Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
577
116.483.028
 
Công Dân Kane: Số Phận Con Người
Sâm Thương

Bộ phim Citizen Kane (Công dân Kane, RKO, 1941) do nhà sản xuất kiêm đạo diễn  Orson Welles thực hiện, với kịch bản của Herman J. Mankiewies và Orson Welles, quay phim Gregg Toland, âm nhạc Bernard Hermann, giám đốc nghệ thuật Van Nest Polglase,( phim dài 119 phút ) với các diễn viên Orson Welles ( Charles Foster Kane), Dorothy Comingote ( Susan Alexander), Juseph Cotton (Jedediah Leland), Agnès Moorehead (bà Kane), Ruth Warrick (Emily Norton), Paul Stewart ( Matiste) và Ray Collins ( James W.Gettys)…

 

Trong phòng chiếu phim, người ta đang xem một đoạn phim tài liệu nói về Charles Foster Kane- một trong những người đàn ông giàu  nhất và có quyền lực nhất của ngành truyền thông báo chí, người đã được mệnh danh là Đại đế Kubla Khan của nước Mỹ.

 

Đoạn phim đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho mọi người. Người ta quảng cáo về óc tháo vát và sự thành công của ông ta. Trước mắt người xem là một dinh cơ vĩ đại, một cung điện, tòa lâu đài của Charles Foster Kane mang tên Xannadu. Chúng ta đi xuyên qua những cái cổng có hàng “rào sắt” trên đó có treo tấm biển: “Dinh cơ riêng. Cấm vào!”. Đi vào những hành lang thênh thang, hun hút, bò lên những đống đồ bạc quý giá được gom từ khắp các nơi trên thế giới, và cuối cùng tới gần cửa sổ được chiếu sáng, trong căn phòng đó Kane, con người vĩ đại nhất nước Mỹ đang hấp hối, trên tay cầm một quả cầu bằng thủy tinh trong suốt, trong đó có một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ phủ tuyết. Và trên đôi môi mấp máy của Kane, người ta nghe tiếng thì thầm “Rosebud! Rosebud! (Nụ hồng! Nụ hồng!) Đoạn phim chấm dứt.

 

Về cuộc đời Charles Foster  Kane điều gì ai cũng hiểu thế nhưng “nụ hồng” là gì? Hai tiếng đó như một lời thách đố làm mọi người hoang mang, và nhà báo Thompson được giao trách nhiệm đi điều tra về nghi vấn trên.

 

Thompson đi gặp nhiều người, những người có quan hệ với Kane trong công việc, trong tình cảm nhưng mỗi người đã kể lại những hiểu biết của mình về Kane theo một cách riêng, chẳng hạn Ronston, giám đốc một công ty truyền thanh cho biết:Báo chí chạy những tít lớn về Kane, người thì gọi ông ta là “cộng sản”, người khác thì là “tên phát –xít”. Những người khác nữa thì khẳng định: “Không, Kane là người yêu nước, nhà dân chủ, chiến sĩ hòa bình, con quái vật chiến tranh, người duy tâm, tên phản bội…”

 

Thompson đưa chúng ta đến gặp Thatcher để tìm hiểu những trang hồi ký về Kane, qua đó chúng ta biết được Kane sinh ra trong gia đình một chủ quán hàng bé nhỏ, khiêm tốn, song do ý muốn của số phận ông ta đã bắt đầu cuộc sống tự lập. Rồi, trong một đêm mưa gió, Thompson lại đưa chúng ta đến gặp Susan Alexandre, vợ thứ hai của Kane, bà ta đang say mèm vì buồn phiền và vì rượu. Susan kể lại đã gặp Kane như thế nào, rằng ý chí của Kane là ý chí sáng tạo một thế giới theo hình ảnh của mình và tương tự như mình. Đôi khi sự theo đuổi mục đích của ông ta có vẻ kỳ quặc, chứa đựng những nét hài hước như ông ta muốn cả thế giới thấy rằng một cô Susan vô danh, không có năng khiếu và không có ngay cả giọng hát lại là một ca sĩ tuyệt vời. Trong cái dự định vớ vẩn và phi lý do có sự pha trộn giữa tình yêu trong sáng nhất và sự độc đoán thô bạo nhất để cuối cùng Susan yêu Kane nhưng không chịu đựng nổi, đã từ bỏ ông. Kane chỉ còn lại là một ông già kỳ quái cô đơn trong cái thế giới cổ quái do ý chí của ông ta tạo dựng nên- lâu đài Xanadu. Đó là một tên gọi lạ lùng, một ý niệm cổ quái, sự cố gắng cuối cùng để xứng đáng với một vị vua cổ Ai Cập. Kane đã xây dựng trên bãi sa mạc không phải một lâu đài mà là cả một quốc gia mới. Ông cho trồng những khu rừng, đưa về từ mọi miền của thế giới những thú vật kỳ lạ, chất đầy các gian phòng rộng lớn những tác phẩm nghệ thuật và cổ vật quý hiếm… Còn Liledl, người bạn thân cận nhất và là trợ thủ đắc lực của Kane thì cho biết khát vọng của Kane là đem lại hạnh phúc cho mọi người, bất chấp nguyện vọng riêng của họ như thế nào. Khát vọng ấy chân thành, Kane không mong muốn điều lợi riêng cho mình, nhưng ông không có ý định khước từ tự do cá nhân của mình để theo đuổi con đường danh vọng chính trị. Chính đó là nhược điểm của Kane, là nguồn gốc sự thất bại của ông trong cuộc tranh cử với nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp Roger. Roger sẵn sàng bán mình, hắn ăn hối lộ và ăn cắp nhưng hắn sẽ lại là thống đốc, bởi vì hắn biết tuân theo luật lệ của cuộc đấu. Còn Kane thì nhổ toẹt vào luật lệ, ông đặt ý chí của mình lên trên tất cả. Và Kane đã trở thành kẻ thua cuộc.

