Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
538
116.537.171
 
Sơn Ca 1
Sâm Thương

Kịch bản sân khấu

 

Nhân vật:

 

N CA, 30 tuổi, ngôi sao sân khấu kịch nói

VĨNH PHAN, bác sĩ Y khoa, 33 tuổi

QUÂN ANH, biên kịch, đạo diễn sân khấu,47 tuổi

THU VÂN, vợ của Quân Anh, cô giáo trung học, 32 tuổi

BA SÁU, mẹ của Sơn Ca, 63 tuổi

HUỆ THI, 24 tuổi, diễn viên

NGƯỜI NHC TUNG, 57 tuổi

KẺ GIẤU MẶT

THU SƯƠNG, bác sĩ, đồng nghiệp với Vĩnh Phan,27 tuổi

NỮ Y TÁ, 25 tuổi

 

 

 

PHẦN MỘT

 

CẢNH MỘT

 

Một căn phòng dành cho bệnh nhân. Giường trải nệm trắng, một chiếc bàn, trên có bình hoa tươi và một vài thứ vật dụng. Sơn Ca đang ngồi tựa lưng ở thành giường, cánh tay trái treo trước ngực. Bà Sáu ngồi bên cạnh.

 

SƠN CA

Má nói thật đi, có ai chết không?

 

BÀ SÁU

Con nghỉ đi đã. Chuyện đâu còn có đó.

 

SƠN CA

Con nhớ mà. Sân khấu tắm đầy máu.

 

BÀ SÁU

Sơn … Đừng nói nhiều. Có hại cho sức khỏe.

 

SƠN CA

Chúng đã gửi cho con ba lá thư. Lúc đó, con tưởng chỉ là sự dọa nạt có tính cách cạnh tranh nghề nghiệp hoặc cá nhân như kiểu trước kia, nên con cũng chẳng quan tâm (ngừng) Má! Sao má ngồi im vậy?

 

BÀ SÁU

Má sợ… (ngập ngừng) Hay tạm thời con nghỉ đi vài tháng, hoặc vài năm đã.

 

SƠN CA

Cuộc đời con đã gắn chặt với sân khấu, với khán giả, với lời ca tiếng hát. Không có tất cả những thứ đó con sống  sao đây?

 

BÀ SÁU

Con…

 

SƠN CA

Má biết không, khi nhận lá thư đầu tiên hăm dọa, con có viết thư cho Vũ. Bây giờ con mới sực nhớ và không ngờ em con đã thấy rõ vấn đề hơn con. Con nhớ có đoạn nó viết: “Em nghĩ vai trò mà chị đang diễn trong vở kịch đó không khác gì vị trí của em hiện tại. Em cầm súng để chận đứng mưu đồ bành trướng, chị diễn kịch để nói lên tinh thần bất khuất của dân tộc chúng ta. Chúng ta có cùng một nhiệm vụ và không có vị trí nào không bị đe dọa cả”. (ngừng) Nếu không diễn thì con không là con, mà tiếp tục diễn thì e mạng sống của con nguy mất.

 

BÀ SÁU

Thôi, con nghỉ đi đã. Thủng thỉnh rồi tính.

 

SƠN CA

Cho con biết số phận của mọi người, con mới ngủ được. Nói cho con nghe đi má. Những ai nặng nhẹ ra sao? Út Du thế nào?

 

BÀ SÁU

Nó chết rồi! Miểng găm vào bụng, cứu sống sao được nữa.

 

SƠN CA, hốt hoảng

 Út Du chết rồi? (ôm mặt) Chú bé đánh trống! Đêm đêm tiếng trống của em nâng ta lên, ta bay bổng cùng nhân vật, ta chan hòa cùng khán giả bên dưới, gần gũi thân thiết từng ánh mắt, từng nụ cười và từng tiếng vỗ tay. Kìa! Tiếng trống của em. Mạnh lên đi! Mạnh nữa lên đi (thở dài) Sao em buông tay? Tại sao?

 

BÀ SÁU

Sơn! Con làm sao vậy? Má sợ…

 

SƠN CA, chợt tỉnh

Có lẽ con hơi chóng mặt đó má.

 

BÀ SÁU, đỡ Sơn Ca

Coi chừng động vết thương.

 

SƠN CA

Còn ai chết nữa không má?

 

BÀ SÁU

Thúy Hoa!

 

SƠN CA

Họ chết thay cho con đó má (ngừng) Rồi cũng đến lượt con buông hai tay nằm xuống. Chết là hết. Tất cả chẳng còn giá trị gì trước cái chết phải không má? Con sẽ trở thành đất cát. Một vài tháng, một vài năm sau chẳng còn ai biết đến con, chẳng còn ai biết đến Sơn Ca là ai? Chết là như thế đó hả má? Thật khủng khiếp! (ôm mặt, hai vai rung lên) Không… không, con không muốn chết.

 

BÀ SÁU, giữ chặt lấy Sơn Ca

Sơn… Sơn! Con có má đây!

 

HUỆ THI, vào, chạy vội đến

Chị Sơn! Sao vậy?

 

SƠN CA, mở choàng mắt

Huệ Thi đó hả? (giơ tay phải tới) Em không sao chớ? Không sao chớ?

 

HUỆ THI

Không chị! Em đứng khuất sau trống đồng. Út Du ngã xuống ngay dưới chân em.

 

SƠN CA

Những người bị thương có sớm qua khỏi không?

 

HUỆ THI

Chừng một tuần lễ điều trị có thể về được (ngừng) Chị xanh quá!

 

SƠN CA

Em đừng lo! Một tuần sau chị có thể đến với khán giả được rồi.

 

HUỆ THI

Chị không sợ sao?

 

SƠN CA

Sợ chứ! Ai mà không sợ chết hả em? Nhưng chị không thể thiếu khán giả được (hóm hỉnh) Kiếp trước chị mắc nợ khán giả và khán giả cũng mắc nợ chị đó.

 

HUỆ THI

Kiểu khán giả trung thành một đời như bác sĩ Vĩnh Phan đó phải không?

 

BÀ SÁU

Vậy chớ hôm đó không có Vĩnh Phan thì liệu con có còn sống đến bây giờ không?

 

HUỆ THI

Thú thật với bác con xuống tinh thần quá! Kẻ thù lẫn trong đám đông. Đám đông mà mình yêu quý, trân trọng, đêm đêm đứng trước họ, cảm nghĩ, sống với từng nhân vật trong những biến đổi tình cảm của chính mình. Rồi một trái lựu đạn ném lên, bị thương chết chóc…

 

SƠN CA

Bộ em có ý định  bỏ sân khấu sao?

