Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
719
116.547.527
 
Nắng Quái
Lê Văn Thiện

Đã mười ngày đêm trời mưa liên tục, không ngừng nghỉ, dù chỉ một phút. Xưa nay chưa bao giờ mưa dữ dội, ghê gớm, kéo dài như thế. Trời đất đục ngầu, bốn bề trắng xóa. Nước lênh láng, phủ kín ruộng đồng, che lấp đường sá. Mấy ngày đầu ai cũng tưởng đang giữa tháng chín bắt đầu bước vào mùa mưa, như mọi năm. Nhưng khi mưa qua ngày thứ tám mọi người hoảng hốt. Dường như có một thứ gì đó lạ, bất thường, một hiện tượng đột biến. Những căn nhà nhỏ bé, yếu ớt đồng loạt ngã quỵ, cầu cống nhỏ bị cuốn trôi … Nước lên, dâng cao, nhanh và mạnh. Làng xóm ở các vùng thấp hóa thành hồ. Người ta đùm túm nhau chạy trốn, ướt mẹp, tái nhợt, lếch thếch.

 

Tai ương đang phủ chụp xuống thế gian. Không phải mưa lũ, lụt lội như thường thấy… Qua ngày thứ mười bốn thần gió xuất hiện. Gió như bão giật, cây cối, trụ điện ngã la liệt. Mưa nhiều ngày đất nhão nhoét, nay gió tới, chỉ cần thổi vài hơi cũng đủ để cây lớn bật gốc. Không còn biết đâu là đường, đâu là ruộng vườn. Trên không, trong đống mây hỗn độn, đen nghịt, có tiếng ùng ục, ù ù như chục đoàn tàu đang thi nhau chạy … Mờ mịt, quay mòng. Chiếu mền, quần áo, thúng mủng trôi lềnh bềnh trong nhà. Heo, chó, gà vịt bị cuốn đi lúc nào không ai biết. Đầu óc mọi người mụ mị, tê liệt, chẳng còn nghĩ được chuyện gì cao xa… Gió và mưa. Vừa mưa vừa gió. Hai hung thần này bắt tay nhau, tạo ra một cuộc hòa tấu bạo liệt. Vạn vật đục lờ, mỗi lúc mỗi sẫm lại. Rồi không còn phân biệt được ngày, đêm. Khái niệm về thời gian bị đảo lộn. Sắp hết, sắp tan biến, sẽ chết trọn gói chăng ? Người ta không còn ra chợ, ra đồng, không còn đi học, đi làm ! Chỉ mới mười bốn ngày mà mọi việc đã thay đổi, biến dạng, khác hẳn trước, như chuyện xảy ra trong cơn trường mộng.

 

Ai cũng khiếp vía, chết điếng, sợ đến mất trí. Nhưng có một người không sợ. Quái lạ, phải không ? … Ông Ngôn, kẻ khác đời, không sợ, ở phường sáu, thị trấn Chợ Chùa. Nếu xếp hạng, có thể ghép ông vào thành phần trung lưu thất thế. Ông khó tính , sống co rút, gần như không có bạn bè. Hàng xóm tặng ông biệt danh: “ Đố kỵ”. Ông ác cảm, căm ghét tất cả những người giàu sang, giỏi hơn ông. Ông là loại người bi quan, kiểu bất đắc chí. “ Lão trời luôn theo sát gót tôi, chờ tôi sơ hở để ám hại… Cái giống trời nhỏ nhen, bất lương !” Ông phàn nàn. Hồi nhỏ, đang tuổi thiếu niên ông đã hằn học, thù ghét cõi đời. Trong sáu anh em trong nhà, ông học kém nhất, được đến trường ít nhất. Không hiểu sao, chẳng ai thương yêu ông. Ngay đến mẹ ông cũng đối xử với ông như với người dưng. Sau này ông thường nói với vợ, ông thấy mẹ ruột giống như dì ghẻ: “Bà ấy không thích tôi, tôi ít khi nhìn thẳng vào mặt bả”. Khi lấy vợ, lật qua một trang mới của đời, ông gặp những nỗi khổ mới. Cô vợ trước xinh gái, lanh lợi, nhưng coi thường ông ra mặt. Mới cưới về bảy tháng cô nàng đã sinh con. Và, cô ta tuyên bố, ông không phải cha đứa bé. Nửa năm sau cô ta ôm con về nhà mẹ ruột. Người vợ sau, bà Ngôn bây giờ, đem đến cho ông cuộc sống dễ chịu hơn trước. Tất nhiên ông mừng… Sống lâu, lớn tuổi, ông thấy điều khổ hại rõ rệt nhất, là những trục trặc trong cuộc mưu sinh. Ông luôn gặp trở ngại, đen xui trong chuyện làm ăn, bị vấp ngã hết vố này đến cú khác. Bạn bè, toàn lũ trở cờ, chơi xấu. Đối tác, rặt một loại lừa lọc, ăn bẩn, nham hiểm.  Những thứ đó, tích tụ, gom lại nhào nặn ông thành một người “cá biệt”, đa nghi, luôn nhìn đời với đôi mắt cảnh giác. Ông thường kêu than, cầu mong thượng đế nghĩ lại, ngó xuống, thẳng tay chà nát, trừng phạt đám nhân loại gian manh, hôi hám này.

