Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
496
116.603.264
 
Nhớ Mẹ
Hồ Thị Mộng Loan

Hôm nay là ngày giỗ của me tôi. Bà ra đi đã 23 năm. Lâu qúa rồi, mà nghĩ tới tôi vẫn buồn quá !

 

Lui cui nấu nướng từ hôm qua, nhưng tôi vẫn không nghĩ ra hồi còn sống me tôi thích ăn món gì! Tệ thật, quá tệ! Đó là điều mà 23 năm trôi qua, tôi vẫn còn ân hận.Tôi chỉ biết duy nhất một món thịt phay chấm nước mắm, là món mà me tôi thèm ăn trước lúc chết. Mà điều duy nhất đó cũng không phải tôi nghe me tôi nói trực tiếp với tôi. Tôi chỉ biết qua lời nói lại của các em, vì thời gian me tôi bị bịnh rồi mất tại Huế, tôi sống và làm việc tài Sài gòn, không có mặt bên cạnh me tôi. Nghe các em nói lúc đau nằm bịnh viện, me tôi nhắc đến món ăn đó, nhưng các em tôi không dám cho me tôi ăn, vì me tôi đang bịnh. Và rồi me tôi mất, không có cơ hội nếm lại món ăn thật là bình thường: thịt heo luộc chấm nước mắm. Tội nghiệp me quá! Bây giờ trong lần giỗ nào của me cũng có món thịt luộc, có thêm dưa gíá, và các con, các cháu gắp ăn, vẫn cứ nhắc đến  me..

 

Tôi nghĩ không phải là tự nhiên mà me tôi lại thèm món ăn đó, mà lại thèm vào lúc sắp chết. Hồi đó, me tôi bị huyết áp cao kèm thêm bịnh phổi. Sau khi bịnh phổi lành rồi, me tôi vẫn phải ăn lạt, và me tôi thèm nước mắm vì vậy chăng? Thịt thì tuy hồi đó tương đối hiếm vì hòan cảnh gia đình sau khi ba tôi đi học tập về có khó khăn, về lại Huế lại càng thiếu thốn, nhưng khi me tôi đau, chị em chúng tôi cũng cố gắng để me có cháo thịt bò ăn buổi sáng …Tôi không nghe me thèm chi. Me tôi không bao giờ đòi hỏi một điều gì cho bản thân, vậy mà thèm thịt luộc với nước mắm, mà lại nói với các con,…tội nghiệp me quá me ơi! Mỗi lần nhớ lại là mỗi lần tôi đau lòng!

 

Tôi cũng có con, tôi cũng yêu quí các con tôi, tôi cũng sống hết mình cho chồng, cho con, nhưng với me tôi thì thật sự tôi còn thua xa đức hy sinh và chịu đựng của bà. Ba tôi là đàn ông Huế,  mà lại là cậu ấm, cho nên cách ăn uống cũng cầu kỳ, ăn ngon mà ăn ít. Ăn ít thì khó nấu, và nấu cho một mình ba ăn thì me tôi lại thương mấy đứa con, cho nên việc chi tiêu trong nhà thiệt là khó khăn cho me. Đồng lương của ba tôi không đủ chi tiêu trong gia đình nên thỉnh thoảng me tôi phải nhờ sự giúp đỡ của ông bà ngoại, nhưng trong nhà bao giờ cũng vui tươi và đầy ắp tiếng cười. Me tôi nấu nhiều món ăn ngon do học được của bà ngoại và học ở trường Đồng Khánh. Làm nhiều, nhưng tôi ít thấy me tôi ăn, mà hồi đó tôi cũng không để ý đến chuyện me tôi có ăn hay không. Đến khi lớn lên tôi mới để ý thấy sáng nào ba tôi cũng đi ăn phở, tôi nói mua phở cho me thì me tôi  nói me không thích ăn. Mặc dù vậy, tôi vẫn đi mua cho me ăn. Nhưng me tôi vừa cầm đũa lên, chưa kịp ăn thì hết đứa em này đến đứa khác chạy tới đòi ăn. Không phải mấy đứa em tôi thèm ăn đâu, nhưng tính con nít cứ thấy ăn là đòi mà không biết để cho mẹ ăn. Thế là me tôi đút cho đứa này một miếng đứa kia một miếng  …hết tô phở! Me tôi cứ nói me thich cái này cái kia, nhưng tòan những thứ mà chồng và các con ăn rồi còn lại. Me tôi vẫn  nói, “me thấy làm mà chồng và các con ăn ngon lành là me thích”,  riết rồi không ai quan tâm đến việc me tôi ăn gì và thích gì.

