Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
541
116.490.865
 
Trung Đội Hay Nỗi Ám Ảnh Của Người Mỹ
Sâm Thương

Từ đầu chiến tranh, cuộc chiến tranh Việt Nam đã trở thành một đề tài kiêng kỵ đối với các nhà văn, các nhà điện ảnh Mỹ. Đó là một biến cố quá bi thảm, một nỗi kinh hoàng mà như không mấy người muốn nhìn thẳng vào, như một vết đau mà người Mỹ không muốn chạm tới. Nói như thế không có nghĩa là sau ngày 30/4 không có bộ phim nào đề cập tới đề tài này. Đó là những phim như Tài xế taxi (Taxi driver, 1976), Sấm rền (Rolling thunder, 1977), Những anh hùng (Heroes, 1977), Người săn nai (Deer Hunter, 1978), Trở về nhà (Coming home, 1978) và Ngày tận thế (Apocalypse now, 1979) v.v... Đặc biệt, với Ngày tận thế của Franeis F.Coppola được dự định trước như một cuộc mở đường cho sự kiện Việt Nam trên màn ảnh thế giới. Để rồi, mãi cho đến những năm gần đây có hiện tượng phim ảnh và sách báo nói về Việt Nam nối tiếp nhau xuất hiện như một trào lưu, hình như muốn đặt để người xem trước câu hỏi: Cuộc chiến này có ý nghĩa gì? Nhằm mục đích nào? Bộ phim Trung đội (Platoon, 1986) của Oliver Stone được thực hiện trong hướng đó.

 

Phim Trung đội được mở đầu bằng trường đoạn một chiếc máy bay vận tải C130 chở một đám cherries (tiếng nóng chỉ tân binh Mỹ) tới một chiến trường miền Nam gần biên giới Campuchia, và mang đi những bọc plastic đựng xác lính Mỹ tử trận. Trong số những tân binh đó có Chris Taylor (do Charlie Sheen, con trai của diễn viên Martin Sheen đóng).

 

Chris vừa đúng 19 tuổi, xuất thân từ một gia đình giàu có, tình nguyện nhập ngũ với tâm trạng đầy phẫn khích, dào dạt tinh thần phụng sự Tổ quốc như trong lá thư Chris gửi về Mỹ cho bà nội, hứa “cố gắng noi gương ông nội trong thế chiến thứ nhất, và gương cha trong thế chiến thứ hai”. Nhưng không bao lâu khi đặt chân tới miền Nam Việt Nam, tiếp cận với cuộc chiến, với chính những đồng đội của mình. Tư tưởng của Chris bắt đầu sụp đổ dần.

 

Từ đó Chris trở lên thụ động, bị đày đọa, bị chế nhạo và xâu xé bởi hai nhóm, đại diện cho hai luồng suy nghĩ đối nghịch nhau tập trung quanh hai thượng sĩ chỉ huy là Barnes mặt thẹo (do Tom Berenger đóng) một kẻ độc ác, tàn bạo, giết người không gớm tay và đã thoát chết nhiều lần; và Elias (do Willem Defoe đóng) đại diện cho những con người còn có lương tri và tình người, và còn giữ được lòng tin nơi binh lính thuộc quyền. Hai nhân vật này xung đột nhau trong một tình huống đặc biệt: Cả trung đội lính Mỹ vào một làng Việt Nam và thảm sát dân làng vô tội, khi có một lính Mỹ trong đơn vị bị du kích giết chết. Cuộc xung đột cá nhân giữa hai cá tính, hai con người đó đã lên tới cao điểm khi Elias ngăn chặn binh lính không được chém giết và đốt phá bừa bãi, và nhất là khi Elias bắt gặp quả tang Barnes đang hãm hiếp một em gái Việt Nam. Sợ bị Elias tố cáo. Barnes dựng nguyên một màn kịch hiểm độc nhằm đưa Elias vào tình trạng phản bội để rồi lạnh lùng bắn chết người đồng đội, đồng hương của hắn.

 

Chris Taylor ngày càng nhận rõ được bộ mặt thú tính của người chỉ huy mình là Barnes. Sau một trận đánh khốc liệt, đơn vị của Chris bị thương vong khá nặng nề, bản thân anh và Barnes cũng bị thương, Chris đã dùng súng kết liễu cuộc đời Barnes sau khi bị hắn giết hụt.

