

 

Chúng tôi không nhớ đã đọc trong một cuốn sách nào -  khi một nhà văn cách mạng bàn luận về văn chương cách mạng- đại ý nói:” văn thơ cách mạng phải từ nhà làm cách mạng viết ra” mới thực sự có giá trị !.

 

André Malraux 24 tuổi, từng là cố vấn chính trị Tưởng Giới Thạch - thì Malraux mới có thể mô tả chân dung nhân vật như Tchen, Borodine, Garine-  đưa vào tiểu thuyết” La condition humaine”.( sách dịch mang tựa” Thân phận con người”). Nội dung là chính yếu, nghệ thuật viết, kỹ thuật  thứ yếu. Nếu Malraux không là cố vấn chính tri Tưởng -   hẳn sẽ không có tác phẩm ” Thân phận con người”. Tuy vậy, cuốn tiểu thuyết vẫn không bị xếp loại” dở bút pháp”-  như các nhà phê bình văn chương tây từng định giá.

 

Đó là điều tương tự vừa bàn luận, khi bình hai bài” xướng “Phan VănHùm và” họa”  Bảo Lương-Nguyễn Trung Nguyệt-  theo tôi, nội dung kiên định vững vàng ,nhưng bút pháp chưa thể coi  tuyệt hảo !.

 

Trở lại bài họa Bảo Lương- tác gỉa nói lên được ý diễn tả ở nội dung – như một nhà thơ cổ điển Pháp quan niệm: giá trị chính yếu phải kể nội dung, còn bút pháp  xếp loại “ tầm tầm” là khả thi rồi .

 

Nội dung bài họa, Nguyễn Trung Nguyệt than kiếp nô lệ, như” sông non ngót đã trăm năm tội”, “ Cái” tội” như Bảo Lương quan niệm, đó là ách thống trị tấy đầy đọa, thì đành   chấp nhận cảnh” cơm lức sơ sài tâm rán luyện”  phục thù với’ chí công tu”.

 

Nguyễn Trung Nguyệt tự khuyên bản thân nuôi ước vọng:

 

” Ánh Thái dương còn, còn ước vọng “

 

… tặng bậc anh hùng hào kiệt  đã quên thân, hy sinh đời  nhỏ bé cho chí lớn,thờ phụng tổ quốc.  Vả  hàm ý ẩn chìm dành  tặng nhà đại ái quốc  Phan Văn Hùm- nói chung, hay riêng đều được cả-  anh hùng chí lớn như ánh mặt trời,  hẳn đất trời sao có thể bị diệt vong- bởi tre tàn thì măng lại mọc:

 

“ Tre tàn măng mọc, dễ gì tru ?!”

 

…về  quan niệm người yêu nước (trước 1945),  Nguyễn Trung Nguyệt cho rằng:

“vấn đề đánh đuổi xâm lăng, giành độc lập là ưu tiên hàng đầu, tất cả còn lại  là thứ yếu. Căm thù thực dân Pháp là vấn đề chính- vấn đề hàng đầu phải đem ra thảo luận ngay trong cương lĩnh bất cứ ai được mệnh danh nhà ái quốc của bất cứ đất nước nào đang bị thống trị. “

 

Ở đất nước Trung hoa, sau thời nhà ái quốc Tôn Dật Tiên qua đời, sự tập hợp đảng phái, không phân biệt đường lối chính trị - mục tiêu chính khi ấy là đuổi Nhật khỏi bờ cõi Hoa lục. Chẳng khác gì ở nước ta – 1946 -  đuổi Pháp là mục tiêu chính được ghi  hàng đầu ở chương trình nghị sự.

 

Trở lại trường hợp Tạ Thu Thâu, Thái Văn Tam, Huỳnh Văn Phương, Phan Văn Hùm, ..- lấy” tả đối lập”  làm phương tiện muu cầu giải phóng dân tộc. Chúng tôi phỏng đoán rằng-  phải chăng những  ngày cuối cùng  - Phan văn Hùm bị rơi vào trường hợp trên- nên đưa  lý tưởng  ẩn  chìm trong văn chương- lấy dân tộc làm chủ đề- chẳng là một minh chứng cứu vãn sử dụng”  phương tiện sai” mất phương hướng “ cứu cánh dân tộc”sao ?