 

Nhưng me tôi thích gì thì tôi biết: me tôi thích đọc sách! Sau một ngày vật lộn với công việc nhà, me tôi thức để đọc sách. Vừa đọc sách vừa canh cho các con học bài, vừa quạt cho đứa nhỏ nhất ngủ. Me tôi là người phụ nữ theo tây học, là cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế, nói và đọc tiếng Pháp giỏi, con nhà giàu, đi học bằng xe kéo sang trọng…Cuộc đời thiếu nữ cùa bà thật sung sướng, vô tư.  Vào thời đó mà bà mặc áo tắm, chèo périssoir  trên sông Hương (chiếc áo tắm bà còn giữ cho đến lúc tôi 15 tuổi ). Nhiều người hồi đó theo bà và được ông ngọai tôi đồng ý, nhưng bà lại thương ba tôi vì cái áo rách vai (mặc dù ba tôi cũng là con quan, một ông Hường, và có tập ấm ), và…đặc biệt là chất nghệ sĩ, lãng mạn của ông. Nhà me tôi ở Ngã giữa (đường Phan Bội Châu, bây giờ là đường Phan đăng Lưu, Huế),  tối nào ba tôi cũng dựa cột điện trước nhà thổi harmonica, hết bài nhạc này đến bài khác. Ba tôi chép thơ và nhạc tòan bằng mực tím, tự tay vẽ hình rất đẹp để gởi tặng me tôi. Suôt thời gian đi tản cư về vùng Quảng Trị trong chiến tranh chống Pháp, me tôi dắt ba chị em tôi chạy giặc, chỉ mang theo một xách tay mà trong đó là một gói đựng ảnh và thư cùng những bài chép tay của ba tôi. Tôi biết được điều đó là do một lần me tôi dấu gói giấy trong mái rơm của chuồng heo, bị tây đi lùng lấy báng súng chọc vào nên giấy tờ văng tung tóe. Me tôi hốt hoảng chạy tới vừa lượm vừa giải thích bằng tiếng Pháp. Tôi thấy một ông tây cầm lên xem rồi bỏ đi. Me tôi chùi những chỗ lấm nhớp có vẻ tiếc lắm. Tôi hỏi thì me nói của ba. Năm ba tôi bị Tây bắt ( hồi đó mỗi lần Tây về làng là bắt thanh niên), me tôi kéo ba đứa con chạy theo khóc xin cả đoạn đường dài. Tối nào me tôi cũng dắt ba chị em tôi ra ngoài sân, biểu chắp tay lạy trời Phật phù hộ cho ba khỏe mạnh. Me tôi khóc mãi đến độ cả hai mắt đều bị mờ, đục thủy tinh thể, dân gian thường gọi là vảy cá. Cũng may nhờ trong nhà ông ngoại tôi có sừng con tê ngưu (nghe đâu ông đi săn mà có được), đem ra hòa với sữa mà nhỏ vào mắt .Hồi đó me tôi đang cho đứa em thư hai của tôi bú nên dùng sữa mẹ để pha với thuốc. Tôi còn nhớ người ta bày dùng cái đọt lá tre để quẹt thuốc vào mắt. Nhờ đó mắt me tôi đở bịnh và sáng dần.