 

Sau hai năm tham chiến với nhiều vết thương trên thể xác cũng như trong tâm hồn. Chris đã quay trở về Mỹ làm lại từ đầu với phần thời gian còn lại trong cuộc đời. Ngồi trên máy bay từ giã khói lửa chiến tranh, Chris không khỏi ngậm ngùi tự nhủ: “Những ai trong số chúng tôi đã gây ra cuộc chiến tranh tàn phá này phải có trách nhiệm xây dựng lại và phải có nghĩa vụ chỉ cho những người khác về những gì mà chúng tôi đã biết rõ về cuộc chiến tranh. Bằng những gì còn lại trong cuộc đời, chúng tôi phải tìm ra điều tốt lành và ý nghĩa cho cuộc sống”.

 

 

Có lẽ giữa nhân vật Chris Taylor và bản thân đạo diễn Olover Stone trong cuộc đời không khác xa nhau bao nhiêu. Năm 1965, khi chiến tranh Việt Nam thực sự leo thang, trong hàng triệu lính Mỹ ồ ạt đổ vào Việt Nam có Oliver Stone, lúc đó cũng 19 tuổi. Stone được thuyên chuyển đến trung đội 2, đại đội Bravo, trung đoàn 3, sư đoàn 5 bộ binh. Stone đã hai lần bị thương và hai lần được tặng thưởng huy chương. Anh đã thực sự tham dự vào cuộc chiến tranh, và những gì anh đã chứng kiến trong hai năm tại đây đủ cho anh hiểu rõ bộ mặt thật của cuộc chiến tranh đó.

 

Sau khi mãn hạn quân dịch, Stone hồi hương, trở thành một người phản chiến, và ghi tên theo học ở Trường Đại học Yale, và Đại học Điện ảnh tư tại New York. Anh chọn lựa con đường đi đến với điện ảnh, và coi đó là cách thể hiện ý nghĩa làm người của anh.

 

Với tư cách một nhà văn, Oliver Stone đã viết Tên Conan man rợ (Conan The barbarriau), Bàn tay  (The hand), Tên mặt thẹo (Scarface), Năm Thìn (Year of The Dragon), Chuyến tàu tốc hành nửa đêm (Midnight express) với tác phẩm này Stone đã được trao tặng giải Oscar 1978 dành cho kịch bản xuất sắc nhất. Tiếp đó, với Salvador Chiến trường địa ngục hay Trung đội.

Với Trung đội, Oliver Stone đã được trao giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất năm 1987 của Hội những người làm công tác Đạo diễn điện ảnh Mỹ, rồi cũng chính bộ phim này Stone đã được tặng 4 Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ 1987 (Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Ráp nối xuất sắc nhất và Âm thanh hay nhất) và Con gấu bạc tại Liên hoan phim Berlin 1987.

 

Như đã trình bày ở trên, chiến tranh Việt Nam là một đề tài kiêng kỵ đối với các nhà văn và các nhà điện ảnh Mỹ, có lẽ người ta không thể khai thác những tội lỗi và những hối tiếc của một quốc gia. Hơn nữa, đối với những nhà doanh nghiệp điện ảnh Mỹ làm sao có thể tưởng tượng nổi chuyện kiếm chác từng đồng xu nhỏ từ một sự đối địch mà tối này sang tối khác tất cả người dân Mỹ đều theo dõi trên màn ảnh vô tuyến truyền hình? Nhưng Francis F. Coppola là trường hợp ngoại lệ, với lương tri của một trí thức, ông đã buộc mọi người nhìn lại cái quá khứ của chính mình. Bộ phim Ngày tận thếmột dẫn chứng về trò hư ảo của cuộc chiến tranh, trong đó bộ máy kỹ thuật quỷ quyệt nhất được có cơ hội phát huy để đối phó với những người nông dân bình thường. (F.F. Coppola, dẫn lại của Catherine Laporte, L`Express 8-5-1978). Hay nói một cách khác Ngày tận thế là bộ phim về đạo đức Anh (F.F. Coppola, Cahiers Du Cinema 4-1982).