 

Song, nhà báo Thompson vẫn không tìm được ý nghĩa của từ Rosebud (Nụ hồng). Anh ta quay về lại lâu đài Xanadu đúng vào lúc người ta đang lập biên bản tài sản của Kane để lại. Giữa đống đồ đạc quý giá, người quản gia đã nhặt ra những thứ vớ vẩn để cho vào lửa. Trong số những thứ vớ vẩn đó người ta thấy có chiếc xe trượt tuyết bằng gỗ trên có viết chữ Rosebud. Hóa ra những lời thai đố đó, những lời âu yếm Kane thốt ra trước khi từ giã cuộc đời là tên gọi chiếc xe trượt tuyết bằng gỗ mà ông đã mang theo mình từ những ngày thơ ấu. Đến giờ chết Kane mơ tưởng lại tuổi thơ, bởi vì chính lúc đó ông mới thực sự được sung sướng. Ông nhìn thấy quang cảnh nông thôn, ngôi nhà gỗ với những bông tuyết ngập tràn bay trắng xóa. Thế nhưng giờ đây, trước mắt mọi người cái Rosebud ấy là đồ bỏ đi, và người ta đã ném nó vào lửa.

 

Bộ phim Công Dân Kane đã trở thành bộ phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới, bởi chính tư tưởng mà tác phẩm muốn thể hiện. Bộ phim không chỉ là “điện ảnh” mà chính là số phận con người, là cái nhìn thẳng vào chiều sâu của con người:“Tình yêu không thể là thứ có thể mua bán, đổi chác được. Một con người có thể sở hữu tất cả sự giàu sang, quyền lực và phụ nữ, nhưng vẫn cứ là kẻ bất hạnh.”

Hơn 70 năm qua, kể từ ngày Công Dân Kane được công chiếu lần đầu tiên vào ngày 9.4.1941 tại New York và Los Angeles , người ta vẫn hãy còn cảm tưởng nó như mới, mới được làm ra từ ngày hôm trước,  không còn là bộ phim của nước Mỹ, về người Mỹ mà là lương tâm của toàn nhân loạix vì, nói như nhà phê bình điện ảnh V.G.I Bijovitch thì “nó làm cho người ta sững sốt về cái nhìn không giấu giếm, gan dạ vào cuộc đời, vì cái giọng tường thuật lạnh lùng và cay đắng, vì sự từ

chối  những ảo tưởng, vì sự sẵn sàng chờ đón một cách cứng rắn cái tồi tệ nhất.”

 

Vì cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, Công Dân Kane chỉ được châu Âu biết đến vào ngày 3.7.1946 tại Pháp, và mãi đến năm 1960,  nhà văn Louis Aragon mới được xem bộ phim này và ông đã phát biểu:’Khi phim được chiếu lần đầu tiên cho chúng tôi xem, trong màn ảnh lấp lánh một cách kỳ lạ, nó đã gây ra sự cảm phục một phần vì đề tài của nó nhưng có lẽ phần lớn vì tính cách tân, vì cấu tạo của kịch bản, vì kỹ thuật quay phim… Nhưng khi Công Dân Kane được chiếu trở lại, và có lẽ cũng là lần đầu tiên chúng tôi thấy trước mắt minh không phải là”điện ảnh” mà là số pha65ncon người, là một cái nhìn thẳng vào chiều sâu của con người.”

