Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
739
116.009.721
 
Hành Giả Phiêu Dạt
Nguyễn Hàng Tình

Hạ tuần  tháng Chạp thường niên người Sài Gòn mê chơi hoa  lan hay  thấy một Hành giả  dựng lều giang hồ bên vỉa hè nào đó ở trung tâm Tp.HCM để bán hoa địa lan không khác gì một "con buôn".  Nhà tu hành lam lũ trong vai lái buôn thực thụ vật lộn giữa "núi"  hoa địa lan đẹp ngất trời đưa xuống từ cao nguyên lạnh Đà Lạt kia ai chả bảo là một con người bí ẩn trước phố phường đô hội...

 

 

Hành giả Xuống núi đi bán hoa lây lất  ở một chợ hoa vỉa hè tận Tp.HCM

 

Nếu không có địa lan, lan không tung ra chợ búa, chốn đô hội, và chính ông không có những cú nhảy theo xe tải chở hàng, không lăn xả xộc ra các của hàng phân bón để mua vật tư nông nghiệp về cho trang trại  địa lan của ông... thì chắc chắn chả ai biết vị hành giả này...

 

 

Hành giả Xuống núi đi  bán hoa

 

"LỀU TU" TRONG RỪNG LABÁ

     

Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, bỗng trong rừng Labá_con sông thượng nguồn nằm sâu trong dãy núi Langbian xuất hiện một Hòa thượng  pháp danh "Thích Huệ Đăng". Nhà sư này đến xin cho nhờ lấy một chỏm đất ở một rẫy cà phê của cư dân trong núi, mỏm đất để đủ cất đúng một cái lều, "Lều tu". Tu trong lều, và thực phẩm là những thảo mộc quanh dòng Labá. Một đời xuất gia tu ở Chùa, thì nay, ở tuổi 50, đến lượt tu ở rừng, cư sĩ. Ông là một hành giả giang hồ. Giang hồ đi qua nhiều sông núi, phiêu bạt, bồng bềnh với thế gian ta bà, giữa trời đất thênh thang, và kiểu tu của ông là giang hồ theo nghĩa đó. Hình ảnh  một vị sa môn của buổi xa xưa Phật giáo giữa thời nay.

    

Cứ thế, hàng ngày những tiếng kinh mõ văng vẳng, lang thang bên dòng sông ẩn sĩ_vì dòng sông này cũng rất ít người Đà Lạt từng đặt chân đến nó_ chảy xiết Labá với miền không gian mơ tưởng giao thoa của rừng lá kim và rừng lá rộng. Cái giá lạnh cùng sự êm đềm của núi non miền Thượng với sự ngào ngạt của cỏ hoa bên dòng sông sơn nguyên khiến liêu trai hơn về vị sa môn. Hành giả lúc này thoáng nghĩ tại sao không từ cây địa lan mà "thành tựu", và tại sao không lao động để "tu", để hành đạo_ đó cũng là một "đường tu", một "trường tu", mà đường đến Phật pháp thì muôn ngàn vạn lối. Vị sư tin là qua lao động, từ cây địa lan, ông sẽ hiểu được Tứ diệu đế để thực hành được Bát chánh đạo...

     