 

Giờ đây, trời đang ngó xuống ! … Mưa to, vẫn mưa, nhưng nước không dâng cao thêm. Sấm sét mỗi lúc một dày hơn, chát chúa hơn. Có vẻ cường độ cơn thịnh nộ đã mạnh lên, không giảm. Sét xé tai, như giáng xuống ngay trên nóc nhà, lắm khi bảy tám cú nối đuôi nhau, thành dây chuyền. Những tia, làn chớp chói lòa tím đỏ trắng xanh vàng quấn quyện vào nhau, rạch những đường ngang dọc, như đùa nghịch.

 

“Có phải tận thế không, ông ?” Bà Ngôn hỏi. “Tận thế, đổi đời… Chắc đây là đợt mưa dài kiểu mới… Năm ngoái Bangladesh đã lãnh đủ một trận mưa lũ tám ngày, chết gần hai trăm ngàn người”. “Hai trăm ngàn, nghe sao dễ dàng… con người mà tính như cá, vịt, gà”. “Những xứ khổ nghèo, lạc hậu lại thường bị nhiều tai họa… chắc chỉ do tình cờ thôi, trời đất nào lại chơi hiểm như thế”. Hai chiếc võng cột vào những cây kèo, trính gần mái ngói. Ông Ngôn nằm ngửa, nhìn lên. Không ngủ được. Đã ba, bốn ngày liền ông chưa ngủ chút nào. Nước chảy rào rào ngay dưới lưng. “Mình định bụng dành dụm chừng bốn chục triệu để xây lại nhà bếp. Cái bếp kia già cỗi, xấu xí… Ông biết không, nhà chị Lưu có cái bếp thấy mê. Nó chẳng thiếu gì cả. Chén bát xoong chảo sáng loáng, bình nồi tủ lạnh tủ nóng to cồ cộ. Ở phố, thời buổi này mà thiếu máy giặt, tủ đá là trung cổ !... Ta cứ nhắm mắt làm tới, chơi màn trả góp, chờ đủ tiền thì khó mà đủ… Tôi tính, nếu thiếu sẽ hỏi mượn con Vân vài triệu”. Ông Ngôn cười. Bà này lạc quan! Không ngờ những thứ nhỏ bé ấy vẫn còn trong đầu bà. Thì ra, đó chưa hẳn là những thứ nhỏ bé! Tháng trước, ăn giỗ ở nhà một ông anh họ, ông Ngôn nghe ông anh nhận xét về đặc tính của dân quê: Đám người lam lũ ấy tội nghiệp. Cả cuộc đời dài dằng dặc, nhọc nhằn, tích cóp xây được cái nhà tám chục triệu, mua chiếc xe Tàu bảy triệu đã là sướng thỏa, hãnh diện!

