Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
588
115.979.573
 
Đêm trăng này nghỉ mát nơi đâu
Trần Hoài Thư

Tiếng la hét cười giỡn càng lúc càng cuồng loạn trong một buổi hoàng hôn âm ỉ chiến tranh. Mặc những chuẩn bị, mặc những sửa soạn âm thầm. Mặc ứng chiến trừ bị, mặc Bắc Bình Sơn Tây Anh Dũng Non Nước, gà cồ gà mái...Chuyện ấy đã có cấp trên lo dùm. Còn nghỉ là còn nhậu. Tôi đã thực sự say rồi. Chỉ chờ đợi một trận mửa mật xanh mặt vàng như mọi bận. Tôi chẳng cần bận tâm với hiện hữu. Chiến tranh, mặt trận, lệnh lạc, bóng những ngọn tháp thân yêu, những thẻ nhang trong một đêm chớm lạnh. Tôi đã hét la, cười sặc sụa, chửi tục như điên. Tôi không ý thức được nồng độ của nỗi buồn, khi nốc hết cốc này sang cốc khác. Bây giờ đầu óc tôi quay vòng vòng. Tôi tự biết mình sắp ngã. Có lẽ chỉ cần đứng dậy, là tôi sẽ cho chó ăn chè. Tôi thở hổn hển, nhắm mắt cố cầm cự cơn chóng mặt ghê khiếp. Gió ngoài đồng trống lại thổi về vù vù. Có tiếng cười chế nhạo bên tai tôi: - Thằng này đã bỏ cuộc rồi anh em ơi. - Đúng là một con gà chết. - Uống vào nữa, con. Rồi con sẽ ngủ. Con sẽ quên. Con sẽ hết cô đơn. Thằng bạn đã vuốt mặt tôi, thằm thì như thể lời ru. Tôi vẫn nằm ngay đơ. Lưng tôi dựa vào thằng bạn. Hắn lại đưa cốc rượu vào ngay cửa miệng tôi rồi tiếp tục vỗ về: - Này, uống thêm với tao một cốc. Một cốc cô đơn. Này có đôi mắt tình nhân trong cốc rượu. Này có ngọn đèn yêu dấu. Tôi muốn bật khóc: - Mày đừng nhắc nữa. - Hãy làm một Phạm Thái, chỉ có rượu mới quên hình bóng của Quỳnh Như. Mắt tôi vẫn nhắm. Tôi van lơn: - Tao lạy mày. Mày đừng nhắc nữa. - Thì uống. Hắn đè tôi xuống, đổ rượu vào miệng tôi: - Cốc này, tao mừng mày còn sống trong đêm nay. Cốc này là cốc để quên Quỳnh Như của mày. Hãy quên để mà uống rượu, làm tình và đánh giặc...

                      

*

 

Chúng tôi say như thế mà lệnh lại không chịu buông tha. Người ta đã không cho chúng tôi nghỉ thêm một giờ một phút. Nghề tăng phái là nghề chó má khốn nạn nhất. Người ta luôn luôn tận dụng tối đa chúng tôi. Hết trung đoàn đến tiểu khu, rồi bây giờ chi khu. Tôi được lệnh khi nằm xịu lơ trên nền nhà. Cái lệnh đến thật không ngờ, giữa lúc chúng tôi cứ nghĩ là chúng tôi sẽ được thả về hậu cứ sau một thời gian dài tăng phái. Như vậy, lại thêm một quận lỵ bị đe dọa, hay một đồn địa phương quân nào đó bị vây hãm đang khẩn cấp đánh những tín hiệu cầu cứu về Sư đoàn. May mà tôi đã ngủ được một giấc và cái say ban đầu đã hình như từ từ tan biến. Tôi chửi thề, và nốc cả bi đông nước lạnh. Cổ vẫn còn thốc khô,và đầu óc vẫn còn choáng váng. Tôi ra hồ, nhúng cả mặt vào nước. Dưới ánh trăng mới mọc bóng của những người lính hiện mập mờ trên sân chợ. Họ bắt đầu tập họp.

 

Vẫn những thủ tục quen thuộc. Tiếng gọi máy thử tần số của thằng Đông với thằng Yên, mang máy cho ông đại úy, nghe rõ mồn một. Dưới ngọn đèn điện của quận đường, những chiếc đầu chụm lại trên bản đồ. Lại một cuộc làm ăn đêm.

