Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
653
115.993.756
 
Dòng Sông Ám Ảnh
Đỗ Ngọc Thạch

Ông Tiền Đạo, tính đến nay (năm 2011) đã 75 tuổi (ông sinh năm 1936) nhưng thân thể còn rất tráng kiện, mới thoạt nhìn ai cũng nghĩ ông chưa tới “Thất thập cổ lai hi”! Cuộc đời của ông đầy sóng gió với đủ kiểu “ba chìm bảy nổi”, nếu viết hồi ký về ông thì 1.000 trang sách cũng chưa bõ bèn gì! Là bạn vong niên với ông đã hơn ba chục năm, nhưng khi tôi dụ ông viết hồi ký, tất nhiên là tôi làm “chắp bút” (ông Đạo có thân hình cao lớn như khủng long, chân tay dài loằng ngoằng không thích hợp với việc cầm bút) thì ông nói: “Cuộc đời người ta phải đến giai đoạn cuối mới có nhiều chuyện đáng nói. Mà tôi thì phải sống tới hơn 90 tuổi, bây giờ đã viết hồi ký thì còn quá sớm!”. Tôi lại dụ ông là viết tiểu thuyết về ông, tức ông chỉ làm “nguyên mẫu” một phần, còn hư cấu là chính, thì ông nói: “Tiểu thuyết thì lại càng phải chờ đến lúc sắp chết mới viết. Cậu quên câu nói “Chết là hết chuyện” à? Nhưng nếu cậu viết truyện ngắn về tôi thì được, tôi sẽ kể cho cậu vài mẩu ngắn liên quan đến con sông quê tôi”.

 

*

 

Ông Đạo mỗi khi đứng trước một con sông nào đó thì thường lẩm nhẩm bài hát Làng quan họ quê tôi rồi nói: “Làng tôi là một làng quan họ ở bên con sông Cầu thơ mộng. Tuổi thơ của tôi thật bất hạnh, không được sống ở làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn mà bị trôi dạt tới xứ người. Nhưng sau này, khi được trở về sống ở làng một thời gian, những bài ca quan họ, những bài hát mới về làng quan họ như là đã cho tôi được sống lại tuổi thơ. Tôi không có mối tình đầu nhưng người đàn bà đầu tiên của tôi hát quan họ hay đến mê hồn. Mỗi khi nghe mấy câu hát Ngồi tựa mạn thuyền, tôi như bị dòng nước cuốn đi, nhấn chìm. Rồi ông khẽ hát, như một Liền Anh:

 

Ngồi rằng ngồi tựa (có mấy) mạn thuyền
là ngồi tựa (có hơ) mạn thuyền
(ấy mấy) đêm (là) đêm hôm qua
Ngồi rằng (là) ngồi tựa (có mấy)
mạn thuyền là ngồi
tựa (có hơ) mạn thuyền
Trăng in (là in) mặt nước cũng có
(a) càng nhìn (là) càng
nhìn non nước càng xinh…

                          

Sau này, con gái tôi cũng có giọng hát mê hồn như mẹ nó, khi nó hát bài Làng quan họ quê tôi thì người nghe cứ ngơ ngẩn như mất hồn! Rồi ông giả giọng con gái mà hát, nghe cũng nao lòng:

 

Làng quan họ quê tôi, tháng giêng mùa hát hội
Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao xanh
Ngang lưng làng quan họ xanh xanh
Làng quan họ quê tôi, những chiều bao thương nhớ
Tiếng ca đầu ngọn gió, nón quai thao, người ơi
Nón quai thao nói gì người ơi.
Người ơi, làng quan họ quê tôi.
Giữa đình hồ bán nguyệt, chị Cả tựa mạn thuyền
Anh Hai ngồi bẻ lái, quan họ về mà là về trao duyên
Ấy quan họ về, mà là về trao duyên ơ hơ....

 

Dòng sông quê tôi đẹp là thế, nên thơ nên nhạc là thế nhưng với tôi, nó lại ẩn chứa một nỗi buồn vô hạn, nỗi buồn ấy cứ ám ảnh tôi suốt đời, không chịu buông tha, bởi ngay từ khi mới một tháng tuổi, tôi đã bị đem thả trôi sông!

