Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
527
116.585.999
 
Những Lần Ra Mắt Sách 1
Nguyên Minh

NHỮNG NGƯỜI CÙNG ĐI THỜI MỚI LỚN

 

Lần đầu tiên tôi tham dự một buổi ra mắt sách vào khoảng năm 1960, lúc ấy chiến tranh chưa ló dạng lại sau mấy năm chia đôi đất nước, ở Huế. Lúc đó tôi chỉ là một cậu học sinh trung học trường Quốc Học. Tại đây tôi tham gia vào nhóm Gió Mai, và hàng tháng chúng tôi ra một tập san văn chương chép tay. Tôi không biết làm thơ, nhưng các bạn khác trong nhóm đã ra tuyển tập thơ mang tên NHỮNG NGƯỜI CÙNG ĐI, chỉ đánh máy chữ đóng thành 5 tập trên giấy pelure mỏng tanh mà chúng tôi có đến trên mười người nên đành phải bốc thăm. Mỗi trang thơ của một tác giả kèm theo một hình vẽ chân dung, nét mục đen của Lữ Kiều. Điều này không làm tôi ngạc nhiên là sau 40 năm anh trở thành họa sĩ mang tên thật: Thân Trọng Minh. Lúc ấy, may mắn thay, tôi được nhận. Một người không biết làm thơ lại giữ một tuyển tập thơ của các bạn mình. Và bao nhiêu năm tôi vẫn giữ gìn nó cẩn thận. Nhưng rồi, lại đau lòng vì tập thơ ấy bị thiêu hủy dưới ngọn lửa bạo tàn của một lần bị tịch thu trong trận cuồng phong trong chiến dịch được mang tên là tiêu diệt tàn dư văn hóa Mỹ Ngụy.

 

Bây giờ, qua trên nửa thế kỷ, qua bao nhiêu cuộc bể dâu tôi vẫn nhớ mãi buổi ra mắt sách ấy. Chúng tôi mấy cậu học sinh bé nhỏ cùng đạp xe đạp cộc  cạch trên những con đương gồ ghề, bỏ phố phường, kéo nhau lên đồi Vọng cảnh. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, gió từ sông Hương phía dưới chân đồi thổi dội lên lồng lộng, chúng tôi tụm đầu vào nhau, lật từng trang giấy mỏng, những con chữ lờ mờ mà cùng đọc lên những tựa bài thơ. Xếp lại bỏ vào trong áo khoác lạnh. Những khuôn mặt ngây ngô làm ra vẻ người lớn đọc sang sảng bài thơ của mình đã được chọn trong tuyển tập. Chúng tôi phì phà những điếu thuốc lá vừa mới tập hút, ho sặc sụa, nước mắt tứa ra, sau vài lần mới thả được khói ra lổ mũi và thấy hồn lâng lâng theo từng con chữ sắp hiện ra trên trang giấy trắng. Một người bạn mà bây giờ tôi không nhớ tên lấy ông sáo ra thổi bài Trăng Mờ Bên Suối, tuy không điêu luyện mấy nhưng cũng đủ làm chúng tôi xúc động. Bạn khác lại huýt gió bài Đêm Đông, âm thanh nhỏ và chập chờn theo con gió thổi lạnh buốt, cũng  đủ làm lòng chúng tôi ấm lại.

 

Chúng tôi trở về nhà trời đã khuya, phố xá đã ngủ yên. Trong giấc mơ tôi vẫn nghe thoang thoảng tiếng ai đó thổi sáo, tiếng ai đó ngâm thơ họa theo.

 

GIÓ MAI, TỜ BÁO IN RONEO ĐẦU TIÊN

 

Những ngày cuối cùng của niên học 1961 ở trường Quốc Học, trước lúc chia tay để mỗi người mỗi ngã, kẻ vào trường võ bị Đà Lạt, kẻ vào đại học Y Khoa Sài Gòn, người vào Qui Nhơn học sư phạm, chúng tôi ra một tuyển tập Gió Mai, quay Roneo ở một nhà in tại Huế, vì lần đầu tiên chúng tôi tự đánh máy trên những tờ stencil trong cơ quan của ông bố Lữ Kiều, chữ mất chữ còn, trên giấy màu trắng ngà, khổ A4, gần mấy chục cuốn, tiền ăn sáng phải nhịn lại để góp phần trả nhà in.

