Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
731
115.996.361
 
Cờ Tàn
Nam Dao

Đây là một đoạn trích trong chương 19 của tiểu thuyết Bể Dâu (NXB Văn Mới, California, 2007) gồm ba tập, dựng lại bối cảnh lịch sử và xã hội trong giai đoạn 1930-1947,  1953- 1962 và 1972-1990.

 

(…)

Hiện tượng cánh bướm: những cú điện thoại của đám lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Washington bị đặt máy nghe mang tác động gây bão trên một miền Nam Việt Nam đang còn hoang mang sau Hiệp Ðịnh Paris. Vụ xì-căng-đan Watergate bó tay Nixon, tổng thống Mỹ, người của đảng Cộng Hòa.  Hứa với Thiệu một tỷ rưỡi đôla viện trợ, Nixon cắt xuống một tỷ.  Quốc Hội Hoa Kỳ không chấp nhận.  Cáo buộc Việt Cộng vi phạm Hiệp Ðịnh, Nixon tiếp tục bom Campuchia với mục đích giải tỏa áp lực mặt trận Tây Nam.  Ðược hai tháng, Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ thông qua một đạo luật cấm can thiệp quân sự ở Ðông Dương.  Mất hết uy tín, Nixon đành cắn răng.  Viện trợ tuột xuống mức chưa được tám trăm triệu đôla, trong đó phải chi phí cho gần mười nghìn lính Mỹ nay thay quân phục, khoác quần áo dân sự, trở thành những chuyên viên cố vấn.  Giá đôla và vàng tăng đến chóng mặt.  Cuộc chạy loạn bắt đầu: dân miền Trung và Lục tỉnh đổ về Sài Gòn.  Vật giá leo thang vòn vọt.  Tận dụng những khó khăn trong đời sống, một mặt trận chính trị thành hình.  Sinh viên học sinh, trí thức thành phần ‘’ thứ ba’’, rồi linh mục, thượng tọa... đều là những tác nhân. Thế là có ngày ‘’ Ký giả đi ăn mày’’, có Ủy Ban Cứu Ðói, có Ủy Ban Phụ Nữ giành quyền sống... Big Minh  cùng đám nghị sĩ như Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung, Ngô Bá Thành... lên tiếng chống đối.  Thiệu phản ứng, ban đầu lúng túng, sau thô bạo như một con thú cùng đường.

 

Tết năm Dần trong miền Nam, cọp không nhe răng múa vuốt, duỗi nằm theo tư thế một con mèo ốm.  Một mặt,Việt Cộng từ vùng phi quân sự đánh xuống, mặt khác đổ quân lên Tây Nguyên đe dọa cắt miền Trung, dồn Việt Nam Cộng Hòa vào vùng đồng bằng sông Cửu Long.  Bên Campuchia, quân Khờ-me đỏ đẩy lính Lon Nol khỏi biên giới Việt - Miên.  Dẫu thuận lợi, lực lượng Việt Cộng chỉ hoạt động ở mức khuấy phá chứ chưa định hình một chiến dịch qui mô nào.  Phía Việt Nam Cộng Hòa, lính đã bắt đầu đào ngũ.  Và những kẻ giàu có lên đường bôn tẩu.

 

Trưa hôm trước ngày Lương sang Pháp, Nhân về nhà.  Nhìn hai chiếc vali để trên sàn đá hoa, Nhân bỗng ngậm ngùi vô hạn.  Mẹ bề ngoài vẫn vui cười thản nhiên, nhưng Nhân biết, có những lúc mẹ mình chợt hững đi đến mụ mẫm.  Chưa bao giờ như lúc này, Nhân thương mẹ, lòng mang mang niềm ân hận đã cương quyết ở lại binh chủng Nhẩy Dù chứ không làm theo ý mẹ.  Mặc dầu mẹ cũng nhờ cả đến Dao Ánh để thuyết phục Nhân, nhưng Nhân chỉ lắc đầu, trả lời   ‘‘ ...là đàn ông không thể thế được!’’, tai văng vẳng nghe câu mẹ thét lên ngày nào với chú Hoàng.

Nhân rủ Lương qua nhà chú Hoàng. Hình như chú đợi, quần áo chỉnh tề khác thường lệ. Chú mở cửa, tay giắt tay Lương, vui vẻ :

-  Có cả Nhân nữa à!

 

Chú Hoàng chỉ tay lên bức vách.  Nay bác Vũ Hoàng Chương đã viết, kiểu thư pháp, những nét chữ bay lên lượn lại, rồi chúi xuống...

 

Lũ chúng ta lạc loài dăm bẩy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

Biển vô tận xá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh

 

Lương đọc, nét mặt dúm dó, môi mím lại.  Chú Hoàng ôm vai Lương, thủ thỉ :

-  Lũ chúng ta, là bác Chương, là cậu chứ không phải con đâu.  Con đi máy bay - chú cố khôi hài - chứ có đi thuyền đâu...

Chừng như thấy câu khôi hài chẳng tác động gì, chú đánh trống lảng :

-  Có sẵn một chai Martel, uống mừng ngày vui lên đường với nhau một chén!

Tay run run, chú rót rượu ra ly, không dám nhìn vào mắt Lương long lanh chực khóc. Thế rồi chú uống. Ực một cái, hết một ly.  Chú rót tiếp và nói. Chú nói về thời giành chính quyền từ phát xít Nhật năm 45, về chuyện bảo vệ thủ đô khi thực dân Pháp trở mặt...  Chú miên man, nhắc tấm lòng « vạn người như một » của dân cụ Hồ, say sưa gợi lại lòng yêu nước của mọi lớp người lao vào công cuộc Kháng Chiến toàn quốc cuối năm 46. Chú thẫn thờ nói về một người con gái bỏ nhà thoát ly theo Cách Mạng.Và buổi chiều trên đê sông Hồng, may mà chú và người con gái đó thoát được trận tập kích vào ngôi chùa Hòe Nhai gần Bến Nứa. Chú trầm ngâm, nhìn Nhân, rành mạnh :

-  Xưa chú làm việc dưới sự chỉ đạo của cha cháu...

 

Và cứ thế, chú tiếp tục kể về một con người mang tên Phan Thượng Chính, sau chú chỉ gặp lại đúng một lần trên Việt Bắc. Cho tới khi thoát khỏi tay đội Cải Cách Ruộng Ðất ở Nghi Dương, trốn về Hải Phòng, chú   mới biết Chính và Huyền đã có hai mặt con với nhau.

