Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
637
115.993.560
 
Nghi Thức Cất Nhà Ở Ngã Năm – Sóc Trăng
Trần Minh Thương

Ngã Năm là một huyện nằm ở phía Tây, thuộc vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng. Đông giáp huyện Mỹ Tú và huyện Thạnh Trị. Tây và Nam giáp tỉnh Bạc Liêu. Bắc giáp tỉnh Hậu Giang.

 

Ngã Năm có địa hình tương đối bằng phẳng. Khoảng nửa diện tích thuộc phần đất phía Đông của huyện, gồm các xã Tân Long, Long Tân, Long Bình và Thị trấn Ngã Năm thấp hơn nửa diện tích còn lại thuộc phần đất phía Tây của huyện bao gồm các xã: Mỹ Bình, Mỹ Quới, Vĩnh Quới, Vĩnh Biên.

 

Địa danh Ngã Năm cũng có các đặc điểm như các vùng đất phèn chua nước ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng Bạc Liệu – Hậu Giang – Sóc Trăng nói riêng. Vùng đất này, sông ngòi chằng chịt, hai bên bờ, lá dừa nước mọc um tùm, cùng với nó là ô rô, cóc kèn, choại, ráng, …

 

Trong vườn, ngoài ruộng thì trâm bầm, mù u, bình bát, bần, tràm, tre trúc, … mọc đầy mất cả lối đi. Dân cư ở thành xóm dọc ven sông rạch, … Những lớp cư dân đâu đến đây mở cõi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo. Một trong số đó là những cách thức và những kiêng kỵ trong việc cất nhà. Qua khảo sát điền dã, chúng tôi thu thập thông tin từ các bậc cao niên trong vùng, xin có vài lời miêu tả để bạn đọc gần xa thưởng lãm.

 

1. Từ việc làm nhà đơn giản như cái chòi, nhà đá, nhà đạp, …

 

Người quá nghèo hoặc do điều kiện khách quan, bị động, cần phải có ngay một cái “nhà” để đục nắng che mưa, người bình dân có thể tự mình hoặc nhờ thêm một vài người thân tình ra rừng hoang đốn năm bảy cây cỡ bắp đùi người lớn, đem về chặt, đẽo rồi chôn chân xuống đất, để cây gác chéo làm kèo, kiềng lại bằng dây dừa, dây mây vóc hoặc thân trúc chẻ hai, thả rui trúc, lợp tạm bằng lá tấm chầm hoặc lá cần đớp (loại lá chằm theo cách của người Việt gốc Khmer ở miệt này), …

 

Vách phên cũng dừng bằng lá dừa nước đơn giản sơ sài, … Loại nhà này thường cất nhanh như cái chòi giữa đồng, giữa ruộng vậy. Ít có sự gia công, không theo nghi lễ cúng kiến đầy đủ, có cũng chỉ qua loa, sơ sài, phần vì gia chủ nghèo quá, phần vì không kịp chuẩn bị, … Loại nhà này các nhà nghiên cứu dân gian gọi là nhà đá, nhà đạp, … Nhà chôn chưn ở chừng hơn mùa mưa nắng là cột đứt chân, siêu vẹo, ngã sập, …

 

2. Đến những căn nhà cột kê

 

2.1. Công việc chuẩn bị

 

Người bình dân có thể cất nhà trong các trường hợp sau:

 

Nhà cũ bị mục nát, có thể hư sập không thể chịu đựng được mùa mưa sắp tới, sau mấy năm làm ăn khấm khá nay cần phải dựng lại nhà mới, hoặc nhà có con trai lớn, cưới vợ về được vài năm, vợ chồng trẻ đã có một, hai con, hơn nữa thằng em trai cũng sắp cưới vợ, để tránh cảnh chị em bạn dâu cùng một nhà, nhu cầu phải “ra riêng” cho đứa lớn đặt ra cấp thiết, thế là họ chuẩn bị dựng nhà mới.

Công việc chuẩn bị đầu tiên là chọn nền và đắp nền. Nhà thường cất ven sông, rạch hoặc phía sau nhà là vườn, xa hơn là ruộng lúa, … Nền nhà cần phải cao hơn mặt nước. Tháng nắng năm ba anh em dần công đào đất ruộng, hoặc múc đất sình dưới sông lên đắp. Nền nhà mới đắp phải để qua mấy tháng cho đất thật dẻ.