Càng lớn lên ,tôi càng thấy và hiểu tình yêu đằm thắm mà me tôi dành cho ba tôi và tình thương vô bờ mà me tôi dành cho chúng tôi. Me tôi sinh tất cả mười người con, năm trai năm gái với một vài lần sút sảo. Đứa con nào me tôi cũng cho bú hơn một năm mới dứt sữa, chỉ có tôi là dứt sữa sớm vì me có thai em gái kế tôi. Bởi vậy me tôi cứ nói thương tôi nhiều vì chỉ bú mẹ có mấy tháng. Cứ cách một năm me tôi sinh một đứa con, ba tôi làm công chức hay đi xa, lâu lâu về thăm nhà, mọi công việc chăm sóc nuôi dạy con cái  đêu do me tôi đảm trách. Tôi còn nhớ một đêm mùa hè, trời đã khuya, cả nhà đều đã ngủ, riêng tôi vẫn còn thức với đứa em trai đang học thi cùng  một người bạn đến học chung. Me tôi vừa xuống nhà đi ngủ  một lúc thì tôi nghe tiếng me kêu. Tôi chạy vội xuống phòng me tôi. Me tôi nói, giọng bình thường, “con đi với me lên chị Lựu”(chị Lựu là người nữ hộsinh có nhà bảo sanh tư tại thị xã Hôi An lúc đó).  Tôi vội hỏi “răng rứa me?”.“Me bị ra huyết”, me tôi nói bình tĩnh. Tôi run trong bụng nhưng không nói gì hết. Lúc đó ba tôi cũng đã thức dậy. Me tôi nói tình hình sức khỏe cho ba tôi biết. Ba tôi biểu em trai tôi và cả đứa bạn học cùng tôi đi với me tôi lên nhà bảo sanh. Tôi cầm tay me tôi, tất cả đi bộ. Đã quá nữa đêm, đường khuya vắng lặng, không còn ai ngoài me và chúng tôi. Ba tôi ở nhà, và mấy đứa em kia vẫn ngủ ngây thơ không biết gì. Từ khi tôi có trí khôn để nhận biết, tôi thấy ba tôi không bao giờ đưa me tôi đi sanh,chỉ khi me tôi sanh xong, người nuôi đẻ về báo tin, khi đó ba tôi mới vào thăm me tôi. Cũng lạ, vậy mà me tôi không buồn và không bao giờ nghe me tôi trách móc gì cả. Đêm đó me tôi bị hư thai. Khi nghe cô Lưu khám xong nói vậy, me tôi biểu tôi đi ra ngòai nói với em trai tôi đi ra trước chơi. Tôi trở vào phòng sanh ngay, chạy tới cầm tay me tôi. Me tôi biểu tôi,“con đi ra đi”, nhưng tôi không ra. Tôi cầm tay me tôi, lạnh toát cả người khi nghe me tôi rên và nắm chặc tay tôi. Lúc đó tôi thương me tôi quá! Biết làm sao cho me bớt đau bây giờ??? Tay tôi lạnh, người tôi cứng ngắt, tôi siết tay me muốn chia bớt cơn đau, mồ hôi me ra ướt đẫm mặt. Hôm nay có tôi, có em trai tôi ngòai kia, nhưng còn những lần khác, những lần me tôi  lầm lủi một mình đến nhà bảo sanh trong lúc cả nhà ngồi chờ hoặc đang ngủ ..Sao không hề nghe me tôi nói gì cả? Chỉ có mình me tôi với người nuôi đẻ! Sau lần đó, tôi quyết định lần sau me sinh phải chăm sóc me, lo nấu cơm ỏ nhà đem vô cho me ăn và phải ăn canh chơ không để cho bà nuôi cho ăn cá khô kho măn chát nữa.Trước khi sinh, tôi còn cho me tôi uống sữa với trứng gà (vào tuổi đó, tôi chỉ biết làm bấy nhiêu việc thôi). Rất tiếc cũng chỉ làm được một lần thôi, vì tôi ở xa nhà và me tôi cũng sinh đứa gần út rồi. Tôi nói gần út vì cho đến khi tôi sinh con đầu lòng thì me tôi mới thật sự sinh con gái út. Me tôi buồn lắm vì không vào nuôi tôi sinh được (tôi lấy chồng rồi vào Sàigòn luôn). Me  tôi viết thư căn dặn tôi phải làm điều này điều kia, và xót xa buồn tiếc vì không có cơ hội chăm sóc con gái trong lúc vượt cạn. Me tôi chỉ biết nghĩ thương con, mà quên rằng me tôi cũng đang chuẩn bị đối mặt với nguy hiểm trong lần sinh đẻ cuối cùng lúc tuổi đã lớn! Me có biết đâu, ở Sài gòn tôi sinh ở nhà thương tây và sung sướng hơn me biết mấy! Tội nghiệp me của con .