 

Buổi ra mắt sách được tổ chức trịnh trọng ở một nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo, trung tâm thành phố Huế. Chúng tôi có mời thêm các bạn văn ở nhóm khác. Ở Huế, lúc bấy giờ có nhiều nhóm văn thơ mà sau này đã thành danh như Thiên Thanh của Thái Luân, Hai Mươi của Trần Hữu Lục, nhóm thơ Cao Hoành Nhân và Thanh Nhung, Bông Trang của Hoàng Hương Trang…Lúc bấy giờ tuổi của chúng tôi đã trên dưới 20, đã biết uống rượu bia sành sỏi, đã hút thuốc lá liên miên và đã biết si tình, vào những đêm thức trắng để viết cho xong những truyện ngắn, những bài thơ. Trong buổi ra mắt tuyển tập này chúng tôi ăn mặc chỉnh tề, áo bỏ vào quần, nịt hẳn hoi, chân mang giầy, như đi dự một buổi lễ long trọng vậy. Những bài thơ được đọc lên. Còn truyện ngắn chỉ nói lên cái tựa bài cùng tên tác giả, rồi chúng tôi cùng ký tên mình chung một trang giấy trắng đầu của tuyển tập ghi ngày tháng đầu tiên, kỷ niệm ngày họp mặt. Ra về mỗi người cầm trên tay một cuốn.

 

 

Nguyên Minh,  Hồ Thủy Giũ,  Ngy Hữu,    Lữ Kiều

 

Sau buổi ra mắt sách đó, chúng tôi kéo nhau ra tiệm ảnh La Cảnh Lưu chụp vơi nhau vài tấm để kỷ niệm những ngày cuối cùng ở Huế, trước lúc chia tay, mỗi người mỗi ngã khắp mỗi miền của đất nước.

 

Không biết bây giờ trong những người bạn văn ngày ấy có còn giữ được tập văn thơ ấy không. Riêng tôi, vẫn mang theo nó bên mình cho đến ngày nó cùng chung một số phận sách báo trong tủ sách của tôi có cả ngàn cuốn vừa tạp chí văn học, sách nghiên cứu về triết học, tôn giáo…đều bị tịch thu và cháy rụi trong đám lửa bạo tàn ngày ấy.

 

Ý THỨC THỜI RONEO

 

Mấy năm sau, tại PhanRang, nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên, 17 tuổi về Huế, quê nội để tiếp tục học, rồi vào Qui Nhơn vào trường sư phạm. Về dạy học nơi mình đã bỏ đi. Trần Hữu Ngũ chọn nơi này thành quê hương thứ hai, Nguyễn Mậu Hưng vừa tốt nghiệp y khoa, đổi về làm bác sĩ ở bệnh viện tỉnh Ninh Thuận, vợ sắp cưới của Châu Văn Thuận, Lữ Quỳnh đều về dạy học tại đây, nên chúng tôi thường gặp nhau. Thế là tờ báo Gió Mai Tha Hương quay roneo ra đời. Tiền lương tháng đầu tiên mỗi đứa đều mua được một máy đánh chữ xách tay. Phân công nhau, Thùy Linh (Trần Hữu Ngũ) làm chủ biên, Nguyên Minh lo phần in ấn. Cơ sở đặc tại 11 Nguyễn Thái Học. Nói là cơ sở cho oai, thật ra lúc đó chúng tôi đâu có máy móc gì, chỉ mấy cái quai quốc, một tuýt mực roneo, vài chục tờ giấy stencil và hai máy đánh chữ xách tay. Một đứa quẹt mực một đứa lấy tờ giấy vừa in ra chữ phơi trên sàn nhà. Mấy đứa khác vừa nói chuyện huyên thuyên vừa xếp trang rồi đóng kim thành tập, không xén vì không có máy cắt. Buổi tối bạn bè tựu họp lại trên căn gác ngôi nhà số 11, cùng uống rượu rhum, say túy lúy nằm lăn lóc trên sàn gỗ, bên cạnh là tờ báo vừa xong. Trong buổi tiệc rượu xem như một buổi ra mắt sách. Cũng đọc thơ. Cũng thảo luận về một đề tài của một bài tiểu luận. Cũng say sưa nói về một viễn tượng là tập họp được những nhà văn trẻ như chúng tôi đang ở rải rác khắp miền đất nước, dù họ đã khoát trên mình những bộ đồ lính trận, dù họ còn đứng trên bục giảng dạy những học trò lớn nhỏ ở các tỉnh thành. Chúng tôi sẽ có một tờ báo văn học tại Thủ đô Sài Gòn.