 

Cả đến Bảo Lương-Nguyễn Trung Nguyệt- không tránh nổi sa lầy, khi sử dụng”  phương tiện sai” – và đúng dịp một  nhà báo phỏng vấn,  chị cơ hội xả tâm sự :

-“…Anh nên biết người dân thời ấy là sống dưới chế độ nô lệ, mục phiêu tranh đấu là vận động độc lập quốc gia. Còn ra vấn đề mầu sắc chính trị, thú thật với các anh, người thành thật yêu nước không bao giờ để ý đến ( cái khác), ( cốt làm sao cho  ) nước nhà phải độc lập đã….”

 

4.- Tổng luận:

 

Nhắc lại trang oanh liệt các nhà ái quốc- nhất là bậc anh hùng sáng thế, anh thơ tiên phong- chúng tôi không bao giờ dám phán đoán” hành động, thái độ” thời gian cũ, song hành với ý niệm, nhận định ở thời gian hiện tại.  Nếu làm vậy, nào khác gì

 

” …mình hôm nay phủ nhận thơ ấu hôm qua tự kết luận giá trị hôm nay tất hơn hẳn quá khứ…”.

Song một vài ý kiến bầy tỏ trên kia- chúng tôi chỉ có ý ngoái nhìn lại kinh nghiệm người đi trước sa hầm, hố- kẻ đi sau, biết, sẽ tránh sa lầy- có vậy, mới” bon bon một đường thênh thang thẳng tới”.

 

“.. nếu một Goethe và Schille ở “ thời hoàng kim tư tưởng” (Sturm und drung)- cho rằng: “ Goethe có nổi danh hơn Schiller đi nữa- bởi Goethe dựa vào kinh nghiệm sống cùng song hành với lý luận. Còn Schiller lại chỉ hoàn toàn dựa trên nghiên cứu lý luận mà thôi !” ( Il y arrive par une seule voie spéculative”).

 

Trở lại sứ mệnh làm nhà cách mệnh, nhà văn hóa, nhà thơ Phan Văn Hùm-   tôi phải khẳng định một điều không thể khác hơn:

 

“ Phan Văn Hùm  đã góp cho văn học Việtnam ( thế kỷ XX) những trang bất tử văn chương, tư tưởng cách mệnh mẫu mực “ - .đồng hành kề cận - một Bảo Lương-Nguyễn Trung Nguyệt-   người nữ chiến sĩ có công lớn trong đời cách mạng Phan Văn Hùm, nói riêng, với lịch sử cách mệnh, nói chung, vì,một  bài thơ hay được truyền tụng, một câu thơ hay được nhắc nhở- hẳn  lớp hậu sinh không thể quên:

 

“…. Sông non ngót đã trăm năm tội

Nước lửa đành cam mấy kiếp tù

Ánh thái dương còn, còn ước vọng

Tre tàn măng mọc dễ gì tru !?”

 

BẢO LƯƠNG-NGUYỄN TRUNG NGUYỆT.

 

Sài Gòn 1959.

(* đã đăng trên tạp chí” Văn Hóa  Á Châu”, số tháng 9/ 1959 ( Chủ nhiệm: Nguyễn Đăng Thục).

 

 

 

 

Bài 2:“ NGỤC TRUNG KÝ SỰ” CỦA BẢO LƯƠNG .(* *)

 

Sau một thời gian bài” xướng, họa’ của Phan Văn Hùm & Bảo Lương-Nguyễn Trung Nguyệt đăng trên tạp chí” Văn Hóa Á Châu”- tôi gặp phóng viên Nguiễn Ngu Í, anh cho biết địa chỉ Bảo Lương-Nguyễn Trung Nguyệt.

 

Không trực tiếp gặp, tôi gửi thư, xin thêm một  ít bài thơ nữa.  Nghĩ rằng, một bài” xướng, họa”  kia, chưa có thể kết luận thi nghiệp một người. Tôi băn khoăn mãi vấn để có nên kết luận vội vàng:

“ Bảo Lương chỉ với một bài “ họa”  đã xứng danh nữ thi sĩ ?”.

Nhớ tới một nhận định phân chia ngôi vị “thi sĩ chuyên nghiệp”và như thế na2othi2 được gọi là ” nhà văn ( thơ) ngẫu nhiên ?“.