-  Mẹ cháu bế cháu từ Kiến Thụy lên chữa bệnh.  Chú thì ôm trong lòng mối hận cha vừa chết, và thân mình cũng mới thoát hiểm... Chú oán tất cả.  Chú thù mọi người. Chú căm cái Ðảng của chú...Mặc dầu gia đình chú cống hiến bao nhiêu tài sản, và chú dấn thân đến độ suýt hy sinh cả mạng sống, được huân chương kháng chiến hạng 2...  thế mà cái Ðảng ấy nhân danh giai cấp mang chà đạp đến độ cha chú uất mà chết, còn chú thì chúng nó đánh cho thân tàn ma dại...

Hoàng ngừng lại kìm xúc động, nước mắt ràn rụa trên má.  Lát sau, Hoàng tiếp, giọng đã lấy lại ít nhiều bình tĩnh :

-  Chỉ mẹ cháu là người chú có muốn cũng không thể ghét bỏ được.  Ðấy, cái nghiệp của chú nó vậy.  Bà cô chú, là cô Thái, giục chú di cư.  Chú giả chần chừ, lấy cớ còn mẹ cháu và cháu ở đấy, bỏ đi sao được. Thế là cô Thái tìm cách ép buộc mẹ cháu đem cháu đi Nam, biết chú sẽ đi theo.  Còn chú, thâm tâm có thể là chú mượn tay bà cô làm cái việc cướp đoạt người mình yêu, bất chấp là mẹ cháu buộc phải chia ly với những người thân ở lại...

 

Chú Hoàng lại rót rượu cho mình.  Tay đặt lên vai Lương, chú nhìn vào mắt con, nghẹn giọng :

-  Mãi ba, bốn năm sau, mẹ con cũng chưa chịu về với cậu.  Thế là cậu rắp tâm sắp đặt để báo tin cha của anh Nhân biệt tích...  Lúc đó, mợ con mới bằng lòng đi bước nữa.  Nhưng từ khi mợ về với cậu, cậu mới thấy lương tâm cắn rứt.  Chẳng nhẽ cậu cứ sống với mợ trong dối trá hay sao?  Ngày qua ngày, sự trừng phạt xói mòn hạnh phúc cậu tưởng có được.  Khi con ra đời, cậu đặt tên con là Lương, sự tử tế cậu đánh mất, và cậu nghĩ, nay có con thì cậu có thể nói thật với mợ.  Trong khi cậu còn đắn đo, có người tìm đến đưa cho mợ bức thư của cha anh Nhân. Thế là mợ biết hết, dưới mắt mợ, cha là một thằng hèn.

 

Chú Hoàng ôm ghì lấy Lương, nhắc đi nhắc lại, cha là một thằng hèn, một thằng hèn.  Lương ôm cha, cố ghìm tiếng khóc, nuốt nước bọt ừng ực.

 

Chiều xuống rất nhanh, cánh cửa sổ khép hờ nhòa dần trong ánh sáng hiu hắt một ngày nhiều mây.  Xe lửa lại chạy ngang,  còi hú lên,bánh nghiến trèo trẹo trên đường rày đệm vào tiếng máy xình xịch.  Chú Hoàng đưa cho Lương một phong bì :

-  Trong này là gia phả dòng họ nhà ta, con giữ lấy cho cậu.  Có một lá thư cậu gửi cho mợ con, con đưa giúp cho cậu một khi cậu lìa cái cõi này.  Ngày mai con đi bình yên, cậu không ra Tân Sơn Nhất với con đâu.  Con đi, có mợ, có anh Nhân tiễn con là đủ.  Ði, thì nhớ học, và cố mà làm người.  Ở xứ mình, điều đó khó lắm.  Vài năm nữa thành tài, con hãy về.  Dẫu sao, đây cũng là đất nước của mình.  Và trong bất cứ trường hợp nào, đừng biến ra một kẻ như cậu...,

 

Tay chỉ lên vách, Hoàng đọc se sẽ ...bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh...

 

Lương ôm và hôn người đẻ ra mình.  Oà khóc, Lương vội đưa tay bịt lấy miệng. Hoàng không nói năng gì trong bóng tối chập choạng, nghe Lương nghẹn ngào tiếng còn tiếng mất :

-  Con lúc nào cũng là con của cậu...  Ðợi con... con sẽ về!  Nhất định vậy...

 

*

 

Tháng 8 năm 1974, Nixon từ chức Tổng Thống.  Gérard Ford lên thay, được Quốc Hội Mỹ chấp thuận tài khoản bảy trăm triệu đôla viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa trong ngân sách 1975.  Hà Nội chiếm những vị trí chiến thuật quanh Ðà Nẵng, tăng áp lực dọc miền Trung.  Tháng giêng năm 75, bộ đội miền Bắc chiếm Phước Long, tám mươi cây số phía bắc Sài Gòn.  Tháng 3, họ dễ dàng kiểm soát mười ba tỉnh trước sự chống cự yếu ớt của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.  Lạm phát phi mã, rồi lại cắt lương,  khiến đội quân này gặp nguy cơ tan rã. Chỉ trong năm 74, hai trăm nghìn lính đào ngũ.  Thiệu kêu cứu, xin thêm ba trăm triệu viện trợ.  Ford bị Quốc Hội phản đối đành bó tay.  Thiệu phải đối phó với một tình huống bấp bênh, đóng cửa báo chí đối lập, cách chức một số sĩ quan cao cấp, và đặt ra ngoài vòng pháp luật mọi cuộc biểu tình chống đối.

 

Tháng 3 năm 75, Ban Mê Thuộc rụng như một thứ trái cây quá mùa, nhanh, gọn và khá đột ngột.  Sau khi Đại tá Quang, Tư Lệnh phó sư đoàn 23 gửi bản tin chót về Quân đoàn và yêu cầu oanh tạc vào chính Bộ Tư Lệnh của mình thì chỉ còn im lặng.  Những đơn vị đồn trú bên ngoài thị xã và dân chúng xô nhau băng rừng chạy về Nha Trang.  Ngày 12, tin Liên Ðoàn 22 Biệt Ðộng quân có nhiệm vụ tái chiến vùng đất đã mất bị đánh tan tác cách Ban Mê Thuộc hai mươi cây số. Ngày 14, lệnh của Tổng Thống Thiệu : triệt thoái khỏi Pleiku.  Thoắt một cái, những bàn mạt chược nhà tướng Cẩm, Tư Lệnh phó quân đoàn, đại tá Nhu, Tỉnh trưởng, rồi đại tá Sáng, An Ninh quân đội cùng hàng chục các vị sĩ quan cao cấp, Biện lý, Dự thẩm bỗng thiếu tay xoa.  Họ biến đi, hệt những bóng ma chơi, chắc chắn sẽ hiện hình trở lại ở một nơi bình yên nào đó, với áo quần thẳng tắp, huy chương đầy ngực và dáng điệu rất nghiêm trọng.  Nhưng bây giờ, họ ở đâu?