 

Để thực hiện ước mơ đó chúng tôi phải qua một giai đoạn chuyển tiếp khác. Sau tết Mậu Thân, tờ Gió Mai được đổi tên thành Ý Thức sau khi đã tập họp nhiều bạn văn thơ khác như Lê Ký Thương, Võ Tấn Khanh, Trần Hoài Thư, Trần Hữu Lục, Ngụy Ngữ…Quan trọng hơn cả, rút kinh nghiệm về phương pháp in roneo, chúng tôi mới mua lại một máy roneo cũ của một nhà in địa phương, và may mắn là tôi đã nhờ một người bạn gái thân thiết là chị Kim Phương tận tụy đánh máy chữ ngay hàng thẳng lối, rõ ràng từng nét, nên khi in ra trên giấy báo, mọi người cứ nghỉ là tờ báo được in Typo xếp chữ chì, lối in thời ấy cho là hiện đại. Một cách tân gần như chưa có một ai nghĩ ra và thực hiện được là chúng tôi in thành sách khổ 14x20cm, may chỉ hẳn hoi. Sách đầu tiên được in ra gần cả 1000 cuốn là Nỗi Bơ Vơ Của Bày Ngựa Hoang, bìa do Lê Ký Thương trình bày. Rất tiếc cả tôi và Trần Hoài Thư bây giờ không còn giữ được. Buổi ra mắt sách cũng tại căn gác của ngôi nhà số 11, dù Trần Hoài Thư còn đang ở ngoài mặt trận không có mặt. Chúng tôi chuyền tay nhau, cùng ký tên vào trang đầu sách để kỷ niệm. Sách đóng thùng để chuẩn bị gởi vào Sài Gòn giao cho Lữ Kiều, Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc), và các tỉnh thành khác.

 

Ý THỨC DỜI ĐÔ

 

Giã từ thị trấn bé nhỏ đó, tôi vào Sài Gòn, tờ Ý Thức không còn in roneo và tòa soạn có địa chỉ rõ ràng, hẳn hoi, hợp pháp, không như ngày nào đã ghi nơi trang nhất là Tòa soạn theo chân người viết, chủ biên là Ngy Hữu (Một bút hiệu khác của Trần Hữu Ngũ). Thay thế vào đó là Chủ nhiệm DS Nguyễn Thị Yến, một cô bạn gái của tôi chỉ đứng tên trên giấy phép do Bộ Thông Tin cấp, còn Nguyên Minh là Tổng Thư Ký Tòa Soạn.

 