 

Émile Henriot đã từng  bàn về” nhà văn, thơ ngẫu nhiên” – ông gọi họ “écrivain occsionnel”- với dẫn chứng cụ thể, như Napoléon 1er chẳng hạn, bẩm sinh đâu có phải là thi, văn sĩ? – hoặc   tương tự như Vayban, César, De Gaulle cũng vậy .

 

… Họ sinh ra đời là nhà chính trị, quân vương, tổng thống. Rồi có người trong bọn họ tự  viết về  kinh nghiệm từng trải cuộc đời, có kẻ không viết được lại thuê “ chấp bút” - thì sản phẩm kia có đượ gọi là” tác phẩm nghệ thuật’?

 

Émile  Henrio lại đưa ra một kết luận về họ:

“… nên gọi họ “nhà văn ngẫu nhiên” -tạm dịch” écrivain occsaionnel”).

Lịch sử văn chương nước ta cũng có loại người như vậy: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, có thể trước kia là Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo vv..

Tất nhiên không thể gọi là thi nhân, văn sĩ được, bởi họ chỉ “ngẫu nhiên” mà trở thành’ nhà văn “ mà thôi.

 

Frederich Nietzsche khởi sự: một thi nhân tài tử, với tất cả nhiệt tình, sau nà bỏ dở nửa chừng, bởi không tin thơ phú có thể thay đổi được vận mệnh con người-  ông đành rứt ruột từ bỏ, quay sang triết học. Còn NguyễnTrãi, Trần Hưng Đạo… thì không phải vậy .

 

Trở lại trường hợp Bảo Lương -  xuất thân không mang cốt cách thi nhân, dầu biết “ ti toe”  xướng họa” dăm ba bài khi tuổi còn nhỏ. Bắt đầu bằng “ bài họa” Đường luật. -họa” thơ bạn của cha, lại dám cả gan sửa “ tứ, thay chữ” – không  ngờ bị phát hiện- ‘ nàng thơ tài tử” phải”  họa, lại” dịch” trực diện” bạn của cha- ông Nguyễn Văn Tòng.  Thoát hiểm” họa, ’ Bảo Lương trở thành” nhà thơ ngẫu nhiên”- khi tác giả bị  thực dân giam giữ tại Khám đường Lagrandière ( Khám Lớn)- lấy’ thi phú” làm bạn tù khuây  giải”.

 

Dưới đây trích lục in lại một số bài tiêu biểu của Bảo Lương (do tác giả cung cấp bản thảo).   cũng chẳng cần tranh cãi, vì thơ có nội dung viết về” tù” sắc nét, có cá tính độc đáo.

 

Trong thư tay đề ngày 23 / 3 / 1960, Bảo Lương gửi từ bưu cục Saigon, tác giả kể lại thuở ban đầu làm thơ “ xướng họa” ra sao? , thật là lý thú:

 

“…Tôi, Bảo Lương- Nguyễn Trung Nguyệt, con lớn của  Nguyễn  Hồng Nhơn và Đào Thị Châu. Cha tôi ( thường) hay khoe ( về ) con gái- và chính ông đã dạy tôi  làm thi. Cha tôi thường nói với bạn thân rằng:” con gái tôi biết  làm thi ( đấy) !” Khi kia, có bạn là ông Tòng đến chơi, tình cờ cầm tập” Xướng Họa Gia Thi” của cha tôi, ông tái mặt, khi thấy bài thi của ông bị sửa ba chữ. Ông hỏi, thân phụ tôi phải xin lỗi, vì( đứa) con lớn sửa ( mà) không cho ông hay! Ông Tòng không giận , nhưng ông buộc phải kêu tôi lên  (để) hỏi.  Thế là tôi bị” một cuộc cấp tốc thẩm vấn”. Ông bảo:

-Cháu sửa thi bác đó à? Nếu quả thật là cháu sửa, thì hãy họa vần, như thế mới chứng thật, và bác mới tha tội làm tàng vô lễ !

 

Cha tôi lúc ấy rất khó chiu, vì thừa biết bạn nghi cho mình  sửa. Và nếu con gái mình không họa được ngay trước sự nóng nảy này của bạn, thì cái án “ tá gà” khó mà tránh được ! Cha tôi cứ  ngó chằm chặp về phía tôi. – nhưng ông Tổ Thi cũng thương hại cho mớ tuổi xanh rờn háo thắng của tôi.

