Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
590
115.976.704
 
Ngọn đèn- bếp Lửa
Trầm Hương

Khi người nguyên thủy tìm ra lửa, loài người đã bước sang một bước ngoặt tiến hóa. Con người đã biết dùng lửa làm chín thức ăn. Lửa đã làm nên nhiều thứ. Và lửa cũng  thiêu đốt nhiều thứ thành tro bụi. Lửa không bao giờ tắt trong đời sống thô sơ đến nền đại công nghiệp. Lớn lên rồi con sẽ hiểu thêm những ngọn lửa tiềm ẩn trong tâm linh con người: Lửa lòng, lửa trắng, lửa lạnh... Nhưng điều mẹ muốn nói với con về lửa là những điều bình dị, gần gũi nhứt trong đời sống: Ngọn đèn, bếp lửa.

 

Con được sinh ra trong căn phòng tràn ngập ánh điện. Thành phố sáng rực về đêm với những ngọn đèn cao áp, những chùm đèn màu chớp tắt, giăng mắc đầy trên những công viên, khách sạn, những tấm biển quảng cáo. Điện đối với con là một cái gì hết sức giản đơn, một nhu cầu như nước và không khí. Để căn phòng sáng lên, con chỉ cần bật công tắc. Mới một tuổi, con đã quen với những nút bấm. Con có những ngọn đèn bé bé, xinh xinh trong phòng ngủ, những chùm đèn sặc sỡ trên trần nhà, ngọn đèn nê-on dài 1.2m với ánh sáng xanh dịu, đèn bàn thân bằng bình gốm tuyệt đẹp với chụp đèn bằng vải lụa sang trọng tỏa ánh sáng đầy huyền hoặc, quyến rủ trong căn phòng làm việc của mẹ... Nhưng con yêu, con sẽ không bao giờ biết đến những ngọn đèn leo lét, hẩm hiu đã từng được đốt lên, thắp sáng trong những đêm ảm đạm, nghèo khó thời quá khứ.

 

Nào đâu có xa xôi, chỉ hai thập kỷ thôi, những ngọn đèn ấy đã trở thành huyền thoại. Không một bảo tàng nào trên đất nước ta lưu giữ những ngọn đèn ấy. Cũng không một bảo tàng nào nghĩ ra cách giữ  ngọn lửa ấy. Những ngọn đèn cổ tích, huyền thoại chỉ còn trong ký ức những ngày đầy khó khăn mà mẹ từng nếm trải...

 

Mà nào có xa xôi, những năm cuối cùng của thập kỷ 70, thời hậu chiến,  xăng dầu là thứ hết sức hiếm hoi. Xăng là vàng, là máu. Một thời câu khẩu hiệu ấy được kẻ to để nhắc nhở người dân tiết kiệm và chịu đựng cảnh thiếu thốn. Ở làng quê, mỗi lần hợp tác xã thông báo bán “dầu hôi”, đồng bào vui như mở hội. Trên những con đường, tràn ngập người cầm trên tay chai, lọ, bình nhựa kìn kìn kéo đến Hợp tác xã. Quang cảnh ấy giờ đây không còn nữa. Nó đã biến mất cùng với mạng lưới phân phối bao cấp. Nhưng mẹ không thể nào quên được ngọn đèn đã  tỏa sáng vào những năm khốn khó. Dầu hôi  không đủ thắp sáng. Bà ngoại con nạo dừa, vắt nước cốt, thắng thành dầu. Bà đổ dầu dừa vào một cái dĩa. Đoạn bà se một đoạn bấc dài, cho vào đó. Bà đốt ngọn bấc. Ngọn lửa xanh xao, yếu ớt không đủ sức thắp  sáng gian nhà. Trong ánh sáng tù mù, vàng vọt ấy, ngoại lặng lẽ thắt võng hay làm một cái gì đó cần sự quen tay hơn sáng mắt. Mẹ ngồi học bài. Bà ngoại kể cho mẹ nghe thời của bà đèn được đốt bằng dầu mù u, mỡ cá, dầu dừa... Bà đã từng bơi xuồng đi vớt trái mù u trôi trên sông  về phơi khô, xỏ thành xâu, đặt trên chiếc dĩa. Trái mù u này cháy rồi tiếp theo trái khác. Những năm tháng đen tối của một thời mất nước, làng quê đã được thắp sáng từ ngọn lửa hẩm hiu ấy. Để ngăn đường tiến quân của giặc Pháp, đồng bào đã rải đầy  trái mù u trên đường. giày đinh của chúng trượt trên những trái mù u. Những tên lính Pháp ngã té lăn quay, bị dồn vào tình thế bị động cho nghĩa quân tấn công... Những trái mù u, ngọn đèn mù u ngoại kể làm lòng mẹ rưng rưng. Ngọn đèn dầu dừa ngoại chắt chiu soi xuống trang sách  của mẹ đang đọc . Mẹ còn nhớ, đó là bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu:

