Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
669
116.531.257
 
Lan Man Chuyện Qua Tàu...
Hà Thúc Sinh

Không có nhân viên nào ở các văn phòng du lịch lại tử tế đến độ sẵn sàng cho chúng ta một lời khuyên: Chớ đi chơi Tàu vào mùa này, bà con ơi! Nhưng thảng hoặc sẽ có một người hướng dẫn du lịch (tour guide) nào đó, trong lúc trực tiếp dẫn chúng ta đi chơi nước họ, xe bị kẹt cứng giữa các dòng đời hàng mấy tiếng, mới có thể nảy ra được cái tâm Bồ Tát bất ngờ như thế. Một cô hướng dẫn du lịch ở Thượng Hải đã nói với chúng tôi: “Quý vị nên khuyến cáo thân nhân bạn bè rằng đừng bao giờ sang chơi Trung quốc vào những ngày lễ lớn như lễ Lao động 1 tháng 5, Quốc khánh 1 tháng 10, hay tết Nguyên Đán...”

 

Vài năm trước đây, người viết đã sang Hoa lục một chuyến vào đúng một trong những cái nhật kỳ mà người hướng dẫn du lịch đã tử tế cảnh giác... một cách quá muộn màng.

 

°

 

Nhưng chẳng sao, muộn vẫn hơn không, vì nhờ đó mới biết được ít điều hay hay, chẳng hạn về một bài thơ Đường. Người mình ai thích cổ thi Tàu đều khó mà không có trong tủ sách gia đình vài tuyển tập tương đối có giá trị như “Đường Thi Trích Dịch” dày cộm, trước 75 vốn là bản quay ronéo của Bùi Khánh Đản và Đỗ Bằng Đoàn; những tập mỏng hơn như “Đường Thi” của Trần Trọng Kim, “Thơ Đường” của Tản Đà v.v…

 

Một trong những tứ tuyệt có lẽ hay nhất trong thi ca đời Đường mà gần như phần lớn người yêu thơ trên thế giới đều biết, đều thuộc, đó là bài “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế.

 

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hoả đối sầu miên;

Cô tô thành ngoại Hàn San tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

 

Khi chưa đến Tô Châu, lẽ tất nhiên chẳng mong gì có dịp để được “sống trong lòng người đẹp Tô Châu” như nhạc sĩ Phạm Duy đã từng, nhưng ít nhất cũng được đứng lặng ngắm quang cảnh bến đò trước cổng chùa vốn là con kinh từ cổ thời, có cầu cong, có phong, có liễu; được nhìn ngôi chùa tráng lệ với tháp năm tầng cao cả vài chục thước mà theo cẩm nang hướng dẫn du lịch nó đã được xây dưới đời nhà Lương (502-557), ngang đời nhà tiền Lý của mình (544-602) và đến đời Đường (618-907) nó được mang tên chính thức của nhà sư khổ hạnh trụ trì là Hàn Sơn. Chùa có đến 500 tượng Phật và đã trải qua ba lần hoả hoạn lớn, được trùng tu và cấu trúc chùa ngày nay không còn giống bao nhiêu với cấu trúc nguyên thuỷ.

 

Tài liệu du lịch còn cho biết hàng năm chùa đã thu hút cả triệu du khách đông cũng như tây đến thăm. Động lực chính của những cuộc thăm viếng này chỉ là để được nhìn tận mắt cái chuông đồng cao quãng hai thước rưỡi nay đã khá mòn và chỉ còn được móc trên giá cho du khách chiêm ngưỡng; được thấy sức mạnh của kinh kệ phát ra dù từ hệ thống loa (vì chùa ngày nay không còn là nơi tu hành mà chỉ là một thắng cảnh du lịch do nhà cầm quyền đầu tư và phái sư cán bộ quản trị) nhưng vẫn khiến được bầy rùa bò lên các tảng đá trong hồ sen giữa sân, bất động ngóc đầu về cùng một hướng lắng nghe; nhất là được đọc bài thơ khắc trên bia đá bằng nét chữ phóng từ nguyên bản của Trương Kế mà cô hướng dẫn du lịch, tự giới thiệu tốt nghiệp cao học ngành Sử ở đại học Tô Châu, nói rằng tác giả đã viết tặng chùa trước lúc ra đi sau một đêm tá túc; được dịp, một cách riêng tư, tức cảnh sinh tình mà phóng bút ghi liều một đoạn tứ tuyệt như người viết bài này:

 

Đã trải nghìn năm ba bận cháy

Bến xưa thuyền cũ khách về đâu

Chiều thu chuông điểm rùa nghe kệ

Loa đuổi tan dần đám khách du.

 

Sau cùng, cũng nhờ thế, người viết được dịp băn khoăn về sự khác biệt giữa trí thức nước ta thế kỷ trước (XX) và trí thức Tàu Hoa Lục thế kỷ này (XXI). Vâng, vậy ai nói đúng sự thực đây? Học giả Việt nói về cổ tích Tàu và cao học sĩ Tàu nói về cổ tích của chính họ? Trong cái chú thích cho bài Phong Kiều Dạ Bạc, cụ Trần Trọng Kim viết: “... Chùa ấy thấp nhỏ, chẳng có gì đặc biệt. . . . 

 

Cảnh vật biến thiên, nay người du lịch đến đây không thấy cây phong đâu cả, vào chùa thì thấy bài thơ này do Khang Hữu Vi đời Thanh mạt viết ra...”

           

Hàng năm vào chiều trước Giao Thừa, giàn chuông 108 cái của chùa sẽ được kéo vang dội, mà vẫn theo cô cao học hướng dẫn viên—giọng rất ư là dị đoan phong thủy—để xin tài, xin lộc, xin phúc cho mọi người khi bước sang năm mới.

 

°

 

Nhưng đáng nói hơn cả là được tận mắt nhìn thấy nước Tàu đối với nước ta rõ ràng là một tảng đá kê hờ hững trên một quả trứng. Hiểm hoạ này hèn yếu là chết mà mạnh khôn cũng khó sống. Chiêm Lạp xưa kia vốn chẳng hèn (Nhượng Tống) đấy sao! Để chứng minh xin lan man xa hơn một chút. Vâng, ta cứ xem như nước Mễ Tây Cơ, liệu nó dại hay khôn, yếu hay mạnh khi các anh quyền quý và quyền lực thủa xa xưa ấy từng rước mấy anh cao bồi Mỹ vào bảo vệ hộ đất đai điền thổ, nhà cửa lâu đài để tận hưởng cảnh giàu sang phú quý, khiến cả một phần lớn giang sơn từ Texas đến California tuần tự mất muôn đời muôn kiếp vào tay Mỹ? (tất nhiên là Mỹ thế kỷ XIX thời còn giương cao ngọn cờ Tây Tiến, tin rằng việc mở mang bờ cõi đến tận bờ Thái Bình Dương là một công cuộc không thể tránh khỏi và biện minh được, là Manifest Destiny – tiệt nhiên định phận tại thiên thư; chứ Mỹ ngày nay họ chẳng thèm chiếm đất chiếm biển của thiên hạ làm gì; cứ tiếp tục chụp cho họ cái mũ “đế quốc Mỹ xâm lược” thì thứ nhất lòi cái thiển cận của mình ra, thứ hai vô hình chung làm cho Tàu nó phì cười vì xâm lược mới đích thị là nghề của chàng, mà chỉ nhờ mạ vàng có mười mấy chữ, nó đã mà mắt được khối người trong bao năm qua!