 

HUỆ THI

Em yêu sân khấu như chính cuộc đời em. Nhưng…

 

SƠN CA

Nhưng bọn chúng đã dùng súng đạn bắt buộc chúng ta không được yêu cuộc đời đó… Muốn hất chúng ta ra khỏi chỗ đứng của chúng ta.

 

BÀ SÁU

Thôi, hai chị em nói chuyện (với Huệ Thi) Bác cũng không biết tính sao? Sống chết đâu phải chuyện đùa (bước ra)

 

HUỆ THI

Coi bộ bác lo dữ!

 

SƠN CA

Dư luận khán giả như thế nào hả em?

 

HUỆ THI

Họ phẫn uất lắm chị ạ! Đêm đó nếu không có bảo vệ cấp thời chắc khán giả nhào lên sân khấu với chị quá!

 

SƠN CA

Không hiểu sao! Mặc dù trong trạng thái bất định, lúc đó chị vẫn thèm được nhìn thấy khán giả.

 

HUỆ THI

Em cũng không hiểu nổi chị.

SƠN CA

Khán giả có ai bị thương không?

 

HUỆ THI

Không mà, em biết chắc mà. Đoàn của mình bị thôi. Bọn chúng cố tình sát hại chị.

 

SƠN CA

Chị biết rồi! Liệu khán giả có đến với mình đêm đêm nữa không? Ai không run sợ trước cái chết? (giơ cánh tay bị thương lên) Cánh tay này phải dồn bao nhiêu sức lực mới vung nổi thanh gươm, đâm thẳng vào ngực kẻ thù. Đây, bây giờ bị thương treo lên vai như thế này.

 

HUỆ THI

Sao nghệ sĩ như mình mà cũng bị ám hại?   

 

SƠN CA

Trước kìa, mình cũng ca hát, cũng làm sống lại những nhân vật với đầy đủ yêu ghét trên sân khấu. Nhưng do chưa ý thức nên chỉ biết đem trái tim mình rao bán chuyện vui buồn với đời. Nghệ thuật và chính bản thân mình nữa, chỉ được coi như một món hàng. Bây giờ, chị hiểu nghệ sĩ phải góp phần vào sự biến cải cuộc đời, phải trách nhiệm với bản thân và những người cùng sống… Như thế, chúng ta mặc nhiên trở thành cái đích cho kẻ thù của dân tộc chúng ta nhắm tới…

 

HUỆ THI, tinh nghịch

Chị không sợ anh Vĩnh Phan ghen sao? Chị lập luận giống như Quân Anh.

 

SƠN CA

Trái tim của chị thuộc về Vĩnh Phan, còn ý thức và trí tuệ của chị lại thuộc về Quân Anh (ngừng một lát) Chính đời sống, và nhân vật của anh Quân đã hướng dẫn, dìu dắt chị đi tới…

 

HUỆ THI, mỉm cười

Không khéo có lúc chị lẫn lộn…

 

SƠN CA, lắc đầu

Đó chính là chỗ nhược của anh Vĩnh Phan. Cũng vì vậy mà đến hôm nay chị chưa chính thức nhận lời cầu hôn của ảnh, mặc dù chị rất yêu Vĩnh Phan (ngừng) Có can đảm tiếp tục trở lại sân khấu không cô bé?

 

HUỆ THI

Chị thuyết phục em đó à?

 

SƠN CA

Ừ há! Có lẽ chị đang thuyết phục chị thì đúng hơn. Chị mới là người cần được thuyết phục hơn ai hết.

 

HUỆ THI

Em hiểu dù nỗ lực cách mấy, em chỉ có thế trở thành một diễn viên khá, chứ không thể xuất sắc như chị được. Em sợ đó, nhưng thấy mọi người vui vẻ trở lại thì em quên ngay. Em không phải đau xót, trăn trở như chị. Do đó cuộc đời em cũng ít sóng gió và em không phải là đối tượng mà bọn chúng nhằm đe dọa…

 

SƠN CA

Em nói không đúng đâu. Nếu không có em, không có những người khác thì làm sao thành một vở diễn? Chị chẳng là gì cả, tự một mình chị, chị không thể làm nên vở kịch.

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG, bước vào, tay xách túi cam

Vừa mới thấy cô Huệ Thi ở đoàn, đến đây cũng gặp cô (đặt túi cam lên bàn). Cô thấy trong người thế nào?

 

SƠN CA, mỉm cười

Nếu như chúng có âm mưu giết tôi thì coi như chúng đã thất bại.

 

HUỆ THI

Anh có nghe nói gì đến bọn khủng bố?

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Nghe nói bọn này từ bên ngoài đột nhập vào, an ninh đã bắt được một tên. Nhưng hắn đã tự sát.

 

SƠN CA

Hắn đã tự sát?

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Có lẽ hắn muốn cắt đứt đầu mối điều tra của an ninh.

 

SƠN CA, ôm lấy ngực

 

HUỆ THI

Có vẻ chúng không từ bất cứ một thủ đoạn nào.

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Đời sống đã khó khăn, lại thêm cái chuyện rắc rối này nữa. Không biết chúng ta sẽ sống làm sao đây?

 

HUỆ THI

Nghe giọng của anh, tưởng chừng như anh muốn bỏ đoàn?

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG, lắc đầu

Tôi mê say sân khấu từ hồi còn nhỏ, đang đi học bỏ trốn theo đoàn hát. Tôi đã từng được đóng một số vai, nhưng có lẽ do không có năng khiếu nên không vai nào thành công. Nhưng không vì thế mà lòng say mê sân khấu của tôi bị giảm sút. Tôi hiểu sự thành công của một vở kịch không chỉ do đạo diễn, diễn viên chính… mà là kết quả của nhiều người tổng hợp lại. Cho nên tôi nhận làm người nhắc tuồng (mỉm cười). Có lẽ, cái công việc này thích hợp với khả năng tôi hơn hết.

 

HUỆ THI

Không lẽ con thầy chùa thì cứ phải quét lá đa sao?

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Ễnh ương dù có muốn to bằng con bò cũng không được (chỉ túi cam nói với Sơn Ca). Đây là quà của anh chị em công nhân hậu đài gởi cô.

 

SƠN CA

Anh cho tôi gởi lời cám ơn.