Thế là bắt đầu băng rừng, rời núi, giáp mặt với "đời", ra phố, để tìm hiểu rõ hơn về cây địa lan. Và xin cây non, trồng những chậu địa lan đầu tiên trong rừng Labá xem thử. Những người nông dân Đà Lạt, rồi Phân viện sinh học Đà Lạt_nơi luôn có một vườn thực nghiệm về lan_ dạy cho ông những tri thức đầu tiên về cây địa lan_ loài hoa được phong là "nữ hoàng" trong thế giới hoa. Nhưng đó lại là  thời điểm nghề địa lan Đà Lạt bị "chết đứng", thất sủng, vì thị trường tiêu thụ chính của hoa địa lan Đà Lạt_Việt Nam là Liên Xô với một xã hội đang nghiêng ngửa, các nước khối XHCN ở Đông Âu rệu rã theo dòng xoáy Dân Chủ và chủ nghĩa Dân tộc ly khai của lịch sử thế giới. Đông Âu quên luôn địa lan Đà Lạt, không nhập khẩu nữa_khủng hoảng chính trị "đè" lên hoa. Bấy giờ cả nền trồng địa lan ở đây  rơi vào một thứ dịch bệnh lạ trên cây là bệnh thối nhũn; không thuốc trị, nhà vườn bất lực, nên nhiều nơi chán chường bỏ bê, hoang tàn. Đó là lúc hành giả Huệ Đăng xuống núi, về Sài Gòn, đăng ký xin được cho làm "Sinh viên dự thính" ở Khoa nông nghiệp của  trường ĐH Nông Lâm Tp.HCM, để được học về cây trồng, đặc biệt là công nghệ sinh học, với kỹ thuật nuôi cấy phôi tế bào thực vật. Mỗi tháng ông nhảy nhiều bận xe đò như thế trong vai một sinh viên, học hành ngoan và nghiêm túc như những người tuổi hai mươi. "Cây giống nhân nuôi từ ống nghiệm sẽ tránh được nhiễm bệnh, và có sức khoẻ hơn", kiến thức trường Đại học chỉ ra tính tất yếu này.

 

 

Trong những Farm trồng Địa lan hiện đại của ông ở Đà Lạt

      

Hiểu biết về khoa học thực vật đẩy người hành giả bỗng phải giã biệt núi rừng Labá, rời "lều tu"_mà cũng  không thể "Tu nhờ" ở rẫy người ta mãi. Ý tưởng về một con đường tu "nhập cõi tục" mở ra.

      

Loài hoa địa lan đang chờ, thách thức ý chí vị hành giả giang hồ, sau gần ba năm ẩn sĩ  trước  non  bồng heo hút  Labá.

 

LUYỆN  CÔNG BẰNG ... "PHƯƠNG PHÁP" CỦA NÔNG DÂN

 

Đời người tu hành không của cải, nhưng muốn đại sự nhân duyên với cây địa lan thì cũng phải có ít đồng bạc để khởi hoạt. Ý tưởng đưa các giá trị Phật giáo vào đời, phục vụ phát triển kinh tế, cân bằng đời sống, kéo giữ đạo đức xã hội cùng niềm yêu thương con người của hành giả Thích Huệ Đăng được nhiều nơi đón nhận như là "tư duy mới, gần gũi, hiện đại" của Phật pháp. Đấy cũng là lúc ông bắt đầu được mời đi thuyết pháp khắp nơi, trong và ngoài nước. Gom lấy những chút tiền thù lao từ các buổi thuyết giáo về "ứng dụng Phật giáo vào kinh tế", " cái Tâm trong kinh tế", "đạo Phật và đạo kinh doanh", "đạo đức bán buôn trong nền kinh tế thị trường".. cho các doanh nghiệp... để trang trải cho sứ phận trồng địa lan. Nhiều năm sau khi gom được ít tiền, ông sắm một mảnh đất con con thiên hạ bỏ hoang ở gần bến xe liên tỉnh Đà Lạt làm mặt bằng để đặt chậu, phân tro, vườn ương cây địa lan. Người tu hành không thể đi phá sinh thái, không thể trồng bằng cách chặt cây zớn(tiếng Lạch bản địa)_một cổ thực vật có tên khoa học là Dương xỉ thân mộc_ hàng loạt trong rừng đưa về xay nát, vậy là ông nghĩ ra cách trồng bằng vỏ cà phê phế thải. Xay vỏ cà phê thành mùn rồi xử lý hoá chất diệt khuẩn, ông đã có giá thể nguyên liệu bao la, cực tốt, để trồng địa lan.  Đó là một tư duy có tính "cách mạng" trong nền trồng hoa lan_rất khác người. Ông đánh xe đi Di Linh, Lâm Hà để lấy vỏ cà phê nông dân thải bỏ đưa về Đà Lạt làm giá thể trồng lan, phát triển nghề lan. Cùng đó, lập một phòng nhân cấy tế bào thực vật để tạo nguồn giống địa lan.

