Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
473
115.868.671
 
Lịch sử cải lương 4
Tuấn Giang

3. Âm nhạc, mỹ thuật

 

A. Âm nhạc

 

Âm nhạc cải lương giai đoạn hai, lớn mạnh toàn diện, phát triển các khuynh hướng ca nhạc theo từng ban hát diễn các loại cải lương. Cải lương tuồng Tầu, tuồng Tây, tuồng Việt, tuồng Phật, cải lương lãng mạn, ca nhạc phù hoạ, tô đậm mầu sắc các hướng cải lương.

 

Ca nhạc hoàn chỉnh các mặt, nâng cao kỹ thuật ca, hoà tấu nhạc, xuất hiện những ca sĩ ca Vọng cổ nhịp 16 nổi tiếng: Tư Chơi, Năm Châu, Phùng Há, năm Phỉ, Kim Cúc, Kim Thoa, út Trà ôn, Ba Điều, Bảy Nhiêu… Những nhạc công nổi tiếng trong từng ban hát, đàn ca chinh phục công chúng cải lương qua bài Vọng cổ. Ca nhạc có những nhạc công tổng kết lý luận bài bản cải lương nêu ra nguyên tắc hoà tấu dàn nhạc, xây dựng bài bản trong từng vở diễn. Nhiều diễn viên, soạn giả như Mộng Vân, Tư Chơi, sáng tác những ca khúc vào vở diễn cải lương tuồng Việt, tuồng Tầu, tuồng Tây… Một số bài của Mộng Vân đến nay có nghệ sĩ còn hát như Long Nguyệt, Giang Tô, Tô Vũ Mục dương…. Phương pháp  sáng tác của các nhạc công, diễn viên ngày ấy bằng thủ pháp mô phỏng âm hưởng bài bản cũ, phát triển bài bản mới. Nghe những sáng tác mới phảng phất một làn điệu nào đó, hoặc mang âm hưởng nhạc Quảng, nhạc Tây. Thủ pháp mô phỏng này, gần với bài bản, dễ hoà nhập vào vốn ca nhạc cải lương. Sáng tác những ca khúc mới vào vở diễn bắt đầu từ năm 1927, vở đầu tiên Giọt máu chung tình, tác giả soạn nhạc Nguyễn Chí Lạc, có bài Chim én và chim sẻ, Gió thổi nghiêng lều… Nhưng từ năm 1930, các vở diễn mới đồng loạt xuất hiện ca khúc mới vào cải lương. Kỹ thuật hoà tấu dàn nhạc năm 1935, có lớp hoà tấu khí nhạc bằng những bản nhạc Pháp, chuyển cảnh, nhảy van, kết thúc chào khán giả.

 

Ngay giai đoạn trước, các ban hát cải lương có hình thức giới thiệu diễn viên, chào khán giả bằng màn hát mở màn, từ vở Kim Vân Kiều. Nhưng chưa rõ hẳn là một màn hát mở màn chào khán giả, từ năm 1930 đến 1940, nhiều ban hát có hẳn một bài hát mở màn chào khán giả quảng cáo thương hiệu của ban. Tư Chơi, còn viết một màn Operette mở mà, hoặc kết thúc vở cải lương, làm công chúng chỉ thích đến xem chờ đợi bài ca những sáng tác nhạc cảnh cải lương của ông. Từ giai đoạn hai ca nhạc cải lương hoàn chỉnh các hình thức ca nhạc, hoà tấu dàn nhạc. Âm nhạc sân khấu có nhạc mở màn, chuyển cảnh, cao trào, kết thúc. Những vở diễn xuất hiện ca khúc tình cảm, diễn tả tâm trạng nhân vật, tình huống, hoàn cảnh sân khấu, tính kịch. Âm nhạc trong mỗi vở diễn cấu trúc thành những đắc tính riêng, diễn tả đặc điểm thể loại, đặc tính sân khấu, tính cách nhân vật. Đây là sự hoàn chỉnh ca nhạc sân khấu cải lương như một đề xuất lý luận âm nhạc về hoà tấu dàn nhạc sân khấu cải lương có những nguyên tắc, quy phạm riêng. Ví dụ, người đàn, người ca hết sức tự do tung hứng, nhưng sau tiếng song loan, sau cái đảo phách tất cả cùng vào để kết thúc câu nhạc hoặc đoạn nhạc… Tuy không ai tổng kết, nêu ra thành văn bản lý luận, nhưng các dàn nhạc hoà tấu theo luật chơi như thế, các ban hát có nhạc mở màn, cao trào… biểu hiện tính khí nhạc như nhau. Đó là sự thống nhất, hoàn chỉnh có tính lý luận âm nhạc cho các vở cải lương.

 

Nghệ thuật ca, phát triển kỹ thuật ca Vọng cổ nhịp 16, đàn ghi ta lõm với sự ghép nối ca khúc mới thành kỹ thuật ca tân cổ dao duyên phổ biến, là phát hiện mới hấp dẫn công chúng. Hình thức hát tân cổ giao duyên ngay từ năm 1925, đã có, nhưng phải tới giai đoạn 30 – 45, mới trở thành kỹ thuật ca Vọng cổ với ca khúc mới trong từng vở diễn, có những lớp hát đôi tân cổ, hoặc mở màn… làm công chúng náo nức đón xem. Là Thành công đích thực của ca tân cổ, đem đến công chúng nhịp điệu, âm thanh mới, làm mới lạ ca cải lương. Vọng cổ trở thành ông hoàng ca nhạc cải lương, diễn viên phải ca câu Vọng cổ để được tán thưởng. Từ một bản nhạc tâm trạng buồn chỉ có một tâm trạng đó thôi, các diễn viên đã phát triển bản Vọng cổ thành bản nhạc đa tính cách, đa tâm trạng, đa tình huống sân khấu, biểu hiện các loại sắc thái tình cảm buồn, vui, hờn, giận, giỗi hờn, căm phẫn, uất ức, mòn mỏi chờ mong, chán trường thất vọng, mộng mị, sướt mướt, chết chóc bi ai, hùng tráng, anh hùng ca trữ tình… Đây là sự hoàn hảo bài Vọng cổ, biến thành bản nhạc chức năng diễn tả, biểu hiện tình cảm, trong lịch sử âm nhạc không có bản nhạc nào mang tính đa phong cách như thế. Đó là sự phát triển cao nhất đặc tính bài Vọng cổ của ca nhạc cải lương, nhờ sự đa phong cách ấy trở thành gu thẩm âm, thẩm mỹ ca nhạc cải lương nghe câu Vọng cổ xuống hò.

