Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
685
116.609.650
 
Người đạp xe vào thành phố buổi sáng
Hoàng Ngọc Biên

Người đàn ông đạp chiếc xe cũ sơn màu lá cây xanh đi trên con đường gần nhất về thành phố. Chiếc xe đạp sơn màu lá cây xanh, nhưng vào giờ này của buổi sớm mai, không ai nhận ra được màu của nó. Người đàn ông thỉnh thoảng đưa mắt nhìn hai bên đường, nhưng chân ông vẫn tiếp tục đạp thật đều, không nhanh lắm, bởi vì ông không đủ sức, có lẽ thế, và chắc chắn ông không có ý để cho xe chạy chậm hơn nhịp đang bình thường của mình một tí nào. Con đường gần nhất xuống phố, con đường từ căn nhà nhỏ của ông ở trong một xóm xa nhất của một vùng ngoại ô xa nhất, phía mặt trời không mọc buổi sớm mai, đến một xưởng máy nằm ven trung tâm thành phố, là một quãng khá dài. Người đàn ông đạp thật đều, nét mặt bình thản cùng với toàn thân rung rung theo nhịp xe, nhưng trong bóng tối của rạng đông người ta không thể thấy được sự bình thản đó. Thành phố sáng đèn trước mặt ông có vẻ gần, một người không có kinh nghiệm những chuyến đi trong buổi rạng đông chắc hẳn phải tin như vậy. Bây giờ hai bên ông là những khu đất không khai khẩn, những vườn sâu bỏ hoang, ông chưa trông rõ được gì nhưng ngửi thấy mùi lá khô ẩm sương mai. Cơn gió mát cùng với tốc lực cố gắng thường ngày của chiếc xe cũ làm người đàn ông thấy hơi lạnh. Tiếng cót két của chiếc xe đạp, rất đều đặn, dường như không làm ông quan tâm. Quãng đường ngắn nhất này người đàn ông đã thuộc nằm lòng, quãng đường đầy những mu rùa ở khúc quanh rẽ về quận, những ổ gà trước chiếc cổng sắt lớn ngăn một khu vườn hoang, nhưng đạp xe trong bóng tối vào những buổi rạng đông tháng này, ông vẫn phải sụp xuống những ổ gà, vấp vào những mu rùa kia, và chiếc xe loạng choạng một hồi trước khi ông thu hết sức giữ được thăng bằng trở lại. Người đàn bà giờ này đã thức dậy, và trong gia đình đông con của bà, bà chỉ còn dịp đánh thức được có mỗi một thằng con sau cùng, những đứa lớn đã đi làm ăn xa. Người đàn ông mặc một chiếc áo xanh đã bạc màu, và người ta cũng không thấy được hết màu xanh cũ kia, vì bên ngoài ông còn khoác một chiếc áo len nhà binh có nhiều lỗ rách, rất ngắn. Vạt áo xanh bên trong thòng xuống hơn hai tấc, thỉnh thoảng bay dạt ra sau khi có cơn gió mạnh. Quần của ông không màu, hay đúng hơn là một màu khó định rõ. Mưa bắt đầu rơi. Ông lo lắng một hồi lâu, về đủ mọi thứ, một chỗ để đụt mưa chẳng hạn. Nhưng không phải mưa. Đó là sương buổi sáng, hay có thể là cảm tưởng của ông. Người đàn bà ra phía nhà sau, đưa tay mò mẫm trong bóng tối tìm hộp quẹt. Trước mặt người đàn ông là phía mặt trời mọc, nhưng vào giờ này mặt trời cũng chưa mọc, bởi vì sáng nay ông đã ra khỏi nhà trước buổi rạng đông, như thường lệ. Ông đã rón rén bước ra khỏi màn, đi chân không trong tối, lần ra phía nhà sau, mò mẫm tìm hộp quẹt. Ông đã rón rén nhẹ nhàng như thế cho đến khi ông đưa tay khép cánh cửa và dẫn bộ chiếc xe đạp ra đầu ngõ. Bây giờ ông đã bắt đầu tránh được những chỗ có mu rùa, hay ổ gà. Phía sau thành phố mà ánh đèn bắt đầu mờ dần, mặt trời đỏ như đã muốn báo hiệu ló dạng. Ông không còn đạp xe theo một đường thẳng nữa, thỉnh thoảng ông lái qua bên trái, hay bên phải, tay lái vừa lắc qua lại trả ngay về, động tác quen thuộc, thành thạo. Hai bên đường, cây cỏ trong các vườn bỏ hoang cuối cùng vừa hiện mù mờ một màu đỏ thẫm thì ông đã bắt đầu đi vào một xóm đông dân cư. Các khu nhà chung quanh cửa hãy còn đóng kín, xám đen dưới chân trời đang bắt đầu ửng hồng. Từ một vài chiếc cửa sổ nhỏ hắt ngang ra những ánh đèn vàng hiếm hoi, những vệt sáng nhợt nhạt kéo dài trên cả quãng đường vắng ngắt bắt đầu hẹp dần mà người đàn ông đang đi qua. Nhưng ông không có thì giờ để