Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
746
115.995.099
 
Khi Nhà Thơ Đi Vớt-Lá-Trên-Sông
Nguyễn Phú Yên

Cao Thoại Châu (CTC), một khuôn mặt thơ ca từ miền Nam trước năm 1975 với giọng thơ trữ tình và thâm thúy một cách đôn hậu. Hơn bốn mươi năm tôi chỉ gặp anh có đôi lần, cho nên nếu có hiểu anh thì không phải bằng sự hội ngộ ngắn ngủi ấy mà bằng chính con đường văn chương mà anh một đời gắn bó bền chặt, ở đó anh đổ bao say đắm đến miệt mài sinh tử. Có thể nói CTC đồng nghĩa với văn chương, ngoài ra không còn gì khác. Nói thế để hiểu rằng chính văn chương của anh đã tạc ra dáng hình anh, đã vẽ nên con người thực của anh một cách rõ nét. Chính văn chương, ở đây là thơ ca, đã dung nạp anh, hay ngược lại cũng vậy, anh đã dung nạp cả một trời thơ ca sáng láng. Với anh dường như thơ ca đã vận vào đời mình như một định mệnh. Anh đã tồn tại bằng cảm xúc thơ ca của mình, nói cách khác, thơ ca là một cách thế để anh hiện diện với đời. Mấy mươi năm như thế, dù bao vật đổi sao dời, dù bao thăng trầm thế sự, dù cuộc đời dâu bể, anh vẫn là người chung thủy với thơ ca.

    

Nhưng hôm nay trên tay bạn không phải là một tập thơ. CTC đến với chúng ta bằng một diện mạo mới. Khác với thơ như một sự òa vỡ của cảm xúc, ở đây CTC tự thu mình lại để ném cái nhìn vào đời, vào sự vật ngoại giới, vào quá khứ cũ kỹ của nội tâm, vào thế giới hoài niệm mãi ấp ủ trong lòng. Giờ đây là trọng lượng của từng con chữ mà anh nâng niu, dễ dàng lấy ra như từ trong túi mà xếp đặt để nói cho thấu lý đạt tình với người tìm đọc văn của anh. Nhưng đôi khi anh cũng chỉ nói với chính mình thôi, như một sự giãi bày với thân phận. Đời ra sao anh cũng chỉ cảm xúc và suy nghĩ như thế. Những trang sách triết học của một thời như một sự tra hỏi cuộc đời xoáy sâu mải miết vào lòng anh và anh chợt nhớ ra một điều, “tôi suy nghĩ vậy là tôi hiện hữu”. CTC muốn hiện diện với đời nên dường như lúc nào anh cũng phơi bày những suy tưởng của mình lên mặt giấy. Có lẽ anh nghĩ rằng cuộc đời sẽ lãng quên anh ngay nếu một ngày nào đó anh không còn suy tưởng được nữa. Có vậy mà CTC đều đặn miệt mài viết như một đứa trẻ mải vui đùa với thứ đồ chơi của mình. Ngày trước giữa một cuộc sống quá ư tàn khốc, giữa ngọn lửa chiến tranh như muốn đốt cháy cả một thế hệ, giữa những khắc khoải siêu hình, vậy mà cảm xúc thơ của anh vẫn dạt dào và thanh thoát. Ngày nay giữa bộn bề bình yên, anh vẫn tẩn mẩn, vẩn vơ bên ngoài cái hào nhoáng não nề của cuộc sống để trở về với nỗi u hoài hiu hắt, niềm im lặng quạnh hiu, sự khép kín rỡ ràng của chính mình, tuy vậy anh vẫn không hề mất đi cái khoáng đạt của tâm hồn. Trong văn chương của anh, chúng ta không tìm thấy một cánh bướm Lão Trang nào nhưng cũng không hề tìm thấy bóng dáng người khách lạ hiện sinh nào cả. Chẳng có viễn tượng gì ghê gớm, đơn giản văn chương của anh chỉ ươm mầm cảm xúc và suy tưởng từ thực tế cuộc đời quá đỗi thân thiết đã cho anh cả một trường thiên ngọt ngào lẫn đau thương.

    

Giờ đây dường như anh đang góp nhặt những trầm tư theo từng năm tháng để gieo mối giao cảm cho những ai yêu sự trìu mến của cuộc đời, và trên hết để trả lời cho những thao thức bất tận về con đường trần thế. Theo thời gian anh vẫn không ngừng thưa gửi, không ngừng lột tả cái sâu kín, cái thâm trầm của một tâm hồn dễ rung cảm, của một trí năng biết phân tích một cách tinh tế và lý sự phân minh trước mỗi hoàn cảnh đời.

    