Ngày ra mắt tờ báo Ý Thức số 1, như một định mệnh, một dấu ấn mãi sau này cứ làm tôi ray rức mỗi lần nhớ lại. Nhưng lúc đó thì tôi thật sự quên hết kể cả người yêu đang đứng chơ vơ dưới cơn mưa tầm tả bên vệ đường. Tôi chỉ biết có tờ báo Ý Thức đang mang theo, bỏ trong cặp da mà sợ bị nước ướt nên dấu trong áo mưa, đem ra trình làng với anh em đang tụu họp ở trên căn gác gỗ ọp ẹp của nhà Hồ Thanh Ngạn, mà vợ anh là Nguyễn Thị Dung đứng tên Quản lý báo Ý Thức. Tôi huyên thuyên nói những khó khăn khi thực hiện tờ báo, mãi đến khi vợ Lữ Kiều nhắc nhỏ: T. đâu? Tôi giật mình mới biết đã bỏ quên người con gái mà tôi đã từng yêu say đắm. Lữ Kiều bảo tôi tả sơ qua vóc dáng nàng, và đoạn đường nào để anh đi đón hộ. Tôi tả về người tôi yêu trật lất làm Lữ Kiều chỉ cần nhận dạng chiếc xe Suzuki màu đen có gắn nắp bình thủy thế nắp bình xăng xe tôi đã bị văng mất trong lần mang báo Ý Thức thời roneo cùng với Lê Ký Thương vì con gió lốc khi xe ngang qua cánh đồng trống gần thị xã Cam Ranh. Khi T. ngồi bên cạnh tôi mới bở ngở nhận ra tóc nàng đã cắt ngắn, không còn xỏa ngang vai như bốn năm trước thời nữ sinh áo trắng của ngôi trường trung học duy nhất tại thị xã Phan Rang. T. mặc chiếc áo màu vàng mà tôi cứ nghỉ là màu tím. Còn khi nói đến chữ xếp trong tờ báo Ý Thức co gì cở bao nhiêu tôi đều nói đúng vanh vách. Bìa ai trình bày, màu gì, trong ruột đăng bài của ai tôi đều nói trúng phóng. Đêm ra mắt Ý Thức số đầu tiên chỉ có những anh chị em trong nhóm: như vợ chồng Hồ Thanh Ngạn, vợ chồng Lữ Kiều, Lê Ký Thương, Nguyễn Thị Yến, tôi và T.

 

 

Âu cũng là định mệnh, những lần báo ra, những lần say rượu túy lúy tôi không còn có T. bên cạnh. T. đã bỏ tôi đi lấy chồng. Nguyễn Thị Yến chỉ bảo: “Đáng đời ông.” Tôi say mê làm báo và nỗi đau kia cũng đã lắng chìm trong quên lảng theo thời gian.

 

NHỮNG VÌ SAO VĨNH BIỆT.

 

Song song với tờ báo tôi lập thêm nhà xuất bản Ý Thức. Và tập truyện đầu tiên cũng của Trần Hoài Thư, mang tựa Những Vì Sao Vĩnh Biệt. Trình bày bìa là họa sĩ Đỗ Quang Em, một người bạn cùng quê với tôi. Nhà phát hành Đồng Nai mua đứt. Buổi ra mắt sách tại nhà Chủ nhiệm Nguyễn Thị Yến, ngoài anh em trong nhóm như Lê Ký Thương, vợ chồng Hồ Thanh Ngạn, vợ chồng tác giả Trần Hoài Thư, đặc biệt có mặt anh Trần Phong Giao bên tạp chí Văn đến chung vui. Hôm đó tôi say, lảo đảo đứng trên ghế, mắt nhắm lại, miệng nhóp nhép không ra tiếng, như một đoạn phim câm, bằng nét mặt đau thương diễn tả nỗi đau của một kẻ bị phụ tình. Không biết em phụ tôi hay tôi phụ em.

 

Khi viết về buổi ra mắt này, gần nửa thế kỷ trôi qua, Trần Hoài Thư gởi email cho tôi bản tin này chụp lại từ báo Văn, làm tôi nhớ lại rõ hơn. Anh vừa cưới vợ xong, mấy ngày sau lại chào mừng đứa con tinh thần thứ hai ra đời. Tập truyện in Typo. Chữ sắc nét. Rất tiếc là Tập truyện Những Vì sao Vĩnh Biệt đã vĩnh biệt chúng tôi thật sự, nó đã bị thiêu hủy trong đám lửa bạo tàn kia, năm nào. 

 

 

 

RA MẮT NHÀ XUẤT BẢN HOA NIÊN

 