 

“Ông ăn cơm không ?” “Cơm à ?” “Cơm gạo ngâm”. “Tôi không đói… Buộc bao gạo thật kỹ, nó rơi mất thì mình toi mạng”. Bà Ngôn nói gì đó một mình, chắc bà than thở. Nước từ trên cao vẫn tuôn xuống xối xả. Khó biết được lúc này là sáng hay chiều. Nước trời. Hóa ra trên cao kia cũng có biển rộng, biển nước ngọt ! “Mình ăn gạo sống sao không đau bụng ?” Bà Ngôn nói, lảm nhảm, chẳng biết hỏi ai. “Tôi thiếu con Hoa bảy triệu, đã nửa năm. Nó tốt, tốt nhất trong bọn em cháu”. “Bà nói gì?”. Bà Ngôn lặp lại câu vừa nói. “Bà làm tôi ngạc nhiên… sao bà còn nhớ được… Có khi giờ này con Hoa đã ở Philippines, hoặc Trường Sa !”. “Mình nợ người này người kia, chưa trả, lỡ chết thì mang đọa, nặng chướng nghiệp !”.

 

Nhiều giờ trôi qua, hình như bà Ngôn ngủ. Ông Ngôn nằm ngửa, nhìn lên những viên ngói. Đã ba ngày nước không cao thêm, nếu nó lên nhanh như mấy ngày đầu chắc ông cũng đã tới Trường Sa ! Điện đài, máy móc, sách báo ở đâu ? Mất tích, mất trắng ! Xây dựng, kiến tạo mấy mươi năm, nhưng chỉ cần vài ngày đã tiêu tan. “Mệt quá, lạnh… Thôi đi, trời ơi, chết phứt cho sướng !” Đương sự còn phát ngôn, tốt ! “Sống thêm vài hôm nữa cũng được, vội gì. Rồi cái thị trấn này, những thành phố lớn nhỏ kia sẽ chết, chết cả, cùng một kiểu… Có cách nào để biết được, lúc này ai còn ai mất ?”. “Biết để làm gì, ông kẹ. Chết ngay cho sướng”. “Tôi kiếm một sợ dây, nhưng chưa thấy. Sẽ buộc chân bà vào chân tôi… Chịu không ?” “Sao cũng được… Cái mặt trời trôi đi đâu ?” “Nó rớt xuống biển, chắc vậy ! Bà muốn cột chân hay tay ?... Chúng mình sẽ không rời nhau !”. “Tôi sợ trôi ra biển… Sợ thiệt !”. “Rồi sẽ sình trương, rã nát, chui vào bụng cá. Và chìm nghĩm vào hố đen mãi mãi… Cái hố ấy rộng như… như…” Bà Ngôn khóc, không ngờ bà khóc. Từ hôm tai họa xảy ra nay bà mới khóc. Có lẽ khóc vì buồn hơn vì sợ. “Ông ơi, mai mốt đây sẽ thế nào ?”. “Làm sao biết. Chắc nước sẽ dâng lên, dâng cao nữa. Ta sẽ uống trăm thùng nước vào bụng”. “Không biết giờ này con cháu mình thế nào”. Ông Ngôn không nói gì. “Chắc mấy đứa cháu sợ chết khiếp”. Ông Ngôn vẫn im. “Thằng Si, con Linh nhát. Tội nghiệp, chúng nhỏ”. Ông Ngôn nổi cáu: “Biết rồi, đừng than nữa”. “Tối quá, chưa từng thấy cái màu đen này !”. Ông Ngôn cười lớn như gặp chuyện đắc ý. “Vậy là xong đời giống con người ! Tan hoang, nát bét, mục rã cái trái đất thúi tha, nhiễu nhương, man mọi”.