 

Ca nhạc cải lương phát triển toàn diện, đặt ra những nguyên tắc hoà tấu dàn nhạc chung cho các dàn nhạc cải lương, nguyên tắc sử dụng các bài bản cải lương theo 10 nguyên tắc: Nhất lý, nhì ngâm, tam Nam, tứ Oán… Những nguyên tắc viết khí nhạc phân chia thành các loại: nhạc mở màn, chuyển cảnh, diễn tả tình huống, cao trào, kết thúc vở diễn. Ca Vọng cổ phát triển đa phong cách, ca tân cổ… là sự hoàn hảo toàn bộ kỹ thuật âm nhạc cải lương. Sự hoàn hảo ấy, ngày nay dàn nhạc cải lương phải tuân theo, không thể khác được, sự đổi mới ca nhạc hôm nay dựa trên những nguyên tắc xưa để phát triển mà thôi. Ca nhạc cải lương giai đoạn  30 – 45, tự hoàn thiện các mặt kỹ thuật dàn nhạc, kỹ thuật ca hát, có hướng lý luận chung tạo thành nghệ thuật ca và hoà tấu dàn nhạc cải lương mang lại hiệu quả vở diễn, chuyên nghiệp hoá trong các khuynh hướng cải lương.

 

B. Mỹ thuật phục trang

 

Mỹ thuật sân khấu cải lương ra đời từ carabộ, kết hợp phông cảnh, đồ vật, gần với trang trí nhạc kịch Opera, trang trí tả thực. Mỹ thuật phục trang sân khấu là mối quan hệ tổng hợp cấu trúc sân khấu cả hình ảnh, đồ vật, kiến trúc, điêu khắc, hoá trang, phục trang từ năm 1930 đã hoàn hảo và phát triển vào các khuynh hướng cải lương. Mỗi khuynh hướng một phương pháp trang trí sân khấu, một hình thức phục trang cấu trúc mỹ thuật toàn vở. Tuy vậy, mỹ thuật cải lương đã kết hợp nhiều hình thức thiết kế sân khấu vào từng vở diễn.

 

Trước kia từ carabộ đến vở Kim Vân Kiều chỉ là manh nha khuynh huớng cải lương trang trí tả thực, qua giai đoạn một có tả thực ảo giác, tả thực như thật. Sang giai đoạn hai có gì mới?, xét cho cùng các hình thức trang trí chưa vượt khỏi hai khuynh hướng ấy, nhưng đã xuất hiện nhiều cái mới. Mới trong trang trí cấu trúc sân khấu, hoá trang, phục trang… Sân khấu cải lương xưa không có hoá trang dưới dạng vẽ lông mày, vẽ mặt, nhưng từ năm 1926 trong vở diễn các diễn viên vẽ lông mày, vẽ mặt đến năm 1930 trở thành quy phạm sân khấu. Ban hát, đoàn hát to nhỏ, tất cả các nhân vật cổ hay đương đại phải vẽ lông mày, những loại kép vẽ mặt. Đây là cái mới trong hoá trang sân khấu cải lương. Vẽ hình dáng diện mạo bên ngoài, phản ánh tính cách bên trong nhân vật. Phục trang, các khuynh hướng cải lương mặc gần giống con người ngoài xã hội, đôi khi do các mốt thời thượng, hoặc kỳ hoá nhân vật, phục trang khác đi một chút. Nhiều ban hát diễn cải lương tuồng Tầu, nhân vật mặc như giặc cờ đen, chân quấn sà cạp đen trắng, trở thành mốt tướng, sĩ phục trang gần giống nhau. Những đoàn diễn cải lương tuồng Tây phục trang giống Tây… Phục trang các nhân vật, nhiều ban hát tỏ ra tự do, chưa theo đúng hiện thực lịch sử, chủ yếu tạo cái lạ, hoặc chạy theo mốt thời trang. Đây như một đặc tính cải lương, tới nay nhiều vở diễn còn phục trang theo những sở thích riêng, họ cho rằng tạo được ấn tượng hấp dẫn công chúng. Nhìn nhận sân khấu cải lương cần rộng lượng hơn, do đặc điểm là cải lương, nó không hiện thực hẳn, hoặc có khi là hiện thực như thật… Sân khấu cải lương không theo một khuôn mẫu nào, tính chân thực thể hiện ở tổng thể vở diễn, còn các chi tiết luôn là sự khác lạ vì thị hiếu công chúng.

 

Trang trí sân khấu cải lương khá thống nhất khuynh hướng lý luận theo đề xướng của Năm Châu, không phải thuyết lý của ông buộc mọi người chấp nhận mà ông nói đúng bản chất nghệ thuật cải lương. Những luận điểm ông nêu ra là thực tiễn sân khấu cải lương, theo quan niệm “thật phải đẹp, đẹp phải thật”. Nghệ thuật biểu diễn và mỹ thuật phục trang liên hệ với nhau, thể hiện đặc điểm nghệ thuật cải lương. Thật trong cái đẹp, đẹp trước sự thật. Mỹ thuật trang trí tả thực chiếm hầu hết các vở cải lương,một số khunh hướng khác tả thực và như thật, đó là đạo cụ như thật, biểu diễn có những màn lớp như thật. Mỹ thuật cải lương có các khuynh hướng:

 

-   Trang trí tả thực, năm 1918

-   Trang trí ước lệ 1930

-   Trang trí tả thực và như thật, năm 1936

 

Trang trí tả thực ở vẽ phong cảnh, tả thực chi tiết, tạo sân khấu ảo giác,

cảm giác thật. Trang trí ước lệ, về phong cảnh khái quát, đặc biệt các nhân vật vẽ my, vẽ mặt, trang phục… Trang trí tả thực như thật, kết hợp trang trí ngoại cảnh như thật, với cảnh thật như thật của các ban hát diễn cải lương có đánh đồ thật. Mỹ thuật phục trang, hoá trang từ năm 1935, hoàn hảo sân khấu dựa trên cấu trúc tổng thể biểu hiện cái thực, cái thật trong các khuynh hướng cải lương.         