         

Mùa xuân 1995, ông đưa những chậu địa lan rực rỡ đầu tiên ra bán cho thiên hạ với tư cách hàng hoá. Nhưng vốn không rành việc bán buôn, không biết trả giá, nói thách, thuyết phục sao ở chợ đời, ông để lan cả ở nhà. Không ai mua cũng tiếp tục trồng, nhân ra nhiều chậu hơn, nguồn giống tiếp tục cấy tạo. Vườn lan mỗi ngày một phình to ra, rộng lớn đến độ mượn tán rừng thông trong Tuyền Lâm để làm mặt bằng, dàn chậu, số lượng lên đến cả vạn chậu. Có người tốt bụng mách: "muốn bán được lan phải nhắm tới Thị trường Sài Gòn!".

      

Nhưng đến mùa xuân năm 2000, ông mới bắt chước lái buôn chuyên nghiệp ở Đà Lạt mà gửi những chậu địa lan đi chợ hoa Hồ Thị Kỷ dưới Tp.HCM, bán theo kiểu "ký gửi", được chăng hay chớ. Năm 2003, ông tiếp tục đánh bạo gửi ra tận Hà Nội bán. Gửi bán thì trầy trật, bị ép quá , "đến Nhà tu cũng thấy đau!"_có lần ông thốt ra. Vậy là từ năm 2001, ông tự tay đi bán, chở hoa về tận Sài Gòn, dựng lều bán, ở chợ Hồ Thị Kỷ, hoặc các công viên tại Tp.HCM. Ông rằng, khi đứng giữa thế tục bán buôn là ông đang học Đạo, học Đời, hiểu Đạo, tức là... "đang tu". " Không tham dự vào đời thì biết đời đang như thế nào, người đời nay sướng khổ, hay - dở, tốt- xấu, thiện-ác... ra sao, họ bị vướng, kẹt cái gì!", Huệ Đăng tự sự.

     

Và đúng như ông nói, đời đã dạy cho ông biết "mùi" để ông biết đạo, để không xa cách con người, quên cõi người. Đó là những lúc cánh buôn hoa khi thấy gã bán hoa mặc áo cà sa bán liền lời ra tiếng vào, thường chửi ông là "tu giả", "con buôn giả danh Nhà tu", "Gã thầy tu mắc dịch", "Lão Thầy tu khốn nạn", hay " một kẻ đột lốt Hoà thượng để lấy lòng thương hại(dễ bán lan)"... Lan ông bán thường giá thấp hơn mọi người, họ bảo ông " Phá giá". Ông nói thật với họ: lan tôi trồng ra, dĩ nhiên phải rẻ hơn cô bác, vì không phải mua đi bán lại. Vậy mà họ cũng không cho phép ông bán giá thấp hơn, luôn bảo chờ "được giá" hãy bán, trong khi ông nghĩ tiêu thụ được đã là tốt, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Thấy hành giả đi bán bông, người chơi bông cũng mua ép giá, chúng sinh nghĩ cứ nghĩ ép Nhà tu bao giờ cũng dễ. " Mình thiệt hơn những người bán bông khác nhiều lắm, và bị đủ thứ đe nẹt !", ông tâm tình...  Ông còn quan niệm hoa là quà của đất, là thành tựu của sức lao động, của yêu thương sinh vật..., nhiều người được chơi càng tốt.

       

Thế đó, ông bảo rằng mình đang "tu" ngay cả khi người ta chửi vào mình. Ông gọi những lái buôn khác là... " đồng nghiệp". Với tâm lực người hành giả giúp ông có trí huệ, và đó là cái để ông khác "con buôn" khác,  đủ  yêu thương chân thành để hành xử hài lòng chúng sinh đi mua bông về chơi, cho dù họ là khách hàng lòng rộng hay hẹp, hào phóng hay chày cối, lịch thiệp hay ba trợn, từ tâm hay thô bạo. Ông rằng, ngay cả khi kẻ bất hảo trộm hoa của mình ông cũng cảm ơn...