 

Xung quanh đen màu mực, đen mướt. Không còn gà gáy, chim kêu, chó sủa. Tiếng máy hát, tiếng trẻ con cười nói, tiếng mấy mụ đàn bà cãi nhau í ới đã theo dòng nước mất dạng… Chắc bọn tỉ phú, quyền quí cuống cuồng. Chúng nó sợ, do đang mất và sẽ mất nhiều thứ ! Chúng lo cho những nhà mười tầng, hai ba mươi tầng đang run rẩy. Chúng tiếc những hàng quán, hãng xưởng, biệt thự, những du thuyền, những chiếc xe bóng loáng đã đổ ngã, bay vút lên mây. Chúng đau xót nhìn đống nhung lụa, bạc tiền ướt nhão, mềm oặc như những miếng bánh ướt ! Còn ta, “nhà thầu” của các dịch vụ suy nhược, thua lỗ hai mươi năm qua, bỗng nhiên được thụ hưởng khối cảm giác thanh nhàn, sảng khoái ! Hãy mưa nữa đi, hãy sấm sét mạnh hơn để xăng không tăng giá, cá không tẩm phân ! Ta chẳng tiếc chút gì, nhẹ cả lòng. Giờ nằm đây đầu óc rỗng không, nghỉ ngơi cho khỏe xác, dọn mình đón cái chết ! Sẽ chết gọn gàng, đồng loạt, hơn bảy tỉ người, sạch trơn, chẳng kể máy lạnh hay quạt mo ! Ta muốn được nhìn thấy một sự công bằng. Hạnh phúc bất ngờ. Phủi sạch, trắng tay. Không có thì không mất !

 

Nhưng bà Ngôn không thấy xa, nghĩ rộng được như ông. Thông cảm cho bà ta. Đám phụ nữ, hầu hết, đều thế cả ! “Lạnh, ông Ngôn ơi… Phải chi còn cái áo ấm”. “Sắp ngỏm củ tỉ, áo quần làm gì”. “Ông ác, lạnh lắm”. “Cái lạnh này chỉ là tạm thời, chớ để ý, rồi nó sẽ qua, chết hết lạnh… Tôi không lạnh. Xưa nay, chưa lúc nào tôi sướng thế này, ông trời đang làm đúng nhiệm vụ, vai trò của ông ấy, công minh, sòng phẳng, dứt khoát. Ông ấy chăm chỉ phân mưa phát sấm cho nhân loại, bình đẳng, em nào cũng được hưởng !... Chết rồi những linh hồn sẽ về đâu, bà biết không ?”. Bà Ngôn rên rõ to: “Lạnh, tôi tê cóng, tôi không muốn nghĩ về hồn phách… mong sao chết ngay cho xong !”. Ông Ngôn động viên vợ: “Ráng lên. Tôi giống hệt bà, đói lạnh như nhau, nhưng tôi chẳng than van… cứ coi như ta chưa hề có mặt trên đời”. “Hiểu rồi, lạnh lắm !”. Hai người nằm im một lúc lâu. Biển gầm lớn kéo dài nghe ghê rợn. Đất rung lên như rùng mình. Gió rít uôm uôm ồ ồ, như hàng trăm con cọp, voi, hàng bầy sư tử, bò, chó ngoác mồm gào rú cùng lúc. “Không có dây, lấy gì cột nhau lại, đồng sanh đồng tử”. “Lấy bớt sợi dây võng buộc chân, thật chắc vào !”. “Tay để ôm nhau, phải không ?” Ông Ngôn cười, hồn nhiên, thực tình, đáng yêu, như kiểu lãng mạn cuối mùa !

 

Vùng biển xa, phía đông sấm chớp vang động, sáng rực. Ùng ục, chảo nước khổng lồ đang sôi. Chớp lóe chằng chịt, nhiều màu, như sân khấu nhạc trẻ. Đèn trời. Nhờ nó người ta thấy được biển nước quanh mình. Sấm nổi, gầm gừ, lúc kéo dài, lúc ngắt quãng… Mệt nhoài, bà Ngôn ngủ thiếp. Chập chờn. Ngủ mỏng, như ngất, tai vẫn nghe gió mưa gào rú và sấm đanh chát, ì ầm. Có lúc bà thấy cái võng lắc nhè nhẹ, ngôi nhà rung, dường như nó trôi. Bà sợ. Chợt có tiếng ai nói. Bà nghe, lẫn trong gió một giọng đàn ông: “Sợ không con ?”. Ai vậy. “Mưa lớn, sợ không ?”. Ai hỏi bà. Hay gió mưa phát ra tiếng nói ? Hay mây nói ? Bà Ngôn nhỏm dậy nói lớn: “Con sợ”! “Can đảm lên”. “Ông là ai, chừng nào hết mưa ?”. Một tràng cười dài. “Hai mươi ba hôm nữa”. “Bà nói gì thế ?”. Ông Ngôn hỏi. “Ông Thần bảo, còn mưa hai mươi ba ngày nữa”. “Bà này điên, mê sảng rồi… Tôi đã nói, đừng sợ, vì sợ vô ích. Đây là cuộc tổng dượt của thiên nhiên, nó tẩy rửa trái đất bẩn thỉu… Chúng ta phải mừng, hào hứng đón chào”.