 

THI CỦA ÔNG TÒNG

 

Số mạng nơi đâu lựa phải cầu?

Vào hàng trí sĩ trí mưu sâu

Anh hùng nào nại là thời thế!

Hào kiệt toan sao tứng tóc râu

Nhân nghĩa giữa trần toan tính lấy,

Lợi danh trên thế khó chi sầu,

Nghiêng tai ướm hỏi trang hào kiệt:

Thong thả mày xanh đến đáo đầu .

 

NGUYỄN VĂN TÒNG

Tam Bình, 1925

 

HỌA

 

Số mạng không tin phải cương cấu,

Mong sao vẹn vẻ nghĩa ân sâu

Phong sương sá quản còn xanh tóc,

Cung kiếm  đừng nao dẫu bạc râu !

Non nước những toan đền quốc hận

Cầm thi tạm mượn giải tâm sầu,

Can thường theo thú an vui phận,

Món nợ nam nhi hẹn buổi đầu..!

 

NGUYỄN TRUNG NGUYỆT

Phước Long, 1925.

 

Tôi (Nguyễn Trung Nguyệt) nín thở, nghe ông bảo:

-Bác nghĩ rằng cháu họa sẵn từ lâu. Vậy đây là bài của cụ Tây Hồ, nhơn dịp cụ mới về, cháu họa đi- cụ làm từ ngày còn ở Côn Lôn.

 

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn

Lừng lẫy làm cho lở núi non

Xách búa đánh tan năm bẩy đống

Ra tay đập bể mấy trăm hòn,

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,

Mưa nắng chi sờn dạ sắt son

Những kẻ vá trời thì lỡ bước,

Gian nan nào sá sự con con !

 

PHAN TÂY HỒ  ( Côn Lôn)

 

Nhớ xưa tiền bối khổ Côn Lôn

Vì muốn đền xong nợ nước non,

Tát bể, chẳng sờn gàu nửa cánh,

Dời non , chi ngại đá muôn hòn?

Với thân, sá quản đôi còng sắt

Cùng nước, nào phải một tấm son !

Nhiệt huyết thắm tươi gan tuấn kiệt

Bại thành âu cũng chuyện con con !

 

NGUYỄN TRUNG NGUYỆT

 

Cái án” tá gà”  của cha tôi được phá, ông nở mũi, tôi vừa như trút ( được) gánh nặng; thì ông lại khoe:

-… cháu nó vừa tập” làm thi” bằng chữ Hán, trình anh xem chơi.

Thế là tôi ( lại) bị kêu lại. Ông Tòng cười, nghi( ngờ), bảo:

- Cháu làm được bằng chữ Hán, giỏi đó. Đây bác muốn cháu dịch liền, phải cho sát nghĩa, nếu không cái án” tá gà” lại lớn bằng hai.

Cha tôi lại chằm chặp ngó về phía tôi, bác muốn phá chơi ( đó thôi)!  Bác đọc một câu, rồi bắt dịch( tức thì)- nhưng tôi thì lại sợ lộn “ bằng”,” trắc”, sợ bị rầy, nên xin dịch nguyên bài :

 

 

 

tạm dịch:

 

Ngã hề vong quốc mạc tri thương?

Dĩ liệu tài năng bất tự cường,

Yên cảm hồng nhan đương phận sự

Diệc đồng xích huyết đốt quê hương

Ngoại bang khởi chí trù cơ kế

Gia nội bình tâm thị kỷ cương

Yểm lụy hàm sầu thiên kỷ ích?

Trí tri hành tại cánh lưu phương.

 

Ta sao mất nước chẳng buồn thương ?

Bởi xét tài năng chửa tự cường !

Dám tưởng má đào cam phận sự ?

Cũng liều máu đỏ đáp quê hương!

Nước ngoài chí dấy lo mưu kế

Nhà hãy an lòng vẹn kỷ cương

Nuốt lệ ngậm hờn bao giúp ích?

Làm nơi chỗ biết ngõ tìm phương.

 

NGUYỄN TRUNG NGUYỆT dịch.