Chuẩn bị cây lá, lạt, …

 

Nhà cửa trong thôn quê ngày trước toàn là cây tạp quanh vườn chúng mọc hoang như tràm, vẹt, mù u, trâm bầu, bình bát, … Những cây được chọn làm nhà cũng phải đốn trước đó 1 – 2 tháng để đem ngâm dưới nước mương vườn, sau đó vớt lên lột sạch vỏ, phơi khô, có vậy, cây mới chắc bền, chống được mối mọt, …

 

Nếu vì quá gấp, chặt cây tươi vô xài liền thì dễ bị mọt đục, mối làm ổ, …

Mái lợp nhà sử dụng toàn lá dừa nước, vách cũng bằng lá dừa nước, lạt để lợp nhà là lạt dừa (phần gốc cây dừa nước), hoặc cà bắp (cây dừa nước non chưa nở thành tàu lá), … tóm lại “sản phẩm” từ cây dừa nước đóng góp hơn 70% cho căn nhà. Lá dừa nước cũng phải được đốn, xé trước. Có khi, người ta chọn cách lợp bằng lá cần đốp, thì phải chằm lá, … Tất cả phải chuẩn bị, phơi khô, để sẵn.

 

Công việc tiếp theo là coi ngày, mướn thợ. Chủ nhà tìm một số người biết chữ trong xóm (thường là người đọc được ít chữ Nho), xem lịch Tàu để coi ngày. Thầy coi ngày sẽ chọn ngày tốt tùy thuộc theo tuổi của chủ nhà. Thầy chọn những ngày có Hoàng đạo, Sinh khí, Lộc mã, Giải thần…, tránh những ngày xấu mà sách vở ghi là: Hắc đạo, Sát chủ, Thổ cấm, Trùng tang, Hùng phục…, để dựng nhà. Và phải chọn giờ tốt, giờ Hoàng đạo để làm lễ động thổ (lễ cúng thần đất) để xin được làm nhà trên mảnh đất đó, cũng như giờ lên đòn dông (cây nằm ở vị trí cao nhất trong nhà).

 

Sau đó, chủ nhà sẽ chọn nhóm thợ nào đấy gần xa tùy ý để hợp đồng việc cất nhà. Toàn bộ giá cả, ngày giờ, quy cách chỉ giao ước bằng miệng là xong.

 

2.2. Khởi công

 

Đến ngày đã chọn, chủ nhà chuẩn bị các lễ vật gồm: mâm ngũ quả ( với 5 loại trái cây gồm: mãng cầu – dừa – đu đủ – xoài – sung), hoa tươi (bông vạn thọ, bông mai), nhang, một cặp đèn cầy đỏ, bộ tam sanh (dân gian miệt này đọc trại thành tam sên): một miếng thịt ba rọi heo, một con tôm, và một trứng vịt luộc, xôi, gà trống luộc chéo cánh, (xin nói thêm là cúng gà trống để làm ăn được lên gà, gáy to như gà, ít người cúng vịt), 3 miếng cau nhỏ để trên 3 trầu đã têm, ít tờ giấy vàng bạc, một dĩa muối gạo, 3 hũ nhỏ đựng đầy muối, gạo, nước, 3 chung trà, 3 chung rượu, 5 chén chè, 3 dĩa xôi. Sắp chung bàn nhưng chia thành 2 mâm, mâm đất đai và mâm cúng Tổ của thợ.

 

Chủ nhà quỳ khấn lâm râm: Nam mô a di Đà Phật. Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương/ Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị Tôn thần/ Con kính lạy quan Đương niên/ Con là: …ở ấp … xã … Hôm nay là ngày … tháng … năm … (thường khấn bằng ngày, tháng, năm theo âm lịch). Con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương, dâng lên các đấng bề trên có lời thưa rằng: Hôm nay, con chọn được ngày lành tháng tốt, kính cáo chư vị linh thần, cúi mong soi xét và cho phép được động thổ để cất ngôi nhà nhỏ để làm nơi cư ngụ cho gia đình con cháu.

