Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
757
116.508.230
 
Trương Đình Quế Kẻ Rong Chơi Không Tuổi
Nguyễn Tấn Cứ

Những cuộc rong chơi dường như không bao giờ dừng lại với Trương Đình Quế, mới  thấy ở Sài gòn đã thấy bóng dáng của Điêu Khắc gia nầy ở Đà lạt, mới thấy ở Đà Lạt thì thoáng thấy lão ngoan đồng nầy đang ở Nông trại của mình ở Long khánh,  nơi mà lão hay mời mọc anh em về chơi với lời nài nỉ “ bọn bây xuông chơi đi, nhớ dắt theo người yêu, xuống mà tắm tiên, bảo đảm tau không có nhìn đâu “ nói xong lão cười he he, bằng một cái nhìn hấp háy hồn nhiên, Lão luôn luôn làm cho anh em văn nghệ vui vui khi chén tạc chén thù, ở Trương Đình Quế dường như không bao giờ có nỗi buồn, lão không có thủ đoạn như một số ít đồng nghiệp khác, với một Điêu khắc Gia có tiếng như lão thì việc tìm kiếm nhưng công trình tầm cỡ là không khó, nhưng người ta chỉ thấy Lão Quế rong chơi ta bà hết chỗ nầy đến chỗ khác, nhưng công trình của lão thì thường khi chỉ nằm trong giới hạn của những cuộc vui, anh em ai muốn có chút hư danh khi đang còn sống, muốn lão tạc tượng “lưu lại cho hậu thế “ thì cứ nhờ lão sẽ làm ngay , tiền nào của đó, muốn tượng đá có đá, muốn tượng cát có cát, muốn tượng đất có đất, có bao nhiêu lão cũng làm tất, như mới đây thôi lão nhận một công trình phù điêu cho biệt thự của một Đại Gia ở Đà lạt nghe lão nói là được mấy chục triệu gì đó, nhưng công trinh chưa xong mà lão đã nướng hết mười mấy hai chục triệu rồi, lão nói không chừng lỗ chỏng gọng, lão cười hi hì khi dắt anh em đi nhậu rồi cũng rất hồn nhiên khi ngã mái đầu bạc trắng vào ngực một em gái ngủ ngon lành, trước khi nói một câu hồn nhiên “ em cho qua ngủ một chút !!! “

 

 

Tác giả bài vết và Trương Đình Quế

 

Ít ai biết rằng Trương Đình Quế đã từng tốt nghiệp xuất sắc ngành Hội Họa Điêu khắc Mỹ Thuật Gia Định năm 1963, đã từng dạy Trương Mỹ Thuật Huế, và sau 1975 về dạy lại trường Mỹ Thuật gia Định, đã từng tham dư nhiều trại điêu khắc Quốc tế như Trại Sáng tác ĐKQT ở Công Viên Bách Thảo Hà Nội năm 1997, Trại sáng tác ĐKQT An Giang Châu Đốc Năm 2005 và nhiều cuộc triển lảm trong nước mà cụ thể nhất là cuôc triển Lảm ở Hội nhà Báo Tp HCM năm 1993 với tác phẩm “Trầm Tưởng Lưởi Đao “ rất đươc anh em trong nghề phải ngã mủ kính phục . . . học trò Lão ra trường có người đã thành danh phận, nhìn vào lí lịch có vẽ đàng hoàng đứng đắn vậy mà không hiểu sao lão lại thích rong chơi đến vậy, nhớ những năm 80, 90 khi còn ở Quán 81 trần Quốc Thảo, khi ấy anh em văn nghệ Sài Gòn hay tụ lại uống bia, lúc nào thấy Trương Đình Quế xuất hiện là anh em kêu lên “ Quế Công Công- Lão Ngoan Đồng đã đến “ đây là biệt danh mà anh em văn nghệ đặt cho TĐQ, vì lão có một tật dễ thương là khi uống xỉn là lão đọc thơ vi vút dù thơ lão mà đọc là anh em thấy . . . sợ, và nếu có em gái nào mà lão “ kết “, nói theo cách của lão, thì Quế nhà ta hào phóng đến kinh hồn bao nhiêu tiền trong túi là Quế nhà ta tiêu cho bằng hết, hồi ấy không biết vì sao lão có nhiều tiền thế không biết, nhưng theo anh em hiểu thì Lão hay bán đươc tranh tượng cho những địa chỉ mà chỉ có Lão mới biết, Lão còn có một cái tật quái chiêu nữa khi xỉn quắc cần câu là ngủ, cách lão ngủ không phải là trên bàn trên giường, mà lão gác hai chiếc ghế và nằm ngay trước cửa . . . toilet , báo hại khi anh em nhậu muốn giải quyết bầu tâm sự đều phải bước qua cái xác của lão để vào bên trong, và khi xong rồi cũng vậy cũng phải nhè nhẹ bước lại không làm kinh động giấc ngủ của lão, không phải anh em ngán sợ gì lão đâu, anh em chỉ thấy thương cái lão Ngoan Đồng đó thôi.