 

II. Sự ra đời và phát triển cải lương Bắc

 

1.    Sự ra đời

 

Cải lương Bắc ra đời từ sự ảnh hưởng trào lưu cải lương Nam phát triển mạnh, tác động đến công chúng cái lạ, cái hay bắt chước làm theo dần dần ra đời cải lương Bắc. sự ảnh hưởng tiếp xúc đầu tiên qua đĩa hát cải lương Nam  ra Bắc năm 1919 – 1920, tạo lớp công chúng hiểu biết cải lương, tiếp theo những ban hát cara bộ Nam ra diễn, sau đó là các ban cải lương: Huỳnh Kỳ, Phứơc Hội, Phước Lập ban, Tân Lập, Nghĩa Hiệp ban… ra diễn tạo bầu không khí sôi động trong nhân dân mê hát cải lương. Cả Hà Nội náo nức bàn tán về cải lương, hâm mộ rạo rực của công chúng buộc các ban hát bội Hà Nội chuyển qua diễn cải lương. Phong trào diễn cải lương lên cao, tạo công ăn việc làm  cho nhiều nghệ sĩ cải lương Nam ra Bắc luyện tập cho diễn viên chèo, hát bội Hà Nội chuẩn bị diễn cải lương.

 

Sự chuẩn bị ra đời cải lương Bắc có thời gian dài: giới thiệu làm quen, tiếp nhận từ năm 1919, công chúng xem các đoàn Nam diễn Cara bộ. Năm 1920 xem đĩa hát, năm 1921 xem các đoàn cải lương Nam diễn. Năm 1925, sinh viên Nam bộ ra học Hà Nội  diễn cải lương. Năm 1925, các nhóm tài tử Hà Nội, Đồng ấu Quảng Lạc, tài tử phố Hàng Giấy, Lò Đúc… Đàn ca cải lương. Năm 1924, Nguyễn Đình Nghị diễn chèo cải lương tại Sán nhiên đài, năm 1926, nhóm Đồng ấu diễn cải lương rạp Quảng Lạc… Phong trào xem cải lương từ công chúng, phong trào diễn cải lương nghiệp dư, các ban hát Nam bộ ra Bắc diễn, đào tạo nghề cải lương cho diễn viên Bắc. Năm 1926, Hà Nội có các đoàn diễn cải lương, là điều kiện ra đời cải lương Bắc, cái nôi khai sinh cải lương Bắc ở Hà Nội. Tuy vậy, sự ra đời cải lương Bắc có hai giả thiết lập luận khác nhau:

 

- Theo một số nhà nghiên cứu cho rằng cải lương Bắc vào năm 1930 mới có các đoàn diễn tại các rạp Hà Nội và ngoại tỉnh.

- Theo ông Trần Quốc Vượng cuốn Lịch sử thủ đô Hà Nội, chủ biên Trần Huy liệu, Nhà xuất bản Sử học Hà Nội năm 1960, trang 147 – 148, cho rằng cải lương Hà Nội ra đời năm 1920 đến năm 1930 phát triển mạnh.

- Theo nhiều nghệ nhân và tác giả Ngọc Văn cho rằng: cải lương Hà Nội ra đời năm 1926, vở đầu tiên của nhóm Đồng ấu: Nhạc Vân thí võ Kim Đan Tử, Đêm 21-11-1926.

 

(2) Đêm 22-11, diễn vở Triệu Tử Long, ông ghi danh sách vở diễn với các

vai. Theo ông hai đêm diễn của họ rất thành công, công chúng Hà Thành nức lòng khen ngợi hát hay, múa đẹp…Qua những tư liệu đã dẫn, cải lương bắc ra đời năm 1926, từ năm 1926 đến năm 1930, giai đoạn phát triển cải lương các tỉnh phía Bắc.Năm 1945, cải lương Bắc hoàn chỉnh đội ngũ, diễn viên, tác giả và công chúng ………………………………………………………………………………          

2*.trích trang 19 – 20, nghệ thuật cải lương trên đất Bắc

yêu thích cải lương.

 

2.sự phát triển cải lương Bắc.

 

Nhóm Đồng ấu, do ông Sáu Cương, nguyên là kép cải lương Nam Bộ, sau khi nhóm Huỳnh Kỳ tan rã, ông ở lại làm kép chính diễn cải lương tuồng cổ tại rạp Quảng Lạc, ông đào tạo lớp học sinh Đồng ấu đầu tiên cho cải lương Hà Nội (theo Lệ Thanh kể). Nhóm Đồng ấu của ông diễn cải lương thành công tại rạp Quảng Lạc, liền được thu nhận vào rạp gọi là Đồng ấu Quảng Lạc.

 

 Nhóm Đồng ấu Quảng Lạc trở thành ban cải lương đầu tiên của cải lương Bắc diễn cải lương tuồng Việt, tuồng Tầu, gồm các vở: Sơn Hậu, Na Tra dóc thịt, Thí võ Lý Nguyên Bá… Những diễn viên của Đồng ấu: Quỳnh Tư, Kim Vân, Hai nghi, Nhật Thanh, Ngọc Văn, Văn Lộc, Phạm Dư, Vương Cẩm, Hồng Phấn, Mỹ ảnh. Năm Bày, Hồng Hiệp Nhật Thành… (theo tư liệu Ngọc Văn). Sau nhóm Đồng ấu Quảng Lạc trở thành trung tâm đào tạo diễn viên cải lương Bắc, hầu hết các diễn viên nổi tiếng sau này đào tạo từ các đoàn ở Nam ra, học tại các lớp Đồng ấu Quảng Lạc như Lệ Thanh, Ngọc Dư, Bích Hợp… Năm 1927, nghĩa hiệp ban, từ Nam ra Trung kỳ, đến Hà Nội diễn tại Quảng Lạc, có đào kép nổi danh: Năm Ty, Năm Ngời, Bảy Lục, Sáu Ná, Ba Vân, Sáu Lò, Tư bố, Ba trụ, Hai Ký. Sau đó Huỳnh Kỳ lại tăng cường diễn viên cho cải lương Hà Nội. Nữ tài sắc, ca hay, múa đẹp: Ba Xuân, Tứ Tý, Bảy Nhỏ, Hai Nữ, Ba Vinh…