 

Khi nghe xong, bác ( Tòng) kêu trời và cười ngất. Bác nói:

-“Diệc đồng” mà nó  dám dịch”  cũng liều”, “ yên cảm”  mà dịch” dám tưởng”. nhưng thôi, hãy lại  ( đây) mà viết, coi chữ” phương nào”, rồi bác sẽ tuyên bố…

Tôi biết mình sai rồi, nhưng( vẫn) lại  phải rón rén, viết chữ”phương hướng” làm cho bác cười xòa, (khiến) cha tôi ngẩn ngơ.

 

*

 

Qua bài” họa”’ Thi của ông Tòng”, người đọc nhận ra ngay lòng yêu nước nhiệt thành, chí khí đầy kiêu hãnh của Bảo Lương- Chỉ là một người nữ, dám bỏ nhà, cha mẹ, an chị em nhập lực lượng cách mạng, chống đối thực dân Pháp, mọi người thán phục ! :

 

Nghiêng tai ướm hỏi trang hào kiệt ?

Món nợ nam nhi hẹn buổi đầu!

 

Song, chỉ ở một khía cạnh nào đó, dầu tinh hoa mấy, vẫn chưa thể gọi là” thi nhân” đúng nghĩa” thi nhân”.  Rất  sẵn sàng nghiêng mình kính cẩn gương anh dũng giành độc lập cho xứ sở. Ai từng đọc qua đời tranh đấu Nguyễn An Ninh, Phan văn Hùm-  hẳn không dễ quên cách ứng xử kiêu hãnh của họ -   trí thức tốt nghiệp đại học mẫu quốc, từ bỏ bổng lộc, lương cao  công việc tốt, không ham danh, chức tước- lao vào con đường tranh đấu cam go- cùng đường thì có lúc  anh hùng Nguyễn An Ninh cũng phải đi dạo bán dầu cù- là độ nhật .

 

Chúng tôi giới thiệu “ Ngục trung ký sự” của Bảo Lương- Nguyễn Trung Nguyệt- tập thơ nữ chiến sĩ rất can đảm,anh hùng”-“ làm thi “  không phải” mang nghiệp vào thân”mà ghi chép điều cảm được, nhìn thấy, bất bình trước guồng máy thực dân đàn áp, từ nhỡn quan một dân bị bảo hộ, trở thành chiến sĩ làm cách mệnh có  một không hai :  Bảo Lương- NguyễnTrung Nguyệt.

 

Trích thơ:

 

I.-  CHẾ ĐỘ LỬA

 

Chế độ” cặp rằng” quá nghiệt cay !

Xét người bóc lột đã quen tay

Lính vừa quay gót đà vơ vét

Cạy cả răng vàng, cả móc tai.

 

Đám bóp, thói quen của” cặp rằng”

Em nuôi mấy đứa chạy lăng xăng

Đứa lo nấu nướng, lo mền chiếu

Đứa lại quạt hầu, đứa xếp khăn.

 

Đánh chẳng ra tiền chẳng chịu thôi

S ống trên cái chết đã quen rồi !

Kiếp tù nhận lấy muôn vàn khổ

Khổ với” cặp rằng” dám hở môi ?

 

Không  tiền, lột áo đứng giang tay

Trông tựa cánh chim, ngặt khó bay !

Liệng’ đạn ca” thì rơi loảng xoảng

Kẻ cười ngặt nghẽo,  kẻ chau mày !

 

Đồ thăm, lễ vật, phải dâng lên

Cọp mẹ, cọp con, đủ bốn bên

Dư lại, dành phần cho cop” mén”,

Uổng công cha mẹ chạy tiền đem!

 

Cọp chẳng sợ gì Khám Lớn đâu

Uống ăn quần áo đủ nhu cầu,

Bạc vang bóc lột thêm đấy túi

Khỏi mất tiền thuê có kẻ hầu!

 

Thực dân biết rõ “ lăng nhăng”

Song vẫn  làm ngơ để” cặp rằng”

Lợi dụng khiến sai, cùng dọ dẫm

Rập rình dò bẫy, hết lòng săn

 

Xã hội gom tròn một khám vuông

Người hiền bị dữ hiếp luôn luôn

Chán tai đua lẻo, lời đanh đá

Ở lộn ăn chung đã nhão  tuồng.

 

Mỗi người mỗi ý chẳng nhường ai

Sớm thượng chân, chiều lại hạ tay

Nghinh ngó khác chi gà cáp độ

Một phen đối chọi một chua cay.