 

Ngày 16, thị xã Pleiku nhốn nháo, dân và quân ùa ra đường, hốt hoảng gọi nhau, hò hét, khênh cái gì có thể khênh, xách cái gì có thể xách.  Họ xô nhau ùn ùn đi về phía bắc, nơi tập trung xe cộ, cả quân xa lẫn dân sự, xe lớn, xe nhỏ, xe ba bánh, xe bốn bánh, xe máy, xe đạp, xe bò...Con đường triệt thoái là Liên Tỉnh lộ 7 về Tuy Hòa. Ðoàn xe như rắn bò trên mặt lộ bóng nhẫy ì à ì ạch, năm giờ sau đã đến gần Phú Bổn.  Xe Honda chở đôi, chở ba.  Lính ngồi trước, súng vẫn đeo, giữa là con, sau là vợ, tay ôm chồng, tay ôm vali, lưng đeo balô.  Ầm ầm.  Một cột khói bốc cao phía trước mặt.  Việt Cộng pháo, bà con ơi!  Tiếng thét chưa dứt thì đoàn người tỏa ra, kêu khóc, ùa vào những gốc cây vệ đường, núp sau gò đống. Trong chớp mắt, chỉ còn xe cộ ngổn ngang và vật dụng vứt bừa bãi trên đường.

 

Việt Cộng không nã pháo vào đoàn người, chỉ bắn dọa loanh quoanh.  Thế là lại lên đường. Đi, phải đi. Tiếp tục chạy. Ngày thứ hai cuộc triệt thoái, những người già cả yếu đuối tuột lại đằng sau, cái gì nặng quẳng đi, tiếng súng vẳng lại như thôi thúc...Ngày thứ ba. Ðoàn xe không còn chạy mà bò lê bò la, kiệt sức, lâu lâu ngừng lại để thở, băng khu rừng chết, cây như những khúc xương trơ trẽn, không lá, ngất ngưởng say thuốc khai quang.  Ðến quận Phú Rá vào 8 giờ tối.  Sao lung linh trên nền trời tím thẫm.  Xe bật đèn sáng rực một góc trời, máy rú lên, tài xế bóp còi inh ỏi.  Thấp thoáng hai vệ đường, xe Honda trườn lên, lượn lách những mô đất, ổ gà.  Rồi xe đụng.  Cuộc rước đèn kỳ lạ bỗng thành cuộc ẩu đả, chửi bới, văng tục.  Ðêm trong rừng lạnh ngắt.  Trăng ló ra trên cao giữa những đám mây bạc, êm ả.  Ðoàn xe vào vòng đai phòng thủ của quận lỵ.  Nhưng không một ai trên con đường này cảm thấy được yên lành.

 

Sáng ngày thứ tư, lại đi.  Ðường hẹp dần rồi biến mất.  Trước mặt, một đồng cỏ tranh rộng mênh mông.  Xe bóp còi, chen ngang.  Thình lình, hàng chục cái chồm lên rồ máy băng đồng như chạy đua.  Có những cái xe sụp xuống, đổ lăn quay.  Những cái bên cạnh tách ra, tiếp tục chạy.  Không hiểu thế nào, tiếng súng nổ.  Bắt đầu lẻ tẻ, sau túa lên.  Ðó là tiếng nổ ròn của M-16, không chát chúa như AK.  Việt Cộng chưa thèm đánh, nhưng lính Cộng Hòa đã bắn lẫn nhau.  Bây giờ, không có ai chỉ huy ai.  Thỉnh thoảng, có tiếng súng phóng lựu đạn.  Rồi hàng tràng đại liên, khói bốc khét lẹt.  Trẻ con gào.  Ðàn bà khóc, có những người ngồi sụp xuống vệ đường cầu kinh, niệm Phật.  Nhưng lúc này, chỉ  bạo lực là cách duy nhất để phòng thân.  Chúa không còn. Phật cũng không.  Kinh kệ vô ích.

 

*

 

Ngày 21 tháng 3.  Thiết Giáp chặn hậu cho cuộc triệt thoái bị một trung đoàn Việt Cộng đánh, giữa Phú Bổn và Phú Túc.  Ðường chật, chiến xa như những con cua vào rọ, chỉ dăm chiếc M-113 bỏ chạy được.  Ðám Biệt Ðộng quân thoát chết ở Ban Mê Thuộc bắt kịp đoàn người chạy loạn. Bây giờ có những tay lính chĩa súng cướp giật.  Giật ăn, giật uống.  Giật đồng hồ, giây chuyền, nhẫn, tiền.  Những tay lính bại trận bỗng hóa thân thành hung thần, nổ súng bừa bãi.  Một sĩ quan đứng lên quát ‘’... không được làm ẩu!’’  Hai tên lính cười cười.  Ðùng, đùng, hai phát súng và một tiếng chửi ‘’ ÐM mày, làm tàng...’’  Người sĩ quan gục xuống, tay quơ quơ vào không khí, mắt trợn trừng.

 

Ðoàn người lết đi từng chặng.  Dưới nắng gắt, mặt mũi ai nấy đỏ ối như tôm luộc.  Họ ngơ ngác.  Và sợ.  Chưa thấy Việt Cộng, nhưng phải né tránh những bọn vô lại khoác súng mang quân phục của một đoàn quân tan hoang. Còn năm cây số, sẽ tới quận Củng Sơn. Nửa đêm, trăng bị mây che, nền trời đặc lại.  Ðoàn xe tắt đèn.  Ðột nhiên có tiếng động cơ, lúc gần lúc xa.  Có lẽ chiến xa Việt Cộng chặn phía trước mặt.  Thình lình, hai chiếc máy bay bay ngang.  Ðó là loại C-47 cải biên trang bị đại liên sáu nòng, bắn được độ ngàn viên một phút, lằn đạn lửa vẽ thành hình nón lật ngược.  Tiếng nổ vọng lại.  Trận đánh chắc là chừng hàng chục cây số trước mặt.

 

Sáng ngày 22, Biệt Ðộng quân mở được đường.  Ðoàn triệt thoái đến bờ sông Ba. Bãi cát bên kia sông dài ra uốn lượn dọc mé rừng chồi.  Trên bãi, xe ngổn ngang.  Dưới sông, một số người xuống tắm, có tiếng té nước và tiếng cười của con trẻ.  A, tiếng cười.  Suốt sáu ngày nay, bây giờ mới nghe được tiếng cười cứu rỗi.