 

“Ông là Thần, phải không ?”. Bà Ngôn lảm nhảm. “Ta là mưa”. Giọng nói nghe rõ như sát bên tai. “Thần Mưa ơi, người ta chết đầy !”. “Sẽ còn chết nữa… Ta đâu muốn thế”. “Thần ơi, con sợ !” “Con hãy hét lớn: Tôi không sợ, con sẽ bớt sợ”. “Con chỉ là người”. “Ta biết. Người không chết cách này thì cách khác. Đây là trả giá, không phải chết thường con ạ. Sống thế nào chết thế ấy.” “Bọn trâu chó, gian trá, tàn ác, đê hèn, đần độn, điên rồ chỉ là số ít”. “Nhưng chúng có mặt trên khắp quả đất. Chúng quậy bạo, chúng thải ra bùn sình, cặn bã, ô uế, nhớp nhúa, ô nhiễm thế gian, không xóa đi chúng sẽ sinh sôi nảy nở”. “Nhưng như vậy người hiền lương cũng bị chết lây”. “Hiền, vẫn có tội. Tội nhu nhược, hèn yếu, để cái xấu lộng hành”. “Con sợ”. “Trước đây đã từng có nhiều năm 2024, con biết không ?”. “Dạ, nay là năm 2024”. “Trong tương lai còn có nhiều năm 2024. Nếu hiểu như thế con sẽ không quá sợ… Như quy luật, hết đêm lại ngày. Cứ vài ngàn năm ta lại ra tay tẩy uế vũ trụ một lần !”. Bà Ngôn khóc rống. “Nghe đây, khi hết mưa mặt đất sẽ nứt nẻ, hàng tỉ đường rãnh dài, sâu hoắm, giăng mắc mọi nơi. Những thứ còn lại sẽ lọt thỏm, ngã nhào xuống đó. Số hào, rãnh ấy sẽ ăn nuốt tất cả. Rồi mặt trời sẽ làm công việc cuối cùng. Nó rang, đốt, thiêu, như chiếc máy quét… sẽ cháy to cháy sạch, vạn vật bốc hơi !”.

 

J

 

Sau bốn mươi hai ngày sấm sét, gió mưa, trời tạnh đột ngột, nước hạ xuống từ từ. Vắng lặng. Điêu tàn, tang thương hiện ra chầm chậm. Không còn thứ gì nguyên vẹn. Đa số xóm làng, thị tứ, thành phố bị san phẳng, đổ nát. Nhìn qua số người sống sót, sẽ thấy số chết quá nhiều. Xơ xác, ai lo thân nấy. Không còn đoàn thể, không còn bộ máy quản lý xã hội… Nước trôi xuôi, về biển. Con người cũng ra biển, để trở về nguyên quán của nó.

 

Vẫn chưa thấy mặt trời. Nhưng đã có thể nhận biết ngày hay đêm… Bầu trời thấp, mây sà xuống đen kịt. Nhưng mới được bốn hôm, bỗng nhiên vào một buổi chiều biển chuyển động trở lại. Lại gầm thét, sấm chớp loang loáng. Rồi biển đẩy tung vào bờ những đợt sóng cao hơn hai chục mét, tràn cả vào những cánh đồng cách biển sáu cây số. Trên không chớp xẹt ngoằn ngoèo, xé nát màn mây dày. Kế đến, đất rung, rung liên tục. Mặt đất nứt toác lộ ra những đường hào dài, sâu, toang hoác. Những gì còn lại ngã tòm xuống đó.