 

Me tôi dạy các con đủ thứ, học chữ, học may vá chợ búa đối với con gái, khuyến khich, thúc dục các con trai trau dồi đạo đức làm người, và tính năng động, tháo vát bằng cách tham gia sinh hoạt hướng đạo sinh. Cả một bầy con me tôi chăm chút không mỏi mệt, không quên một đứa nào từ ăn ngủ cho đến việc học hành. Tôi còn nhớ ban đêm me tôi phải thức gọi các em tôi dậy đi tiểu, vì có đứa đã lớn còn mắc bịnh đái dầm. Me tôi thường dạy chúng tôi, con gái mặc áo dài đừng ôm sát người mà mất vẽ mềm mại của thân hình, đi đứng nói cười phải nhẹ nhàng dịu dàng,“chưa nói đã cười chưa đi đã chạy, là người vô duyên”. Me tôi hay nói tình yêu của người con gái không được lộ liễu, phải e ấp, kín đáo mà đậm đà, bền lâu.  Me tôi cũng đem hoa viollette (loài hoa me thích ) có màu tím đậm đà hương sắc, nhưng  luôn ẩn mình dưới lá môt cách dịu dàng, khiêm tốn để ví với con gái. Với con trai, me tôi thường nói con trai phải tháo vát, khỏe mạnh, “phải như con dao phay (con dao lưỡi to cán ngắn ), khi cần xắt cũng được, bằm cũng được, chặt cũng được,  mà trở cán lại để giã cũng được”. Tôi là con gái đầu, được me tôi dạy dỗ nhiều nhất và cũng ăn đòn nhiều nhất vì tôi  cứng đầu hay cãi, gan lì và nóng nảy. Tôi học đi chợ từ năm mười tuổi, mỗi khi mua đồ ăn không đúng như me dặn là bị đổ cả rổ chợ luôn. Những lần như vậy, tôi vừa cắm cúi lượm đồ ăn vửa khóc. Nhưng nhờ như vậy mà không bao giờ tôi quên những điều rất nhỏ mà me tôi dạy con gái trong việc chợ búa, ví dụ như “không mua những đồ ăn đã xắt sẳn vì nó già cứng hoặc không tươi ngon”. Me tôi còn dạy tôi đan, thêu, may vá áo quần, cho em bú sữa, cho em ăn, giữ em, ru em ngủ  vv….Mặc dù tôi giúp me làm nhiều việc như thế  nhưng  vẫn có giờ học và giờ chơi rõ ràng  Mỗi lần me tôi đọc dictée cho chị em tôi viết là thế nào tôi cũng bị khẽ tay,  vì tôi dốt tiếng Pháp lại không chịu nghe cho kỹ. Hồi đó tôi còn nhớ muốn đi xem ciné phải nói một câu tiếng Pháp đúng mới cho đi. Tôi bực mình định ở nhà trớt cho rồi. Me tôi dỗ một hồi, kiên nhẫn  đợi chị em tôi nói đúng  ..Những ngày nghỉ hè, tôi thường thich chạy dang nắng buổi trưa với bạn bè lối xóm, lẻn vô vườn của bà Hồng Anh trước nhà hái trái cây. Me tôi nằm ngủ trưa, biểu tôi ngồi bắt chí. Tóc bà sạch trơn, có con chí nào đâu? Tôi mân mê một hồi, thấy bà ngủ say là rục rịch đứng dậy chạy đi chơi. Nhưng cứ vừa nhổm lên là nghe bà kêu. Sau này lớn lên, tôi mới nghĩ ra là nếu tôi chịu ngủ trua thì me tôi đã ngủ được rồi! Me tôi bày ra việc đó để giữ chân tôi, không cho dang nắng ….

Lúc nào me tôi cũng tất bật với bầy con và công việc nhà. Những ngày chúng tôi học thi, hầu như lúc nào cũng có me bên cạnh, không phải một đứa mà hết đứa này đến đứa khác. Khi tôi đi học xa ,buổi tối  thức học bài, tôi cứ nhớ hoài bóng dáng me tôi vô ra nhắc nhở. Có đi xa nhà, tôi mới thấy tất cả cái vô tình của mình khi ở bên cạnh me. Rồi tôi cũng biết được cái trường ngày xưa me tôi học tập. Nhờ me tôi  hay kể cho tôi nghe

 

những ngày đi học cho nên tôi không thấy xa lạ với trường Đồng Khánh khi tôi vào học ở đó, và tôi sung sướng nghĩ mình là hình ảnh của me tôi ngày xưa.