 

*

Nhà tôi thuộc loại trung nông lớp trên (theo cách phân chia giai cấp thời chống Pháp), bố tôi có tới bốn bà vợ. Ba bà vợ trước, bà nào cũng có tới ba bốn con nhưng sinh con gái một bề. Điều đó khiến bố tôi quyết lấy thêm bà vợ thứ tư, quê tôi gọi là bà Bốn, để sinh con trai nối dõi. Quả là bố tôi có tướng “đa thê”, ông chẳng phải mất công nhờ mai mối kiếm tìm mà “Ông Trời” đã “cho không” ông bà vợ thứ tư, tức bà Bốn. Bà Bốn, tức mẹ tôi, vốn là con gái của quan tri huyện ở tỉnh bên. Một lần, quan tỉnh kinh lý qua huyện, nhìn thấy cô con gái quan huyện xinh đẹp như tiên nữ giáng trần thì đòi cưới làm thiếp. Cô con gái quan huyện chỉ có cách “Tẩu vi thượng sách”, đó là cách cuối cùng trong tam thập lục kế mà rất nhiều người đã dùng. Nhưng cô gái con quan huyện mới tới tuổi trăng tròn lẻ, chưa hề có kinh nghiệm trường đời, biết trốn đi đâu? Và thế là cô cứ nhìn phía trước mà chạy, chạy được hai ngày thì tới trước cửa nhà bố tôi, rồi ngất xỉu! Khi tỉnh lại, cô gái con quan tri huyện lập tức trở thành bà Bốn. Vì sợ quan tỉnh truy lùng nên bố tôi phải giấu thân phận người vợ thứ tư, nói là con gái một nhà buôn ở Hà Nội.

 

Trở lại chuyện tôi bị thả trôi sông khi mới một tháng tuổi. Hôm đó là ngày lễ đầy tháng của tôi. Vì tôi là con trai duy nhất của bố tôi (ba bà vợ trước đã có mỗi người ba cô con gái, tức tôi đã có chín người chị cùng cha khác mẹ) nên ngày lễ đầy tháng làm rất lớn, cỗ bàn ê hề, khách khứa đông nghẹt… Tiệc rượu đang náo nhiệt thì có người nói với bố tôi: “Thằng con ông có quý tướng “Bàn chân đạp thất tinh” tức chân mệnh thiên tử. Nhưng lá tử vi của nó rất lạ, nghĩ mãi cũng vẫn là cái số “giết cha lấy mẹ”, mà người Tây dương gọi là “Mặc cảm Ê-đíp”. Tôi thấy không thể xem thường chuyện này!”. Bố tôi nói: “Tuần nay, đã có ba người nói với tôi như vậy, nhưng khi tôi hỏi có hóa giải được không thì đều bó tay. Còn ông thì thế nào?”. Người kia nói: “Tôi làm cái nghề tử vi tướng số này đã ba đời, nhưng đây lần đầu tiên tôi băn khoăn. Lý ra, tướng ông không có con trai, cho nên vì vợ ông sinh con trai mới ra cái sự éo le này. Theo tôi thì phải tuân theo cái bản mệnh của ông, tức không nên giữ đứa con này. Ông chỉ cần trả nó cho Thiên Địa, sẽ không có chuyện gì xảy ra”. Bố tôi vốn đã đoán ra chuyện mẹ tôi đã có thai tôi khi làm vợ ông nên nghe theo lời người kia, bí mật cho người đem tôi đi thả trôi sông…

 

Chuyện tôi trôi trên sông như “Củi một cành khô lạc giữa dòng” như thế nào thì không thể kể lại được vì lúc đó tôi đã biết gì? Tôi chỉ được mẹ nuôi tôi kể lại rằng: khi bà đang nhặt củi ở bãi sông thì thấy cái hòm gỗ đựng tôi dạt vào bờ. Khi bà mở hòm ra thì thấy tôi vẫn còn đang nằm ngủ bên một gói tiền lớn… Hẳn là mẹ đẻ tôi đã để gói tiền vào đó để nếu tôi không chết mà có ai vớt được thì có tiền mà thay bà nuôi tôi?