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Tôi còn phải về.

 

SƠN CA

Anh chờ tôi (với Huệ Thi). Em làm ơn lấy mấy cuốn sách nơi hộc bàn trao cho anh ấy đi (với người nhắc tuồng) . Tôi có nhờ anh Phan mua cho bé Hạnh mấy cuốn truyện cổ tích mà chưa kịp gửi. Sẵn đây anh mang về cho cháu.

 

HUỆ THI, lấy sách trao cho người nhắc tuồng

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG, cầm sách

Dạ! Cháu nó rất ham đọc sách. Cám ơn cô Sơn Ca (bước ra).

 

VĨNH PHAN, áo blouse, đeo ống nghe bước vào

Huệ Thi đến bao giờ thế? Giọng cô đã trở lại bình thường chưa?

 

HUỆ THI

Em không còn thấy đau ở cổ họng khi kéo dài hơi nữa.

 

VĨNH PHAN

Nhưng cô vẫn phải tiếp tục làm những gì tôi đã dặn?

 

HUỆ THI

Da! (đứng dậy, nheo mắt với Sơn Ca). Bây giờ, em xin bàn giao chị lại cho anh Vĩnh Phan đó (cười khúc khích)

 

SƠN CA

Cái con này thật.

 

HUỆ THI

Chị nói thêm một tiếng nữa, em sẽ ngồi lỳ đây cản mũi kỳ đà cho chị coi.

 

SƠN CA

Không sao. Mọi sự vẫn cứ diễn ra như không có Huệ Thi.

 

VĨNH PHAN

Em nói gì?

 

HUỆ THI

Nói vậy chớ tội nghiệp anh Vĩnh Phan. Đằng nào thì em…

 

SƠN CA

Bắt không được tha làm phước phải không?

 

HUỆ THI, làm điệu bộ nghiêm trang

Hỡi Thượng Đế! Nếu như lưỡi tôi có thốt ra lời dối trá thì xin hãy kéo dài ra thêm một thước nữa (bước ra).

 

VĨNH PHAN

Em có ngủ chút nào không?

 

SƠN CA

Cám ơn anh! cũng thiếp đi được một lúc. Chừng bao lâu nữa thì em có thể trở lại sân khấu?

 

VĨNH PHAN, sững sờ nhìn Sơn Ca một lúc lâu

Như thế này không đủ cho em suy nghĩ rồi sao? Chỉ một ly nữa thôi mạng sống của em khó bảo toàn.

 

SƠN CA, ngước lên âu yếm

Em biết nếu không có bàn tay anh thi em không hy vọng sống đến ngày hôm nay đâu.

 

VĨNH PHAN

Anh không muốn em nói chuyện đó…

 

SƠN CA

Anh không muốn nhắc đến ân huệ? Nhưng em không thể không nói tới… Bởi vì (nắm tay Phan áp lên má mình) Ước gì bây giờ vết thương không hành hạ em, em không bị bất cứ một ràng buộc nào. Em sẽ cùng anh đi lang thang trên những con đường làng, dưới những tàng cây im bóng như buổi trưa hôm nào, để được nghe tiếng chim hót, và nhìn thấy bướm vàng nhởn nhơ bay lượn…

 

VĨNH PHAN, xúc động

Nếu em thật sự còn yêu thương anh, còn coi anh là cần thiết…

 

SƠN CA, dựa đầu vào ngực Vĩnh Phan, ánh mắt long lanh

Em không thể hình dung một hạnh phúc tương lai của em mà không có anh. Còn anh, anh có yêu em với tấm lòng trìu mến đó không?

 

VĨNH PHAN, sau một giây im lặng

Không bao giờ và không có ai yêu em như anh đã yêu em.

 

SƠN CA

Vậy thì anh hãy nghe em nói đây: Nếu như anh bó buộc em từ bỏ sân khấu thì em đâu còn là em. Mà anh thì yêu Sơn Ca mà.

 

VĨNH PHAN, lắc đầu

Anh không có ý định bắt buộc em.

 

SƠN CA

Nhưng anh không khuyến khích em.

 

VĨNH PHAN

Em hiểu, anh không muốn mất em.

 

SƠN CA

Không có cách nào khác nữa sao anh?

 

VĨNH PHAN

Anh tha thiết muốn em làm một người vợ, một người mẹ…

 

SƠN CA

Em cũng rất muốn làm vợ anh, và mẹ của con chúng ta. Nhưng… anh quên em là Sơn Ca. Sơn Ca là tên của một loài chim. Trời đất sinh chim ra để hót. Chim không thể không hót khi bình minh đến (ngừng một lát). Sao anh không làm cách nào để em vẫn tiếp tục phụng sự nghệ thuật mà không bị đe dọa? (rời Phan ra)

 

VĨNH PHAN, bối rối

Em lại nói chính trị nữa rồi.

 

SƠN CA, nhìn thẳng vào ánh mắt Vĩnh Phan

Anh cho phép em nói?

 

VĨNH PHAN

Em cứ nói.

 

SƠN CA

Anh là một nhà giải phẫu có tài.

 

VĨNH PHAN

Điều đó có ăn nhập gì đến câu chuyện này đâu?

 

SƠN CA

Anh cứ để em nói hết. Em hiểu anh là một người trong sáng, có lý tưởng. Dù anh không nói, nhưng em biết sau khi tốt nghiệp y khoa ở Mỹ anh đã được mời ở lại làm việc với những điều kiện ưu đãi. Nhưng anh đã nhất định trở về nước. Cũng như hiện tại, trước hoàn cảnh khó khăn, bao nhiêu đồng nghiệp của anh đã bỏ đi, còn anh thì vẫn ở lại.

 

VĨNH PHAN

Anh không thể đi vì  anh yêu em.

 

SƠN CA

Chỉ một phần. Em biết, anh không đi không phải vì quan điểm của anh phù hợp với nhà nước hiện tại , nhưng đơn giản anh không thể bỏ bệnh nhân của anh được.

 

VĨNH PHAN

Anh tưởng em không trách anh vì điều đó. Có thể anh cynique, gàn một chút, nhưng đó là bản lĩnh của anh. Anh không thể để cho đồng tiền hay bọn có tiền sai khiến anh. Đối với nghề anh, ở đâu cũng có bệnh nhân, nhưng ở đây bệnh nhân cần anh hơn.

 

SƠN CA, ngọt ngào

Em đâu có trách anh. Em còn kính trọng anh nữa đó chớ.