...

Khá thương thay! Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo vòng ở lính diễn binh ; chẳng qua là dân ấp dân lân , mến nghĩa làm quân chiêu mộ.

...

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gỗ.

Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

 

Chi nhọc quan quản giống trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.

...”

 

Dưới ngọn đèn dầu dừa, vừa thắt võng, bà ngoại vừa kể cho mẹ nghe về những ngày chạy giặc mà bà cố của mẹ đã nếm trải. Bà ngoại con nói: “Tình cảnh bà con lúc đó giống như bài “Chạy Tây” cũa cụ Đồ Chiểu mà con đã học:

 

“… Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy

Mất ổ bầy chim dáo dác bay

Bến Nghé của tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây

…”

 

Bà ngoại giải thích cho mẹ  hiểu thế nào là dao tu, nón gỗ, bầu ngòi... Những thứ ấy đã lùi xa trong thời thơ ấu của mẹ, huống chi vào thời con đang sống. Nhưng chắc chắn mẹ và con, và đời con cháu của con khi đọc áng văn này sẽ cùng xúc động trước  sự hy sinh của những người lính vô danh. Mai này lớn lên, con sẽ đọc thêm những áng thiên cổ hùng văn, sẽ học thêm nhiều điều, có thêm  nhiều thứ. Nhưng con sẽ không còn có được ngọn đèn dầu dừa soi xuống những trang hào khí được in bằng loại giấy thô vàng, thảng hoặc còn ẩn giấu những sợi rơm vào những năm khốn khó. Ôi, ngọn đèn của một thời khốn khó! Nhưng có một ngọn đèn khác - ngọn lửa đã được thắp lên từ lòng mẹ. Đó là lòng hiếu học. Lòng hiếu học đã giúp mẹ vuợt qua những ngày hậu chiến đầy khó khăn, để kiên trì ngồi dưới mái trường làng, trường huyện đằng đẵng bao năm trời, say sưa uống lấy kiến thức của thầy  cô, sách vở, bạn bè để lớn lên, để khát vọng và trăn trở. Ngọn lửa được đốt lên từ trong lòng tỏa sáng, đưa mẹ đến những chân trời cao rộng: khoa học, triết học, văn chương, khoa học về con người...

 