nhìn vào những sinh hoạt sớm bên trong. Ông tiếp tục đạp thật đều, không nhanh lắm. Người đàn bà đổ đầy một ấm nước rồi đặt gáo xuống, đem ấm vào đặt lên lò. Hơn tám lần sinh nở đã làm cho bà già hơn tuổi của mình. Người con trai sau cùng, người con còn lại, vẫn còn ngủ. Người đàn ông lủi xe lên lề, sát mặt tiền các căn nhà ngoài lộ, để tránh hai ngọn đèn pha vàng gắt của một chiếc xe nhà binh lớn đang vụt chạy tới. Trên xe, ông thoáng thấy những đầu người lố nhố, nhưng ông không có đủ thì giờ để nhìn xem họ có phải là quân đội hay không. Trong cái yên lặng buổi sớm mai của một vùng ngoại ô, tiếng còi xe nhà binh ré lên như một tiếng chửi mắng. Người đàn ông sợ hãi, biết rằng vì mình mà cả khu phố vừa phải giật mình thức giấc. Ông sợ hãi, nhưng nét sợ hãi cũng vội biến mất trên khuôn mặt rất mau bình thản trở lại. Hai năm trước, một người con gái của ông, người con độc nhất mà vợ chồng ông còn có thể cố gắng cho đi học, đã bị xe cán chết ở gần khu phố này. Bây giờ đã hai năm qua. Ông đạp xe trên cùng quãng đường, và những tiếng còi xe chát chúa nhiều lần đã làm ông chợt nhớ đến đứa con bất hạnh của mình. Ông cũng không có thì giờ để nghĩ lâu hơn. Những tiệm ăn đầu tiên bắt đầu hiện ra, với những ánh đèn sáng trắng nhợt nhạt, với những tiếng gọi nhau ồn ào. Ông đi ngang những xe hủ tiếu bốc khói, những gánh hàng rong đông người. Phía trước mặt ông là mặt trời, nhưng vào giờ này của buổi sớm mai mặt trời cũng chưa lên khỏi những mái nhà thấp nhất trong thành phố. Ông chỉ thấy một vùng đỏ tím, càng lên cao càng loãng dần, ở phía xa, và vô số những đèn đường lúc này hãy còn sáng, rọi xuống mặt đường vô số những vòm cây xám đen. Chiếc xe đạp cũ của ông đã dẫm qua những bóng cây xám đen đó không biết bao nhiêu lần, mỗi buổi sáng. Giờ này người vợ, cũng như ông, đang nhẹ nhàng khép cánh cửa gỗ, và gánh hàng đi ra đầu ngõ. Người con trai út vẫn còn ngủ, và mặt trời, ở phía thành phố, chưa ló dạng. Người đàn ông vẫn đạp xe trên con đường đưa đến nhà máy, hai bên phố các quán ăn đã bắt đầu nhiều hơn, và đông hơn, những tiếng gọi nhau cũng bắt đầu ồn ào hơn, pha lẫn với những tiếng còi xe đang inh ỏi và nóng nảy hơn. Ông đã thấy một chút mặt trời phía trước, hiện ra sau các mái nhà thấp nhất của thành phố. Nét mặt ông vẫn bình thản, nhưng không che giấu được sự thận trọng bắt đầu trong cách cầm tay lái của ông, trong cái nhìn. Nhiều lần ông đã thắng gấp trước các ngõ hẹp khi có một chiếc xe phóng vội ra, và cả những khi ông có cảm tưởng như vậy. Đi đến ngã ba đường, người đàn bà gánh hàng rẽ qua tay phải, vào một con lộ hẹp hơn, lởm chởm những đá xanh. Người đàn ông rẽ qua tay phải, mặt trời bây giờ đang ló dạng ở xa, bên tay trái của ông. Chiếc xe đạp cũ đã bắt đầu hiện rõ màu sắc. Đó là thứ sơn xanh lá cây rẻ tiền, sơn bằng cọ thường, và là lớp sơn lần thứ mấy mươi. Vành xe, cũng như tay lái và cản chắn bùn, được sơn cùng một thứ màu, tuy lớp sơn rõ ràng là có mỏng hơn. Người đàn ông đưa tay trái kéo chiếc áo len xuống, làm lớn hẳn những lỗ rách, và để lộ màu xanh đã phai của chiếc áo trong. Đến một ngã tư đèn vàng đang chớp nhanh, người đàn ông bóp chuông, nhưng vào giờ này của buổi sáng, tiếng chuông quá nhỏ của ông đã bị lấp mất giữa những tiếng động khác nhau trong khu phố nhỏ: tiếng động cơ xe, tiếng nhạc phát ra từ máy phát thanh ở các tiệm nước, tiếng rao hàng, tiếng người gọi nhau... Bên lề đường, ở một trạm xe nhỏ, một đám người, một đám những bóng người đang đứng đợi xe. Trong vùng tranh tối tranh sáng, họ như những người mặc đồng phục, màu da mặt lẫn với màu của áo quần, và trong một thoáng rất nhanh, người đàn ông nghĩ đến hai đứa con trai lớn của mình. Người đàn bà vừa bước vừa chạy dưới đôi gánh