 

VĨNH PHAN, nhìn thẳng vào mắt Sơn ca băn khoăn, chờ đợi

Cái khuyết điểm chính là thái độ chạy trốn của anh. Đối với chế độ cũ anh khinh ghét, bất mãn nhưng anh đã không biết làm gì hay đúng hơn anh không dám làm gì để thay đổi hoặc biến cải nó. Bây giờ trong chế độ mới, có biết bao nhiêu cái anh chưa thể hài lòng, chấp nhận được, nhưng anh vẫn không thể góp phần làm tan đi lớp sương mù của buổi bình minh đang tới. Trong cả hai xã hội mà anh đã và đang sống, anh đều không có thái độ nào khác hơn là chạy trốn bằng cách tự giam mình trong chuyên môn (trầm ngâm, nhìn theo chiếc lá từ trên một cành cây cao rơi rụng, bay là đà qua khung cửa vào phòng, rồi nằm yên trên nền nhà)

 

NỮ Y TÁ, bước vào, với đóa hoa hồng đỏ rực trên tay

 

SƠN CA, hốt hoảng

Hoa hồng! Hoa hồng… Trời ơi! Hoa hồng nữa sao?

 

NỮ Y TÁ, bối rối

 

VĨNH PHAN, nắm lấy tay Sơn Ca

Sơn! Bình tĩnh… Có anh đây.

 

SƠN CA, che mặt run rẩy

Hoa hồng… Đẹp lắm, nhưng đầy máu. Họ đã chết thay cho tôi. Máu của họ đã tắm đỏ sân khấu rồi. Trời ơi! Hoa hồng… Tôi sợ lắm…

 

QUÂN ANH, bước vào, nhìn sững

Sao vậy anh Phan?

 

SƠN CA

Ồ! Quân Anh… Hoa hồng! Lại hoa hồng. Anh có thấy không? Bọn chúng… (giữ chặt tay Phan) Anh Phan! Em không muốn chết. Không- Em không muốn chết (ngất đi)

 

VĨNH PHAN, đặt Sơn Ca nằm xuống giường

 

QUÂN ANH

Liệu có sao không anh Phan?

 

VĨNH PHAN

Bị xúc động ngất đi. Một lát sẽ tỉnh lại.

 

QUÂN ANH, với nữ y tá

Ai trao cho cô bó hoa này?

 

NỮ Y TÁ, bối rối

Của anh chị em ở bệnh viện nhờ tôi chuyển đến…

 

QUÂN ANH, cầm lấy hoa

Cám ơn cô!

 

NỮ Y TÁ, quay người bước ra

 

VĨNH PHAN

Anh thật sự muốn cứu sống Sơn?

 

QUÂN ANH

Tại sao anh hỏi tôi câu đó?

 

VĨNH PHAN

Anh biết rõ ai là thủ phạm và tại sao bọn chúng cố tình ám hại Sơn?

 

QUÂN ANH

Tôi không phủ nhận.

 

VĨNH PHAN

Vậy thì tôi xin nói thẳng với anh: Chính anh sẽ giết chết Sơn nếu như anh tiếp tục viết và diễn những vở kịch với nội dung như thế đó. Tôi chỉ có thể cứu được người sống mà không cứu được người chết.

 

QUÂN ANH

Cám ơn sự thẳng thắn của anh, nhưng tôi không thể viết khác đi được. Bởi vì không phải đến bây giờ tôi mới nghĩ như vậy mà trước kia, khi còn hoạt động bí mật trong thành phố tôi cũng quan niệm rằng: Chữ viết của mình là hành động. Và tôi chỉ viết khi có ước vọng thay đổi.

 

VĨNH PHAN

Anh sẵn sàng hy sinh mạng sống của Sơn?

 

QUÂN ANH

Tôi tôn trọng tự do của Sơn. Tôi biết tôi không thể trách nhiệm về bất cứ cuộc đời ai khác ngoài tôi, nhưng nếu tôi được quyền hướng dẫn Sơn thì tôi vẫn phải khuyên Sơn tiếp tục lên sân khấu.

VĨNH PHAN

Cuộc đời không đáng gì cả; nhưng không có gì đáng giá bằng cuộc đời.

 

QUÂN ANH, im lặng một lát

Có lẽ anh chưa chia sẻ được với chúng tôi trong tâm trạng này. Còn tôi, tôi đã cảm nhận được điều đó mà không cần phải giải thích cho mãi mãi về sau, vào một đêm cách đây mười năm trước trong nhà tù…

 

SƠN CA, bất ngờ vùng dậy

Quân Anh! Anh đừng nói nữa… những lời anh nói chỉ làm em cảm thấy đau xót và hổ thẹn… Nhưng anh hiểu cho. Em không muốn chết… Em sợ… (cả Quân Anh, lẫn Phan ngạc nhiên quay lại sững sờ)

 

 

 

CHUYỂN CẢNH

 

CẢNH HAI

 

Cảnh hậu trường sân khấu. Bên ngoài sân khấu kịch đã bắt đầu. Quân Anh đang ngồi ở ghế, dáng điệu suy tư. Sơn Ca ngồi bên cạnh bàn hóa trang, chuẩn bị ra sân khấu, người nhắc tuồng ngồi ở góc.

 

SƠN CA

Sao anh không nói?

 

QUÂN ANH

Cô muốn tôi nói gì?

 

SƠN CA

Nói gì cũng được, miễn sao gây thành tiếng động.

 

QUÂN ANH

Cô quên là sân khấu đang diễn à?

 

SƠN CA

Nhưng em muốn anh nói, em sợ sự im lặng nơi anh…

 

QUÂN ANH

Cô nên chuẩn bị để ra sân khấu.

 

SƠN CA

Anh không hài lòng lắm phải không?

 

QUÂN ANH

Sao cô còn hỏi tôi câu đó?

 

SƠN CA, ngập ngừng

Không kể thời gian nằm trong bệnh viện, mấy tuần lễ nay ở không… Em thú nhận với anh, nếu còn kéo dài chắc em không chịu nổi… Em sẽ điên mất…

 

QUÂN ANH

Thì cô được làm theo ý cô rồi đó.

 

SƠN CA

Anh trách em?