 

*

Gà cùng một mẹ không thương

Cựa so cho bén vết thương cho dài

Tại mình nào có trách ai

Trách ai ? Nhưng bởi mình sai mới là !

Người tham dục lợi chọi gà,

Gà ham cao thấp mới là đá nhau

Sắm tuồng, bôi mắt,cắt mao

Lông da chưa lột lẽ nào lại quên ?

Thực dân thủ đoạn đảo điên

Dẻo dai, mềm cứng, lợi quyền cho mê

Mê mỏi, đáng trách, đáng chê

Mà người câu nhử gớm ghê bội phần! .

 

*

Tám chục năm trường kết quả đây

Lầm than, thất lộc, cảnh tù đầy

Đáp ơn, giết bố, kìa con thảo

Báo nghĩa, lừa chồng, nọ vợ ngay

Đùm bọc nỏ cần, như khác giống

Hành hà chẳng tiếc, sá chung loài

“ Ngu dân” chánh sách, đà phơi tỏ

Lửa chẳng qua cho, dối đặng  ai ?

 

Khám Lớn  Saigon 1931-1932

 

 

2.- MƯA ĐÊM.

 

( ký ức một nữ tù nhân của thời thực dân-

trong khám đường Lagrandière cũ.)

 

Ngoài tường kín mưa sa lác đác…

Gió reo buồn xào xạc cành me

Dư âm đưa đến người nghe

Càng gieo nặng giọt, càng se cuộn lòng.

 

Ngoài tường kín mưa sa lác đác…

Lặng nhìn nhau, phờ phạc như nhau !

Chẳng ai nói với ai nào !

Cảnh chua xót quá, lời nào cho cân !

 

Ngoài tường kín mưa sa lác đác…

Tưởng nỗi niềm tạm gác đã yên

Do đâu cảnh lại trêu phiền

Cuốn phim dĩ vãng bỗng liền hiện ra.

 

Ngoài tường kín mưa sa lác đác…

Nhớ mẹ cha tuổi tác đã cao

Bấy lâu ấm lạnh thế nào ?

Khỏi cơn gió dữ mưa rào hay không ?

 

Ngoài tường kín mưa sa lác đác…

Đàn em thơ ngơ ngác dường nào !

Có nên má phấn môi đào ?

Có nên gia thất mụn nào hay chưa ?

 

Ngoài tường kín mưa sa lác đác…

Nhớ lại người lưu lạc phương xa

Ra thân” yêu nước’ tội à?

Đầu xanh chân yếu dễ mà sống ra !

 

Ngoài tường kín mưa sa lác đác…

Chốn bể trời tù rạc ra sao ?

Hẳn đang thử thách anh hào,

Mò trai, đập đá, tay nào chẳng kinh !

 

Ngoài tường kín mưa sa lác đác…

Thương quê hương tan nát lòng sôi !

Thương cho đầu bạc con côi !

Già đau, trẻ đói, khúc nôi não nề !

 

Ngoài tường kín mưa sa lác đác…

Trông trẻ thơ nhớn nhác càng thương,

Mịt mờ u ám thê lương,

Chút thân bé bỏng tai ương chẳng từ !

 

Ngoài tường kín mưa sa lác đác…

Mỗi giọt sầu mỗi nát lòng thêm.

Lạ lùng cho cái mưa đêm,

Nhắc người không xót nỗi niềm gần xa.

 

Ngoài tường kín mưa sa lác đác…

Một đời tù đã nát vàng tan

Tương lai mong một huy hòang,

Nghìn thu giống Việt ngang tàng nhượng ai ?

 

Khám Lớn 1931-1932.

 

3.- BÀNG HOÀNG.

 

Mây nước bên tường chảy róc re

Thèm thuồng cố chịu, lắng tai nghe…

Thua à ? Sống mãi trong nồng nực

Mấy tiết mùa qua, cũng tưởng hè!

 

Bịnh hoạn lan tràn, tội trẻ con,

Chạnh nhìn luống xót những mầm non,

Nghĩ mình lận đận thân tù tội

Thương để mà… thương, để héo hon…

 

Tiếng trống lầu chuông đã đổ canh,

Lính hô vang tiếng bốn bên thành.