Năm 1926 đến năm 1930, Hà Nội có các đoàn cải lương:

 

1.    Đồng ấu Quảng Lạc

2.    Nghĩa Hiệp ban (ở Nam ra)

3.    Ca kịch đoàn

4.    Càn Long hội

5.    S.Y.A.A.

6.    U.C.A.H

7.    Tân Thanh…

 

Chỉ sau bốn năm ra đời cải lương Bắc, Hà Nội có bảy đoàn luân phiên diễn cải lương tại các rạp, cải lương Bắc kỳ, Nam kỳ.

 

Các đoàn cải lương pha trộn diễn viên Nam – Bắc, đoàn kết một nhà xây dựng cải lương trên đất Bắc, một tình cảm nghệ sĩ và máu thịt của người dân Việt. Đó là bằng chứng lịch sử cảm động về tình cảm Nam Bắc con dân một nước, chung lo xây dung cải lương. Bảy ban hát và sự lưu diễn của các đoàn cải lương Nam tới Hà Nội, con số này không cao so với Sài Gòn, nhưng nhìn lại cải lương Bắc lần đầu tiên có bảy đoàn là khá cao. Từ bảy đoàn Hà Nội, một số tỉnh phía Bắc có các đoàn cải lương tiếp tục ra đời từ sự ảnh hưởng của hai dòng cải lương: Cải lương Nam, Cải lương Hà Nội tạo thành sự phát triển cải lương các tỉnh phía Bắc.

 

3. Cải  lương Bắc giai đoạn 1930 - 1945

 

Cải lương Bắc sau quá trình tích luỹ ra đời các lối hát cải lương tại Hà Nội, thành phong trào xem cải lương ảnh hưởng khắp các tỉnh phía Bắc.Các đoàn cải lương Nam, cải lương Bắc ra diễn ở các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh…để lại những ấn tượng dẫn đến sự phát triển cải lương ở các tỉnh. Từ bảy đoàn ở Hà Nội, gần đến năm 1930, nhiều ban hát diễn vở mới còn đề quảng cáo cải lương Nam kỳ, sau những hình thức phân biệt này bị bỏ quên, chỉ còn biển hiệu diễn cải lương.

 

Nghệ thuật cải lương trở thành di sản chung của công chúng, bởi sự phát triển mạnh cải lương Bắc, có các ban hát, tác giả, diễn viên, công chúng tạo dựng phong cách cải lương.

 

Năm 1930, phủ Lạng Thương, có đoàn cải lương tuồng cổ Vinh Quang

diễn viên: Ánh Tuyết, Thuý Mùi, Ngọc Loan, ông diễn cải lương tuồng cổ tại thị xã phủ Lạng Thương, lúc hợp, lúc tan, đến năm 1960 mới tan rã.

 

Năm 1931, tới Lạng Sơn đoàn cải lương của Văn Được khai trương tên là: Tân Việt, đoàn có nhiều diễn viên nổi tiếng xứ Bắc như Sác lốt Thọ, Ba sướng, Hai Thương, Ba Hiển Sáu kình, Văn Mầu, nữ có Bảy Tuyền, Yến Nga, Ba Sánh…Đoàn diễn các vở: Lục vân tiên, Bội phu qủa báo, Khúc oan vô lượng…

 

Năm 1932, ông Trần Phềnh họa sĩ, lập đoàn hồ Quảng diễn cải lương Triều Quảng, công chúng hâm mộ, đặc biệt xem cảnh trí lộng lẫy, vẽ tả thực lung linh, công chúng gọi là: Cải lương Trần Phềnh. Đoàn có soạn giả, thường dạy cải lương đoàn Bá Chính. Ông là người kèm dạy Lệ Thanh từ bé và nhiều nghệ sĩ danh tiếng cải lương Bắc. Diễn viên có: Bá Quyền, Văn Bắc, Hồng Kỳ, Nguyễn thiện… Đào Khánh Hợi, Thu Nhi, Ngọc Oanh, Kim Tước …Đoàn diễn các vở: Thánh mẫu thượng ngàn, Cảnh làm dâu, Thần công lý, Tam hoàng tử tranh hôn, Lã Bố Điêu Thuyền…của Đoàn Bá Chính. Đặc biệt Trần Phềnh là hoạ sĩ thiết kế trang phục, đạo cụ, sân khấu, sáng tác nhạc cho từng vở diễn, có những bài ca riêng cho các nhân vật.

 

Năm 1934, đoàn cải lương Hiệp Thành ra mắt công chúng tại rạp Sán nhiên đài, lúc ấy đổi tên là rạp Hiệp Thành. Rạp Hiệp Thành và các đoàn cải lương Hiệp Thành do ông Trương Văn Tố làm chủ, đặt tên đoàn cải lương Hiệp Thành bởi có đội ngũ diễn viên Nam Bắc hợp thành nhiều diễn viên nổi tiếng: Tư Cao, Hải Tùng, Tư Chơi Sáu Hải, Năm Út, Tư Vĩnh, Sáu Kình, Thọ An, Bảy Hậu, Hoan Lạc, Sáu Thảo, Si Mông (hề), Năm Vi (hề)…Đào: kim Thoa, Đào Mão, Thuý Nga, Hồng phấn, Hai Thung, Cẩm Tú,…Đoàn diễn các loại cải lương tuồng cổ truyền thống, đương đại. Một số vở kịch tây chuyển thể cải lương.