 

QUÂN ANH , mỉa mai

Tôi có quyền gì để trách cô, khi mà đa số anh chị em trong đoàn đã bác bỏ đề nghị của tôi, thỏa thuận diễn lại những vở với nội dung như thế này… (ngừng một lát) Đáng ra cô, người mà tôi tin là hiểu những ước mơ sâu xa nhất của tôi về nghệ thuật, sẽ cùng chia sẻ với tôi trên những chặng đường… thì cô cũng đã cùng với họ biểu quyết trái với ý kiến của tôi…

 

SƠN CA

Đúng là em phụ lòng tin cậy của anh, nhưng em không chịu đựng nổi sự đe dọa của chúng… Em không muốn chết… Nghĩ đến cái chết là em không còn đủ can đảm làm bất cứ điều gì.

 

QUÂN ANH, im lặng ngước nhìn Sơn Ca một hồi lâu

Xin lỗi Sơn Ca! Đáng ra tôi không nên nói những lời đó. Nhưng mong là cô hiểu, bao giờ tôi cũng coi cô là người thân thiết nhất để thổ lộ những thầm kín trong lòng mình.

 

SƠN CA

Cám ơn anh.

 

QUÂN ANH

Thật ra tôi phải trách tôi. Vì chính tôi cũng đã nhượng bộ.

 

NAM DIỄN VIÊN, bước vào Sơn Ca!

Sắp đến lượt cô ra sân khấu rồi đó.

 

SƠN CA, gật đầu

Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng.

 

NAM DIỄN VIÊN

Cô hãy nghĩ rằng ở dưới hàng ghế khán giả không ai khó tính như bọn chúng mình. Hơn nữa, Sơn còn là diễn viên nổi tiếng.

 

SƠN CA

Tôi sợ anh chủ quan.

 

NAM DIỄN VIÊN

Đó là kinh nghiệm. Tôi nghĩ là cô thừa hiểu điều đó.

 

SƠN CA

Nhưng đối với tôi, mỗi lần bước ra sân khấu là mỗi lần tôi bắt gặp ở mình một tâm trạng tâm lý hoàn toàn mới mẻ. (làm điệu bộ kịch) Anh hãy trả lời em đi, em van anh. Anh hãy trả lời em đi chứ. Anh có yêu em trong nỗi cô đơn, với lòng trìu mến, với lòng ích kỷ hay không?

 

NAM DIỄN VIÊN, làm điệu bộ

Thôi, Nguyệt Cầm ơi đã muộn mất rồi. Còn đâu nữa chúng mình chia biệt thế là hơn…

 

SƠN CA

Không- Thế nào cũng có một lần em thố lộ tâm can. Nhưng sao anh tàn nhẫn với em…

 

NAM DIỄN VIÊN

Bình tĩnh đi Nguyệt Cầm ! Phải quên đi những kỷ niệm đã qua…

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG, cắt ngang

Không phải vậy. Sai rồi. Bây giờ là lúc chúng mình phải sáng suốt. Phải nghĩ đến những đọa đày bất công mà mọi người chung quanh chúng ta đang gánh chịu mà quên đi những kỷ niệm đã qua. Chỉ có vậy mà anh cứ quên hoài.

 

NAM DIỄN VIÊN

Ồ! Tẹp nhẹp, ăn thua gì.

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Nhưng anh phải biết tôn trọng tác giả. Anh không có quyền bóp méo vở kịch.

 

NAM DIỄN VIÊN

Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Lát nữa, đến đoạn đó mà tôi không nhớ, tôi sẽ thay bằng một câu Vọng cổ một trăm hai chục chữ.

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Đâu được.

 

NAM DIỄN VIÊN

Có vậy mới ăn khách. Ở đó mà dò tới dò lui từng chữ như anh, chỉ có nước chết đói. (quay lại phía Sơn Ca) Chúng ta ra được rồi đó.

 

SƠN CA, gật đầu cùng ra với Nam diễn viên. Quân Anh với ngồi im lặng trên ghế, điếu thuốc vẫn cháy dở. Im lặng kéo dài. Bất ngờ, bên ngoài có tiếng khán giả cười ồ lên từng chập)

 

QUÂN ANH, với người nhắc tuồng

Chuyện gì vậy?

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Khán giả đang thích thú với đoạn hai vợ chồng Nguyệt Cầm  cãi nhau về con chuột rơi trong lu nước…

 

 QUÂN ANH

Đoạn đó có trong kịch bản không?

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Không- Họ cương mà.

 

QUÂN ANH, buột miệng

Sao anh để...?

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Tôi à?

 

QUÂN ANH

Xin lỗi! Chỉ tại tôi.

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Tại sao lại anh?

 

QUÂN ANH

Tôi đã nhượng bộ.

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Đó là quyết định của tập thể. Nhưng dù sao cách đó vẫn ít nguy hiểm và có doanh thu cao hơn…

 

QUÂN ANH

Lý đáng ra tôi phải kiên trì thuyết phục từng người…

 

HUỆ THI, bước vào, ngồi xuống ghế, lấy gương sửa lại mi mắt

 

QUÂN ANH, quan sát Huệ Thi

 

HUỆ THI

Em có gì lạ sao?

 

QUÂN ANH, ngơ ngác

Không.

 

HUỆ THI

Anh thật khó hiểu.

 

QUÂN ANH

Khán giả có đông không Huệ Thi?

 

HUỆ THI

Rất đông- Đông hơn ngày thường là khác.

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG

Có lẽ, theo tôi vì hôm nay là chúng ta ra mắt sau vụ nổ.

 

HUỆ THI

Chỉ một phần.

 

QUÂN ANH

Theo cô, thì còn lý do nào khác…

 

HUỆ THI, quay hẳn người về phía Quân Anh

Em nhớ hơn mười năm về trước, hồi em mới tập tễnh bước vào nghề… Em cũng đã đóng những vai tuồng tương tự như loại tuồng này… Dĩ nhiên, cách xưng hô của nhân vật có khác; Hay chính những vở tuồng đó được xào nấu lại…. Chẳng để nói gì khác hơn là để mua vui cho khán giả, và làm đầy hơn túi tiền của bọn chủ nhân.

 

QUÂN ANH

Tôi rất muốn nghe cô nói.

 

HUỆ THI

Có lẽ do em còn trẻ, tài năng cũng chưa có gì và nhất là không được khôn ngoan lắm…

 

QUÂN ANH

Tôi không nghĩ như thế…

 

HUỆ THI, ngước lên nhìn thẳng vào mặt Quân Anh,

Em muốn hỏi thật anh…

 

QUÂN ANH

Cô cứ hỏi.