Sau này, khi sống trong khung cảnh tràn ngập ánh điện , mẹ nhoi nhói lòng nhớ đến ngọn đèn dầu dừa hẩm hiu của bà ngoại. Mẹ cũng không thể quên ngọn lửa được đốt lên từ chiếc đèn dầu ga-zôn đầy muội khói trong ngôi nhà gỗ giữa đồng- nơi lần đầu tiên mẹ về công tác. Mẹ đã viết những trang sách đầu tiên về những khao khát, trăn trở, nỗi đau và uẩn khúc của những người nông dân dưới ngọn đèn đầy muội khói, vàng vọt ấy. Gió ào ào thổi vào ngôi nhà gỗ. Ngọn đèn mong manh tắt đi. Bóng tối bao phủ lấy mẹ. Bóng tối trùm lên, đè nặng dãy đất đồng bằng với tiềm năng và nỗi đau còn ẩn giấu, chôn chặt dưới tầng tầng  lớp lớp phù sa. Đèn tắt rồi mẹ lại đốt lên. Dưới ngọn đèn vàng vọt, tù mù ấy, mẹ đã viết những trang sách đầu tiên, lặng lẽ, kiên nhẫn, thao thức và chịu đựng. Nhưng trái tim thanh xuân của mẹ đầy lửa. Ngọn lửa ấy đã giúp mẹ vượt qua những ngày đầy bóng tối trong khó khăn, thiếu thốn, cô đơn và bạc đãi... có được tí dầu ga-zôn thắp sáng đã là điều may mắn. Mẹ ngồi viết, đọc sách , muội đèn bám vào mũi, vào mắt cay xè. Nỗi xúc cảm trào dâng chảy tràn trên trang giấy, mẹ không biết mắt mình cay vì khóc hay vì muội đèn. Gió ào ào thổi. Đèn lại tắt. Đèn tắt rồi ta lại sẽ đốt lên. Ngọn lửa sẽ được thắp sáng . Mẹ chỉ sợ lửa trong tim mình tắt. Ngọn lửa ấy tắt đi, mẹ sẽ trở thành một con người lạnh lẽo, vô cảm và vô nghĩa...

 

Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi. Con yêu, lớn lên rồi con đừng quên những ngày khốn khó của ông bà, của mẹ đã nếm trải. Rơm con cúi ư? Nó là gì? Con sẽ không bao giờ còn biết thế nào là “rơm con cúi” trong thời đại văn minh ngập tràn những thứ đánh lửa hiện đại: hộp quẹt ga, bếp ga... Và điện được con người ứng dụng rộng rãi trong đời sống với nhiệt điện, thủy điện, điện sinh học, điện sinh ra từ năng lượng ánh sáng mặt trời, điện sinh ra từ hóa học... Con sống trong thời đại ngập tràn ánh sáng, bao phủ trong những tiện nghi sinh ra từ điện, đừng quên ngọn lửa âm ỉ, mong manh, lặng lẽ và bền bỉ mà bà cố, bà ngoại con đã ấp ủ, đã giữ trong những sợi rơm mong manh mà bền chặt.

 

Những ngày sau chiến tranh, hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống trở nên thật khan hiếm. Đá lửa, hộp quẹt, diêm quẹt, dầu đốt trở nên thật hiếm hoi, đắt đỏ. lối canh tác độc canh càng đẩy đồng bào đến sự khốn cùng, nghèo khó.  Bà ngoại con dễ thích nghi trước sự thay đổi đời sống. Bà vốn quen thương khó, lặng lẽ và cam chịu. Bà không kêu ca, phàn nàn như ông ngoại quen được cung phụng và nuối tiếc quá khứ. Không có dầu đốt ư? Bà lặng lẽ nạo dừa thắng dầu để nấu nướng, để đốt. Bà còn đi lượm  những trái mù u về làm thuốc trị ghẻ cho trẻ em, vừa để thắp sáng. Ngọn đèn mù u bốc mùi khét lẹt, hăng xè. Đèn dầu dừa xanh xao, vàng vọt. Nhưng những thứ ấy cũng không đủ để thắp sáng suốt đêm. Đèn tắt muốn đốt lên phải đi mồi lửa. Bà ngoại con đã giữ lửa từ ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác bằng rơm con cúi. Bà dùng những lọn rơm tết vào nhau. Con cúi càng chặt giữ lửa càng bền. Giấc ngủ bà ngoại chập chờn, thao thức vì phải  canh những con cúi ấy. Con cúi này cháy tàn bà lại mồi lửa sang con cúi khác. Cách giữ lửa ấy khiến bà ngoại tiết kiệm được  dầu đốt , đá lửa nhưng cũng không kém phần cực nhọc. Làn khói mong manh bốc lên từ con cúi tỏa ra mùi rơm rạ mộc mạc. Khói từ con cúi góp phần xua muỗi. Nhưng bà ngoại không thể yên giấc vì phải đi mồi lửa. Và mỗi sáng, khi  những con cúi đã lụi tàn để lại tàn tro mù mịt. Khói xộc vào mắt, tro bay vào mũi, bà ngoại con vừa quét tàn tro, vừa ôm mặt ho rũ rượi...