 

Lòng thành con dâng lễ vật kính mời: Ngài Kim Niên Đường cai Thái Tuế chí đức tôn thần, ngài Bổn cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Định phúc Táo quân, các ngài Địa chúa Long Mạch tôn thần và tất cả các vị Thần linh cai quản trong khu vực này.

 

Cúi xin các Ngài chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho chúng con được vạn sự tốt lành, công việc hanh thông, chủ, thợ được bình an, ngày tháng hưởng phần lợi lạc, âm phù dương trợ, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.

 

Con cúi  xin phổ cáo với các vị Tiền chủ, Hậu chủ và các vị Hương linh, cô hồn y thảo phụ mộc, phảng phất quanh đây, xin mời các vị tới đây thụ hưởng lễ vật, phù trì cho chủ thợ đôi bên được an lạc, công việc chóng thành, muôn sự như ý.

Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật.

 

Nhang cháy khoảng nửa cây thì đốt giấy vàng bạc (lúc đốt giấy vàng bạc thì dùng chung rượu ở giữa rưới lên sau khi đốt xong), rải muối gạo xung quanh nền nhà.

 

Riêng 3 hũ muối, gạo, nước thì cất lại thật kỹ. Sau này khi về nhà mới thì đem để chỗ bếp nấu ăn, nơi thờ cúng Táo Quân.

 

Sau hết, chủ nhà cầm cuốc bổ những nhát cuốc đầu tiên, trình với thổ thần xin được động thổ, tiếp sau đó thợ mộc chánh dùng búa đẽo 3 búa tượng trưng vào một cây được chọn, gọi là dở mộc. Cuối buổi lễ cả chủ và thợ uống vài ba chung rượu đế mừng ngày khởi công với các đồ vật vừa cúng tế.

Từ ngày đó và tiếp mười bữa nửa tháng sau, nhóm thợ mộc bắt đầu công việc bào, đục, cưa, … Công việc xong thì “giao nguyên” tức là ráp sơ bộ “sườn” nhà trước. Tùy từng nhà cụ thể, thợ giao nguyên cột với xiên, cũng có khi ráp cột với kèo, … Trong quá trình làm nhà, chủ phải khoản đãi tử tế với thợ vì họ sợ thợ mộc giỏi (dân gian cho rằng ai làm thợ mộc cũng biết bùa Lỗ Ban) sẽ ếm bùa thì gia đình mang họa về sau, hoặc chí ít cũng không ở được, …

 

Công việc cuối cùng của thợ mộc là cân nền. Tức là đo đạc, tính toán những vị trí đặt những tảng đá xanh (rộng độ 3 – 4 tấc vuông) hoặc đá ong, để khi dựng nhà đặt chân cột lên đấy. Vì vậy, mới là nhà kê!

 

Nền nhà thường là nền đất, khi về nhà ở người ta rất chịu khó lấy chài nện, lấy chai thủy tinh lăn cho láng, nhà ở rất mái, dù không được sạch khi mùa mưa nước nổi, … Ai không kỹ thì nền nhà bị mấp mô bởi đất theo chân người “vào nhà”, tất nhiên là không đều nên tạo những chỗ lồi lõm, …

 

2.3. Dựng nhà – lợp nhà

 

Đến ngày dựng nhà, chủ nhà cũng chuẩn bị lễ vật bày mâm cúng cúng y như khi động thổ. Đời đúng giờ Hoàng đạo (thường khoảng 7 – 9 giờ sáng), nước lớn đầy, nhóm thợ mộc cùng anh em chòm xóm được chủ nhà mượn đến tiếp bắt đầu dựng nhà. Các hàng cột đã giao nguyên từ từ dựng đứng, cột đúng với vị trí đá đã sắp sẵn là thợ khéo. Các thợ “cao tay” dùng “bùa” phá các thợ khác cũng có thể làm cho các tảng đá “lệch hẳn” với cột. Trong quá trình đi điền dã, bản thân chúng tôi nghe được nhiều câu chuyện truyền miệng thật ly kỳ.