 

HUỆ THI

Với những kịch bản như loại này có được coi là nghệ thuật không? (đứng dậy) Nói vậy chứ, dù gì thì em cũng diễn cho xong đã (bước ra).

 

QUÂN ANH, nhìn theo Huệ Thi băn khoăn. Ngay lúc đó từ ngoài sân khấu có tiếng đập phá, tiếng ly tách vỡ loảng choảng, giọng Nam diễn viên thất thanh và giọng Sơn Ca nức nở.

 

Giọng SƠN CA

Không, thế nào cũng phải có một lần thố lộ tâm can. Em đợi chờ anh lên tiếng gọi em. Nhưng sao anh nỡ làm em đau đớn?

 

Giọng NAM DIỄN VIÊN

Bình tĩnh đi Nguyệt Cầm… Phải quên đi những kỷ niệm đã qua…

 

NGƯỜI NHẮC TUỒNG, đứng dậy, khó chịu

Hắn sắp vô vọng cổ (bước ra)

 

QUÂN ANH, co rúm trên ghế

Tại sao tôi lại để cho một sự việc như thế này diễn ra trong phạm vi trách nhiệm của tôi? Phải chăng đôi mắt tôi đã bị chọc mù, trái tim tôi đã ngừng đập và những lằn roi trên da thịt tôi đã không còn hành hạ tôi, không còn nhắc nhở tôi chặng đường mà tôi đã đi qua và mục đích thật sự mà tôi sẽ đi tới?

Bên ngoài có tiếng ồn ào và tiếng vỗ tay của khán giả. Quân Anh giật mình ngơ ngác nhìn quanh. Rồi như không chịu đựng được nữa. Quân Anh ôm mặt ngồi phịch xuống/

 

THU VÂN, bước vào, đứng lặng im nhìn Quân Anh một lúc, rồi đến cạnh Quân Anh, hai tay ôm lấy vai Quân Anh

Mình…

 

QUÂN ANH, mở mắt

Các con đâu?

 

THU VÂN

Em phải đợi cho các con ngủ xong mới đến đây.

 

QUÂN ANH

Có chuyện gì không mình?

 

THU VÂN

Suốt cả tuần lễ nay, mỗi khi mình dắt xe ra khỏi nhà đến rạp là lòng em thấp thỏm không yên. Chỉ một xấp bài tập của học sinh mà mấy đêm rồi em không chấm nổi…

 

QUÂN ANH

Tại em nhiều công việc quá, phần ở trường, phần phải lo cho các con nên em không được khỏe đó.

 

THU VÂN

Không phải vậy đâu mình.

QUÂN ANH

Nếu thế thì…

 

THU VÂN

Em nhớ lại chuyện mười năm trước, những ngày mình bị bắt… Em thật có lỗi đối với mình…

 

QUÂN ANH

Tại sao mình nhắc lại chuyện đó? Mình đâu có lỗi.

 

THU VÂN

Em vẫn thầm trách tại sao lòng tin của em đối với mình đã không vững vàng? Cứ nghĩ đến những đau đớn của thể xác mà mình phải chịu, cộng với nỗi cô đơn vì bị gia đình, mọi người hiểu lầm là em cảm thấy lòng mình bứt rứt không yên…

 

QUÂN ANH

Mình đừng tự hành hạ mình.

 

THU VÂN

Em biết hơn lúc nào hết mình đang cô đơn.

 

QUÂN ANH

Đối với anh mình là người vợ, người mẹ tuyệt vời.

 

THU VÂN

Có những nỗi cô đơn của một người chồng nghệ sĩ như mình, dù em có cố gắng mức nào vẫn không bù đắp nổi.

 

QUÂN ANH

Mình không nên nói thế. Nếu không có mình thì làm sao anh chịu đựng những cơn bão tố đã trải qua trong đời anh?

 

THU VÂN

Mình không nên biện hộ cho em. Em biết vị trí của em. Phải chi em có thể làm gì khác hơn để giúp mình trong lúc này.

 

QUÂN ANH

Nội điều đó thôi cũng đủ lắm rồi (đứng dậy). Mình nên về nghỉ. Sáng mai còn phải đi dạy sớm.

 

THU VÂN

Dạ! (lặng lẽ nhìn Quân Anh âu yếm, rồi bước ra).

 

QUÂN ANH, im lặng trầm ngâm, ngước nhìn theo lắc đầu, rồi lại trầm ngâm

 

SƠN CA, bước vào

Từ nãy giờ anh vẫn ngồi đây?

 

QUÂN ANH

Xong rồi à?

 

SƠN CA

Anh nói gì?

 

QUÂN ANH

Tôi hỏi có phải vở diễn đã kết thúc rồi phải không?

 

SƠN CA, nhìn Quân Anh ngập ngừng, ray rứt

 Em vẫn chưa hiểu mình phải làm gì, nhưng cứ diễn theo cách này…

 

QUÂN ANH

Cô muốn nói gì?

 

SƠN CA

Em thấy nếu như vẫn tiếp tục diễn như thế này thì em không thể…

 

QUÂN ANH

Cô định xin nghỉ hẳn à?

SƠN CA

Không- không bao giờ em ngưng diễn.

 

QUÂN ANH, nôn nóng

Nghĩa là sao? Tôi chưa hiểu.

 

SƠN CA, giọng xúc động

Em muốn diễn lại vở Cô Gái Lam Sơn.

 

VĨNH PHAN, bước vào lặng im đứng một góc

 

QUÂN ANH, mừng rỡ nhưng cố đè nén

Cô không sợ bị chúng khủng bố à?

 

SƠN CA

Em đã nhận thức ra rằng: Vấn đề không phải chỉ có bục gỗ, chỉ có khán giả và một vở diễn chung chung…Em cũng còn nhớ những bài giảng lịch sử trong nhà trường, dù dụng tâm chính yếu của chính quyền Ngô Đình Diệm là muốn rèn luyện một tinh thần chống Cọng, nhưng không thể phủ nhận nền giáo dục đó đã không tạo được những ý tưởng tốt đẹp đề cao lòng yêu nước- tinh thần bất khuất chống xâm lăng và lãnh thổ Việt Nam là một giải đất hình chữ S chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.