Ngoài tạp chí Ý Thức và nhà xuất bản cùng tên, tôi còn lập tủ sách hoa niên cho độc giả nhỏ tuổi. Như thời chúng tôi còn học tiểu học, đã từng say mê vào nhà sách hoặc thư viện thị xã đọc ké những tập sách hồng của các nhà văn hiện đại thời bấy giờ như của Thạch Lam, Khái Hưng. Chúng tôi muốn gầy dựng nên một số độc giả trong tương lai, thì ngay bây giờ phải hướng dẫn gây nên một phong trào đọc sách báo trong giới tuổi thơ và tuổi mới lớn. Một lượt tôi cho xuất bản 4 cuốn, khổ nhỏ 10x17, bìa do họa sĩ Nguyễn Trung trình bày. Đám tang đa đa của Nguyên Minh, Mưa qua thành phố của Nàng Lai (một bút hiệu khác của Lữ Kiều) Em bé bất hạnh, Anh hùng tí hon bản dịch của Trần Quang Huề. Mỗi loại in 10.000 cuốn bằng offset và được Nhà sách Hàm Thụ vừa mới thành lập do anh Trần Quang Huề làm giám đốc, tôi làm phó (thật ra đó là một nhà phát hành sách). Ngày trước anh Huề đã từng làm giám đốc nhà phát hành sách báo Thống Nhất, anh đã nghỉ việc, về trông nom nhà in Đăng Quang mà chủ nhân là bà chị ruột. Một sự tình cờ đã gắn bó giữa hai chúng tôi khi tôi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn tìm nhà in để ra báo Ý Thức tôi đã gặp anh. Ý Thức in Typo tại đó gần 20 số thì chuyển về nhà in Thanh Bình của người chị ruột của tôi từ Nha Trang theo chồng chuyển vào Sài Gòn. Từ một người chưa biết gì về ngành in và trong một thời gian ngắn tôi phải học hỏi nhiều nơi. Đầu tiên, trước khi tờ báo Ý Thức ra đời, tôi vào sống và học cách quản lý nhà in tại cơ sở in ấn và nhà xuất bản Thương Yêu của vợ chồng Trần Dạ Từ, Nhã Ca. Tôi muốn tự lập riêng nên sau khi in ở nhà Đăng Quang một vài số báo thì tôi được bà chủ nhà in cho sang lại. Đến khi chị tôi mở một nhà in Offset với máy móc tối tân hiện đại, tôi có thêm Lê Ký Thương đang học Anh ngữ để chuẩn bị đi tu nghiệp ở Mỹ, cùng nhau mày mò học hỏi. Và tờ báo Ý Thức được đem ra làm thí điểm. Những sách của Ý Thức, Tiếng Việt được in ra với số lượng từ 5.000 đến 10.000.

 

Trở lại, ngày ra mắt hệ thống phát hành sách Hàm Thụ và tủ sách Hoa Niên, chúng tôi có mời các nhà xuất bản uy tín thời bấy giờ của Sài Gòn như An Tiêm, Lá Bối, Ca Dao, Thương Yêu, Cảo Thơm…và các nhà văn như Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Thế Nguyên bên tờ Trình Bày, vợ chồng Thế Uyên… Mặc dù trời đang mưa tầm tả họ đều đến tham dự. Gần 50 người ngồi trong phòng khách sang trọng của ngôi nhà mới xây dựng, uống với nhau những ly rượu, cùng nghe anh Trần Quang Huề trình bày cách thức phát hành sách của chúng tôi, và những tập sách nhỏ viết cho tuổi thơ lại tặng cho những người lớn tuổi đã thành danh trong sự nghiệp văn chương chữ nghĩa này.

 

Một sự ngạc nhiên và làm tôi cảm động là sau gần 40 năm, trong một lần ra mắt sách của Trần Duy Phiên tại nhà Sâm Thương, người ngồi bên cạnh tôi là nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương hỏi tôi có phải là Nguyên Minh, tác giả Đám tang đa đa không? Chị Kim Quy vợ của nhà thơ Lê Ký Thương khi vào thăm tôi đang nằm mê man trên giường bệnh đã tặng cho tôi tờ Ý Thức số 20 được photocopy mà người cho chị mượn chính là Huỳnh Như Phương. Tạp chí Ý Thức ngày xưa trong anh em nhóm chúng tôi chỉ Đỗ Hồng Ngọc còn giữ và Lữ Kiều cho đi đóng thành ba cuốn bìa da mạ vàng, trong một buổi đẹp trời Lữ Kiều giao lại cho tôi, nhưng thiếu đi một số. Tôi định nhờ Trần Hoài Thư vào thư viện ở Mỹ và photocopy như anh đã từng sưu tập những tác phẩm văn chương miền Nam. Tôi gần như tỉnh lại sau cơn mê, rưng rưng nước mắt, cầm trên tay tờ báo cũ mà cứ nghĩ mình đang nắm lấy tay người yêu năm xưa.