 

Bố mẹ nuôi tôi rất nghèo, hai ông bà sống bằng những thứ nhặt được ở bãi sông, chủ yếu là củi gỗ trôi dạt về từ trên thượng nguồn, thỉnh thoảng thì mò cua bắt ốc dọc bãi sông. Hai người đã có tới ba đứa con nhưng đều bị nước lũ cuốn đi trong những lần bơi ra sông vớt gỗ trôi. Vì thế, khi nhặt được tôi trong cái thùng gỗ cùng với một gói tiền lớn, hai người mừng rú, thôi không sống bên bãi sông nữa mà vào trong làng mua đất làm nhà…

 

Ông Nội tôi, tức bố đẻ của bố nuôi tôi là một ông đồ nghèo, vừa mở lớp dạy chữ Nho tại nhà vừa kê đơn bốc thuốc chữa bệnh. Khi bố nuôi tôi đem tôi và gói tiền lớn đến gặp ông Nội thì ông nói: “Trời giúp làng ta rồi!”. Liền sau đó, ông nội dùng một nửa số tiền để dựng một ngôi nhà lớn, tám gian, hai trái, một nửa dùng làm lớp học, một nửa dùng làm nhà thuốc. Chỉ sau nửa năm, căn nhà vừa làm lớp học vừa làm nhà thuốc của ông nội đã nổi tiếng khắp vùng: ai cần chỗ học cho con cái hoặc chữa bệnh thì đều bảo nhau đến “Nhà Tám gian”. Khi tôi lên mười tuổi, tức năm 1946, nổ ra cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, làng tôi thuộc vùng chiến sự. Trong một trận càn của quân Pháp, “Nhà Tám gian” bị đốt cháy thành tro, chỉ còn trơ cái nền nhà!

 

Bố mẹ nuôi tôi lại đưa tôi ra sống ở căn lều nhỏ nơi bãi sông, nơi hai người vẫn ở trước khi có tôi. Lần trở lại bãi sông này, bố mẹ nuôi tôi không làm cái việc nhặt củi ở bãi sông nữa mà làm nghề chở đò ngang. Thực ra, hai ông bà được chính quyền cách mạng giao cho nhiệm vụ lập một cái trạm giao liên ở bến sông này. Chính vì thế mà tôi được tiếp xúc với một số cán bộ kháng chiến thường qua lại trạm giao liên của bố nuôi tôi. Một lần, có một người cán bộ nói với bố mẹ nuôi tôi: “Thằng bé con nhà ông tướng tá rất tráng kiện, học lại giỏi, còn nhỏ mà đã đọc chữ Nho như người Tàu. Tôi muốn cho nó vào học ở trường Thiếu sinh quân, nó sẽ trở thành một sĩ quan xuất chúng!”. Thế là sau đó tôi được gửi đi học ở Trung Quốc, rồi Liên Xô, tất cả gần mười năm trời. Khi tôi trở về nước (năm 1956) thì đất nước đã hòa bình. Tôi được điều về làm việc ở một trường quân sự, công việc là phụ giúp (trợ lý) cho một sư phụ già biên soạn giáo trình khoa học quân sự, huấn luyện võ thuật và sử dụng vũ khí cho các học viên.

 

*

Nhân lúc rảnh rỗi, tôi xin nghỉ phép tới bến sông tìm bố mẹ nuôi. Cả hai ông bà đều đã già, gần tám mươi rồi, tóc bạc phơ như các vị đại tiên trên thiên đình nhưng sức khỏe còn rất tốt. Tôi hỏi sao không vào làng ở cho an toàn, hai người đều nói: “Ở đây thì còn được gặp được các anh chị con. Cách vài ngày, cứ vào khoảng nửa đêm về sáng là các anh chị con lại hiện lên trên mặt sông, nói chuyện với bố mẹ cứ như hồi còn sống!”. Tôi nghĩ đó chỉ là ảo giác nhưng cũng muốn chứng kiến cảnh bố mẹ nuôi tôi gặp và nói chuyện với ba người con đã chết đuối như thế nào. Nhưng chờ mãi, ba ngày trôi qua mà không thấy gì. Tới ngày thứ tư, tôi bừng tỉnh sau một giấc ngủ mê mệt thì đã bốn giờ sáng. Không thấy bố mẹ nuôi đâu, tôi chạy ra bãi sông thì thấy dấu chân hai người còn hằn rõ, rất nhiều, rất mới. Nhìn ra mặt sông chỉ thấy một màn sương mờ ảo. Chắc hẳn là cả hai ông bà đã được ba người con đón đi rồi?