Em thiết tưởng dù chỉ đề cao bằng lời nói, những bài học đó cũng có một tác dụng thật vô cùng quan trọng và lâu bền trong tâm hồn những người trẻ như em.Hình ảnh một Hoàng Hoa Thám, một Phan Đình Phùng, Nguyễn thiện Thuật, Nguyễn Trung Trực .v.v… vẫn là hình ảnh sáng chói với gương anh hùng cứu nước. Bên cạnh một Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải bán nước cầu vinh không khỏi dậy lên trong lòng chúng em một niềm khi bỉ lẫn thù ghét.

 

QUÂN ANH

Thành thật nói với cô, tôi đi làm cách mạng cũng bởi từ những bài học đó trên ghế nhà trường. ( ngừng một lát) Cô đã suy nghĩ kỹ?

 

SƠN CA

Em không biết diễn tả thế nào cho anh hiểu. Nhưng em hiểu, trước đây, em đã từng đóng vai Trưng Trắc, Triệu Thị Trinh hoặc một số nhân vật anh hùng dân tộc khác; nhưng nó không mang ý nghĩa lịch sử như hoàn cảnh hôm nay. Cũng như nhân vật đó nhưng hôm nay nó có một ý nghĩa cụ thể hơn nhiều. Nó thể hiện khát vọng độc lập thật sự của nhân dân ta…

 

QUÂN ANH

Cám ơn Sơn Ca! Tôi chỉ đợi chính miệng cô nói ra điều đó. Và từ bao lâu nay tôi chỉ mong ước điều đó.

 

SƠN CA

Không phải chính em đã nói với anh?

 

QUÂN ANH

Tôi sẽ thuyết phục Ban Quản Trị và toàn thể anh chị em diễn viên, công nhân trong đoàn. Chúng ta sẽ sống chết với nhau…

 

NAM DIỄN VIÊN, hớt hải bước vào vung tay

Đến cái nước này tôi chỉ còn nước tẩu vi thượng sách (hấp tấp chạy ra).n Ca và Quân Anh ngạc nhiên nhìn theo Nam diễn viên, bất chợt nhìn thấy Phan) Anh Phan!

 

VĨNH PHAN, nhìn Sơn Ca vẻ thống khổ

Anh còn biết nói gì nữa?

 

SƠN CA, vùng dậy

Anh Phan! Anh Phan, tại sao anh không chịu hiểu cho em.

 

CẢNH BA

Văn phòng Khu Ngoại Khoa. Bác sĩ Ngọc Sương đang ngồi im lặng trước hồ sơ bệnh lý. Bất ngờ có tiếng điện thoại reo.

 

NGỌC SƯƠNG , nhấc máy

Alô! Văn phòng Khu Ngoại Khoa chúng tôi nghe đây… À! Anh muốn gặp Bác sĩ Vĩnh Phan hả? Có lẽ Bác sĩ Vĩnh  Phan đang ở phòng cấp cứu hoặc phòng giải phẫu (đặt máy xuống)

 

VĨNH PHAN, bước vào, từng bước nặng nhọ

 

NGỌC SƯƠNG

Chuyện gì vậy anh Phan?

 

VĨNH PHAN, ngồi phịch xuống ghế lắc đầu khổ sở

 

NGỌC SƯƠNG

Kết quả cuộc giải phẫu thế nào?

 

VĨNH PHAN

Bệnh nhân đã chết?

 

NGỌC SƯƠNG

Có lý nào? Em không tin anh đã để cho bệnh nhân chết trên bàn giải phẫu.

 

VĨNH PHAN

Không- Bệnh nhân chết ngay khi vừa mới đưa vào phòng cấp cứu (ngừng) bệnh nhân là một chiến sĩ trẻ từ mặt trận chuyển về… bị hai viên đạn trúng ngực. Bệnh nhân đã không chịu nổi.

 

NGỌC SƯƠNG

Như vậy đâu phải tại anh.

 

VĨNH PHAN

Tôi đã bất lực… đành để cho thần chết cướp mất sự sống của bệnh nhân trước mắt tôi.

 

NGỌC SƯƠNG

Anh không nên tự hành hạ mình. Nghề của chúng ta làm sao tránh khỏi.

 

VĨNH PHAN

Ngọc Sương không biết đó, hơn ai hết tôi rất sợ chết.

 

NGỌC SƯƠNG

Ai mà không sợ chết, không cứ gì anh.

 

VĨNH PHAN

Nhưng tôi yếu đuối hơn bất cứ ai. Có lẽ tôi hiểu cái chết như thế nào. Do vậy mà tôi sợ.

 

NGỌC SƯƠNG, ngước lên

Anh nói gì?

 

VĨNH PHAN

Cách đây khoảng ba mươi năm, hồi đó tôi chừng chín mười tuổi, gia đình tôi còn ở dưới quê. Một đêm, bất ngờ bọn lính Tây trong đồn xông vào nhà, lôi ba tôi ra giữa sân bắn liền mấy phát… Ba tôi gục xuống. Khi bọn chúng rút đi, thì chúng tôi mới khám phá ra rằng ba tôi vẫn còn sống; nhưng không làm thế nào được, đành phải đợi sáng. Nhưng chì mấy tiếng đồng hồ sau thì ba tôi tắt thở. Điều tôi muốn nói là tôi đã vật lộn với tử thần. Đó chính là nguyên nhân thúc đẩy tôi học ngành y khoa… Nhưng tôi vẫn sợ chết. Cái chết đối với tôi như một ám ảnh hãi hùng và kinh khiếp nhất…

 

NGỌC SƯƠNG, sau một giây im lặng

Anh Vĩnh Phan… em hiểu tại sao trong suốt mấy tuần lễ nay anh đã không được bình tĩnh.

 

VĨNH PHAN

Ngọc Sương muốn nói gì?

 

NGỌC SƯƠNG

Phải chi anh nghĩ đến em, đến tình yêu của em? Chúng ta sẽ ra đi và có hạnh phúc…

 

VĨNH PHAN

Tôi không thể đi được.

 

NGỌC SƯƠNG

Chỉ vì tình yêu của Sơn Ca?

 

VĨNH PHAN, gật đầu

Một phần. (ngừng một lát) Cô có đọc tác phẩm La Peste của Albert Camus?

 

NGỌC SƯƠNG

Vâng! Em đã đọc rồi.

 

VĨNH PHAN

Không biết cô còn nhớ không, bác sĩ Rieux trong đó, theo tôi còn ít lý do ràng buộc với thành phố bị dịch hạch hơn chúng ta ở đây trong hoàn cảnh hiện tại.

 

NGỌC SƯƠNG

Anh muốn nói?