 

Từ năm mười bảy tuổi, hai chị em tôi bắt đầu xa gia đình, ba me và các em, để về Huế học.Tôi vui với tuổi thanh xuân của đời học sinh, sinh viên nhưng vẫn mang mác trong lòng nỗi nhớ nhà, nhất là những khi được thơ me tôi. Thư nào của me tôi cũng thấm đậm lòng me nhớ thương hai đứa con gái ở xa, mặc dù nghĩ lễ và nghĩ hè chúng tôi đều về nhà …

 

Ngày tôi đi lấy chồng, me tôi nói với tôi “Chẳng lẽ me có con gái mà lại không gả lấy chồng, chứ làm đàn bà dù chồng có thương yêu cũng cực lắm con ơi”. Me  tôi còn nói, “Me đã dạy con đủ điều, con sống làm sao đừng để người ta nói me không biết dạy con. Đối với chồng phải “tương kính như tân”, với cha mẹ chồng phải tròn đạo dâu con”. Me tôi nói mà rơm rớm nước mắt. Hồi đó, tôi nghe để mà nghe, thật sự không quan tâm lắm những điều mẹ tôi dặn dò, bởi  trước mắt tôi, ba me tôi là tấm gương hạnh phúc, tôi cũng sẽ hạnh phúc như thế vì chúng tôi cũng đang thương yêu nhau, sắp được sống chung với nhau  và tôi cũng sẽ bắt chước me tôi nuôi dạy con tốt …Tôi nói thầm “me đừng lo”, nhưng lòng cũng rưng rưng vì sắp xa nhà, xa cái tổ ấm rộn ràng náo nhiệt trong đó có các em đang còn nhỏ quá…..Lấy chồng, đi xa vào tận Sài gòn, say sưa trong hạnh phúc tình yêu, nhưng hình ảnh me tôi cứ thấp thóang hoài trong trí nhớ. Một buổi trưa nghe từ radio phát ra tiếng ngâm thơ bài Nắng mới của Lưu trọng Lư với tiếng sáo của Tô kiều Ngân, tôi buồn đến lặng người, úp mặt vào tường để hai dòng nước mắt chảy, không muốn cho chồng tôi biết...Nhớ me tôi quá! Chắc là me tôi  cũng đang nhớ tôi …..Khi tôi có thai đứa con đầu lòng ,bên cạnh niềm vui sướng hãnh diện vì sắp được làm mẹ, tôi củng phải chịu đựng mệt nhọc vì thai hành, vô ra bịnh viện vì bị phù do albumine, rồi sinh thiếu tháng,…Khi nếm trãi đủ tất cả những điều tưởng như bình thường ấy, tôi mới thấy là me tôi nói đúng. Làm thân đàn bà là cực, sự cực khổ là đương nhiên…, niềm  an ủi là có chồng yêu thương bên cạnh.

 

Con gái tôi được hai tháng rưỡi thì chồng tôi đi Mỹ học. Tôi đem cháu về ở với gia đình chồng ỏ Đà nẳng. Trước khi đi, chồng tôi hỏi muốn về ở với ba me tôi ở Hội An hay về nhà ông bà nội cháu ở Đà nẵng. Tôi trả lời ngay không do dự: lấy chồng rồi thì về nhà chồng chứ sao lại về nhà ba me. Tôi nghĩ là tôi đã trả lời đúng ý me tôi. Thật ra lúc đó tôi buồn lắm, chồng đi xa tới bốn năm, về với ba me thì sướng biết mấy nhưng không được! Me tôi rất nghiêm trong chuyện lễ nghĩa, và tôi phải sống cho phải đạo như me tôi dạy. Sau này, về ở với nhà chồng, tôi không bao giờ dám nói chuyện buồn với me tôi. Me tôi luôn nói : Con phải sống xứng đáng với chồng con .Chồng con đi xa học hành lo cho tương lai, con là dâu trưởng ở nhà phải lo cho gia đình chồng thay hắn.. Khi con gái tôi được một tuổi, tôi xin phép ông bà nội cháu về thăm gia đình, về Hội An, chỉ cách Đà nẵng có ba mươi cây số. Không may là tôi bị đau, phải ở lại chích thuốc và chữa bịnh mấy tháng. Trong thời gian đó, ông bà nội cháu vào thăm hai lần.  Mỗi lần ông bà nội cháu vào thăm là tôi thấy me tôi bức rức. Me tôi nói, “chắc là anh chị nhớ cháu lắm đây”. Tôi thì thấy quá sung sướng khi được về nhà, được ăn ngủ thoải mái, con thì có các em trông coi, cơm nước có me lo, tôi mập ra thấy rõ. Gần Tết, tôi tính ở lại nhà để được ăn một cái Tết sau bao năm xa cách. Không ngờ đến sáng ngày 25 tháng chạp, tôi thấy cậu tôi lái chiếc xe jeep chạy vào nhà. Tôi hỏi cậu đi đâu,  thì cậu bảo “Me mi biểu cậu đem xe vô chở hai mẹ con mi ra Đà nẵng”. Tôi sững sờ, hỏi me tôi thì me tôi nhẹ nhàng: “đi bỏ áo quần mà ra đi con”. Tôi vừa thu xếp đồ đạc vừa khóc. Khi ra sau bếp chào me, me tôi vừa hôn con gái tôi vừa nói :”Su đi về với ông bà nội nghe con”. Quay qua tôi, me tôi nói “Không phải là me không thương con, nhưng con phải ăn ở làm sao cho phải đạo, ngày tư ngày tết mà không có dâu con ở nhà, trong lúc con trai người ta đi vắng ! Con đừng dể người ta cười ba me không biết dạy con. Nói xong me tôi khóc, tôi cũng khóc rồi tôi ra xe. Me tôi là như vậy đó ...