 

TƯỞNG CHỪNG ĐÃ QUÊN

 

 

 

Nguyên Minh viết văn trở lại…

 

Gần 25 năm gác bút, đã nhiều lần tôi cầm bút viết lại, nhưng trí óc cứng đơ, và cũng chẳng biết viết gì đây, dù đời sống của tôi biết bao nhiêu nỗi đau không thể giữ mãi trong lòng. Cho đến một hôm tôi cùng lên Đà Lạt với vợ chồng Lữ Kiều và vợ chồng Lê Ký Thương sau khi họ triển lãm tranh sơn dầu tại Galery Tự Do, tôi không biết vẽ nhưng nhìn xuống đồi núi chập chùng trước mắt và màu thời gian đang biến chuyển đổi thay từng gốc thông già từ màu xám đến màu xanh lơ rồi xanh lục theo từng con nắng chiếu xuống từng giờ. Tiếng thông vi vu như tiếng ai cười khúc khích, như tiếng ai khóc tỉ tê, như lời ai thì thầm kể lể nổi tiếc nuối về một mối tình đã tan. Tôi nhận ra giọng nói quen thuộc của người yêu xưa từ trong đáy lòng, tưởng qua bao nhiêu thời gian đã đè lấp trong sự quên lãng. T. đó. T. như một bóng ma chập chờn trong rừng cây thông kia, và T. lần bước đến cạnh tôi. T. cúi xuống nói thật khẻ như hỏi tôi: “Đã bao nhiêu năm rồi, anh có còn theo đuổi nghiệp văn chương nữa không? Tờ báo Ý Thức đã ra được mấy trăm số rồi?” Tôi nuốt nước miếng và như mắc nghẹn, có vật gì chận cổ họng tôi. T. nói như một lời trách móc khi tôi lắc đầu: “Như thế thì em đau lòng quá, uổng đi một sự đánh đổi không xứng”. Một cơn gió mạnh thổi T. bay đi. Tôi ngẩn ngơ giây lát. Tôi vội lấy một xấp giấy cùng một cây viết. Ngồi trên căn gác gỗ tôi viết truyện Tưởng Chừng Đã Quên như một lời tạ lỗi với T. Bấy giờ trong tôi như có một dòng suối bùng chảy, tôi viết không kịp suy nghĩ. Tôi vui mừng đọc cho hai bạn trong nhóm Ý Thức  ngày xưa cùng nghe. Hai bạn ngừng vẽ. Cùng một cảnh những dẫy đồi trước mắt bằng màu sắc hai bạn tôi cầm cọ, còn tôi cảm nhận vẽ đẹp đó bằng chữ nghĩa văn chương, và tôi trải hồn tôi qua đó. Màu của thời gian.

 

Về đến Sài Gòn, Lữ Quỳnh, Châu văn Thuận, Hồ Thanh Ngạn, Lê Ký Thương có thêm Kim Quy, Lữ Kiều và tôi quyết định làm lại báo Ý Thức dưới dạng Bản thảo. Cuộc chơi về văn chương chữ nghĩa của mấy ông già tuổi 60 lại bắt đầu. Tôi hằng ngày cặm cụi đánh mấy vi tính rồi đem photocopy thành 10 cuốn để chuyền tay nhau đọc. Thú nhất là những lần ra mắt báo, cũng trịnh trọng như ngày nào. Bạn bè trong nhóm Ý Thức còn lại ở Việt Nam, nhất là tại Sài Gòn đều họp mặt tại nhà Lữ Kiều. Cũng trên trang nhất của tờ báo bạn bè ký tên đánh dấu mốc thời gian. Tôi thành người đốt lửa lên cho anh em khơi lại cảm xúc mà cũng như tôi đã bao nhiêu năm tưởng chừng đã quên. Những tấm hình chụp chung nhau, tay cầm tờ báo với những nụ cười rạng rở trên những khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn. Ngồi trong căn phòng làm việc của Lữ Kiều, dọc theo bốn vách tường là những tủ sách chất đầy làm tôi cứ nghĩ mình đang ngồi nơi tòa soạn Ý Thức ở 666 Phan Thanh Giản ngày xưa (bây giờ đổi thành Điện Biên Phủ). Những khuôn mặt của những nhà văn, nhà thơ đã một thời gắn bó tờ báo Ý Thức giờ còn lưu lạc trên đất người, có người còn ở trong nước nhưng không liên lạc nhau vì họ đã gát hẳn bút để đi vào con đường kinh doanh, có người quay lưng lại, từ chối những tác phẩm của họ trong thời gian trước năm 1975 để bước lên đường công danh, tất cả lần lượt hiện lên trong tôi. Lữ Kiều nhắc lại những khuôn mặt ngày xưa về Yến, về Hà, về T. Không biết bây giờ họ lưu lạc ở phương trời nào? Và họ có nghĩ là tôi tiếp tục cuộc chơi đã đứt khoảng một thời gian quá dài.