nặng, thản nhiên. Tuy vậy những khi chân dẫm lên những chỗ đá nhọn trên đường, bà không khỏi nhăn mặt xót xa. Trong thành phố, người ta đã thấy mặt trời. Các mặt tiền trên đường bắt đầu để lộ những nước sơn đủ màu, những bảng hiệu rực rỡ. Đèn đường dường như đã tắt mất từ lúc nào mà người đàn ông không kịp để ý. Có thể đồng một loạt, đèn đã tắt đúng vào lúc ông làm một cố gắng phi thường để bóp chuông thật lớn, hoặc đúng vào lúc ông đang nghĩ đến những người con trai lớn, đến người vợ giờ này đã gồng gánh lên đường. Chiếc xe đạp màu lá cây xanh bây giờ chen lấn giữa những thứ xe khác, di chuyển mỗi lúc một chậm hơn trên quãng đường sầm uất này. Tiếng cót két của chiếc xe, giữa những tiếng động mỗi lúc một hỗn độn và khó phân biệt hơn của buổi ban ngày trong thành phố, dường như cũng đã biến mất từ lúc nào. Người đàn ông vẫn bình thản đạp thật đều, giữa lớp khói và bụi. Da ông ngăm đen, sạm nắng, hai gò má cao và hóp không làm cho cả khuôn mặt gầy kia yếu đuối đi, trái lại. Ông đội một chiếc mũ nhà binh đã bạc màu, nhưng chưa rách. Ông giống như một người lính già bại trận, nhưng không đúng vậy, ông chưa bao giờ đi lính. Người đàn bà để gánh bên đường và ngồi xuống đất nghỉ. Mặt trời đang lên phía sau lưng bà, đỏ rực. Người đàn ông tiếp tục đạp xe giữa đường phố mỗi lúc một nhiều xe hơn. Ông rẽ sang tay trái, ở một ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Mặt trời rọi thẳng vào mặt ông, ông đưa tay trái sụp vành trước chiếc mũ nhà binh để che bớt nắng, kéo chiếc áo len xuống thật mạnh, không mục đích. Đây là đoạn đường cuối cùng của ông đến xưởng máy. Sinh hoạt ở khu phố chung quanh xưởng máy này quá nhanh, tốc độ của chiếc xe cũ và của chính người đàn ông luôn luôn làm rõ ràng và thảm thiết hơn cái cảm tưởng, cái tin tưởng bị lùi lại của ông. Ông nghĩ đến người đàn bà đã chung sống, đã hơn tám lần đẻ con cho ông, ông nghĩ đến căn nhà nhỏ ở trong một xóm xa nhất của một vùng ngoại ô xa nhất, đến những đứa con bây giờ đã có những phần số thật khác biệt, đến đoạn đường mà mỗi buổi sáng buổi chiều ông phải đi qua, đến những khu đất bỏ hoang hai bên con lộ vắng người, đến những cơn nắng gắt, những buổi trưa ở lại xưởng máy, những quán cơm xã hội, những tiệm nước bình dân... Những buổi sáng ra đi rất lâu trước khi mặt trời mọc, toàn thân rung rung trên chiếc xe đạp cũ đã mang nhiều lớp sơn khác nhau, qua những khu vườn bỏ trống, những thông hào xơ xác lá khô, những khu phố yên tĩnh xám ngắt dưới chân trời bắt đầu ửng hồng của buổi rạng đông, những nhà máy đen sì với những cột cao như sắp toả khói, những khu phố thương mại sầm uất nằm ven trung tâm thành phố, chung quanh xưởng máy, người đàn ông thường không khỏi nghĩ đến gia đình, đến những phần số thật khác biệt, thật thảm thương của những đứa con, đến người vợ gần mười năm nay đã chung lưng phấn đấu với ông, cho cái gia đình đông con của ông – cái gia đình mà lần lượt mỗi người con đã tự thấy cần phải bỏ đi xa, để sống. Người đàn ông nghĩ đến mọi thứ như vậy, nhưng nét mặt ông vẫn bình thản, chân vẫn đạp thật đều, càng đến gần xưởng máy xe dường như càng chậm hơn, hay chỉ là chính ông nghĩ như vậy. Người đàn bà bây giờ đang len lỏi giữa chỗ đông người, đưa gánh trước vạch một đường nhỏ để tìm đến một chỗ xa nhất trong góc chợ. Da bà ngăm đen, sạm nắng, hai gò má cao và hóp không làm cho cả khuôn mặt gầy kia yếu đuối đi, trái lại. Bà đội một miếng vải trắng trên đầu, thay cho miếng vải sọc vuông cũ của bà: có lẽ bà đang muốn cứ vẫn để tang cho người con trai lớn vừa tử trận? Bà mặc một chiếc áo dài đen, nhưng sẽ không ai thấy được đó là màu đen, bởi vì áo đã bạc màu. Người đàn ông xuống xe trước cổng xưởng máy, dẫn bộ về phía lối đi nhỏ bên trái.