 

Chiều, đến được Củng Sơn. Lính quân vận và quân nhu mang bán cơm sấy, thịt hộp, thuốc lá.  Người đói cơm, đói thuốc chen nhau mua, giá là giá cắt cổ. Biệt Ðộng quân thật giả lẫn lộn.  Ðám giả là bọn tìm được quân phục, nhưng thường không đủ bộ, không nón nâu, không phù hiệu.  Chúng cướp phá, chọc ghẹo phụ nữ, nghênh ngang như không có ai.  Ðêm, trăng sáng dị thường.  Những con dơi chập chờn lui tới giữa bầu trời mầu sữa.  Ở đây, tương đối an toàn.  Có người nghe BBC.  Tin tướng Trưởng phải bỏ Huế.  Dân Huế, dân Quảng đổ dồn về Ðà Nẵng, tạo thành một cái biển người không còn kiểm soát nổi.  Chợt có tiếng nổ phía bên kia sông.  Trận đột kích kéo dài mười lăm phút.  Một số xe bị phá hỏng.  Cả trăm chiếc kẹt lại.  Những người bị thương được cáng qua sông.  Ðoàn triệt thoái tiếp tục lầm lũi xuyên rừng.

 

Ngày 25, ngày thứ chín cuộc triệt thoái.  BBC loan tin Ðà Nẵng bắt đầu di tản. Việt Cộng chiếm Quảng Ngãi hai ngày trước. Ðà Nẵng đang thành địa ngục trần gian, và phía Nam Cao Nguyên, Lâm Ðồng giãy chết.  Hôm sau, Ðà Lạt mất. Đám Sinh Viên sĩ quan võ bị Đà Lạt chặn hậu cho dân di tản về Nha Trang. Thế là quân khu I tiêu ma.  Quân khu II thì giữ được dăm tỉnh lẻ tẻ ven biển.

 

Ngày 26, đoàn triệt thoái ra khỏi đập Ðồng Cam, mùi thối xông lên nồng nặc từ con đường trước mặt.  Xe máy đủ loại ngổn ngang cạnh xác chết hàng trăm người đi đoạn đầu.  Xác có cái trương lên, cái chảy nước vàng.  Ðám vô lại xông đến gỡ những chiếc đồng hồ tay.  Rẽ trái, năm cây số nữa là quận Hiến Xương, nơi có hai tiểu đoàn địa phương quân.  Ðến được, tức thoát hiểm.  Một trái khói tím bung ra, rồi dăm tiếng M-16 vu vơ.  Chiếc xe Jeep đầu đoàn dừng lại.  Khuất sâu trong một đám cổ mộ có tường bao quanh, tiếng súng lạch cạch lên đạn.  Vài tay lính Biệt Lích nhảy xuống xe, tiến vào.  Ðột nhiên, chiếc xe Jeep bị hất nghiêng, bốc cháy như một bó lửa.  Một trái B-40 bắn sẻ kết liễu viên sĩ quan chỉ huy Biệt Kích, xác anh nhô ra thành xe, đổ xuống.  Những người lính Biệt Kích chồm lên.  Nhiều tiếng M-79 cất lên từ sau những ngôi cổ mộ.  Ba người áo đen chạy, nhưng không chạy được xa.  Ðạn Biệt Kích ghim vào thân thể họ, đẩy cho ngã chúi vào lòng đất. Lính Biệt Kích đến khiêng xác vị chỉ huy.  Họ câm nín như những bức tượng, lẳng lặng vẫy tay cho đoàn triệt thoái đi tới.  Ðêm hôm đó, đài phát thanh Sài Gòn loan tin quân dân ba tỉnh Kontum, Pheiku và Phú Bổn đã đến Tuy Hòa.  Nhưng sau Tuy Hòa, là đâu?  Trăng tròn vành vạch, trăng soi làm gì những bước đường vô định.

*

 

Thiệu chỉ định Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư Lệnh tiền phương Quân đoàn III, bộ Tư Lệnh đặt ở Phan Rang.  Khắp Sài Gòn, người ta bàn tán ‘‘giải pháp trái độn’’, quả quyết Mỹ không thể phủi tay. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chiếm từ vĩ tuyến 14 trở ra, Bảo Ðại sẽ về và Lực Lượng thứ Ba nắm phần đất còn lại của miền Nam, theo thể chế trung lập ít thì cũng vài năm rồi sẽ Tổng Tuyển cử. Ðám Tâm Lý chiến tung tin : Tổng Thống Thiệu nằm mơ thấy một người đàn bà tuyệt sắc mặc trang phục Hời, xưng là công chúa nước Chiêm, đưa tay ra giắt lên đỉnh tháp Chàm trong cơn gió thổi lửa từ Bắc vào Nam.  Khi Thiệu bước tới bậc cuối, công chúa bỗng biến mất, gió ngừng và đêm sáng như có mặt trời.  Như vậy, nhiều chính khách Sài Gòn thì thào, thế là ma Hời thôi báo cái oán người Việt cướp nước Chiêm. Họ vỗ tay ủng hộ quyết định thiếp lập phòng tuyến Phan Rang. Đúng như trong giấc mơ, gió ngừng khiến bộ đội miền Bắc không dám vào chiếm Nha Trang, dẫu thành phố này bỏ ngỏ từ mấy ngày nay.

 

Phan Rang, theo lời thầy bói nói với Thiệu, là linh địa.  Thiệu nhắc lời thầy bói, nhưng đám tay chân vẫn xin từ nhiệm.  Trần Thiện Khiêm xuống, chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Bá Cẩn lên nhậm chức Thủ Tướng. Nhưng Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vẫn khăng khăng không ‘’đối thoại’’ với Thiệu, tạo áp lực chính trị để Thiệu phải từ bỏ quyền lực.  Ðánh rắn, phải đánh vào đầu.  Ðầu rắn nằm ở Sài Gòn nhưng cái đuôi ngọ nguậy trên những nút chặn. Phía Nam Sài Gòn, Long Khánh và Xuân Lộc tạo thế ỷ dốc với Phan Rang.  Phía Tây Nam, ở Bình Long, Thiệu ném Lữ đoàn 2 Dù tăng viện cho tướng Nghi.  Sư đoàn 6 không quân cũng được lệnh vào góp tay bảo vệ phòng tuyến tiền phương.