 

Lòng buồn hết sức, tôi đi ngược dòng sông, với suy nghĩ là sẽ tìm gặp người mẹ đẻ… Tôi cứ men theo bờ sông mà đi như một đứa trẻ trong chuyện cổ tích vì thực ra lúc đó tôi không thể hình dung được con đường tôi đang đi nó như thế nào và đâu là cái đích mà tôi sẽ dừng lại? Càng đi, tôi càng thấy cái truyện cổ tích “Đi tới nơi vô tăm tích tìm một vật vô danh” thật là kỳ lạ, sao nó lại vận vào tôi? Mải suy nghĩ mông lung, tới một bãi sông kia, tôi thấy có một cái bè nứa, trên bè chất đống tre nứa và lá cọ, đang bị mắc cạn. Người chủ bè và hai người thợ bè nữa, dường như đã bó tay, ngồi nghỉ trên bãi cát. Thấy tôi, người chủ bè đứng dậy chào hỏi niềm nở và nói: “Quả đúng như thần linh báo mộng, hôm nay tôi sẽ gặp được Thiên tướng nhà trời cứu giúp!”. Nói rồi người chủ bè kể vắn tắt tình hình và nói: “Cậu là người có cốt cách phi phàm như thần tướng nhà trời. Nhờ cậu kéo cái bè ra khỏi bãi cạn chắc dễ dàng như trở bàn tay!”. Thực ra, tôi cũng chưa biết đích xác sức lực của mình như thế nào bởi chưa bao giờ tôi phải dùng hết sức lực của mình, nên khi nghe người chủ bè nói vậy, tôi nghĩ cứ thử xem sao. Khi tôi vừa vận công lực lấy hết sức đẩy cái bè ra khỏi bãi cạn thì thật không ngờ, cái bè lao ra tới giữa dòng sông như cái bè chuối đồ chơi của trẻ con!...

 

Khi chia tay, người chủ bè nói: “Cậu vừa có sức khỏe phi phàm vừa có tướng cách đại quý. Tuy nhiên, có chuyện sẽ xảy ra lại không hợp với đạo đức, lễ giáo của người Việt ta. Đó là cái số “giết cha lấy mẹ” của cậu mà người Tây phương gọi là “Mặc cảm Ê-đíp”. Cậu đã nghe ai nói về chuyện này chưa?”. - “Tôi đã nghe không chỉ một lần, nhưng tôi không tin! Vậy theo ông, có cách nào tránh được không?” - “Tài ba không qua số phận! Tuy nhiên, cậu thử xoay chiều đổi hướng đánh lạc quỷ thần xem sao? Tức là ban đầu cậu định đi đâu, làm gì thì bây giờ làm ngược lại!” - “Vậy thì không được, tôi phải đi lên thượng nguồn, mẹ đẻ của tôi chắc chắn đang ở trên đó!” - “Thôi được, chỉ có điều cậu đừng bao giờ dùng hết sức lực!”. Nghe chủ bè nói vậy, tôi cười thầm: “Tôi không dùng hết sức lực thì làm sao đẩy được cái bè khổng lồ ra khỏi bãi cạn?”. Người chủ bè đi rồi, tôi lại men theo bờ sông, nhằm phía thượng nguồn mà bước tới, bất kể bờ sông là những bãi cát mịn tuyệt đẹp hay là những bãi sình lầy phải lội bì bõm!