 

Hồi ấy Lão có một chiếc Moto phân khối lớn, tướng tá lúc ấy còn phong độ ra phết, khi ngủ đã đời lão thức dậy và chuẩn bị cho một cuộc rong chơi  mới. . . lão thường hay chở tôi đi trên chiếc xe kinh khủng đó, đích đến là quán của mấy em, nói thật là tôi thường hay gài độ, dụ dỗ lão, tôi nói rằng: Quán đó có mấy em ngon lành lắm.  cứ nghe gái là lão “kết “ liền, và dục tôi phải tới đó ngay, lão làm như ngày mai  tận thế không bằng, và kết cục cho những buổi nhậu không tiền – không có tiền – khoáng hậu đó là, Lão “cắm” lại chiếc xe cho chủ quán và đi xe thồ về nhà,  đến sáng hôm sau, Lão tỉnh queo nói dối với vợ là “ xe bi Công an bắt nhốt, em đưa tiền cho anh đóng phạt để lấy xe về “ vậy mà vợ lão cũng tin sái cổ, móc tiền đưa cho lão tới trả nợ cho mấy em và lấy xe về, viết tới đây thì tôi cũng xin ngã mũ bái phục cái đức hi sinh các bà vợ của mấy tên nghệ Sĩ như Trương Đình Quế .

 

Trong một tấm ảnh đã ngã màu, đươc chụp sau 1975, lão và Bùi Giáng , nhà thơ Huy Tưởng , tấm hình nầy được MPK   “phục chế “ lại , nhìn ba dị nhân Văn chương ngồi vắt vẽo trên hè đường Bà Lê chân Tân định mà thương cho tuổi trẻ một thời khi ông cách mạng đến và . . . giải phóng, nơi ấy là quán cafê của Huy Tưởng , cũng là nơi là cà của dân văn chương Sai gòn, thất cơ lỡ vận, người thì đi bán ve chai, người thì đi bán sách, người thì đạp xích lô, và có một người chuyên môn đi xích lô và ngồi luôn trên xích lô nhậu là Thi Sĩ Bùi Giáng, người thì đi Kinh tế mới trốn ngược về thành, một địa chỉ mà có thể nói rằng độc nhất vô nhị vì nó qui tụ hầu hết anh tài của miền nam cũ, và cũng từ đây họ cũng đã vượt biên ra đi, người thì đi lọt tận Mỹ  Úc, người thì vượt hoài mà không được bị bắt và đi cải tạo và ở lại với quê nhà cho đến bây giờ, tấm ảnh cho thấy ba người thì có hai người đã ra đi. một Bùi Giáng đã cởi thơ về trời, hai là Huy tưởng thì sau một thời gian mở quán FAIPO ăn nên làm ra, nay cũng bỏ xứ mà đi định cư bên Úc, chỉ còn lại lão Ngoan Đồng ở lại, Lão ngoan đồng mở ảnh cho tôi xem, và nhìn thấy trong ánh mắt già nua kia một màn sương đục. . . nếu ai có dịp ghé quán Đất Phương Nam ở Huỳnh Tịnh Của q3 sẽ nhìn thấy bức tượng bán thân của Bùi Giáng được đặt trang trọng ngay giữa quán, đó chính là tác phẩm của Trương Đình Quế, một bức tượng mà anh em phải nói rằng, thán phục bởi Trương đình Quế đã lột hết cái thần của Thi Sĩ Bùi giáng, tượng đươc đúc bằng đồng và nghe đâu lão Quế cũng làm không công, vì như lão nói: Thi sĩ Bùi Giáng xứng đáng để lão tạc tượng mà không đòi hỏi một chut thù lao nào, lão nói anh em cho vài chầu nhậu là vui rồi.