 

Công Dân Kane còn được biết đến nnhư một trong những bộ phim gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử điện ảnh. Bi kịch của nhân vật Charles Foster Kane trong phim thật sự không thể so sánh đượcvới những bi kịch mà bộ phim đã phải gánh chịu trong thực tế. Có thể nói là suýt chút nữa nhân loại vĩnh viễn mất đi một kiệt tác điện ảnh bất hủ.

 

Trường hợp của Citizen Kane có thể được xem là một trong những bi kịch lớn nhất trong lịch sử Hollywood.. Nói đến Citizen Kane này ngoài những giá trị nghệ thuật không thể phủ nhận được, người ta vẫn thường nhắc đếnmột cuộc đối đầu không khoan nhượng bên ngoài màn ảnh của hai nhân vật tầm cỡ nhất nước Mỹ lúc bấy giờ. Cuộc đối đầu ấy đã được lịch sử điện ảnh gọi là Trận chiến chung quanh bộ phim Công Dân Kane.

 

Thật ra vào thời điểm đó ai cũng biết Công Dân Kane đã được Orson Welles điện ảnh hóa một cách tinh tế nhằm phơi bày chân tướng của nhà đại tư bản William Randolph Hearst, một nhân Vật nổi tiếng có thế lực rất lớn trong xã hội Mỹ.

 

William Randolph Hearst vốn xuất thân từ một gia đình giàu có, ngay từ khi còn rất trẻ, Hearst đã có tham vọng trở thành người tiên phong trong lãnh vực xuất bản báo chí.

 

Là một con người đam mê với những cảm giác mạnh, ông biết sức mạnh của những chi tiết giật gân, của hình ảnh, và tự tạo ra sức lôi cuốn cho tờ báo , nếu thấy cần thiết. Với chiêu bài tất cả phục vụ cho người lao động, chỉ trong một thời gian ngắn, Hearst đã nhanh chóng trở trành ông trùm của ngành báo chí, nắm trong tay hàng chục nhật báo và tuần báo  độc giả đông đảo nhất nước Mỹ. Theo thống kê vào thời điểm đó, cứ 5 người có một người đọc báo của Hearst.

 

Khi đã thực hiện được ước mơ của mình, trở thành một trong những người giàu có nhất nước Mỹ, có thể nói William Randolph Hearst thực sự là chúa tể trong lãnh vực kinh doanh  báo chí. Hearst cho xây dựng một tòa lâu đài làm trung tâm của báo chí,truyền thanh và phim ảnh, tọa lạc trên một dinh cơ vĩ đại.

 

Nắm hoàn toàn sức mạnh của báo chí trong tay,William Randolph Hearst xuất hiện dưới mắt mọi người như một bạo chúa, độc tài, một thế lực đáng sợ và tưởng chừng như bất khả xâm phạm. Trong xã hội, người ta chỉ thấy tập doàn của Hearst tấn công , chỉ trích và phá hoại kẻ khác. Bởi vậy, khi thấy có một kẻ dám liều lĩnh và công khai tấn công trực diện vào một tượng đài vững chắc đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, bằng cách đưa đời tư và những hành động ám muội của ông vua báo chí nước Mỹ lên màn bạc.

 

Kẻ bạo gan  bạo phổi đó không ai khác hơn là một  con người mà tuổi đời  còn rất trẻ, nói đúng hơn là một nghệ sĩ, một thiên tài sân khấu kịch nghệ và truyền thanh được nhìn nhận khi mới 21 tuổi. Orson Welles đến từ New York  với  bản hợp đồng  với hãng R.K.O . Một hợp đồng kỷ lục  đã trở thành là một sự kiện đặc biệt ở vào thời điểm đó. Chưa một hãng phim nào đưa ra một một hợp đồng với giá trị như vậy với bất cứ một diễn viên hay đạo diễn nào, kể cả những tên tuổi lừng danh nhất của kinh đô Hollywood, mặc dù Orson Welles chưa từng xuất hiện hoặc chưa từng thực hiện một bộ phim nào trước đó. Thế nhưng Ban Giám đốc Điều hành của hãng R.K.O đã sẵn sàng đón nhận Orson Welles bước vào vương quốc điện ảnh của mình.

 

Đặt chân đến lãnh địa Hollywood, Orson Welles  đã làm cho cả nước Mỹ phải sững sốt và chú ý đến  khi Orson Welles đã dám đụng đến đế quốc bất khả xâm phạm của Hearst ngay khi anh bắt tay vào việc thực hiện  bộ phim đầu tay của mình với nội dung vạch trần đời tư của ông trùm báo chí  Hearst. Theo ý định ban đầu, bộ phim có nhan đề là Người Mỹ, nhưng sau đó Orson Welles đã đổi lại thành Công dân Kane. Bộ phim đã đã được đưa vào hậu kỳ sau 15 tuần lễ bấm máy.

