Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
640
115.984.161
 
Trung-Quốc Thế Kỷ 21
Nguyễn Vy Khanh

Thế kỷ 21 mở đầu thiên-niên kỷ thứ ba đã đến, mang nhiều hy vọng đồng thời với hãi sợ, các nhà khoa-học cũng như văn hóa khắp thế-giới đã liên tục nghiên cứu dự phóng. Dù đã không có những hiện tượng hay sự việc ngoạn mục nào xảy ra lúc giao thời nhưng vẫn có một số sự kiện khiến cho con người có cảm tưởng thiên-niên kỷ mới có khác thời đại vừa qua đi. Trước hết tiến bộ kỹ thuật và khoa-học một mặt giúp con người tiến bộ nhiều về vật chất, tiện nghi; canh nông, y học, ... khiến con người ăn ngon, sống lâu hơn, viễn thông không giây rồi tin-học đưa con người đến lại gần nhau, rút bớt biên giới địa lý, .. Nhưng đồng thời tiến bộ cũng khiến thiên nhiên bị ô nhiễm, tàn phá, đưa đến những tai nạn động đất, lụt lội và có những căn bệnh mới cho con người và thú vật nay phải đương đầu.

 

Người ta nói nhiều đến chuyện hoàn-cầu-hóa trong mọi lãnh vực, từ thương mãi, đến hợp tác khoa học kỹ thuật. Hoàn-cầu hóa với tin học, mạng lưới Internet chẳng hạn khiến các chế độ toàn trị hay độc tài phải tìm cách đối phó vì dù kiểm soát hay cấm đoán thì kẽ hở mạng nhện vẫn đầy dẫy. Nước Việt Nam ở ngả ba địa lý đã phải (hoặc bị) đón nhận ảnh hưởng Âu Mỹ; đất nước bị thực dân phía Tây xa xôi đến đánh chiếm đô hộ. Vì tình cờ hoặc thế chẳng-đặng-đừng, người Việt đã phải bỏ hệ thống Nho giáo và chữ Hán để dùng chữ quốc ngữ và Tây phương hóa! Đối với Việt Nam, thiên-niên kỷ mới thay đổi về chính trị là kỳ vọng chính và là nền tảng cho mọi cơ cấu văn hóa xã hội cũng như phát triển khoa học, kỹ thuật. Riêng Trung-quốc, thiên-niên kỷ mới, ngoài vấn đề thống nhất lãnh thổ với Đài-Loan, nhà cầm quyền phải đối đầu với nhiều "hiểm họa" mới về kinh tế, tin học, văn hóa, v.v. Sau những biến cố Thiên-An-môn và sự nảy sinh những phong trào dân chủ, từ nhiều năm nay, các nhà cầm quyền cũng như trí thức, chuyên viên Trung-quốc đã phải nghiên cứu, thảo luận về những biện pháp cần kíp để "cứu" Trung-quốc vì tình trạng hiện nay - chính trị vẫn toàn trị nhưng thả lỏng một số lãnh vực kinh tế, thương mãi cũng như xã hội, đang có những dấu hiệu tiêu cực và nguy hiểm cho tương lai! Họ "sợ" Trung-quốc bị loại trừ khỏi cách mạng tin học, Internet đang đi sâu vào đời sống và khắp thế-giới nhưng cũng là phương tiện phát triển, tiến bộ! Họ tin thời Đường (618-907) thịnh vượng an lạc sẽ trở lại với Trung-quốc. Bị phân tranh, chia rẽ nội bộ rồi các cường quốc phương Tây lấn lướt, đến chế độ toàn trị cộng sản sau nửa thế kỷ với nhiều biến động, thử nghiệm hy sinh hàng triệu dân, con người thường cũng như trí thức lên voi xuống chó nhiều lần, đang trở mình, khiến họ tin thiên-niên kỷ thứ ba này sẽ là thời "thiên hạ đại đồng" theo khuôn mẫu Trung-quốc (!). Dân du lịch nhiều hiện nay là người Trung quốc - những người giàu mới, chứ không còn là người Nhật nữa!