 

VĨNH PHAN

Tôi không phủ nhận Sơn Ca là một trong những yếu tố quan trọng của cuộc sống cá nhân tôi. Nhưng nói thật với cô, cho dù không có Sơn Ca thì tôi cũng không thể đi được. Hoàn cảnh đất nước của chúng ta càng khó khăn, càng không có lý do để những người trí thức như chúng ta bỏ đi…

 

NGỌC SƯƠNG

Em nói thật: giữa anh và Sơn Ca khó thể hòa hợp nhau được. Đời sống nghệ sĩ phức tạp lắm. Em chỉ sợ rồi anh sẽ khổ…

 

VĨNH PHAN

Cám ơn Ngọc Sương đã nói thật lòng mình. Nhưng bản thân tôi thật ra cũng không đơn giản. Ba tôi trước kia là một nhà giáo, nhưng lại là một tay đàn cổ nhạc rất khá, ít nhiều tôi cũng thừa hưởng nơi ba tôi một cái gì đó.

 

NGỌC SƯƠNG, nhìn Vĩnh Phan ngập ngừng, rồi đưa tay lên xem đồng hồ, dấu vội nước mắt, đưa tay cầm lấy ống nghe trên bàn

Em phải ra phòng khám đây (bước ra)

 

VĨNH PHAN, đưa mắt nhìn Ngọc Sương cho đến khi khuất, rồi mệt mỏi gục xuống bàn

HUỆ THI, bước vào, nét mặt chưa hết vẻ thảng thốt

Anh Phan!

 

VĨNH PHAN giật mình ngước lên nhìn Huệ Thi một giây rồi bỗng chạy đến chộp lấy hai cánh tay Huệ Thi)

Huệ Thi! Chuyện gì đã xảy ra cho Sơn Ca rồi? Cô nói đi.

 

HUỆ THI, hốt hoảng thụt lùi

Không… Chị Sơn Ca có chuyện gì đâu.

 

VĨNH PHAN

Cô không nên dấu tôi. Sơn Ca đâu rồi? Có phải đã bị bọn chúng ám hại rồi không? (buông Huệ Thi ra quay người lại như cố kềm giữ sự xúc động trong lòng mình) Tại sao em không chịu nghe lời anh? Để bây giờ xảy ra nông nỗi này? Anh còn có thể làm gì được…?

 

HUỆ THI

Anh Phan! Anh hãy bình tĩnh lại. Chị Sơn Ca không hề gì cả.

 

VĨNH PHAN, không quay lại

Làm sao cô có thể che dấu được? Tôi đã nhìn thấy tất cả trong mắt cô.

 

HUỆ THI

Không- Anh hiểu lầm rồi.

 

VĨNH PHAN

Tôi hiểu lầm? Vậy cô đến đây làm gì?

 

HUỆ THI

Em không thể gặp anh được sao?

 

VĨNH PHAN, ngượng ngập

Tôi không có ý nói vậy.

 

HUỆ THI

Em vừa từ đoàn hát trở về đến nhà, thì được một cú điện thoại của một người bạn làm việc ở đây. Chị ấy cho em biết bệnh viện có nhận một bệnh nhân từ mặt trận chuyển về mà chị ấy nghi là em trai em…

 

VĨNH PHAN, thụt lùi

Em trai cô đi bộ đội?

 

HUỆ THI

Phải- Nó cùng đi một lượt với Vũ, em chị Sơn. Nhưng khi em đến đây thì người ta cho biết bệnh nhân đã chết…

 

VĨNH PHAN

Phải! Bệnh nhân đã chết ngay khi vừa mới đưa vào phòng cấp cứu. Bệnh nhân chết trước mắt tôi (đau đớn bất lực).

 

HUỆ THI

Nhưng sau khi nhận kỹ thì đó không phải là em trai em (giọng đau xót). Nhưng có khác nào em của em, cũng đôi mắt trong xanh, cũng nụ cười hiền hòa và vầng trán còn quá nhiều ước mơ… đã vội tắt. Em không đủ can đảm nhìn lâu hơn nữa…

 

VĨNH PHAN

Huệ Thi… Cô thấy đó…

 

HUỆ THI

Phải!  Chính vì em đã thấy, nên em đã thầm nghĩ nguyên nhân nào đã đẩy em trai em, người chiến sĩ trẻ kia và biết bao nhiêu người nữa đã phải dẹp bỏ cuộc sống riêng tư của mình để dấn thân vào cuộc chiến đấu gian khổ, chết chóc… Ai đã đẩy họ vào cuộc chém giết?

 

VĨNH PHAN, ngập ngừng

Tôi nghĩ đoàn của cô không nên diễn vở “Cô Gái Lam Sơn” trong lúc này.

 

HUỆ THI

Không có vấn đề thay đổi nữa đâu anh Phan. Mọi công việc đã tiến hành như đã dự liệu. Thứ ba đoàn sẽ diễn lại. Mấy hôm nay tụi em bù đầu để chỉnh đốn lại vở diễn.

 

VĨNH PHAN

Cô không thấy đó là một hành động phiêu lưu nguy hiểm sao?

 

HUỆ THI

Có nguy hiểm thật! Nhưng không thể có cách chọn lựa nào khác. Thú thật với anh, có thể trước đây mấy tiếng đồng hồ em còn do dự, chưa dứt khoát. Nhưng bây giờ, sau khi nhìn thấy cái chết của người chiến sĩ trẻ đó, em thực sự muốn làm một cái gì đó để không tủi lòng cho người đã chết, và ít ra cũng làm phấn khởi cho em trai em, cho những người đang cầm súng chiến đấu…

 

VĨNH PHAN, nói như rên rỉ

Nhưng làm sao tôi có thể cứu được người chết?

 

HUỆ THI, nhìn Phan trân trân như cố tìm cách giải thích thái độ của Phan mà không thể nào hiểu được.

 

 

 

Sâm Thương
Số lần đọc: 2480
Ngày đăng: 14.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia Tài Kếch Xù 1 - Sâm Thương
Gia Tài Kếch Xù 2 - Sâm Thương
Con Sâu Trong Mắt - Lữ Kiều
Kẻ Phá Cầu - Lữ Kiều
Cái Bóng Hình - Khải Nguyên
Đất Thánh - Nguyễn Viện
Mẹ và con - Khải Nguyên
Thằng đổ vỏ - Trần Huy Thuận
Nỏ Thần -1 - Khải Nguyên
Nỏ Thần -2 - Khải Nguyên
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)