 

Chuyện kể có thợ mộc còn trẻ, dám “múa rìu” qua bậc trưởng thượng. Thế là lão thợ mộc kia, đến gõ ba búa vào cái cột mà anh thợ trẻ đang bào, đục, … Chỉ thế thôi, nhưng hôm sau, dựng nhà lên, các lỗ đục không sao tra kèo, xiên vào được. Nhóm thợ ấy phải thường cây cho nhà chủ, trễ ngày tốt dựng nhà, thế là phiền to, …

 

Nghe mách, anh thợ trẻ mang trầu rượu đến gặp người thợ lớn tuổi lạy lục xin tha. Người thợ mộc già đến gõ gõ mấy búa vào cột cái, sau đó nhà dựng lên êm re. Sự việc diễn ra cũng có thể do “gà ghét nhau tiếng gáy”, nhóm thợ này “phá” nhóm thợ kia để hạ uy tín, tranh giành mối làm ăn, chỉ có đều những ai dùng “kế hèn” ấy thì sẽ không bao giờ giàu có được. Có lẽ quả báo từ trời cao hay sự oán giận của lòng người đối với sự bất lương của những kẻ tiểu nhân chăng? Dân gian cho rằng, ai làm mộc mà giỏi bùa chú thì không bao giờ giàu có được!

 

Dân gian còn cho hay nếu lấy quân tướng (trong bài tứ sắc), hoặc quân K (trong bộ bài Tây, xếp lại làm tư để vào “họng” cột đã xẻ thì sau đó kèo sẽ không bao giờ lắp vào được, …

 

Thực tình, theo thiển ý chúng tôi, nguyên nhân có lẽ “thợ vườn” tính toán chưa thật chính xác mới xảy ra hiện tượng trên mà thôi. Dân gian phủ lên lớp bụi mờ huyền hoặc của bùa chú có lẽ để răn những người cao ngao “múa rìu qua mặt thợ” mà thôi!

 

Nhà dựng xong, các xiên tâm, xiên thượng, xiên hạ được luồn vào cột. Khi đóng niêm, niêm phải quay vào trong nhà, tuyệt đối không được quay ra, người ta tin như vậy của cải mới vào nhà như niêm chặt! Sau đó, người ta tiến hành lễ lên đòn dông (cây đặt ngang trên đầu hai cột cái – tức là ví trị cao nhất của căn nhà). Đòn dông được chọn là cây thẳng, bào thật láng, ở giữa có treo miếng vải đỏ khoảng 6 tấc vuông có vẽ hình bát quái và đề chữ: Khương Thái công tại thử. Sau khi khấn vái, chủ nhà cùng thợ chánh canh ngay con nước lớn (dân gian tin như vậy chủ nhà làm ăn mới khá như nước đầy), trịnh trọng nâng đòn dông đưa lên cho những thợ đứng trên chuyển đòn dông đến vị trí. Thường nhà có 2 mái là nhà trên, kế đó là nhà dưới và chái bát dần. Đòn dông thường đâm ngang để cửa quay xuống sông. Đôi khi cũng có nhà quay mặt ngang ra ruộng, vườn, … thì đòn dông phải đâm xuống sông, bởi cửa cái của nhà và đòn dông luôn nằm song song nhau.

 

Lên đòn dông xong, người ta bắt đầu thả đòn tay, nhóm người ở xóm có chút ít kinh nghiệm tiếp giúp thì trồng trụ vách, đóng nẹp vách, dùng lá xé dừng vách, lấy tre, trúc, cặp, nẹp lại cho chắc chắn…

 

Vách vừa che chắn gió lùa mưa tạt, vừa làm cho căn nhà kín đáo. Theo những lão nông thì ở thế kỷ XIX, ông bà cất nhà không quá chú trọng việc làm vách và cửa. Nhà cứ để vậy cho mát, đồ đạc trong nhà ít giá trị, chả ai lấy trộm mà cũng chả ai sợ mất, … Hơn thế, nó còn thể hiện tính ngay thẳng, bộc trực của người dân quê, tình làng nghĩa xóm thật đậm đà sau trước. Nhà ai làm cửa kín mít là coi như có chuyện mờ ám, …

 