 

Mẹ không bao giờ quên được hình ảnh ấy. Bà ngoại con đã lặng lẽ làm người giữ lửa trong suốt những nửa thế kỷ. Sau này lớn lên, con sẽ được học đến bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Con sẽ cảm nhận áng văn của nhà yêu nước, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu một cách sâu sắc, có linh hồn và sâu thẳm hơn khi đọc những dòng cổ tích như là sự thật về “Rơm con cúi”. Rồi mẹ sẽ đưa con về quê ngoại mùa lúa chín. Mẹ sẽ bện những lọn rơm bền chặt, xoắn xít nhau thành con cúi. Mẹ sẽ mồi lửa và con sẽ thấy con cúi đã giữ lửa âm thầm, lặng lẽ như thế nào. Mẹ nghĩ, con sẽ thích thú và cảm động vì điều đó. Con yêu, chúng ta phải biết nuôi giữ lửa trong lòng. Vì ngọn lửa ấy sẽ làm cho cuộc đời con có ý nghĩa. Ngọn lửa trong lòng không ai nhìn thấy  nhưng tỏa sáng, soi rọi cho mọi hành động, mục đích của đời con. Nó là chất men, là sức mạnh giúp con vượt qua bao trở ngại cuộc đời. Nó làm con trở nên năng động, sáng tạo và nhân ái hơn. Có lửa trong lòng, con sẽ trở nên tự tin và mạnh mẽ để bước đi...

 

Rồi khi con lớn lên, đi đến những chân trời, nghe thấy, học hỏi được nhiều, có thêm rất nhiều thứ, mẹ xin con đừng bao giờ quên bếp lửa. Con lớn lên đã nhìn thấy bếp ga. Để nấu nướng, chỉ cần bật nút, lửa sẽ bùng cháy mạnh mẽ. Nấu nướng bằng bếp ga vừa nhanh, vừa sạch sẽ. Gian bếp của những gia đình thị dân thường sạch sẽ, lịch sự, vừa có thể là phòng khách. Nhưng con yêu, chái bếp của một thời khốn khó vẫn còn đây, khi mẹ đưa con về thăm quê ngoại. Nó dường như chẳng thay đổi, dù đã mấy mươi năm. Vài cụm ông táo nặn bằng đất sét, cái sóng chén bằng tre đựng chén dĩa, nồi niêu soong chảo, bọ ngựa, phía trong cùng là những ôm lá khô, vỏ dừa, miểng gáo, mo nang, bẹ dừa... Chái bếp đen đặc mồ hóng vì khói của rơm rạ, lá khô, củi mục... bám lưu niên. Bà ngoại con suốt đời lam lũ, gắn bó với chái bếp hẩm hiu này.

 

Mới sáng tinh mơ, bà ngoại con  đã thức dậy. Mắt còn cay xè, bà cầm con cúi phù miệng thổi lửa. Bà nhóm bếp. Ngọn lửa hồng rực nhảy nhót, thè lên liếm thành nồi. Bằng những chiếc lá khô, củi mục, bà nấu cho ông ấm trà. Rồi bà nấu cơm cho đàn con. Bà quấy bột, pha sữa cho đàn con cũng trong chái bếp đen đặc bồ hóng ấy, có được củi khô đối với bà sẵn trong gian bếp đã là thiên đường. Có những ngày mưa, bà nhóm bếp hoài không cháy. Gian bếp mù mịt khói, nước mắt nước mũi bà cay xè, nhòe nhoẹt trên gương mặt khắc khổ. Nấu được bữa cơm bao nhiêu là vất vả, lại còn thêm cảnh chồng hối thúc món nhắm rượu, đàn con đói bụng khóc nhè. Nước mắt tủi thân của ngoại hòa với nước mắt trào ra vì khói. Chái bếp ấy đã gắn chặt với cuộc đời lặng lẽ, cam chịu của bà. Ông ngoại là người luôn nghĩ đến những việc vá trời lấp biển, rất sốt sắng chuyện làng xã mỗi khi hữu sự, ông luôn nghĩ mình lớn lao nên hầu như chưa bao giờ đặt chân đến chái bếp đàn bà. Ông dường như vô cảm trước đôi mắt đỏ hoe của bà ngoại mỗi khi bếp tắt, củi ướt. Mà cũng tại bà hiền lành, cứ cam chịu nên ông mới ngày càng lấn lướt.