Đế giầy sát gạch nghe kinh khiếp

Chìa khóa “ Âm ty” mỗi khúc nhanh .

 

Bên tường bỗng tiếng reo liên thanh

Ơi hỡi ! chú cai, mở cửa nhanh !

Con bé làm kinh đà lạnh ngắt .

Mở lòng sinh phúc, ác sao đành !

 

Chưa rồi lại tiếng réo bên này !

Sản phu lâm bồn đến lúc đây,

Xéo véo xăn văn lui lại tới,

Chị em sốt ruột đứng bao vây.

 

Đưa uống” cabanon” tạm ở yên,

Đỡ giùm nên tớ phải làm liền

Sương đêm mát mẻ đầy trăng sáng,

Đời chốn lao lung, một phút tiên !

 

Trong vắt trời khuya đẹp tự nhiên,

Ngân giang sông bạc. Thực, hay huyền ?

Một luồng gió thoảng vừa bay bụi

Nửa cánh trăng liềm, đủ rọi duyên.

 

Hoa nở đầy sân, đầy uất hận,

Đá xây mấy cấp, mấy ưu phiền !

Cảnh dù luyến khách, ta đâu hưởng !

Ôi ! khóa xuân xanh chí chưa tuyền !

 

*

Nỗi người đau đớn chưa yên,

Nỗi mình đau đớn dần khuyên vơi mình,

Non sông nhớ cảnh hữu tình

Đồng tâm nhớ đến bạn mình lại thương.

Hãi hùng trước nỗi tai ương,

Song thân có bớt buồn thương chăng là !

Thu về, gió vút mưa sa !

Hỡi đoàn chim Nhạn biết là có an ?

 

Còn đây nặng mối sầu mang,

Mây bay ước nguyện, mước tràn công linh !

Đành cam sống kiếp hư sinh

Đói, cơm gạo lức, lạnh, mình áo xanh !

Vào ra mấy thước loanh quanh

Óc moi đã nát, tơ mành chừa ra !

Tạm quên ! Thôi cũng là nhà !

Tâm can xưa ấy, xương da cũ này !

Sắt mòn một mảnh trơ tay,

Gắng công mài giũa ắt ngày được dao.

Đã thân thử thách ba đào,

Đã mình trong cái gian lao của đời !

Bể sầu sâu thẳm dễ vơi!

Non sầu cao vọi, liệu đời có tha ?

Đã đi, đi trót đây mà !

 

KHÁM LỚN Saigon 1931-1938  .

BẢO LƯƠNG –NGUYỄN  TRUNG NGUYỆT.

 

(trong NGỤC TRUNG BÚT KÝ  của  Bảo Lương-NGUYỄN TRUNG NGUYỆT -  bản thảo ).

 

( trích “ TẢN MẠN VĂN CHƯƠNG” – ( tiểu luận- viết từ 1952 đến 1975 –bản thảo chưa in) .

Thế Phong
Số lần đọc: 3202
Ngày đăng: 19.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Buồn Quá! - Hôm Nay Xem Tiểu Thuyết! - Nguyễn Trọng Bình
Trần Đỗ Liêm- Khắc Khoải Hồn Quê - Ngô Minh
Nếu Ai Muốn Biết Hơn Về Ông Lão Gần 80 Tuổi… - Thế Phong
Nhà văn Kinh Dương Vương nói về vụ phim “Đường kiến”: Tôi tin theo chiều hướng tích cực với lời giải thích của đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa - Nhiều Tác Giả
Vài Suy Nghĩ Về Đám Tang Cố Học Giả Nhà Thơ Phạm Công Thiện - Quỳnh Thi
90% Thanh Niên Nông Thôn Quê Tôi Không Biết Làm Nghề Nông - Hoàng Trọng Muôn
Ra mắt tuyển tập kỷ niệm 10 năm ngày mất Trịnh Công Sơn - ánh nến và bạn bè - Nhiều Tác Giả
Một Câu Hỏi Lớn Không Lời Đáp? - Hoàng Hưng
Bài Phát Biểu Tại Lễ Nhận Giải Của Quỹ Giải Thưởng Phan Châu Trinh - Lại Nguyên Ân
‘Đường kiến’ - phim ngắn đoạt Cánh Diều Bạc là tác phẩm ăn cắp nội dung và tên truyện. - Nhiều Tác Giả