 

Tin tức về bộ phim Công Dân Kane bùng nỗ như một quả bom tại kinh đô điện ảnh Hollywood và tất nhiên không thể không đến tai của Hearst và tay chân thân cận của con người đầy quyền lực này.Thế là một kế hoạch quy mô chưa từng thấy  không chỉ nhằm ngăn chận  bộ phim được công chiếu mà còn mục đích xóa sổ bộ phim Công Dân Kane và luôn cả bản thân của Orson Welles chính thức khai diễn.

 

Hearst công khai uy hiếp và đe dọa ngành điện ảnh và cụ thể Hãng R.K.O bàng mọi cách. Ông ta gợi lại những vụ xì căng đan, những vụ nghiện ngập, ly hôn, phạm pháp đủ mọi hình thức  ở kinh đô Hollywood- và sau đó, với đề nghị khẩn khoản của các hãng phim-những tờ báo của ông ta đã thương tình cho qua!

Cả Hollywood rung chuyển. Các ông chủ Hãng phim buộc phải nhóm họp khẩn cấp và đề nghị một khoản tiền là 800.000 USD với dự tính mua đứt và tiêu hủy toàn bộ phim Công Dân Kane.

 

Riêng Ban điều hành Hãng R.K.O quyết dịnh đối phó với kế hoạch thô bạo của tập đoàn Hearst bằng cách triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh tại New York với sự hiện diện của toàn thể các chủ nhân của các hãng phim- những người nắm trong tay  cổ phiếu- mục đích nhằm để biết sau khi xem bộ phim, thì liệu các công ty của họ có phải đưa ra một quyết định với Hãng R.K.O rằng: “Vì lợi ích của ngành điện ảnh, quý ngài không được phát hành bộ phim này!”

 

Đây là lần chính thức bộ phim Công Dân Kane thực sự bị uy hiếp. dồn đến chân tường. Orson Welles cũng có mặt trong buổi họp ấy, và Welles đã hiểu được một cách sâu sắc điều gì sắp xảy đến, nó quyết định thân phận của bộ phim và tương lai không chỉ với cá nhân Welles mà với lịch sử của ngành điện ảnh.

 

Khi ánh đèn của phòng chiếu bật sáng, mọi người vẫn còn đang bàng hoàng với những hình ảnh vừa được chiếu xong. Orson Welles bước lên và trình bày một bài phát biểu đầy ấn tượng về sự can thiệp trắng trợn của các tập đoàn báo chí Hearst và kêu gọi tái lập giá trị của tự do ngôn luận cần được thực thi trên đất nước Mỹ. Bài phát biểu của Orson Welles đã thuyết phục được toàn thể các thành viên tham dự tại buổi họp ở New York lần này. Công Dân Kane chắc chắn sẽ được phát hành, và đến giây phút đó bộ phim mới thực sự giành chiến thắng.

 

Thua cuộc trước quyết định của các chủ hãng tại cuộc họp thượng đỉnh New York, William Randolph Hearst và tập đoàn báo chí của y lồng lộng vì tức tối, Hearst quyết định  tấn công vào mặt khác, chuyển sang gây áp lực với các rạp chiếu bóng, với lời  hăm dọa thẳng thừng :” Nếu rạp nào cho chiếu phim này thì từ đây về sau chúng tôi sẽ không quãng cáo cho bất kỳ bộ phim nào chiếu tại rạp đó!”.  Hậu quả là những rạp chuẩn bị công chiếu Công Dân Kane đã đồng loạt rút phim lại. !” Điều đó đối với bộ phim Công Dân Kane và Orson Welles là một đòn trí mạng. Nhưng Hãng R.K.O với sự thúc dục vận động của Orson Welles đã không chịu khuất phục, họ đã gấp rút cải tạo một nhà hát lớn thuộc quyền sở hữu của mình, biến thành rạp chiếu bóng để có thể trình chiếu bộ phim tại New York.

 

Không một tờ báo nào của tập đoàn Hearst đưa ra một bài bình luận hay một lời quãng cáo nào cho phim Công Dân Kane ngoài  vô số những bài báo công kích và thóa mạ Orson Welles. Nhưng những hành động phi nghệ thuật đó chỉ càng làm tăng thêm giá trị của dạo điễn trẻ tuổi và càng góp phần quãng cáo không công cho bộ phim. Nói như cách  của Jeorges Scudéry khi nhìn thấy sự thành công của vở kịch Le Cid của Pierre Corneille (1606-1684):” Le soleil est levé-Diparaissez, étoiles!”