Mái nhà có hai cách lợp. Nếu lớp lá xé thì sau khi thả đòn tay là lợp được. Hai người đi một li (khoảng cách khoảng 1 thước rưỡi đến 2 thước tây tức bằng chiều dài của tàu lá dừa nước), người có kinh nghiệm hơn “đi” đầu, lợp đều, khéo hay không là do người này quyết định, người còn lại lợp phần đuôi lá (sẽ theo phân, li mà người cột lạt ở đầu xác định) ở dưới có người “trao” lá. Lạt lợp nhà là lạt dừa (tức bụp bè chẻ phơi khô, hoặc lạt cà bắp phơi khô) .  Nhà lợp xong, phải dùng lá xé bẻ sấp nóc, cuối cùng mái nhà dày 3 – 4 tấc, người ta phải tề bỏ đuôi lá, căn bản nhà đã xong.

 

Cách lợp thứ hai là lợp bằng lá cần đốp. Kiểu lợp này đòi hỏi phải thả thêm rui, thường bằng trúc. Lá tấm đưa lên rui rồi dùng lạt cà bắp buộc chặt vào. Mái nhà lợp bằng lá cần đớp mỏng hơn nhiều mái nhà lợp lá xé. Nhà lợp xong khoảng đúng ngọ, chủ nhà sẽ đãi bữa cơm trưa. Cơm nước xong, mọi người xúm lại làm nốt một số việc còn lại như làm căn chái, làm nhà sau, … thường đến chiều là xong, “nhậu” với chủ nhà một chầu bí tỉ rồi ai về nhà nấy.

 

2.4. Trang trí, sắp đặt trong nhà

 

Nhà kê ở Ngã Năm thường gồm ba gian. Tính theo phương thẳng đứng từ đòn dông xuống người ta dừng vách để ngăn gian khách với buồng, gian giữa phía trước người ta kê bàn thờ tổ tiên, từ đường. Trên cùng treo ba chữ ĐỨC – LƯU – PHƯƠNG, ở giữa là bức tranh với chữ TỔ ĐƯỜNG hoặc CỬU HUYỀN THẤT TỔ ở giữa. Trên hai cửa buồng thường có tranh của Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga hay Thoại Khanh Châu Tuấn, phía dưới là những tấm màn kết bằng hạt bo bo đá hoặc bằng ống trúc. Hai bên để các tủ đứng quần áo, đồ đạc, trên nóc tủ là các bàn thờ ông Quan Thánh Đế Quân, thờ Bà mẹ sanh Cửu Thiên huyền nữ, hoặc bàn thờ Phật. Dưới đất cạnh tủ thờ, người ta thường để một trang thờ Thần tài, Thổ địa (hai ông thờ chung một lư hương). Lệch ở bên trái và phải thường kê hai bộ ván. Nhà giàu thì có ván gỏ, thao lao, căm xe,… thường hơn là ván mù u, ván bần, …, ván dày cả tấc tây, kê trên hai chân có hình dáng như “cọn ngựa”, nên còn gọi là bộ ngựa!  Khi ra riêng cho con, nếu tài sản không có gì thì cha mẹ xả ván ấy ra làm hai, làm ba để chia cho con! Hoặc đến lúc cha mẹ già con trai trưởng chủ nhà dùng ván ấy đóng “thọ” (cái hòm mai táng người) cho cha mẹ. Sống thì ngồi trên ván đó, chết ván thành áo quan, …       

 

Ở nhà sau mắc chiếc võng để nằm nghỉ, đưa con, cháu, kê thêm bộ ván, ở gian bếp có mấy cái lò, cà ràng, mấy cục đất khô kê thành ông Táo để chụm rơm, … trên là trang thờ Táo quân, …

 

Ngoại trừ cửa cái, cửa buồng và cửa sau, nhà ở nông thôn Ngã Năm ít thấy cửa sổ, vì vậy trong nhà thường tối và ít thoáng khí.