 

Trước hết nói đến một hy vọng "lớn" của người Trung-Hoa. Những phát triển trong lãnh vực tin học, Internet đã và đang khiến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong nhiều lãnh vực giao thương, thông tin, khiến người Trung-quốc nhìn thấy chữ Hán của họ cũng có một cơ may mới. Ai cũng biết chữ Hán hiện nay có 1 tỷ 3 trăm triệu người xử dụng, điện toán có thể đơn giản hóa và "vuông hóa" văn tự chữ Hán. Trước hết chữ Hán liên hệ đến mã vạch, không khác gì ký hiệu của công nghệ tin học; mỗi chữ Hán gồm 1 đến 29 nét và có thể đóng khung trong một ô vuông, các ô vuông này có thể ngang bằng nhau và xếp lên phím gõ (keyboard). Hình thù thì có khác gì một con IC thông dụng của giới tin học computer! Với 6 cách cấu tạo gọi là "lục thư", từ tượng hình đến phù hiệu, để biểu thị sự vật hay ý tưởng. Phép mã vạch của chữ Hán vô tình rất hợp với khuynh hướng tin học của con người hiện nay! Đó là lý do người Trung-quốc tin thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ chữ Hán ! Hy vọng người Trung-Hoa không quá chủ quan - vì có những điều kiện, cơ cấu Trung quốc chưa hoàn bị! Một nền kinh tế trí thức cần có những con người và giới lãnh đạo thật sự trí thức và một khung cảnh xã hội và chính trị thật trí thức, dân chủ. Có thể vì thế mà Việt-Nam qua đại hội đảng cuối đã vội bầu lên những "lãnh tụ" trẻ và tốt nghiệp đại học, nhưng vẫn thiếu yếu tố chính trị dân chủ và thật sự trí thức để có thể chạy theo nền "kinh tế trí thức" đó!

 

Về văn nghệ, sẽ phải có một loại "đa nguyên" về thể loại cũng như nội dung. Văn nghệ minh họa cứng nhắc, giả tạo sẽ lần hồi bị từ bỏ, dù đôi khi vẫn phải dùng đến khi tình hình chiến lược tuyên truyền cần đến! Tin tưởng hoặc hy vọng thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của Trung-Hoa trước khi là của phương Đông, nhà cầm quyền Trung-quốc, ít ra là giới trí thức, văn hóa, đã bắt đầu để lộ khuynh hướng nghiêng về văn minh Âu Mỹ và chủ yếu đạo Thiên-Chúa - dĩ nhiên họ không nói công khai! Họ có lúc tỏ ra bớt tự phụ là cái rốn của vũ trụ (Trung-quốc, thiên tử), hết nghĩ "chiến thắng tinh thần" với "bạch quỷ" - kiểu AQ của Lỗ Tấn. Để tìm hiểu tại sao Âu Mỹ tiến bộ đến thế ! Và họ nhận ra rằng vì nền văn minh ấy đặt căn bản trên những nguyên tắc chính của đạo Thiên-Chúa, cùng nguồn với Do-thái giáo.  Thế kỷ 21 có cơ chính thức hóa thời của tâm linh, khuynh hướng đã khởi từ 2 thập niên cuối thế kỷ XX. Trong cuốn Đại Dự Đoán Trung-Quốc Thế Kỷ 21 (Chủ biên Phùng Lâm. Bản dịch tiếng Việt của nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, TPHCM, 986 trang. Tổng luận và phỏng vấn hàng trăm học giả thuộc nhiều ngành chuyên môn. Trong nước dịch Cơ-đốc giáo để chỉ đạo Thiên-Chúa theo ngôn ngữ thường dùng), một số nhà "trí thức" và khoa bảng Trung-quốc tin tưởng văn hóa nước họ sẽ phục hồi nếu chịu thức tỉnh và chấp nhận văn minh kỹ thuật cùng cơ bản đạo Thiên-Chúa (dĩ nhiên không có nghĩa là phải trở lại đạo). Trong lịch sử Trung-Hoa hay bị "dị tộc" cai trị, chiếm đóng nhưng sau mỗi lần văn hóa nước họ mạnh mẽ thêm vì đồng hóa hoặc hòa tan các văn hóa kia vào văn hóa mạnh mẽ của họ. Nhưng lịch sử trăm năm qua chứng tỏ ngược lại. "Điều này làm cho người Trung-quốc lần đầu tiên phải thức tỉnh trước một nền văn hóa còn mạnh mẽ hơn, thành thực hơn, hoàn toàn khác về chất và đầy tính thuyết phục so với nền văn hóa của mình. Đó là chính nền văn hóa Hy Lạp phương Tây - Cơ đốc giáo" (Sđd, tr. 633). Tham vọng biến chủ thuyết cộng sản thành "tôn giáo" không thành, người cộng sản nay đành phải công nhận tôn giáo và tín ngưỡng có liên hệ và vai trò với lịch sử, thay vì cứ tuyên truyền tôn giáo là thuốc độc, là bùa ngải và mê tín dị đoan!