 

Năm 1935, ông Bửu Long (Long Bưởi) lập đoàn cải lương Quảng Lạc có các diễn viên: Đào Mộng Long, Tư An, Ba Thâu, Huỳnh Kỳ, Sĩ Tiến, Văn Bảy, Hai Em, Bảy Cư, Sáu Đào, Văn Mầu,… Diễn viên nữ: Bẩy Cồng, Lý Nương, Bạch Hường, Tường Vi, Ba Liên, Hồng Liên, Mỹ ảnh… Rạp Quảng Lạc mới hội tụ sân khấu tuồng Bắc, nay chuyển sang diễn cải lương Triều Quảng.

 

Tại Hải Phòng đầu năm 1935, đoàn cải lương ứng Lập công diễn ở rạp Sông Cấm, sau đó diễn ra các tỉnh: Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh…có một số vở cải lương tuồng Phật; Thánh mẫu thượng ngàn, Phật nhập niết bàn…

 

Từ năm 1930 đến năm 1935, cải lương Bắc diễn các loại: Cải lương Triều Quảng, cải lương xã hội, tuồng tây, tuồng phật.

 

Năm 1934, Đoàn Cải Lương Ái Liên công diễn tại Hà Nội, có các nghệ sĩ: Ái Liên, Hồng Hiệp, Hồng Liên, Lan Phương, Đào Mộng Long, Hoàng Bách, Tư Sinh, Quốc Dũng, Thọ An… diễn cải lương đương đại, có một số cải lương mang tinh thần cách mạng. Bà Ái Liên là người đầu tiên ở ngoài Bắc hưởng ứng phong trào tân nhạc từ năm 1930, hát những bài lời ta điệu Tây, những bản nhạc Hồng Kông, Pháp… thu đĩa được công chúng hâm mộ. Sau này vào đoàn cải lương bà tiếp tục hát nhạc cải cách và sáng tác một số vở cải lương cách mạng.

 

Hà Nội còn có đoàn Đồng ấu, Nhật Tân, Quảng Lạc năm 1935, 1936, nghệ sĩ Lệ Thanh, Ngọc Dư, Bích Hợp… vào nghề trưởng thành từ đây.

 

Năm 1937, đoàn cải lương Quảng Thành công diễn tại phố Bạch Mai, nay là Nhà Văn hoá Quận Hai Bà, diễn viên: Tư Hiền , Nhật Thanh, Hồng Ngọc, Sác Lốt Miều (hề), Ngọc Danh, Mỹ ảnh, Kim Vân, Bạch Tri,…Đoàn có diễn viên tuồng, cải lương, chèo, điện ảnh, nhưng đoàn thường diễn cải lương tuồng cổ.

 

Tại Nam Định, ông Trần Thành ra mắt đoàn cải lương Bình Minh, nay là rạp Bình Minh tại thành phố Nam Định năm 1937. Đoàn có các diễn viên: Trần Thịnh, Ba lý, Ba Bái, Thành An, Ba tri… diễn chèo cải lương các vở: Lưu Bình Dương Lễ, Tống Trân Cúc Hoa…

 

Tại Nam Định còn đoàn Long Thịnh, ra đời năm 1938, diễn viên: Kim Liên, Thanh Hải, Cẩm Thuý, Ngọc Toàn, Văn Lộc… diễn cải lương tuồng cổ.

 

Năm 1938(3), nghệ sĩ Mười Bửu lập gánh Hồng nhật, diễn viên có: Ba Sáng, Bảy Thương, Tư Ban, Sĩ Hoàng, Sáu Đào, Ba Chức. Các diễn viên nữ: Kim Chi, Hồng Liên. Đoàn Hồng Nhật… diễn vào Ninh Bình, Thanh Hoá, Vinh, sang Lào… Cải lương Bắc có sức ảnh hưởng đến mọi miền đất nước.

 

Năm 1938, đoàn cải lương Đồng ấu Quốc hoa ban, các diễn viên: Lệ Thanh, Ngọc Dư, Bích Hợp, Bạch Yến, Bích Được, Quỳnh Nga, Mộng Dần, Tuấn Sửu, Ba Thiềng, Giang Long, Hề cò, Tư Ban, Bích Lộc… Đoàn diễn các vở cải lương xã hội như Trang tử cổ bồn, Mỵ Châu Trọng Thuỷ…

 

Tại Hà Nội còn đoàn Tùng Châu, các diễn viên: Huỳnh Thái, Hồng Hiệp, Thái An, Mộng Dung… Đoàn diễn cải lương tuồng cổ, dựng lại những vở cổ, sau một năm tan rã.

 

Năm 1939, (theo ngọc Văn), tại Nghệ An, Đoàn Hồng thanh ra mắt công chúng, có diễn viên: Ngọc Thanh, Ba Chi, Hề Núi, Thanh Thảo,Kim Thụ… diễn tuồng, chèo, cải lương. Sau đó thêm đoàn đồng tử âu ca, Đồng ấu. Hai đoàn chuyên diễn cải lương có nghệ sĩ ái Sơn, Hề Thịnh…. Các Đào: Ngọc Trai, Ngọc Vân, Băng Tâm, Lệ Bình, Lệ Tình… Diễn các vở: Hai bàn tay máu, Chiếc ngai vàng, Con thú dữ, Vì nước của ái Sơn.

Cải lương Bắc sau năm 1930, xuất hiện những vở cải lương yêu nước, đó là sự ảnh hưởng phong trào đâú tranh cách mạng tác động đến văn nghệ sĩ, diễn viên. Khơi dậy lòng tự hào cho công chúng. Vào những cải lương phát triển mạnh, hàng chục đoàn cải lương từ Nam ra Bắc diễn như: ánh Ngọc, Tân Thinh, Việt Kịch năm châu, Phụng hảo, Hồng nhật, Phi phụng, Trần Đắc, Phước Cương, Tân hồng ban, Nhạn trắng… Những đoàn cải lương Nam ra diễn trên đất Bắc, tạo công chúng và truyền nghề vững mạnh cho cải lương Bắc.