 

Nhưng từ nơi chái bếp đen đặc mồ hóng, mù mịt khói ấy, bà ngoại đã lặng lẽ nhen lên sự sống. Bà làm người giữ lửa. Bà làm nên bao bữa cơm cho chồng, con. Lửa đã giúp bà làm chín thức ăn. Đàn con của ngoại lớn dần lên từ cơm canh được bà lui cui nấu trong chái bếp. Cả những ngày giỗ chạp, cưới xin, bà đã đãi hàng trăm thực khách từ những món chính tay bà nấu. Mà nào đâu bà chỉ làm chuyện bếp núc. Bà còn cắt cỏ, cấy lúa, gặt lúa, làm vườn... Mẹ không đếm hết những việc ngoại làm. Mẹ chỉ biết ngoại là người hay lam hay làm, bà làm việc cả trong giấc ngủ. Nhưng những bà mẹ quê lam lũ, “tham công tiếc việc” ấy đã sinh ra và nuôi dạy những đứa con, đã cưu mang, cung cấp cho đất nước hơn chín mươi phần trăm sức lao động. Không ít người trở thành giáo sư, tiến sĩ, thiên tài, vĩ nhân có nguồn gốc xuất thân từ nông thôn, có một phần đời tuổi thơ gắn bó với chái bếp của người mẹ.

 

Con yêu, mẹ không bao giờ quên được bữa cơm cúng tổ tiên ngày mẹ đậu đại học. Bà ngoại con không giấu được niềm tự hào vì ít ra, nơi cái huyện heo hút miền biển, mẹ trong số ít học sinh trúng tuyển vào đại học. Ngoại cười rạng rỡ. Dường như bao cực nhọc, đau buồn dằng dặc cuộc đời bà bay biến, khi bà cầm trên tay tờ giấy báo đại học. Niềm hân hoan ấy của bà lúc ấy trái ngược hẳn khi ngoại cầm trên tay giấy nhập ngũ hay báo tử của các cậu, dì con...

 

Tháng 9 trời mưa dầm, bếp tắt, củi ướt. Ngoại giết gà nấu xôi. Khói bay mù mịt gian bếp. Những chiếc lá sớm lụi tàn, những miếng vỏ dừa còn ngậm nước bướng bỉnh không chịu cháy. Nấu được bữa cơm, mặt mũi bà và mẹ lấm lem, nhòe nhoẹt nước mắt cay xè. Vậy mà mâm cơm cúng tổ tiên vẫn gọn gàng, tươm tất. Ngoại lâm râm khấn vái: “Người ta là hoa đất. Tôi tên là... đã sinh ra... Gần hai mươi năm nhơ đất, nhờ nước, nhờ Trời nay con tôi lớn lên khỏe mạnh. Nay con tôi phải đi xa, mong học khôn dại xứ người, mở mày mở mặt với người ta. Xin ĐẤT-NƯỚC-TRỜI nơi chôn nhau cắt rún phù hộ cho nó...” Giọng ngoại nghẹn đi. Con yêu, mẹ hiểu ngoại muốn nhắn nhủ với mẹ điều gì: dù có đi đến đâu, học thêm nhiều điều, đừng quên ngọn đèn-bếp lửa của một thời khốn khó...

Trầm Hương
Số lần đọc: 3511
Ngày đăng: 10.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dưới chân con là đất mẹ - Trầm Hương
Huynh đệ thần kê - Hồ Tĩnh Tâm
Xuất xứ - Phạm Lưu Vũ
Những giấc mơ không có - Thăng Trầm
Thư đi thư lại - Trần Kim Trắc
Nhà hiền triết - Trần Kim Trắc
Người dưng khác xứ - Kim Quyên
Sóng ngầm - Kim Quyên
Đêm Noen - Hồ Tĩnh Tâm
Vi rút rừng xuân - Hồ Tĩnh Tâm