 

Yên bình trở lại. Mặt trời mọc, sau những ngày lặn sâu, rụt rè chiếu những tia sáng mới lạ lên mặt đất hoang tàn. Đây đó lại thấy hiện ra những con người ốm nhẵng, lỏng khỏng, lặng thinh. Nhưng họ không còn là người như trước kia. Suốt ngày họ đi loanh quanh, cúi tìm, sục sạo chỗ này chỗ nọ, chẳng nói gì. Họ đã quên mất tiếng nói, và quên luôn những thứ một thời họ từng coi là to lớn: tiền bạc, chức quyền, nhà, máy móc, xe cộ. Họ đi, vật vờ, nhìn ngó quanh quất, nhưng dường như chẳng thấy gì… Hai ngày sau, mặt trời sáng hơn, đỏ rực, nóng hơn trước. Nó sáng suốt ngày đêm – không còn đêm – liên tục phả xuống một tấm màn trắng chói, như một thứ điện mới, nóng bỏng. Các nhà tiên tri còn sót lại phán rằng: Trong tương lai gần, mọi vật trên mặt đất sẽ tiêu vong vì thứ nắng này./.

Lê Văn Thiện
Số lần đọc: 1816
Ngày đăng: 23.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Đi Tìm Thuốc Trường Sanh - Tiêu Đình
Truyện Cũ - Hà Thúc Sinh
Kẻ sát nhân - Lưu Thuỷ Hương
Tình Yêu Không Đơn Giản - Mang Viên Long
Trở Về Lưng Chừng Núi - Nie Thanh Mai
Ngoài Tầm Bão Xoáy - Tiêu Đình
Những sợi tóc măng - Nam Dao
Một Vì Sao Lạc Trên Dải Ngân Hà - Trần Minh Nguyệt
Ký Ức Làm Báo - 2 - Đỗ Ngọc Thạch
và cả hỏa ngục cũng đã rằng không - Bùi Hoằng Vị
Cùng một tác giả
Biển cũ (truyện ngắn)
Nó nằm trong túi áo (truyện ngắn)
Ngày đó (truyện ngắn)
Cực lạc (truyện ngắn)
Ao buồn (truyện ngắn)
Mây Khói Lên Trời (truyện ngắn)
Chết đường (truyện ngắn)
Như Nguyệt (truyện ngắn)
Cho Kẻ Khuất Mặt (truyện ngắn)
Nói Trong Đêm (truyện ngắn)
Mộng (truyện ngắn)
Ngoại Lệ (truyện ngắn)
Chợ Tối (truyện ngắn)
Quá đã (truyện ngắn)
Âm Thầm (truyện ngắn)
Chiếc phao (truyện ngắn)
Ánh Sáng Trước Mặt (truyện ngắn)
Chuyện Tình (truyện ngắn)
Có Miền Sông Nước (truyện ngắn)
Như Là Vô Định (truyện ngắn)
Chuyện Vườn Đào (truyện ngắn)
Róc Rách Suối Ngầm (truyện ngắn)
Cổ tích mới (truyện ngắn)
Người đi (truyện ngắn)
Lơ mơ Ngọ (truyện ngắn)
Kỷ Niệm (truyện ngắn)
Một lối tiện lợi (truyện ngắn)
Chờ Mong Mòn Mỏi (truyện ngắn)
Nắng Quái (truyện ngắn)
Kêu ai (truyện ngắn)
Quán vắng (truyện ngắn)
Mưa Chết (truyện ngắn)
Mưa Lạ (truyện ngắn)
Bàn Tay Ấm Áp (truyện ngắn)
Diễn Viên (truyện ngắn)
Gió đưa (truyện ngắn)
Buồn Một Mình (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Quế (truyện ngắn)
Ôm Đĩ Mất Tiền (truyện ngắn)
Đẹp Và Ảo (truyện ngắn)
Tình Quê Xa Khuất (truyện ngắn)
Thư Giãn (tạp văn)
Mần Ăn (truyện ngắn)
Quả Bóng (truyện ngắn)
Giàu Nghèo Ngổn Ngang (truyện ngắn)