 

*

 

Bốn chiếc xe đã đến bốc chúng tôi như dự định. Con đường quốc lộ đen hun hút, hai bên đường là ruộng đồng, và những xóm làng le lói ánh đèn. Gió lạnh thổi vào, se sắt. Tôi ngồi bên cạnh ông trung đội phó. Tôi nghe mùi rượu đế nồng nặc tỏa ra từ cửa miệng của người trung sĩ nhất gốc dân Nùng. Hai chúng tôi im lặng một lúc lâu. Chúng tôi đã quá quen thuộc những lần đi làm ăn đêm như thế này. Đã gần một năm, một thời gian quá dài để có đủ cái chai sạn của một lần ra quân. Tôi không còn có những cảm giác lo âu hay sợ hãi như ngày đầu về làm lính nữa. Bây giờ, tôi là tay lính nhà nghề. Chẳng cần thắc mắc, thao thức, bâng khuâng. Bây giờ, lệnh kêu đi, là đi, lệnh kêu về là về. Lệnh dục tiến là tiến, dục lui là lui. Bây giờ đủ để biết những mánh lới qua mặt đại đội trưởng để dẫn lính vào nhà dân ngủ thay vì phải ra ngoài đồng không, nằm trên gò huyệt. Bây giờ, một chuyến đi là thấy rõ như trước mắt, những gì sắp sửa. Chốt địch phải nhổ. Địch mạnh thì gọi xin pháo binh. Địch yếu thì nhào lên thanh toán. Có trực thăng, sẵn sàng trên đầu, có gà cồ sẵn sàng gáy. Đằng sau xe, cả hai băng đầy người ngồi. Có kẻ đã trùm poncho vì lạnh. Những điếu thuốc được đốt lên trong đêm. Gió mơn man da thịt. Chợt nhớ đến Quỳnh. Và cái khăn tay. Bỗng nhiên tôi lấy chiếc khăn màu lam mà Quỳnh đã tặng, áp vào mặt, vào môi mình, như thể hôn lên một mối tình đã mất.

 

*

 

Đoàn xe đã dừng bên một quận lỵ sau một tiếng đồng hồ di chuyển. Cả quận nghèo nàn, chết lặng từ 7 giờ tối thức dậy bừng loạn như một phiên chợ đêm.. Dân chúng như sợ hãi vì điềm dữ, bắt đầu đóng cửa gài then, và tắt đèn. Lũ chó lại tru tứ bề. Rồi giữa cõi lặng im như tha ma ấy, bỗng nhiên một tiếng loa lại vang dậy: A lô, a lô, yêu cầu đồng bào ai ở nhà nấy, không được ra đường. Anh em quân đội trở về mục đích che chở đồng bào. Xin đồng bào hãy yên tâm. Tiếng nói của ông già mất còn trong cổ họng, rồi yếu lả trong tiếng gió. Lũ chó lại tru. Cả thị trấn như nghẹt thở trong một bầu tai ách vô hình. Chỉ có chúng tôi bây giờ là những chúa tể trong đêm.

 

*

 

"Thiếu úy không biết, xã này là ổ Việt Cộng..."

Thằng truyền tin thì thào với tôi.

"Tại sao mày biết"

"Em là dân  địa phương mà."

"Tao thấy đâu có gì. Dân họ vẫn tốt với mình"

"Đừng tin thiếu úy à. Dân ở đây bên ngoài nói thương lính quốc gia mà bên trong sẵn sàng cắt cổ mình. Đêm đêm chúng tiếp tế đám nẫu trong bưng, đấp mô, đặt mìn, cài chông..."

Rồi hắn nói tiếp:

" Ngày trước, nơi này là chỗ nẫu dừng quân trước khi đi tập kết ra Bắc.Đêm nào mấy ổng cũng nhảy hòa bình với đàn bà con gái trong làng, rồi cho họ cái bụng chửa trước khi ra đi..."

"Để cấy giống"

 

Tôi cười nói với thằng đệ tử thân tín.

Có phải vậy không. Những ngôi làng chúng tôi đi qua, những người dân, ông già, bà già, con nít, chúng tôi đã gặp. Họ lạy chúng tôi. Họ khóc lóc thảm sầu. Họ làm chúng tôi không dám quăng lựu đạn xuống hầm, không dám bắn vào đám đông, không dám gọi pháo binh dập dù biết chắc kẻ địch dang chờ chúng tôi với khẩu tiểu liên Tiệp Khắc. Bên ngoài họ đau khổ khốn nạn đáng thương như thế đó, nhưng đằng sau họ, là những cán cuốc, cái búa, lưỡi dao bén sắc có thể cuốc hay bửa vào đầu chúng tôi. Không thể tin vào cái thẻ căn cước để chứng tỏ họ là dân vô tội.Rõ ràng chúng tôi phải mệt thở, phải điên khùng vì cái cuộc chiến quá kỳ lạ này. Cái cuộc chiến không có giới tuyến, không có lằn ranh, không có người khác ngôn ngữ, màu da, như Tàu, Tây để mà dễ dàng vùng lên giết quân thù. Cái cuộc chiến mà kẻ thù vô hình vô ảnh. Ma rình rập khắp nơi. Có thể là đám dân hiền lành đang gặt lúa trên đồng, hay thằng nhỏ chăn trâu. Có thể là đám đàn bà đang ngồi trước nhà nhìn bọn lính đi qua, để rồi đi báo cáo...