( Mặt trời đã mọc rồi. Các ngôi sao hãy lặn đi) để tấn công Mairet và thủ tướng Richelieu, những đối thủ của Corneille.

 

Bộ phim Công Dân Kane đã đoạt được giải thưởng cao nhất của Hội phê bình Điện ảnh New York, nhưng bi kịch lớn nhất  vẫn đang chờ đợi nó ở phía trước, bởi Hearst và tập đoàn của ông ta vẫn nung nấu ý định tiêu hủy Công Dân Kane và tiêu diệt Orson Welles.

 

Tại giải Oscar 1941 của Viện Hàn lâm Khoa Học và Điện ảnh Mỹ, bộ phim Công Dân Kane được 9 đề cử, riêng Orson Welles nhận được 4 đề cử dành cho các hạng mục: Phim hay nhất, đạo diễn, nam diễn viên chính và kịch bản xuất sắc nhất viết cùng với Herman J. Mankiewies.

 

Nhưng khi  chính thức công bố, Ban Giám khảo của Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ năm đó đã lấp liếm thái độ bị mua chuộc của mình bằng cách thay thế bởi một tên tuổi  khác là đạo diễn  John Ford với bộ phim How Green Was My Valley ( 20th Century –Fox ) trong hạng mục bộ phim hay nhất  và đạo diễn xuất sa71c nhất và Công Dân Kane đã phải ra về với một giải duy nhất dành cho kịch bản phim, cũng như không được giải  nào về kỹ thuật như: Quay phim, dựng phim, ánh sáng, nhạc phim, âm thanh,  thiết kế,  hóa trang… Mặc dù ở Công Dân Kane  tất cả đều là những cuộc cách tân kỹ thuật đã đạt đến đỉnh cao lúc bấy giờ.

 

Không cần phải nói ra cũng biết ai là người đã tác động đến kết quả cuối cùng, chỉ biết rằng kể từ khi khai sinh giải (1927-1928) cho đến nay, giải Oscar 1941 được nhìn nhận như là một chương đen tối nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của giải thưởng này. Sau đó Hãng R.K.O vì quá thất vọng đã không thèm đoái hoài gì đến bộ phim Công Dân Kane nữa.

 

Bộ phim Công Dân Kane  đã nhận chịu một số phận bi thãm! Nhưng những gì bộ phim mang lại cho thế giới điện ảnh thật là lớn lao. Có thể khẵng định  rằng, sự ra đời của bộ phim Công Dân Kane đã hoàn toàn làm thay đổi điện ảnh. Đã gần 60 năm qua, nhưng những thủ pháp điện ảnh của Công Dân Kane đến nay vẫn còn được áp dụng trong rất nhiều bộ phim, đặc biệt trong cách xây dựng kịch bản, dựng phim và quay phim.

 

Tháng 10-1958 tại Hội chợ Triển lãm Bruxelles, với một Ban giám khảo gồm những đạo diễn tên tuổi của điện ảnh thế giới đã họp mặt theo yêu cầu của Viện Lưu Trữ Điện Ảnh Bỉ, Công Dân Kane của Orson Welles được chọn là một trong 10 bộ phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Năm 1987, một công trình nghiên cứu khác của Liên đoàn Quốc tế các CLB Điện Ảnh, cũng trong năm này, nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của kinh đô điện ảnh Hollywood, giới điện ảnh Mỹ cũng đã tiến hành một cuộc trưng cầu ý kiến của 500 nhà nghiên cứu  phê bình điện ảnh Mỹ lại xác nhận bộ phim Công Dân Kane là một tuyệt tác của điện ảnh thế giới và Mỹ.

Sâm Thương
Số lần đọc: 5028
Ngày đăng: 22.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kẻ Ăn Cắp Xe Đạp - Sâm Thương
James Dean: đại biểu của thế hệ lạc lõng - Sâm Thương
Ra mắt Tập Phim Những bông hoa tôi - Nhiều Tác Giả
Sâm Thương, Một thuở đam mê, một thời yêu dấu - Nhiều Tác Giả
Chuyện Dế Mèn - Phạm Toàn
Marlon Brando: nhân vật bi kịch - Sâm Thương
Oliver Stone, Hành Trình Của Người Trí Thức - Sâm Thương
Trung Đội Hay Nỗi Ám Ảnh Của Người Mỹ - Sâm Thương
Sám Hối: Giấc Mơ Hiện Thực - Sâm Thương
Một Cái Nhìn Về Người Hùng - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)