 

Năm 1975, ba tôi đi học tập cải tạo, các em tôi đang học hành dang dỡ chưa có đứa nào có thể làm ra tiền để phụ me tôi cả.Vợ chồng tôi lao đao trong cuộc đổi đời, chưa đủ sức lo cho bản thân, chẳng thể nào giúp đở được mẹ. Có bao nhiêu tiền bạc còn sót lại, me tôi lo thăm nuôi ba tôi, đồ đạc trong nhà bán lần. Me tôi làm đủ thứ việc lao động để kiếm sống : bán mắm, bán bầu bí, bán rau, kim chỉ, làm công gói kẹo cho các tiệm làm kẹo bánh, bưng thức ăn trong quán bán bún, bán chè…Nghe nói có đêm me tôi đi làm về rất khuya,  bưng một rỗ bún còn dư ở tiệm về, gọi các con dậy ăn “thấy thằng Cưng ăn ngon lành mà me thương quá!”. Có những ngày không có gạo ăn me phải đi vay một chồng bánh tráng cho các con ăn đỡ đói …Tôi dùng chữ “nghe” bởi tất cả những điều tôi biết đều do bạn bè ở Hội An và các em tôi nói lại. Những năm đó tôi ở Sài gòn, cũng cơm hẩm, bo bo, bột mì , khoai sắn nhưng tôi không phải chạy đi đâu nên không mất mát, còn có thể bán cái áo, cái quần, đồ dùng trong nhà để chi tiêu.  Các con tôi còn có ông bà nội giúp đở. Khi đó đứa con thứ hai của tôi mới ba tháng. Chỉ hai đứa con thôi mà chúng tôi vất vả biết bao để nuôi chúng. So với chúng tôi, hai vai của me tôi phải gánh vác quá nặng. Me tôi viết thư cho tôi khi bà đã bị bịnh phổi : “Me buồn quá, nếu không có hy vọng chờ đợi ba con trở về, thì me chỉ muốn chết cho rồi!”. Vợ chồng tôi xin được ít tiền của người bạn ở nước ngoài gởi về mời me tôi vào Sài gòn. Gặp lại me, tôi vui mừng quá, nhưng đồng thời cũng não cả lòng vì me tôi quá già, già và ốm yếu như một người tám mươi tuổi so với tuổi sáu mươi của me tôi lúc đó! Chỉ năm năm thôi mà me tôi suy sụp đến như vậy. Me tôi thì lại xót xa vì tôi ốm quá, nhưng tôi còn có sức trẻ để làm việc, còn me tôi cứ khô cằn đi.. .Năm này ba tôi cũng vừa được về, nên tôi giữ me tôi ở lại để chữa bịnh và lo cho me ăn uống, bồi bổ sức khỏe. Nhưng do phát hiện thêm me tôi cũng bị bịnh cao huyết áp nên cũng phải kiêng cữ, không chăm lo được nhiều. Rồi me tôi lại trở về Hôi An  với ba tôi và các em nhỏ.