       

Không dừng lại ở Tp.HCM,  Thượng toạ Thích Huệ Đăng của Giáo hội Phật giáo VN định từ nay trở đi, hẹn với mùa xuân, sẽ tiếp tục đưa địa lan về Sài Gòn, hướng ra thị trường Hà Nội. Dĩ nhiên địa lan mà đi Hà Nội thì phải bằng máy bay rồi_ " kế hoạch này sẽ ... đàm phán với Vietnam Airlines (Hãng hàng không quốc gia Việt Nam)".  Trên 5 vạn chậu địa lan ông hiện có trong vườn là một mơ ước của bất cứ nông dân Đà Lạt nào, và dĩ nhiên cũng là  thách đố cho mọi doanh nghiệp trồng hoa địa lan ở phố núi cao nguyên lạnh Đà Lạt.

           

Và nên nhớ, trang trại rộng 5 hécta của ông hiện ở Khu du lịch hồ Tuyền Lâm hiện giờ là ông thuê đất Nhà nước, với tư cách " Nhà đầu tư"_ thời hạn 50 năm_ như bao doanh nghiệp khác đến từ trong, ngoài nước. Nhưng ông mong ước, những năm sau nữa sẽ nhắm tới việc xuất khẩu địa lan ra các nước văn minh, nhất là Nhật, Singapore, và  sau nữa giúp địa lan Đà Lạt "khấy động" lại thị trường địa lan Châu Âu. Còn trung tâm nhân cấy  giống từ ống nghiệm đồ sộ của ông sẽ là nơi tạo ra cây giống giá rẻ, phổ biến cho nông dân Đà Lạt, hơn bất cứ phòng thí nghiệm nào khác trên đất nước này.

 

DOANH NGHIỆP CỦA HÒA THƯỢNG      

           

Cần phải tham dự sâu hơn vào cuộc đời, cho sứ mệnh đưa đạo vào đời, mang đời vào đạo. Vậy là vào năm 2004 ông quyết định nâng vườn địa lan của ông lên thành... Doanh nghiệp. Giấy phép do sở KH&ĐT Lâm Đồng cấp hẳn hoi, tên Công ty là: Cty TNHH hoa lan Thanh Quang. "Thanh Quang" là sáng trong tinh thần Phật. Chẳng có bộ máy nào cả, ông vừa là giám đốc Cty, Chủ tịch HĐQT, kỹ thuật viên, nông dân chính, tổ chức nhân sự,  vừa là thủ quĩ, kế toán, thủ kho, bán hàng, và...mang tiền đi đóng thuế cho Nhà nước... Ông là thành viên của Giáo hội Phật giáo VN, đã lên hàng giới phẩm Tỳ Kheo, Thượng toạ, là giảng sư cao cấp trong Uỷ ban Hoằng Pháp của TW Giáo hội Phật giáo VN, còn Cty của ông là Thành viên Hội doanh nghiệp Lâm Đồng, trang trại lan của ông là Thành viên của Hiệp hội hoa Đà Lạt, Trung tâm thực nghiệm  nhân nuôi tế bào của ông là Thành viên Hiệp hội cấy mô Đà Lạt...  Đi dự các cuộc gặp gỡ doanh nhân do chính quyền tổ chức, gặp ông ai nấy đều: "Chào thầy". Ông bảo tham gia tất cả, để hiểu nền kinh tế xứ mình đang... tu ấy nó hình dạng ra sao"! Nhưng với việc thành lập Công ty là để biết phận của người làm kinh doanh bây giờ, và cũng... để vay được chút vốn Ngân hàng mà... trồng lan, chứ ông đào đâu ra nhiều vốn để mở mang doanh nghiệp, thúc đẩy tiếp những dự án ước mong. 