 

Tưởng rằng chẳng bao giờ tôi gặp được người yêu xưa. Tưởng mình còn đang nằm trên giường ngủ ru hồn trong giấc mộng. Từ khi T. đi lấy chồng, gần 30 năm sau chúng tôi mới gặp lại nhau. T. bây giờ đã thành thiếu phụ. Tôi bây giờ đã thành ông già tóc bạc. Gặp nhau, câu đầu tiên T. hỏi: “Anh còn viết văn không? Tờ báo Ý Thức ra sao rồi?”. Tôi lôi ra từ chiếc cặp mang theo tờ Ý Thức bản thảo số 1 cùng tấm ảnh của T. thời con gái đã tặng tôi. Có lẻ T. nhớ lại ngày đầu tiên ra mắt tờ Ý Thức số 1 của 30 năm trước, như một kỷ niệm buồn mà T. đã muốn chôn sâu tận đáy lòng. Ngày đó, khi biết chuyện tôi bỏ quên T. ở dọc đường, còn mình thì lo ôm tờ báo đón xe taxi cũng như tôi đã thất hẹn biết bao lần chỉ vì chăm lo cho tờ báo Ý Thức ra kịp ngày. Đáng lý ra tôi chở T. đi chơi thì không hiểu sao như ma đưa lối quỷ dẫn đường, tôi lại ghé nhà in, cô thư ký bận việc không báo trước, tôi phải bắt T. ngồi ở tòa soạn sữa lỗi bản in thử. Làm, Hà - cô bạn láng giềng thân thiết với tôi thời thơ ấu ở cái thị xã nhỏ bé kia - cũng phải thốt  lên: “Nếu Hà gặp phải một người say mê văn chương chữ nghĩa như thế, hơn cả người mình yêu, Hà cũng nuốt hận mà ra đi. Ngày mai ông nên đến an ủi T. đi.” Sáng sớm tôi lại đến nhà trọ, gặp T. tôi chỉ biết cười và đặt giỏ đầy trái cam và mấy lon sữa lên bàn học. T. nói: “T. đâu có bệnh gì mà anh mang đến những thứ này.” Tôi tự trách mình: “Chưa già mà đã lẩm cẩm.” Thời gian chúng tôi xa cách nhau một khoảng đời quá dài và nhiều gian truân, biết bao nhiêu điều hỏi thăm nhau, và tặng quà cho nhau. Sao lại chỉ một tờ báo. Sao lại một tấm hình đã hoen ố của một thời xa xưa. Một mối tình đã mất. T. cầm tờ báo Ý Thức Bản Thảo số 1, và T. lấy cây viết ra nguệch ngoặc mấy chữ: “Kỷ niệm những ngày trở về quê hương thật dễ thương.”

 

Sau khi T. về lại Mỹ, tôi viết văn rất thoải mái. Như phải ăn. Như phải thở. Nhận ra mình đã mắc nợ quá nhiều với người tôi yêu ngày xưa, với vợ hiền , với bạn bè, người thân như Cha như me, như anh như em, với quê hương, với đất nước. Bây giờ đến lúc tôi phải trả nợ họ. Tôi phải viết.