 

Cải lương Bắc từ năm 1930 đến năm 1945, tại Hà Nội có 18 đoàn, 4 đoàn đồng ấu, tại các tỉnh có từ hai đến bốn đoàn như Nam Định, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Hải Phòng…Tổng số đoàn cải lương có 32 đoàn cải lương. Tuy nhiên, những đoàn này hợp tan bất ổn, sau năm 1945 tan rã gần hết. Một số đoàn chạy ra kháng chiến, hội đô ở liên khu III Thanh Hoá, số còn lại ở Hà Nội. Sau năm 1945, Hà Nội còn hai đoàn Kim Chung, Chuông Vàng, Thanh Hoá còn bốn đoàn.

...............................................................................................................................

3* Trích trang 90, Nghệ thuật cải lương trên đất Bắc

của ngọc văn - Viện sân khấu - Trường Sân Khấu Điện Ảnh: 2000

 

Cải lương Bắc còn tám đoàn trên khắp các tỉnh miền Bắc, Sau năm 1945, cải lương Bắc chia thành hai ranh giới: cải lương cách mạng kháng chiến, diễn những vở lịch sử, dân gian, một số vở đương đại phục vụ lớp người mới. Cải lương vùng tạm chiếm diễn cải lương tuồng cổ, kiếm hiệp, hương sa, cải lương tình cảm xã hội. Những câu chuyện tình lãng mạng, cải lương thương mại. Cải lương Bắc qua ba giai đoạn hình thành - ra đời - phát triển, ra đời các đoàn cải lương có khuynh hướng phong cách riêng. Qua từng giai đoạn lớn mạnh, có đội ngũ tác giả, diễn viên, công chúng số đông hưởng ứng. Đội ngũ tác giả đầu tiên của cải lương Bắc như: Đoàn Bá Quyền, Nguyễn Đăng Phong, Đoàn Bá Chính, Phạm Công Bình, Phạm Ngọc Khôi, Ngọc Văn, Sĩ Tiến, Vũ Đào, ái Sơn, ái Liên (diễn viên)… Số tác giả cải lương Bắc không đông, nhưng đủ để có vở diễn cho một số đoàn tạo phong cách riêng. Tác giả cải lương Bắc xưa và hiện nay thường quá ít so với tác giả cả lương Nam, đây là một điểm yếu, cho thấy tác giả cải lương rất khó đào tạo, không như diễn viên.

 

Diễn viên cải lương Bắc có đội ngũ khá đông nhiều người nổi tiếng như: ánh Tuệ, Bích Thuận, Văn Thái, Mộng Lan, Lữ Nhàn, Lệ Sửu, Văn Mão, Tường Vi, Thuý Liễu, Lệ Mai, Hải Tí, Văn Thìn, Sĩ Thành, Tư Giã, Phan Ninh, ái Liên, Bích Được, Bích Hợp, Khánh Hợi, Ba Bí, Tám Ngân, Văn Khoa, Ba Thiện, Ngọc Văn, Văn Giáo, Sáu Phú, Hai Giò, Chín Sâm, Ba Nhung, Tư Kình, Tư Liên, Tư Tín, Hoa Ngân, Trung Cao, Hồng Ngọc, Sác Lốt Miều, Năm Vi, Văn Nhân, Bá Nghĩa, Văn Khoa, Ba Thiện, Ngọc Sắc, Tư Thản, Văn Đức, Vương Cần, Thanh Liên, Ben La Như Nhung, Bảy Cồng, Tư Đông, út Dân, Quỳnh Tư, Năm Bảy, Kim Vân, Kim Ngôn, Mỹ ảnh, Hồng Phấn, Kim Lộc, Hai Nghi, Đào Mộng Long, Hồng Hiệp, Vương Cẩm, Nhật Thanh, Đình Xuân, Lệ Thanh, Ngọc Dư, Anh Đệ, Tuấn Sửu, Tuấn Nghĩa, Kim Thoa, Kim Chung, Kim Xuân, Hồng Liên, Gia Kình, Văn Suý, Xuân ứng, Huỳnh Thái, Chính Phú, Năm Ngũ (chèo), Lê Hậu, Trần Mão, Văn Tý, Bé Thìn, Hề Thọ, Hề Thịnh, Ngọc Vân, Mỹ Duyên, Băng Tâm, Lệ Bình, Tư Sinh, Tùng Giang, Tư Hiền, Sỹ Cường, Thu Chung, Thuý Nga, Bích Liên, Ngọc Oanh… Số diễn viên có hàng trăm người rải trên hàng chục đoàn cải lương khắp các tỉnh miền Bắc. Cải lương Bắc phát triển vững mạnh, hình thành phong cách cải lương Bắc, mỗi giai đoạn có khuynh hướng riêng:

 

-     Năm 1926, ra đời cải lương Bắc, diễn cải lương xã hội

-     Năm 1930, cải lương lãng mạn

-     Năm 1932, cải lương Triều Quảng Trần Phềnh.

-     Năm 1938, cải lương tuồng Phật

-     Năm 1939, cải lương tuồng Tây

-     Năm 1940, cải lương yêu nước.

 

Cải lương Bắc, quá trình hình thành, phát triển giai đoạn 30 - 45 đã có những đoàn cải lương lớn, những nghệ sĩ, tác giả chuyên nghiệp, tạo dựng khuynh hướng phong cách cải lương Bắc.

 

3.1. Nghệ thuật diễn.

 

Nghệ thuật diễn cải lương Bắc xuất phát từ các thày tuồng Miền Nam ra Bắc như Sáu Cương, Tư Khôi, Mộng Vân, Năm Châu, Năm Cần Thơ… Sau đó, có các thày cải lương Bắc như Đoàn Bá Chính, Đoàn Bá Quyền, Trần Phềnh, Ngọc Văn, ái Sơn, Trần Thịnh… Những thày cải lương từ ba nguồn sang dạy: cải lương Nam, thày tuồng, thày chèo, chuyển sang dạy cải lương. Về cơ bản các thày học lối diễn cải lương tuồng cổ, cải lương đương đại từ cải lương Nam, biến hoá vào cải lương Bắc tạo hình thức ca diễn riêng.