 

Lý do: người Trung-quốc (cũng như phần nào Việt Nam ta) hấp thụ và thích ứng với chuẩn mực văn hóa phương Tây chỉ vì bị ngoại lực và thời thế cưỡng bức, khiến văn hóa Trung-Hoa lộ "khuyết tật bẩm sinh yếu đuối" của nó qua việc đánh mất văn hóa truyền thống và không "tiêu hóa" nổi văn hóa ngoại lai. Trong văn nghệ thì thiếu sâu sắc triết lý và tình cảm tôn giáo, về triết học thì mất đi tính trực giác của nghệ thuật và siêu việt của tôn giáo, và về mặt tôn giáo thì lại thiếu đi sự tao nhã của nghệ thuật và tinh tế của triết học. Văn hóa truyền thống Trung-Hoa mạnh về nghệ thuật nhưng yếu về tôn giáo. Nay theo họ cần phải đảo ngược thế đó, phải nâng tôn giáo lên đúng chỗ. Các "đạo" Nho, Phật, Lão đầy thần bí và thi vị phải phục hồi tính tôn giáo để hòa nhập với đạo Thiên-Chúa đã biết đến gần với phương Đông. "Đó là ẩn số quan trọng nhất của quan tâm đối với sự biến đổi của văn hóa Trung-quốc sau này" (Sđd, tr. 636).

 

Trong viễn tượng mới đó, người Trung-quốc có thể đi xa hơn, nghiêm túc hơn, vì truyền thống tôn giáo của họ rất tùy tiện, pha trộn với triết lý và văn hóa. Chẳng hạn nay họ nghiên cứu so sánh đạo Nho với đạo Thiên-Chúa nói là để hỗ trợ cho một Trung-quốc mới, nơi đó con người phân biệt "giác ngộ" với "tín ngưỡng". Đồng thời đề cao vai trò con người cũng như quan hệ giữa con người với con người - chuyện rất mới ở một nước như ở Trung-quốc đã hơn nửa thế kỷ sống trong độc đoán mà nhân phẩm không hề được nói đến! Cả rất mới trong một xã hội mà Nho giáo đã độc tôn nhiều thế kỷ. Nho đã khống chế đạo Lão và Phật, biến hai đạo này thành triết lý nếu không là dị đoan. Nay người Trung-quốc đã bắt đầu có cái nhìn thiện cảm hơn với hai đạo này cũng như mở tầm mắt đến với đạo Thiên-Chúa là tôn giáo đã nhập vào Trung-Hoa từ đầu thế kỷ thứ 7 lúc bấy giờ gọi là Cảnh Giáo và đã được vua Đường Thái-tông Lý Thế Dân nói đến như "tế vật lợi nhân, nghi hành thiên hạ" tức cái đạo lợi cho con người nên được thi hành khắp trong thiên hạ! Người Trung-quốc khám phá ở đạo Thiên-Chúa một số "ưu điểm" mà Nho gia không có như tinh thần pháp trị được bắt nguồn từ quan niệm "mọi người đều bình đẳng trước Thượng-đế" (dĩ nhiên họ có Tôn tử, v.v.), cái tinh thần mà họ cho rất cần cho Trung-quốc tương lai trong việc phát triển xã hội và văn hóa !  Đông Tây hòa hợp, một thế-giới tâm linh mới, sẽ là sự phục hưng của nhân loại trong tương lai! Tinh thần phương Tây là hợp lý và chinh phục thiên nhiên, trong khi Trung-quốc thì tư tưởng "thiên nhân hợp nhất", nước và lửa phải hỗ trợ nhau và một số học giả tin "thủy tính" của Trung-quốc sẽ chuyển qua thế mạnh ! Phải chăng vì đó mà về gia đình, người Trung-Hoa sẽ phải bớt hủ tục "trọng nam khinh nữ" chỉ sanh đẻ con trai vì đã đưa đến bất quân bình dân số nam nữ. Ở Trung-quốc, nạn khan hiếm phụ nữ ở nhiều địa phương trở nên trầm trọng, một phần do chính sách kiểm soát sinh đẻ từ khi đảng cộng sản chiếm lục địa, nếu chỉ được có một thì phải là trai. Trai Trung-quốc đành phải tìm vợ ở ... nước ngoài, đến sinh ra nạn buôn bán phụ nữ - tràn sang cả Việt Nam !