 

Ðại tá Nguyễn Thu Trương chỉ huy Lữ Dù 2 còn bốn tiểu đoàn.  Ðơn vị của Nhân quân trang khí giới vẫn đầy đủ.  Lần này, Nhân có một chuẩn uý trợ y tên Khiêm và ba y tá đi theo.  Khiêm nhét vào bao khẩu Colt 9, bảo ‘‘ đường cùng thì kê lên đầu nổ một phát là xong’’. Ở Phan Rang, Dù đụng độ ngay ngày đầu, không phải với lính miền Bắc mà là đào binh chạy từ Ðà Nẵng vào.  Lẫn trong một đoàn người dài dằng dặc lê bước trên quốc lộ 1 đi xuống, chúng vẫn kè kè quàng vai M-16.  Chúng đeo balô, chân đi giầy đinh nhưng đứa thì áo sơmi, quần thủy quân lục chiến, đứa áo Biệt Ðộng, quần lại quần đùi.  Ðại tá Trương lệnh cho đơn vị chốt đầu bắt chúng lại.  Tiếng M-16 thỉnh thoảng nổ ròn rã.  Rồi cả tiếng lựu đạn lẫn trong tiếng rú, tiếng thét thất thanh của dân di tản.  Rốt cục, Dù bắt được ba mươi tám tên, khám balô thấy đầy đồng hồ, vàng bạc.  Ðại tá Trương quát ‘’ Bay ăn cướp làm nhơ danh quân đội chúng tao’’, vẫy tay ra lệnh mang bọn ăn cướp vào bìa rừng.  Trương dặn với ‘’ Mỗi thằng một viên, đừng phí đạn...’’. Lát sau, người ta nghe đúng ba mươi tám tiếng súng, không thừa  không thiếu.

 

Quanh tuyến phòng tiền phương, không chút động tịnh gì.  Hỏi dân, họ kể hàng đoàn xe cam nhông chở quân đội miền Bắc nối đuôi nhau đi ngang Nha Trang.  Từ Suối Ðá trở vào, đoàn xe thưa đi, chỉ còn tăng T-54 và những dàn súng phòng không lưu động.  Tướng Nghi ra lệnh án binh bất động, đào thêm công sự và yêu cầu tướng Sang chỉ huy Sư đoàn Không quân bay thám thính và sửa soạn oanh tạc.  Sang lắc đầu.  Với những phi cơ vận tải C-119, C-123 cải biên gắn đại liên, bay lên trời chẳng khác gì tự tử khi gặp súng phòng không của địch.  Lữ Dù chấn giữ những trọng điểm.  Ðại tá Trương họp tất cả những sĩ quan của bốn tiểu đoàn, dặn ‘’...tiết kiệm người, tiết kiệm đạn.  Giữ  Phan Rang là giữ được miền Nam!’’  Ngay hôm đó, tướng Nghi hốt hoảng báo Trương, Việt Cộng đang đánh vào Xuân Lộc, trên trục quốc lộ 1, đằng sau lưng Phan Rang.  Trương văng tục :

-  Ðm...  Thế là nó bọc vòng ra sau mà đéo biết.  Ðánh đấm như cái con cặc!  Bây giờ, giữ Phan Rang làm gì ?  Tổ cha thằng Thiệu!  Tổ cha thằng Cao Văn Viên...

 

Trương báo tướng Nghi sẽ ra lệnh rút Dù về Xuân Lộc, phụ Sư đoàn 18 của tướng Lê Minh Ðảo bị vây từ ba ngày.  Nghi không cho, gằn ‘’...chưa có lệnh của Tổng Tham Mưu.  Rút Dù đi, không giữ được Phan Rang! ’’.  Trương đáp ‘’...chúng nó có đánh Phan Rang đâu mà giữ.  Tôi cứ đi ! ’’.  Nghi quát ‘’ Tôi sẽ đưa anh ra tòa án binh’’.  Trương cười nhạt, dằn máy điện đàm, nhổ nước bọt.

 

Dù dàn ra theo hình cánh én.  Băng rừng nhắm hướng ga Sông Mao dọc đường rày xe lửa, Dù hành quân không chút trở ngại.  Tiểu đoàn của Nhân ép sát mé biển, quá trưa tháp Chàm Phan Rí đã thấp thoáng trong tầm mắt.  Chuẩn úy Khiêm cao hứng đọc :

 

‘’ Mai này đụng độ mà không chết

Về ghé sông Mao phá phách chơi

Mang sớt nỗi sầu cùng gái điếm

Ðốt tiền mua một tháng ngày vui’’

 

Khiêm vừa dứt lời thì tiếng ùng ùng vang lên.  Pháo Việt Cộng rót vào đoạn đầu đội hình.  Bên hông tiểu đoàn, tiếng động cơ tăng T-54 khởi động.  Một loạt pháo 85 ly bắn đồng bộ. Chụp ống nói, Nhung vội vã ‘’... Én 3 gọi Ðại Bàng.  Trước bị pháo.  Cua Càng ém sẵn thúc vào hông.  Ðợi lệnh’’.  Ðầu máy bên kia, Trương gọi ‘’... Én nào cũng bị...  Tụi bay cứ nằm đó.  Ði đốn cua trong khi chờ lệnh!’’.

 

Tình hình tiến không xong, lùi về Phan Rang thì vô lý.  Thiết Giáp quân đội miền Bắc cắt đội hình Dù thành hai mảnh, không thể bắt tay với nhau được.  Tiểu đoàn tiền kích đã vào đồng bằng, địa hình trống trải không chống đỡ được, phải nằm mọp chịu trận.  Trương cắn răng, gân xanh trên trán phập phồng, tay nắm báng khẩu Colt, Trương gào :

-  Én 3... Én 3.  Lệnh T1, nghe rõ chưa?

Thiếu tá Nhung nghẹn ngào : ‘’...Rõ, còn bao lâu ?  Én hỏi Ðại Bàng, bao lâu ? ’’.  Tiếng đại tá Trương buồn bã : ‘’ ... đến 6 giờ tối.  Ðể lính tùy nghi đi hay ở’’.  Nhung họp bốn đại đội trưởng lại.  T1 là lệnh hàng.  Nhung bảo ‘’...lính đứa nào muốn trốn, cứ trốn.  Về phía biển, chỉ có du kích!’’

 

Vào lúc chạng vạng, khi mặt trời đỏ ối xuống nấp sau mỏm tháp Chàm, có tiếng đồng thanh ‘’ Mẹ đụ!’’, tiếp đó là một tiếng nổ lớn.  Lính cứ bốn, năm người, một tay nắm lựu đạn đã bật kíp, tay kia nắm tay chiến hữu, ngồi thành vòng tròn.  Họ im lặng, không ai nhìn ai.  Rồi một người đếm, một hai ba.  Ðã dặn nhau, họ đồng thanh hô ‘’ Mẹ đụ!’’, tay buông kíp.  Cứ thế, ‘’ Mẹ đụ’’... ‘’ Mẹ đụ’’ vang lên như tiếng gọi của tử thần nổi cơn thèm ăn, xác người văng tóe lên thành hàng trăm mảnh thịt bầy nhầy đỏ ối.