                                                             

 

 

Trong dãy Nhà nhà Thí nghiệm và nhân cấy tế bào thực vật  của người  tu sĩ

      

Quá bước trong trang trại và trụ sở Cty TNHH hoa lan Thanh Quang người ta sẽ nhận ra "ngàn giá trị trong một" ở chốn này. Ở đó, thấy trang trại mênh mông, những dàn địa lan phun búp bông đầy sức sống rải khắp các sườn đồi, công nhân chăm chú vun trồng, còn chuông điện thoại của người giám đốc thì reo liên tục. Đó là những vườn hoa địa lan mà ở đấy từ tưới, phun phân, thuốc sâu đều tự động, bằng công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại, với nguồn nước tưới cũng đặc biệt: nước tự nhiên đưa từ hồ sâu dưới thung lũng lên đỉnh núi để khử lọc rồi qua hệ thống ống dẫn đưa xuống trở lại các Farm. Những  trí thức trẻ trong chiếc ao Blouse trắng cặm cụi nhân tách phôi ở phòng thí nghiệm. Trên sườn đồi là vườn thực nghiệm trồng khảo cứu các giống cây vừa đưa ra từ ống nghiệm. Rồi bước lên bên trên là những phòng chất đầy sách mới cũ luận giải Kinh Phật, do chính hành giả này viết ra. Nhìn ra thung lũng là dãy nhà bếp chuyên nấu đồ chay trường và ăn tập thể ở không xa dãy nhà nghỉ của công nhân. Nơi kia, chiếc xe hơi bóng lộn của hãng Honda người hành giả mới sắm để tiện đi lại thuyết pháp Phật giáo, chạy vật tư, và giao dịch kinh tế  đặt bên ngoài  khu  khảo cứu giống cây trồng.

      

Vừa rồi cất được trụ sở mới cho Công ty, cũng là nông trại, là nơi để ông, công nhân (nếu thích), đệ tử ngồi Thiền, đi vào Phật pháp, một Đạo tràng... Căn nhà kỳ lạ này không quên dành một diện tích lớn để làm Trung tâm nuôi cấy tế bào thực vật, nhân cây giống chuyên nghiệp, với thiết bị hiện đại hơn trước. Bất cứ ai ghé phòng thí nghiệm và nhân cấy giống thực vật của hành giả Huệ Đăng, sẽ ngỡ đấy là hình ảnh của một Viện nghiên cứu nông nghiệp nào đó của Nhà nước. Ở đấy, ông  vừa nhân cấy giống thành công cây sâm Ngọc Linh, sau những chuyến tự "đày" mình vào nhiều mùa khô để leo lên đỉnh núi Ngok Linh(Ngọc Linh) mà tậm mắt khám phá loài sâm quí, lấy mẫu, bởi theo ông cho phát triển được nó sẽ cứu được sức khoẻ cho nhiều người, chữa được nhiều bệnh. Ông mơ về những rừng sâm Ngok Linh trồng ở trên núi Langbian, thay vì chỉ duy nhất hiện hữu  ở đỉnh  Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum ở Bắc Tây Nguyên.

                                                              

*

 

Mấy tháng nay, người ta lại thấy ông bỗng "lao" vào cây sâm Ngok Linh. Giao những vườn địa lan đang chuyển động đều, chạy hanh thông, cho người làm công. Ngày đêm ông ngụp lặn trong các phòng nuôi cấy mô. Không đầy hai năm "chiến đấu" với những mẫu phôi sâm Ngok Linh đầu tiên, nay  phần lớn phòng nhân cấy tế bào thực vật đều tập trung nhân nuôi sâm. Bên trong hàng chục ngàn ống nghiệm ở các khu cấy mô bao quanh Đạo tràng của Huệ Đăng đã tạo ra một quĩ sâm con lên tới vài trăm ngàn cây. Cứ mỗi thàng trôi qua, thêm ba chục ngàn cây sâm khác ra đời. Gặp ai ông cũng nói say sưa về sâm Ngok Linh. Tập hợp tất cả những nghiên cứu và khảo cứu về cây sâm Ngok Linh từ Đạo Tràng của mình, ông cho ra đời tập sách ông viết về sâm Ngok Linh.