 

Cải lương Bắc có nguồn gốc xuất sứ từ cải lương Nam, nên sau giai đoạn 1930 – 1945, cải lương Bắc diễn như bản sao cải lương Nam. Dù nghệ thuật diễn, ngôn từ, hành động, có khác đôi chút, cả trang phục… nhưng về cơ bản gần giống cải lương Nam. Các diễn viên ca bằng tiếng Nam, đó là điểm dễ nhận ra sự lặp lại cải lương Nam, dấu ấn này còn ảnh hưởng đến tên biệt danh các diễn viên như Ba Thiềng, Chín Sâu, Năm Vi… Đặt tên theo phong tục của các nghệ sĩ Nam Bộ. Tình trạng ca cải lương tiếng Nam chiếm hầu hết các diễn viên kéo dài đến năm 1990, cải lương Bắc mới chấm dứt ca diễn cải lương tiếng Nam, chuyển sang diễn cải lương tiếng Bắc. Nghệ thuật diễn cải lương Bắc, ảnh hưởng cải lương Nam, ảnh hưởng tuồng cổ, một số ảnh hưởng tuồng chèo. Sự ảnh hưởng ngôn từ, hành động vào cải lương Bắc từ tuồng, chèo, đây là phong cách riêng của cải lương Bắc. Phong cách pha trộn truyền thống vào cải lương Bắc, vào giai đoạn phát triển mạnh. Nghệ thuật diễn qua các bước biến đổi:

 

-     Bản sao cải lương Nam

-     Biến đổi ngôn ngữ hành động ca diễn.

-     Tạo phong cách riêng.

 

Nhiều nghệ sĩ biểu diễn cải lương Bắc, tạo phong cách ca diễn đưa chất dân ca Bắc Bộ, ngâm thơ, sa mạc, ru con… tạo phong cách cải lương Bắc hấp dẫn, mang đặc phẩm sân khấu vùng miền Bắc Bộ. Cải lương Bắc qua những giai đoạn phát triển, tạo chỗ đứng trong công chúng tồn tại, phát triển thành hình thức sân khấu đồng bằng Bắc Bộ.

 

3.2. Âm nhạc, mỹ thuật.

 

a. Âm nhạc.

 

Cải lương Bắc tái lập lại bước đi ban đầu của cải lương Nam, ra đời các ban nhạc tài tử phố Lò Đúc, Hàng Giấy, tài tử của Giáo Vân, những người chơi đàn tự do, Kim Sinh, Đinh Lạng, Nhạc Tấn… hoà tấu những bài bản tài tử Nam Bộ. Ngày ấy, họ coi là những người sành điệu, tiếp nhận những trào lưu âm nhạc mới lạ từ năm 1923,… dẫn đến sự ra đời các ban nhạc tài tử, ban hát cải lương tạo dựng lớp nhạc công đàn ca cải lương. Nếu nghệ thuật diễn gần như một bản sao của cải lương  Nam thì ca nhạc tài tử lại mang phong cách riêng, dù hoà tấu những bản nhạc tài tử Nam Bộ, nhưng những lối nhấn vuốt lại nghiêng về cung Bắc. Tổ chức dàn nhạc không theo biên chế từng ban tài tử mà theo nhóm có mõ, sênh tiền, song loan, phách… đây là sự khác biệt tài tử của cải lương Bắc.

 

Những dàn nhạc tài tử cải lương các ban hát cải lương Hà Nội thường sử dụng biên chế dàn nhạc: đàn thập lục (đàn chủ của dàn nhạc), đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tứ. Phương pháp hoà tấu: lục nổi, cò chìm, đàn Kìm giữ nhịp cho ca. Song loan, sênh tiền, phách… điểm nhịp để vào ca. Những nhạc công cải lương nổi tiếng: Trần Minh, Văn Ngọ, Minh Khanh, Xuân Đông, Ba Hưng, Văn Thập, , Đinh Lạng, Kim Sinh, Đình Long.... Năm 1936, cải lương Bắc có dàn tân nhạc trong ban hát của nghệ sĩ ái Liên chuyên đệm cho ca tân nhạc. Ca nhạc cải lương Bắc tạo cái riêng cấu trúc dàn nhạc, kỹ thuật hoà tấu, nội dung âm nhạc, năm 1930, xuất hiện sáng tác ca nhạc vào vở mới.

 

Năm 1932, Trần Phềnh sáng tác các điệu Hồ Quảng, nhạc Tầu vào cải lương, ngày ấy có mốt ca cải lương pha Quảng, hoặc hát bài tây thi pha Quảng nghe lạ tai hấp dẫn. Ban hát Trần Phềnh, thường có những bài Quảng do ông sáng tác như: Chiều Xuân, Trường hận, Hoài vọng… phần ca có hai phương pháp: ca bài bản cải lương, ca hơi Quảng, ca bài Quảng, hoặc pha hơi Quảng.Pha hơi Quảng trong bài bản cải lương ca nguyên bản bài bản sau chuyển qua nói lối ca hơi Quảng, hoặc trong một bài bản ca cải lương, giữa bài chuyển hơi cải lương sang ca hơi Quảng… Những vở cải lương tuồng Tầu ca nhiều hơi Quảng, bài Quảng, nhưng những vở tuồng Việt người ca chuyển hơi Quảng để được hoan nghênh. Cải lương Bắc, ca nhạc đầu tiên ca bài bản cải lương, tiếp đến ca hơi Quảng, sau năm 1933, còn đậm màu ca nhạc lãng mạng.Các ban diễn ca nhạc ảo não, sướt mướt như các vở: Tình Lan Điệp, Ai lau nước mắt cho cha… Năm 1935, ca tân nhạc những bài hát chào khán giả, nhảy van… là những ca khúc Pháp, Anh, Hồng Kông… Nhưng nghệ thuật ca chưa có lối ca tân cổ, thường cổ nhạc, tân nhạc là những mảng ca tách rời nhau. Kỹ thuật ca phát triển đa phong cách:

 

-   Ca cải lương

-   Ca Triều Quảng

-   Cải lương pha Quảng

-   Cải lương – Tân nhạc

 

Tổng thể ca nhạc cải lương, phát triển các hình thức ca, đặc biệt xuất hiện một số hình thức ca ngâm thơ, sa mạc, ru con, đọc kinh, ru kệ… vào cải lương. Ca nhạc cải lương Bắc có mầu sắc riêng phong cách đồng bằng Bắc Bộ, kỹ thuật ca mới vào nhạc cải lương, hấp dẫn có tính tân thời.