 

Mỗi buổi sáng, tôi dậy thật sớm, ngồi vào bàn vi tính gỏ vài trang. Lúc bấy giờ tôi thường bị cơn đau bao tử hành hạ, như những cơn bảo thường niên đổ lên đầu đất nước tôi trên dưới con số 12, như kinh nguyệt đàn bà hằng tháng phải đúng kỳ hạn, cơn bệnh ói mửa suốt mấy ngày liên tiếp, mật xanh mật vàng, mặt mày xanh mét, tay chân run rẩy. Qua cơn đau tôi lại tiếp tục. Viết. Như con tằm phải nhả tơ. Bao nhiêu năm giờ tôi có dịp tuôn trào những điều cần nói. Tôi viết về T., về Hà, về Vô Thường, về Đỗ Quang Em, về Trịnh Công Sơn, về Lữ Quỳnh, về Lữ Kiều, về Trần Hoài Thư. Khi viết về ai đó như tôi viết về tôi, và khi tôi viết về tôi như tôi viết về họ. Giữa tôi và họ đã hòa nhập lại với nhau thành một.

 

 

Họp mặt với người xưa

 

Ngày T. trở về Việt Nam lần thứ hai, tôi đã hoàn thành xong bản thảo tập TƯỞNG CHỪNG ĐÃ QUÊN, đem đi photocopy khổ như sách 13x20, bìa tranh của Đinh Cường, Thân Trọng Minh. Tuy đang nằm trên giường bệnh tôi cũng rán đến Quán Những Người Bạn Già của một cô bạn mới quen, để cùng anh em Ý Thức còn lại tại Sài Gòn, cùng hai nhân vật chính là vợ tôi và T. người tình xưa. Có đủ mặt anh em Ý Thức và thêm một nửa của họ đến chung vui như Lữ Kiều và Thanh Hằng, Châu Văn Thuận và Thân Thị Huế, Hồ Thanh Ngạn và Nguyễn Thị Dung, Lê Ký Thương và Kim Quy. Bên chồng sách, tuy chỉ trên mười cuốn nhưng cũng đủ làm chúng tôi vui lòng, tưởng như cả trên nghìn cuốn, còn thơm mùi mực in. Bạn bè nâng ly, chúc mừng Nguyên Minh trở lại văn đàn và người mà đã khơi dậy nguồn cảm hứng ấy không ai khác ngoài T. và người vợ hiền lành tạo điều kiện cho chồng yên tâm mà viết văn. Ngay buổi ra mắt tập truyện này, tôi đã nói với mọi người: Nguyên Minh chỉ có T. là người muôn thuở. Cũng như suốt đời chỉ sống với một người vợ là Lan. Tôi tôn trọng giữ gìn những thứ tình như thế. Bạn bè uống rượu còn tôi chỉ uống được một ly sửa nóng. Bản thảo Tưởng Chừng Đã Quên gởi qua Mỹ và được Trần Hoài Thư sau đó ấn hành. Khi cô em tôi ở Mỹ về Trần Hoài Thư có gởi cho tôi một cuốn. Một năm sau Công Ty Sách Cửu Đức mua đứt và sách đứng tên nhà xuất bản thanh niên, phát hành trên toàn quốc. Ngày ra mắt sách lần này, không có T. về tham dự.

 

Còn tiếp 1 kỳ.

Nguyên Minh
Số lần đọc: 1895
Ngày đăng: 18.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cá Mòi – Món “Thời Trân” Phố Hiến - Phạm Minh Hoàng
Xổ bụi - Nam Dao
Bài Học Vỡ Lòng - Mây Ngàn Phương
Bác Nguyễn - Nam Dao
Lại Một Người Tử Tế Nữa Ra Đi - Hoàng Quốc Hải
Hà Nội, Nơi Có Một Lần Chúng Ta Thân Ái…Tiếp - Thế Phong
Hà Nội, Nơi Có Một Lần Chúng Ta Thân Ái… - Thế Phong
Hoàng Cầm, một vị thơ - Nam Dao
Tưởng nhớ nhà thơ Hoài Anh: Những giấc mơ nằm nghiêng - Vân Long
Thời Thanh Xuân Của Trịnh Công Sơn - Sâm Thương