 

Nhân bịt tai, nước mắt trào ra.  Không, những người lính chửi ‘’ Mẹ đụ’’ vào thế gian này không hèn.  Còn sống, họ ghé sông Mao phá phách, đốt tiền mua một thoáng ngày vui.  Ðối mặt với những anh lính ‘’xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước’’, họ chiến đấu để tồn tại,  ở cái thế mất còn, anh sống tôi chết.  Hoặc ngược lại, tôi sống anh chết.  Nay thì hết như vậy.  Anh không chết và tôi, tôi có thể sống như một hàng binh ?  Mẹ đụ!  Họ níu giữ lấy nhân phẩm bằng cách nổ cho tan xác. Không, họ chọn cái chết, xác tan nhưng giữ  được phần hồn.

 

‘’Mẹ đụ’’, mai này sói rừng chắc chẳng thiếu thức ăn.

 

Chuẩn úy Khiêm kéo tay Nhân, thì thào ‘’...em thì chuồn.  Vợ mới lấy, đang có bầu.  Ðại úy đi không?  Ra biển, tìm thuyền về Vũng Tầu...  Ði càng sớm càng tốt ! ’’.  Nhân đứng lên đi về phía Nhung.  Cười buồn, Thiếu tá Nhung bảo ‘’... Tu-bíp[1], đi đi!  Nhớ cầm theo một khẩu súng để phòng thân’’.

*

 

Ðám năm người có Khiêm, Nhân và ba tay lính Dù đi ngược lại, vào rừng, rồi theo hướng Ðông lẩn về phía biển.  Nửa đêm, họ men đến một làng chài.  Ðột nhập vào một căn nhà lá leo lét ánh đèn, họ lay một ngư nhân đang ngủ mê mệt.  Anh ta choàng dậy, hốt hoảng.  Nhân xin anh cho mọi người lên ghe ra khơi. Móc hết tiền trong túi ra, Nhân khẩn khoản ‘‘Mong anh giúp bọn tôi!’’.  Vợ anh ngư dân lồm cồm bò, tay ôm một đứa nhỏ còn phải ẵm, sợ hãi lui vào góc nhà.  Khiêm nói nhỏ ‘‘...chị đừng sợ’’, và cũng lôi ví móc tiền ra.  Ba người lính Dù không nói gì, chĩa M-16, dáng bực bội, mặt khẩn trương.  Một người quay lại, gằn giọng ‘‘... không đưa đi, tụi tui cướp ghe!’’. Anh ngư dân lí nhí ‘‘...rồi, tui  đưa mà ! ’’. Họ lên ghe, lẩn vào những cơn gió đêm lênh đênh.

 

Sáng ra, chiếc ghe bơi đến một  vùng nằm trên thủy đạo tầu Hải Quân di tản từ Cam Ranh về Vũng Tầu. Đợi đến trưa, cả bọn được vớt, tới  tối thì cặp vào Vũng Tàu.  Ngày thứ nhì, Nhân tìm cách đi xe ôm từ Vũng Tầu về Sài Gòn.  Sau gần hai mươi cây số cuốc bộ, Nhân chặn được một chiếc Honda.  Anh xe ôm lắc đầu, tay chỉ, miệng nói ‘‘... người ta đi từ Sài Gòn ra. Còn đi ngược về Sài Gòn, kẹt thì sao?’’  Nhân lột chiếc đồng hồ Omega đeo tay, năn nỉ.  Anh xe ôm lại lắc, đòi thêm năm trăm nghìn.  Nhân không còn một xu dính túi, hẹn về Sài Gòn đến nhà mới lấy được tiền.  Anh xe ôm gật.  Trên xa lộ, xe cộ ra Vũng Tầu xếp hàng lăn bánh, mùi xăng xông lên nghẹt thở.  Hai bên vệ đường, quân phục lính, bốt, balô... vứt bừa bãi.  Ðường về Sài Gòn lác đác người. Anh xe ôm vừa lách ngược đoàn xe vừa càu nhàu chửi luôn miệng. Đến gần cầu Sài Gòn, số người đi ra đông đến độ anh xe ôm kêu ‘‘ Thôi, Đại Úy đi bộ vô, tui sợ kẹt không ra được! ’’.

 

U già mở cửa.  U reo ‘’ ...cậu về!  Ở nhà bà lo quá, nhưng trưa nay đi công việc rồi’’.  Nhân nhảy vào nhà tắm, giội nước xối xả.  Nhưng nước chỉ gột được bụi đường bám trên lớp mồ hôi và lớp muối biển sau một ngày một đêm lênh đênh, chứ nỗi ô nhục của tên bại binh vẫn bám lấy tâm trí chàng như con bạch tuộc trăm vòi, có cái cong rướn lên, chửi ‘’ Mẹ đụ’’, rồi vỡ bung, phun ra một thứ dung dịch nhờn nhẫy đỏ lè.  Nhân bưng mặt khóc, chẳng vì tiếc nuối gì một miền Nam ‘‘Tự Do’’, chẳng phải sợ gì viễn tượng một miền Bắc ‘‘Cộng Sản’’.  Có lẽ chàng khóc vì chàng cảm thấy một đứt quãng.  Một đảo ngược.  Một bước nhảy của lịch sử.  Bước nhảy trên vũng trống đen ngòm sâu hút, đe dọa chẳng có gì ở dưới để đỡ lấy những con người hụt bước.

U già mang gà-mèn thức ăn cho chú Hoàng như từ mười năm qua.  Chú dặn Nhân qua chú ngay.  Cơm nước xong, Nhân chợp mắt được một lát.  Khi choàng dậy, Huyền chưa về.  Nhân lững thững thả bộ, đến góc chợ Thái Bình, vòng sang đầu đường Bùi Thị Xuân.  Buổi trưa, Sài Gòn vắng hẳn người dưới cái nắng chói chan.  Ðến cổng xe lửa số 2, Nhân vào hẻm.  Khi chú Hoàng mở cửa, chú không nói gì, chỉ lách người để Nhân vào nhà. Chú kể, Xuân Lộc rồi Long Khánh đã thất thủ.  Quân đội miền Bắc chựng lại đâu hai, ba ngày sau khi bị hai quả CBU, bom hút dưỡng khí và bom chấn không.  Chú bảo Mỹ thả để làm chậm bước tiến quân Bắc Việt hầu có thì giờ di tản.  Thiệu từ chức, Trần Văn Hương lên thay nhưng lập tức Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tuyên bố Hương cũng như Thiệu, họ không ‘‘đối thoại’’.  Tướng Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố sẽ biến Sài Gòn thành Leningrad, tử thủ đến giọt máu cuối cùng.  Chú Hoàng cười méo mó :

-  Thằng ngu! Chống Cộng mà mang tên Leningrad ra gán vào Sài Gòn, thật là chướng! Thảm bại cũng vì những tướng tá như vậy...

