Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
490
116.587.479
 
Dưới chân con là đất mẹ
Trầm Hương

Khi con tròn một tuổi, mẹ đưa con về thăm quê ngoại. Ngõ vào nhà ngoại phủ rợp tàng vú sữa, tỏa hương thơm dìu dịu, ngọt ngào. Ngày xưa, ngõ vào nhà ngoại rộng hơn bây giờ. Nhận thức ấy có lẽ một phần do cảm giác của mẹ. Khi người ta lớn lên, như cánh chim tung bay vào vòm trời cao rộng, thảng hoặc trở về chốn xưa, thấy cái gì của làng quê cũng nhỏ hơn thời thơ ấu. Con sông trước nhà nhỏ hơn, ngõ vào nhà hẹp hơn, cây cổ thụ, đình làng cũng nhỏ hơn... Người sinh đất không sinh, đường đi cứ bị lấn dần và trở nên nhỏ hẹp. Bốn bánh chiếc xe con trượt trên cát... Thế là mẹ bế con đi bộ vào nhà. Mọi người mừng rỡ, chạy ào ra đón mẹ và con. Trong số đó có những người anh, người chị họ ngoại trạc tuổi con, lớn hơn con đôi chút đang chơi trò nhà chòi, bán tiệm cũng bỏ tất cả đón con. “Em bé, em bé kìa!”. Các anh chị của con reo lên. Con mở to mắt nhìn. Sau phút bỡ ngỡ, làm mặt lạ với mọi người con trở nên thích thú, hòa đồng nhanh vào lũ trẻ. Con không cho mẹ bế nữa, trằn xuống, đòi đi. Một tuổi, con vừa mới tập đi. Những bước chân của con lần đầu tiên chạm vào đất...

 

Con gái yêu, đây là lần đầu tiên con đặt chân lên Đất Mẹ. Điều đó làm cho mẹ vô cùng xúc động. Nhìn thấy đôi bàn chân trắng hồng, bé bé, xinh xinh của con lần đầu tiên chạm trên mảnh đất quê hương, nước mắt mẹ trào ra vì vui sướng. Vậy là con đã trở về với cội nguồn sâu thẳm nhứt. Lớn lên rồi con sẽ hiểu vì sao ĐẤT liền với MẸ. Đất là điểm tựa, đất che chở, cưu mang nhân loại này. Mẹ cũng đã được xuất phát, khởi đầu từ đất, cũng như mẹ đã cưu mang con. Thật kỳ diệu, khi một năm chín tháng trước đây, con chỉ là một cái trứng bé xíu, bé đến nỗi mắt thường không nhìn thấy được. Cái trứng ấy bám vào lòng mẹ, được bọc trong nhau mẹ mà lớn lên. Mẹ đã nhìn thấy trái tim bé xíu của con trên màn hình siêu âm. Và lúc đó, nước mắt mẹ cũng trào ra vì vui sướng như lần đầu tiên mẹ nhìn thấy đôi bàn chân non của con dẫm trên mảnh đất quê hương. Nào phải đâu mẹ chỉ mang thai con mà mẹ đang cưu mang con, cưu mang một mầm sống, một sinh linh với trái tim, tâm hồn đang nảy sinh, lớn dần lên từ mẹ. Rồi trải qua những cơn đau đớn quằn quại lúc chuyển dạ, đau đến tận cùng máu thịt, con được sinh ra. Tiếng khóc chào đời của con diễn ra cùng lúc với nụ cười vui sướng, mãn nguyện nở trên gương mặt xanh xao, đẫm mồ hôi và nước mắt của mẹ.

 

 Đau đớn, khó nhọc vì được cưu mang khiến mẹ hạnh phúc. Mẹ thấy mình hạnh phúc hơn những bà mẹ sinh con mà không phải trải qua đau đớn đến tận cùng nhờ được can thiệp bằng phẫu thuật. Con là tác phẩm của mẹ. Tác phẩm nào ra đời cũng qua quá trình thai nghén. Nhưng những tác phẩm mẹ viết, đứa con tinh thần còn có hạn định để mang thai và sinh nở. Còn con, con là tác phẩm mẹ đi theo suốt cuộc đời, không ngừng khổ công để sáng tạo và hoàn thiện. Mẹ cưu mang con đã đau đớn và khó nhọc như vậy, huống chi đất đã cưu mang lớp lớp kiếp người, sông ngòi, biển cả, núi non, cây cối, chim muông... Đất âm thầm chịu đựng. Đất hy sinh để cưu mang. Đất cưu mang cả sự sáng tạo. Một trong những bài thơ đầu tay mẹ viết là sự lặng lẽ đầy hùng biện của đất, sự trỗi dậy của cây:

 

“Cho tôi được hôn Người, hỡi đất thân yêu!