 

Khi tôi tới một bãi cát đẹp như tranh, tính bơi lội tắm rửa một lúc cho mát mẻ rồi tìm đường vào làng kiếm cái ăn, bởi trời đã gần trưa, thì bất ngờ một con đò nhỏ xuất hiện trước mặt. Trên đò là một cô gái cực kỳ xinh đẹp, đang hát:


Ngồi rằng (là) ngồi tựa (có mấy)
mạn thuyền là ngồi
tựa (có hơ) mạn thuyền
Trăng in (là in) mặt nước cũng có
(a) càng nhìn (là) càng
nhìn non nước càng xinh…

 

Tôi tiến lại phía cô gái, định hỏi khúc sông này là ở đâu thì cô gái cất tiếng cười khanh khách rồi biến mất như thần tiên! Tôi nghĩ có lẽ mình đã đói mệt nên hoa mắt mà thôi chứ thực ra chẳng có cô gái nào cả! Tuy nhiên, tôi cũng đoán ra rằng tôi đã tới địa phận đất Kinh Bắc, tức sắp tới Làng Quan họ quê tôi!

 

*

 

Đi được một ngày, lúc hoàng hôn ập xuống, tôi mới thấy chân tay mỏi rã rời. Tôi ngồi nghỉ trên một bãi cát bên sông, nhìn ra mặt sông thấy huyền ảo kỳ lạ. Thật bất ngờ, cả bố và mẹ nuôi tôi cùng hiện ra trên mặt sông và mẹ nói, tôi nghe rất rõ: “Bố và mẹ đã gặp các anh chị con rồi, ai cũng được Long Vương trọng dụng nên bố mẹ được tiếp đón rất đàng hoàng, con không phải lo. Việc con phải lo bây giờ là lấy vợ đi, “trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng” không thể khác được!”. Mẹ tôi nói xong thì cả hai người cùng biến mất! Chẳng lẽ đây là điềm báo tôi sắp có vợ?

 

Tôi còn đang ngơ ngác dõi tìm hình ảnh của bố mẹ nuôi tôi thì nghe có rất nhiều tiếng chân người chạy thình thịch, như là rất gần. Tôi vội nấp vào một bụi cây bên bờ sông thì đã thấy ba người, mới nhìn hình dạng đã rõ là lục lâm thảo khấu, vác ba cái bao tải chạy tới chỗ bãi cát tôi vừa ngồi và cùng quẳng ba cái bao tải xuống bãi cát rồi ngồi thở dốc!

 

Khoảng ba phút sau, một thằng nói: “Đắng miệng quá! Giờ có vài ly cho ấm bụng rồi nhấm nháp cái món “Thịt mỹ nhân” thì hay quá!”. Thằng khác nói ngay: “Chờ về tới nhà thì tha hồ hưởng lạc, ở đây không an toàn!”. Thằng thứ ba hưởng ứng: “Đại ca nói đúng đấy, chúng ta đi thôi”. Ba thằng kia vừa đứng dậy thì có tiếng nói đàn bà từ trong một cái bao tải vang lên: “Thả tôi ra!...Tôi sắp chết ngạt rồi thì còn hưởng lạc cái gì!”. Một thằng liền mở dây buộc cái bao tải có tiếng nói, tức thì một người đàn bà hiện ra. Trong bóng chiều mờ ảo, vóc dáng của người đàn bà thật tuyệt đẹp. Và đặc biệt là một mùi hương quyến rũ lập tức lan tỏa bãi sông, bay cả vào nơi bụi cây có tôi đang ẩn nấp. Ba thằng kia như là bị choáng ngợp trước vẻ hấp dẫn của người đàn bà, trố mắt đứng nhìn khoảng một phút rồi như là cùng một lúc nhào vào người đàn bà, như hổ vồ mồi! Không hiểu sao, tôi bật dậy, lao vút ra đứng trước ba thằng kia chỉ khoảng hai mét và thét lớn: “Dừng lại!...”. Ba thằng kia thốt giật mình nhưng nhanh chóng trấn tĩnh và nhất tề lao vào tôi cũng như hổ vồ mồi!

