Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
663
116.003.334
 
Chuyến lữ hành tạo bản sắc
Lê Hải*

Khái niệm narrative từng được dịch sang tiếng Việt là tự sự[1], tức là cách hiểu auto-narrative, hay bản sắc cá nhân hình thành qua một chuyến đi. Đúng như vậy, lữ hành là một hiện tượng trong đời sống xã hội, được tổ chức xung quanh những khuôn mẫu ứng xử đã định hình trong văn hóa. Đặc biệt nhất là những chuyến đi của nghệ sĩ và những dấu ấn sau đó trong các tác phẩm, mà không phải lúc nào cũng là trực tiếp đề cập đến chuyến đi và thường là các cốt truyện chưa hoàn chỉnh nằm trong các tác phẩm khác nhau. So với lối tiếp cận cá tính văn hóa (dân tộc) của Ruth Benedict (patterns of culture) thì tự sự có sẵn thời gian, chuyển động và vốn là một quá trình. Chuyến đi không nhất thiết phải tạo ra hay làm thay đổi bản sắc, nhưng nhờ thay đổi môi trường xung quanh mà nó tạo ra các điều kiện thích hợp cho quá trình đó.

 

Với văn hóa phương Tây, ra khơi là điều cần thiết – navigare necesse est – và mỗi chuyến đi thường bắt đầu bằng cách đọc những gì người đi trước đã trải nghiệm, tạo ra một “sơ đồ cốt truyện” (narrative scheme). Truyền thống văn hóa Ba Lan có một loại hình gia phả rất đặc biệt – silvae rerum - nhắn gửi lại cho thế hệ sau những con đường cần đi qua[2] để trưởng thành. Thông lệ đọc sách du hành tạo ra thị trường lớn cho các sách hướng dẫn du lịch để người ta[3] đọc, và cả những sách chia sẻ trải nghiệm (travelogue) để người ta có thể đọc trong lúc du hành. Bên cạnh những chuyến du lịch, hành hương, vui chơi, mua bán, ngoại giao, khai phá v.v. thì chuyến lữ hành mang tính giáo dục[4] là điểm nổi bật trong văn minh phương Tây từ sau thời Phục hưng.

 

Câu chuyện về một chuyến đi là cốt truyện phổ biến như Wladimir Propp từng khái quát từ những câu chuyện cổ tích khác nhau. Nhân vật chính với một số mục tiêu định trước gặp những khó khăn trên đường, mà qua những sự kiện sẽ đạt được đích đến hay chịu khuất phục. Đó cũng là kết cấu phổ quát mà người nghiên cứu văn học có thể dùng để khảo sát tác phẩm văn học. Chuyến đi được coi như một hành vi, mà nhân vật chính là lữ khách, trong lúc vượt qua khoảng không sẽ gặp những khó khăn và nguy hiểm được dự đoán trước, hoặc không thể đoán trước được. Trong chuyến đi người du khách sẽ tích lũy thêm các vật như là vé vào cửa, quà lưu niệm, ảnh chụp v.v. nhưng những gì để lại trong tác phẩm thường là được tái dựng sau chuyến đi. Với cách nhìn này – như một thám tử tìm dấu vết chuyến lữ hành tạo bản sắc mà tác giả để lại một phần trong tác phẩm - hi vọng sẽ có thêm những bài bình giảng văn học lý thú.



[1] Theo giải thích của một blogger tại Việt Nam, cho thấy ảnh hưởng từ tư duy của Paul Ricoeur mà tác phẩm [Chính mình như một người khác] Soi-même comme un autre đã được dịch sang tiếng Việt - bản gốc tiếng Pháp có thể đọc trên mạng miễn phí ở địa chỉ http://www.scribd.com/doc/12105831/Ricoeur-Paul-SoiMeme-Comme-Un-Autre

[2] Văn hóa Việt Nam có lẽ chỉ mới dừng lại ở chuyện phát động việc đi như trong ca dao tục ngữ: “đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, hay là “làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng”, hoặc “đi một ngày đàng học một sàng khôn”…

[3] Ta ở đây có lẽ chủ yếu là người phương Tây, chứ còn hiện tượng người Việt đọc sách lữ hành còn quá hiếm và thị trường sách lữ hành hầu như không tồn tại.

[4] Thời thuộc địa ở Việt Nam, bộ sách của Jean Marquet về “Năm đóa hoa Đông Dương” (Les cinq fleurs: L’Indochine expliquée - xuất bản năm 1928) từng được dùng làm sách giáo khoa cho trẻ em Đông Dương. Quốc Văn Giáo Khoa Thư cũng có phần được tổ chức theo kết cấu lữ hành, đưa trẻ em “đi” theo đường xe lửa Đông Dương thăm Sài Gòn hay về quê thăm con trâu, viếng chùa, xem việc nhà nông…

Lê Hải*
Số lần đọc: 1893
Ngày đăng: 04.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ Cốt truyện đến Bản sắc - Lê Hải*
Võ Phiến những năm 1960 - Nguyễn Vy Khanh
Những Văn-Ảnh Có Chất Thơ Trong Triết Học - Trần Văn Nam
Cái Chết trong Văn-Chương: từ Siêu Hình, Lãng Mạn đến Kinh Dị và Trinh Thám - Nguyễn Vy Khanh
Xã Hội Học Của Sự Cô Đơn - Hamvas Béla
Cộng-đồng người Việt ở ngoài nước 30 năm sau - Nguyễn Vy Khanh
Nhà văn trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Brueghel - Hamvas Béla
Hồn phố qua những con đường trong nhạc Trịnh Công Sơn - Trần Hoài Anh
Văn Học Miền Nam Tự-Do 1954-1975 - Nguyễn Vy Khanh
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)