 

Người đàn ông ngồi trước một chiếc bàn tròn, trên mặt bàn lợp tôn là ly nước trà đá của ông. Những gì vừa xảy ra trong nhà máy sáng nay đã vượt qua sức ông, ông không bình thản được. Miếng bánh mì nhét đầy những thứ gì như là thịt cầm trên tay vẫn còn nguyên. Chiếc mũ nhà binh nằm trên đầu gối, che vừa chỗ rách đã được vá lại tuần trước. Chung quanh ông, trong tiệm nước nhỏ, là những người cùng làm trong nhà máy, những công nhân. Người đàn ông thỉnh thoảng nhìn họ với những tia nhìn thân mến nhưng sợ hãi, và quả thực ông đã không giấu được nỗi sợ hãi. Những gì vừa xảy ra trong nhà máy sáng nay... Người đàn bà giờ này đang sửa soạn ra về, phiên chợ mỗi lúc một thưa dần, và mặt trời đã đứng bóng. Người đàn ông không đủ can đảm để nói chuyện với những người cùng làm trong nhà máy, ông sợ phải nói lên một điều gì mà ông biết chắc là không phải. Ngoài đường, xe cộ qua lại như có thưa dần, nhưng ông không để ý đến điều này. Khi còi hụ mười hai giờ, ông thấy mọi người đứng lên, kéo nhau ra cổng nhà máy, chia nhau rải rác vào các tiệm ăn bình dân, và ông đã đứng lên thờ thẫn đi theo họ, vì ông không đủ can đảm... Chung quanh ông, mọi người đang bàn tán về vụ đình công, đang phản đối, đang bênh vực, đang cãi nhau và cười đùa. Ông không thể có can đảm hơn, bởi vì sáng nay, lần đầu tiên trong đời, ông đã làm một việc quá sức mình, ông đã can đảm một lần, đến ngồi chung với anh em trên những bực thềm của toà nhà lớn trong xưởng. Ông đã bị đặt trước một việc quá khó xử, bởi vì ông còn có một mái nhà phải giữ cho khỏi sụp, một gia đình phải nuôi sống, đặc biệt là đứa con trai sau cùng, đứa con còn lại trong tám lần sinh nở của vợ ông – đứa con mà ông không đành bỏ cho chết trận, như những đứa khác. Những lời nói của một số người ông quen biết sáng nay đã có lần an ủi ông, thuyết phục ông, nhưng những lúc ngồi riêng như thế này, những lúc ông chỉ thấy có mỗi cái hình ảnh cơ cực của những ngày làm ăn vất vả của vợ chồng ông, ông thấy khổ sở, lo âu, như sắp mất đi một cái gì không sao lấy lại được. Ông nhớ đến những buổi chiều tan sở, đến cảnh tượng những con người mệt nhoài, những công nhân bạn bè ông, chen nhau đi tìm những chiếc xe cũ của mình để về nhà. Ông nhớ lại những khu phố nhộn nhịp, những tiệm ăn chói nắng, những con đường in vô số những bóng cây nằm ngang mà chiếc xe đạp cũ sơn màu lá cây xanh của ông đã dẫm lên không biết bao nhiêu lần, mỗi buổi chiều. Ông nhớ lại con đường mòn ở khu phố vắng vẻ, những nhà máy nhuộm vàng mặt trời chiều với những cột khói cao, ông nhớ lại những khu vườn hoang và mùi cỏ khô hai bên đường, những cơn mưa thường đột ngột đổ xuống vào giờ này của buổi chiều, và ánh mặt trời chiếu ngay vào mặt ông, những ngày trời nắng. Người đàn bà vừa bước vừa chạy dưới đôi gánh không, thản nhiên, trên con đường gần nhất về nhà. Mặt trời hơi nghiêng về phía tây, bóng người đàn bà rất ngắn, với đôi gánh, di động dưới đất, bên tay trái bà ta. Người đàn ông nhìn những đồng nghiệp đang lần lượt đứng dậy, chậm rãi