Thở dài, chú cầm tay Nhân:

-  Chú với Nhân tuy không máu mủ, nhưng khi về với mợ thì chú coi Nhân như con.  Sau, Nhân biết đấy, mình không có duyên với nhau nhưng chú đối với Nhân không khác gì đối với em Lương, con đẻ của chú. Chú tự cho phép chú nói với Nhân một lời khuyên:  Nhân đi đi.  Người ta đi nhiều lắm.  Sang Mỹ.  Sang Pháp, Úc...  Bất cứ đâu, đi được là đi.  Dăm ba năm sau, thấy về được hẵng về.  Chú biết mợ không muốn vậy, nhưng chú cứ khuyên, quyết định gì là ở Nhân.

 

Nhân không đáp.  Chàng hồi tưởng đến những ngày ở trại K7, bác sĩ Thiện, y sĩ Chung, cô cấp dưỡng Y Ban và câu chuyện xung quanh cái chết của Toán, Chính ủy bệnh viện 201 ở biên giới Hạ Lào.  Nhân rùng mình.  Dẫu Nam hay Bắc, con người nói chung có khác cũng không nhiều, nhưng loại sắt máu như Toán thì chỉ guồng máy miền Bắc mới tạo ra được.  Tự nhiên, Nhân sợ.  Bức vách có bài thơ sáng lên khi nắng lóa qua mành cửa.  Nhân hồi tưởng ngày hôm kia trên biển rộng mênh mang.  Ðúng là biển vô tận.

‘’ Biển vô tận xá gì phương hướng nữa’’.

Nhân linh cảm đời mình rồi sẽ là một con thuyền bập bềnh nổi trôi như câu thơ của bác Chương.  Nhưng tự dưng chàng bình thản, mỉm cười, lòng gợn lên một nỗi thương cảm vô bờ.

 

*

Ngày 25 tháng 4.

Mặt trận Long Thành - Phước Tuy khai màn.  Trục Sài Gòn - Vũng Tầu vẫn còn giao thông được.  Trần Văn Hương từ chức.  Big Minh tuyên thệ nhiệm chức Tổng thống ngày 28 tháng 4, gửi văn thư yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam.  Văn thư này có lẽ là văn thư thừa thãi nhất trong lịch sử ngoại giao từ vài ba trăm năm nay.  Chung quanh Tòa Ðại Sứ Mỹ, người Việt vòng trong vòng ngoài, chen lấn nhau, mong vượt được hàng rào sắt, lọt vào khuôn viên để theo chân Ðế Quốc vừa được Tân Tổng Thống mời đi khỏi Việt Nam. Nhanh chân hơn Mỹ là các ông Thiệu, ông Viên. Ông Thiệu bay sang Ðài Loan vài hôm trước. Còn ông Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng biến đâu không ai hay, sau mới biết ông đã ‘’ thăm viếng’’ một chiến hạm đồng minh.

 

Ngày 29 tháng 4.

Tân Sơn Nhất bị pháo kích.  Trục Sài Gòn-Vũng Tầu bị cắt đứt.  Dân Sài Gòn trèo hàng rào vào tòa Ðại Sứ Mỹ.  Thủy Quân Lục Chiến  Mỹ  có nhiệm vụ bảo vệ đánh dân bằng dùi cui, đập bằng báng súng, có khi dùng cả lưỡi lê đâm cho buông tay rơi xuống.  Người ta khóc, người ta la.  Một phụ nữ áo dài xanh, môi son đỏ chót giắt tay đứa nhỏ đen thui vừa gọi vừa chửi bằng tiếng Việt : ‘’ Ê Giôn, con mày đây!  Mày bỏ để bà nuôi à?  Tổ cha mày, Giôn ơi’’. Chắc chắn Giôn có đó cũng không hiểu lấy một chữ.  Lính gác cổng xua tay khi bà ta sấn tới, một tay chỉ đứa nhỏ, miệng la ‘’ Mỹ nè, trăm phần trăm đó, cho zô chớ!’’, tay kia chìa một tờ giấy ra.  Một thanh niên xô bà, tay cũng chìa một tờ giấy, có lẽ là giấy chứng nhận làm sở Mỹ.  Bà ta đẩy lại, miệng lại chửi.  Thế là nhốn nháo lên trước cánh cổng sắt đóng chặt, bên trên lá cờ Hoa Kỳ vẫn bay phất phới.

 

Tiếng trực thăng phành phạch.  Hàng chục chiếc sà xuống lượn quanh tòa đại sứ như một bày quạ. Khi có chiếc đậu lên bãi cỏ, những người đã vào trong sân tòa Ðại Sứ ùa lên, bám vào, kéo nhau, đạp nhau, kẻ kêu người khóc gọi ầm ĩ.  Nhân nhìn cảnh tán loạn, nửa thương nửa giận.  Ðám người không vào được sân tòa Ðại Sứ kéo nhau đi về bến Bạch Ðằng, tay xách nách mang, lếch tha lếch thếch.  Tò mò, Nhân đi theo.  Khung cảnh cảng Sài Gòn lúc đó không khác gì ở toà đại sứ Mỹ. Cũng gọi, cũng kêu, cũng xô đẩy, cũng ẩu đả.  Tiếng pháo kích vẳng lại, lúc một nhặt hơn, lắm khi nghe như gần bên cạnh. Không khí căng đến chỉ chực vỡ vụn. Trước cư xá Hải Quân, lính đứng gác không cho người lạ vào. Trên những chiếc xe Jeep chạy vào cư xá, súng chĩa vào đám đông có dịp là ùa theo.  Có người vỗ vào vai Nhân.  Ðó là Yên, một người bạn thời học với nhau ở Trung học Chu Văn An.  Vẫn mặc quân phục Hải Quân, Yên kéo Nhân đến cổng cư xá, bảo ‘’... ông vào với tôi.  Rồi ra hạm đội 7 bằng tầu, chắc chắn an toàn!’’.  Nhân nào có định đi.  Chàng kéo tay bạn, lắc đầu.  Yên bắt tay, chúc Nhân ở lại may mắn, đi không quay đầu lại.