 

Tôi với Trương đình Quế thì có rất nhiều kỉ niệm, cũng như có quá nhiều kỉ niệm với hầu hết anh em văn nghệ Sai gòn, cái thời mà ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau ăn nhậu lu bù cho quên đi nỗi buồn thởi cuộc, rong chơi hết quán xá sài gòn, nói theo kiểu Bùi Giang là “ Sài gòn chợ lớn rong chơi, đi lên đi xuống đã đời . . . du côn “ , những Cung Tích Biền, Kinh dương Vương Nguyễn Quốc Chánh, Đoàn thạch Biền, Bùi chí Vinh, Nguyễn Nhật ánh, Trần tiến Dũng,  Phù Hư, Nguyễn Tôn Nhan- Đoàn Vị Thượng, Trần Từ Duy . . . và  nhiều người khác mà nếu có dịp tôi sẽ nhắc đến  với những kỉ niệm cùng họ, thời gian trôi qua như một giấc mơ, kẻ còn người mất, nhưng kỉ niệm  anh em thì không bao giờ mất đi, viết về một Trương Đình Quế cũng là một cách hâm nóng những kỉ niệm đã  phai tàn, như nghe trong giọng nói có mùi. . . tàn phai {TCS] của một kiếp người, nó cho thấy một thời chúng tôi đã sống như thế, một thời mà không phải ai cũng có thể sống được, nếu không có một chút lãng mạng, điên điên và ân tình của văn chương, bây giờ nhìn lại và không cảm thây xấu hổ gi với những kỉ niệm mà mình đã có, sống hồn nhiên không toan tính lọc lừa, không mua danh bán chức, chúng tôi đã trôi qua và  vẫn còn trụ lại với những hoài vọng văn chương của mình – mỗi người mỗi cách-  cho đến tận ngày hôm nay, mặc cho cuộc sống có đổi thay, mặc cho chế độ nầy suy tàn, chế độ kia sụp đổ, văn chương vẫn là văn chương như của chính nó, như cuộc rong chơi của Trương Đình Quế vẫn còn đó, những tác phẩm Điêu Khắc cúa Quế vẫn còn đó, tôi biết nó không phải là những công trinh vĩ đại như  công trình“ Điên Biên Phủ “, không phải là những công trình Anh Hùng bằng đồng bằng đá, hay nịnh nọt tạc tượng lãnh tụ để có được bổng lộc giàu có phi nghệ thuật, thứ bổng lộc vinh thân phì gia chỉ có được nhờ những âm mưu, những liên minh ma quỉ , những công trình được dựng lên bằng sự “rút ruột hút xương máu “của nhân dân , của những nhà Điêu khắc Gia  mà tên tuổi  của họ đã “lừng Danh cơ hội “ trong làng và hơn thế họ được biết đến nhờ vào sự ma mãnh và thủ đoạn cấu kết của họ  với những kẻ quan lại cường quyền háo danh  đang ngày ngày nhởn nhơ trên đất nước nầy. . . Trương Đình Quế không bao giờ là như vậy, và không bao giớ có đựơc những công trình như vậy, vì Lão biết rằng đó không phải là những tác phẩm Nghệ thuật, Đó chỉ là những công trình “ruổng nát “ nó không nằm trong những cuộc rong chơi  của lão và anh em, và chắc chắn nó không bao giờ có trong những giòng kỉ niệm nầy!.

 

Tin mới nhận đươc qua email ,  ngươi ta lại thấy Trương Đình quế đang lang thang ở tận Nha trang….

Nguyễn Tấn Cứ
Số lần đọc: 3107
Ngày đăng: 09.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhịp điệu - Thái Nhật Minh
Thiếu nữ khoả thân ( thạch cao ) - Lê Văn Mậu
Sự kỳ ảo của những người thợ rèn - Nguyễn Thu Thủy
Quả địa cầu - Vũ Bích Đào
Dấu Ấn An Giang - Trương Công Khế
Bàn tay - Khuyết danh
Bên nhau - Khuyết danh
Chim lửa - Khuyết danh
Cô gái vuốt tóc - Khuyết danh
Mối quan hệ - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Missing. (thơ)
Giận. (thơ)
RáC ... (thơ)