          

Nhưng không kiếm được rừng (đất) ở cao nguyên Langbian để thả sâm Ngok Linh xuống ông nhảy ra Khe Sanh_tỉnh Quảng Trị ngoài Trung để nói với chính quyền địa phương này về "chương trình phủ sâm Ngok Linh" xuống vùng đất chết chóc một thời Khe Sanh của ông. Tỉnh Quảng Trị "nghênh đón" chương trình tuyệt diệu của ông, giao ngay 40ha trên núi cho "sâm". Ông không sở hữu mấy chục hecta này mà nói địa phương cho lập một Công ty sâm Ngok Linh và giao cho họ, còn ông sẽ chuyển giao kỹ thuật trồng lẫn giống cho. Ngay đó ông nhận ngay một lúc hai chục thanh niên trẻ khoẻ vùng Khe Sanh vào Đà Lạt để " đào tạo" việc nhân trồng sâm để nay mai trả về triển khai "dự án" sâm lãng mạn kia. Rồi ông phiêu bạt tiếp ra Bắc Kạn để gặp bộ máy lãnh đạo tỉnh này về mong muốn trồng sâm Ngok Linh trên núi rừng Tây Bắc. Cả Bí thư lẫn Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn tiếp ông như một khách VIP khi ông lữ hành đến tỉnh này. Và rồi cũng động  thái thành tâm tương tự với xứ lạnh Sapa (Lào Cai). Các tháng 5 và 4 của năm 2011 vừa rồi gửi ngược ra tặng không cho mỗi tỉnh Bắc Kạn và Lào Cai một ngàn cây sâm Ngok Linh để trồng khảo nghiệm. Đến nước này, tỉnh Lâm Đồng hơi hoảng khi "vàng" ở ngay trên đất mình không nâng niu. Vậy là nghe đâu vừa rồi, một dự án trồng sâm lên đến 46 ha ở rừng Lạc Dương đã ra đời cho một doanh nghiệp khác mà Đạo Tràng của samôn Huệ Đăng là nơi lo gánh giúp việc cung cấp giống và kỹ thuật. " Sâm quí Ngok Linh là thứ để cứu người (một biệt dược từ tự nhiên chữa được nhiều thứ bệnh tim mạch, ung thư, chống lão hoá, chống suy nhược thần kinh, kéo dài sự sống cho người...),  cũng là một thứ dược pháp cho tha nhân, một thứ Kinh kệ vô giá !", ông nói.

      

Và không chỉ địa lan hay sâm quí Ngok Linh, bên trong hệ thống các khu nhà thí nghiệm ở Đạo Tràng của ông, người rành về sinh học nông nghiệp còn nhận ra vô số ống nghiệm chứa cây giống chuối Laba (một giống chuối thơm ngon nổi tiếng ở vùng Phú Sơn, Lâm Hà, Lâm Đồng) đang được  đưa vào nhân cấy; rồi hoa cẩm chướng, hồng môn, đồng tiền, cúc, phong lan...

       

Nên không lạ, khi  hàng ngày  nhận thấy nhiều Kỹ sư Sinh học, kỹ sư nông nghiệp tìm đến chỗ ông để "xin việc". Trong khi đó, những bác sĩ, kỹ sư điện toán, quan chức chính quyền đây đó... thì tìm lên Đạo Tràng kỳ lạ này để xin làm "đệ tử", học Phật pháp nhập thế, hay tìm khoảnh khắc(ngồi) tĩnh tại cân bằng ở thế giới Thiền... Ông bảo "hành đạo" là phải giúp ích cho đời, cuộc đời. Có lần tự dưng ông nói với tôi về kế hoạch mới nhất của mình: " Phải xây cất ngay tại  trụ sở Công ty này, Đạo Tràng này, một gian phòng thật chuẩn, bình an, thơ mộng, mang tính công cộng để làm chỗ cho lữ khách, cho ai có nhu cầu đến để... "làm thinh" _nghe lòng mình...".

 

*

Cứ thế, nay tuổi 72, hơn 40 năm tu hành, 21 năm trồng địa lan, đứa trẻ mồ côi cha mẹ từ năm 12 tuổi là ông vẫn tha thiết với "đường tu" của mình. Mọi thứ từ tay không, tự tay ông làm ra tiền, nuôi dưỡng và rao giảng Phật pháp, giúp đỡ tha nhân, không bao giờ nhận tiền cúng dường của bất cứ ai. Vì vậy, dường như cả nước này, chỉ  có Công ty của ông mới ghi trong điều lệ rằng: " 38% nguồn lợi làm ra là để đầu tư cho việc từ thiện, còn lại  in kinh sách phát không cho mọi người ".