 

Trước sân, có nhà trồng cây dâm bụt làm hàng rào, có nhà thì không. Nhưng nhà nào cũng có một cây cột nhỏ bề cao hơn thước, trên đóng một miếng ván vuông nhỏ sắp một lư hương, hủ gạo, hủ muối và cái ve chai để cắm bông: đó là bàn thờ Ông Thiên (có người gọi là Thông Thiên = thông với Trời, xem ra cách gọi nào cũng có cơ sở cả). Chạng vạng tối, chủ nhà (hoặc ai đó trong nhà) đốt nhang cắm từ bàn thờ ông bà quá cố ở trong nhà đến bàn thờ ông Thiên ngoài trời, … Bàn thờ hình vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), lư hương hình tròn tượng trưng cho Trời (thuộc dương).

 

Người Tây Nam Bộ vốn chất phác và phóng khoáng trong cuộc sống và sinh hoạt nên sự hỗn dung trong việc thờ tự cũng được biểu hiện rõ nét. Người ta dễ nhận thấy nhiều bàn thờ Thông Thiên đôi khi còn có kết hợp thờ ông Tà bên cạnh, có khi là mấy hòn đá đặt bên cạnh lư hương, có khi là một góc nhỏ dưới chân bàn thờ Thông Thiên. Gặp ngày giỗ ông bà, hoặc ngày lễ, ngày Tết, cúng tổ nghề, tổ nghiệp… người ta cũng kết hợp luôn để cúng "ông Trời".

 

Nếu trong nhà có một mâm cơm cúng thì trên bàn thờ Thông Thiên cũng có lễ vật, hoặc là hoa quả, hoặc dĩa xôi, có khi rượu thịt. Ngày tất niên, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ Thông Thiên, hoặc trái dưa hấu tròn đầy đặn để cúng Trời, cầu nguyện cho sự sung túc cả năm.

 2.5. Về nhà mới

 

Để về nhà mới chủ nhà cũng phải chọn ngày tốt. Đến ngày ấy, mọi việc trong nhà đã hoàn tất, chủ nhà sẽ về nhà mới. Vì theo chế độ phụ hệ, nên người đàn ông mặc nhiên là chủ của gia đình. Nhà mới thì thường được cất cho vợ chồng (có thể có con cũng có thể người vợ đang chuẩn bị sinh em bé), gần như không có trường hợp nào một mình mà cất nhà ở riêng.

 

Sáng sớm ngày ấy, chủ nhà dâng lễ cúng gồm 5 chè, 3 xôi, 1 dĩa trái cây ngũ quả (có phủ kín bằng tờ giấy hồng đơn đỏ), 1 bình bông, 1 dĩa trầu cau, trà, rượu, đèn, nhang (nếu nấu mâm cơm canh để cúng thì miễn bớt chè xôi cũng được), vàng mã, và mâm cỗ để cúng Táo quân, Thổ thần, gia tiên, sắp chung bàn nhưng chia thành 2 mâm: mâm đất đai và mâm cúng Tổ của thợ, chủ nhà quỳ khấn lâm khâm rằng:

 

Nam mô a di Đà phật! Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con là:.., hôm nay (xưng theo ngày tháng âm lịch), con cùng gia đình mới dọn đến đây tại ấp … xã ..., huyện … tỉnh …. Con sắp sửa lễ vật, bày trên bàn thờ, trước linh tọa kính trình các Cụ nội ngoại Gia tiên, nhờ hồng phúc Tổ tiên, ông bà cha mẹ, chúng con đã tạo lập được ngôi nhà. Nay đà hoàn tất, con làm lễ về nhà mới cúi xin các cụ, ông bà cùng chư vị hương linh nội ngoại thương xót con cháu, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho chúng con, lộc tài thịnh vượng, gia đạo hưng long cháu con chữ bình an mạnh khoẻ. Lễ bạc tâm thành, con cúi xin được phù hộ độ trì. Nam mô a di Đà Phật!

 

Cúng xong, thì bắt đầu chuyển sang nhà mới, đầu tiên vợ của chủ nhà cầm một mặt kiếng tròn đem vào nhà trước với quan niệm mặt gương soi vào nhà, kế đến là người đàn ông chủ nhà tự tay bưng bát nhang thờ tổ tiên sang để vào vị trí trang trọng trên bàn thờ Từ đường.