đi về phía cổng nhà máy. Chiếc mũ của ông vẫn nằm yên trên đầu gối, đủ che mảnh vải vừa được đắp lên. Ông cố để khỏi có một vẻ buồn rầu, nhưng đến độ này của nỗi lo âu, ông không làm sao che giấu nổi. Phía trước ông, trên mặt hè phố, nắng in bóng cây dài gần hai thước tây, ông tính nhẩm giờ khắc, và cố tưởng tượng những gì sắp xảy ra. Ông ngạc nhiên nhớ lại sáng nay đã nhìn thấy những bộ mặt hân hoan ngồi bên cạnh ông, trên bực thềm cuối của toà nhà lớn trong xưởng máy, những người trẻ. Ông không tin là mình không hiểu gì, thế mà ông dường như đã không hiểu gì. Bởi vì ông đã đến với họ, với anh em, với nỗi chết trong lòng. Những cơn mưa thỉnh thoảng bắt gặp trên đường về nhà, ở quãng trước những khu vườn bỏ hoang, với những cổng rào sắt kiên cố, những lần xe nổ lốp phải về nhà muộn, qua những quãng đường vắng và lạnh, khi mặt trời đã tắt hẳn, với chiếc bụng đói... bây giờ đối với ông thực là chẳng có gì phiền phức. Các công nhân nhà máy lần lượt trở vào bên trong cổng, các tiệm ăn bình dân thưa dần, đang sửa soạn đóng cửa. Người đàn ông uể oải đứng dậy và bước qua đường. Phía bên kia hàng rào sắt, trên những bực thềm của toà nhà lớn, nhiều người đã trở về ngồi, có người vừa nói vừa hăng say múa tay múa chân, những lời nói mà đứng ở đây ông không nghe được. Họ đông quá, có thể phần lớn họ không biết mặt ông, không biết ông là ai – dù ông có đến với họ hay không, một lần nữa. Ông tiến sát vào cổng sắt, đi qua cánh cửa nhỏ bên trái, và nhìn vào. Ông thấy mình bỗng dưng hoà hoãn, nhỏ thó, không đáng kể. Ông đã muốn bỏ cuộc, nhưng ông không muốn bỏ cuộc. Người đàn bà rẽ qua tay phải, đi vào một ngõ hẹp, trong một xóm xa nhất của một vùng ngoại ô xa nhất, hai bên bà là những mặt tiền đối diện thật gần, thật sát nhau. Mặt trời chênh chếch in bóng của bà dài ra phía trước, với chiếc khăn đội đầu, với những gồng gánh. Người đàn ông thờ thẫn nhìn vào bên trong nhà máy, trên sân cỏ, trên các bực thềm. Ông đã định sẽ không đến với họ, những người thân yêu, những người gần gũi với ông, nhưng ông đã đến. Bây giờ ông tiến lại thật gần cánh cửa nhỏ bên trái, và đưa bàn tay hãy còn cầm miếng bánh mì chưa ăn đẩy cửa bước vào. Ông thản nhiên đi lại phía sân cỏ, hay ông cố làm ra vẻ thản nhiên như vậy, trong khi đầu óc ông quay cuồng những ý nghĩ thô sơ hơn, giản dị hơn, với hình ảnh căn nhà nhỏ của ông, hình ảnh những đứa con trai lớn đã chết trận, những đứa khác đã phải bỏ nhà đi làm ăn xa, đứa con gái đã chết trên con đường đi vào thành phố, và thằng con út, đứa còn lại, mà ông không đành để chết trận nữa. Mặt trời bây giờ in bóng toà nhà lớn nhất của xưởng máy lên hơn nửa sân cỏ, ông đến ngồi ở hàng sau cùng, chỗ bóng mát chưa lan tới. Trước mặt ông là những hàng dài các công nhân, họ ngồi đối diện với những công nhân khác, nghĩa là đối diện với các bực thềm toà nhà lớn nhất. Ông đến ngồi ở đó, cùng với họ, những người không chịu làm việc nữa, nhưng ông không như họ, ông biết vậy, bởi vì ông không làm sao giấu nổi sự lo âu của mình.