 

Chuyện Mễ như vậy phải chăng vì người Mễ chỉ thích ăn nhậu, thích vui chơi đàn đúm, thiếu óc tiến thủ, không có lòng tự trọng, và nhất là không biết thế nào là “cư an tư nguy”? Hồi sinh tiền, một người Mễ, Octavio Paz, Nobel Văn Chương 1990, từng than thở rằng ông xấu hổ về dân tộc ông vì đứng cạnh một siêu cường như Mỹ mà không học hỏi được gì hay ho của siêu cường đó. Paz nói không sai nhưng dường như không đủ. Rốt ráo hơn, có lẽ Paz phải nói thêm dân tộc của ông mê muội, ỷ lại, ăn xổi ở thì, đói là sẵn sàng nhảy rào sang nước khác đi làm tôi mọi kiếm cơm, và giới lãnh đạo liên tiếp cả trăm năm qua ít nhất đã không ai chịu đọc (hoặc đọc mà không thấm) một quyển sách mỏng te – The Prince -  quyển sách gối đầu giường của các “vua chúa” Âu Tây. Nếu đã đọc ắt họ phải nhớ lời khuyên của ông Tôn Tử mắt xanh mũi lõ Marchiavelli, rằng đứng bên cạnh một tên láng giếng to lớn mà khi nguy biến đi chầu hầu nó, cầu cạnh nó, xin cơm xin cháo nó, mượn quân mượn súng nó để đánh kẻ thù “chung?” thì nếu nó thua, mình cũng chết mà nếu nó thắng, mình sẽ suốt đời làm tù nhân, làm con tin của nó.

Ôi, thấy người lại nghĩ đến ta!

 

Nhưng như thế là quả trứng ta sẽ bẹp dí dưới tảng đá Tàu?

 

Từ đây trở đi thì chẳng biết nói sao, chứ với tổ tiên ta có ai để nó chết bẹp bao giờ. Quả trứng Việt đã sống qua nhiều ngàn năm, mà là sống ngửa mặt, sống trứng chọi đá chứ không phải sống hèn sống gầm đầu xuống mà sống đâu đấy.

 

Ấy phải chẳng vì tổ tiên ta không khôn cũng chẳng dại, mà chỉ nhờ  “biết” – một cái biết cực lớn, đó là biết lòng dân?

 

Lòng dân như lòng trứng. Chớ tưởng lòng trứng mềm. Bao phen sử Việt đã chứng minh khi lòng trứng kết chặt, chưa thấy bàn tay lông lá của ông Võ Đang hay ông Thiếu Lâm nào bóp vỡ nó được.

 

Vâng, có đến tận cái hòn đá Hoa lục và nhìn thấy tận mắt sự to lớn nhiều mặt của nó, ta mới hiểu rõ được lý do tại sao xưa kia vua ta cứ sau một chiến công hiển hách đánh bại quân Tàu xâm lược lại cho sứ, hoặc cho người giả mình sang xin phong vương, xin triều cống. Ta chớ vội nghĩ các ngài cũng… hèn mà mang tội. Không hèn đâu! Tại sao? Tại vì một hành động có tính chiếu lệ như thế, thậm chí cho cả người giả mình như thế tự nó đã là một hành động ngoại giao hàm chứa đầy tính khinh thị rồi. Bộ vua quan Tàu mù cả sao mà không biết thật giả; mới hiểu do đâu Mao nảy ra được chiến thuật biển người – chết đứa nào đỡ nuôi đứa đó; mới thấy cái mâu thuẫn chết người trong xã hội tư bản như ông dao ông mác từng nói đã âm thầm di cư sang sống bên Tàu từ đời tám hoảnh nào rồi:

 

Đêm Thượng Hải gái chơi sung sướng nghiệp 

Ngày Tây An cô giáo chán chê nghề

 

°

 

Nhưng thú vị hơn có lẽ ta được tận mắt chứng kiến ảnh hưởng của cái gọi là nền văn hoá phong thủy trong đời sống người Tàu hiện nó như thế nào, sự hà khắc của chủ nghĩa cộng sản thời Mao và nhất là đại nỗ lực... chà láng của cuộc đại cách mạng văn hoá có tiêu diệt nó được không, nếu không thì tại sao?