 

Trong thời gian học ở trường sĩ quan, tôi đã được học nhiều tuyệt chiêu của võ thuật Thiếu Lâm nên ba thằng cướp tép riu kia đều bị tôi đánh gục tức khắc và tiện tay quẳng hết chúng xuống sông nhờ Long Vương trị tội. Khi chỉ còn mình tôi và người đàn bà vừa chui ra từ trong bao tải, tôi không biết nói gì mà bị sức cuốn hút của vẻ đẹp đàn bà và mùi hương mê hồn điều khiển “từ A đến Z”…

 

Cho đến lúc tôi hoàn toàn tỉnh táo,  nhận ra sự tồn tại của mình ở trên cõi đời này (có vẻ như người đàn bà kia vừa đưa tôi tới đảo Bồng Lai nơi tiên giới) thì chân trời phía đằng Đông đã ửng hồng. Một đêm huyền ảo vừa trôi qua? Tôi nhìn qua bên cạnh, thấy người đàn bà nằm duỗi thẳng người, đầu gối lên hai bàn tay đan vào nhau, mặt ngước lên bầu trời cao vòi vọi, miệng mấp máy như người đang nói trong giấc mơ? Nhưng thực ra người đàn bà đã tỉnh giấc từ lâu và khi thấy tôi tỉnh dậy thì xoay người, quàng tay qua ngực tôi hôn như mưa lên mặt tôi rồi nằm đè lên người tôi. Tôi lại bị người đàn bà đưa tới đảo Bồng Lai…

 

Khi bình minh đã xua tan hết bóng đêm thì người đàn bà chui ra từ bao tải kia mới nói với tôi bằng tiếng nói của người trần gian và như đã sắp đặt xong xuôi số phận của tôi: “Cậu đúng là anh hùng vô địch như dũng sĩ Asin trong thần thoại Hy Lạp. Cậu là ân nhân cứu mạng của tôi thì bây giờ là phu quân của tôi. Chồng tôi mới bị bọn cướp sát hại, tôi không thể một ngày không có chồng! Giờ tôi đưa cậu về nhà, chúng ta sẽ bái đường thành thân đàng hoàng!”. Tôi muốn nói ra ý định đi tìm mẹ của mình thì người đàn bà như là muốn xua đi mọi ý nghĩ, dự tính trong đầu tôi và kéo tôi đi nhanh như gió…

 

*

Khi chúng tôi đứng trước một cái cổng xây bằng gạch lớn, kiểu nhà của các địa chủ thời xưa, người đàn bà nói “Tới rồi” và đập vào cánh cổng rầm rầm. Phải đến ba phút sau, cánh cổng mới bật mở và ba người đàn ông lực lưỡng, tay cầm kiếm xuất hiện như tướng nhà trời. Người đứng giữa có vẻ như là ông chủ (mà đúng là như vậy) nhìn tôi bằng cái nhìn nảy lửa và ra lệnh ngắn gọn cho hai người kia: “Giết!”. Tức thì hai người kia lao tới tôi như mũi tên. Tôi tránh mũi đâm của hai người kia không khó khăn gì và xoay người tung hai cú đá liên tiếp. Thấy hai người kia nằm sõng xoài dưới đất, người có dáng ông chủ xông tới nhằm đầu tôi mà bổ thẳng. Thấy đối phương sát khí ngút trời như là muốn lấy mạng tôi, tức thì tôi dùng một tuyệt chiêu của Thiếu Lâm, tránh nhát chém và xoay người điểm huyệt đỉnh đầu của đối phương.

 

Thì ra ông chủ nhà chỉ bị bọn cướp đánh trọng thương và người đàn bà chui ra từ bao tải chính là bà vợ thứ tư của ông chủ nhà, tức bà Bốn, tức mẹ đẻ của tôi! Nhưng tôi chỉ được biết điều này vào hai mươi năm sau đó, trước khi người vĩnh biệt cơi trần và khi con gái của tôi và người đàn bà chui ra từ bao tải đó đã hai mươi tuổi!

 

Sài Gòn, cuối tháng Tư, 2011

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 2313
Ngày đăng: 02.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người chỉ đường ở Lyon - Vũ Thư Hiên
Quà Sinh Nhật - Kinh Dương Vương
Chỗ Đến Của Hạnh Phúc - Đặng Kim Côn
Cờ Tàn - Nam Dao
Cái áo mùa cũ - Lưu Thuỷ Hương
Hoa Phù dung trong mưa - Nguyễn Xuân Hoàng*
Đò Đầy - Ngô Thị Ý Nhi
Ngày Tháng Phiêu Bồng - Lê Văn Thiện
Bài giảng trên núi - Nguyễn Ước
Bay đi chim bồ câu - Lưu Thuỷ Hương
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)