    

Ông cổ suý làm ra tiền, trên nền tảng yêu thương: " Gió sương bên đường để hiểu tâm; Tình đời nóng lạnh để trừ tâm"; và " điều quan trọng là làm ra đồng tiền đừng để mất tâm, và sử dụng đồng tiền cũng phải đúng tâm".

                                   

 

THẢ TRÔI  CÁT BỤI

 

Ban ngày là một nông dân, ban đêm hành giả Huệ Đăng là một Nhà tu đích thực và chuẩn mực: ngồi tụng niệm, thuyết giảng đạo đức, hoặc cắm cúi viết sách luận giải các kinh Phật, nghiên cứu Phật giáo. 21 đầu sách đã ra đời, với trên 8.000 trang từ những đồng tiền bán hoa lan đó, kể từ ngày bán được lứa lan đầu tiên. Chính thức chưa đầy một hécta đất đặt lan mà mỗi năm trang trại lan của ông thu vào cả tỉ đồng thì nông dân nào đủ  thâm hậu mà chạy theo. Gần đây, các Ngân hàng, doanh nghiệp lớn, các Hội thảo về Văn hoá, diễn đàn Đạo Đức ở Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM người ta bắt đầu chú ý nhiều hơn đến trường hợp "nhân vật"  Hoà thượng Thích Huệ Đăng, tìm đến mời diễn thuyết về:" Chân lý Phật giáo nhập thế", " Chữ Tâm trong doanh nghiệp"...

     

Ông không cho mình được nghĩ ngơi, với tâm lực và sức lực phi thường, không thể thấy ở người thường.

 

*

     

Trước cổng trang trại địa lan của hành giả Huệ Đăng hiện nay ở vùng Tuyền Lâm, Đà Lạt, người ta thấy có hai câu thơ đặt hai bên cổng: " Đời không Đạo lấy gì mà sửa/Đạo không Đời biết sửa với ai". Ông nhớ như in Đức Phật đã bỏ tất cả ngai vàng điện ngọc, rồi đi năm năm cầu pháp, sáu năm khổ hạnh, thêm 49 năm hoằng pháp mới viên thành đường đạo... Rồi vị Lục Tổ Huệ Năng, để đắc đạo từng trải qua mười mấy năm trời chung sống cùng thế giới thợ săn trên rừng mà hiểu đời, chuyển hoá họ, hành trình ấy mới nhận được nguồn tâm. Còn Đức Bồ Đề Đạt Ma cũng đâu phải vì đói mà đi dạy võ(Thiếu lâm) suốt 22 năm  trên thế gian ở con đường tu, hành đạo của mình để kiếm cơm, kiếm tiền. Muốn tu phải "sống", người thường tình càng phải vậy,  bởi xa xưa  vua A Xà Thế muốn đem cả ngai vàng đổi cũng không được; hay một kẻ trưởng giả như Cấp Cô Độc cúng dường cả một tịnh xá và tài sản của mình cũng không nhận được lý đạo ...  Với hành giả Thích Huệ Đăng ngày nay,  ông đã  từng trải lòng giảng đạo cho những người "chửi" mình lúc đi bán lan ở Sài Gòn là vậy. Ông quan niệm, tu là vì đời, đời nay đã khác thì lối tu cũng phải khác, hoặc có nhiều chọn lựa khác. Nay đã là thời "Toàn cầu hoá", đất nước làm ăn, mọi người lo phát triển kinh tế, xã hội, thì người tu cũng cần là người tham gia vào kinh tế, có thể là doanh nhân, "nhà kinh tế", con buôn, bất kỳ... Ông muốn "tu" đến tận cùng bằng lối lao vào con đường kinh tế khổ ải cùng tha nhân, đem trí tuệ của đạo Phật vào cuộc sống để con người có "Trí định". Có lần đang vô phân cho chậu lan, ông dừng tay minh thị sang tôi:"Tự do là... tự tại; Tự do là... giác ngộ; Tự do là... giải thoát".  muốn "tự do" thì phải ..."tự lo".