           

Hiển nhiên cái gọi là nền văn hoá phong thuỷ Tàu, mà nói cho giản dị là lòng mê tín dị đoan vẫn sống hùng sống mạnh. Bằng chứng đã rõ đấy! Chùa vốn là nơi để dạy cho con người thế nào là sắc sắc không không, thế nào là giác ngộ, là đừng tự mình dìm mình vào bể khổ mà hãy tự cứu mình ra khỏi bến mê, thế mà chùa Hàn Sơn mỗi cuối năm như thông lệ vẫn kéo giàn chuông 108 cái để cầu tài cầu lộc cầu phúc cầu may cho chúng sinh thì biết nói sao đây. Vâng, đến nước Tàu vào những dịp lễ lớn như trên mới thấy không tụ điểm nào mà lại không là biển người, và không có biển người nào mà lại không trầm mình trong đủ trò dị đoan. Chỗ này cúng quẩy thờ 3 con linh vật, chỗ kia xem tướng đoán số theo 12 con giáp, chỗ nọ xin xăm... Hương khói mù mịt cứ như đâu đâu cũng có cháy nhà.

           

Để giải thích lý do tại sao người Tàu Hoa lục mất rất nhiều thứ đặc thù sau cuộc cách mạng văn hoá, mà riêng sự mê tín dị đoan họ vẫn giữ được nguyên vẹn như tự ngàn xưa thì có câu chuyện này về họ Mao. Câu chuyện được một anh hướng dẫn viên du lịch trẻ tuổi, tự giới thiệu tốt nghiệp cử nhân ngành Du Lịch ở đại học Tây An, kể trên con đường đi thăm các hầm lính tượng của Tần Thuỷ Hoàng (221-206 trước TL) và nó có thể là một lý giải khá hợp lý mang tính “vua nào dân nấy!”

 

Mặc dù bác sĩ Lý Phục Huy, y sĩ riêng của Mao trong suốt 21 năm, từ 1955 đến 1976, đã viết một quyển sách dày cộm tựa là “The Private Life of Chairman Mao” (Đời Tư Mao Chủ Tịch) và đã được xuất bản ở Hoa Kỳ sau khi Mao chết và ông chạy thoát được sang Mỹ năm 1976. Quyển sách đã nhẹ nhàng phanh phui được rất nhiều bộ mặt thật của Mao, từ “bệnh cuồng dâm, lưỡng tính luyến ái, tính sắt máu, hiếu sát, dị đoan, ở bẩn...” đến việc “Mao phải là nhân vật chính chịu trách nhiệm về các hậu quả lớn lao của cái gọi là cuộc cách mạng văn hoá.” Nói tóm, theo bác sĩ Huy, Mao mới chính là Hoàng-Đế-Sau-Cùng của nước Tàu theo cái nghĩa tiêu cực nhất của nó, chứ không phải là Phổ Nghi, hoàng đế sau cùng của nhà Mãn Thanh, kẻ đã bị chính Mao nhốt vào trại cải tạo sau khi quân Nga vồ được ông vua bất hạnh này ở Mông Cổ và giao lại cho Mao. Quyển sách thật hay, và người đọc này từng nghĩ nó quá đầy đủ, nhưng khi nghe câu chuyện kể của anh thanh niên Tàu, có thể coi như một đại diện cho giới trẻ bình dân và có học ở Hoa lục, thì thấy riêng mặt này quả mấy chuyện dị đoan của Mao mà Lý bác sĩ có nhắc qua không được độc đáo bằng. Câu chuyện thế này:

           

Mao chủ tịch là một tấm gương chói sáng cho những người Tàu mê tín dị đoan. Cái sợ đầu tiên của ông là sợ một cá nhân, và vì cái sợ này, ông lẩn như trạch trong cuộc chiến tranh đối đầu và có lần đã phải trốn tuốt lên miệt Tân Cương. Cá nhân ấy là Tưởng Giới Thạch. Lý do ông sợ bị Thạch vồ: Thạch tuổi Dần, ông tuổi Tỵ. Dần thân tị hợi tứ hành xung! Rắn mà chường mặt trực tiếp đối đầu với cọp có mà tan xác.