 

Trở lại với nghệ thuật, họ cho rằng nghệ thuật ảnh hưởng đạo Thiên-Chúa "thể nghiệm vĩnh hằng sâu sắc nhất" (Sđd tr. 701). Âm nhạc thì thiêng liêng, khát vọng siêu việt, thoát tục, hướng lên, trong khi những âm nhạc khác dừng lại ở tình cảm thế tục bề mặt hai chiều.ï Một nghệ sĩ Trung-quốc đã phát biểu :"Tôi gọi âm nhạc Cơ đốc giáo là loại nhạc hoài cảm tôn giáo cao cấp, nó chỉ rõ sự ngắn ngủi của cuộc đời và sự tồn tại của vĩnh hằng, nó chỉ rõ mối quan hệ giữa người và thần, giữa tự nhiên và thần. Nghệ thuật mang tính Cơ đốc giáo thông qua có thể nhìn, có thể nghe, có thể quan sát được tất cả mọi hình thái, thể hiện một cách hoàn mỹ mối quan hệ giữa người và thần. Nghệ thuật Cơ đốc giáo cũng bao gồm tính bộc lộ, trạng thái và tính vạch trần, chỉ rõ chổ ở của con người không ngừng bị hoang vu hóa hoặc lạnh lẽo hóa do sự "thiếu vắng" Thần; ngoài ra nó cũng là những tác phẩm của Cơ đốc giáo tràn đầy ánh sáng, ấm áp lúc "có mặt" Thần và ôn tồn lên tiếng. (...) Con người ngoài trạng thái sinh hoạt vật chất ra, cuộc sống tinh thần chủ đạo suốt cả cuộc đời nó, cho dù là Thần "có mặt" hay "không có mặt"..." (Sđd tr. 702).

 

Như vậy qua chuyện Trung-quốc, tôn giáo và tâm linh có thể sẽ là những hiện tượng của thế kỷ mới, biết đâu không chỉ riêng cho họ mà cho cả thế-giới ! Cố hồng-y Nguyễn Văn Thuận, một nạn nhân (5) của xung đột Đông-Tây và người đã qua nhiều đoạn đường khổ nạn của thế kỷ vừa qua, trong một cuộc gặp gỡ người Việt ở Garden Grove Cali cũng đã nhắc nhở "lấy ĐẠO mà cứu" khi nói đến người Việt trong và ngoài nước!./.

 

Nguyễn Vy Khanh
Số lần đọc: 2073
Ngày đăng: 10.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vốn xã hội, nguy cơ phá sản? - Nam Dao
Triết học cách mạng cho khoa học - Lê Hải*
Thơ Du Tử Lê - Nguyễn Vy Khanh
Thế-kỷ tiểu-thuyết 1 - Nguyễn Vy Khanh
Thế-kỷ tiểu-thuyết 2 - Nguyễn Vy Khanh
Các nhà văn nói về Môn Văn. - Yến Nhi
Triết học đại học - Lê Hải*
Nghĩ Về Đề Tài Chiến Tranh, Tình Yêu Và Siêu Hình, Trong Thơ Luân Hoán - Trần Văn Nam
Bàn Thêm Một Số Nhận Định Văn Chương Ở Sách Giáo Khoa - Trầm Thanh Tuấn
Trần Dzạ Lữ, nhà thơ hát dạo bên trời - Nguyễn Vy Khanh
Cùng một tác giả
Thơ Du Tử Lê (tiểu luận)
Thơ Hôm Nay (phê bình)
Lục Bát Huy Tưởng (nghệ thuật)