Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
473
115.988.643
 
Tiếng ta
Đỗ Hồng Ngọc

Nhà văn Võ Phiến có lần khẳng định: “Thơ dịch không phải là thơ, dịch thơ không phải là dịch”. Ông bảo thơ dịch giỏi lắm chỉ là dịch được cái ý thơ. Nhưng ý thơ đâu phải là tất cả bài thơ mà chỉ là cái nghĩa của bài thơ gốc thôi.  Bởi ngoài cái ý ra, cái còn lại của bài thơ mới là những cái quan trọng hơn, cốt tủy hơn. Đó là điệu thơ, thể thơ, giọng thơ, lời thơ, không khí bài thơ ... Chẳng hạn ta không thể “dịch” bài thơ ‘Tống biệt hành’ của Thâm Tâm ra... lục bát. Cũng vẫn là tiếng Việt đó thôi, nhưng đã là không thể, huống chi dịch qua tiếng Anh tiếng Pháp? Khi dịch Tống biệt hành sang thể thơ lục bát, nó đã không còn cái không khí của “tống biệt hành” nữa rồi!

Thế mà tập thơ Hồ Xuân Hương dịch sang tiếng Anh - Spring Essence - của John Balaban nghe nói đang bán rất chạy, đang có rất nhiều người đọc. Một chuyện lạ, thú vị quá chớ!

 

John Balaban, dịch giả, không phải người xa lạ với tiếng Việt. Ông là giáo sư đại học Miami, một thi sĩ có tiếng tại Mỹ với hơn mười tác phẩm và đã hai lần được đề cử giải thưởng Sách quốc gia, cũng đã đoạt hai giải thưởng uy tín về thơ. Năm 1974 ông đã từng dịch một tuyển tập ca dao Việt Nam sang tiếng Anh.

 

Trong một bài viết, nhà văn Lý Lan đã nói rằng cô rất xúc động và biết ơn khi cầm quyển Thơ Hồ Xuân Hương, bản dịch tiếng Anh của John Balaban trên tay.

 

“Nhưng một nỗi sợ hãi đột nhiên vỡ ra: bản tiếng Anh này chuyển tải được bao nhiêu "chất Hồ Xuân Hương"?... Những độc giả sống ở một xã hội phương Tây mà đề tài sex và đề tài nữ quyền được khai thác thường xuyên dưới muôn hình vạn trạng, song lại không có hình trạng nào như Hồ Xuân Hương, thì liệu họ có cảm nhận được Hồ Xuân Hương không, hay đọc bài thơ Ốc nhồi chỉ thấy con ốc nhồi, đọc bài Đèo Ba Dội chỉ thấy cây với đá? Họ có cảm nhận được chăng nỗi chua chát một cách nghẹn ngào trong giọng thách thức đầy mơn trớn: Quân tử có thương thì bóc yếm, và nỗi tủi hờn pha ngạo mạn trong lời van xin giận dữ: Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi. (John Balaban dịch là: Kind sir, if you want me, open my door. But please don't poke up into my tail. Và giải thích tính song nghĩa của từ "yếm"). Đọc đi đọc lại những bài thơ Hồ Xuân Hương bằng tiếng Anh, càng cảm động và khâm phục nỗ lực của John Balaban; và càng nhận ra chữ nghĩa Hồ Xuân Hương không ai theo kịp suốt chiều dài thời gian mà cũng không có tương đương trong bình diện không gian. Trong bài Làm lẽ John Balaban dịch chữ Chém chaScrew và giải thích cut father là một tiếng chửi. Nhưng đến câu Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng. Cầm bằng làm mướn, mướn không công thì câu tiếng Anh You try to stick to it like a fly on rice but a rice is rotten. You slave like the mai, but without pay nếu được dịch lại tiếng Việt sẽ là Mày cố bám vô nó như một con ruồi đậu dính vô xôi, mà xôi lại hỏng. Mày làm việc quần quật như một con ở, mà không được trả công. Điều chắc chắn là John Balaban thấu hiểu ý nghĩa từng chữ từng câu thơ của Hồ Xuân Hương, nhưng rõ ràng trong tiếng Anh không có tương đương của thành ngữ "Cố đấm" và "Cầm bằng" đặc thù của văn hóa làng xã và tâm thái nông dân ở một đất nước có nền văn minh hàng nghìn năm trải qua điều kiện thiên nhiên, chính trị, xã hội luôn trắc trở ”. (Lý Lan, Văn Nghê Tp.HCM).

 

Thơ Hồ Xuân Hương đã khó trong khi dịch ý với nào bóc yếm, nào khuấy lỗ trôn, nào đóng cọc, nào nhựa ra tay… rồi cố đấm, cầm bằng như vậy lại còn khó hơn nữa là cách chơi chữ, nói lái. Làm sao dịch được “Trái gió cho nên phải lộn lèo” ? và làm sao dịch được “Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?” rất đặc biệt của “tiếng ta” nhỉ?

 

Nhà văn Huỳnh Ngọc Chiến kể ở xứ Quảng có ông Dương Quốc Thạnh, biệt hiệu Sơn Hồ, chuyên làm thơ “nói lái” theo thể Đường luật rất hay. Có lần một cặp trai gái yêu nhau chưa cưới đã mang bầu mấy tháng. Đàng gái xin cho cưới gấp, đàng trai không chịu. Nhà thơ quen biết cả hai bên nên nhà gái nhờ ông thuyết phục. Cuối cùng đám cưới vẫn được diễn ra với cô dâu mang bầu 6 tháng (!). Không khí nặng nề giữa hai họ được giải tỏa hoàn toàn khi nhà thơ - với tư cách chủ hôn- đọc bài thơ:

 

Ai bàn  chi chuyện đã an bài

Trai khiển  đồng tình gái triển khai

Cứ sợ  cho nên thành cớ sự

Mai than mốt thở lỡ mang thai

Tính từ  ngày tháng vương tình tứ

Khai ổ  bây giờ báo khổ ai

Cưỡng chúng ông bà nghe cũng chướng

Thôi đành để chúng được thành đôi!

 

Đúng vậy, tình thế này mà cưỡng chúng thì coi cũng chướng, thôi đành để chúng thành đôi vậy! 

Nhưng John Balaban dịch cách nào đây?

 

Đỗ Hồng Ngọc
Số lần đọc: 2444
Ngày đăng: 07.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng Việt Gốc Khmer Trong Ngôn Ngữ Bình Dân Ở Miền Tây Nam Bộ - Nhìn Từ Góc Độ Ca Dao - Trần Minh Thương
Trao Đổi Lại Với Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Cung Thông - Hà văn Thùy
Các từ Hán-Nhật-Hán-Việt so với Hán-Nhật-Nhật-Việt (phần 1) - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về danh từ ‘cá sấu’: Vết tích phương Nam trong tiếng Hán (phần 1) - Nguyễn Cung Thông
Bụt hay Phật? (phần 2A) - Nguyễn Cung Thông
Bụt hay Phật? (phần 3) Tản mạn về vết tích ngôn ngữ phương Nam trong tiếng Hán - Nguyễn Cung Thông
Lương Châu Từ - Một Cách Nhìn Mới - Đăng Lan
Kẻ Tha Phương Và Tiếng Mẹ Đẻ - Đỗ thị Đông Xuân
Thơ Nguyễn Bắc Sơn: Sai Từ, Câu Thơ Khác Âm Điệu - Hồ Việt Khuê
Nguồn gốc chữ nôm - Đỗ Thành