Thảm hơn là chuyện này: Không chỉ với du khách, mà ngay với mọi người Tàu dù ở đâu trên mặt đất, khi vềHoa lục đều nhất quyết phải đến thăm hai nơi: một là cố đô Tràng An, nay là Tây An; hai là Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Riêng Mao thì cả nước đều biết ông là người Tàu duy nhất chưa bao giờ đặt chân đến hai nơi đó. Lý do: Cũng vì dị đoan! Tràng An là cố đô của 12 triều đại với 600 đời vua to nhỏ. Mà vua là rồng. Cũng thế, Cấm Thành cũng là nơi của các triều đại hoàng đế ngự trị, cũng toàn rồng là rồng. Có là rắn điên mới bò vào hang rồng để mà chết tốt! Do đó, từ 1949 khi đã giải phóng xong Hoa lục cho đến năm 1976 là năm ông chết, họ Mao chưa bao giờ đến kinh lý Tây An hay bước chân vào xem Tử Cấm Thành nó tròn nó méo ra sao.

 

Có lẽ cũng uất ức ngầm cho cái sợ của chính mình, ông đã hỏi một thầy tướng số nổi tiếng và được khuyến cáo rằng: Chủ tịch là rắn, bất cận... dân tình cũng chẳng chết ai nhưng phải cận nước. Nước đây là H2O ấy. Chủ tịch phải uống nước nhiều, tắm nhiều, nghĩa là làm sao rờ đâu cũng thấy nước. Nước sẽ làm cho rắn nở ra, to ra, đến một ngày rồng nhìn cũng phải ngán. Có thể đây chính là lý do Mao đã quyết định lấy bà vợ thứ tư là Giang Thanh, vì chữ Giang có âm giang, bộ thuỷ (nước) nghĩa là con sông. Có cô vợ trẻ, lại biết tỉ tê ca múa, rờ đâu cũng có lai láng nước nôi thì còn gì bằng; và có thể đây cũng là lý do Mao chọn chỗ ở và làm việc bên khu Trung Nam Hải (tức Quốc Vụ Viện đối diện với Tử Cấm Thành) vì địa danh này chữ Hải có âm hải, bộ thuỷ (nước) nghĩa là biển. Do... cao hứng vì nước, Mao bỗng muốn học bơi, và đó chính là ngày khai sinh huyền thoại “Mao chủ tịch vượt Trường Giang.” Ai nấy đều biết sông Dương Tử, tức Trường Giang, rộng đến rái cá bơi qua còn chết đuối được, hỏi làm sao Mao chủ tịch bơi vượt qua được con sông rộng với sóng nước kinh hồn ấy!? (Vụ học bơi này trong sách của bác sĩ Huy có tả lại rất đầy đủ. Nó là một cơn ác mộng cho trung ương đảng, cho đám tuỳ tùng, và cho cả chính bản thân Lý bác sĩ khi Mao gặp sông nào cũng đòi nhảy xuống bơi!)”

 

°

 

Sau cùng, đi thăm Hoa lục, đi tour, du khách cũng sẽ biết thêm vài điều đặc biệt khác, chẳng hạn:

 

1/  Phải nhớ án tử hình ở nước Tàu rất dễ tìm. Vừa xuống phi trường Bắc Kinh bạn đã đọc được ngay một bảng chạy chữ điện khổng lồ, trong đó ấn định những điều cấm đoán và nêu rõ hình phạt cho những du khách vi phạm:

 

Điều 1: Hình phạt tử hình những kẻ nào giấu diếm không thành thật khai báo các căn bệnh truyền nhiễm chết người như có trong người vi khuẩn HIV, bệnh AIDS (SIDA), các bệnh lao phong cùi hủi…

 

Điều 2: Hình phạt tử hình những kẻ nào đem vào Trung Quốc các loại ma tuý như…

 

2/  Đừng ngạc nhiên khi đặt chân đến Thiên An Môn và được hướng dẫn viên dặn trước: Xin quý vị du khách nói gì thì nói đừng nói chuyện phản động vì công an chìm nổi ở khắp mọi nơi và nghe được mọi thứ tiếng…