                                                                   

*

 

Đại bàng chấm điểm làm  ăn đêm. Tôi khoanh trên bản đồ bằng bút chì mỡ và trở về trung đội. Bóng tối khiến đám quân mập mờ như bóng ma. Tôi soi đèn pin trên bản đồ, rồi nói với ông trung đội phó: Đêm nay mình nằm chỗ này. Tình hình có vẻ nghiêm trọng lắm, trung sĩ. Tôi nghe quận kế cận đã bị mất. Ông kêu anh em chuẩn bị zulu. Ông Tướng không nói. Ông đã biết công việc của ông. Cắt đặt trực gác. Chia tổ nào đi đầu. Tổ nào đi sau. Thay mặt tôi phạt những tên lính ba gai. Lại có tiếng chó tru. Tiếng tru dội về dài buồn thảm. Tự nhiên vầng trăng lọt vào mây, và bầu trời  trở nên tối mịt. Người lính tiền sát hỏi tôi, đi lối nào. Tôi bảo hướng về phía núi. Nó nhắm hướng tìm đường. Lũ chó lại thi nhau sủa. Thằng Đông truyền tin chửi: Tổ cha bọn bây, ông mà tóm được, ông nhúng ngay vào nồi nước sôi thì hết sủa. Tôi cười thầm. Lại tên này nữa. Chỉ mỗi một mình nó là thằng nhiều chuyện nhất.

 

Chúng tôi bắt đầu đi. Bây giờ chúng tôi chẳng khác đoàn quân ma. Trời ơi. Đêm. Dưới ánh trăng, con kênh chảy xiết, nước xoáy mạnh. Người lính tiền thám ngần ngừ dừng lại. Cả toán dồn cục chờ đợi tôi. Tôi hỏi sao lại đứng vậy, rồi bỏ thằng truyền tin tiến lên đầu. “Nước chảy dữ, thiếu úy”. Trong đêm ngạt thở, chỉ nghe tiếng nước chảy cuồng nộ.

 

*

 

Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được địa điểm làm ăn. Một gò mối nổi lên giữa đồng không mông quạnh. Tôi thì thào với ông Tướng: Chỗ này được trung sĩ. Hơi rượu đế nồng phả vào mặt tôi. Tôi hỏi: Ông uống rượu nhiều lắm, phải không. Ông Tướng trả lời: Đâu có nghĩa lý gì, thiếu úy. Vâng. Tôi biết ông coi rượu như nước. Ông nhớ bảo chúng nó đừng ngủ gục. Phải nhớ mật lệnh. Ông Tướng dạ, rồi bỏ đi. Còn lại tôi cùng Đông, người lính truyền tin. Chúng tôi báo cáo về bộ chỉ huy tọa độ phục kích. Tròn đang tìm chỗ nằm để trải tấm poncho. Tôi nhìn về phía xóm. Không có một ánh đèn. Chỉ nghe đìu hiu tiếng chó sủa rời rạc. Chắc chó sủa trăng. Những khóm dừa in trên nền trời trăng sáng. Những khóm tre in thành vệt thẩm. Cánh đồng loang loáng ánh trăng. Chắc đêm nay rằm hay 16 gì đó. Gió đêm mơn man. Bóng những người lính ẩn hiện. Khung cảnh làm tôi phải xúc động muốn ghi lại trên giấy. Tôi xúc động thật sự. Những đứa con tôi, và cả tôi nữa, họ côi cút như vậy, âm thầm chịu đựng như vậy, có ai cảm thông cùng họ ? Có ai đêm nay tự hỏi giờ này họ đang làm gì, tại sao ta được bình an. Và cả Quỳnh nữa. Em làm sao biết đến giờ phút này, trong túi anh vẫn còn mang theo chiếc khăn tay màu lam của em. Không phải là em gởi về anh những nhớ nhung trên đường kim sợi chỉ, mà gởi theo lòng dạ vô tâm. Trời ơi. Tại sao ta lại chôn hoài trong con tim một nấm mộ đã tàn nhang khói. Nhìn lên trời, trăng tròn và sáng vằng vặc. Chỉ có vầng trăng mới là tình nhân của ta lúc này. Cả một không gian như sáng láng. Cả một vùng đồng không cũng sáng láng màu trăng. Và ngọn đồi trước mặt cũng vậy. Có người nói, người nghệ sĩ là kẻ rất giàu. Hắn có đất trời vô lượng, có trăng sao, có vẻ đẹp, có những thứ mà người thường không thể có. Thì ta đang có đây. Có tất cả. Còn hơn thế nữa. Có cả gian truân nhọc nhằn. Có cả niềm hãnh diện. Có cả cái kiêu ngạo. Có cả cái sống và cái chết. Nhưng ta không thể có em. Em biết không. Hỡi Quỳnh yêu dấu./.

 

 

Trần Hoài Thư
Số lần đọc: 1774
Ngày đăng: 12.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tầng Trệt Thiên Đường - Bùi Hoằng Vị
Chuyện Ngày Xưa - Ngy Sơn
Một Truyện Trả Thù - Vũ Anh Tuấn
Kẻ săn chó - Lưu Thuỷ Hương
Đêm Qua Hoa Chết - Quý Thể
Vũng - Phạm Phương
Em Đi Thêm Một Đoạn Đường - Lê Văn Thiện
Cường Hào Thời @ - Xuân Tuynh
Đường viễn xứ - Lưu Thuỷ Hương
Tiếng Hát Lúc Nửa Đêm - Trần Minh Nguyệt