 

Nhân về nhà.  Ðến đầu hẻm, chàng nghe tiếng cãi cọ bên hàng xóm.  Người chồng to tiếng ‘’... xuống tầu rồi mà còn đòi lên, tiếc cái mạng không tiếc, tiếc cái xe Simca cũ xì...’’.  Người vợ cãi ‘’...chi mà tiếc mạng, anh dạy học chớ có làm gì đâu cơ chứ!  Thời nào cũng thế, cũng cần thầy giáo!  Anh chết nhát thì có...’’.  Thế là tiếng chân đấm tay đá huỳnh huỵch. Tiếng trẻ con ré khóc, người vợ bù lu bù loa, rồi tiếng bát đĩa loảng xoảng. Chưa kịp đóng cửa, Nhân thấy một thằng nhỏ ở cuối hẻm chạy, ba nó rượt đằng sau. Nhân nhận ra Tráng, một dược sĩ làm ở bệnh viện Bình Dân. Nhân hỏi chuyện gì vậy.  Tráng thở hồng hộc, kể ‘’ Tôi đưa nó với thằng em nó lên máy bay trong phi trường Tân Sơn Nhất từ tối hôm qua, dặn đợi đó để tôi về chở bà xã vô.  Chưa vô được, thì sáng nay nó đưa thằng em nó về, thế có khổ không anh? ’’.  Thằng bé mười hai tuổi, mếu máo ‘’ ...con kể là có một ông, ông hỏi, con nói con đợi ba má.  Ổng biểu, có hai người đang đi tìm con dưới kia, xuống coi có phải ba má tụi bay không?  Vừa đứng lên, tụi con mất chỗ, rồi người ta đẩy nên phải xuống máy bay chớ có phải muốn zậy đâu...’’.  Ba nó lại nóng lên, bất thình lình giáng cho nó một cái tát.  Nó ré lên, giọng ấm ức ‘’... ở thì bị pháo kích, zề nhà thì bị bạt tai’’ rồi cắm đầu chạy.

 

Vào nhà, Nhân thấy mẹ.  Từ dăm ngày nay, Huyền không giấu giếm gì nữa, tất tả lo việc Huyền gọi là công tác trù bị tiếp quản.  Hai ngày trước, Huyền chở về nhà hàng chục bao tải, mở ra, toàn là cờ của Mặt Trận Giải Phóng miền Nam.  Tư Qưới xuất hiện thường xuyên với một số thanh niên, phần lớn là sinh viên học sinh.  Họ có nhiệm vụ đưa đường cho ‘’quân giải phóng’’ và thành lập những ủy ban hành chính lâm thời. Huyền dặn con, giọng nghiêm trang :

-  Nhân chớ nghe người ta xui dại mà đi đâu nhé!  Thương mợ, đừng manh động!  Con sắp gặp lại cha con và em con rồi...

 

Nghe mẹ nói, Nhân có cảm tưởng mình trở thành một thứ đồ chơi bằng nhựa.  Thuở nhỏ, chàng có hàng trăm lính, hàng chục máy bay, xe tăng,  súng đại bác...  Tất cả bé tí xíu, một bên đen, một bên xanh màu áo trận.  Chàng xếp chúng, cũng hai bên, một bên là ta, một bên là địch.  Một bên tốt, một bên xấu.  Lính qú.  Lính đứng.  Lính nằm.  Súng kề vai.  Ðể bắn, Nhân chu miệng, đùng, đùng.  Máy bay bay lên.  Ầm ầm.  Chiến trường biến chuyển theo cái gạt tay cố làm như ngẫu nhiên.  Rồi đếm xem mỗi bên chết bao nhiêu.  Bên nào thắng?  Trong cái trí óc non trẻ, Nhân mong bên ta, dĩ nhiên tốt, phải thắng. Và thắng hay thua, chàng chưa hề nghĩ đến cha, đến em, những cái bóng mờ của quá vãng. Trò chơi, chỉ có lính bằng nhựa, không có dân nên không phải đếm xác dân trong quyết định thắng thua. Nhưng khôn lớn, nhất là khi chính mình thành thứ lính bằng xương bằng thịt, Nhân đã biết thế nào là Đại Lộ Kinh Hoàng trên con đường tháo chạy khỏi Quảng Trị dưới pháo tầm xa. Nhân hiểu, bên nào thắng thì người dân cũng bại.  Báo Newsweek tuần trước ước lượng số dân Việt chết cả Nam lẫn Bắc trong chiến tranh khoảng hai triệu.  Tính theo xác xuất cứ một chết phải có ba, bốn bị thương, số người thương tật là sáu đến tám triệu.  Còn lính Mỹ, chết hơn năm mươi lăm nghìn.  Lính Việt Nam Cộng Hòa hai trăm nghìn.  Lính ‘’ Sinh Bắc tử Nam’’ độ sáu trăm nghìn.  Nhân lên ba lần số tử vong, lính mang thương tật sau cuộc chiến ở hai miền như thế vào khoảng hai triệu bốn đến ba triệu hai. Vậy cả dân lẫn lính tật nguyền từ tám triệu tư đến mười một triệu,  trong một đất nước đếm tất cả chỉ xấp xỉ sáu mươi triệu nhân mạng.

 

Tiếng súng tay đã thỉnh thoảng lốp bốp chát chúa đâu đây. Sợ nhất là bọn có khí giới rủ nhau đi ăn cướp. Tân Sơn Nhất tiếp tục bị pháo kích. Dân Sài Gòn lần đầu cảm nhận nỗi kinh hoàng không chỉ là chữ viết trên mặt báo. Họ tiếp tục tràn vào sân toà Ðại Sứ Mỹ.  Không được, có người trèo qua tòa Ðại Sứ Pháp, Anh, Ấn... Tất cả, miễn không là Việt Nam.  Rồi họ tỏa ra xa lộ, nhắm hướng Vũng Tầu, Bà Rịa. Họ xuống Khánh Hội tìm ghe. Họ ra bến Bạch Ðằng, ngơ ngác như một đàn người bị ma quỉ đang rượt đuổi.

 

Trực thăng vẫn chao bay trên bầu trời Sài Gòn thản nhiên như chẳng có gì đáng quan tâm kể cả một cuộc đổi đời.  Người dưới đất nhìn lên, mơ ước chỗ những kẻ may mắn ngồi trên đang bay về một chốn tít mù xa lạ, nơi có thể chỉ là đất hứa của ảo vọng.

 

Ngày mai, là ngày 30 tháng tư năm 1975.

 

 

Nam Dao
Số lần đọc: 2007
Ngày đăng: 30.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái áo mùa cũ - Lưu Thuỷ Hương
Hoa Phù dung trong mưa - Nguyễn Xuân Hoàng*
Đò Đầy - Ngô Thị Ý Nhi
Ngày Tháng Phiêu Bồng - Lê Văn Thiện
Bài giảng trên núi - Nguyễn Ước
Bay đi chim bồ câu - Lưu Thuỷ Hương
Nỗi Khổ Không Rời - Mang Viên Long
Kể chuyện Giuđa - Kahlil Gibran
Hoa Nghĩa Địa - Quý Thể
Ba ngày ở thị trấn Cù Cưa - Vũ Thư Hiên