 

Cuộc sống của me tôi vẫn cơ cực trong khó khăn chung, nhưng tình thương chồng thương con của me tôi vẫn không hề suy giảm. Mỗi buổi sáng me tôi vẫn bưng tô đi mua bún cho ba tôi . Chị em chúng tôi vui mừng thấy ba  tôi đi cải tạo mà về lại trẻ và khỏe mạnh nhờ được me tôi chăm lo đầy đủ, nhưng xót xa thấy me tôi càng ngày càng già yếu. Nhìn hai người mà thương quá, cuộc đời thiệt éo le, nhưng me tôi lại không quan tâm tới diều đó, chỉ cần mẫn chăm lo cho chồng, cho con. Thư nào gởi vào, me tôi cũng hỏi thăm, khuyên bảo con cháu. Tôi vẫn còn nhớ nhiều câu me tôi viết trong thư: “Mới đó mà các con đã làm cha mẹ, rồi các cháu sẽ lớn lên, sẽ học hành, xây dựng gia đình, các con sẽ già, làm ông bà nội ngoại …Thời gian tàn phá nhưng cũng xây dựng..”. Thương nhất là lúc nào me tôi cũng đều  nhắc tôi viết thư về  : “Me muốn đọc thư con để như nghe con nói chuyện, con đừng đợi khi nào có tiền gởi cho me mới viết, me trông thư các con, các con đi hết me thấy cuộc đời thật là trống trãi …”

 

Hồi đó có được chút ít tiền là vợ chồng tôi cố gắng gởi về giúp me uống thuốc, chú và cô tôi ở bên Mỹ thỉnh thoảng cũng có gởi về, nhưng đúng là như muối bỏ biển. Cái nghèo và thiếu thốn làm sức khỏe me tôi càng ngày càng suy sụp, không gượng dậy nổi. Các em tôi cũng không còn điều kiện để tiếp tục học hành, phải ra đời kiếm sống. Đứa làm lao động thủ công, đứa đi thanh niên xung phong trên Tây nguyên, đứa vào Nha Trang làm công nhân xây dựng. Các con vất vả đi xa càng làm me tôi héo hắt. Sức khỏe của me tôi  đã hao mòn vì bịnh, lại rã rời thêm vì thương các con cơ cực.

 

Sau khi học tập cải tạo về, ba tôi xin được vào làm ở tổ hợp mành trúc được mấy năm. Nhưng rồi càng ngày công việc càng khó khăn, ba me tôi đành chấp nhận chính sách hồi hương về lại Huế sau 37 năm ở Hội An.Về lại Huế nhằm năm thời tiết lạnh quá, bịnh phổi của me tôi trở nặng (1986). Lại thêm tình trạng huyết áp không ổn định,  me tôi phải vào bịnh viện ngày 2 tháng 9 năm đó, nhằm mùa trung thu. Chúng tôi về thăm, me tôi mừng lắm. Khi tôi đang đến từ xa, me tôi đã dang rộng hai tay, nói cười vui vẻ khiến tôi hy vọng bịnh tình của me tôi sẽ khỏi, nhất là sau khi tôi biết me tôi đã  xin được thuốc đặc trị để chữa bệnh . Chúng tôi đưa tiền và khuyên me cố gắng ăn uống thêm để mau hồi phục. .Me tôi nói ở đây họ có bán cháo bò buổi sáng, me sẽ ăn, con đừng lo. Các em tôi thay phiên nhau chăm lo việc cơm nước cho me tôi trong bịnh viện, nhưng vào thời đó đứa nào cũng thiếu thốn, việc bồi dưỡng cũng không được bao nhiêu. Em gái út của tôi khi đó 17 tuổi , me tôi thương  lắm .Có miếng ăn nào ngon, me tôi lại nhịn ăn để dành cho đứa con út . Các em tôi không đồng ý, nhưng tôi hiểu me tôi. Bà sẽ không nuốt xuống được miếng ăn nếu phải ăn một mình. Tôi nói : “me thương các con thì me phải cố gắng ăn và uống thuốc cho mau lành bịnh, em con còn trẻ me đừng lo cho hắn”  .Me tôi nhìn tôi  rồi… ừ! ..Khi vợ chồng tôi chào để vào lại Sàigòn, me tôi men theo tường hành lang bịnh viện, đứng ở lan can lầu 1Bệnh viên bài lao Huế  trên đường Ngô Quyền nhìn theo, tôi  vừa đi vừa ngoái lại nhìn  cho đến khi hình ảnh me tôi  khuất  sau hàng  phượng bên đường…..Đâu biết đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy me !