 

*  

 

           

Một chiều nọ, hành giả Thích Huệ Đăng trần tình với gã Ký giả lang thang sần sùi là tôi, rằng ông sẽ chia tay trần thế ngay tại trang trại địa lan, xứ xa lạ Đà Lạt này_quê xứ ông nghe đâu tận miền Bảy Núi_An Giang vùng sông nước Nam Bộ, tại Cty TNHH hoa lan Thanh Quang này với hai bàn tay trắng như lúc đến đây; tro cốt ai đốt thì vứt bỏ vào đâu đó dưới vườn lan kia, tuỳ người ở lại; còn mọi thứ vật chất chẳng cần phải viết di chúc, cũng chẳng để lại cho ai cả, tất cả thuộc về tha nhân, mọi người. Lúc đó trời đất, "Phật" sẽ tính, tự khắc có sự sắp xếp, nó sẽ vận hành theo lẽ thường của vũ trụ. Đơn giản vì "con đường kinh tế, làm giàu" là con đường để ông tu, để thực hành Phật pháp, hành đạo, để yêu thương con người, hiểu kiếp người, mở ra kiếp sau, chứ không phải mục đích tích tụ vật chất muôn đời. Bỗng ông bảo, cách tu của ông rồi sẽ "đời" hơn nữa đấy, dù vẫn ăn chay trường như năm mươi năm qua: ấy là khi bỗng nhiên ông sẽ mặc áo veston và đeo caravat, nếu thấy cần, chứ không nhất thuyết lúc nào cũng chiếc áo cà sa  trên mình mới là... Nhà tu. Ừ, thì chiếc áo không làm nên nhà tu, và thực tế thì trong sách Phật chẳng thấy trang kinh nào qui định trang phục người hành giả. Tâm thế và tinh thần nhà tu mới là quan trọng. Hoà chung trong tất cả là tâm thế, tinh thần, và giá trị rèn luyện, khổ luyện, dám sống tử tế đến tận cùng  của con người ở  trần gian này.

        

Hành giả này hay cười,  với cái miệng rộng tới đôi tai chảy sệ. Hành giả như đã đốn ngộ.

        

Trước cổng vào Công ty, vào Đạo Tràng của hành giả giang hồ kỳ dị thay vì những câu khẩu hiệu, hay trích dẫn kinh kệ, thì ông viết lên câu thơ:... Một chiếc xuồng con lội ngược dòng".  Thực ra có cái gì ngược đâu, ngàn vạn lối vào cửa Phật, trường hợp của hành giả Huệ Đăng là gợi mở về một đường tu, Phật pháp tử tế, đi cùng khổ đau và vất vả của con người, khai phá lối tu mới, thích ứng mới, thời nhân loại ta bà toàn cầu hoá, buổi trần gian và tha nhân ngổn ngang những vấn đề thời hiện đại, khác nhiều cái buổi xa xưa của đạo Phật vốn huyền nhiệm./.

 

DaLat, cuối VI-2011

 

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 2442
Ngày đăng: 02.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài văn định mệnh - Trần Hoài Thư
Tình yêu, tình thân và tình bạn trong buổi ra mắt Tuyển Tập 12 tác giả và 9 ca khúc của nhạc sĩ Trương Thìn. - Nguyễn Hòa vcv
Đi tìm bút tích ( di cảo) của cha tôi ( nhà thơ Quang Dũng) - Bùi Phương Thảo
Những Lần Ra Mắt Sách 2 - Nguyên Minh
Những Lần Ra Mắt Sách 1 - Nguyên Minh
Cá Mòi – Món “Thời Trân” Phố Hiến - Phạm Minh Hoàng
Xổ bụi - Nam Dao
Bài Học Vỡ Lòng - Mây Ngàn Phương
Bác Nguyễn - Nam Dao
Lại Một Người Tử Tế Nữa Ra Đi - Hoàng Quốc Hải
Cùng một tác giả