 

 

Không như F.F. Coppola, cái nhìn của một người chứng là Oliver Stone có khác. Oliver Stone không có tham vọng giải thích chiến tranh Việt Nam như bộ phim nhiều tập: Chiến tranh Việt Nam: Thiên sử Truyền hình của Stanley Karnow. Stone chỉ muốn làm sống lại một cách trung thực những gì người lính Mỹ đã trải qua ngoài mặt trận, những gì họ làm, những gì họ nghĩ và chiến tranh đã biến đổi họ như thế nào. Trung đội là kinh nghiệm của bản thân Stone, hoặc rút ra từ những lời khai của các cựu binh Mỹ đã được xuất bản thành sách như Cuộc điều trần các lính mùa đông (1971) của Murray Polner, Máu huyết: Cuộc chiến tranh Việt Nam qua lời người lính da đen (1984) của Wailace Terry v.v…

 

Thật vậy, năm 1976, Stone đã viết một vở kịch miêu tả những đồng đội và cuộc chiến tranh mà anh tham chiến. Đến năm 1986, mười năm sau, anh đã chuyển vở kịch đó thành truyện phim. Đối với Stone, thực hiện Trung đội là nhằm xây dựng một tài liệu sống về một khoảng thời gian và không gian có thực, tạo ra một thực tế của cuộc chiến tranh Việt Nam để cho những người Mỹ không tham chiến hoặc trưởng thành sau khi chiến tranh đó đã kết thúc biết được những gì đã xảy ra ở Việt Nam như thế nào. Stone còn cho rằng:Ngoài ý nghĩa chiến tranh đơn thuần, cuộc chiến tranh Việt Nam còn là một cuộc đấu tranh chính trị và văn hóa ngay tại nước Mỹ. Đó là mặt trận thứ hai. Và trong bài phát biểu tại buổi lễ nhận giải thưởng, Stone lại một lần nữa khẳng định: Giải Oscar dành cho tôi đã thực sự nhìn nhận người cựu binh chiến tranh Việt Nam. Một cuộc chiến tranh như vậy sẽ không bao giờ được xảy ra một lần nữa trong cuộc đời chúng ta. Nếu cuộc chiến tranh đó lại xảy ra thì con em chúng ta lại phải chết một cách vô ích.

 

Nhận định về Trung đội, tạp chí Newsweek cho rằng: Trung đội đã làm đảo lộn sự suy nghĩ của người xem. Khúc bi tráng chiến tranh đầy bạo lực và rất xúc động này sẽ làm cho bạn rùng mình; tờ Franc Soir viết: Trung đội đập mạnh vào trái tim khán giả, trình bày những cảnh tượng vĩ đại và mang tới những bài học lớn. Tất cả các diễn viên đều làm mọi người xúc động, trong đó, người xuất sắc nhất là diễn viên đóng vai phụ: Tom Berenger trong vai thượng sĩ Mỹ tàn bạo. Và chính tờ báo này kết luận: “Việt Nam đã khắc sâu một dấu ấn không bao giờ quên trong Stone. Ngày nay nhờ những kinh nghiệm và ký ức về Việt Nam, Stone đã trở thành nhân vật số một của nghệ thuật điện ảnh Mỹ!””

 

Sau Trung đội, còn có những phim như Chiếc áo giáp thép của nhà đạo diễn tài ba Staniey Kubrick, Sài Gòn của Matt Carroll và Phillips Noyce phỏng theo tiểu thuyết của Anthony Grey, Đồi Humberger (Humberger Hill) v.v… đang hoặc sắp thực hiện. Rõ ràng: Việt Nam vẫn còn là một chủ đề sống mãi trong trái tim và khối óc của người Mỹ. Nhưng còn những nhà quản lý và làm nghệ thuật điện ảnh Việt Nam có nhận thức được điều đó không, và sẽ làm gì với cái kho báu mình đang nắm giữ?./.

Sâm Thương
Số lần đọc: 3958
Ngày đăng: 30.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sám Hối: Giấc Mơ Hiện Thực - Sâm Thương
Một Cái Nhìn Về Người Hùng - Sâm Thương
Ingrid Bergman: cơn bão trong vinh quang - Sâm Thương
Marilyn Monroe đuổi bắt ảo ảnh - Sâm Thương
Trần Anh Hùng: tính nữ của tôi rất lớn - Nguyễn Thị Dạ Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 1 - Sâm Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 2 - Sâm Thương
Yilmaz Guney , Người tử tù bị săn đuổi. - Sâm Thương
Francois Trufaut- nhà điện ảnh cổ điển của đợt sóng mới - Sâm Thương
Điện Ảnh Việt Nam Thời Khai Sinh-1 - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)