 

Sau đó, lần lượt các người trong nhà mới đem vào nhà mới bếp lửa (tốt nhất là bếp còn đang cháy đỏ từ nhà cũ đem tới, với quan niệm lửa luôn cháy rực, chủ nhà sẽ phát tài), trên kệ có lư hương thờ Táo quân, đặt ba hũ đựng gạo, muối, nước mà lúc khởi công đã cúng.

 

Tiếp theo, lần lượt hủ gạo, hủ muối đầy tràn, mấy cái lu, khạp, kê bên vách nhà cũng được đựng đầy nước, cuối cùng những người phụ giúp sẽ dọn mềm mùng, chiếu gối, …qua nhà mới.

 

Nhà mới còn thiếu thốn nhiều, từ cây chổi, cái mo hốt rác, đến sợi dây giăng mùng, cái chén đôi đũa … Tất cả sẽ được chủ nhà bổ khuyết từ từ, …

 

Vào nhà mới, không ai được đi tay không vào nhà, ít nhất trên tay cũng phải cầm một vật dụng gì đó có lợi cho chủ gia nhà mới.

 

Ai tuồi Dần hoặc phụ nữ có thai không được phụ dọn (nếu muốn phụ, thì mua một cây chổi mới, dùng chổi quét qua một lượt các đồ vật thì không sao).

Nếu nhà khá giả có chút ít tư trang, thì đến giờ tốt, chủ nhà tự tay cầm tiền bạc nữ trang, tài sản quý giá cất vào tủ.

 

Đến trưa, chủ nhà làm tiệc lớn nhỏ tùy hoàn cảnh đãi bà con lối xóm đến chia vui ngày họ “ra riêng”.

Người đến chia vui mang theo chục chén, chục đũa, ấm pha trà, vài ba cái gáo múc nước làm từ vỏ dừa khô, hay đôi heo, chục gà con, … giúp chủ nhà mới tự tin chuẩn bị cho công việc làm ăn, sự sinh sôi phát triển của một gia đình mới bắt đầu từ đấy.

 

3. Kết luận

 

Từ những đặc trưng về văn hóa ứng xử đối với tự nhiên, người bình dân Ngã Năm nói riêng và người dân Sóc Trăng, Tây Nam Bộ nói chung đã ứng xử một cách hiền hòa và tôn trọng thiên nhiên tận dụng những điều kiện sẵn có từ thiên nhiên phục vụ cho chính đời sống của mình.

 

Việc cất một căn nhà mới, chuẩn bị cho cuộc sống mới của những cặp vợ chồng trẻ lại thấm đẫm tình làng nghĩa xóm, đúng với lời dặn dân gian tối lửa tắt đèn có nhau!

 

Từ khi bắt đầu có ý nghĩ chuẩn bị cất nhà cho đến khi ngôi nhà mới hoàn thành, chủ nhân về ở có nhiều phong tục, nghi thức thờ cúng và cả kiêng kỵ xuất hiện. Tất cả đều tập trung vào ước mong một cuộc sống tốt đẹp phồn thịnh, âu đó cũng là một tâm lý tất yếu tồn tại trong dân gian./.

Trần Minh Thương
Số lần đọc: 3480
Ngày đăng: 03.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đặc Trưng Múa Rối - Tuấn Giang
Nghệ Thuật Sử Dụng Điển Cố Trung Hoa Trong Ca Dao Đồng Bằng Sông Cửu Long - Trầm Thanh Tuấn
Hoàng Sa Tiếu Ngạo Phú - Kha Tiệm Ly
Hệ Thống Làn Điệu Dân Ca Các Dân Tộc. - Tuấn Giang
Không Gian Xã Hội Các Dân Tộc. - Tuấn Giang
Hoàng Sa Nộ Khí Phú - Kha Tiệm Ly
Những Chuyện Ly Kỳ Về Con Rắn Hổ Đất Trong Văn Hoá Dân Gian Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Nói Chơi … Nét Văn Hóa Đặc Sắc Của Người Bình Dân Qua Ca Dao Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Tản Mạn Về Chợ - Nguyễn Thị Hậu
Khu Vườn Có Mùi Mít Chín - Nguyễn Man Nhiên
Cùng một tác giả
Thể loại văn tế (tiểu luận)