 

Bây giờ thì mặt trời xuống thấp, in bóng cả toà nhà lên khắp sân cỏ, người đàn ông vừa ăn xong miếng bánh mì. Chung quanh ông những mẩu đối thoại mỗi lúc một lớn hơn, mỗi lúc người ta một hăng say hơn trong câu chuyện của mình, những câu chuyện thật riêng tư, thật khác biệt, có vẻ như vậy. Bên ngoài vòng rào, xe cộ đã bắt đầu qua lại tấp nập hơn, và trên các vỉa hè, bộ hành cũng bắt đầu đông đảo hơn, giữa lớp khói và bụi. Trước mặt ông, những cánh cửa cao phía mặt tiền toà nhà – sau lưng những người ngồi đông đảo trên các bực thềm và đang bắt đầu có những cử chỉ mạnh hơn, cùng với những lời nói mà ngồi ở đây ông không sao nghe được – vẫn khép kín. Có người bảo với ông, hay chính ông nghe họ bảo với nhau, là cuộc đình công sẽ thất bại. Những người khác hy vọng sẽ có thay đổi, tuy cho đến bây giờ những cánh cửa kia vẫn chưa có ai mở ra. Người đàn bà đổ nước vào nồi gạo vừa vo xong rồi đặt lên lò. Bà nhìn ra bóng mái nhà in trên ngõ hẻm, có lẽ để xem chừng giờ giấc. Người đàn ông muốn tìm một người quen nhiều để hỏi han, nhưng đến giờ này của ngày đình công, trong một xưởng máy quá lớn, mà ông chỉ là một lao công quá nhỏ, ông không làm sao tìm ai được. Ông nhìn bãi cỏ lúc nhúc những đầu người, nhìn những bực thềm đã bị choán hết chỗ, nhìn toà nhà lớn và những toà nhà khác trong xưởng máy, và ông có cảm tưởng lo âu như sắp đánh mất một cái gì, một cái gì mà ông vẫn bấu víu vào để sống đến ngày nay. Ông không tìm thấy ai, và mặt trời thì sắp lặn mất, sau những mái nhà thấp nhất của thành phố. Một cơn gió dường như đang thổi tới, trước khi ông có cảm tưởng một cơn mưa sắp đổ xuống trên thành phố này. Không có cơn gió nào đang thổi tới, đó là sự chờ đợi.

 

Khi người đàn ông đạp chiếc xe đạp cũ sơn màu lá cây xanh đến quãng đường trước các khu vườn bỏ hoang, thì cơn mưa chiều bắt đầu đổ xuống, nhưng ở đây mặt trời vẫn tiếp tục chiếu thẳng vào ông./.

 

(Trình Bầy số 12&13 Xuân Tân Hợi 1971). Bản Ấn Thư Quán

 

 

Hoàng Ngọc Biên
Số lần đọc: 1422
Ngày đăng: 11.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phố Núi, Những Ngày Mưa… - Mang Viên Long
Hôn bàn chân em lạnh ngắt - Lưu Thuỷ Hương
Giấc ngủ - Duy Thanh
Đám mổ bò - Phạm Lưu Vũ
tạp truyện (chuyện) Cali - Nam Dao
Đá Thì Không Có Mùi Vị - Vương Hà
Hương Dủ Dẻ - Tiêu Đình
Câu Chuyện Tháng Bảy - Nguyễn Hồng Nhung
Mờ Ảo Thời Thơ Dại - Lê Văn Thiện
Phiên Tòa - Kinh Dương Vương
Cùng một tác giả