           

B. Mỹ thuật.

 

Mỹ thuật cải lương, từ năm 1930 đến năm 1945, phát triển theo khuynh hướng vở diễn, ảnh hưởng các hướng cải lương tuồng cổ, tuồng Tầu, tả thực và ước lệ của kịch nói. Các ban hát lớn tại Hà Nội có hoạ sĩ riêng, Sán nhiên đài, Đồng ấu Quảng Lạc. Đại Quốc hoa có hoạ sĩ Mộng Long, Mộng Goòng, Trọng Can… Phần lớn sân khấu trang trí tả thực vẽ cầu kỳ, chi tiết tranh thủy mặc, trang trí lộng lẫy, hoành tráng. mhững vở cải lương hát nhạc Tây có những lớp diễn cảnh thật, đồ thật… Các ban hát ảnh hưởng nhạc kịch opera Pháp, mở màn có lớp chào khán giả, đưa các đào kép hoá trang theo nhân vật đứng hát. Hoá trang vẽ my, vẽ mặt các nhân vật kép đỏ, kép rừng xanh, kép mặt trắng… Các đào vẽ my, hoá trang đậm theo nhân vật. Phục trang cải lương tuồng cổ, áo tay nước, đi hài, mũ lông chim,… tuỳ theo nhân vật. Trang phục, hoá trang theo hình mẫu các nhân vật có tính tả thực. Kép trang phục giống như tuồng cổ. Mỹ thuật cải lương Bắc tiến nhanh bởi kế thừa cải lương Nam, tuồng cổ sớm hoàn chỉnh phong cách, khuynh hướng. Mỹ thuật cải lương xưa, các hoạ sĩ một mình tự vẽ ma két, thực hành công phu, chi tiết tả thực như thật. Sân khấu mang tính hình thức, tìm mọi cách chinh phục khán giả, mỗi hình thức cố ý tìm  hình thức chiếm lĩnh công chúng.

 

Mỹ thuật cải lương Bắc các hoạ sĩ Mộng Long, Trần Phềnh, Mộng Goòng, Trọng Can… Mỹ thuật mới đầu mang theo trang trí tuồng cổ. Riêng cải lương Trần Phềnh trang trí theo tranh Tàu, sân khấu triều Quảng. Những vở cải lương đương đại trang trí tả thực. Người diễn viên tìm cách xâm nhập vào trái tim công chúng trở thành thần tượng của họ bằng ngoại hình, trang phục, hoá trang mang hình mẫu một nhân vật ấn tượng ngay khi bước ra sân khấu và quá trình diễn.Mỹ thuật sân khấu, mỗi ban hát, mỗi hoạ sĩ tạo ấn tượng riêng thành phong cách nhà hát, ấn tượng một vở diễn, làm nhiều người xen ngoài giọng ca, hình thức đẹp của một cô đào, một chàng kép hát, nhiều người còn mê chính cảnh trí của ban hát. Mỗi lần có vở diễn mới lại đến xem những cảnh sân khấu lộng lẫy, phục trang óng ánh kim tuyến, kim sa… Bằng mọi hình thức, dáng vẻ sân khấu cải lương chinh phục công chúng ngay hình thức bên ngoài, những vẻ đẹp đập vào mắt người xem. Sau đó là câu chuyện kịch ly kỳ, trắc trở, tình tiết éo le, bi luỵ, làm người xem luyến tiếc mãi một ban hát với tất cả ấn tượng bị khuất phục. Mỹ thuật cải lương, ngay cửa rạp nhìn lên mỗi vở mới vẽ quảng cáo cảnh trí, trưng ảnh những đào kép nổi tiếng hạng sao, siêu sao mà công chúng hâm mộ. Mỗi ban hát một hướng diễn cải lương trang trí theo phong cách riêng, cải lương Đồng ấu, Nhật tân ban chuyên hát những điệu Quảng Trần Phềnh, hoạ sĩ Trần Phềnh, trang trí đến mức ban cải lương Đồng ấu đổi thành tên gọi chung là cải lương Trần Phềnh. Tên hoạ sĩ thành tên ban hát, được công chúng đặt tên và suy tôn, là chuyện xưa nay không thể có trong bất cứ ban hát nào, đó là sự thành công cao. Mỹ thuật cải lương Bắc có các hướng:

 

-     Mỹ thuật cải lương tuồng cổ

-     Mỹ thuật tả thực

-     Mỹ thuật cải lương tuồng Tầu.

 

Mỹ thuật trang phục, hoá trang cải lương Bắc hoàn chỉnh từ khuynh hướng, phong cách theo quan niệm của mỗi ban hát, mục đích chinh phục công chúng bằng mọi hình thức nghệ thuật. đó là mục đích tồn tại, doanh thu của từng ban hát, nhưng phần nào lại nói lên sự trân trọng khán giả, đáp ứng thị hiếu, tìm cái khoái lạc trong nghệ thuật. Mọi hoạt động nổi bật của sân khấu cải lương vì mục đích doanh thu, nhưng lại thành công vì nghệ thuật. Mỗi giai đoạn cải lương Bắc, là từng bước trưởng thành nghệ thuật, phát triển cải lương với số lượng các ban hát, đội ngũ tác giả diễn viên, tác phẩm và công chúng.

 

 

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 3948
Ngày đăng: 04.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lịch sử cải lương 3 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 2 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 1 - Tuấn Giang
50 năm trong một liên hoan - Hiền Lương
Trò chuyện giữa Ea Sola và Hoa Hạ - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành .phần 1 - Nguyễn Ngọc Bạch
Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành .phần 2 và hết - Nguyễn Ngọc Bạch
Suy nghĩ về nhạc cải lương - Nguyễn Ngọc Bạch
Cải lương chi bảo: Bạch Tuyết - Thanh Hiệp
Nghệ sĩ Hồng Tuyết “Sân khấu là chổ đứng khán giả là niềm vui” - Võ Quê
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)