Tập sách “Vớt lá trên sông” (một loại tạp bút, tạp văn, tản văn, tản mạn, nhàn đàm, tùy bút…) như một phác thảo về chính con người và cuộc đời của CTC. Bức tranh chỉ là những nét chấm phá thủy mặc nhưng đã cho ta thấy tính cách tâm hồn một nhà thơ, người đi xuyên hết một số phận thăng trầm mà vẫn giữ được nét tinh khôi kỳ thú. Dường như ta thoảng thấy đâu đây nụ cười thần bí của một người vừa bước lên từ vực thẳm, ngắm nhìn thiên nhiên rực rỡ, mặt trời chói chang và cuộc đời xôn xao ngoài kia. Và anh đã trải lòng mình ở đây, bằng ngôn từ dung dị, không kiểu cách, chẳng ẩn ngữ như một ký hiệu ước lệ để mà nhận ra nhau, đến với nhau. Anh đã phác họa chân dung mình là một cậu bé lớn lên từ căn nhà trọ phố thị ở thành Nam, khi lớn lên vào sống ở đất phương Nam đô hội rồi trải qua một thời binh lửa khốc liệt, bước qua mọi gian nan khổ ải để rồi ung dung tự tại làm một người thầy đi rao giảng cái đẹp. Đôi khi anh tự thú cho mình là kẻ “hư từ nhỏ hư lên” nhưng thật ra làm một người như anh thật khó. Từ thơ bé anh đã biết yêu “tiếng nước tôi”, yêu “quốc văn giáo khoa thư”, yêu “những người thầy” cho dù đến “hoàng hôn mini của tôi” cũng vẫn đam mê ngôn ngữ văn chương như một thứ nhan sắc quý báu của cuộc đời. Bây giờ biết có mấy ai yêu đến độ say đắm như vậy chăng? Một tâm hồn mẫn cảm dễ yêu từ mớ âm thanh hỗn độn của “tiếng động Sài Gòn” trên bước đường lưu lạc cho đến một “tiếng gà trong trại cải tạo” tuy đơn sơ nhưng sao mà hiếm đến vậy, yêu “con Misa đã chết, con Mí lại ra đi” như những kỷ vật thân quen bỗng chốc rời xa cho đến yêu cái thời khắc êm đềm biết lắng nghe mùi cỏ mục trong “đêm ở vùng quê Đức Hòa”. Nghĩa là mọi thứ đều có thể dội vào trái tim anh và rồi vang vọng những tiếng lòng khe khẽ, như muốn hòa âm với những tâm hồn đồng điệu. Anh yêu một thời lãng mạn của chính mình khi mới tuổi đôi mươi biết làm thơ tình dù không biết để gửi cho ai, yêu cả những tháng năm lạc loài trong cuộc chiến, yêu phút giây chở che cho cô chủ quán của phía bên kia khi còn đang mặc áo lính thời “chênh vênh một bến phà”, yêu những dáng người khốn khổ bị tước đoạt tiền của “ở một nơi gọi là Năng Gù”, yêu những kỷ niệm não lòng của “một thời ngỡ như cổ tích”, yêu “quê nhà” cũng như yêu cả nơi “lưu đày” đã cho anh một đời phiêu bạt làm vốn liếng để thăng hoa thành cảm xúc thơ ca.

    

CTC vẫn như thế đấy, thế giới riêng của anh lúc nào cũng xôn xao, cơn sóng ngầm vẫn lặng lờ mà không chìm khuất, con tim bao giờ cũng như chờ đợi một cái gì sinh động để làm mới cõi lòng mình: nắng chiều có thể rực rỡ hoặc tàn phai, thiên nhiên có thể tươi màu hoặc héo úa, dù như thế nào hoặc có ra sao thì cũng cứ đổi thay như trời đất bốn mùa, đừng chết lặng hiu hắt và nhạt nhòa như cầm tù cuộc sống, hãy cứ sinh ly tử biệt nhẹ nhàng như sự xoay vần của tạo hóa. Có thể vì vậy mà CTC lúc nào cũng mang dáng vẻ của một khách lữ hành sắp sửa ra đi, dù miệng đã khô chân đã mỏi và mắt đã không còn tinh anh. Sá chi đường đời chỉ là sạn đạo, hình như CTC thầm thì như vậy. Phải rồi, ra đi là dịp đối cảnh sinh tình, từ nội tâm phóng ra ngoại cảnh và từ ngoại cảnh thu về nội tâm. Cuộc phối ngẫu đó hiển nhiên và văn chương từ đó mà ra. (Dĩ nhiên văn chương của mỗi người đều nhập nhòe cái bản ngã của chính mình). Anh cho đi là anh nhận lại, phải chăng cuộc đời vốn dĩ từ tâm.

    

Vì thế cho nên CTC hiểu ra và lắng nghe lời nhắn nhủ của André Gide khi nhà văn nói với nhân vật của mình: “Nathanael ơi, hãy ngắm nhìn những nơi anh đi qua, nhưng đừng bao giờ dừng lại…Điều quan trọng ở trong cái nhìn của anh chứ không phải ở vật anh nhìn” (Thực phẩm trần gian). CTC nghe ra và anh cũng không dừng lại đâu. Anh đang bước đi đấy trong cuộc đời, cả về trước lẫn về sau, bằng cái nhìn riêng của anh, tiếng nói riêng của anh, có lúc hào sảng nhưng cũng có lúc tê tái. Nhưng không hề chi, bởi cuộc đời vốn như vậy. Điều quan trọng là những gì anh để lại cho ta - văn chương của anh - bởi như người xưa nói, thốn tâm thiên cổ, tấc lòng lưu vọng ngàn năm./.

 

Sài Gòn, 8-9-2010

Nguyễn Phú Yên
Số lần đọc: 1621
Ngày đăng: 17.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vấn đề biển đông: Mọi mưu đồ giải quyết song phương nhất định sẽ bị phá sản. - Đinh Kim Phúc
Công Án Thiền Là Một Đối Tượng Nhận Thức? - Đại Lãn
Lòng Ái Quốc! Tại Sao Không? - Ban Mai
Trung Quốc với Biển Đông: “Láng giềng hữu nghị” hay “Chủ quyền thuộc ngã” - Đinh Kim Phúc
Sâm Thương, tôi không còn có ảo tưởng về chính mình - Nhiều Tác Giả
Những chặng đường Việt Nam - Lê Hải*
yêu thương nhân hậu - Thường Như
Tản mạn về dục-tính và nữ quyền - Nguyễn Vy Khanh
Ba nhà văn: ba cái nhìn về hiện tình văn chương hải ngoại - Nguyễn Khoa Thái Anh
Những thứ ở cùng hà mã, chó, chim và cá - Lý Đợi