 

3/  Lỡ trật giò trật cẳng thì nhất định bỏ cuộc ngay, ở lại khách sạn  ngủ cho khoẻ, đừng “ngoan cố” cứ đi cho bằng được mà rầy rà cho thân thể và có thể cho cả thân nhân. Nước Tàu lớn, du khách sẽ phải nhập cuộc lội bộ tàn nhẫn ngay từ lúc đặt chân xuống phi trường. Ngày đầu tiên hướng dẫn viên đã lôi ngay ta đến Vạn Lý Trường Thành để nắn gân ta, thử giò thử cẳng ta bằng câu khích ngôn: “Bất đáo trường thành phi hảo hán.” Đau chân chỉ có ngồi mà mếu máo thôi!

 

4/  Có thể báo chí truyền thông Tây phương lâu nay chơi canh bạc tính tháu cáy gì đó, nên thổi phồng siêu cường kinh tế Trung quốc sắp lên hàng đầu thế giới, cho Mỹ hít bụi? Nhưng đôi phen đi qua những khu kinh tế, thấy nhiều cơ sở hãng xưởng để hoang phế, trong có một khu xây cất lớn mà tàn tích chữ nghĩa để lại dưới nắng mưa cho du khách biết đó là khu giải trí Walt Disney’s Land. Hỏi cô hướng dẫn viên nguyên do thì được cô thở dài giải thích: Bao nhiêu công của bỏ ra để xây khu giải trí đó, nhưng khi bước vào giai đoạn kiểm soát sau cùng, phía tư bản Mỹ đã vạch ra hàng ngàn sai sót không đúng với các tiêu chuẩn an toàn cơ sở đôi bên đã cam kết. Khế ước thế là bị hủy bỏ. Và cả khu giải trí khổng lồ Walt Disney’s Land bên Tàu được bỏ mặc cho chồn cáo làm hang ổ.

 

Phải chăng ngọn Thanh Long Đao kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa Tàu vẫn bị Mỹ và Tây phương nắm chặt đàng cán?

 

5/  Đi Tàu là một chuyến đi khá thú vị cho người tò mò muốn tìm hiểu và học hỏi, nhưng ăn uống thì rất là thảm thương, hạ cấp. Bạn cứ cầm bằng là thế nào bạn cũng sẽ bị ăn đồ thừa trong các tiệm ăn quốc doanh. Quan trọng hơn, đừng bao giờ bạn quên đem theo vài cuộn giấy vệ sinh đủ dùng cho suốt cuộc hành trình.

 

Người Pháp có câu: “Hãy cho tôi xem nhà vệ sinh của anh, tôi sẽ nói thực trạng dân trí nước anh thế nào!”

 

Đã đến Tàu, đã vào nhà vệ sinh Tàu ngay tại phi trường quốc tế Bắc Kinh và ta không tìm ra giấy chùi khu. Bạn hãy tự xét xem bạn có là người từng nổi lên cái mặt quá nể Tàu, phục Tàu và sợ Tàu không? Nếu đã, bạn cần xét lại để đừng nể, đừng phục và đừng quá sợ họ nữa!./.

Hà Thúc Sinh
Số lần đọc: 1835
Ngày đăng: 19.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
1 Ngày Của Hắn - Phạm Ngọc Ánh
Nhạc Sĩ Trương Thìn & Dạ Khúc Trăng Thơm… - Mang Viên Long
Một buổi sớm bình minh trên biển vắng. - Klanvy
Chàng thi sĩ viết văn - Lữ Kiều
May mà ta còn có em... và Sài gòn và Thủ Đức - Trần Hoài Thư
Trăng Hát - Khuất Đẩu
Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm… - Đỗ Hồng Ngọc
Nghe Trương Thìn hát thơ … Bích Khê - Nguyễn Lê Thu An
Lời Gió Gọi - Âu thị Phục An
Một Dân Tộc Yêu Vua - Hiếu Tân