Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
452
115.986.879
 
Người viết lịch sử báo chí đã ra đi
Huỳnh Như Phương

Hôm qua, 26-7, những người thân, bạn bè và học trò đã tiễn đưa Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, vừa từ trần vào tối 22-7, về đài hoá thân tại Hoá An, Bình Dương.

 

Ông sinh năm 1941 tại Gò Dầu, Tây Ninh. Du học ở Pháp từ năm 1965, ông chọn đề tài lịch sử báo chí Việt Nam làm luận án tiến sĩ, dưới sự bảo trợ của GS Jean Chesneau, và bảo vệ thành công ở Đại học Sorbonne, Paris vào năm 1971. Có điều kiện khai thác những tài liệu quý giá được lưu trữ cẩn thận trong các thư viện của Pháp, luận án của ông là công trình nghiên cứu công phu đầu tiên đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh về quá trình hình thành và phát triển của báo chí quốc ngữ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Hội đồng chấm luận án với những sử gia có uy tín, am hiểu về Việt Nam như Philippe Devillers, Jean Lacouture đánh giá cao luận án ở sự miêu tả xác thực, khách quan và hệ thống về sự ra đời, hoạt động của những tờ báo trong quan hệ với chính sách của chính quyền thực dân, với chủ đích của người sáng lập và với sự tiếp nhận của bạn đọc đương thời.

 

Về nước năm 1972, Huỳnh Văn Tòng bắt đầu tham gia giảng dạy về báo chí tại các Viện đại học Vạn Hạnh, Đà Lạt, làm khoa trưởng Văn khoa – Sư phạm thuộc Viện Đại học Hoà Hảo, An Giang và khoa trưởng khoa Báo chí thuộc Viện Đại học Phương Nam, Sài Gòn. Trên cơ sở luận án tiến sĩ, ông đã biên soạn cuốn Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ đến 1930, được NXB Trí Đăng ấn hành năm 1973 với lời giới thiệu của GS Nguyễn Văn Trung.

 

Trong những năm tháng sôi động ở Sài Gòn, Huỳnh Văn Tòng vừa dạy học, vừa âm thầm tham gia hoạt động yêu nước cùng với những người bạn của ông như Cung Văn, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Bá Thành, Phan Văn Hoàng… và có may mắn chứng kiến những giờ phút lịch sử trong Dinh Độc lập vào ngày 30-4-1975. Những năm sau đó, ông làm phó chủ nhiệm khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm TP HCM, rồi về làm báo Công an TP HCM.

 

Khi Trường Đại học Tổng hợp TP HCM được phép mở lại ngành Báo chí ở miền Nam sau 17 năm gián đoạn, chúng tôi đã đến tận nhà mời ông trở lại bục giảng, phụ trách môn Lịch sử báo chí Việt Nam. Huỳnh Văn Tòng là một trong những thầy giáo đầu tiên giảng bài cho khoá sinh viên hệ mở rộng, khai giảng đúng vào ngày 03-5-1992. Một năm sau, trước sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, Trường Đại học Mở - Bán công TP HCM cũng thành lập Khoa Báo chí học và mời ông làm chủ nhiệm khoa. Ông dành thời gian tu sửa, bổ sung, phát triển cuốn sách của mình làm tài liệu giảng dạy cho cả hai trường và sau đó tái bản ở NXB TP HCM năm 2000, với nhan đề Báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ đến 1945.

 

Hơn mười năm qua, nhờ cập nhật tư liệu và áp dụng những phương pháp nghiên cứu hiện đại, việc nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam đã có thêm những thành tựu mới, nhưng cuốn sách của Huỳnh Văn Tòng vẫn là công trình có ý nghĩa nền tảng, chắc chắn sẽ còn được sử dụng lâu dài trong và ngoài nhà trường. Riêng với ông, dù đã viết thêm những tác phẩm khác như Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương 1941-1945 (đồng tác giả với Lê Vinh Quốc), Lịch sử các quốc gia Đông Nam Á, Kỹ thuật quảng cáo…, nhưng có lẽ công trình về lịch sử báo chí vẫn là cuốn sách mà ông tâm đắc nhất. Là người viết lịch sử báo chí của một nước thuộc địa, ông hiểu sâu sắc ý nghĩa vô cùng quan trọng của tự do báo chí đối với sự phát triển đất nước, sứ mệnh của báo chí như một tấm gương phản ánh trung thực đời sống xã hội, trách nhiệm của người làm báo và cả người nghiên cứu báo chí trong việc tôn trọng sự thật và hướng dẫn dư luận, khi mà những gì viết ra lẫn những gì không viết ra đều làm chứng cho lương tâm của người trí thức trước thời cuộc và nhân dân.

 

Vì sức khoẻ suy yếu, những năm cuối đời Huỳnh Văn Tòng phải rời bục giảng. Nhưng các thế hệ học trò của ông vẫn luôn nhớ đến ông, nhớ những bài học có ý nghĩa thời sự mà ông rút ra từ lịch sử thăng trầm của báo chí dân tộc./.

Huỳnh Như Phương
Số lần đọc: 1744
Ngày đăng: 28.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhớ Mẹ - Hồ Thị Mộng Loan
Tản Mạn Tháng Bảy - Lê Đức Thịnh
Thư Gửi Nguyễn Thị Từ Huy - Nguyễn Hồng Nhung
Làm ơn, làm phúc, xin đừng… - Phạm Toàn
Tháng Ba Tây Bắc Hoa Ban Nở - Minh Nguyễn
Lan Man Chuyện Qua Tàu... - Hà Thúc Sinh
1 Ngày Của Hắn - Phạm Ngọc Ánh
Nhạc Sĩ Trương Thìn & Dạ Khúc Trăng Thơm… - Mang Viên Long
Một buổi sớm bình minh trên biển vắng. - Klanvy
Chàng thi sĩ viết văn - Lữ Kiều