 

Trên chuyến tàu vào Nam đêm đó, lúc qua đèo Hải Vân, tôi thấy trăng lên trên eo biển rất đẹp. Suốt đời người khó có thể có lần thứ hai thấy được cảnh trăng đẹp như vậy. Mặt trăng tròn to như cái nia vàng rực, từ từ lên trên mặt biển ….Tôi thiếp đi một chút khi tàu qua khỏi hầm, nhưng giật mình tỉnh dậy ngay vì bên tai tôi nghe có tiếng nói “Me chết!” Tôi bồi hồi lo sợ,  mà vẫn cố nghĩ đó chỉ là ..do mình lo quá mà thôi  … Mười ngày sau thì me tôi mất, sau khi đã gặp mặt tất cả các con (em trai út của tôi đã về kịp khi me tôi không nói được nữa, nhưng me tôi còn nhận biết). Chúng tôi về Huế bằng máy bay, đến Đà nẵng rồi lên xe đò ra Huế.Chiếc xe cũ mèm bò lên đèo Hải vân trong từng cơn mưa như trút nước, mãi tối mới tới được nhà. Các em tôi đã có mặt đông đủ. Me tôi đã được tẩn liệm chu đáo. Ba tôi vẫn lặng lẽ như từ bao giờ, mặc áo tang ngồi bên quan tài. Nghe các em kể lại, me tôi ra đi rất êm ái (cảm ơn Trời Phật). Những giây phút cuối ở nhà thương, me tôi đã cầm tay ba tôi, ôm trên ngực. Ba tôi cũng còn có cơ hội đở me tôi xuống giường để me tôi đi vệ sinh, một việc mà các con chưa từng thấy bao giờ. Khi em trai tôi ôm me tôi trên xich lô về nhà,  me tôi  còn hỏi “bồng me đi mô ri con?”Về đến nhà thì me tôi  thở ra rồi đi …

 

Đã hai mươi ba năm, me tôi nằm yên nghĩ  trên dốc núí Thiên thai. Các con của me tôi đều đã có gia đình, có con có cháu. Mỗi đứa có một cuộc sống khác nhau, nhưng chắc chắn là chúng tôi thương yêu nhau như me hằng mong muốn. Me tôi thường nói “Ba me nghèo nhưng me muốn các con phải cố gắng học”. Dẫu không hoàn tòan được như me tôi mong ước vì thời cuộc (như me đã biết rồi ), các em tôi đã không được tiếp tục ăn học mà phải sớm ra đời lao động kiếm sống, nhưng trong đời sống đứa nào cũng nhớ những gì được me chúng tôi dạy bảo. Các con của  me tôi đã có đứa làm bác sĩ, làm cô giáo, đứa trai út vất vả bao năm trời giờ cũng đang tập sự Luật sư. Riêng tôi, tôi không làm được điều gì để gọi là có chút hiếu thảo với ba me tôi  vì tôi luôn ở xa, tôi lại là người luôn dấu diếm tình cảm, nói năng lại không dịu dàng.  Nhìn lại mình, tôi thiệt là thiếu sót, chưa làm được điều gì để trả hiếu cho ba me tôi (mặc dù tôi biết me không cần),  nhưng nghĩ lại tôi thấy Trời Phật còn thương, cho tôi một cuộc sống gia dình đầy đủ hạnh phúc. Trải qua nhiều gian nan trong đời, vợ chồng chúng tôi vẫn  thương yêu nhau, và đó là điều me tôi sung sướng nhất, me tôi đã từng nói với tôi như thế. Chỉ duy nhất điều đó là điều mà chúng tôi đã làm được để cho me vui. Nhà tôi  không chỉ là anh rễ  mà còn được các em coi như anh cả trong nhà. Mỗi lần nhớ đến me, tôi chỉ biết đem điều dó ra để tự an ủi…

 

Me vẫn luôn bên tôi, trong từng suy nghĩ, để chia xẽ những vui buồn ..cả cuộc đời.  Con biết ơn me …Con nhớ me ..Me của con…

 

Sàigòn tháng 11 /2009

Hồ Thị Mộng Loan
Số lần đọc: 1644
Ngày đăng: 26.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thư Gửi Nguyễn Thị Từ Huy - Nguyễn Hồng Nhung
Làm ơn, làm phúc, xin đừng… - Phạm Toàn
Tháng Ba Tây Bắc Hoa Ban Nở - Minh Nguyễn
Lan Man Chuyện Qua Tàu... - Hà Thúc Sinh
1 Ngày Của Hắn - Phạm Ngọc Ánh
Nhạc Sĩ Trương Thìn & Dạ Khúc Trăng Thơm… - Mang Viên Long
Một buổi sớm bình minh trên biển vắng. - Klanvy
Chàng thi sĩ viết văn - Lữ Kiều
May mà ta còn có em... và Sài gòn và Thủ Đức - Trần Hoài Thư
Trăng Hát - Khuất Đẩu