Người chẳng nói năng những điều rồ dại

Cũng chẳng bĩu môi khinh thường phù phiếm

Người bao dung nâng đỡ mọi kiếp người

 

 

Và cho tôi xin được ngưỡng vọng Người

Loài dây leo hay cao tầng đại thụ

Người trả lời bằng màu xanh dung dị

Hóa thân từ hơi thở đất đai

 

Mặc những triều đại đi qua

Những hứa hẹn con người

Không nói được nên hát cùng với gió

Mặc gió mưa Người lớn lên lầm lẫm

Đất cùng Người quyện chặt những buồn vui

 

Và còn có thêm những bàn tay

Vỗ về đất, lỗ loang mặt đất

Người đau ư, vẫn cam lòng chịu đựng

Phải chăng Người hiểu được linh hồn từ những vết tay chai”.

 

 

 Con yêu, mẹ vô cùng xúc động khi những bước chân đầu tiên của con được đất mẹ nâng đỡ. Chân tựa vào đất, con sẽ cảm thấy vững vàng. Con ngã rồi sẽ đứng dậy bước đi, hãy kiên nhẫn. Và đừng sợ, đất không làm đau con đâu! Những bước chân đầu tiên của con vậy là đã trở về nguồi cội.

 

Khi mới sinh ra, con là một hài nhi bé nhỏ, mong manh, yếu ớt. Con được bọc trong tả lót, chăn êm nệm ấm, được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Con sống trong căn hộ trên tầng cao của một chung cư, chung quanh bị vây bủa, đóng kín bởi những căn phòng hình hộp. Căn phòng hình hộp nào cũng giống nhau, cũng được cấu tạo bằng những khối bê tông sắt thép. Sàn nhà bằng đá hoa sạch và lạnh lẽo. Vì vậy, con chưa từng được dẫm chân lên đất. Nhưng con yêu, nếu mẹ không đưa con về quê ngoại, con sẽ không hiểu thế nào là câu thành ngữ “Nơi chôn nhau cắt rún”.

 

Khi mẹ được sinh ra, bà ngoại đã chôn lá nhau và cuống rún mẹ dưới một tàng cây mát mẻ. Bà ngoại con tin tưởng làm như thế mẹ sẽ lớn lên yên bình, sẽ thông minh, sống có trước có sau, biết gốc ngọn và chung thủy... Nơi chôn nhau cắt rún là nguyên quán, là quê hương, là đất mẹ. Mẹ sinh ra con trong một bệnh viện của một thành phố nhà cửa san sát. Thời đại công nghiệp, không ai nghĩ đến việc chôn nhau và cuống rún vào mảnh đất đã được sinh ra. Mà có muốn cũng không tìm đâu ra mảnh đất, khi ngôi nhà mẹ sống trên tầng cao của một chung cư được cấu tạo bằng xi măng sắt thép.

 

Con yêu, cuộc sống con sẽ nghèo nàn biết bao nếu như con chưa từng biết cảm giác của bàn chân trần chạm trên đất mẹ, con không hề biết quê hương, nguồn cội của mình. Cuộc sống con sẽ vô cùng nghèo nàn, đơn điệu nếu như chưa bao giờ con nhìn thấy những hạt mưa thấm vào đất sau cơn nắng hạn, con chưa bao giờ nhìn thấy những con bọ rầy từ đất chui lên và sự sống chuyển mình, nảy sinh từ những hạt mầm trong đất đang tách vỏ. Con yêu, bước khởi đầu của con người phải bám chặt vào đất. Bước trên đất, con sẽ thấy ấm áp, vững vàng. Đôi bàn chân trắng hồng, bé bé, xinh xinh của con đang dẫm trên đất lần đầu tiên. Vâng, lần đầu tiên. Điều bé nhỏ ấy làm cho mẹ vô cùng xúc động. Con đang lẫm chẫm bước đi trên mảnh đất chôn nhau cắt rún của mẹ, nơi con đường thời thơ bé mẹ lẫm chẫm bước đi, nơi ngày xưa bà ngoại con chân trần trong bộ quần áo cô dâu bước về nhà một con người xa lạ, gánh lấy giang sơn nhà chồng. Bà ngoại con đã sinh ra mẹ. Mẹ đã sinh ra con. Và hôm nay, đôi bàn chân non của con đã trở về nguồn cội. ĐẤT MẸ là thế đấy, con gái thân yêu của mẹ!

Trầm Hương
Số lần đọc: 2719
Ngày đăng: 08.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xuất xứ - Phạm Lưu Vũ
Những giấc mơ không có - Thăng Trầm
Thư đi thư lại - Trần Kim Trắc
Nhà hiền triết - Trần Kim Trắc
Người dưng khác xứ - Kim Quyên
Sóng ngầm - Kim Quyên
Đêm Noen - Hồ Tĩnh Tâm
Vi rút rừng xuân - Hồ Tĩnh Tâm
Dãi dầu mặn ngọt vùng sâu - Nguyễn Thanh
Đồng đất thở dài - Nguyễn Thanh